Truyện ngắn dự thi 2024
Mưa thu ở thành Rome
08:30 | 06/08/2024

ĐINH NGỌC TÂM

“Khi đặt chân đến một thành phố mới, kẻ lữ hành tìm thấy lại quá khứ mà hắn đã không biết mình từng có.”
              (Italo Calvino, Những thành phố vô hình)

Mưa thu ở thành Rome
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Ước gì D ở đây để nhìn thấy bầu trời châu Âu xanh đến thế nào. D nói rằng anh muốn đến châu Âu một lần để ngắm bầu trời xem màu xanh ở đó có khác màu xanh ở đây không. Tiếc rằng mộng viễn dương trong anh không đủ lớn. Hồi còn hẹn hò hai đứa hay ngồi trong một quán cà phê bên ngoài Đại Nội vừa nghe nhạc Pháp vừa ngắm những bảo tàng Âu châu trên tạp chí kiến trúc Archdaily. Phía trên những tòa nhà đồ sộ là bầu trời thăm thẳm biếc. Tôi còn nhớ lần đầu gặp nhau ở Musée Khải Định, D nói anh thích bảo tàng. Anh ước được thiết kế bảo tàng ít nhất một lần trong đời, để chìm đắm trong những đặc rỗng tĩnh lặng của hình khối mà tạo một dòng chảy nối quá khứ tới tương lai. Những tối cà phê đó, tôi và D đã du hành bằng tưởng tượng qua tạp chí Archdaily, đến hết vùng đất này đến vùng đất khác, những nơi chúng tôi chưa từng đặt chân tới. Ước gì tôi có thể quay ngược thời gian về lại những buổi tối như vậy. Ước gì vào thời khắc quyết định đó tôi đã giữ D lại mà nói với anh rằng tôi không hề muốn chia tay. Giờ đây tất cả đã là quá khứ bất khả vãn hồi. Tôi nhớ mình đã tuyệt vọng nhìn D quay đi, dáng cao gầy của anh xa dần rồi khuất dấu. Lúc đó tôi đau đớn nghĩ rằng có lẽ phải chờ kiếp lai sinh mới lại tìm thấy nhau. Rồi thì ngày tháng cứ vậy qua đi, vết thương lòng khép miệng, chỉ âm ỉ nhức. Đến lúc này, cảm giác tê dại đã nguôi, chỉ còn lại một khoảng mênh mông trống trải trong lòng tưởng như không bao giờ tan hết.

Tàu lăn bánh vào một buổi sáng xám trời như ngái ngủ. Ba người bạn đi cùng vẫn còn gà gật. Hà là bạn ở cùng nhà còn anh Huy là bạn cùng khóa. Cả ba chúng tôi đều đang theo học kiến trúc. Chỉ có Hiệp là không giấu giếm, anh là bạn của Huy tình cờ đi cùng chuyến này. Hiệp làm tôi nhớ đến D vì vẻ thư sinh và dáng người cao gầy thiếu cân đối. Ngoài điểm đó ra thì hai người không còn điểm chung nào khác đáng kể. D có đôi mắt sâu, khuôn mặt góc cạnh trầm lặng nhiều tâm sự. Anh nói chuyện từ tốn, luôn điềm đạm khiêm nhường nhưng nội tâm tự tôn giàu kiêu hãnh. Nếu có ai đó nói về đôi mắt Huế, tôi sẽ nghĩ đó là đôi mắt của D. Đôi mắt mà nhìn vào đó ta thấy dường như luôn có một điều thầm kín không thể tỏ tường. Hiệp thì dễ thương theo kiểu mọi suy tư giản đơn của anh đều hiện cả lên khuôn mặt như trẻ thơ. Anh có hai má lúm đồng tiền, khi cười nhìn ấm áp đầy thân thiện. Hôm đó Hiệp mặc một chiếc áo thun màu đen có dòng chữ trắng “Don’t look back”. Nắng sớm chiếu những tia màu vàng nhợt nhạt lên dòng chữ trên nền áo đen làm nó nổi bật. Ngoài cửa sổ thành phố tan dần ra, nhà cửa thưa vắng và những đồi ô liu thấp thoáng ẩn hiện. Tàu đi ngang những ngôi nhà ngoại ô có sân vườn, trái hồng trong vườn đã đỏ mọng trên cành trĩu trịt. Năm ấy tôi bước sang tuổi hai sáu, bỗng thấy mình như một trái hồng đang vào độ chín. Suy nghĩ đó đem đến trong lòng tôi một chút hân hoan.

Lúc đến Rome trời đã gần trưa, nắng chói làm cảnh sắc lóa lên tưởng như sắp bốc hỏa. Chỉ đến đầu giờ chiều, không khí nóng bừng bất ngờ dịu đi khi những ngọn gió thu se mát không biết từ đâu khẽ khàng thổi tới. Tôi nhìn lên bầu trời không mây, thấy nó biêng biếc xanh thẳm bất tận. Khung cảnh này giống một tấm ảnh nghệ thuật nào đó tôi từng thấy trên Archdaily. Tôi đã ở đây. Nhưng D không còn bên cạnh, cảm giác có phần cay đắng. Nhóm của tôi lang thang qua các quảng trường, ghé thăm các phế tích, nghe các nhạc công đường phố chơi những bản nhạc cổ xưa. Người ta nói “Mọi con đường đều dẫn đến La Mã”. Đi trên những con đường đá ở Rome tôi cảm tưởng như mình đang bước đi trên các trầm tích chất chứa lên nhau, song hành cùng những bóng ma quá khứ còn lởn vởn ở đây qua hàng thế kỷ nối tiếp hàng thế kỷ. Có thứ gì đó mê hoặc lạ kỳ ở thành phố này, từ những kiến trúc kỳ vĩ đến các bức tường đổ nát. Tôi đã mơ ngày đến Rome biết bao lần. Ngay lúc này tôi thấy như đang đi trong giấc mơ của chính mình, thắc thỏm sợ mình sẽ tỉnh giấc để nhận ra mọi sự đều không thật. Trong cả ngày lòng vòng đó, Hiệp thường đi trước chúng tôi một đoạn. Dù không hối hả, nhưng những sải bước dài và nhanh khiến anh lúc nào cũng bỏ đám còn lại xa phía sau. Hiệp không tham gia vào những thảo luận nghề nghiệp ồn ào của đám sinh viên kiến trúc, anh chìm trong tư lự riêng, thỉnh thoảng nở nụ cười dễ thương, đùa cợt bằng chất giọng pha lẫn nhiều vùng miền đến mức không nhận ra là giọng địa phương nào. Dáng vẻ anh nhìn từ đằng sau rất giống D, đặc biệt giống lúc D quay lưng đi khuất khỏi tầm mắt của tôi, mà tôi không chạy theo giữ anh lại.

“Đường Huế sao dài quá, bóng người xa quá xa…”.

Trời mới trong xanh đó mà buổi chiều bất ngờ đổ mưa. Những ngày tiếp theo hôm nào mây đen cũng vần vũ bất tận. Mưa xối xả tuôn làm nước sông Tiber dâng cao lên cuồn cuộn. Nhìn xuống dòng Tiber, tôi nghĩ đến sông Hương, tự vấn về vĩnh cửu. Nhóm bốn người bọn tôi che dù đi loanh quanh trong Vatican. Tôi ngắm nhìn những phiến đá, những phiến đá truyền thừa mà tiền nhân để lại cho hậu bối. Những phiến đá bây giờ đang dầm mình trong mưa. Tôi nhìn kỹ và sâu vào từng viên đá, từng vệt vân, từng vết nứt, ép tâm trí mình bắt chặt lấy thực tại. Nhưng chỉ một tiếng chuông ngân lên, thực tại bỗng vỡ tan ra, tôi lại chìm sâu vào ký ức, tất cả kỷ niệm xưa ùa về chật tâm trí. Tự hỏi nếu D ở đây anh sẽ cảm thấy thế nào. Gia đình D sống gần nhà thờ Phủ Cam. Những chiều tan học về nghe chuông nhà thờ đánh lanh lỏi, anh hay đứng mấp mé ngoài cửa nghe cha giảng và nhìn đoàn người rước lễ. Là kẻ ngoại đạo, anh lúc nào cũng ngập ngừng nửa muốn bước qua cửa nửa lại không. D từng nói anh muốn tin có một Đấng nào đó ngoài kia, một Đấng luôn lắng nghe ta và an bài mọi sự. Nếu ở đây, anh sẽ thấy lòng được lấp đầy hay sẽ thấy trống rỗng trong ngôi nhà xa hoa vinh danh một Đấng có thể đã rời đi hoặc chưa từng ở đó? Mưa rơi lộp độp trên dù, mỗi lúc một dữ dội. Chiếc dù dường như không còn che chở nổi cho tôi nữa, nước bắt đầu tràn ướt mặt, thấm qua đôi giày thể thao, ướt hai ống quần, luồn qua cổ áo chảy xuống ngực tôi buốt lạnh. Tôi thấy khắp người run rẩy. Mưa thấm qua da thịt, thấm vào hồn tôi. Trong mưa, tôi bỗng thấy chốn này xa lạ lạnh lẽo. Bọn tôi thuê một phòng dorm bốn giường. Phòng tương đối rộng nhưng cũ kĩ ẩm thấp, chỉ có một cửa sổ nhỏ, không có ban công. Buổi tối cả nhóm phơi giày và quần áo ướt ở một góc phòng. Chiếc áo thun màu đen có dòng chữ “Don’t look back” của Hiệp phơi trên cửa sổ. Vì mệt nên tôi thường ngủ nhanh, nhưng luôn giật mình dậy lúc tờ mờ sáng. Khi này trời còn tối mịt, ba người bạn vẫn say ngủ, tiếng thở của họ đều đều. Ánh sáng mờ từ đèn đường hắt qua cửa sổ, soi rõ dòng chữ “Don’t look back” trên chiếc áo thun của Hiệp khiến dòng chữ trắng sáng lên lờ mờ. Tôi không thể ngừng mắt nhìn dòng chữ trong đêm, cảm thấy kỳ ảo như chiêm bao. Bốn đêm ở Rome đêm nào tôi cũng mơ thấy D. Một lần tôi mơ thấy mình chờ ở quán cà phê cả buổi tối nhưng anh không đến, trời thì mưa tầm tã không dứt. Một lần tôi mơ gặp lại anh ở Musée Khải Định. Lúc đó mưa rả rích. Tôi gọi nhưng anh không trả lời. Một lần khác tôi mơ thấy D mặc bộ áo chùng thâm đi giữa hàng cột đá đồ sộ của Vatican. Mưa lất phất. Anh nhìn tôi lặng lẽ, không mỉm cười. Tỉnh dậy từ những giấc mơ kiểu đó tôi thấy mình mệt mỏi rã rời. Thức giấc sớm, tôi trằn trọc trên cái giường nhỏ, nhìn vào khoảng tối mênh mông và thấy lòng trống trải. Càng cố gắng nắm chặt lấy hiện tại, tâm trí tôi càng chìm sâu vào quá khứ, kỷ niệm chồng lấp lên kỷ niệm, rối bời.

Những cây cầu đá đồ sộ băng qua dòng sông cuộn nước, những con đường cổ lên xuống băng qua những ngôi nhà mái nâu, những toà tháp và những mái vòm nhấp nhô trên nền trời, những cây tiêu huyền đang thay lá. Ngay cả dưới màn mưa mịt mù với tôi Rome vẫn đẹp u trầm cổ kính. Từng ngày ở Rome, tôi chìm sâu vào tư lự, không muốn lướt qua điều gì vội vã, tự huyễn hoặc bản thân rồi mình sẽ quay lại thành phố này, ngày nào đó không xa. Những ngày đó, Hà và anh Huy cũng đắm chìm trong mối tơ tưởng riêng tư của họ. Chỉ có Hiệp là không giấu giếm nổi thất vọng. Anh thấy Rome chẳng đem lại ấn tượng gì. Hiệp đã sống ở Ý năm năm và đi hầu hết khắp châu Âu. Anh thích khung cảnh thiên nhiên hoang sơ hơn là các đô thị. Anh không có chút hứng thú nào với kiến trúc. Với anh ngôi nhà nào cũng giống ngôi nhà nào, cũng là những khối đất đá nhân tạo lạnh tanh, chỉ có thiên nhiên là sinh động kỳ vĩ độc đáo vô chừng. Để thưởng thức thiên nhiên, người ta không cần nhiều tiền, không cần thẩm mỹ tân kỳ hay tri thức uyên bác, chỉ cần một tấm lòng bình lặng. Thiên nhiên, từ trong chính mình, luôn tự tái sinh. Hiệp tin luân hồi. Anh nói nếu có kiếp sau anh nguyện xin được sinh ra ở một miền quê thanh bình có cảnh sắc đẹp, hơn là sinh ở một đô thị phồn vinh.

Chuyến đi năm đó, nhóm bốn người không ai dư dả. Bọn tôi mua đồ ăn nhanh ở cửa hàng tiện lợi, uống nước ở vòi công cộng, đi bộ và di chuyển bằng xe bus. Không có tiền vào quán cà phê, cả nhóm thường trú mưa dưới những mái hiên nhà. Những tối trú mưa về sau lại là hồi ức đẹp nhất. Bọn tôi không còn nói về Rome, không còn nói về Chúa, bọn tôi nói về chính mình. Hiệp lớn lên trong một ngôi nhà mái tôn vách gỗ, phía trước là vườn, phía sau là rẫy. Mùa mưa đường đi học sình lầy, quần áo lúc nào cũng lấm lem. Mùa nắng đất đỏ bụi mù. Đẹp nhất là cuối mùa khô khoảng tháng mười, dã quỳ nở khắp trên các triền đồi, nhuộm vàng cảnh sắc. Mẹ anh có một gánh bánh bột lọc bánh bèo bánh nậm bán trong chợ, là sinh kế chính của cả nhà. Gia đình không có con gái nên anh thường phụ mẹ gói bánh. Đêm khuya thức cùng mẹ nghe tiếng côn trùng kêu rả rích, nhìn dáng mẹ dịu dàng tần tảo, anh thấy khoảnh khắc đó bình yên. Anh thích cách mùi bột, nhân và lá chuối quyện vào nhau. Cách gói bánh anh học từ mẹ, mẹ học từ bà ngoại, bà ngoại học từ bà cố. Công thức có lẽ từ xưa đã vậy, nhưng mỗi người, mỗi thế hệ vẫn có ít nhiều thay đổi. Mỗi phần bánh là một tác phẩm, một món quà. Người không biết có thể thấy món ăn tầm thường, nhưng người biết sẽ thật lòng trân trọng. Với anh bánh Huế không cầu kì, nhưng cần sự chú tâm tỉ mỉ. Khi gói bánh anh để tâm hoàn toàn vào từng thao tác, tạp niệm bên ngoài đều tan biến. Anh thích gói bánh còn vì đó là thời gian được gần bên mẹ, nghe mẹ rủ rỉ kể chuyện ngày xưa, những mơ mộng thiếu nữ, những thăng trầm thời thế. Anh tưởng tượng ra mẹ lúc còn trẻ, đi qua những giấc mơ không thành và vượt lên số phận nhiều thử thách. Mẹ bảo cứ chú tâm vào việc cần làm, rồi đời sẽ báo đáp. Anh chưa về Huế lần nào. Huế chỉ ở trong tưởng tượng của anh qua lời mẹ kể. Nơi đó hẳn là cổ kính bình yên. Thời thế thịnh vong, đời người hữu hạn, lâu đài thành quách có thể thành hoang liêu, chỉ có dòng Hương giang sẽ luôn chảy, đời này qua đời khác. Khu anh ở vào những ngày quang đãng bầu trời trong lấp lánh đầy sao. Phía sau nhà là một rẫy hoang ba anh khai khẩn trồng trọt. Trên những thân cây lớn thường gắn một bàn thờ giản dị, luôn cúng một dĩa bánh và một bát nhang nghi ngút. Nghe nói những khu rẫy hoang này người chết trận rất nhiều, sâu dưới đất có thể là hương linh ai đó còn nằm lại. Đêm thanh vắng trong gió rít nghe như có tiếng người. Ba anh nói không có gì phải sợ, sinh tử là lẽ thường. Con người rồi sẽ tái sinh, có thể trong hình hài cây cỏ, có thể trong một cánh bướm, một cành hoa. Mùa mưa Tây Nguyên thường dài dai dẳng. Không khí dễ làm người ta buồn nản. Nhưng Hiệp thích mưa, anh nghe tiếng mưa như có giai điệu, như một tự sự khi miên man khi dữ dội. Lúc này ở Rome trên mái hiên mưa rả rích không dừng. Có lúc tôi quên mất mình đang ở đâu, chỉ biết rằng mưa như thể không bao giờ dứt. Mưa trên mái nhà thờ Phủ Cam, mưa rừng Tây Nguyên hay mưa ở thành Rome xa xôi có lẽ đều giống nhau, đều là nước từ trên cao tuôn xuống gột rửa bụi trần. Nhưng mưa trong lòng mỗi người lại khác. Mưa hôm nay không giống mưa hôm nào.

Bất ngờ, ngày cuối cùng ở Rome trời nắng đẹp trở lại. Bầu trời lại ngát xanh, thăm thẳm. Nắng xuyên qua những đám mây lớn như hào quang từ thiên đường, tỏa xuống đường phố một màu vàng tan mềm như bơ chảy. Nắng hong khô cỏ cây, khiến cảnh sắc lại bừng lên sức sống. Nắng sưởi ấm lòng tôi, dễ chịu. Chỉ còn một ngày ở Rome, chúng tôi bàn nhau hôm nay sẽ đi đâu. D từng nói nếu ngày nào đó đến châu Âu, em nhớ chụp thật nhiều hình bảo tàng. Làm sao tôi có thể gặp lại D mà không kể cho anh nghe về một bảo tàng châu Âu độc đáo. “Hay là đi bảo tàng?”. Nhóm đồng ý. Hà thần tượng nữ kiến trúc sư Zaha Hadid. Anh Huy thích xem triển lãm. Nhóm quyết định dành ngày cuối cùng để tham quan bảo tàng Maxxi, biểu tượng kiến trúc đương đại thiết kế bởi Zaha Hadid. Bảo tàng có thiết kế như những dòng chảy đan xen và chồng lấp lên nhau, được thành lập để khuyến khích các hình thái nghệ thuật ngày nay, những gì sẽ trở thành di sản cho mai sau. Ngày nào đó nếu gặp lại, tôi sẽ kể cho D nghe trải nghiệm của mình ở Rome. Tôi sẽ tả cho anh bầu trời xanh đến thế nào, mưa dữ dội ra sao, những ngôi nhà cao thấp u trầm bao quanh những mái vòm và những ngọn tháp. Tôi sẽ tả cho anh Rome hiện đại thế nào, kết nối với quá khứ ra sao. Tôi sẽ kể anh nghe hình thái của bảo tàng Maxxi, khi tôi đứng trong đó.

Bọn tôi đi xe bus đến một khu dân cư rất xa chỗ nhóm đang ở, sau đó đi bộ băng qua một chiếc cầu. Dưới chân cầu, nước bằng lặng trôi êm ả. Sau mấy ngày mưa dài, lá thu vàng rụng tả tơi khắp mặt đất, khung cảnh khá tiêu điều. Hiệp không hứng thú với bảo tàng Maxxi, anh chỉ miễn cưỡng đi theo. Anh không thích Rome, anh nói Rome quá già nua. Ngay cả các tòa nhà hiện đại cũng lạc lõng trong sự già nua của nó. Khi đi qua những công viên đầy lá rụng, anh nói anh nhớ bãi biển và bầu trời Sicilì. Anh muốn về nhà. Anh nói mọi người cứ đi tiếp và chiêm ngưỡng bảo tàng Maxxi đi, anh sẽ ngồi ở công viên này chờ. Anh chỉ thích nhìn bầu trời và ngắm người qua lại.

Cùng với Hà và anh Huy, tôi bước nhanh về phía trước, bảo tàng nổi tiếng thấp thoáng ở đằng xa. Tim tôi đập rộn lên phấn khích. Hình khối mạnh mẽ của nó nổi bật giữa không gian thoáng đãng. Tôi thích cách kiến trúc sư kiến tạo những đường lượn uyển chuyển chồng lấp lên nhau, đồng thời cũng cảm thấy khối bê tông có phần khô lạnh xa cách. Chúng tôi đứng trong hàng khách chờ vào cửa tham quan. Tôi bỗng nhớ đến Hiệp có lẽ đang ngồi lẻ loi cô độc giữa đám lá tàn. Hiệp làm tôi nhớ tới D, cái ngày anh quay đi và tôi quá kiêu hãnh để giữ anh lại. Lặng lẽ, tôi tách khỏi hàng khách chờ, quay ngược về phía công viên. Sắc vàng đỏ nhuộm không gian, những thân cây nâu xám còn vương mùi ẩm ướt thoang thoảng. Tôi nghe tiếng bước chân mình lạo xạo trên lớp lá khô. Hiệp xuất hiện ở đằng xa, anh mặc lại chiếc áo thun màu đen có dòng chữ trắng “Don’t look back”. Dòng chữ nhìn không rõ từ khoảng cách này. Ngay lúc đó nỗi háo hức được nhìn thấy Maxxi bỗng không còn, tôi bỗng nhiên muốn ngồi lại cùng Hiệp chỉ để nhìn cây cỏ và ngắm người qua lại. Tôi băng qua công viên, thấy dòng chữ “Don’t look back” trên chiếc áo thun màu đen của anh mỗi lúc một to và rõ hơn. Khi đến gần, tôi thấy anh trông bình thản thư giãn, gần như là hạnh phúc. Anh không có vẻ gì cô độc, cũng không sầu não. Tôi đứng đó ngượng ngùng, thấy mình vô duyên, như một tòa nhà xây không đúng chỗ, phá vỡ sự cân bằng tĩnh lặng của thực tại. Tôi đã gán cho anh nỗi cô đơn anh không có và trao đi sự đồng cảm anh không cần. Bất ngờ nhìn thấy tôi, anh không thắc mắc cũng không thấy phiền, chỉ rạng rỡ cười, như thể đã chờ tôi sẵn ở đó. Tôi che giấu sự bối rối, ngồi xuống cạnh anh trên một chiếc ghế đá, lá tàn rụng tả tơi dưới đất, thi thoảng bị gió cuốn tung lên. Bầu trời xanh lợn cợn mây, yên bình. Vài người đi bộ hoặc đạp xe qua lại. Tiếng trẻ con nô đùa ríu rít. Sau này, rất lâu sau này, tôi thật lòng có hối tiếc vì đã đến tận nơi mà không vào tham quan bảo tàng Maxxi nổi tiếng, thậm chí tôi còn không chụp một tấm ảnh nào. Hình dáng bảo tàng và kỷ niệm ngày hôm đó chỉ còn trong trí nhớ tôi mỗi khi bồi hồi. Tôi nhớ lúc đó mình ngồi trong công viên một khoảng thời gian không rõ bao lâu, dưới bóng của tán cây mùa thu tiêu điều, tôi nghe Hiệp kể về hành trình anh cùng gia đình mang món bánh Huế đến những nhà hàng Việt ở khắp châu Âu. Anh nói nếu có dịp ghé qua nhà hàng của gia đình, anh sẽ đãi tôi món bánh Huế theo công thức của riêng anh. Lúc ấy tôi tưởng tượng trước mắt mình là dĩa bánh thập cẩm, mùi lá, bột và nhân tan vào nhau trong nước chấm, lòng ngập tràn một niềm vui trần trụi. Nắng thu xuyên qua tán lá thành những đốm sáng rơi rớt trên nền đất. Khoảnh khắc đó, tôi tìm thấy mình an trú trong một mặc khải lạ kì.

Đ.N.T
(TCSH425/07-2024)

 

 

Các bài mới
Ngày tuyết rơi (13/11/2024)
Tái sinh (04/11/2024)
Út Mây (22/10/2024)
Hằng và tôi (01/10/2024)
Các bài đã đăng
Ức cố nhân (03/07/2024)
Bẫy tình (28/06/2024)
Trong tầm tay (07/06/2024)
Vết sẹo (03/06/2024)