Truyện ngắn dự thi 2024
Pháp lam rực rỡ
14:31 | 13/06/2024

NGUYỄN ANH TUẤN

1.
Chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines, chặng bay Hà Nội - Huế đáp xuống sân bay Phú Bài lúc 9 giờ 45 phút sáng.

Pháp lam rực rỡ
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Dù đã kéo vali ra khỏi cổng nhà ga hàng không an toàn, Tú vẫn thấy tim mình đập thình thịch. Kế hoạch bay đến Huế diễn ra khá bất ngờ khi Tú nhận được tin nhắn có nội dung từ Mến - một cô gái gốc Huế mà Tú tình cờ quen qua mạng xã hội: “Nếu cậu đến Huế dịp ni, mình sẽ giới thiệu cho cậu xem báu vật Tử Cấm thành”. Vốn là sinh viên ngành thiết kế mỹ thuật, cụm từ “Báu vật Tử Cấm thành” như một liều thuốc “kích thích hóc môn phiêu lưu” trỗi dậy, nó làm Tú vui mừng và hưng phấn suýt chút nữa là hét toáng lên trong lớp học.

Ngay khi trở về ký túc xá, không một giây chần chừ, Tú vét sạch toàn bộ số tiền làm thêm trong nửa năm rồi đặt vé bay về Hà Nội.

Sau khi “dụ dỗ” đứa em gái tên Kem để nó đập heo cho Tú mượn thêm tiền và hứa sẽ mua cho nó chiếc vé xem concert của Taylor Swift vào dịp cuối năm, nó đã đồng ý giúp Tú giấu nhẹm gia đình việc Tú tự ý bỏ về Việt Nam trong kỳ học cuối tại Paris, quan trọng hơn nữa nó sẽ là “điệp viên” giúp Tú nghe ngóng mọi động tĩnh trong nhà để tránh kế hoạch trốn về nước bị bại lộ. Đây là một quyết định liều lĩnh vì nếu không hoàn thành bài luận trong mùa hè này Tú sẽ bị cắt học bổng và nghiêm trọng hơn nữa là cậu có thể bị nhà trường cho tạm dừng học.

2.

Để tiết kiệm chi phí, Tú thuê một chiếc xe đạp mi ni với giá cho thuê theo giờ.

Đạp xe dưới trời mưa phùn làm Tú cảm thấy thêm phần phấn chấn, con đường dẫn lên đồi Thiên An đẹp như hai câu thơ: “Đường vô xứ Huế quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Vừa lấy tay quệt mồ hôi rịn ra trên trán, Tú vừa mỉm cười thầm nghĩ: “mình thật may mắn được đến Huế trong mùa mát mẻ”. Tú nhớ lại trước lúc lên đường, đứa em gái nhét vào tay của Tú một chai kem chống nắng. Khuôn mặt bé Kem biểu lộ cảm xúc “run sợ” khi nó ra vẻ tình cảm kéo anh trai xuống rồi thì thầm cất giọng tư vấn như bà cụ non:

- Anh Tú vô Huế cẩn thận kẻo bị chiên cháy như trứng rán. Mưa và nắng ở Huế kinh khủng khiếp luôn í, được mọi người ví von là “mưa thấy bà nội, nắng thấy bà ngoại” đó nghen!

Cũng may, không giống như những gì bé Kem cảnh báo, thời tiết ở Huế bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới nên có mưa phùn lất phất.

Dò tìm đường theo bản đồ định vị trên điện thoại di động, Tú nhấn pê-đan xe đạp bon bon leo dốc, con đường đã trở nên dốc hơn và cơn mưa nhỏ đã làm cho mặt đường sũng nước. Chiếc xe đạp nặng nhọc chậm chạp tiến về phía trước. Khi xe đạp băng qua hai chiếc cầu nhỏ, mở rộng trước mắt Tú là một khung cảnh rừng thông bao la, xanh mướt, những ngọn thông cao vút kiêu hãnh như những ngọn giáo đâm thẳng lên bầu trời... Tú thả cho chiếc xe tự chạy xuống một dốc nhỏ khá ngoằn ngoèo, nó dẫn vào bên trong một khu rừng thông dày đặc. Những ngôi biệt thự có lối kiến trúc nửa cổ điển, nửa hiện đại núp dưới những cây thông cổ thụ thấp thoáng ẩn hiện. Tú mở điện thoại dò tìm vị trí.

Xưởng chế tác pháp lam được bao bọc bởi một rừng tre dày đặc vừa làm hàng rào, vừa làm bức bình phong.

Khi Tú bước qua cánh cổng làm bằng tre, chào đón Tú là tiếng sủa inh ỏi của năm chú chó giữ nhà với bộ lông được nhuộm màu sắc sặc sỡ, bước theo sau là khuôn mặt rạng rỡ của Mến. Tú nhận thấy trên khuôn mặt nhỏ nhắn của cô bạn gái người Huế vẫn còn dính mấy vệt màu...

Mến đưa ngón tay lên miệng, ra dấu “suỵt suỵt” nạt mấy chú chó đang “chào hỏi” Tú hơi “quá đà” rồi dẫn Tú bước vào bên trong xưởng pháp lam.

Ngay chính giữa không gian xưởng, bên cạnh bức tranh sơn mài khổ lớn là chú Long, họa sĩ chính của xưởng. Khi thấy Tú, chú Long kéo cặp kính dày cộm xuống rồi nhìn Tú với ánh mắt thân thiện. Chú Long đang tỉ mỉ vẽ màu trang trí cho những chiếc dĩa pháp lam hình tròn, dưới bàn tay tài hoa của người nghệ nhân hình cỏ, cây, hoa, lá... dần hiện ra trên bề mặt chiếc dĩa.

Bên trái nhà xưởng, Phúc và Hiếu với khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, đang hì hục cúi người, hai tay dùng giấy nhám chà tới chà lui để mài bức tranh sơn mài có tên là “Tứ phụng sum vầy” dưới dòng chảy của nước được phun đều từ vòi.

Mến tiếp tục dẫn Tú bước qua những đống vỏ hộp sơn nằm ngổn ngang dưới nền nhà để đi ra sau một khu vườn khá rộng. Tú nhận ra đó là khu vực bố trí lò nung sản phẩm pháp lam. Lò nung là một khối mô hình hình trụ cao khoảng 2 mét được xây dựng bằng đất sét bồi và gạch chịu nhiệt, có ống khói nhô cao và cửa lò có miệng hình tròn để đưa than vào đốt. Mến chỉ tay vào lò nung rồi mô tả cho Tú hiểu:

- Lò nung là nơi “hồi sinh” những sản phẩm thủ công, những bức tranh pháp lam tưởng đã bị thất truyền sau gần 200 năm được sinh ra từ bàn tay nghệ nhân tài hoa xứ Huế. Nhiệt độ nung trong lò để tạo ra chất kết dính và lên màu men pháp lam sau khi được vẽ, quét lên lớp cốt bằng đồng hay kim loại khác thường xấp xỉ dao động từ 800 độ C đến 900 độ C. Tuy nhiệt độ trong lò nóng như vậy nhưng hơn 20 năm qua những người thợ pháp lam vẫn ngày đêm miệt mài đứng bên lò nung để tạo ra những kiệt tác “pháp lam” rực rỡ.

Đứng bên cạnh lò nung nóng bức, Tú vẫn cảm nhận được niềm đam mê pháp lam của Mến là rất lớn. Cậu thấy trong ánh mắt của Mến luôn lấp lánh ánh lửa pháp lam. Với vốn kiến thức có được trong hai năm học nghề pháp lam, Mến ân cần giải thích cho Tú hiểu rõ lịch sử hình thành pháp lam Huế, cô nói với giọng chậm rãi:

- Ngược theo dòng lịch sử cách đây khoảng hơn 200 năm, từ thời vua Gia Long pháp lam Huế được du nhập từ Trung Quốc thông qua quá trình xây dựng các công trình quan trọng, triều đình đã mời thợ từ Trung Quốc sang và có thể trong quá trình giao lưu văn hóa họ đã truyền lại một loại hình kỹ thuật trong xây dựng, kỹ thuật này sau này được gọi tên là “pháp lam”.

Mến chỉ cho Tú lớp men màu xanh dương được trang trí trên một cây đèn pháp lam hình nấm rồi nói tiếp:

- Pháp lam hay đồ đồng tráng men là những sản phẩm mỹ thuật được trang trí độc đáo bởi đôi bàn tay của những nghệ nhân tài hoa đã vẽ màu lên những sản phẩm bằng đồng mà cậu đang nhìn thấy.

Mến đột ngột hỏi Tú:

- À, mà cậu có hiểu từ “nghệ nhân” có nghĩa là gì không?

Tú nhanh nhảu đáp:

- Theo tớ, nghệ nhân là những người thợ thủ công lành nghề, họ phải có nhiều năm miệt mài làm việc, tích lũy kinh nghiệm, khi đạt đến một trình độ nghệ thuật nhất định mới được gọi là nghệ nhân.

Mến nhoẻn miệng cười rồi đưa tay phải lên ngực trái:

- Cậu nói đúng nhưng chưa đầy đủ. Nghệ nhân là người nghệ sĩ lao động bằng chân tay, đầu tiên để tạo ra những sản phẩm thô. Tiếp theo, người nghệ nhân dùng khối óc và cả trái tim của mình để “cảm hóa” và “thổi hồn” vào mỗi sản phẩm thông qua bàn tay tài hoa thao tác các công đoạn như mài, giũa, phủ màu, đánh bóng, khắc chạm... nung đốt mới có thể tạo ra được những sản phẩm pháp lam nguyên bản độc nhất, vừa có giá trị chất lượng màu men, vừa có tính thẩm mỹ, một kiệt tác vĩnh cửu với thời gian và không gian.

Tú thấy lỗ tai mình bắt đầu “lùng bùng” nhưng không thể cắt đứt phút “cao hứng” của Mến, cậu vỗ tay tán thưởng rồi nói:

- Thật tuyệt vời! Tớ nghĩ sau này cậu có thể trở thành một nhà phê bình mỹ thuật danh tiếng.

Mến chợt trầm giọng:

- Mọi thứ không đơn giản như cậu nghĩ đâu. Chú Kháng, chủ của xưởng pháp lam ni cũng là người đã dành cả tuổi thanh xuân, mất gần 20 năm mới mày mò tìm ra công thức vật lý khôi phục nghề thủ công pháp lam Huế đã thất truyền hơn 200 năm. Chú ấy đã dồn bao tâm huyết, tiền bạc, nhân lực, vật lực... để tạo ra những dòng men pháp lam giống với những đồ vật ngự dụng trong Hoàng cung triều Nguyễn trước đây, khi đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế thì dịch bệnh, rồi suy thoái kinh tế xuất hiện đã làm cho chú ấy lao đao vì khách mua hàng pháp lam cứ giảm dần trong khi đó giá cả nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất ngày càng tăng cao...

- Đừng đứng gần lò nung kẻo bị bỏng nghe con - một giọng nói ồm ồm bỗng vang lên sau lưng Tú.

Lúc Tú và Mến quay người lại thì nhìn thấy một người đàn ông trung niên cao lớn, có mái tóc dài chải ngược ra phía sau. Thấy chú Kháng xuất hiện, Mến liền giới thiệu Tú:

- Dạ. Con xin giới thiệu với chú Kháng, đây là bạn Tú vừa ở Hà Nội vào. Bạn của con hiện đang du học ở Pháp vừa về nước. Bạn ấy muốn tham quan xưởng pháp lam và tìm hiểu về nghề pháp lam truyền thống của Huế mình đó chú. Con vừa mạn phép chú giới thiệu sơ qua về lịch sử pháp lam và một số sản phẩm pháp lam ở xưởng mình.

Mến lại quay sang Tú, cô nói với giọng Huế nhẹ nhàng hơn:

- Đây là chú Kháng, chủ cơ sở xưởng pháp lam mà mình vừa nói.

Chú Kháng chủ động chìa tay ra bắt tay Tú rồi nói:

- Chào mừng cháu đã ghé thăm xưởng pháp lam của chú, cháu chắc đi đường mệt và đói lắm rồi phải không?

Chú Kháng quay sang Mến:

- Hôm ni con có dịp trổ tài nấu cơm Huế mời bạn con rồi đó hí.

Chú Kháng nói to với các nhân công trong xưởng:

- Hôm nay mọi người ở lại ăn cơm trưa cùng với bạn Tú cho vui nhé!

Tú lễ phép cúi người chào chú Kháng rồi không giấu được sự mừng rỡ, cất giọng run run:

- Dạ. Con rất vinh hạnh khi được gặp chú. Con đã đọc một số bài báo viết về công trình nghiên cứu khoa học của chú viết về pháp lam ạ.

Chú Kháng mỉm cười đáp lời Tú:

- Cháu quá khen chú rồi, chú và những người thợ ở đây đều có chung niềm đam mê với nghề thủ công truyền thống mà cha ông mình đã dày công học tập, sáng tạo và truyền lại cho đời sau. Chú rất vui vì gặp những người bạn trẻ như cháu thích tìm hiểu về nghề “xưa lơ xưa lắc” của cha ông. Pháp lam Huế rất cần sự giúp sức của các bạn trẻ như cháu để phát triển lên một tầm cao mới!

Chú Kháng thoáng ngập ngừng, khuôn mặt lộ nét lo âu rồi xua tay nói:

- “Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai” - giai đoạn dịch bệnh và suy thoái kinh tế vừa qua đã có tác động rất lớn đến các nghề thủ công truyền thống trong đó có nghề pháp lam của chú nhưng chú tin ông trời không phụ lòng người lao động cần cù. Thôi, chúng ta tạm dừng bàn việc pháp lam Huế tại đây hí. Cháu có thể vào trong bếp xem phụ giúp Mến nấu ăn hí.

Lần đầu tiên, Tú được thưởng thức những món ăn do chính tay một cô gái gốc Huế nấu. Dưới bàn tay của “đầu bếp trưởng” Mến, bữa trưa khá phong phú với canh mướp đắng nấu tôm đất, thịt luộc thái mỏng chấm tôm chua, cá bống kho thệ, cá ngạnh um măng chua... Tú làm tù tì ba chén cơm no căng bụng. Tú để ý thấy Mến ăn rất ít, cô chủ yếu ngồi gắp thức ăn bỏ vào chén của Tú.

3.

Khi chú Kháng mở cửa phòng làm việc của mình cho Tú bước vào xem “nội thất” của căn phòng, Tú có cảm giác “bàng hoàng” như được bước vào thế giới “thần thoại”. Trên trần nhà treo những chiếc đèn pháp lam hình cánh buồm ra khơi với những gam màu ánh dương. Tú thấy trên các giá gỗ là vẻ đẹp lung linh của những chiếc hộp gỗ hình chữ nhật sơn son, bên ngoài gắn những mảng pháp lam có vẽ hình rồng phượng, được tráng lớp men màu trong suốt, đường cong mềm mại, hình dáng linh vật uyển chuyển, tinh tế. Giữa căn phòng làm việc là một bộ bàn sa lông hình tròn gồm bộ 4 ghế nhưng cũng đã được sơn son, đánh bóng; mặt ghế, tay vịn, mặt lưng được gắn những tấm pháp lam đã được tạo hình hoa văn uốn lượn lấp lánh màu ngũ sắc các màu chủ đạo: vàng, đỏ, xanh, tím...

Mến mỉm cười khoe lúm đồng tiền, nhấp nháy đôi mắt sáng tinh anh rồi thì thầm bên tai Tú: “Cậu mê màu men pháp lam Huế rồi phải không?”.

4.

Ông Long và ông Đạt đang ngồi trò chuyện với nhau phía trước Showroom Pháp Lam Huế ở đường Bạch Đằng, đối diện ngôi chùa cổ mặt hướng ra dòng sông. Quán cà phê nơi ông Long và ông Đạt ngồi thật ra là khu đất nhỏ được che bóng mát từ tán lá sum suê của một cây cổ thụ nằm sát bờ sông. Ông Long quan sát thấy khách hàng ngồi trên những chiếc ghế nhỏ, vừa uống cà phê đen vừa chăm chú lắng nghe tiếng chim họa mi hót ríu rít trong những chiếc lồng tre treo trên cành cây.

Ông Long nhấp một ngụm trà sen thơm phức rồi lên tiếng phá vỡ không khí im lặng với giọng nói trầm nhỏ:

- Cái thằng Kháng lúc đi học đại học nó đã nổi tiếng ương bướng nhất lớp, nó giỏi nhưng đúng là “sống chết có số, phú quý tại trời”! Nó định bán hết số pháp lam độc bản ni à? Công sức của nó và cả mấy chục người thợ trong mấy năm trời mà chừ buông bỏ hết thì uổng quá!

Đợi tiếng chuông chùa lặng im, ông Đạt thở dài lên tiếng:

- Tôi có khuyên nó bình tĩnh suy nghĩ đã nhưng anh thấy đó, dịch bệnh ập đến bất ngờ, rồi kinh tế suy thoái. Một số nhà đầu tư lập tức đòi rút cổ phần, đa số hàng sản xuất mới trong mấy năm ni đều tồn kho ế ẩm, hàng không chạy là không có tiền trả lương cho nhân viên, vay ngân hàng, vay mượn bạn bè, kể cả vay nóng... nó đều gõ cửa hết rồi! Nó đã cắn răng kiên trì bám trụ trong cả năm nay...

Đôi tay của ông Đạt run run khi đưa điếu thuốc lên môi, sau khi rít một hơi dài ông buồn bã nói:

- Cái con vi rút “vô hình” nó làm cho anh em mình “đứng hình” hết.

Ông Long ngửa cổ uống hết ly cà phê rồi đặt mạnh cái ly xuống bàn, nói với giọng cương quyết:

- Ông bạn yên tâm, tôi sẽ có cách cứu thằng Kháng, chúng ta vẫn sẽ là ba chàng lính ngự lâm pháo thủ như ngày nào: “mình sẽ vì mọi người và mọi người sẽ vì mình!”

5.

Ông Đồng chở khách du lịch lên tham quan chùa Thiên Mụ. Trời đổ mưa, xe của ông nối thành hàng dài với những chiếc xích lô khác. Dưới cơn mưa, dáng ông cong cong như một cây tre nghiêng trong gió bão.

Trong lúc đợi khách vào thăm chùa, ông Đồng lấy dưới gầm xe xích lô một cặp bánh chưng rồi chia cho ông Bình một cái. Hai người nhồm nhoàm nhai bánh chưng chấm nước mưa. Ông Bình nhìn mưa rơi trắng xóa rồi nói:

- Ông có đứa con gái thật sướng, con bé Mến còn nhỏ mà nó đã biết lo cho gia đình, lúc mô nó cũng chuẩn bị bữa lỡ cho ông và tui, sau ni ông gả bé Mến sang nhà tui cho thằng con trai lớn của tui hí.

Ông Đồng được đồng nghiệp khen cô con gái út hiếu thảo liền cười tít mắt, ông “hào hiệp” rút điếu thuốc mời ông Bình:

- Anh làm một hơi cho ấm hí! Con bé còn nhỏ răng mà lấy chồng được, nó còn vừa đi học vừa đi làm giúp má nó.

Vợ chồng ông Long, bà Mai sau khoảng một tiếng tham quan cảnh chùa Thiên Mụ đã cầm ô bước ra bậc đá lên xuống trước cổng chùa và vẫy tay gọi xích lô. Ông Đồng và ông Bình cũng nhanh chóng lên chiếc xích lô đạp tới chở đôi vợ chồng về lại khách sạn ở trung tâm thành phố Huế.

6.

Trời đã nhá nhem tối, bà Thương đang vắt những miếng chả quết thả vô nồi bún bò sôi sùng sục. Mến lái chiếc xe Cup Honda 50cc chở Tú chạy tới quán bún bò của mẹ. Bà Thương thấy Mến xuất hiện liền nói:

- Bé giúp mạ lặt mớ rau sống kia rồi ngâm nước muối rửa sạch rau cho mạ hí.

Tú và Mến cùng lặt rau, công việc không vất vả nhưng phải làm khá tỉ mỉ, nhiều loại rau sống được bày ra trước mắt Tú: nào là hành lá, rau thơm, rau xà lách, rau chuối thái sợi nhỏ, rau húng, tía tô, giá đỗ và ớt trái... Trong lúc Mến ngâm rau sống vào nước muối thì Tú cẩn thận dùng dao cắt chanh thành những miếng nhỏ xếp vào những chiếc dĩa nhựa.

Bà Thương đang nêm thêm ruốc và thả những bó sả vào nồi nước bún nghi ngút khói, mùi hương sả quyện với vị ruốc bốc lên thơm lừng, Mến nhắm mắt hít hà hương vị thơm nồng nồng, mùi khói ớt cay cay...

Vừa lúc đó, ông Đồng và ông Bình chở cặp vợ chồng ông Long và bà Mai dừng trước quán. Ông Đồng hồ hởi giới thiệu đến hai vị khách quý:

- Giới thiệu với ông bà, đây là vợ và con gái út của tui. Vợ tui bán bún bò Huế như ri là hơn 30 năm, hai ông bà cứ yên tâm thưởng thức món bún bò Huế ở đây hí.

Ông Bình phụ họa thêm:

- Bún bò Huế của o Thương là ngon “nhức xương”.

Ôm rổ rau từ trong bếp bước ra, chợt thấy ông Long và bà Mai bước vào quán, Tú trố mắt, miệng lắp bắp:

- Con... con... chào bố mẹ! Bố mẹ tới Huế lúc nào vậy ạ?

Bé Kem chui ra từ giữa ông Long và bà Mai, kẻ “phản bội” nhe răng sún mỉm cười:

- Bố mẹ đã mua cho em vé xem concert của Taylor Swift rồi anh Tú nè!

7.

Quán cà phê vườn nằm trong khách sạn Saigon Morin - Huế, Tú khoanh hai tay trước ngực, đầu cúi thấp, miệng lí nhí nói với ông Long và bà Mai:

- Dạ. Con xin lỗi bố mẹ!

Mến cũng vòng hai tay, cất giọng “bênh” Tú:

- Dạ. Thưa hai bác, lỗi của bạn Tú là một phần do cháu! Cháu đã rủ bạn Tú vào Huế chơi mà không xin phép hai bác.

Tú nắm chặt lấy tay Mến rồi nói với cô:

- Lỗi này là của tớ, trong chuyện này cậu không có lỗi gì cả.

Ông Long nhìn Tú cứ nắm chặt tay của Mến liền mỉm cười:

- Chà, bữa nay có bạn gái rồi không còn xem bố mẹ ra gì nữa hả?

Tú gãi gãi đầu:

- Dạ. Con xin lỗi bố mẹ! Bố mẹ cũng đã thấy hoàn cảnh của bạn Mến, bạn ấy là một người con hiếu thảo, ngoài giờ đi học bạn ấy còn đi làm thêm và phụ giúp gia đình bán bún bò Huế, con mong bố mẹ đừng trách lỗi bạn Mến ạ.

- Thôi, tha cho tụi nhỏ đi! Ngày xưa, tụi mình còn nghịch ngợm hơn nó mà! - Chú Kháng như một bóng ma, cứ xuất hiện đột ngột sau lưng Tú và Mến.

- Nếu anh đồng ý sự giúp đỡ của tôi thì tôi sẽ tha cho hai đứa nhóc! Tôi sẽ là nhà đầu tư chiến lược và có nhiệm vụ tìm kiếm thị trường mới cho sản phẩm pháp lam ở thị trường quốc tế. Chúng ta sẽ chia lợi nhuận 50 - 50. - Ông Long ôn tồn đáp.

Chú Kháng vuốt mái tóc dài phong sương đã điểm bạc nhìn một lượt qua Tú và Mến rồi dừng ánh mắt nơi khuôn mặt của bà Mai, chú hắng giọng rồi trả lời như bị ai đó ép buộc:

- Thôi, được rồi. Tôi đồng ý sự giúp đỡ của hai bạn với một điều kiện: cháu Tú sẽ ở lại đây giúp đỡ tôi một thời gian. Tôi thấy cháu rất đam mê pháp lam Huế, tôi sẽ truyền nghề lại cho cháu!

Đột nhiên, Tú đứng thẳng dậy rồi dõng dạc nói với ông Long và bà Mai:

- Thưa bố mẹ, con xin phép được bảo lưu kết quả học tập tại Pháp. Con xin phép bố mẹ được ở lại Huế, con sẽ dành thời gian nghiên cứu thêm về nghề thủ công truyền thống sản xuất pháp lam Huế, con sẽ báo cáo với nhà trường đây là Đề tài nghiên cứu luận văn tốt nghiệp của con. Con là người Việt Nam thì phải có trách nhiệm gìn giữ văn hóa, gìn giữ và phát triển, sáng tạo sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam đúng không bố mẹ?

Ông Long và bà Mai lắc đầu nhìn Tú tỏ vẻ không hài lòng...

Chú Kháng bật cười lớn rồi xoa đầu Tú và nói:

- Cháu khá lắm! Đàn ông nam nhi là phải mạnh mẽ, quyết đoán như ri chứ!

Chú Kháng quay sang bố mẹ của Tú rồi cất giọng an ủi:

- Hai bạn yên tâm! Tôi sẽ luôn xem cháu Tú như con cái trong nhà!

Chú Kháng vỗ vai Tú rồi nói:

- Cháu cứ về Hà Nội với bố mẹ để bàn bạc thật kỹ, sau khi thống nhất mọi việc cháu hãy quay lại với chú học việc nhé.

8.

Sáng sớm tinh mơ, trời ở Huế sương mù dày đặc. Tú co ro đứng trên cầu Trường Tiền thấp thỏm nhìn qua màn sương mù bồng bềnh đợi Mến. Những tia nắng mặt trời bắt đầu le lói trong ánh sáng huyền ảo, giao thoa của đất trời. Mến gọn gàng trong trang phục thể thao đang chầm chậm đạp xe hướng từ đường Lê Lợi rẽ lên cầu Trường Tiền. Trong ánh sáng bình minh, khuôn mặt thanh tú và mái tóc dài để xõa tự nhiên làm Mến nổi bật như một tiểu thiên thần.

Nhận ra Mến, Tú mừng rỡ chạy đến bên cô như sợ Mến sẽ biến mất trong màn sương mỏng manh... Ánh nắng mặt trời ấm áp xua tan làn sương mù dày đặc.

Chỉ tay vào chiếc vòng cổ, Mến mỉm cười khoe với Tú:

- Cậu thấy đẹp khôn? Cái hình trái tim pháp lam ni do chính tay mình thiết kế và chú Kháng đã giúp mình bỏ vào lò nung, phải nung hơn 4 tiếng đồng hồ đó hí. Mình đặt tên nó là “Báu vật Tử Cấm thành”.

Tú mỉm cười:

- Màu pháp lam thật đẹp và rực rỡ... Tớ thấy cậu hôm nay cũng rất đẹp... đối với tớ, cậu mới chính là “Báu vật Tử Cấm thành!”.

*

Trên chuyến tàu trở về Hà Nội, thấy mẹ đang ôm bé Kem ngủ say, Tú quay sang hỏi ông Long:

- Bố ơi, trong lúc quyết định nhờ bố giúp đỡ sao chú Kháng cứ chần chừ rồi nhìn mẹ con hoài vậy hả bố?

Ông Long mỉm cười trả lời:

- Thời sinh viên, chú Kháng và bố đều thích mẹ của con, nhưng mẹ con đã chọn bố. Cho nên, chú ấy có hơi khó nghĩ đối với mẹ con khi phải chấp nhận sự giúp đỡ của bố.

Bà Mai chợt lên tiếng:

- Chuyện xưa rồi, nhắc lại làm gì! Đã là bạn bè thì phải giúp đỡ nhau trong khốn khó con à. Thôi, hai bố con ngủ đi nhé!

N.A.T
(TCSH423/05-2024)

 

 

Các bài mới
Hằng và tôi (01/10/2024)
Các bài đã đăng
Trong tầm tay (07/06/2024)
Vết sẹo (03/06/2024)
Mặt nạ giấy (12/04/2024)
Phù vinh (04/04/2024)