Truyện ngắn dự thi 2024
Mặt nạ giấy
14:13 | 12/04/2024

TRU SA

Nắng xuống là thịt da tôi gờn gợn. Tôi mê nắng nhưng sợ màu nắng, thứ màu vàng mơ của rơm rạ, đỏ ối của rượu vang và mơ màng như sương vàng khiến tôi liên tưởng đến những trang giấy.

Mặt nạ giấy
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Tôi hay ngắm nắng nghiêng qua kẽ lá, hắt xuống phố xá, nghía cả các lọn nắng mỏng vuốt trên chậu xương rồng, gai cây được dũa sắc trong nắng, tôi nhìn nắng vào mọi lúc và ở bất cứ đâu nhưng ngại chạm tay vào nắng. Ý nghĩ nắng độc cháy xém thịt da lẫn cảm giác hôi hổi làm khô từng đốt ngón tay là thừa, mỗi lần nắng chảy xuống bàn tay tôi lại nghĩ đến trang sổ trắng. Màu nắng cũng là màu giấy cũ, nắng nhạt thì sách mỏng, nắng đậm thì sách càng dày và phải là loại giấy in trước 1975 lúc nào cũng vàng ố hăng hăng mùi lịch sử. Có lần, tôi xé một tờ giấy trắng đặt dưới nắng rồi theo dõi sự đổi màu của giấy từ trắng sang vàng. Tôi cầm sẵn cây bút định viết cái gì đó. Hơi nóng của tiết trời tháng Sáu khiến tôi vã mồ hôi, tay ướt tới mức làm tuột cây bút. Tờ giấy vẫn im lìm dưới nắng, tôi ngỡ rằng nắng đang viết lên giấy những dòng chữ vô hình, nếu tôi viết thì sẽ làm nháo nhào tất cả. Mấy ông chú trong họ bảo tôi giống mẹ, một đứa con trai mang vẻ đẹp của thiếu nữ, thật rùng mình nếu ngày nào đó nắng rọi vào đỉnh đầu tôi và tôi mang trái tim của Orlando, tiếc thật, tôi còn chưa kịp ngỏ lời yêu với cô gái nào.

Tờ giấy xé vẫn trên bàn, khách khứa chẳng còn ai.

“Bút của anh làm rơi thì phải?” Con bé nhân viên đưa tôi cây bút, tôi gật đầu. “Anh làm gì mà đăm chiêu cả chiều thế, cứ như nghệ sĩ?” Con bé cười cười rồi dọn cốc của khách.

“Anh đang nghĩ thêm hướng cho quán, lâu lâu cũng phải thay đổi nội thất, mua thêm cà phê ngon.” Tôi nói.

“Thật không anh?” Cậu pha chế nói vọng ra.

“Thật chứ!” Tôi cười xòa.

“Cái bút đúng thật là của anh rồi.” Cậu pha chế bảo vậy. Nhận lấy cây bút từ tay con bé nhân viên, tôi cài bút lên cái túi áo trước ngực như gài hoa.

Quá chiều rồi, nắng ngấm từ bao giờ. Tôi nhìn tờ giấy, cầm lên, xem cả hai mặt, nắng đã không kịp viết gì thậm chí còn lấy đi màu vàng của giấy. Trang giấy bớt tinh tươm như lúc mới xé khỏi sổ. Nắng tàn hẳn theo hướng trôi của mặt trời, vài tiếng nữa là trời tối. Ngày hôm nay trôi êm như mọi ngày, khách khứa vẫn đều, quán không hỏng hóc gì, báo chí vẫn chạy đủ loại tin, mỗi ngày có trăm đứa trẻ ra đời thì có trăm người chết vì tuổi già vì bệnh tật, tai nạn, tự sát hoặc bị giết, một cuốn sách được in thì có hai cuốn sách bị từ chối, đếm không xuể số văn tài bị hắt hủi, lãng quên, chết dần trong đói nghèo, tin tức nhan nhản đọc mãi không hết. Tôi lấy tờ giấy lau vết bụi trên cái bàn khác, lau cả hai mặt. Giấy lấm lem, thủng, rách nhiều mảnh vẫn là giấy trắng, ừ, thật chứ, giấy thiếu chữ thì có bôi trét thế nào vẫn rỗng hồn. Tôi vẫn chưa kịp viết gì trong ngày hôm nay.

*

Tôi thừa hưởng trọn vẹn khuôn mặt mẹ, trái khoáy thay tôi là con trai. Khuôn mặt của tôi lẫn mẹ đều trái xoan, mũi mẹ thẳng còn mũi tôi cao, vành mũi tôi to hơn mẹ, lông mày mẹ thanh mảnh lá liễu, lông mày tôi cũng mảnh, mắt một mí, ánh mắt mẹ sáng sủa còn ánh mắt tôi sâu lắng có chút tăm tối. Mẹ có một nốt ruồi nhỏ dưới đuôi mắt trái, khuôn mặt tôi sạch sẽ nhưng hõm cằm có một nốt ruồi, nếu tôi không ngửa cổ thì không ai thấy, cái nốt ruồi nhỏ bằng với vết tro ở đuôi mắt mẹ. Da tôi trắng hơn mẹ, cổ của hai mẹ con đều nhỏ nhắn, chỉ khác cái yết hầu gồ cao của giống đực. Mẹ để tóc dài, búi cao hoặc để xõa ngang vai, lâu lâu mẹ lại làm xoăn, tôi để tóc ngắn sát gáy thậm chí cắt cua chứ nuôi tóc dài bàn dân lại đàm tiếu tôi là thằng đồng tính thì buồn mẹ. Tôi và mẹ đều cao 1m70, dáng nhỏ nhưng cơ thể tôi cứng cáp, xương vai to, cơ bắp ngực và bụng phát triển vạm vỡ, thành quả từ thói quen rèn luyện thể lực trong phòng tập gym suốt bốn năm trung học. Tôi không nhớ nhiều về cha dù ông còn sống và đang ở đâu đó trong thành phố, trừ cái mũi cao thì tôi và ông ta lạ hoắc, bao gồm cả tính cách, dáng đi, giọng nói. Ngày cha mẹ ly hôn, tôi định ở với cha vì ông ấy giàu nhưng đã chọn mẹ vì sự trùng khớp của khuôn mặt. Chuyện đã từ lâu, lúc tôi còn là thằng bé lớp 6, giả dụ nếu lúc đó tôi đi với cha thì cuộc sống của tôi sẽ đầy đủ, sung túc hơn ở với mẹ nhưng mẹ đã dạy tôi cách đọc sách cùng tình yêu với chữ, bà ít khi dẫn tôi ra cửa hàng mua quần áo mới cho tôi mà bảo tôi chọn mẫu vải mẫu áo ưng ý để bà xin với ông chủ may riêng cho tôi, tiền vải trừ vào tiền lương, mùa lạnh mẹ thêu khăn len cho tôi, lúc tôi đến tuổi nổi loạn tập tọe hút thuốc thì mẹ dạy tôi cách hút thuốc đúng cách và không khuyến khích hút thường xuyên cho đến năm 16 tuổi. Mẹ tôi chưa từng quan tâm đến học lực, điểm số, hạnh kiểm thi đua của tôi và sẵn sàng tranh luận với ban giám hiệu mỗi lần tôi phạm lỗi. Mẹ sẵn lòng cho tôi nghỉ học để sống tùy ý nhưng tôi phải tự viết đơn, mẹ bảo sẽ không chu cấp gì cho tôi trừ hai bữa cơm nhà. Nhà trường không cho tôi theo ý mẹ và tôi cũng muốn trải tận đời học sinh rồi mới đi làm, nhưng tôi không làm nghề may như mẹ mà mở quán trà vỉa hè, làm quản lý quán café rồi tự mở quán riêng bằng sức bản thân lẫn tiền vốn mẹ dành dụm. Số tiền cha gửi hàng tháng mẹ không đụng đến và tôi cũng thế. Lúc tôi kể về Tú, mẹ bảo tôi hãy viết thư nếu miệng lưỡi thiếu can đảm. “Chớ quan trọng viết không được, cứ viết ra đi nếu trái tim con thành thật với cô bé, cơ hội cho công việc thì trăm đường nhưng cơ hội của tình yêu chỉ đến một lần hoặc không bao giờ!”. Mẹ nói tôi, mỉm cười, tôi nhìn thấy khuôn mặt tôi trong mắt mẹ và ngược lại, cả mẹ và tôi đều nhìn thấy mặt mình trong tròng mắt người đối diện, mỗi lúc mắt trái mẹ nhíu lại cùng nụ cười thì nốt ruồi hấp háy như giọt mực trên giấy trắng. Một lá thư viết trên giấy màu xanh dương, trao tay, lén lút nhét vào cặp hoặc vờ mượn vở chép bài rồi kẹp thư bên trong và phải đưa vào lúc tan trường, mẹ gợi ý tôi thế nhưng tôi đã không viết được gì và không thể gửi thư trắng cho Tú. Bút có, giấy thư có, tờ giấy màu da trời trống trơn, chỉ có những dòng kẻ ngang xếp dài như dây kẽm nhà tù.

Dòng máu của mẹ chảy lẫn lộn cùng máu người cha xa lạ, DNA của mẹ vẫn trội hơn. Theo những gì tôi biết, con gái giống mẹ thì đẹp còn giống cha thì thô dù vẫn tùy vào diện mạo của cha mẹ; con trai giống mẹ dễ mang vẻ thư sinh, còn tôi giống mẹ như một bản sao. Có lần, ông chú tôi kể mẹ từng bị sảy thai, đứa bé chưa kịp thành hình, chưa rõ giới tính đã vuột mất. Sau cái vạ đó mẹ cẩn thận hơn, ba năm sau tôi được thành hình, quấn quýt trong bụng mẹ cùng dây rốn cho đến khi chào đời. Tôi trộm nghĩ, nếu mẹ không bị sảy thì tôi sẽ có anh trai hoặc chị gái, nếu chị tôi giống mẹ thì tôi sẽ giống cha và nếu anh tôi giống tôi thì tôi sẽ là con gái và chưa chắc đã mang khuôn mặt của mẹ. Ông chú không nhớ thai mấy tháng tuổi và mẹ tôi cũng quên phéng rồi, với mẹ quên đi đứa con tội nghiệp còn hơn phải nhớ rồi ray rứt về sự bất cẩn đầy tội lỗi. Tôi thử hình dung người chị người anh của mình, có lẽ đó mới chỉ là một khối thịt hình trẻ con, chưa đủ não nhưng đã có trái tim, cú sảy đột ngột lúc ngã, chấn động mạnh, bào thai cũng biết đau, cơn đau rất ngắn rất nhanh nhưng rấm rứt vào từng tế bào, tim muốn ới gọi mẹ nhưng khuôn mặt chỉ là khối thịt phẳng lỳ, không mắt không miệng không tai, cứ vậy ôm cơn đau vào vũng máu nhuộm đỏ váy bầu. Không ai gọi bào thai chết trong bụng là con đầu lòng nhưng tôi luôn cho mình là con thứ, tôi may mắn chào đời suôn sẻ còn người con cả của mẹ thì không, càng lớn tôi càng dặn lòng phải nghĩ tới anh chị của mình nhiều hơn. Bởi thân xác chưa thành hình nên tùy tâm trạng mà tôi suy tưởng ra một người chị để thỏa thích tâm sự mỗi lúc ưu tư, rồi khi ghé một cửa hàng, tôi mua son môi, áo quần nữ bằng sự hăm hở chút quà mọn dành cho chị gái. Thi thoảng, tôi chạy bộ đường trường, đẩy tạ, kéo xà ở công viên, thấy mệt thì người anh trai có dịp hiện hữu, bảo rằng: “Cố lên em trai!”; điều đó làm tôi phấn chấn, nhất là những lúc thèm rượu mà không muốn uống một mình, ngại ngồi với bạn bè rồi lỡ lời nói ra những sự thật trái tai khiến bạn phật lòng. Tôi thêm một cái chén, rót rượu, đối ẩm cùng người anh có khuôn mặt rắn rỏi, uống rồi nói chuyện, anh tôi im lặng nghe, sau đó tôi lấy cái chén của anh đổ vào chén mình với lý do anh tôi không giỏi uống rượu. Thấy thằng em ngồi buồn nên muốn ngồi cùng, chị gái tôi sẽ can tôi uống ít như mẹ còn anh trai tôi hoan hỉ ngồi đến tàn cuộc rượu. Mọi thứ về anh trai/chị gái chỉ tôi biết và tôi thấy an tâm vì mình là kẻ hướng ngoại sống nội tâm. Năm tôi 19 tuổi, những cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con cũng ngắn dần, bởi mẹ đã thiết kế lại tầng 1 làm hàng may, tần tảo chuyện chợ búa lẫn may đo, tôi chẳng còn là thằng nhóc bạ đâu hỏi đấy, trí óc đủ tinh tường để nhận diện sự việc, các cuộc chuyện luôn ngắn ngủi và hời hợt, qua loa, kém hẳn sự sâu lắng như hồi tôi đi học. Có đợt, tôi bỏ thành phố, vào miền Tây một thời gian, lúc về mang theo hàng trăm triệu biếu mẹ, tưởng thế là hay nhưng mẹ tôi không vui gì, chỉ hỏi tôi có vui không khi kiếm được ngần đó tiền.

“Có nhiều tiền mẹ không vui sao?”

“Đấy là lý do con đi cả năm sao? Con đi làm ăn thì tiền này là của con, mẹ mong một món quà khác cơ.”

“Con hiểu. Chỉ là con mới 20, còn quá trẻ để cưới vợ, vả lại…”.

“Nếu không ngại thì con cứ kể.”

“Con bận buôn bán cùng lũ bạn khốn… thời gian đâu mà yêu đương.”

“Giữ điều mẹ muốn nghe cho riêng mình, con nhé!”

Bộ dạng tôi luộm thuộm, nhếch nhác, râu ria lởm chởm, da dẻ cháy đen vì nắng, giọng nói khàn hẳn, đấy là lần khuôn mặt tôi giống mẹ đôi nét. Một thời gian sau, da dẻ tôi trắng lại, ít gào hét chửi thề nên giọng tôi hết khàn nhưng giọng nói trầm đi chứ không trong trẻo như ngày trước, đi đâu với mẹ cũng giống chị em song sinh.

Năm nay tôi 29, ngày hôm đấy tôi 20, đáng ra tôi định kể cho mẹ chuyện ở miền Tây nhưng ngại ngần, thường thì con gái mới hay nói chuyện với mẹ, nếu tôi bẻm mép, liến thoắng quá nhiều thì sẽ mất đi tư thế của một người trưởng thành, tôi lại là người đàn ông duy nhất trong gia đình. Tôi khuyến khích mẹ đi bước nữa nhưng mẹ không chịu ai, cũng không muốn quay lại với cha ruột của tôi, mẹ chưa từng yêu ông ấy, tình yêu của mẹ dành cho một người đàn ông khác, mối tình thứ hai trước lúc mẹ kết hôn. Ngày người đó từ bỏ lời thề lứa đôi để sang Hong Kong tìm kiếm sự đổi đời thì tình yêu trong mẹ cũng chết, mẹ ưng cha mà chịu làm vợ chứ không hề yêu, cho đến khi có tôi rồi hai người ly hôn thì tình yêu của mẹ vẫn dành cho người đàn ông thứ hai của cuộc đời. Mẹ đã kể với tôi về người đàn ông đó, ông ta không phải kẻ phản bội, chỉ là giữa tình yêu với sự nghiệp thì ông ta chọn danh vọng. Tôi dò hỏi mẹ xem có muốn tái hôn với người đàn ông đó không, mẹ lắc đầu, ngay cả khi đó chỉ là một sự thật giả định thì mẹ vẫn từ chối, phải rồi, mẹ từng bảo tôi rằng cơ hội của tình yêu chỉ đến một lần hoặc không bao giờ.

Tuổi trẻ của mẹ đang tàn và tình yêu của mẹ đã qua đời, tình mẹ con khác với tình lứa đôi, tôi ngờ là mẹ vẫn nhớ vẫn tiếc vẫn uất một mối thù với người đàn ông… Danh, đấy là tên tôi, cái tên do chính mẹ đặt cũng là tên của kẻ phụ tình, nhờ thế mẹ mới lấy cha và sinh ra tôi.

Tôi mang họ Mai của cha, không có tên đệm, mẹ hay gọi tôi là con chứ hiếm khi gọi tên, mỗi lần ai hỏi tên tôi, mẹ hay im lặng, ngập ngừng một chữ Danh. Khuôn mặt của tôi rất giống mẹ và may mắn là tôi giống con gái chứ không phải của một gã đàn ông.

*

Nến luôn cháy vào mỗi tối, nến đặt khắp mọi nơi, trên bàn, cạnh chậu xương rồng ngoài cửa, đấy là sự bố trí của quán café vào ca tối. Ngoài việc làm mới hình ảnh của quán thì thắp nến là sở thích của tôi, thỉnh thoảng tôi cũng hay đốt nến trong phòng và ngắm ánh nến leo lét giữa căn phòng tối. Tùy thời điểm mà tôi dùng nến to hoặc nến nhỏ nhưng luôn là loại nến không độc, ít tạo hương. Đốt nến rồi nhìn lửa, hứng lên thì châm một điếu thuốc bằng lửa nến, hút nửa điếu rồi dập. Hồi bé, lúc nhà mất điện tôi vẫn học bài dưới thứ ánh sáng mỏng manh như bóng trăng hắt qua cửa sổ, thứ soi đường cho mắt tôi là đèn dầu chứ không phải nến. Khói nến lúc tắt độc hơn dầu nhưng bớt nồng, cay mũi, gây dị ứng ho sặc sụa. Thuở đó, miễn là có ánh sáng thì tôi tiếp tục học bài, có hôm tôi chẳng học mà lôi một cái gì đó ra đọc. Tuổi học qua đi, những hôm khu phố mất điện thì người người soi đèn pin, nín lặng ánh đèn dầu. Kể từ ngày hôm đấy, tôi ngóng mãi không thấy phố mất điện nên tự dập cầu dao điện nhà mình rồi đốt nến, nhìn ngọn lửa hình giọt nước bùng lên, nhọn hoắt như ngọn giáo. Nến cháy càng lâu thì sáp càng mỏng, thấp xuống, thấp dần cho đến khi chỉ còn hạt lửa mảnh tơi giữa bãi sáp bầy hầy.

Đã có lúc nào mình viết cái gì đó dưới ánh nến chưa nhỉ? Câu hỏi vu vơ khiến tôi lặng người, định ới mẹ nhưng thấy mình vô duyên nên nuốt ực tiếng gọi thay nước bọt thèm ăn. Chục năm trước tôi thiếu cảm hứng để ngồi viết dưới nến thì bây giờ có thể và đáng lẽ phải làm thế. Tôi lấy sẵn bút, giấy rồi nhưng lại để trang giấy ngơ ngẩn cùng cây bút, rồi khi nến cạn dần, nhỏ một giọt sáp lên mặt giấy thì đó vẫn không phải dấu chữ của lửa. Ngoài giọt sáp tóe như nở hoa cứng đanh trên giấy thì tôi vẫn không viết được gì. Tại tôi không có máu văn chương hay do chỉ học hết lớp 12 rồi đi làm nên vốn học còn thấp, tôi đọc nhiều sách nhưng lượng chữ trong đầu tôi chưa đủ chín muồi để có thể viết một cái gì đó. Mở quán café là phụ, hùn vốn đầu tư kinh doanh cũng là phụ, tôi từng làm nhiều nghề và nghề nào cũng là phụ dù chúng đã giúp tôi sống sót cho đến bây giờ. Tôi không có nghề chính cũng chẳng có cái nghiệp trời hành như Garshin hay Gunter Grass, tôi làm được nhiều thứ nhưng không có tài lẻ. Ngay đến văn hóa đọc của tôi cũng chỉ là sở thích chứ không phải đam mê và cái đọc của tôi thiên vào đời tư danh nhân thông qua nhật ký. Thay vì đọc trọn sự nghiệp, giá trị văn chương Chekhov thì tôi tò mò những lá thư ông viết gửi cho những người tình và đứa em trai họa sĩ, tôi chẳng đủ kiên nhẫn đọc Anna Karenina lẫn các tác phẩm dày, mỏng nào trừ cuốn Thú Tội Lev Tolstoy viết riêng cho vợ. Tôi chưa từng viết thư cho mẹ vì hai mẹ con ở gần nhau, lần xa mẹ lâu nhất là lúc tôi vào Sài Gòn, xuống Vĩnh Long, hai mẹ con vẫn liên lạc với nhau qua điện thoại nhưng tôi hiểu rằng gọi điện chỉ là sự kéo gần tình cảm qua giọng nói, đáng lẽ lúc đó tôi nên ngồi xuống, dựa lưng trên chiếc ghế bóng tối nhìn ra sông nước rồi viết cho mẹ một lá thư. Lời nói chỉ truyền tải 70% sự thật hoặc chẳng có sự thật nào ngoài sự đoán mò qua giọng nói ngập ngừng, mẹ và tôi đều che giấu nỗi lòng bằng những câu chuyện lạc quan đầy hy vọng, chỉ khi viết, con người mới thành thật. Tôi nhớ hồi lớp 5 mẹ đã xé nát bài văn điểm 10 ăn giải thành phố của tôi, sự hớn hở đến ngạo mạn của tôi chẳng quá lố đến thế, mẹ cáu điên nói rằng mẹ xé thay cho một cái tát đau, rồi mẹ im lặng, không nói gì với tôi suốt 3 ngày, đến ngày thứ 4, mẹ gọi tôi lại, bảo rằng không gì đau khổ bằng việc nói dối với chữ, tôi hiểu, hiểu cho đến lúc này, giải thưởng cấp thành phố đã trao cho một kẻ nói dối, mẹ tôi chưa từng là hoa khôi miền Bắc. Cha tôi không hiền như những gì tôi viết, tôi nợ mẹ một lời xin lỗi và nợ trái tim mình một cuộc sám hối. Ngôn ngữ là bản sắc của một dân tộc, ngôn ngữ tạo ra chữ viết còn chữ là thứ lưu giữ lại bản sắc và văn hóa. Kẻ dối trá trong lúc viết cũng sẽ đánh mất danh dự, chữ và máu cùng thoái hóa thành trái tim quỷ ám. Trong quá trình viết, con người có thể nói kỹ hơn những gì mình nghĩ, chẳng cần phải e dè sắc mặt hay phút nhỡ miệng khoét thành mâu thuẫn. Mẹ từng viết cho tôi một lá thư rất dài nhưng đã đốt bỏ khi vừa viết xong, đấy là mẹ kể thế trong lần tôi xa nhà, mẹ viết xong, thấy nhẹ lòng, bớt nhớ tôi hơn, tôi trách mẹ đã không gửi cho tôi lá thư nào còn mẹ hỏi ngược tôi rằng: “Đã lúc nào con viết gì đó cho ai chưa, một trang viết thực sự có thể nhìn và chạm tay vào chứ không phải trong ý nghĩ.” Tôi lặng đi, sau cùng chuyến đi Vĩnh Long chỉ giúp tôi hiểu rõ sự trơ trẽn của những người bạn và mang về món quà mẹ không cần nhưng có thể cân được giá trị của tình bạn thay cho chiếc lông ngỗng: tiền. Là tiền, điều tối ưu nhất của người phàm, mẹ tôi cũng quan tâm chuyện tiền nong nhưng không quan trọng tiền, dường như mẹ muốn tôi mang về một món quà không thể nắm trong tay, gần như vô hình, chỉ có thể có được bằng cách lắng nghe trong sự trầm ngâm tủm tỉm. Đã có lúc, mẹ hớn hở khi tôi gấp cho bà một con hạc giấy hình thù nhàu nhĩ chẳng ra giống chim nào, mẹ lười một lời tán thưởng hoa tay khéo, mẹ mỉm cười vì tự tay tôi làm quà cho bà rồi dặn tôi cứ gấp nhiều con hạc, trăm con hạc nhỏ sẽ có một con hạc chúa. Nhưng tôi chẳng giỏi thủ công, chỉ khéo kiếm tiền, đáng lẽ mẹ tôi phải mừng vì tôi tự chủ được tiền bạc mới đúng, tôi ghét sự ví von mẹ nhà người ta bởi mẹ chưa từng so sánh tôi với con cái nhà khác. Gác lại ý nghĩ về tiền, cây nến đã liu riu tới mức chỉ cháy thành một đốm sáng như cái đuôi đom đóm. Tôi đặt lại cái gương cầm tay úp trên mặt bàn, lục trong ngăn kéo thỏi son cụt ngủn mẹ hay dùng, quẹt lên môi mình. Mặt mũi tôi nhẵn nhụi râu ria, tóc mái dài đến chân mày, tóc gáy chưa đủ dài và quên mặc một cái váy. Nhìn mình trong gương, ánh nến lờ mờ khiến tôi không thấy mình. Tôi thấy mẹ, định giơ tay vuốt ảnh gương nhưng chùn tay, sợ rằng sẽ làm gương vỡ tan. Trước lúc giọt lửa ngấm vào bóng tối, tôi nhìn hình mẹ qua mặt mình trong gương.

“Con đã lỡ dòng thư cho mẹ.”

*

Về nhà, tôi thấy trước cửa có đôi giày da lạ lẫm, đèn đóm tối thui kể từ lúc tôi ra ngoài vào 7 giờ sáng. Bật lại đèn tầng một, tôi men theo hướng nghếch mũi giày vào trong nhà, đi hết phòng khách, vào căn phòng của mẹ bên trong. Cửa phòng mẹ he hé, phòng chưa đèn nhưng vẫn leo lét đốm sáng nhỏ. Tôi đứng ngoài cửa, giơ tay định gõ rồi lại rụt xuống, mở tung cánh cửa. Một người đàn ông nằm trên giường mẹ, thế nằm ngang quay mặt nhìn sang khuôn mặt mẹ. Mùi hương thoang thoảng loãng đi bởi mùi kẻ lạ. Thứ mùi đàn ông trần tục mang hơi men và mồ hôi bám trên quần áo, thậm chí dù người khách có tươm tất, lòe bịp thính giác bằng nước hoa cao cấp thì vẫn sẽ làm ố đi mùi hương trong phòng mẹ. Tôi bật công tắc đèn, ánh sáng nhấp nhoáng rồi quăng quắc khiến người đàn ông nheo mắt vì chói.

“Hèm…”.

“Danh về rồi đấy à!” Nghe giọng tôi, người đàn ông ngồi dậy. Tôi nhìn sang mẹ, nén hương cháy nửa, trên cái đĩa đặt 9 bông ngọc lan có một cái phong bì, tôi không bao giờ cúng tiền, đồ mã cho mẹ, đôi mắt mẹ nhìn thẳng vào tôi, nốt ruồi dưới mắt mẹ hấp háy thành cái cau mày, chắc mẹ thấy phiền vì sự đột nhập của người đàn ông.

“Cha đến đây làm gì, mẹ có còn đâu!”

“Con không muốn gặp cha à, dù gì…”.

“Đợi hết hương thì cha mang phong bì về luôn nhé!”

“Con cầm mà tiêu. Mẹ con mất cũng được một năm rồi, con đừng buồn nữa. Thế, con định khi nào lấy vợ, nếu chưa có ai thì cha sẽ giúp.”

“Người ta hay hỏi con mình về công việc, lương tháng, chuyện cưới hỏi thì mẹ luôn hỏi con dạo này nghĩ gì, có muốn kể gì cho mẹ không. Con đâu có buồn, mẹ vẫn ở đây, thân xác tan thành tro nhưng hình ảnh của mẹ vẫn theo vào cuộc đời con, bằng chứng là khuôn mặt con.”

“Thế thì tốt rồi. Mất mẹ còn cha. Con cần gì cứ nói.”

“Cha vẫn không thay đổi, lúc nào cũng quan trọng vật chất.”

Cha tôi đứng dậy, đôi mắt trợn trừng, trừ cái mũi cao ra thì tôi và cha như hai người lạ. Hôm nay ông sắm vai giám đốc, áo quần bóng loáng nhưng cơ thể vẫn sặc sụa mùi bia rượu, thuốc lào. Mới đầu ông lườm tôi, chăm chăm một lúc, chợt, ông quay sang khung ảnh mẹ rồi nhìn sang tôi, ánh mắt ông dịu xuống. “Thôi, cha không muốn tranh cãi với con nữa. Con không thích cha cũng được nhưng thỉnh thoảng hãy đến gặp cha, một lúc thôi, nhìn thấy con cũng như thấy Thanh.” Ông nói vậy rồi thắp thêm một nén hương cho mẹ, ông lấy lại phong bì cúng theo đúng ý tôi.

“Năm đó, tại sao cha bỏ nghề thầy giáo?” Tôi hỏi vậy lúc ông lướt qua tôi.

“Chuyện cũ rồi đừng hỏi nữa.” Cha nói vậy rồi ra ngoài.

“Mẹ không hề ghét cha! Mẹ buồn vì cha ngày càng tàn ác, mẹ băn khoăn mãi việc một người say mê Friedrich Hayek lại đi ngược gió, con cũng từng nghĩ ngợi về điều này nhưng giờ thì con đã hiểu. Thôi thì, chúng ta cứ đi theo quyết định đời của mình, cha chọn sự sinh tồn, mẹ chọn gia đình, còn con sống theo cách của mình cùng khuôn mặt mẹ.” Tôi nói thế, chẳng biết cha tôi có nghe thấy không, cho đến khi cửa nhà đóng lại.

Kể từ ngày cha rời khỏi ngôi nhà này thì mẹ vẫn chưa thay khóa, có lẽ mẹ đợi một kỳ tích từ lương tâm, mẹ đợi mãi cho đến lúc qua đời vì chứng đa xơ cứng, tôi vốn định thay khóa nhưng lại cố thôi miên mình bằng ý nghĩ linh hồn mẹ sẽ bị kẹt bên ngoài, lang thang không thể vào nhà gặp tôi trong hình hài hư không.

Tôi ngước lên gương mặt mẹ rồi vuốt tay lên mặt mình, lần mò gò má, đôi mắt, hàng lông mày, bỏ qua mũi cao, mẹ vẫn hiện hữu không chỉ trên bức ảnh thờ đen trắng. Tôi nhìn khói hương, 9 bông ngọc lan bắt đầu ngả tàn nhưng vẫn thoảng hương. “Người mình yêu cũng bỏ mình đi, người cưới mình cũng chạy theo quyền lực, tội mẹ tôi quá!”

“Thế còn Danh?”

Tiếng quẩn qua tai, mẹ nói hay mẹ thì thào mật âm vào tai tôi, thúc miệng tôi thốt ra lời truyền âm từ cõi sương. Tôi nháo nhác cố tìm thêm một lời thì thầm của mẹ, đợi mãi trong nén hương tàn.

Ghi trong đầu lúc ngồi trước trang giấy trắng chẳng khác nào đi vào sương mù. Tôi tự hỏi các nhà văn nghĩ và thấy gì mỗi lúc ngồi trên bàn nhìn xuống giấy trắng. Nguyễn Tuân từng ví trang giấy với pháp trường trắng, cảm giác không viết được gì đau đáu như đang đợi giờ chém. Giấy tinh tươm, phau phau tờ nối tờ cộm lại thành khung sách như một thử thách lấp đầy sông cạn. Tôi không theo mộng văn chương nhưng với sự đọc của mình, tôi hiểu rằng nhà văn luôn hoảng loạn khi nhìn mãi trang giấy trắng, viết bao nhiêu vẫn quay về một tờ giấy mới. Võ Phiến chưa từng bỏ uổng thời gian trong màu trắng. Tôi ngại viết vì lười hay vì sợ phải vấn thật lòng mình, chẳng biết phải mở đầu thế nào, dốc sao cho hết đá tảng chất nặng đôi vai, tôi ghét viết cho bản thân mà luôn muốn viết cho ai đó nhưng quanh tôi thì… Tú đã bị tôi vấy bẩn, nàng vẫn sống nhưng đã chết trong tôi, bạn bè tôi rất nhiều nhưng bởi quá nhiều mà thiếu keo sơn, nói chuyện thế sự đã là lãng phí nữa là những suy tư ngẩn ngơ học đòi nghệ sĩ, mẹ tôi còn đó nhưng bà không thể nhận không thể đọc, có chăng là tôi đóng thế mẹ bằng việc để tóc dài, kẻ lông mày, đánh phấn, bôi son trước tấm gương cầm tay.

Nghe tiếng gió, tôi ngỡ trời đang mưa nên leo lên sân thượng, trong lúc leo thang tôi nhìn ra hướng cửa sổ dày đặc nhà cửa, chỉ hé ra một góc cảnh nhỏ bằng lá bàng. Trời không mưa nhưng mờ sương vì đêm xuống.

Mưa làm khuất tầm nhìn còn sương làm mờ mắt.

Ngày gia đình tôi đưa cốt mẹ về mộ, sương muốn lòa con ngươi.

4 giờ 44 phút sáng lên xe, 5 giờ đến nơi, trời mùa đông nhanh tối lâu sáng nên đoàn người phải soi đèn pin dò đường. Bóng tối cùng tiếng gió vi vút trong những rặng tre, vỗ lên bụi chuối không đáng sợ bằng sương, bởi sương mà tôi không nhìn thấy gì, mắt nhòe nhoẹt rồi cay xè. Mấy cô chú đi theo vì trách nhiệm, để có thêm người khiêng đồ, quan trọng là tôi, con trai của mẹ, cháu trai bên ngoại và cháu đích tôn đằng nội. Cha mẹ đã ly hôn nên ngoài tôi ra chỉ có một người nữa họ Mai. Gió thổi từ sông Hồng rất lạnh, nhìn lên trời không còn thấy trăng cũng chưa đến giờ mặt trời. Đi hết phần mộ tổ tiên, ông bà mới đến bãi đất an táng mẹ. Đây là khu đất mới và mẹ là ngôi mộ đầu tiên, tôi thấy may mắn vì mẹ đã ly hôn nên không cần phải nằm trong khu mộ mới nguy nga bên nhà chồng. Sương không dày nhưng cứ nhăng nhẳng lớp trùng lớp, tôi vừa đi vừa dụi mắt, vuốt mặt, đến nơi thì sương tạnh, chỉ còn gió, dường khu bãi mộ họ ngoại nằm ở một khu đất có kiến trúc gồ lên kiểu ngọn đồi, chỗ táng mẹ là đỉnh đồi. Sương ngày lụi dưới nắng mới còn xương mẹ rã trong lò thiêu cốt, sót lại khuôn mặt người thừa kế. Loay hoay một lúc cũng đến phút hạ cốt vào mộ rồi vùi lấp đất. Mỗi người vốc đất rồi ném tiền xuống theo đúng thủ tục, riêng tôi cố nán lại làm người cuối cùng, lựa lúc trời nhá nhem vo viên tờ tiền vứt ra ngoài. “Không được thế, hãy để Thanh có chút lộ phí!” Bàn tay tôi bị giữ lại, định giằng ra thì cô chú quay sang hỏi, tôi đành gật gù, vuốt lại tờ tiền lẻ, gấp vội một con hạc nhàu nhĩ thả xuống hố mộ, tôi vốc nắm đất thả chậm lên mình hạc. Mong mẹ sẽ tìm thấy người anh chị thất lạc không ra đời của mẹ của con, nếu mẹ gặp Maria Lê Thanh Lan1 thì hãy báo mộng cho con một tiếng kinh đêm cầu hồn2, tôi cúi người, vươn nửa người xuống hố ới mẹ lần cuối rồi ra ngoài. Công việc còn lại là của đám thợ thuê, họ sẽ đổ đất thật chặt, chôn sâu phần sót lại của cơ thể mẹ khỏi cuộc đời rồi tạc hoàn thiện ngôi mộ, gắn tấm bia đặt chân dung mẹ cùng bát hương và lọ hoa, cái tên Nguyễn Tuyết Thanh sẽ xưa theo lịch sử.

Lách ra bên ngoài đứng, phì phèo điếu thuốc, bàn tay giữ lại tờ tiền đưa ma trong tay tôi thò ra vỗ lên vai tôi cái bộp.

“Mất mẹ thì còn cha mà!”

“Con đủ sức để sống một mình.”

“Con không định về với cha sao?”

“Lúc mẹ còn, con chưa từng muốn sống cùng cha thì khi mẹ chết cũng vậy, trừ khi cha trở về với đúng thân phận của mình.”

“Tùy con thôi, mẹ con không kịp quay về nhưng con thì có thể.”

“Sống như thế, cha có dễ chịu không?”

Im lặng theo tiếng gió và những nhát xẻng xúc đất, không ai nói thêm câu nào, cả hai đứng gần nhau cùng nhìn ra xa nhưng khác hướng mắt, mỗi người một suy nghĩ cho đến mặt trời lên cao, mộ mẹ thành hình. Đấy là cuộc nói chuyện hiếm hoi giữa hai cha con kể từ lúc mẹ qua đời cho đến một năm sau, tôi gặp cha trong phòng mẹ. Giường, tủ, đèn còn đó nhưng mọi đồ đạc, vật dụng gắn với một con người đã thành tro trong lễ hóa vàng, sót lại chỉ là những hồi ức nhớ quên trong căn buồng trống hơi người. Mẹ tôi chưa kịp trăn trối điều gì, những ngày đau bệnh mẹ cũng không đòi hỏi gì, có lẽ vì mệt mỏi, mắt mờ nên bà chỉ với tay sờ lên mặt tôi, nắn từng nét, bảo rằng “Cái gương của mẹ!” Tấm gương vẫn còn nhưng chẳng còn ai soi, gương tự soi mình trong tưởng tượng. Sống, vác thêm một cuộc đời nữa bằng khuôn mặt song sinh, tôi sẽ già sẽ xấu thay mẹ.

Sương vẫn lờ đờ cùng ánh đèn vàng dọc khu phố. Gió lắt rắt, mùi hoa sữa thoang thoảng, ngồi trên tầng gác mái coi như tầng 3 của ngôi nhà ngóng đầu qua cửa sổ, tôi thấy mình như tù binh của ký ức. Trên này không có kỷ niệm gì của mẹ, tôi từng bới tung mọi thứ nhưng không lục được đồ đạc nào của mẹ, ngày trước, ngày đó hay bây giờ vẫn trống không, dẫu là dấu lông cú mèo ngủ thầm trên đầu. Liếc nhìn xuống phố quạnh quẽ bóng xe bóng người, đèn phố tắt phụt trong bóng trăng khiến tôi hình dung ra một lễ rước kẽo kẹt được kéo bởi con ngựa xương, nếu xe âm đi trước xe trần thì ngày hôm đấy mẹ tôi cũng ngồi trong cái kiệu trắng bóc sương mù. Mẹ vút đi trong lúc tôi đang ngân nga theo giọng hát của Karen, lúc ngoảnh lại thì căn phòng chỉ còn hơi thở của một người. Tôi là di chúc mẹ gửi lại đời.

T.S
(TCSH421/03-2024)

---------------------
1 Tên thánh của ca sĩ Ngọc Lan.
2 Lời của bài hát Vĩnh biệt một loài hoa của Anh Bằng.

 

 

Các bài mới
Ánh sao đêm (26/01/2025)
Từ đường (16/01/2025)
Nghệ sĩ (14/01/2025)
Thánh vật (13/01/2025)
Các bài đã đăng
Phù vinh (04/04/2024)