[if gte mso 9]> [if gte mso 9]> Đặng Tiến: Thanh Tịnh, Quê Mẹ Võ Quang Yến: Một thời tuổi trẻ trên bờ Ô Lâu Thái Kim Lan: Nhớ về Thanh Tịnh và «Tôi đi học» Đông Hương: «Tôi đi học» lại trở về từ những kỷ niệm xa xưa Nguyễn Đặng Mừng: Biết bao thế hệ sau bắt đầu biết yêu quê hương, biết cảm thụ và học văn từ «Tôi đi học»
Thanh Tịnh, Quê Mẹ ĐẶNG TIẾN Thanh Tịnh là nhà văn có sự nghiệp dài hơn nửa thế kỷ, với số lượng trước tác dồi dào, đa dạng. Nhưng kỷ niệm bền chặt nhất mà ông để lại trong lòng người đọc là tập truyện đầu tay Quê Mẹ, 1941, với hình ảnh thơ mộng của làng Mỹ Lý và buổi tựu trường trong truyện Tôi đi học. Truyện này đã nổi tiếng một thời gian dài vì được trích dẫn trong các sách giáo khoa, làm bài học thuộc lòng cho nhiều thế hệ học trò: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng... ...Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học ”(1). Được trích dẫn và truyền tụng, vì giá trị giáo dục: đoạn văn ca ngợi buổi đi học đầu tiên, ngày tựu trường, và đề cao việc học, văn hóa, trong giai đoạn người đi học chưa nhiều. Về hình thức, câu văn trong sáng, cú pháp minh bạch. Từ vựng giản dị, nôm na, nhưng kỳ thật đã là phong phú vào thời điểm 1941, với những tính từ: bàng bạc, nao nức, mơn man, quang đãng… tuy là thuộc vốn từ vựng cũ, nhưng cách dùng thì mới mẻ. Người xưa đã từng viết: xem trong âu yếm có chiều lả lơi, nhưng không nói: mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi. Câu văn hay còn vì cách chấm câu, uyển chuyển, thong thả, nhịp điệu kéo dài, để đưa đến câu ngắn kết thúc: hôm nay tôi đi học. Câu văn còn mới mẻ ở nội dung tả tâm trạng một đứa bé, nội dung này ước lệ, đặt lý tưởng người lớn vào tâm lý, ngôn ngữ trẻ con, nhưng vẫn quý hiếm, vì nó quan tâm đến trẻ con, điều mà, xưa kia, ít thấy trong văn chương. Do đó, câu văn không hiện thực nhưng có tác dụng giáo dục cao. Và nhìn chung vào sự nghiệp Thanh Tịnh thì thấy, trong bản chất, ông là một nhà giáo, trong truyện, thơ cũng như kỹ thuật “độc tấu” về sau. Đoạn văn không hiện thực. Vì thời ấy trường học, và người đi học, còn ít. Trẻ con nhiều em sợ học, sợ đến trường; vì đi học… là chuyện không bình thường. Huy Cận, kém Thanh Tịnh 8 tuổi, kể lại: “Tôi còn nhớ mấy ngày đầu đến nhà bác Thự, tôi lười học, cứ trốn về nhà. Sau đó mẹ tôi và chú tôi phải trói tôi lại, gánh tôi bằng một cây tre như gánh lợn đi chợ, mẹ đi trước, chú đi sau, đến giao cho bác Thự ”(2). Cái làng quê Ân Phú, Hà Tĩnh của Huy Cận thì cũng na ná như làng Dương Nỗ (thật) hay Mỹ Lý (tưởng tượng), Thừa Thiên của Thanh Tịnh, việc học cũng tương tợ vậy thôi. Mà có riêng gì Huy Cận đâu! Thế Lữ, hơn Thanh Tịnh 4 tuổi, cũng kể chuyện tương tợ: “Lên tám tuổi, tôi học chữ nho. Tôi sợ phải đòn, trốn học, thầy đồ sai học sinh, có khi trói tay trói chân tôi, cho đòn càn gánh về. Tôi càng sợ. Mười tuổi mới học quốc ngữ với ông bác họ. Ông ít đánh ”(3). Dĩ nhiên, cảnh đi học mỗi nơi mỗi khác, nhưng tâm lý trẻ con sợ việc học, ngày xưa, không chênh lệch bao nhiêu. Cũng phải nói thêm rằng cảnh “tôi đi học ” ấy vẫn thường thấy trong các sách tập đọc tiếng Pháp thông dụng tại các trường Cao đẳng tiểu học thời Thanh Tịnh đi học, như một đoạn trích văn Anatole France (1844-1924) từ tập truyện Cuốn sách của bạn tôi (Le Livre de mon ami, 1885): “Tôi sẽ kể cho các bạn nghe, hằng năm tôi nhớ lại những gì, với bầu trời thu vần vũ, những bữa cơm chiều bắt đầu phải lên đèn, và lá úa vàng trên cành cây run rẩy; tôi sẽ kể bạn nghe, tôi thấy lại những gì khi đi ngang công viên Lục xâm bảo, những ngày đầu tháng mười, bầu trời buồn và đẹp hơn bao giờ hết; vì đây là mùa lá rụng từng chiếc trên vai những pho tượng trắng hếu. Tôi thấy lại, trong công viên, hình ảnh chú bé con, tay thọc túi quần, lưng đeo túi sách, đi đến trường, nhảy nhót chân chim. (…) Cách đây hai mươi lăm năm, vào mùa này, mỗi buổi sáng trước tám giờ, nó đã băng qua công viên đẹp để đến lớp. Con tim có phần se sắt: hôm ấy là ngày khai trường”. Câu chót, tôi dịch sát “c’était la rentrée ”, nhưng dịch thoát sẽ là: hôm nay tôi đi học, là rập khuôn theo câu văn… Thanh Tịnh. Tác phẩm Anatole France không nổi tiếng, nhưng vẫn được đánh giá cao vì tính cách cổ điển, trong sáng và tinh tế. Ông được giải Nobel năm 1921. * Những lý luận trên đây không nhằm giảm giá tác phẩm Thanh Tịnh. Đó là những hậu quả, hay hiệu quả tự nhiên trong nghề cầm bút. Thanh Tịnh thuộc thế hệ tác giả phải vừa viết văn, làm thơ vừa học cách làm thơ, viết văn. Xuân Diệu công nhận việc thừa kế nghệ thuật của mình bằng cách nhắc lại một câu tục ngữ Pháp: anh nào trồng cải thì đã bắt chước ai đó. Trong nghề văn, vấn đề không phải là không bắt chước ai, mà làm sao không ai bắt chước được mình. Hiệu quả là không ai bắt chước được Xuân Diệu hay Thanh Tịnh. Dù sao, nguồn hứng của Thanh Tịnh hoàn toàn không đến từ văn chương nước ngoài hay kẻ khác. Nguồn cảm hứng, thậm chí khuôn mẫu nghệ thuật của Thanh Tịnh là ca dao, dân ca. Ông nhìn làng mạc Việt Nam qua câu hát dân gian, cho nên nông thôn trong truyện, từ phong cảnh đến con người đã tái hiện dưới ánh sáng lý tưởng, gạn lọc cảnh lầm than, làm nổi bật những nét thi vị. Thi ca cấu trúc không riêng gì tập truyện Quê Mẹ, mà toàn bộ tác phẩm Thanh Tịnh, thậm chí cả cuộc đời ông, nổi chìm theo lịch sử. Nhiều truyện ngắn của ông được cấu trúc theo một câu ca dao, ví dụ truyện Quê Mẹ dựa theo câu: Chiều chiều ra đứng ngõ sau Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều Cô Thảo nhà nghèo, và lấy chồng nghèo ở làng xa. Nhưng ngày giỗ vẫn được chồng và nhất là mẹ chồng giúp đỡ để về quê mẹ: “Sung sướng nhất là gái có chồng về nhà mẹ. Cô Thảo tuy về giỗ ông nhưng không làm gì hết. Cô vào phòng mẹ nằm ngủ cả buổi chiều, mãi đến lúc gần cúng, cô mới chịu đi ra ngoài ” (tr. 10). Trong thực tế, đây là ngoại lệ. Nhưng trong thế giới Thanh Tịnh, nó là biểu tượng, là hình ảnh một xã hội không tranh chấp, giữa vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu, nông dân địa chủ, cái cũ và cái mới. Một xã hội như thế khó bề có thực, nhưng vì tác giả nhìn đời bằng đôi mắt thi ca, nên chỉ nhìn thấy, và đề xuất những nét an bình, hạnh phúc, thi vị. Trong làng, nghèo nhất phải là người đi mót lúa, nhưng họ không cùng cực, vì chủ ruộng và thợ gặt nhân nhượng: “cách gặt của họ cũng biết điều chớ không phải vơ vét hết sạch đâu. Họ còn phải để lại ít nhiều cho người nghèo nữa ” (tr.28). Ngược lại, từ phía bên kia: “tuy người khố rách áo ôm, họ vẫn để điều nhân nghĩa lên trên tất cả. Một câu ca dao miền Trung đã tả được nỗi lòng người đi mót: (…) Tôi đến đây mót lượng từ bi Mót điều nhân nghĩa chớ mót chi lúa ngài Người mót lúa là cô Hoa. Cha mẹ nghèo và lấy phải chồng nghèo trong truyện Con so về nhà mạ, cũng dựa theo ca dao: “theo tục lệ, thì chỉ đẻ con so là về nhà mẹ thôi. Chứ cô sinh đẻ mấy lần, cô cũng qua nhờ mẹ cả ” (tr.33), vì chồng nghèo quá, không lo kham việc vợ đẻ. Mà mẹ thì cũng nghèo thôi. Nông thôn trong truyện là một xã hội nhân ái, nên con người nghèo khổ vẫn không khốn cùng. Được vậy, là do tấm lòng nhân ái của Thanh Tịnh đưa đến cách ông nhìn cuộc đời qua lăng kính của thi ca. Một ví dụ khác, một truyện hay, qua hành văn nhuần nhuyễn là Tình trong câu hát, tr. 90, được cấu trúc trên mấy câu hò mái nhì, chủ yếu là câu: Tình về Đại Lược Duyên ngược Kim Long Đến đây là chỗ rẽ của lòng Gặp nhau còn biết trên sông bến nào Câu hò được cấu trúc trên một chữ “lòng” trong hai nghĩa, cả hai nghĩa đều thông dụng, là lòng sông và lòng người. Khi lòng sông phân rẽ, hai con đò phải cách xa, ẩn dụ tâm tình của lòng người cũng phải chia ly. Trên hạt nhân ấy, là một loạt ẩn dụ liên kết (métaphore filée): sông, bến, tình, duyên, Đại Lược, Kim Long, lại thêm phần vần vè. Trên hạt nhân sẵn có này, Thanh Tịnh hư cấu câu chuyện nằm chồng lên, và xây dựng một tuyến nhân vật, với những tình tiết thích nghi. Nhân vật Đạt phải là người góa vợ đã lâu, mới cất tiếng hát “não nùng”: Thuyền ai trôi trước Cho tôi lướt tới cùng… Rồi đò bên kia sẽ có giọng nữ vô danh cất lên, đáp lại, cho đến khi hai con thuyền chia biệt, tình về Đại Lược, duyên ngược Kim Long… Vũ Ngọc Phan là nhà phê bình tinh tế, đã viết về Thanh Tịnh đúng và hay, không tiếc lời ca ngợi truyện Tình trong câu hát, nhưng ông không nhận ra hư cấu này, nên đã nhận định “cảnh thực mà như mộng. Anh lái đò lo sợ mộng tan”(4)… Lẽ ra phải nói ngược lại: cảnh mộng mà như thực. Tầm nhìn thi vị và tấm lòng nhân ái của Thanh Tịnh đã hóa giải những tranh chấp cá nhân và xã hội, thậm chí cả những va chạm giữa cũ và mới. Các lớp học chữ Hán lặng lẽ và êm thắm nhường chỗ cho trường quốc ngữ; những chuyến đò dọc nhường khách cho tuyến đường sắt. Các phương tiện lưu thông chiếm một địa vị quan trọng trong tập truyện Quê Mẹ, vừa cấu trúc truyện kể, vừa chuyên chở biểu tượng cho một xã hội đang xê dịch, chuyển mình, đặc biệt với con đường sắt. Cuối cùng truyện Thanh Tịnh đánh dấu một buổi giao thời, và ghi lại nhiều vẻ đẹp một thời của quê hương qua những mẩu chuyện đôn hậu, tình cảm lành mạnh và lời văn trong sáng. Với khách tha hương, xưa và nay, tập truyện đầu tay của Thanh Tịnh xứng đáng với tên Quê Mẹ. Orléans, 15.11.2011 Đ.T ---------------------------- 1. Thanh Tịnh, Quê Mẹ, Nxb Đời Nay, 1941, Hà Nội. Trích theo lần tái bản, tr.85, Nxb Văn Học, 1983, Hà Nội. 2. Huy Cận, Đời và Thơ, tr. 610, Nxb Văn Học, 1999, Hà Nội. 3. Thế Lữ, Cuộc đời trong nghệ thuật, tr.11, Nxb Hội Nhà văn, 1991, Hà Nội. 4. Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, 1942, quyển Tư, tập hạ, in lại, tr. 1109, Nxb Khoa Học Xã Hội, 1989, Hà Nội. Một thời tuổi trẻ trên bờ Ô Lâu VÕ QUANG YẾN Người Huế nào mà không nghe nói đến “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, một nhà văn, nhà thơ có tiếng từ thuở tiền chiến. Nhưng tuy học ở Huế từ hồi bảy tuổi, tôi quá trẻ để có dịp gặp ông. Xấp xỉ tuổi ông anh cả của tôi, sau bằng Thành chung, ông đi dạy thì tôi đang còn ở tiểu học. Khi tôi lên trung học, vào lúc bắt đầu biết cảm phục những câu văn của ông trong các báo Phong Hóa, Ngày nay, Thanh Nghị,... cùng những tập truyện ngắn Quê Mẹ, Ngậm ngãi tìm trầm thì xảy ra cuộc đảo chính Nhật. Vào tuổi thanh niên năng động, yêu nước, ông dấn thân vào cách mạng và ra đi biền biệt trong những ngày kháng chiến. Vài năm sau đó tôi cũng ly hương cho đến sau này trên đất Pháp tôi mới có dịp đọc lại những trang sách hấp dẫn của ông, mê man với Hận chiến trường,… Các làng quanh Huế trong các truyện ngắn của ông mang những tên rất gợi: Viễn Trình, Đồng Yên, Hiền Lương, Vĩnh Trị,… Nhưng có một tên được ông đặc biệt luôn nhắc tới vì thắm đậm hương vị đồng quê là làng Mỹ Lý, một làng tuồng như chỉ có trong trí tưởng tượng của tác giả. Để đối chiếu với Mỹ Lý của Thanh Tịnh, tôi xin đưa ra làng ngoại của tôi, có thật chứ không phải đặt bày: làng Mỹ Cang, rất nhỏ đến nổi thường được gọi là thôn Mỹ hay Làng Hói. Nép mình trên bờ sông Ô Lâu, bốn mươi cây số phía bắc thành phố Huế, ở một khúc sông hằng năm bị lở lần nên sau mấy chục năm tha hương, khi tôi về thăm làng cũ thì con đường trước nhà cụ, mạ tôi không còn nữa. Cái nhà xinh xắn hai ông bà bỏ công suốt đời dành dụm xây cất cũng nhường chỗ cho một vạt sắn gầy guộc không hồn. Làng nhỏ, có đình nhưng không có chùa, không có trường học, chỉ có một ngôi chợ sớm được dời ra ở giao điểm các làng Phú Xuân, Phước Tích, Mỹ Xuyên, Mỹ Cang, cũng trên bờ sông Ô Lâu. Làng Hói là một làng quê có đặc điểm không có đồng ruộng phì nhiêu, nhưng lại có tiếng vì là làng của cụ Hồ Oai. Vị nầy là Quyền Chưởng vệ Long Võ quân có thành tích bảo vệ vua Tự Đức trong loạn Chày vôi của anh em Đoàn Hữu Trưng. Ông ngoại tôi là cháu đích tôn cụ Hồ Oai. Cụ, mạ và chị tôi không có khả năng hướng dẫn tôi học hành, từ nhỏ tôi phải theo các anh tôi vào Huế học, nhưng mỗi kỳ nghỉ lễ Phục sinh, Giáng sinh hay nghỉ hè, chúng tôi lại về đây sáng học ôn, chiều thỏa thích vui chơi. Nhà có vườn trái đủ thứ, mặc sức hái ăn. Trước nhà có sông mát mặc sức bơi tắm. Cạnh đình làng có sân rộng, chiều chiều mặc sức chơi bóng với những thanh niên trong làng. Trên truông Phò Trạch gần làng, sim nhuộm tím đồi, nắng vàng êm dịu, chim chóc không thiếu, mặc sức chạy bắn với những chiếc ná cao su. Kỷ niệm êm đềm thích thú nhất là những đêm hè, trời nóng, chúng tôi đánh trần nằm ngủ trên sân trước nhà. Chuyện trò náo nức, lắm đêm không ngủ được. Thế rồi không biết từ đâu lại, một giọng hò mái nhì trữ tình vang vang dội trong không trung, đến gần rồi lại lan xa. Lúc đầu chúng tôi chỉ biết nằm nghe, dần dần cố ý trông chờ. Chúng tôi âm thầm chia sẻ nỗi buồn nồng nàn của cô lái đò cô đơn. Nhưng cô chỉ thỉnh thoảng chèo ngang trước nhà vài đêm một lần. Rồi một hôm, hết còn giọng hò mang lại lời thổn thức của cô lái đò. Chúng tôi trằn trọc thao thức chờ đợi, có khi tưởng như nghe tiếng sóng vỗ rì rào vào mạn thuyền, tiếng mái chèo xào xạc khua mặt nước, nhưng giọng hò thì tuyệt không. Thế rồi, hết hè, chúng tôi đành lòng trở vô Huế, tạm quên cô lái đò đã vô tình cống hiến chúng tôi những đêm hè rạo rực dưới vòm trời sao trăng sáng, trở lại với những vui buồn của thời “Tôi đi học”, những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường, những kỷ niệm đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa... Hơn một nửa thế kỷ sau, định cư trên đất Pháp tuyết rét, mỗi lần đi dạo dọc con sông Seine đài các chảy ngang thành Paris phồn hoa, trong đầu óc tôi luôn văng vẳng câu văn “Tôi đi học” và điệu hò tha thiết những đêm hè trên sông Ô Lâu thôn dã của một thời xa xưa... Xô thành cuối hè qua thu 2011 V.Q.Y Nhớ về Thanh Tịnh và “Tôi đi học” THÁI KIM LAN Trong tất cả những nhà văn Việt Nam, có người tôi quên nhiều nhớ ít hay ngược lại nhớ vô cùng hoặc quên bẵng mất, nhưng Thanh Tịnh và “Tôi đi học” với tôi không còn là một tên gọi một người - hầu như luôn hiện diện trong tâm thức, ở một góc nào đó thật chắc chắn của tâm hồn, cho dù dòng ý thức có biến chuyển muôn trùng. Thanh Tịnh vẫn có sức gợi nhớ đến nỗi chỉ cần có ai nhắc đến thì dù lòng có trĩu nặng muộn phiền đời là bể khổ, bỗng nhiên đổi sầu làm vui, một thứ vui nhẹ mà thanh, mà trong, làm chúm chím môi cười và nghe như thời gian hết tuổi, nghe như tâm từ bi còn rộng hơn cả lượng trời, mà thương tuổi đời đã đi qua. Một người bạn cùng niên phiêu bạt nhiều năm, mới đây gặp lại, chuyện đời xưa nhớ quên nổ ra như bắp rang, cái thời đi học ấy, từ thuở lúc thúc chim non đến trường cho đến khi khệnh khạng tú tài đại học… Ồ Thanh Tịnh, Thanh Tịnh hả? Ui chao… đang huyên thuyên bỗng anh chàng “quên quên” nhiều hơn “dớ dớ” ấy, đứng lên, đầu tóc đã bạc phơ, dáng người, đã oằn vì tuổi, cố chống lên đứng thẳng tắp trước mặt thầy cô, rồi tự mình làm lùn hơn cái lùn già một tí của đứa học trò lớp ba, rồi làu làu tuôn ra với giọng học trò thỉnh thoảng quẹt nước mũi non: “Tôi đi học, tôi đi học, a, buổi mai hôm ấy, ậm, buổi sáng mai hôm ấy, a… rồi ro ro: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. Cả quãng đời thơ ấu vang lên, nhóm người đầu xanh vương bạc ngồi quanh như bị thôi miên, khóe miệng rung động, rồi ai chẳng nói với ai, mà nhẩm nơi môi những chữ đã nằm lòng. Và trong tôi cùng lúc hình ảnh một cô bé, trong bộ quần trắng áo cánh tay phồng đã được mẹ giặt chiều hôm trước, đang nắm tay chị cùng mẹ lúc thúc đến trường, buổi mai hôm ấy gió sớm phả vào mặt từng cơn, cây muối hai bên đường mờ đi trong hơi sương nhưng đôi mắt sáng ngời vì biết “hôm nay tôi đi học”. Hoài niệm ùn như núi, quãng đời niên thiếu ấy đã được Thanh Tịnh đơn sơ ghi lại từng chữ. Đơn sơ như tuổi thơ. Có một tuổi thơ “đi học”, nguồn suối ấy chảy suốt cả đời người. Chỉ cần “Tôi đi học”, thời khắc “vỡ lòng” ấy, nhà thơ Thanh Tịnh vẫn ở trong lòng của nhiều thế hệ. Munchen, thu 2011 T.K.L “Tôi đi học” lại trở về từ những kỷ niệm xa xưa ĐÔNG HƯƠNG Mới đó mà sắp sửa đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thanh Tịnh. Hôm tháng chín rồi, có người bạn từ Mỹ qua Paris chơi, nhờ tôi đưa đi tìm quyển “Livre de mon ami “ của Anatole France. Cô bạn nói muốn tìm lại khúc “la rentrée” trong truyện, hai đứa vào một quán café ngồi giở sách xem: La rentrée, “Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers diners à la lampe, et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent; je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais; car c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues. Ce que je vois alors dans ce jardin, c’est un petit bonhomme qui, les mains dans les poches et sa gibecière au dos, s’en va au collège en sautillant comme un moineau. Ma pensée seule le voit, car ce petit bonhomme est une ombre; c’est l’ombre du moi que j’étais il y a vingt- cinq ans. Vraiment, il m’intéresse, ce petit: quand il existait, je ne me souciais guère de lui ; mais, maintenant qu’il n’est plus, je l’aime bien...”. Ngồi đọc với bạn đoạn văn, tui phải viết lại nó vì thời ấy, ai cũng có học qua đoạn văn này, nay đọc lại, tui nhớ đến “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh thầy đã cho học thuộc lòng song song cùng “La rentrée des classes” của Anatole France. Tui nhớ lần đầu tiên đi học, tháng mười Huế lành lạnh, mạ tui gọi dậy sớm cho ăn điểm tâm, xong mặc cho tui chiếc áo đầm mới may, đưa cho tui cặp học mới còn thơm mùi da thú trong đó mạ tui đã sắp cho một tập vở có vài hình hoa mạ vẽ, một cây bút chì, một cây viết mực cán làm bằng khúc tre ngà, một lọ mực, tấm bảng đen và viên phấn, cục gôm... Tui nhớ mình vừa mừng vừa lo vì không biết trường ở mô và cô giáo là ai? Rồi cổng trường hiện ra trước mắt, đó là trường Đồng Khánh mà ba tui dạy ở đây. Lúc nớ không biết tui phải làm chi, thấy đầy học trò, ba tui đưa tui tới lớp, không quen ai cả thấy lẻ loi. Nhưng vài phút sau, tới giờ vô học, cô giáo chỉ cho từng đứa chỗ ngồi, và tui cũng vừa làm quen với cô bạn ngồi cùng bàn tên Lai... Mấy năm sau, tui làm quen với đoạn văn dưới đây của Thanh Tịnh, thấy thích thú vô cùng: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh... Hôm nay tôi đi học”. Ngỡ mình đã quên những kỷ niệm đầu đời, không dè hôm nay với Anatole France, “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh lại trở về từ những kỷ niệm xa xưa rất sống trong tui. Đ.H Biết bao thế hệ bắt đầu biết yêu quê hương, biết cảm thụ và “học văn” từ “Tôi đi học” NGUYỄN ĐẶNG MỪNG Bài thơ đầu tiên tôi viết là bài Đi học, năm lớp đệ ngũ, từ một làng quê: Sáng mai nào đi học Con bướm vàng xinh xinh Bay trên đường tới lớp Nhởn nhơ như đời mình Xanh xanh bờ ruộng lúa Tim tím hoa lục bình Cao cao mây vấn lụa Bồi hồi con bướm xinh Đường làng sạch như lau Trắng vàng em với bướm Khi không mà tưởng tượng Có ai nhìn theo sau Em học bài đã thuộc Lòng như rộn tiếng chim Tiếng thầy cô bè bạn Lao xao trong lòng mình Cảm xúc bài thơ, trong vô thức mãi về sau này tôi mới hiểu ra rằng có lẽ bắt đầu từ Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường”. Đoạn văn mà tôi tin tất cả những học sinh thời chúng tôi đều thuộc lòng. Thuộc thơ thì dễ, thuộc văn thật khó. Vậy mà có đứa đọc vanh vách cả bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh khi đã vào tuổi sáu mươi. Làng quê, con đường đất, lá mùa thu có rất nhiều trong thơ văn của Thanh Tịnh đã ghi vào lòng chúng tôi, dạy chúng tôi biết yêu thiên nhiên, con người, nhất là người mẹ quê cầm tay dắt đứa bé lên năm lên sáu lần đầu đến lớp học: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. Một áng văn đẹp và nên thơ nhường nào. Cả một truyện ngắn dài 1374 chữ không hề thấy những từ như Quê hương, Tổ quốc. Vậy mà biết bao thế hệ bắt đầu biết yêu quê hương, biết cảm thụ và “học văn” từ truyện ngắn này. Có lần trò chuyện với nhà văn Nguyễn Khải, Thanh Tịnh nói: “Viết chưa hay là do chưa tìm được cái mạch riêng của mình, chứ là người cầm bút ai mà chả có một chút tài”. “Cái Mạch Riêng” trong “Tôi đi học” quả là tài tình. Thanh Tịnh viết rất ít so với các nhà văn cùng thời, nhưng mấy ai, chỉ với một truyện ngắn trên ngàn chữ, qua hơn bảy mươi năm vẫn sống động trong tâm hồn chúng ta khi nghĩ về ngày thơ, ngày đầu tiên đi học. N.Đ.M (274/12-11) |