Tác giả-tác phẩm
Lê Minh Phong: Sự tồn tại có ý nghĩa gì?
08:34 | 03/01/2012
TRẦN THỊ NGỌC LAN Nhà xuất bản Văn học(Đọc tập truyện ngắn Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc của Lê Minh Phong - NXB Văn học, 12 - 2011)
Lê Minh Phong: Sự tồn tại có ý nghĩa gì?

SHO - 23 truyện ngắn viết rất mới, hiện đại. Mỗi truyện là sự vỡ nát, cắt vụn của từng khoảnh khắc thời gian, không gian, của tư duy sáng tạo và sự tồn tại đa chiều kích. Người đọc sẽ quan tâm đến những kẽ hở của những điều sắp đặt và không nói tới. Có nghĩa là có một cái gì ở sâu trong bề mặt hiện hữu của câu chữ. Nơi đó hé lộ một thực tại khắc nghiệt, tàn nhẫn, phi lý, phi lô gích, ám ảnh và ghê rợn. Bằng cách ấy, truyện ngắn Lê Minh Phong đã mở ra được nhiều điều.

Nhưng người ta vẫn đọc được trong những khoảnh khắc vỡ nát ấy những ý tứ và giá trị rất cổ điển, vốn là cốt lõi của văn hóa truyền thống. Đó là những điểm dừng để soi rọi vào cái đẹp, lòng tốt, ước mơ, sự sám hối lương tâm, sự tự vấn, hồi ức quá khứ, niềm khát khao nhận biết sự tồn tại của mình và thế giới, sự đau khổ và cô đơn trong thời gian của con người. Những giá trị ấy là những điểm sáng rất nhỏ, được lồng vào một thực tại kinh hoàng. Nghĩa là, Lê Minh Phong vẫn đi từ truyền thống, lấy truyền thống để đi lên hậu hiện đại.

23 truyện là 23 khoảnh khắc thử nghiệm, hóa thân, phân thân, không dễ gì xảy đến trong đời thường, nhưng luôn ám ảnh trong tâm thức con người hiện đại. Đứa con hành quyết cha mình vì sự ám ảnh và xúi bẩy của quá khứ hư huyền; sự thống khổ của lưu đày; sự tuyệt vọng của tồn tại; chân tướng của tồn tại người; cuộc truy tìm một thực tại mới - hy vọng tái sinh và làm lại tinh thần; trăn trở đi tìm cái đẹp, khát khao sự cứu rỗi, khát vọng hoàn lương; trở đi trở lại tất cả mọi thử nghiệm, hành quyết chính mình, trả giá, dấn thân; chán chường - tuyệt vọng - biến dạng - tha hóa; nhận ra một thực tại vô vọng, bàng hoàng, không lối thoát - Không một khoảnh khắc nào mà nhân vật của chúng ta không dám sống! Kể cả cái chết, hận thù, biến mất, cháy thành than... Để làm gì? Để thoát được thực tại chán chường và ô nhục. Cách viết hiện sinh của Lê Minh Phong đâm thẳng vào tâm can người đọc, đòi hỏi một sự thức tỉnh.

Lê Minh Phong thản nhiên trưng bày một thế giới vô trách nhiệm, phi lý, mờ ảo, sai nhịp, tàn bạo, phi lô gích. Thế giới của con người, đồ vật. Mỗi truyện ngắn là một lát cắt trọn vẹn, súc tích, đầy chất thơ, là tổng hợp của những trò diễn, hài kịch, bi kịch, nghệ thuật sắp đặt. Vì có cái nhìn phóng chiếu từ nhiều hướng mà mọi vật mới định vị và tồn tại. Văn phong có cái dí dỏm của con người biết tự chế giễu, giễu nhại cái sống và cái chết, để làm bật lên sự tàn bạo, phi lý của cuộc đời. Tác giả tận dụng tối đa sự quan sát, tưởng tượng, cái nhìn vật thể hóa tha nhân, cái nhìn bên ngoài sự vật soi rọi vào sự vật. Diễn tả sâu quá trình biến chuyển, tha hóa, biến chất, tan rã của người và vật, quá trình chết, cuộc đấu tranh một mất một còn giữa ánh sáng và bóng tối, con người và thú tính, cái chết và sự sống. Cách viết kỹ, lạnh lùng, chọn lọc chi tiết như thơ. Kết cấu truyện chặt chẽ, rộng, sâu, đầy tính phúng dụ. Sau trò phúng dụ phi lô gích ấy, thì thực tại đã bị biến đổi.


Lê Minh Phong diễn tả tận cùng con người cô độc, cô đơn trong không - thời gian, bị cắt nát cho những ý nghĩ và tư duy về sự tồn tại, họ tự quan sát chính mình và bị kẻ khác quan sát. Con người không thể thoát được sự lưu đày của tồn tại, của sống chết, sự vò xé của trí nhớ. Họ bị ám ảnh bởi ký ức, bị hủy hoại bởi quá khứ, bị lưu đày bởi tồn tại và bị tha hóa bởi tương lai, họ trở thành nạn nhân của trò diễn ở sân khấu cuộc sống. Họ không đủ sức chống đỡ số phận của mình.

Cách viết của Lê Minh Phong hiện sinh, trần trụi, phơi bày thực tại. Phóng chiếu vào sự tồn tại của sự vật, ra sức mở rộng biên độ của tưởng tượng, cố tình bóp méo, hủy hoại thực tại để làm nảy sinh thực tại mới. Khung cảnh giả tưởng được trưng bày, phục vụ cho việc nhận thức thực tại (Hãy tránh xa những điều cấm kỵ). Diễn tả được sự vật mà không gọi tên của nó (Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc). Phân thân, quan sát, ám ảnh bởi tồn tại (Cuộc đào tẩu vĩ đại, Người đàn ông có vầng trán hẹp, Tất cả biến mất trong sự tĩnh lặng tuyệt đối, Vẫn còn một điều gì đó, Mọi thứ vẫn đen đặc, Và rồi là hàng trăm con nhện…, Cuốn sách được gấp lại và nàng hoàn toàn bẹp gí, Ngốn não, Cái chết, Ngụy tạo, Mặt nạ, Mù rối…). Tác giảmô tả những cái dị thường, kinh khiếp từ cuộc sống, để cải biến thực tại tầm thường tẻ nhạt, bầy hầy và nan giải.

Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc là tập truyện ngắn ý tưởng, đề cao sự tưởng tượng và tư duy, sử dụng nhiều điểm nhìn soi rọi sự tồn tại ở nhiều chiều kích. Truyện có nhiều ẩn dụ, chất uymua đen, phi lý và siêu thực, - những thành tố vốn có trong văn học hiện sinh đã ra đời rất lâu ở phương Tây, giúp bạn đọc có thế tưởng tượng và lĩnh hội nhiều ý nghĩa mới. Xã hội chúng ta đang đi qua tâm thức loài người, thiết nghĩ ở thế kỷ 21 cũng nên suy tư về sự tồn tại của mình. Và mỗi nhà văn học tập văn hóa phương Tây là một việc cần thiết, để có thể biểu đạt chính xác về thân phận con người.

Ngôn ngữ Lê Minh Phong có sự tinh khôi của nó. Viết về sự tuyệt vọng, nhưng không bi lụy, lại có phần dí dỏm và giễu nhại, kêu gọi nhìn nhận và chấp nhận thế giới tàn khốc. Mỗi truyện là một chấm phá thú vị về cuộc sống khắc nghiệt và bạo tàn. Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc còn là một thế giới của ước mơ. Ước mơ về sự tồn tại, cái đẹp, lòng tốt và sáng tạo. Ước mơ sắp đặt lại thực tại, để tới được một thực tại chưa từng có. Kết cấu mới, cách nhìn mới, thực tại mới, đầy chủ động trong sáng tạo, nên tác giả thực sự là một niềm hy vọng mới. Nhiều thông điệp trong tác phẩm không dễ tiếp nhận đối với bạn đọc thông thường. Về vấn đề này, nhìn chung tập truyện rất khó đọc. Và như vậy chúng ta có quyền hy vọng về một cách viết mới - cách viết Lê Minh Phong.

T.T.N.L

















Các bài mới
Các bài đã đăng