Tác giả-tác phẩm
Chiếc áo choàng nhẹ nhõm đến nhường kia
10:58 | 15/10/2008
NGUYỄN QUANG HÀ(Đọc Từ đá vắt ra  của Trần Sĩ Tuấn)Chiếc áo choàng mà tác giả nói ở đây là chiếc áo blouse trắng của người thầy thuốc. Tác giả là bác sĩ. Chắc anh đang làm thơ về nghề nghiệp của mình.Trong đời có bốn bậc thầy được nhân dân ngưỡng mộ: Thầy thuốc chữa bệnh, thầy giáo dạy học, thầy cúng, thầy phù thủy cùng dân tìm cõi tâm linh.
Chiếc áo choàng nhẹ nhõm đến nhường kia

Tôi muốn được lắng nghe Trần Sĩ Tuấn nói về nghề vinh quang của mình. Song, đọc tiếp câu thơ sau tôi bỗng khựng lại: “Chiếc áo choàng nhẹ nhõm nhường kia/ Mà có lúc tưởng chừng không mang nổi” (Trước nỗi đau của mẹ). Nghĩa đen của câu thơ là với sức vóc đàn ông của Tuấn đã không mang nổi chiếc áo trắng thầy thuốc nặng chưa đầy một cân. Câu thơ cứ bắt người đọc tò mò. Đây rồi: “Bà mẹ nghèo run rẩy nắm tay tôi/ Xin bác sĩ hãy cứu nhân độ thế”.
Đang cùng tác giả không thể cầm lòng được trước người mẹ nghèo, tôi bỗng như nghe được nhịp tim đau nhói của bác sĩ khi anh phải chứng kiến: “Ở đây cũng có chuyện buồn phiền/ Khi đồng tiền lăn tròn trên lương tâm thầy thuốc”. Tôi đã hiểu ra vì sao chiếc blouse nặng đến thế. Tôi đau cùng anh, song cũng mừng cho anh, con ma quái của cơ chế đã ập vào đến tận chỗ của tình thương, cưu người chẳng là tình thương đó sao, vậy mà anh chưa bị vướng vào, vẫn tránh được. Dính vào rồi, ăn xôi chùa ngọng miệng, há miệng mắc quai làm sao còn nói được.

Là nhà thơ, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn không chỉ có nỗi đau nghề nghiệp, mà anh còn thấm nỗi đau đồng loại. Làm người, là nhà thơ nên anh đã cảm được nỗi đau này: “Mở mắt/ Em bé rách rưới/ Chìa bàn tay bơ vơ” (Uống cà phê). Ngụm cà phê đang uống n
a chừng, bỗng nhà thơ cảm thấy “Vị đắng tan vào lưỡi”. Nỗi đau đời đã thành nỗi đau của riêng mình, nếu không thể làm sao anh thấy mình bơ vơ: “Một mình chạy ra ngoài phố/ Đi tìm chẳng biết tìm ai”. Anh cô đơn đến nỗi: “Người ta nắm tay nhau cho ấm lại/ Anh đưa tay kia chạm phải tay này”. Tôi như đang nhìn thấy anh bơ vơ trước mặt: “Anh ngồi uống hết cả buồn say”.

Nói đến nhà thơ là nói đến nỗi cô đơn. Cô đơn giống như lẽ sống của nhà thơ vậy. Chính cô đơn giúp nhà thơ nhận biết, giúp nhà thơ chiêm nghiệm cuộc đời. Phải thấu về cái đau, thấu về nỗi cô đơn, nên anh đã rút ruột ra để mà tả: “Trong cơn mưa đầu mùa/ Cùng em đi thăm Văn Điển/ Chợt ngộ ra tưởng điều đơn giản/ Rằng cõi thiêng cũng phân biệt sang hèn” (Nhớ Hà Nội). Không là thi sĩ của nhân dân, không nhân văn, không từng trải để nhức nhối với đời, chắc chắn Trần Sĩ Tuấn không thể có những câu thơ đời đến vậy.
Càng thấm thía nỗi đau càng chan chứa tình yêu. Cũng viết về những địa điểm có địa chỉ nhưng khi nói về quê hương, thơ Trần Sĩ Tuấn chứa chan tình người: “Có một quê hương trong đĩa rau má luộc/ Năm tháng nghèo tôm cá cũng biệt tăm/ Có những quê hương trong mái rơm rạ/ Những đêm đông ấm chỗ mẹ nằm” (Quê hương).

“Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết vậy. Trần Sĩ Tuấn yêu từng nét cụ thể của quê hương, nói ra ai cũng thấy ngay. Tình yêu quê hương dẫn đến tình yêu con người. Con người cụ thể là tình yêu lứa đôi. Thơ tình của Trần Sĩ Tuấn cũng được mổ xẻ một cách tài hoa: “Xin em đừng khóc/ Mưa gió ở ngoài trời/ Giông bão tiếng em nấc/ Anh biết trú vào đâu” (Hối lỗi). Ngay cả lúc bão tố nhất, Trần Sĩ Tuấn vẫn bình tĩnh đến lạ lùng: “Trước mắt anh là bão tố cuộc đời/ Sau lưng là nỗi đau mất mát/ Giông bão xô đẩy anh, còn em thì lạnh nhạt/ Một mình anh nóng lạnh ở hai đầu” (Thay lời từ biệt).
Không bản lĩnh không thể rạch ròi như vậy được. Cũng như anh không hề tránh né trước dối trá của tình yêu. Nhà thơ rạch ròi chứ không để ngon ngọt làm rối lòng: “Anh trao em cả trái tim mình/ .../ Đừng bao giờ cả tin đến lạ/ Trước những lời hoa lá đầu môi/ Khi giật mình nhận ra điều ấy/ Thời gian cướp mất tuổi xanh rồi (Nhắn nhủ).
Nhà thơ đã tìm ra lẽ phải của tình yêu. Ở đây nhà thơ tỏ ra cởi mở, chân tình, đắm say cái điều phải lẽ: “Đi tìm mặt trời trong đêm đen/ Thấy mặt trời trong ngực em”. Bởi chính nhà thơ đã lý giải cặn kẽ: “Ta nhập vào nhau/ Hai cái dữ dội/ Thành cái dịu êm/ Phút giao hòa/ Thăng hoa kết trái” (Không đề 2).
                                                                               
Thơ đời và thơ tình, Trần Sĩ Tuấn rút rung động từ chính trái tim mình ra để nói cho nên nó rất rạch ròi và rất giản dị. Vậy mà khi ngẫm về đường đời. Trần Sĩ Tuấn lại tỏ ra già dặn, vững chãi một cách không ngờ, như chân lý vậy: “Đôi chân anh để lại chiến trường/ Nhưng chẳng bao giờ mất/ Lịch sử đi bằng những đôi chân đó” (Những đôi chân). Đã nhiều nhà thơ viết về đề tài thương binh, từng viết cả về những dấu giày, những chấm tròn của người thương binh còn một chân đi phải chống nạng. Nhưng “lịch sử đi bằng những đôi chân đó”, mới chỉ Trần Sĩ Tuấn khái quát.
Viết bài này, tôi rút ra những câu thơ tôi thích. Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn đã đau nỗi đau đồng loại, nghĩ và thấm thía đời sống đồng loại nên anh đã thành nhà thơ. Cái giá anh đã tìm thấy cho thơ là tình đời. Khi làm thơ, anh đã “vắt kiệt ra để viết”. Chính anh đã tìm ra lẽ sống của mình: “Một thời không ước mơ/ Không niềm tin/ Cũng không nước mắt/ Trái tim hóa đá tự bao giờ” (Từ đá vắt ra).

Tập thơ của anh mang tên “VẮT RA TỪ ĐÁ”. Tôi lại cảm nhận những bài thơ của anh được vắt ra từ trái tim đã hóa đá. Đến đây, thêm một lần nữa tôi cảm nhận sâu sắc câu thơ của Trần Sĩ Tuấn:
Chiếc áo choàng nhẹ nhõm nhường kia
Mà có lúc tưởng chừng không mang nổi
.
N.Q.H

(nguồn: TCSH số 222 - 08 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tiếng trái tim (02/10/2008)