Tác giả-tác phẩm
Bay mãi những câu thơ tin tưởng
09:19 | 23/12/2011
BÙI VĂN KHA (Đọc Máy bay đang bay và những bài thơ khác - Thơ Nguyễn Hoa - Nxb Hội Nhà văn, 2011)
Bay mãi những câu thơ tin tưởng
Ảnh: nguyentrongtao.org
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Máy bay đang bay và những bài thơ khác là tập thơ mà nhà thơ Nguyễn Hoa sáng tác trong khoảng cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ và một số bài trước và sau cận kề những năm bắt đầu thời kỳ Đổi mới. Khác với những bài thơ ngắn gần đây ở tập Ánh mắt Tươi hoặc tập thơ thiếu nhi Cây trong vườn ông nội, đây là tập in những bài thơ dài thuộc thể sử thi. Sự kết hợp cảm hứng từ chất liệu sử thi với triết luận công dân giúp anh vượt được không gian - thời gian cụ thể để cách thức giọng điệu thơ đắm chìm trong miền hiện thực tự cảm. Tôi gọi miền hiện thực tự cảm trong thơ Nguyễn Hoa vì chỉ ở trong thơ anh cái bản ngã - cái thi hứng - cái chất liệu - cái thể loại đồng hành đan quyện trong phẩm chất tác giả và trong cống hiến sáng tạo của anh. Vậy nên khác với những ồn ào nhiều giọng thuộc nhiều lớp tuổi của một số văn nghệ sĩ viết về thơ chống Mỹ nói thời kỳ này là thứ văn nghệ chủ yếu tuyên truyền, chụp ảnh, hình thức, thời sự, chính trị hóa... Nguyễn Hoa với tập thơ này, bằng cảm xúc và ngôn từ nghệ thuật minh định cho những ngày chưa xa của lịch sử vẫn đang góp vào bao vấn đề của những ngày hôm nay.

Nguyễn Hoa “bắt đầu từ nỗi nhớ/ Nỗi nhớ không sợ thời gian...” - (Dưới mặt trời). Nhưng dù là dưới ánh sáng mặt trời có cộng đồng và đồng đội thì nỗi nhớ ấy lại rất riêng tư từ tổ ấm. Quan niệm thời kỳ này coi gia đình nhỏ bé và thậm chí bị khái niệm chung trùm che đi. Điều đó đúng với giai đoạn ấy không có nghĩa là trong thơ không đặt vị trí của cá nhân và gia đình mình ở tầm tiên đề ở mức “cái tổ nếu tôi không có/ thì tôi như không có ở trên đời!” (Dưới mặt trời).

Từ nỗi nhớ và cái tổ, Nguyễn Hoa đến với một khái quát tự nhiên về một hình ảnh lớn hơn: “và những trang thư mỏng mảnh/ tôi cầm trên tay/ và tôi khóc/ bởi tôi biết những cánh buồm rách/ những dòng máu tươi/ đã hòa biển mặn... (Dưới mặt trời).

Biển xanh Tổ quốc giờ mặn mòi vì hàm chứa muối và máu - điều ấy không lạ. Vấn đề là có cách nói nào nói với hôm nay. Và điều Nguyễn Hoa liên tưởng rất thật và hiện đại nữa: “nếu chết là điều đáng sợ/ thì cô đơn còn đáng sợ hơn!/…/ vì đạn bom muốn cắt đi mọi tín hiệu của con người/ để chúng tôi chết bằng sự cô đơn trên đảo đá/.../ chiến tranh!.../ ngọn gió đen lồng trên đất nước tôi/... / và đá cháy.../ cháy cả bóng chúng tôi/ bóng đảo!”. Cái ngọn gió đen lồng khắp quê hương, bom đạn dội xuống cháy cả đá, cháy cả bóng người, cả bóng thiên nhiên ấy đặt người lính vào vị trí không gì thay thế nổi: “không tựa vào cái bóng của nhau/ để thắng giặc trời, giặc biển...”

Bằng hai câu hàm ngôn này, Nguyễn Hoa không chỉ nói lúc ấy mà còn dự báo tư cách mai sau. Chiều dài đường đi của người lính trường chinh thường cùng cả với gia đình mình. Hãy xem con gái viết cho bố những gì trong trang thư mỏng mảnh: “tóc con đã dài gần gấu áo/ bố đừng gửi vỏ sò, vỏ ốc/ mà bạn trai cười... Con thì “xuân xanh xấp xỉ đến tuần cập kê”, nhưng bố thì nơi xa có biết đâu vì vẫn đang sống và chiến đấu cùng đồng đội mình cả người còn và người mất, mà nhất là người mất: “những bông hoa của đảo nở rộ tươi/ còn bao đồng đội tôi không thêm tuổi nữa rồi?/…/ để đảo đá này/ có một/ chỗ đứng/ dưới mặt trời”. Bài thơ này viết thời chiến tranh tại Hòn Mê và ghi năm 1980, tức là cảm xúc chiến tranh còn nóng hổi, giống như Hữu Thỉnh viết Đường tới thành phố, Thanh Thảo viết Những người đi tới biển, Nguyễn Trọng Tạo viết Con đường của những vì sao v.v...

Ở chiến trường biết hậu phương gian khổ nhưng đảm đang. Nguyễn Hoa có cách ví thật cô đọng: “Cầm liềm như mảnh trăng gầy mùa gặt/ đập lúa giữa nắng vàng mật ong/ hạt gạo tôi ăn biết lăn mình qua lửa” - (Đất nâu). Câu thơ “Hạt gạo tôi ăn biết lăn mình qua lửa” nói được một lẽ phải khi chính nghĩa thuộc về ta thì đến sản vật của thiên nhiên cũng chia sẻ cùng ta mà tôi luyện chất thép... Đấy là hôm qua mà có khi cũng cả bây giờ khi hàng giả, hàng nhập lậu, hàng của mình mà như không phải của mình tràn ngập thị trường, tràn cả vào ngóc ngách tâm hồn, không qua lửa liệu có cháy sáng được lòng người?

Nguyễn Hoa đã nối tiếp suy nghĩ ấy ở bài thơ “Những người đi về phía mặt trời”: “Xoè hai bàn tay/ chúng tôi nói đến mùa màng từng sốt ruột/ Rằng đất đai sẽ mọc làng, mọc phố…”. Không phải chúng ta duy nhất là chủ nhân, mà chính đất đai cũng là chủ thể. Đất mọc cây - đương nhiên rồi. Nhưng đất mọc làng mọc phố mới thuận nhiên nhi nhiên - thật đúng biết bao. “Chúng ta đang hoàn thiện/ tôi đang hoàn thiện/ bằng cách nào/ con người có hơn hai triệu năm hoàn thiện/ bao nhiêu thánh thần xuất hiện/ có cái gì giống cái đẹp vĩnh viễn/ cái đẹp chúng ta sáng tạo ra/ cái đẹp có cánh/ con người bay.../ cả chính chúng ta đã sinh bao ràng buộc này/ trật tự những ràng buộc/ trong thế giới đổi thay” (Dự cảm). Những câu thơ nhận thức từ sự thức ngộ trên dưới ba chục năm trước làm chúng ta giật mình về cách thức tiếp cận hôm nay.

“Máy bay rời đường băng, đang nâng độ cao/.../ tôi biết khát khao tuổi nhỏ bay lên/ sự hẫng hụt/ tôi chưa quen/.../ dưới tôi là bầu trời - mặt đất/ còn trên cao tôi lại cũng bầu trời” (Máy bay đang bay). Từ trạng thái bay cao thế năng ấy muốn bay xa động năng thì phải thế nào? “nhưng tôi lại nhớ/ các đài An Lộc, Pleiku, Đà Nẵng, Gia Lâm.../ đang giữ cho máy bay đúng hướng/ và cả những đồng đội tôi nằm lại Trường Sơn/ đang giữ cho máy bay đúng hướng” (Máy bay đang bay). Ồ, thì ra chân lý thật đơn giản. Nhưng mối liên hệ mặt đất - bầu trời lại sâu sắc biết bao!

Có một mảng chủ đề trong tập thơ này là nói về mối quan hệ quốc tế. Trong “Thư gửi những người cha nước Mỹ”, Nguyễn Hoa viết: “Anh và những người làm cha nay mai/ không muốn cho nó đi/ (Như bao đứa con của nước Mỹ không về)/ bởi có nó/ nguồn ánh sáng, nguồn sinh sôi/ niềm vui có cánh/ bởi nó có thật trên đời hơn tất cả Chúa trời, thần thánh/ bởi nó là máu ta, nó thay ta tồn tại trên đời/ có nó ta không chết đi như một sự tuyệt nòi”. Nhưng quan trọng hơn cái đạo lý tự nhiên ấy là một đạo lý nhân sinh: “Biết nói với các anh thế nào nữa/ từ cái năm sau Việt Nam/ chúng tôi yêu Jăc, yêu Jôn/ như các nhà thơ yêu trái đất như quả cam/ yêu con người đẹp/ bây giờ còn kịp/ những người cha, người mẹ của nước Mỹ/ chúng tôi/ phải chặn ngay những bàn tay đang cầm lửa để chơi/ ngôi nhà trái đất”.

Đấy, tiếng nói của nhà thơ là thế đấy. Trực diện chứ không vòng vo tam quốc, không ngọng nghịu ngây ngô.

Thơ có thể nói được như vậy vì thơ đã nhân danh người lính bảo vệ nhân dân, giải phóng Tổ quốc, gìn giữ - bình yên mà phát biểu. “Tôi biết người là ai/ màu áo lá xanh ngời Tổ quốc/ màu áo lá cho tôi nhận được/ người là bạn thật của đất đai” (Bạn của đất đai). “Với các anh - những người tình nguyện/ tôi muốn đi từ phía đau này/ phía đau của những người cực tốt/ đến cứu nỗi đau của những con người!” (Như thế, bắt đầu từ mùa khô 79).

Có lẽ bây giờ khi thế giới không ngày nào không có chiến tranh chết chóc, không ngày nào thiếu hình ảnh liên quân Liên Hợp Quốc, NATO, không ngày nào không nhắc đến Bắc Phi, Trung Đông thì câu thơ Nguyễn Hoa về màu áo lính “bạn thật” và “cực tốt” mới giá trị làm sao. Ngay từ những năm 79-80 ấy, Nguyễn Hoa đã gửi gắm những câu thơ về anh bộ đội Cụ Hồ, về nhân dân, về Tổ Quốc vẹn nguyên lý tưởng và niềm tin vào giá trị văn hóa giống nòi: “tôi đã viết bài thơ của những chiếc áo xanh/ năm chia ly xa cách/ mẹ sống bằng nỗi nhớ - không thể nào hóa đá/ cô gái sống bằng niềm tin - người chiến thắng trở về” (Gửi năm tôi 53 tuổi - năm 2000); “chúng tôi thực hiểu từ nay/ về nhu cầu tồn tại/ ở ăn và mặc/ để sống và nảy sinh/ về nhu cầu nhận thức được mình/ sau con Mẹ là con Nhân dân là con Tổ quốc/ còn chiều nay tôi uống bát nước/ các bạn cho/ làm ước mơ tôi khỏi khát/ tôi có thể nào dám quên trôi!” (Con Tổ quốc). Còn có cách thể hiện tình cảm nào thực và đẹp hơn cái ước mơ khỏi khát trong nghĩa bạn bè.

Có một bài thơ mà giọng và ngôn từ thể hiện của Nguyễn Hoa rất gần với các nhà thơ thành danh cuối những năm 80 thế kỷ trước như Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Linh Khiếu,... sau này anh chuyển vào thơ ngắn ở tập Mùa xuân không bị bỏ quên in năm 2000 Ánh mắt tươi in năm 2005. Đó là bài Mẹ: “Mẹ ơi/ mẹ mặc áo nâu sồng thêm trẻ/ con mặc áo nâu sồng tốt tươi/ lúa đầy tay mẹ/ quyển vở mát tay con/ làng mở sang trang/ mẹ gọi/ làng ơi./ long lanh giọt nước mắt tràn” (Mẹ). Xin dẫn ra đây hai bài để thấy rõ sự định hình của một thi pháp hiện thực tự cảm mà Nguyễn Hoa dùng: “Mưa rây rây in trời Bắc Kinh/ Cô gái tươi đường lên Trường Thành/ Mắt và cười thay nói/ Chơi vơi mái gió chênh vênh/ Ngăn cách xưa vượt mấy giờ bay/ Nam trong nhau bắc Trường Thành này/ Vô hảo hán tình nhân lai khách/ Cô gái mát lành trời lưng mây” (Với Trường Thành) - Đây là một bài thơ tình sáng tác năm 1998 - Chỉ tình với nhau là đã có thể làm được mọi cách. “Thông đứng/ Gió khơi/ Em sóng.../ Bến nghiêng/ Vi vút/ Anh cao!” (Bến Nghiêng) - Cũng là một bài thơ tình sáng tác năm 2003, nhưng có một phát hiện thú vị. Mượn địa danh để nói sự nghiêng ngả vì sóng em - lẽ ra phải kéo thấp xuống hoặc làm dài ra để bớt nghiêng thì thật bất ngờ Nguyễn Hoa lại “anh cao” - Kiệm lời mà đủ ý rõ tứ lại phát ý ngoài lời. Thì ra dài và ngắn với thơ chưa bao giờ là một chuẩn mực khe khắt.

Tôi được sung sướng mà cùng thơ viết “về tình yêu/ hoàng hôn chiều/ bàn tay trong bàn tay run rẩy/ và nụ hôn sáng lên lấp láy/ có thể là mắt, có thể là sao/ ấm áp nhau/ vì nhau/ tồn tại!”; “và tôi nghe trong bình minh tơ non/ tiếng gà cúc cu gáy gọi/ ngày mới- ngày mới- ngày mới!” (Dự cảm).

Những câu thơ ấy viết năm 1984 cách bây giờ gần ba chục năm làm tôi thanh thoát hẳn lên khi nghĩ và đi cùng lớp cha anh - đấy là những câu thơ tin tưởng!

B.V.K
(SH274/12-11)









Các bài mới
Các bài đã đăng