Truyện ngắn dự thi 2024
Bên triền phá Tam Giang
10:16 | 17/07/2024

NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

1.
... May quá, cứ tưởng trong mơ Yến ơi! Gia đình Dương đã tìm được mộ anh Toàn. Anh Tịnh sẽ kể cho Yến nghe, chuyện quá sức bất ngờ...

Bên triền phá Tam Giang
Minh họa: Ngô Lan Hương

Giọng nói reo vui của Dương vang lên từ trong máy, nghe như có gió xôn xao từ bên kia nửa vòng trái đất. Vì mới trở lại bên ấy nên dịp này Dương không thể về để tận mắt thấy nơi nằm xuống của anh trai mình, người mà gia đình đã kiếm tìm từ mấy chục năm nay.

Đó là một chiều gần cuối xuân. Yến muốn tặng bạn một bất ngờ nên đã quyết định hỏi đường về Phú Vang để tìm mộ anh Toàn theo lời kể của Tịnh, anh họ Dương. Đến đầu làng Xuân Ổ, Yến phải dừng xe mấy lần để hỏi nhà ông cụ S. Ngạc nhiên hơn cả là cụ S. ở tận xóm xa, gần như cuối làng và phải đi loằng ngoằng qua nhiều cụm nhà ở cách nhau nhiều lối đi tắt hoặc đi vòng, vậy mà những người được hỏi đều biết đến. Có người còn đi theo Yến một đoạn rất xa để chỉ rõ những đoạn đường kế tiếp. Người làng hầu hết đều quen nhau, huống chi cụ S.vốn được nhiều người kính nể và yêu mến về việc đã chôn cất mấy người lính tử trận bên triền phá Tam Giang, gần đầm tôm của gia đình cụ trước khi chiến tranh kết thúc không lâu. Trong bối cảnh xóm làng ngược xuôi tứ tán, thiếu thốn mọi bề nhưng cụ đã cố gắng lo liệu chỗ nằm cho những người ngã xuống mà không có thân nhân bên cạnh.

Con đường chính vào làng đã đổ bê tông nhưng bị bong tróc nhiều đoạn khiến xe máy cứ nhảy xóc như vó ngựa nhọc nhằn. Nắng xuân vàng ấm không ngăn được cơn gió chiều lành lạnh vẫn lùa qua chân tóc và từng nếp khăn quàng cổ. Cảm giác dễ chịu khiến cuộc tìm kiếm đỡ vất vả. Chạy xe và cả dắt bộ nhiều lần, Yến mới đến được nhà cụ S. ẩn dưới những vòm lá tre xanh mát. Ngôi nhà cũ, thấp và tối như hầu hết nhà cửa của cư dân xóm nghèo ở ven đầm phá miền Trung. Cụ S. còn khỏe và minh mẫn. Ánh mắt cụ thoáng chút dè dặt khi Yến giới thiệu về mình và mối quen biết với gia đình Dương. Có lẽ cụ không biết Dương đang ở nước ngoài vì trước đó chỉ có mấy người anh họ của cô ấy ở Huế về gặp cụ để bàn chuyện làm thủ tục cải táng. Qua vẻ ngập ngừng của cụ nên Yến nói ngay ý định là chỉ tìm đến thắp nhang cho anh Toàn. Ngồi nói chuyện một lúc, cụ chỉ đường cho Yến tìm nhà đứa cháu trai gọi cụ bằng chú ruột sẽ thay cụ dẫn Yến đi. Tuy việc buôn bán ở cửa hàng vật liệu xây dựng khá bộn bề và phải bận bịu hai đứa con nhỏ nhưng vợ chồng Hiền rất vui vẻ đón tiếp cô. Uống vội ly nước, Hiền nhanh chóng lên xe chạy trước dẫn đường, len qua những ngõ nhà ra phía sát bờ đầm. Để xe lại bên bờ một ao tôm, Yến theo cậu thanh niên đi dọc mấy bãi rau màu cạnh mép nước. Được một đoạn thì Hiền dừng lại:

- Đây rồi cô!

Yến ngạc nhiên nhìn quanh. Cho đến khi thấy Hiền ngồi thụp xuống trước một mô đất nhỏ chỉ bằng cái thúng úp và rất khó để nhận ra là một ngôi mộ, bởi cả triền đất thoai thoải đã bị cỏ xanh phủ dày, cô lặng người đi trong một thoáng. Dấu hiệu để phân biệt nấm mộ là một tấm bia nhỏ xíu đã khuất gần hết trong đất cỏ, bên cạnh là một bát nhang và cái bình cắm hoa. Mấy bông hoa cúc đã khô chứng tỏ gần đây có người viếng mộ, cô nghĩ là mấy anh em Tịnh. Một vỏ bao thuốc Khánh Hội trong chiếc dĩa nhựa khiến Yến chú ý đến những mẩu thuốc cắm ngược trong bát nhang. Hiền đốt nhang và chia cho Yến một nửa. Anh nhìn người phụ nữ kính cẩn cúi đầu để lộ những chân tóc bạc trắng, lầm rầm khấn vái:

- Thưa anh! Em là bạn của Dương thời nhỏ đây. Hồi em tới nhà Dương chơi thì có thể anh em mình đã gặp nhau nhưng chắc là không ai nhớ. Còn em lúc đó mới chỉ là con bé lên mười, nhỏ như cái kẹo củ khoai... Rồi chúng mình lại gặp nhau trong đêm nhạc ở trường Y khoa, anh còn nhớ chứ?

Một thoáng rùng mình ớn lạnh dọc sau gáy xuống sống lưng khiến Yến dừng lại, cắm nhang và nhìn làn khói trắng vật vờ trong gió chiều từ phá Tam Giang lồng lộng giữa sắc trời đang cứ xanh lên, xanh lên mãi. Nơi ấy Yến hình dung đôi mắt hiền lành của chàng sinh viên Y khoa mới rời sách vở bút nghiên rồi ngã xuống bên bờ phá, mãi mãi nằm lại với tuổi đời hai tư, mà nếu chậm lại mươi hôm thì mọi chuyện sẽ khác hơn. Dương kể rằng anh rất hiền, ngoài giờ học, anh thường chơi guitar và cũng rất ít đi đâu hay đàn đúm bạn bè. Ngoài một vài người bạn thân, cũng chưa từng nghe thấy anh có bạn gái. Bất giác Yến thở dài, lòng chợt bùi ngùi: không biết phút cuối cùng trước khi nhắm mắt trong hoảng hốt và đau đớn, người thư sinh mới mặc áo lính ấy đã gọi “Ba ơi!” hay “Mạ ơi!”. Giá mà có một bóng hình ai đó để anh nhớ đến trong khoảnh khắc sinh tử một đời...

Hiền đứng dậy nhìn mông lung ra xa, nơi chân sóng không ngừng vỗ rì rào. Giọng anh đều đều như đang nói với cả những ai đang mơ hồ lẩn khuất trong gió:

- Nói không phải tụi em mê tín, chứ ông này linh thiêng lắm cô! Dân làm chài mấy khúc gần đây đi qua chỗ ông nằm thường thắp nhang mong ông phù hộ cho thuận buồm xuôi gió. Mấy đứa thanh niên ra ngủ canh đầm cứ hút thuốc thì lại thắp cho ông một điếu, y như có ông thức cùng với tụi hắn rứa, giúp quên bớt cái lạnh buốt xương suốt đêm dài, mùa đông cũng như mùa hạ. Mấy ngôi mộ khác đều có thân nhân đến dời đi lâu rồi. Chỉ còn lại ông này. Trước đây chú S. em chôn cất cả thảy là sáu người, ở khu đất phía dưới xa kia. Cách đây mười hai năm, người ta mở rộng các bàu. Lúc đó chú em cũng đã già yếu rồi nên giao cho em lo việc dời ông Toàn này ra đây. Chỗ này hơi xuôi, mỗi năm đều có vun đất lên, nhưng xứ mình mưa gió quá nên ra rứa đó.

Yến chợt hiểu vì sao nấm mộ lại nhỏ như vậy. Cô quỳ xuống, đưa điện thoại nhờ Hiền chụp giúp vài tấm hình và gửi ngay cho Dương.

Đêm đó Dương đã nói chuyện rất lâu với bạn mình. Giọng ướt sũng nước mắt chứ không reo vui như lần trước:

- Thấy hình Yến bên mộ anh Toàn, mình thương anh quá! Quạnh quẽ giữa trời nước bao la mấy mươi năm. Mình cũng không ngờ Yến chịu khó về nơi xa xôi như vậy để đến được tận nơi anh Toàn nằm lại.

Và Dương nức nở. Bỗng nhiên Yến cũng nghẹn ngào theo. Cô cố ngăn nỗi xúc động bằng cách nhớ lại câu chuyện của anh Tịnh...

2.

Đêm Đà Lạt gần cuối năm lạnh và khô. Khó khăn lắm Tịnh và mấy người bạn mới đặt được Tour du lịch Cồng chiêng ở Lạc Dương. Đơn giản vì đêm nay là Giáng sinh, hầu hết người K'Ho Lạch đều đi lễ nhà thờ. Chỉ có một điểm nhận trình diễn thì cũng làm nhanh gọn và kết thúc sớm, trước chín giờ đêm. Trở lại thành phố, Tịnh và các bạn ghé vào một quán cà phê gần cuối đường Lý Tự Trọng. Quán nhìn ra con dốc khuất sau một góc cua, nơi những dây đèn màu lung linh như sao sa giữa đêm cao nguyên hun hút gió. Anh thoáng nhận ra, hay cũng chỉ hình dung ra, đâu đó tiếng chuông nhà thờ rộn rã thinh không. Lần đầu tiên Tịnh đón Giáng sinh ở Đà Lạt dù thỉnh thoảng anh vẫn lên đây vì công việc. Anh ủ hai bàn tay quanh tách cà phê nóng để tận hưởng cảm giác dễ chịu trong lúc đưa mắt ngắm nhìn dãy tranh xếp trên giá bày dọc theo vệ đường bên kia. Phía trong bức tường bao quanh là một quán cà phê có phong cách rất lạ. Tranh vẽ được trưng bày dọc theo hai bên lối vào rất sâu. Khách đến tự pha chế thức uống theo ý thích. Các thứ trà, cà phê và cả bánh kẹo... được bày sẵn phía một bên quầy. Khách tự trả tiền vào trong một cái thùng nhỏ có con mèo giấy nằm bên trên trông vừa ngộ nghĩnh lại vừa gợi nhiều cảm hứng sáng tạo. Hôm nay anh cũng định vào đó nhưng mấy người bạn bảo ban đêm thích ngồi quán ngoài này hơn. Đang nghe nhóm bạn nghệ sĩ nhiếp ảnh bàn về cuộc triển lãm ảnh vào tháng tới, anh bỗng chú ý đến mẩu đối thoại của hai người đàn ông bàn bên cạnh, giọng Huế phát âm đậm chất vùng ven:

- Mình ở đường Yersin Đà Lạt, mà anh ấy lại ở Yersin Nha Trang. Nghe ông tui nói phía sau thẻ sinh viên có ghi rứa. Cái thẻ còn được ông tui giữ lại mấy lâu ni trên bàn thờ. Mà sinh viên Y khoa lận đó nghe!

Người ngồi cùng bàn ngạc nhiên:

- Thương thì thương cho trót. Biết địa chỉ rồi răng không nhắn tin hoặc nhờ người vào tìm thân nhân?

- Chôn cất thì cũng tạm coi như đã xong. Sau đó cũng phải khá lâu thì tình hình đi lại mới tạm ổn định, nhưng cái vụ tàu xe thì phức tạp lắm. Ông tui lúc đó còn khỏe, đi lại ngon lành. Nhưng vô tới nơi thì nhà đó không ai biết anh này. Chắc là nhà đã thay chủ mới nên không biết gì về gia đình ấy.

Tịnh nghe tim mình đập nhanh, anh cảm thấy da tay mình đang sởn gai ốc. Có vẻ như họ đang nói về anh Toàn, con trai cả của dì ruột mình. Sau khi đỗ Tú tài toàn phần, anh Toàn đã chọn học Y ở Huế chứ không vào Sài Gòn như ý muốn của dì dượng. Anh ấy rất yêu Huế, và trong mắt Tịnh thì anh rất trầm tĩnh, nho nhã đậm chất trai Huế. Ra Huế anh ấy thuê nhà trọ chứ không ở nhà Tịnh và hai anh em cũng ít gặp nhau. Ngoài học hành, anh Toàn rất say mê âm nhạc và nghe đâu anh cũng là thành viên của ban nhạc Đại học Y hồi đó.

Tịnh đứng dậy bước sang, xin phép kéo ghế ngồi nói chuyện. Nghe giọng quê nhà quen thuộc ở xứ khác là một niềm vui khiến cho không khí gặp gỡ phút chốc trở nên gần gũi thân thiện.

- Địa chỉ ở Yersin Nha Trang đúng là nhà của dì tôi, người Huế. Sau này đã vào Nam và rồi đã sang định cư ở nước ngoài. Con trai lớn của dì là anh Toàn trước đây ra Huế học Y, nhưng mới gần bốn năm thì theo tổng động viên...

Giọng nghẹn đi, Tịnh bỏ lửng câu nói. Người đàn ông lúc nãy thân mật vỗ vai anh thật mạnh:

- Hy hữu! Thật là hy hữu! Mấy chục năm chơ phải ít chi mô! Giống như có ai xui ai khiến rứa hè!

Hương cà phê thơm và ấm. Đà Lạt về khuya lạnh cóng nhưng bầu trời thăm thẳm trong vắt không gợn chút bụi mưa. Những người mới gặp trong khoảnh khắc đã trở thành bạn bè đều thấy lòng rộn vui vì những đẩy đưa bất ngờ và thú vị mà có lẽ lần đầu tiên trong đời họ chạm tới được. Vậy là anh ta gọi về cho ông cụ S. nói vắn tắt cuộc gặp bất ngờ rồi chỉ rõ cho Tịnh đường về nhà cha mình ở Phú Vang, một làng quê ven phá Tam Giang. Chỉ kịp nhắn cho Dương để báo tin tốt lành, Tịnh ngay sau đó đã gọi điện đặt vé máy bay về Huế chuyến sớm nhất.

3.

Từ một góc quán chênh vênh trên dốc Tam Đảo lộng gió, Yến vừa nhâm nhi củ khoai nướng ngọt thơm vừa ghé mắt nhìn vào máy tính xem những hình ảnh được Dương chuyển tiếp từ hộp thư của Tịnh cùng với mấy lời chú thích ngắn gọn. Đặc biệt là một file ghi âm của Tịnh kể lại buổi đưa tiễn đã khiến Yến khá bất ngờ.

Khác hẳn những lo lắng trong dự đoán trước đây, việc cải táng và đưa anh Toàn về quê ngoại ở Truồi đã được tiến hành rất suôn sẻ và thuận lợi. Đất và người Xuân Ổ, trong đó có ông cụ S. và con cháu đã rộng lòng ôm ấp che chở cho chàng trai gửi thân quê người bấy nhiêu năm nay. Vì công việc, Yến không về đưa tiễn như đã dự tính nhưng cũng rất vui khi hình dung mọi việc qua những tấm hình và lời kể của Tịnh.

Người làng không màu mè rào đón. Họ thật lòng như hòn đất củ khoai. Họ vẫn nghĩ anh ấy đã nằm yên mấy mươi năm nay không thân nhân tìm tới, thì cũng là anh em ruột thịt với dân làng rồi. Nay bỗng dưng đi là đi liền. Họ đứng thành hàng dài bên đường làng rợp bóng tre để ngóng chờ. Những cái ngả nón vẫy tay thật bùi ngùi khi nhìn đám sắp đi qua. Mấy cụ già khăn đen áo dài kính cẩn vái chào: “Mừng ôn về được với quê nhà! Nhưng chắc chắn là ôn cũng không quên bầy tui. Xin ôn có đi mô cũng linh thiêng phù hộ cho dân làng tui như từ trước tới chừ...”.

Chút thắc mắc cuối cùng của Tịnh cũng được cụ S. giải thích: “Chính quyền địa phương thì cũng là dân mà ra cả, làm việc vì lợi ích của dân. Anh ấy đã gửi thân xác mấy chục năm nơi đây, thì cũng là dân làng mình rồi. Thương không hết… Làng ni là rứa đó!”.

Phút giây từ giã, cụ S. đứng lùi phía sau, lắc đầu cười hiền lành khi mấy anh em Tịnh bịn rịn nói lời cám ơn: “Ơn huệ chi mấy cậu ơi! Tiếc là khi nớ xao xác quá, không có điều kiện để lo đầy đủ cho các vị được mát mẻ.” Bất ngờ Tịnh thấy ông cụ nhìn sang phía khác, đôi mắt già nua bỗng ầng ậng nước: “Lâu ni tui nhang khói cho mấy anh nớ, cũng coi như con cháu trong nhà. Anh ni ở với tui lâu nhất. Chút nữa về thấy bàn thờ không còn nữa, thiếu vắng rứa e là tui buồn lắm!”. Nói rồi cụ lần tay vào túi áo lấy ra mẩu giấy nhỏ: “Tui cứ lấy ngày chộ mấy anh trên đầm làm ngày mất để mỗi năm có chút hương hoa nhớ ngày. Cậu coi đây để bữa mô lấy ngày kỵ cho anh nớ!”.

Tịnh ôm chầm lấy ông cụ, người như mềm đi, bé nhỏ lại trong một cảm giác ấm áp vô cùng. Vài người bạn thân của anh Toàn mấy mươi năm vẫn còn thương nhớ đã về kịp, chầm chậm bước theo sau từng vòng xe lưu luyến. Và đoàn xe ra khỏi làng vừa lúc những tia nắng đầu ngày đã lấp lánh vàng trên đầu ngọn tre...

*

Nơi Yến ngồi nhìn ra phía đối diện, nắng cũng đã hồng lên những sườn núi bên kia, chờn vờn như một thứ ảo ảnh mơ hồ. Những nét mặt hiền hậu, chân chất của cụ S. và Hiền cùng những người làng Xuân Ổ cô đã gặp qua, thảy đều rõ nét trong cô. Thật ra cô mới gặp lại Dương gần đây thôi sau gần nửa thế kỷ bặt tin nhau nhưng những tình cảm thời tiểu học vẫn cứ tươi nguyên.

Dương sẽ không bao giờ biết rằng đã có lúc Yến gặp lại anh ấy. Năm cuối bậc trung học, cô được một chị sinh viên trường Y rủ đi xem chương trình văn nghệ “Đêm Y khoa”. Cô đã thoáng nhận ra anh. Chị bạn này vốn mê âm nhạc và cũng rất mến anh, đã giới thiệu với cô về người đang chơi guitar trên sân khấu có dáng dấp điềm tĩnh này. Lúc đó cô đã rất vui nhưng không tỏ ra là có biết anh ấy. Cô muốn giữ riêng cho mình những ngày xuân rạng ngời mơ mộng của thời thiếu nữ. Cô để ý nhiều hơn những sinh hoạt của nhóm báo chí trường Y và tham gia viết báo trường để cảm thấy mình được “gần” anh ấy. Nhưng xem ra sinh hoạt này không “chạm” đến hoạt động văn nghệ trường cũng như chàng sinh viên ít nói và kín tiếng này. Bận rộn thi cử cùng với một vài biến cố từ gia đình, cô không liên lạc được với chị bạn đó. Một đôi lần cô đã nghĩ mình quá ngớ ngẩn. Không chỉ trường Y mà còn các khoa khác của Đại học Huế, thiếu gì những bóng hồng xinh đẹp và tài năng, anh ấy đâu phải “đứng không” để chờ cô... Vậy mà người ngỡ đã muôn trùng dâu biển bỗng có ngày “gặp” lại. Chỉ có điều những cuộc gặp đều quá chông chênh... Cô gập máy lại, nhìn ra phía núi xa, nơi mây trời Tam Đảo đang cuộn lên như sóng biển, nghĩ rằng âu đó cũng được xem như là nhân duyên để cô một lần được biết đến ngôi làng này. Cô sẽ kể cho Dương nghe về những con người bình thường ở đây. Họ đã viết nên một câu chuyện, nói đúng hơn là một bài ca ngọt ngào những giai điệu yêu thương. Bấy nhiêu năm ngủ quên bên triền phá Tam Giang, giờ thì anh ấy đã có thể thức dậy nói lời tạm biệt. Anh sẽ mang cả bốn mùa gió nắng bên triền sóng theo về quê ngoại. Nơi đó dòng sông xanh mát trong lành luôn tưới tắm đôi bờ cho thơm dâu ngọt mít. Nơi đó có ngôi nhà thờ ông ngoại bề thế, vẫn mãi là niềm tự hào của dân làng. Và nơi đó từ nay, đêm đêm sông Truồi sẽ thức nghe chuyện kể từ khúc ru hiền hòa của đầm phá Tam Giang...

N.T.D.S
(TCSH53SDB/06-2024)

 

 

Các bài mới
Kiến (02/12/2024)
Ngày tuyết rơi (13/11/2024)
Tái sinh (04/11/2024)
Út Mây (22/10/2024)
Các bài đã đăng
Ức cố nhân (03/07/2024)
Bẫy tình (28/06/2024)
Trong tầm tay (07/06/2024)
Vết sẹo (03/06/2024)