NGUYÊN NGUYÊN
Tôi đang ngồi trước người đàn bà - là chị - không thể nhận ra được nữa. Già nua. Tóc điểm bạc, đôi môi khô khốc vì điều hòa bật 24/24.
Không rõ là mấy giờ mà không gian bên ngoài yên ắng quá. Thi thoảng vọng lại từ không gian xa lạ ngoài kia là tiếng hò hét của lũ choai choai trên mấy chiếc xe máy mới độ lại pô. Ầm ĩ cả một góc phố. Tôi tiếp tục lắng nghe bằng trực giác của mình, từ cái góc nhỏ tồi tàn này. Lặng lẽ như một sinh vật đang ẩn mình trong bụi rậm, mà không phải là đang rình rập một con mồi nhỏ bé nào đó. Mà sinh vật ấy đại diện cho sự yếu ớt. Đôi mắt lờ đờ trong bóng tối quan sát những hình ảnh mập mờ, đáng sợ. Có một dáng người cao lớn lướt qua ánh mắt tôi -một người đàn ông cao lớn. Rồi bỗng chốc, tiếp tục, vọng lại từ không gian yên ắng ấy là tiếng kêu của một sinh vật khác, không rõ là con gì, không rõ là sinh vật đến từ hành tinh nào?
“Chị nghe thấy gì không?”
Tôi quay lại phía đối diện mình, hỏi người đàn bà già nua, già rất nhiều so với tuổi thật. Là chị gái duy nhất của tôi - không thể nhận ra được nữa. Nhiều nếp nhăn đã xuất hiện trên gương mặt, trong trí nhớ của tôi, có lẽ là rất xinh. Đúng rồi, ngày xưa chị từng được nhiều người trong làng đánh giá là rất xinh. Có người còn nói, sau này lớn lên chị nên đi thi hoa hậu. Biết chừng, ấy thế mà…
Tôi thở dài một cái. Hỏi lại một lần nữa, rành mạch: “Chị - có - nghe -thấy - gì - không?”
May thay, lần này chị nghe thấy tôi nói. Chị im lặng. Khoảng lặng kéo dài hàng thế kỷ. Trong không gian nhờ nhờ sáng, vẫn có thể nhìn thấy ánh mắt ấy, đang trở nên đờ đẫn. Như ánh mắt của người lạ - người đàn ông trong bóng tối ban nãy, thoáng qua tâm trí. Rất giống với ánh mắt ấy. Họ rất giống nhau. Tôi khá kinh hãi khi nhìn lâu vào ánh mắt của chị. Tôi phải quay sang một hướng khác để né tránh.
Chị lắc đầu. Mấy sợi tóc xơ cứng không thèm nhúc nhích theo cái chuyển động dứt khoát ấy. Chị với tay lấy cốc nước trên bàn, tay run run cầm rồi bất giác đánh rơi. Cốc nước rơi xuống nền gạch lạnh, ẩm, vỡ tan tành. Nước bắn tung tóe khắp mặt sàn. Những mảnh thủy tinh găm xuống thảm chùi chân, nếu giẫm phải chắc chắn bị cứa, bật máu. Chị không ngạc nhiên, tôi cũng không ngạc nhiên. Chúng tôi chỉ im lặng, trong bóng tối, khi ấy trời đã tối, phủ xuống không gian nhỏ bé và cô độc ấy là thứ bóng tối mịn màng và huyền ảo. Nhưng không hề yên bình, bởi lẽ, thảng hoặc từ trong bóng tối ấy vẫn vọng lại tiếng kêu gì đó, kỳ dị, của một sinh vật bước ra từ trong màn đêm và gầm gừ.
“Có lần, một người bảo, anh ta nhìn thấy thú dữ trong thành phố.”
Chị cất tiếng, giọng khàn đặc vì cà phê đen, thuốc lá. Thi thoảng chị vẫn hút thuốc lá.
“Lên cả báo.” Chị nói thêm.
Nhưng không một ai nhìn thấy con thú đó cả, trừ anh ta, sau này người ta nghĩ rằng anh ta bị điên, và câu chuyện hoàn toàn bịa đặt. Chẳng có con thú nào xổng chuồng từ cái vườn thú rách nát với những con thú ốm đói đó cả. Chị tôi kể lể, giọng hào hứng hơn bình thường. Có lẽ, chị thích những câu chuyện kiểu này.
“Anh ta đang ở đâu?”
Tôi hỏi. Còn chị lắc đầu, bảo không biết. Có lẽ chuyển đi rồi, phải chuyển ra khỏi nơi mà không một ai tin tưởng mình nữa. Có ai tin anh ta đâu. Một câu chuyện bịa đặt không có căn cứ.
“Chuyện xảy ra lâu chưa?”
“Lâu rồi. Hai năm trước. Lúc em còn mang bầu ấy.”
Chị, lần nữa lại xoáy sâu vào nỗi đau của tôi. Bất kể lúc nào có cơ hội, là y như rằng chị lại bẻ lái và xoáy sâu vào nó. Bất kể không khí lúc đó giữa chúng tôi đang rất vui vẻ hào hứng. Nhưng có cơ hội là chị lại đem chuyện đó ra, chuyện từ quá khứ đã chôn chặt. Chị đang trả thù tôi, nhưng vì chuyện gì chứ. Chị điên rồi. Nhiều lần tôi muốn hét lớn vào mặt chị với thái độ căm hờn, giận dữ, nhưng rồi nghĩ ngay tới cảnh tượng bắt gặp ánh mắt ấy, là mọi dũng khí trong con người tôi đều bị hút sạch một cách kỳ lạ.
Tôi ngoan ngoãn như một con chó con mặc cho người chị khốn khổ của tôi hả hê. Nhưng chị đã không hả hê, cũng không hề hối lỗi. Câu chuyện về người đàn ông gặp thú dữ trong thành phố đã tan thành mây khói. Còn chị thu mình lại trong thế giới của mình - cái ghế bành chị đang ngồi. Ngả lưng, lún sâu vào cái tổ êm ái ấy như một sinh vật đang cố gắng tận hưởng cảm giác bình yên trước khi cơn bão ập đến.
“Chị sắp chết rồi.”
Đêm hôm qua chị nói. Thứ ung nhọt đang ăn sâu vào trong cơ thể này, và đến một ngày sẽ thối rữa. Bác sĩ chẩn đoán, có tế bào ung thư đang trong cơ thể chị. Tuần trước, tôi nhận được tờ kết quả mà tay bỗng run run. Còn chị bình thản, nằm ngủ ngon, chờ cơn bão tới.
*
Rồi một cơn bão cũng tới thật. Sáng nay, dậy sớm nghe loa phường phát đọc bản tin dự báo thời tiết những ngày tới. Dự kiến đêm mai và sáng hôm sau, một cơn bão đổ bộ vào biển Đông, khi vào tới đất liền suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây nên hiện tượng mưa lớn ở nhiều khu vực, trên diện rộng. Họ đưa ra những lời cảnh báo cho những vùng có nguy cơ lũ lụt, gây sạt lở đất và di dời nhiều hộ gia đình nằm trong vùng cảnh báo đỏ.
Tôi dậy từ rất sớm, trời vẫn quang mây, chưa có dấu hiệu của một cơn bão nào. Không thể ngửi thấy từ xa, không thể cảm nhận được từ xa, nhất là khi ở cái thành phố tẻ nhạt này. Nhưng cha nói, ở thị trấn mình thì khác, dễ ngửi thấy mùi bão. Lúc đó còn nhỏ quá, chúng tôi chẳng biết cách ngửi thấy mùi bão như thế nào. Chỉ nhớ đêm tối trời, bão bùng, cha đi vắng - đi uống rượu trong làng. Hai chị em ôm nhau, run rẩy, mặc cho cơn bão hoành hành phía bên ngoài.
“Chị còn nhớ không?”
Tôi hỏi chị, lúc chúng tôi đang cùng nhau nấu ăn. Tôi nấu chính, chị phụ. Chị bảo, mắt chị mờ, vị giác không còn nhạy, chị chẳng nếm được gì, rồi còn dặn tôi, cho thật nhiều muối vào.
Chị đang ngồi nhặt rau muống, không để ý tới lời của tôi, không trả lời. Tôi ngoái lại nhìn, mắt chị đưa theo dòng ánh sáng nhàn nhạt lọt qua khe cửa, đậu lại chỗ thảm trải giữa nhà. Thảm nhiều họa tiết, mang phong cách gypsy, lâu ngày không đem giặt, cáu bẩn. Tôi chuyển hướng từ tấm thảm lên thân người chị. Chị đang mặc một cái áo cũ chẳng khác gì giẻ chùi chân.
“Nhớ cái gì?”
Hóa ra chị vẫn nghe thấy tôi hỏi, chỉ là chưa vội đáp lời. Chị mân mê những cọng rau muống xanh mướt trong cái rổ, vẫn lơ đãng nhìn về phía khung cửa sổ kín mít rèm buông.
“Mỗi lần có bão. Cha uống rượu. Ngồi thu lu trong một góc nhà. Rồi chị hay hát cho em đỡ sợ.”
“Có vụ đó à?”. Chị lắc đầu bảo không nhớ.
“Bài gì mà về mẹ. Bài hát về người mẹ.”
Tiếc là tôi không còn nhớ giai điệu nữa. Chắc chắn chị cũng đã quên rồi. Ngần ấy năm, người ta không thể nào nhớ một giai điệu mà mình đã từng hát lúc còn bé xíu.
Tôi thở dài quay lại với chiếc chảo của mình, dùng đũa đảo thức ăn, mùi thơm lan tỏa khắp căn phòng.
Chị ăn ít, hầu như không ăn mấy. Chỉ uống nước ngọt tì tì. Những lon Coca chất đầy trong tủ lạnh.
Rồi tôi rửa bát, chị vẫn ngồi trên bàn, tay lật giở một cuốn sổ đã cũ móc ra từ đâu ở kệ tủ. Loại sổ bìa da, chủ yếu ghi khoản thu chi trong nhà. Hồi đó, chị hay có thói quen ghi chép như thế.
“Đi mua sắm đi. Chiều em với chị đi trung tâm thương mại.”
Chị định từ chối. Nhưng nghĩ gì, chị lại đi. Tôi cũng thấy bất ngờ. Bởi 4 tháng trở lại đây, hầu như chị chưa bao giờ rời khỏi căn phòng này. Cứ ngồi lì trong phòng.
Chúng tôi đón một chiếc xe taxi tới trung tâm thương mại vào một buổi chiều vắng. Ngày giữa tuần, người ta không đi chơi nên vắng vẻ hơn thường lệ. Chị đột nhiên trở nên lạ lẫm với mọi thứ. Chị chăm chú nhìn những tòa nhà cao tầng vừa mới xây dựng xong, rồi tới những cửa hiệu sặc sỡ sắc màu hệt như một đứa trẻ tò mò khi bước chân lần đầu tiên vào một thế giới mới lạ. Tôi thầm đoán như vậy, hoặc đơn giản chị chỉ đang giết thời gian mà thôi. Nhưng thời gian của chị đâu còn nhiều, chị sẽ về dưới đất, nằm im dưới ba tấc đất rồi tan biến vào trong đất.
“Thiêu chị đi”.
Chị nói trong lần quá chén. “Rồi rải tro chị trước mặt biển. Thế cho nhanh”. Tự dưng tôi nhớ lại chi tiết đó khiến cơ thể rùng mình trong thoáng chốc. Không đủ can đảm để nhìn người ta đẩy thân xác của chị vào trong lò thiêu rồi nhấn nút, mấy nghìn độ, thiêu trong khoảng bao lâu. Tâm trí tôi khi đó bị đánh bạt đi khá xa so với thực tại cho tới khi chị cất giọng, lôi tôi trở về. Xe dừng lại trước ngã tư đèn xanh đèn đỏ.
“Em nhìn kìa.” Chị nói, đồng thời trỏ tay lên một tấm biển quảng cáo, in hình một cô gái xinh đẹp đang đưa cây son lên môi. “Loại son mới. Chị thích. Đi mua đi.”
Rốt cuộc chúng tôi cũng mua được son và nhiều thứ khác nữa. Chị chọn thêm một vài bộ váy mùa hè.
“Tới mùa hè, mà chị chưa chết. Chị sẽ mặc. Chúng ta sẽ đi biển, lần cuối. Được không?”
Chị nói với tôi, giọng điệu trở nên háo hức hệt như đứa trẻ con đang khoe với người lớn.
Chị đứng trước gương, rồi cứ thế ướm từng bộ váy mới mua lên người, thi thoảng cười, rồi ánh mắt lại buồn xo, hơi cụp xuống.
Tôi lặng lẽ ngồi trên giường quan sát mọi nhất cử nhất động của chị.
“Màu này không hợp với chị, hợp với em. Em thử đi.” Chị đề nghị. Tôi nói, sẽ thử sau. Tôi phải đi nấu ăn ngay bây giờ. Chị không nói thêm gì nữa, mặc kệ tôi, tiếp tục ngắm nghía bộ dạng mình qua gương.
Tôi quyết định đi nấu ăn. Căn bếp vang lên những thanh âm rất đỗi dung dị trong một buổi chiều muộn. Tôi muốn đi biển. Đã bao lâu rồi chúng tôi chưa đi biển.
Nấu ăn xong, tôi quay lại phía giường thì chị đã ngủ, ôm bên cạnh những bộ váy mới mua vẫn còn nguyên tem mác. Chị ngủ say nên tôi không vội đánh thức. Tôi ngồi bên cửa sổ, dán ánh mắt ra bên ngoài phía không gian đen đặc. Tôi nhớ biển, lần nữa, nhớ da diết vô cùng.
Phía bên ngoài, trời bắt đầu đổ mưa, gió rít mạnh hơn qua những khe cửa với bản lề yếu ớt. Không tưởng tượng nổi nếu gió càng rít mạnh hơn nữa thì mọi thứ có bung ra không. Tôi cảm thấy hơi lo sợ, rồi nhìn sang phía chị, chị vẫn ngủ ngon lành, chưa bị đánh thức bởi cơn bão. Nhưng rồi một cánh cửa ọp ẹp bung ra khiến gió thốc vào trong phòng, rèm bay phần phật, nước hắt vào bên trong. Chị sực tỉnh, còn tôi thì hoảng hốt chạy lại phía cánh cửa cố đẩy chúng vào rồi bằng cách nào đó kéo lại phần chốt. Gió mạnh quá khiến tôi chật vật mãi mới đóng được cánh cửa lại.
“Bão đến rồi!” Chị nói, trong khi vẫn đang quan sát mọi nhất cử nhất động của tôi. Chị thì thầm nhiều tiếng trong bóng tối, cho tới khi chúng tôi yên vị trong căn phòng nhỏ.
“Vén rèm lên.” Chị đề nghị, muốn nhìn ngắm cơn bão.
Tôi đành chiều theo ý chị. Vén rèm lên, nhìn cơn bão đang quần thảo phía bên ngoài, thành phố cũ, thành phố nhỏ, thành phố đã già. Chúng tôi cũng không thèm quan tâm tới bản lề cửa nữa, có bung ra cũng đành chịu, không có cách nào gia cố thêm. Chị vẫn ngồi thừ bên giường, tựa lưng vào cái gối màu xám, mốc meo nhìn ra phía bên ngoài khung cửa sổ với ánh mắt thích thú.
“Lâu lắm rồi chị mới tận mắt nhìn thấy một cơn bão như thế!” Chị nói một cách bâng quơ. Tôi thở dài trong hơi ẩm của mưa và lạnh, rồi quyết định đi dọn cơm.
Sau đó, chúng tôi kết thúc màn ngắm bão bằng bữa cơm chiều muộn, trong không gian vàng đục. Trời sập tối, mưa vẫn không có dấu hiệu ngớt. Chị hầu như không động đũa, chỉ nhón mấy cọng rau lơ thơ trong bát canh rồi chậm rãi đưa lên miệng. Chị hầu như không nhai mà toàn nuốt chửng. Rồi chị cầm lấy cốc Coca tu ừng ực như vừa trải qua một cơn khát trong buổi trưa hè mười hai năm về trước.
Trong căn nhà nhỏ, tồi tàn vì thiếu hơi của một người phụ nữ. Một ai đó ngoài chợ đã nói với tôi như thế, tôi không nhớ. Mẹ của chúng tôi, bỏ đi rồi, từ lúc tôi hai tuổi, hoặc ba tuổi, tôi không nhớ. Tôi chưa bao giờ nhớ gương mặt của bà, ngay cả trong những giấc mơ. Hồi lên năm, chị gái cho tôi xem tấm ảnh của một người đàn bà, xa lạ. Ai đây? Mẹ mình đấy, nhưng bỏ đi rồi. Chị gái nói với giọng hết sức thản nhiên.
Đi như thế nào? Chị có khóc không?
Chị lắc đầu, không nhớ là có khóc hay không? Người đàn bà xa lạ ấy, đi về phía biển, trong cơn bão đang ra sức gầm gào.
Bị bão cuốn ư?
Đúng rồi. Bị cơn bão cuốn đi. Bão đến ai cũng chạy, chỉ có duy nhất người đàn bà ấy là đi về phía biển, trước cơn bão đang ra sức gầm gào, nuốt chửng những con thuyền rách nát chưa kịp vá, nuốt cả thân hình gầy còm chỉ còn da bọc xương kia.
Rồi cha đâu?
Đi uống rượu, trong làng.
“Chị không ăn gì à?” Tôi buông đôi đũa xuống, rồi hỏi chị.
“Không. Chả thấy đói gì cả.” Chị nói, hớp nốt ngụm Coca còn lại trong cái cốc, nhìn chai lớn 1,5 lít đã trống rỗng mà gương mặt vẫn thòm thèm.
“Còn trong tủ.” Tôi nói.
“Lấy cho chị.” Chị nói như ra lệnh.
Tôi chẳng nói chẳng rằng, đứng dậy, bát cơm vẫn còn lại vài miếng chẳng buồn ăn nữa. Lấy Coca cho chị xong, tôi sẽ dọn.
Trong lúc dọn, tôi mơ màng nhìn về phía chị. Chị tay cầm cốc Coca đã vơi đi một nửa, thảng hoặc miệng lại chẹp một cái rồi nhìn về phía cơn bão. Không thể biết được chị đang nghĩ gì, có đang nghĩ tới người đàn bà - là mẹ đã bị cơn bão cuốn đi vào lúc sáng sớm. Rồi cơn say của cha lúc ban chiều khi chưa nhận thức được rằng, ông ấy đã mất vợ. Tôi thì chỉ là một sinh linh nhỏ bé nằm trong cũi mà không thể cảm nhận được những hiểm nguy khi ấy. Trong cái khoảnh khắc hiếm hoi, bình yên duy nhất trong cuộc đời.
Rồi miệng chị khẽ mấp máy trong bóng tối, khi tia sáng của buổi chiều tàn sót lại. Cơn bão đã lướt qua thành phố và dư âm của nó là những trận mưa rả rích từ tối mịt tới tận sáng sớm hôm sau. Tôi háo hức nhìn cảnh hoang tàn của thành phố, khi cơn bão quét qua. Miệng mấp máy bật hơi thành tiếng, vài giai điệu xa lạ phát ra từ trong miệng của chị. Chị hát hay, đã từng đạt giải nhất Liên hoan ca múa nhạc của thành phố hồi đó. Hồi mà cha khăn gói đưa chị lên tỉnh thi, gương mặt trát phấn trắng, tô son lòe loẹt và đeo khăn quàng đỏ.
Giọng chị đã không còn hay như xưa, một vài nốt bị bóp méo bởi cổ họng khản đặc vì bị phá hủy bởi thuốc. Nhưng có vài chỗ, vẫn trong trẻo như hồi chị mười lăm, ngồi vắt vẻo trước cửa, nhìn về phía biển và hát. Bên trong nhà, cha đã ngủ, sau cơn say, mơ màng, không quấy phá, có lẽ tiếng hát trong trẻo của chị đã đưa cha vào trong giấc ngủ sâu, không mộng mị.
Nhưng buổi tối hôm đó, chị ngủ không ngon giấc. Chị ê a trong giấc mơ, đỉnh điểm tới nửa đêm canh ba chị bật dậy la hét như người bị động kinh. Mất một hồi lâu tôi mới giữ được chị. Chị gào thét tên của cha, chị gào thét tên của một người đàn bà có lẽ là mẹ, chị gào thét tên của một người đàn ông xa lạ, rồi cuối cùng, khi đã thấm mệt thì chị mới lăn ra ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, chị dậy muộn hơn thường lệ. Bão đã tan, khung cảnh bên ngoài hoang tàn. Tôi pha cho mình một cốc cà phê rồi ngắm nhìn quang cảnh phía bên ngoài từ ban công. Vài cây đã đổ, bật cả gốc. Đám hoa tím rũ rượi, rải đầy đường. Vài tấm biển quảng cáo nằm chơ vơ giữa lòng đường vẫn còn ướt sũng. Chị ngồi dậy, miệng khô khốc nhìn tôi. Tôi hỏi chị có cần uống nước không? Không đợi chị đồng ý, tôi bèn rót cho chị ly nước.
“Miệng đắng nghét.” Chị nói, rồi tu một mạch ly nước trong tay, miệng chóp chép. Tôi hỏi có cần ly nữa không, nhưng chị chẳng nói gì, cứ nhìn chằm chằm vào tay của tôi, có những vết bầm mới. Thấy vậy, tôi dùng bàn tay che lại.
“Em sao thế?”
“Hôm qua chị bị mộng du.”
“Có đau không?”
“Không sao. Em cứ tưởng chị sẽ nhảy xuống.”
“Xuống đâu?”
“Khỏi ban công, ra bên ngoài cơn bão.”
Chị im lặng, như đang cố nhớ lại chuyện đêm qua. Nhưng vài phút sau, gương mặt chị trở nên bất lực. Có lẽ đầu óc đang trống rỗng, chị chẳng nhớ được gì. Chị chép miệng lần nữa, chị nói, chị chẳng nhớ được gì. Rồi chị quay trở lại chiếc giường cọt kẹt. Ga trải giường ẩm mốc, vẫn chưa thay, nhưng có vẻ như chị không quan tâm tới điều đó, chị không hề tỏ ra khó chịu.
“Em nghĩ cần thay ga trải giường mới.”
Chị im lặng, không nhìn mặt tôi, mắt chị nhìn ra phía bên ngoài trời. Bão đã tan từ lâu. Tôi thở dài thườn thượt rồi định bụng quay vào gian bếp để dọn dẹp.
“Chị muốn về thị trấn.”
“Thị trấn nào?”
“Thị trấn đã bỏ rơi chúng ta.”
Gần như những ký ức đã bị xóa sạch, về nơi đó - cái thị trấn ven biển tồi tàn, nghèo đói, một năm hứng chịu hàng chục cơn bão lớn nhỏ. Ký ức giống hệt như một vùng đất hoang tàn vừa mới bị cơn bão quét qua hôm trước, giờ chỉ còn lại là đống đổ nát. Một cái ca bằng sắt cũ đã bị hoen gỉ, một tấm ảnh màu nhưng đã bạc phếch khiến nụ cười biến mất trên những gương mặt cũ nhàu, một hộp bánh bằng thiếc đựng bên trong là đống kim và chỉ rối không thể sử dụng được nữa. Tôi hình dung toàn bộ ký ức của mình về nơi đó, khi chị nói, chị muốn về thị trấn. Về nhà.
Tôi lo cho sức khỏe của chị, nhưng có vẻ như chị không bận tâm tới điều đó lắm. Chị nói, chị còn đủ khỏe để thực hiện một chuyến đi xa, coi như là tâm nguyện của chị trước khi chị chết, nằm sâu dưới ba tấc đất trộn lẫn với lá ẩm hoai mục.
Tối hôm trước khi về, chị háo hức, hệt như một đứa trẻ sắp sửa bước vào trong một thế giới đầy lạ lẫm với ánh mắt tròn xoe. Có gì đâu mà háo hức đến thế, chỉ là trở về “nhà”, hoặc nơi đã từng gọi là nhà. Không còn cha, không còn mẹ, không còn gì cả. Khi đó, tôi cố gắng hình dung về nơi đó, trong những không gian kín, tối, chật hẹp và cảm thấy khó thở. Bên cạnh tôi, chị đang dùng điện thoại thông minh để lướt xem những hình ảnh về nơi đó.
“Nhìn này.” Chị nói, giơ màn hình điện thoại về phía tôi. “Người ta đã xây những cây cầu mới.”
“Người ta cũng đã xây cả một khu nghỉ dưỡng gần nhà của mình.”
Tôi thấy lạ, là sao chị lại quan tâm tới mấy thứ phù phiếm đó chứ, chẳng giống tính cách của chị. Tôi buồn ngủ díp mắt, bị tiếng cười khúc khích của chị dẫn vào trong giấc ngủ. Cơ thể mỏi nhừ, trôi nổi giữa những triền mơ. Hầu như không rõ rệt, có hay chăng chỉ là những hình ảnh mờ nhạt, đang trôi dạt, bên bờ biển trước những con sóng bạc đầu, dập dềnh.
Khi ấy, tôi nhác trông thấy hình ảnh của một người đàn bà, chính xác là gương mặt trắng bệch, mắt nhắm nghiền, không còn sức sống. Tôi sợ hãi, co rúm người lại. Rồi cảnh chuyển, tôi vẫn co rúm người lại nhưng lần này là ở trong góc nhà. Đến nữa rồi, tôi trộm nghĩ. Những âm thanh dần trở nên rõ rệt hơn. Tôi như trôi dạt vào một chiều không gian khác, bước qua một cánh cửa không gian để trở về với quá khứ. Tôi vẫn co rúm người lại, không thể cử động mà mắt vẫn quan sát. Người đàn ông - không phải cha - người lạ bước vào gian nhà nhỏ. Một người quen của cha ở chợ cá, họ đã từng đi uống rượu với nhau rất nhiều lần. Ông ta khen chị hát hay, có bữa còn mua cho hai chị em quà, không thể nhớ được nữa. Ông ta thích nghe chị hát, có lần ông ta qua nhà và nói vậy.
Đêm mưa bão và tiếng la hét thất thanh, chìm nghỉm trong những âm thanh hỗn tạp và giận dữ. Tôi sợ hãi, vẫn tiếp tục co rúm người lại, muốn gọi chị nhưng cổ họng nghẹn đắng, tay chân cứng đờ, không thể cử động, như thể bị thôi miên.
Tôi bất lực, tỉnh dậy, phía bên cạnh có vẻ như chị vẫn không thèm để ý đến tôi, vẫn mỉm cười khúc khích với màn hình điện thoại. Lưng áo tôi ướt đẫm, gương mặt thảng thốt. Chị quay lại nhìn tôi, gương mặt hết sức ái ngại.
“Gặp ác mộng à?” Chị sờ trán tôi, nhưng không thấy dấu hiệu sốt.
“Em không muốn về nhà.” Tôi nói với chị, rồi bật khóc nức nở.
Rốt cuộc là chúng tôi vẫn trở về, trên một chuyến tàu muộn lăn bánh khỏi ga khi đã về khuya. Tôi mua cho chị ổ bánh mì và chai nước suối, nhưng chị chẳng buồn ăn. Chị nói, mùa này về thị trấn sẽ lạnh vì hay mưa bão, chị muốn mặc thêm áo. Chị mặc một cái áo len màu mận chát và khoác thêm áo gió bên ngoài nữa. Chúng tôi ngồi trong khoang tàu, chẳng có ai, chỉ có hai chị em, ngồi đối diện nhau trong khung cảnh vàng vọt và buồn thảm.
Trời về đêm, không thể nhìn thấy gì phía bên ngoài lớp kính chắn. Nếu đi ban ngày hẳn là tôi đã có thể chứng kiến nhiều thứ hơn, nhiều gương mặt, nhiều cuộc đời đang lướt qua mắt mình. Còn giờ đây, tôi chỉ nhìn thấy gương mặt phờ phạc, méo mó của mình đang trôi nổi phía bên ngoài kia, lúc thì trong một ngọn cây, lúc in lên một bờ tường xám xịt khi tàu đang băng qua một thị trấn nghèo nàn.
Phía đối diện, chị thiu thiu ngủ. Tôi ước có thể được ngủ như chị, nhưng tiếng động cơ lớn khiến tôi chẳng tài nào ngủ được. Tôi tự dưng thấy ghét những chuyến tàu. Tôi hỏi chị tại sao không đi máy bay, nhưng chị vẫn nhất quyết đi tàu.
Gần nửa ngày đi tàu thì chúng tôi mới trở về thị trấn. Căn nhà nhỏ, chưa thể về, không thể ở, chỉ còn là một phế tích. Chúng tôi thuê một nhà nghỉ nhỏ ven biển. Bây giờ không phải mùa du lịch nên thị trấn cũng đã vãn người. Hàng quán cũng đóng cửa chờ mùa bão qua đi. Chị nghe tin tức qua ứng dụng radio phát ra từ điện thoại. Tôi hỏi chị đang nghe gì?
“Tin thời tiết.” Chị cộc lốc đáp lại, mặt hơi bực dọc.
Chị bật loa. Loa rè rè. Tín hiệu kém, vì sóng yếu nên không truy cập mạng. Wifi trong khách sạn cũng yếu nốt.
“Sắp có bão. Lại sắp có bão.” Chị nói. “Một khối áp thấp nhiệt đới có nguy cơ thành bão.”
“Khi nào?” Tôi hỏi lại.
“Vài ngày nữa.”
Tôi thở dài, rồi lật đật giở đồ trong vali ra. Xong xuôi, quay sang vẫn thấy chị chật vật với kênh tin tức, giọng nói đứt quãng, rè rè…
“Mai chị muốn đi đâu?”
“Về nhà.”
“Nhà nào?”
“Nhà chúng ta, em không nhớ à. Chỗ bên cạnh đầm phá.”
“Sợ là chẳng còn gì. Chẳng còn nhà, chỉ là đống phế tích.”
Tôi thở dài, nói với chị qua bóng đêm. Tối hôm đó, chị ngủ ngon ngáy khì khì. Tôi không ngủ được, hướng mặt về phía cửa nhỏ, nhắm mắt lại cũng nghe những con sóng đang rì rầm.
Đúng là chỉ còn đống đổ nát. Phần mái nhà, gần như bị sụp đổ hoàn toàn. Những bức tường sơn xanh bong tróc, vẫn còn nguệch ngoạc nét vẽ trẻ thơ. Không thể phân biệt được đâu gian phòng khách, đâu gian bếp nữa. Mảnh đất hoang này chả ai động đến nên cỏ hoang mọc um tùm, đôi chỗ cao quá đầu người. Khó khăn lắm chúng tôi mới di chuyển vào. Khi tới gần, tôi hơi chần chừ. Chị chẳng thèm để ý, một mình phăng phăng qua đó, rồi cứ thế sờ nắn, ngắm nhìn từng viên gạch một,
Tôi đứng yên một chỗ, không dám lại gần, bởi không khí u ám ở đây khiến tôi khó thở.
“Sắp mưa rồi. Về thôi.” Tôi gọi lớn. Lạc cả giọng.
Rốt cuộc chị quay sang nhìn tôi với ánh mắt trống rỗng. Tôi nhìn chị. Chị nhìn tôi. Chúng tôi nhìn nhau, hai cái chấm nhỏ bé giữa không gian mênh mênh, quạnh quẽ. Chị cầm theo một mẩu gạch nhỏ khi trở về.
“Để làm gì?”
“Chôn theo chị khi chị chết.”
“Mai chúng ta về thôi, về thành phố.”
“Bão tới rồi. Làm sao về được.”
Rốt cuộc, chúng tôi bị mắc kẹt bởi cơn bão. Khoảng thời gian sau đó, thực sự khủng khiếp đối với tôi. Tôi không thể ngủ được, nếu có ngủ y như rằng gặp ác mộng. Cả thân người nặng trịch như bị đè xuống, đôi lúc chẳng thể thở.
Phía bên ngoài, cơn bão đã đến, khiến chúng tôi không thể đi được đâu. Cứ chôn chân trong nhà. Tôi gần như phát điên. Tôi muốn trở về thành phố, trở về nhà.
Chiều nay, nhân viên khách sạn đã tới thông báo cho chúng tôi, rằng đêm và rạng sáng mai, bão đổ bộ vào nơi này. Họ lưu ý chúng tôi ở nguyên trong phòng không đi lại, nếu có cần gì giúp đỡ chúng tôi có thể liên hệ với lễ tân. Chị vẻ như thích thú với hoàn cảnh này, còn tôi thì ngược lại. Tôi phát điên thật rồi.
Tôi nói với chị, lúc chị đang cố gắng dò đài radio trên chiếc điện thoại thông minh. Mạng chập chờn, không thể nào dò được sóng radio. Nhưng chị không tỏ vẻ chán nản. Chị thích thú nhìn ra không gian xám xịt phía bên ngoài kia. Chị chụp ảnh, quay video lại khung cảnh đó.
“Em muốn về nhà.”
Đây là nhà rồi. Chị bảo. Thị trấn này là nhà còn gì.
“Nhà giờ chỉ còn là một đống đổ nát.”
Chị đăm chiêu, một tiếng rầm vang lên, đột ngột cắt ngang cuộc trò chuyện của chúng tôi. Họ thông báo một thứ gì đó bị đổ, có thể là một cái cây, một cột phát sóng hoặc thậm chí là cả một căn nhà. Những bức tường, trong căn nhà của chúng tôi, e rằng cũng không chịu nổi cơn bão này. Đài khí tượng thủy văn Trung ương thông báo hai ngày trước, đây là cơn bão lớn nhất trong lịch sử.
Dễ dàng nghe thấy tiếng gió rít mạnh bên ngoài cửa sổ. Tôi còn chưa kịp nhìn gì thì đèn trong phòng phụt tắt. Mất điện rồi. Một lát sau họ mang theo nến lên phòng cho chúng tôi. Và hứa hẹn rằng, tình trạng điện sẽ được khắc phục trong thời gian nhanh nhất có thể. Chúng tôi thắp nến, để ngay ngắn trên bàn. Mỗi người ngồi một góc giường, thi thoảng tôi nhìn ra bên ngoài cửa kính đang run lên bần bật từng hồi, gương mặt tỏ vẻ sợ hãi. Chị bên giường, bình thản, lạ thường, mắt chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại, xem cho tới khi báo pin yếu, không thể sạc, chưa có điện, chị thở dài bỏ sang bên cạnh mình.
Bất giác chị đang nhìn tôi, co ro bên một góc, không phải lạnh mà vìsợ. Hệt như gương mặt sợ hãi đứa trẻ lúc 10 tuổi, khi người đàn ông lạ bước vào trong gian nhà, phía bên ngoài. Chị đang ngồi đó. Người đàn ông nói, vừa mới đi uống rượu với cha. Chị hỏi cha đâu? Người đàn ông say khướt, bão đến rồi, cha bị mắc kẹt trong làng, không thể đến được.
Tôi ngước lên nhìn chị, không phải bằng ánh mắt của đứa trẻ lúc lên mười. Như bị thôi miên, không thể cử động, miệng cứng đờ, không thể hét, mà dẫu có hét lên thì cũng không ai nghe thấy được. Bão lớn, căn nhà trơ trọi tách biệt với xóm làng. Cha say rồi, có khi ngủ rồi, có khi chết trong giấc ngủ rồi cũng nên. Đứa bé nhắm tịt mắt, còn tôi thì mở mắt nhìn chị. Chị nhìn tôi trong căn phòng tăm tối, rồi chị cụp mắt xuống, thở dài.
“Giết em đi”. Tôi thì thầm, không thành tiếng, không sợ chị nghe thấy mà có nghe thấy thì gương mặt chị vẫn thản nhiên như vậy, trơ lì, không cảm xúc. Không thể đoán được gì qua ánh mắt và gương mặt ấy.
Mở cửa ra em sẽ nhảy xuống, để cơn bão cuốn đi. Nhưng phải để chị mở cửa, chính chị là người mở cánh cửa đó.
Tôi thầm nhủ. Ánh mắt của chị, khi ấy trong ánh sáng nhờ nhờ chuyển biến khẽ khàng nhưng tôi cảm nhận được hết.
“Chị không còn sức lực nữa rồi.” Chị nói, rồi thở dài. “Chị cũng không còn sức lực để tra tấn em được.”
Rồi chị im lặng. Cơn bão vẫn đang quần thảo ngoài kia chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Chị chỉ thấy nhớ…”, chị nói, “Chị nhớ cha, nhớ cả mẹ, nhớ biển, nhớ căn nhà ấy...”.
Tôi ngạc nhiên nhìn chị, không khỏi thắc mắc.
“Chị đang tra tấn em. Bắt em nhớ lại mọi thứ.”
“Chị mệt rồi. Chị muốn ngủ. Rồi bão tan, chúng ta sẽ về thành phố.” Giọng chị nhỏ dần, như thì thầm với bóng đêm đang trải ra.
Rốt cuộc chúng tôi cũng trở lại thành phố nhỏ bé, tồi tàn nhưng yên tĩnh. Ít ra đó là chốn yên tĩnh nhất đối với tôi và chị. Sau chuyến đi, sức khỏe chị yếu đi rất nhiều và cơ thể bắt đầu kháng thuốc.
Chị nằm im, trên giường trong căn phòng trắng toát. Chị không thể nói được nữa. Tay, chân, cổ cũng không thể cử động khi đám dây nhợ lằng nhằng cắm chi chít lên tay, cổ và mũi của chị. Thảm thương hết sức. Tôi nhìn chị, đôi lúc, tôi biết trong ánh mắt ấy, chị vẫn nhận ra tôi. Người mà chị đã từng căm ghét nhất.
Chị đi vào một buổi chiều cuối cùng mùa hạ, khi họ rút ống thở. Tôi nhìn chị khép đôi mí mắt lại, nhìn chị ngủ, chứ không giống như chết.
Tôi nói với người trang điểm rằng hãy làm cho chị tôi đẹp nhất có thể. Rồi tới đoạn người ta chuẩn bị thoa một lớp son mỏng trên đôi môi tái nhợt của chị. Tôi bảo, muốn tự tay làm. Họ không phản đối. Tôi run rẩy lôi từ trong chiếc túi ví của mình ra một thỏi son mua cho chị nhưng chưa có cơ hội dùng, thoa một lớp lên đôi môi ấy. Rồi cứ thế nhìn người ta đậy nắp quan tài lại, chôn sâu dưới ba tấc, lấp đất lại. Hôm đó, trời đổ mưa tầm tã. Trong những người tới viếng, rất ít, tôi chẳng nhận ra một gương mặt quen thuộc nào cả. Tất cả đều trở nên xa lạ, từ cái khoảnh khắc người ta chôn chị xuống ba tấc đất. Hay từ cái khoảnh khắc đứa bé ấy, chỉ im lặng nhìn trong đêm mưa bão bùng mà chẳng làm gì cả.
Tôi gọi một chiếc taxi trở về nhà buổi chiều muộn. Trời vẫn mưa. Tầm tã. Tôi lôi từ trong túi ví ra chiếc điện thoại của chị, mở mục ảnh, rất nhiều ảnh. Những bức ảnh chị chụp trong lúc tôi nấu ăn, lúc tôi đi lấy Coca hay lúc đi trung tâm thương mại mua quần áo. Khi ấy, bất giác, tôi nhìn thấy một vài khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi đọng lại và đóng khung trong những khung hình vuông, ngang, dọc.
N.N
(TCSH425/07-2024)