Truyện ngắn dự thi 2024
Lỡ nhịp phách tiền
15:03 | 12/08/2024

NGUYỄN KIM HUỆ

Người đi rừng nói cứ chiều chạng vạng, trên núi Ngự Bình có bóng dáng thơ thẩn của một thư sinh bên cạnh một ngôi mộ. Chàng ngâm nga một bài thơ nào đó cho người dưới mộ cùng nghe. Rừng cây lá im lặng.

Lỡ nhịp phách tiền
Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY

Người thuyền chài bảo đêm đêm, trong màn sương mờ ảo có một người con gái cất tiếng ca trong veo, nồng nàn mà ai oán trải dài trên mặt nước sông Hương. Văng vẳng là tiếng nhịp phách tiền nghe lanh lảnh.

Người ta cứ nói...

Từ khi theo lệnh vua cha rời hoàng cung, ra ngoại thành lập phủ ở riêng, hạn chế việc tham gia triều chính càng khiến cho Miên Tú như mở tấm lòng. Chàng trai họ Nguyễn này từ khi lọt lòng đã sống trong bọc vàng nhung lụa. Lại thêm được vua cha yêu thương dạy dỗ, Miên Tú không chỉ giỏi chữ nghĩa văn chương mà còn tinh thông võ nghệ. Chàng cưỡi ngựa, bắn cung không thua gì một võ tướng thực thụ. Nhưng chàng lại không mê mải vinh hoa tráng lệ, Miên Tú thích làm thơ, vịnh cảnh, thưởng hoa, vẽ trăng. Mẹ chàng biết ý con trai nên không rầy mắng. Trong các đứa con của bà, Miên Tú là hoàng tử đức độ, hiếu lễ, và tài năng văn chương thiên phú.

Dòng sông An Cựu xưa nay vốn nổi tiếng bình yên thanh mát. Nước sông An Cựu xanh thẫm trong lành. Miên Tú xin vua cha cho lập phủ dọc bờ sông An Cựu, sống cuộc đời thanh nhã. Và con sông An Cựu như được khoác thêm một tấm áo mới khi Miên Tú về định cư ở đây. Tuy là phủ của con ông hoàng bà chúa, nhưng Miên Tú không phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Tính cách nhân hậu, cởi mở của chàng đồn xa. Người ta thấy ra vào phủ lắm kẻ áo rách chân đất. Ấy vậy mà cửa phủ lúc nào cũng rộng mở. Và lúc nào người ta cũng thấy chàng cười. Nụ cười trong xanh như đôi bờ An Cựu.

Phủ Miên Tú rộn ràng nhất là vào những ngày rằm. Đèn chong sáng đỏ từ cổng vào trong vườn phủ. Quần là áo lượt, nói cười xốn xang một vùng. Tao nhân mặc khách đến cả trăm người. Chỉ vì phủ của Miên Tú cũng là nơi chàng tổ chức hội thơ, đàm đạo văn chương. Sự chân thành phóng khoáng của chàng khiến hội thơ ngày càng đông... Đặc biệt chàng còn là anh ruột của ba nàng công chúa vừa xinh đẹp, vừa giỏi thơ ca, lại hay được chàng mời ra ứng tác với hội thơ, nên người đối ẩm say thơ, say men, và say cả dáng má hồng...

Ngoài kia, sông Hương dềnh dàng sóng. Đôi bờ yên ả mà lạnh lùng với những nhà đò đêm khuya lọ mọ với con tôm con tép. Cha con Tiểu Nguyệt đã kéo tấm lưới đầu tiên. Đâu rải rác vài ba con cá rô, con tôm bạc. Nguyệt lén nhìn cha, nói thật khẽ. Nàng thì thầm mà như muốn chỉ dòng Hương nghe mà thôi.

- Cha cho con đi hát bên phủ ông Miên Tú được không cha?     Con nghe người ta nói hội thơ bên ông Tú đang tìm người xướng họa thơ cho họ. Hàng tháng vào ngày rằm. Cha cho con qua đó xướng ca để phụ thêm cha chén cơm tấm áo. Cha cực nhọc đêm hôm thế này con không đành.

Ông Hàn khua đều mái chèo. Đêm yên tĩnh nghe rõ cả tiếng nước luồn lách trong đám rong rêu dưới đáy sông. Tim ông Hàn nhảy mạnh khi nghe tới chuyện ca hát. Nhưng ông vẫn nhẹ nhàng nói với con:

- Con là dân vạn đò. Lên bờ chân ướt chân ráo cha không yên. Mặt đất cũng gồ ghề lắm con!

- Cha cho con qua phủ ông Tú xin thử một lần...

- Nghe lời cha. Đừng bỏ thuyền lên bờ. Mẹ con đã một lần lên bờ...

Ông Hàn thở dài rồi im bặt. Quãng sông Hương chòng chành. Đêm khuya nhưng ông vẫn có thể nhìn rõ nét mặt của đứa con gái. Tiểu Nguyệt càng lớn càng xinh. Đứa trẻ ngày nào bị mẹ nó bỏ rơi trên ghe xuôi dòng được ông nhặt về nuôi giờ đã thành thiếu nữ. Người đàn bà đó đi theo tiếng gọi của một người đàn ông giàu có trên đất, rồi biền biệt không về.

Người ta nói ông Hàn dại. Tự dưng ôm cục nợ vô người. Ông Hàn cười:

- Đi giăng lưới, thuyền ở đâu bất ngờ áp sát. Nhìn qua thấy trống không. Chỉ có đứa trẻ đưa tay đòi bồng. Miệng chúm chím như trăng nhỏ. Không đành lòng bỏ. Đem về chăm.

Đêm ấy trăng khuyết treo trên đầu. Ông đặt đứa trẻ tên Tiểu Nguyệt.

Cả xóm đò từ đó thấy ông Hàn và một đứa nhỏ, lặm cặm, lụi cụi trên một góc bến sông Hương. Tuy vất vả nhưng thuyền luôn đầy tiếng cười và đặc biệt tiếng hát trong veo của Nguyệt. Ngân vang trong dòng Hương.

Lại nói về hoàng tử Miên Tú. Sau một thời gian dài lập phủ ở An Cựu, nay nghe tin mẫu thân bị bệnh nặng nên chàng quyết xin phụ hoàng đưa mẫu thân về phủ mình để tiệnbề chăm sóc. Với bản tính hiếu nghĩa, Miên Tú luôn muốn tự mình thuốc thang, cơm bưng nước rót cho mẹ. Bà Khai Minh hay vỗ vai Miên Tú bảo:

- Ta có ba đứa con gái. Nhưng chăm mẹ không bằng một đứa con trai.

- Mẹ cứ tịnh dưỡng cho khỏe. Các em con còn nhỏ, lại còn học bao thứ nữ công gia chánh, lễ nghĩa cung đình. Con thay mặt phụ hoàng và các em chăm sóc mẹ là được ạ.

Sự hiếu thảo của Miên Tú với cha mẹ khiến mọi người ở phủ đều kính nể chàng hơn.

Hôm nay là ngày lễ Phật Đản. Cả phủ Miên Tú cũng rộn ràng khác ngày thường. Bà Khai Minh dặn các con chuẩn bị hương hoa chu đáo dâng lễ Phật. Tuy bà không đi lại được nhiều nhưng các con hiểu tính mẫu thân nên đều lo việc chu đáo.

- Sen hồ Tịnh đấy anh ạ!

- Em vào cung vấn an phụ hoàng sao rồi?

- Dạ, cha vẫn khỏe. - Miệng liến thoắng, tay nhanh nhẹn, mắt ngắm nghía từng cây sen cho vào bình hoa để đặt trên bàn Phật, Miên Trinh vừa thấy Miên Tú đến đã khoe.

- Em vấn an cha xong, cho xe ngựa chạy một vòng ra hồ Tịnh. Mùa này hồ mình đẹp chi lạ. Sen trắng, sen hồng, lá xanh lấp ló. Thơm ngan ngát một khoảng trời. Em có hái một ít về dâng hương lễ Phật mong phụ hoàng và mẫu thân luôn bình an.

Miên Tú cười. Nàng công chúa út trong nhà bao giờ cũng tràn đầy xuân xanh. Nói, cười, tươi hơn cả sen mùa hạ ấy chứ.

- Ngày hôm nay chúng ta làm đèn hoa đăng nhé. Tối mấy anh em ta ra bến sông Hương thả đèn cầu nguyện cho cha và mẫu thân.

- Anh không cùng hội thơ đàm đạo à?

- Không, anh muốn anh em ta dâng đèn hoa đăng cầu nguyện.

- Dạ. Em và các chị đi chuẩn bị liền ạ!

Miên Tú có cảm giác mẫu thân chàng như cây đèn trước gió. Nhưng mẹ chàng là người đàn bà nghị lực. Bà không muốn phụ hoàng và các con lo lắng, sầu muộn nên luôn gắng gượng. Chàng muốn làm một điều gì đó cho mẫu thân...

Sông Hương tối nay là một bà hoàng lộng lẫy sắc màu. Phục trang trên nàng Hương giang là những chùm đèn hoa đăng rực rỡ. Những ngọn đèn kết lại soi sáng cả quãng sông dài. Những cánh tay thon, những lời cầu nguyện, làn khói hương trầm thoang thoảng khiến nàng Hương đẹp quyến rũ và huyền diệu. Các em của Miên Tú thành kính thả đèn.

Miên Tú chắp hai tay trước ngực. Mắt chàng nhìn theo ngọn đèn xuôi dòng gửi gắm bao lời cầu phúc...

Gió sông thổi lên mát lạnh. Trăng tháng tư tròn vành vạnh khiến đất trời bềnh bồng như tiên cảnh. Những ánh sáng chập chờn ẩn hiện trên dòng Hương như phận đời nổi trôi, như những lời giải thoát. Chàng đứng lặng nhìn về phía Thành nội. Nơi đó, phụ hoàng chàng, một đời gồng gánh giang san, đang trăn trở vận mệnh nước nhà, có biết chăng, những giây phút này, con người trước dòng Hương?

- Mình về thôi anh Miên Tú!

- Các em về trước kẻo mẫu thân ở phủ ngóng đợi. Ta muốn ngồi đây một lát. Trăng gió hữu tình. Lênh đênh con nước.

Các em gái vốn đã quen tính cách của anh trai nên không ai níu kéo. Ba chị em thủng thỉnh ra về. Đôi bờ Hương giang còn thơm mùi áo.

Người ta nói đêm ấy Miên Tú ngồi lại bên bờ Hương rất khuya. Chàng lấy tay ve vuốt những nhành cỏ mềm đẫm sương. Tay chàng thấm chút lạnh của khí trời. Đêm rằm huyền hoặc màu áo trăng và chấp chới màu những chùm hoa đăng đã trôi xa về cõi khác. Miên Tú có cảm giác như dưới đáy sông Hương có hàng vạn khuôn mặt, hàng trăm nghìn cánh tay đang đón lấy ánh sáng của những ngọn đèn hoa đăng với nụ cười mãn nguyện.

Một góc bến sông Văn Lâu neo đậu một con thuyền nhỏ. Dù trong đêm khuya thanh vắng, nhưng Miên Tú vẫn nhìn thấy rõ bóng một người con gái. Tay nàng nhẹ nhàng đặt một ngọn đèn hoa đăng xuống dòng nước. Mái tóc buông xõa ngang vai ru hờ đôi bờ vai run run - hình như nàng đang khóc.

Miên Tú nhìn chăm chăm theo đôi tay của người con gái ấy. Nàng đang gõ sênh tiền. Tiếng các thanh gỗ chạm vào đồng tiền gắn trên nhạc cụ cùng sông Hương càng thanh vang réo rắt mà sắc bén đến lạnh người. Rồi giật mình, Miên Tú chết lặng khi nghe một giọng ca sầu bi nhưng lại cao vút như họa mi cất tiếng ca lần cuối trước khi từ giã cõi đời. Miên Tú ngẩn người như một pho tượng. Chàng đã thưởng thức nhiều khúc ngâm, nhiều nhạc điệu chốn cung đình. Các ca nương son phấn diễm lệ, mắt phượng mày ngài, lúng liếng xiêm áo. Nhưng đêm nay, ca nương lặng lẽ ngoài bến sông kia thật khác lạ. Đẹp đến mê hồn chàng hoàng tử họ Nguyễn.

Miên Tú bước như mộng du về nơi cô gái đang gõ phách tiền. Tiếng nước vỗ lạo xạo vào bờ cỏ. Miên Tú sợ giẫm nát cỏ non. Miên Tú tự dưng sợ mây che khuất ánh trăng.

Miên Tú sợ ca nương giật mình lỡ nhịp.

- Nàng gì đó ơi! Nàng cho ta hỏi với!

- Nàng ở trên thuyền này à?

- Nàng tên gì? Giọng ca nàng hay quá. Nhịp phách cũng uyển chuyển lạ thường.

Người ta nói đêm ấy, Miên Tú cứ đứng hỏi, cứ nhón chân không yên. Còn con thuyền thì cứ lặng lờ không lời hồi đáp. Nàng ấy lại buông lời ca ngâm dưới đêm trăng rằm sầu muộn:

Phát đản thương tâm bạch
Nhan ưng phụ quý hồng
Bách đoan thùy dữ lý
Liêu loạn vũ ti trung

(Tóc chỉ (vì) lòng đau thương mà bạc
Mặt vừa khi mang nỗi thẹn mà hồng
Lòng riêng trăm mối ai gỡ giúp
Ngổn ngang trong làn mưa rắc như tơ)
1

Đêm ấy Miên Tú về phủ trằn trọc không ngủ được. Tiếng sênh tiền va chạm khua mặt nước sông Hương còn văng vẳng bên tai chàng. Và cả khuôn mặt dịu ngọt của người ca nương ấy.

Người bến sông nói cũng từ dạo đó, chàng Miên Tú hay ra ngắm cảnh thưởng ngoạn sông Hương nhiều hơn. Bên cạnh chàng là một người con gái. Họ cũng bảo nàng Tiểu Nguyệt đã trái lời cha, lên bờ với đôi chân non nớt, men theo cỏ mềm, tình tự cùng một thư sinh.

Người ta cứ nói...

Có một ngày...

Xe ngựa rời phủ, rồi dừng lại dưới chân đồi Vọng Cảnh. Làng Hương nồng nàn mùi trầm. Những bó hương xếp thành nhiều khuôn hình trải dài khắp chân đồi. Và ánh chiều phủ vàng trên những ngọn thông tạo thành một không gian đầy hương thơm, màu sắc. Đôi nam thanh nữ tú thơ thẩn cùng nhau tản bộ trên đồi. Màu xanh của rừng thông bạt ngàn mát mẻ. Đôi khi chân họ chạm phải những bụi sim tím bé nhỏ xen lẫn trong lá cỏ. Nàng Nguyệt tròn xoe mắt, rồi chạy nhanh trên ngọn đồi xanh.

- Em chưa bao giờ đến một nơi như thế này. Đẹp quá!

- Em cứ sống trên thuyền mãi thì làm sao biết cảm giác ở trên đất.

- Chàng sống trên đất thì cũng làm sao biết hương vị của người sống trên thuyền.

Tiểu Nguyệt liếc hoàng tử, trả lời liến thoắng. Miên Tú tìm một nơi phủ đầy lá thông rụng thoáng đãng cho chàng và Nguyệt ngồi. Từ trên cao, họ thả hồn theo dòng Hương mềm mại uốn mình. Xa xa là điện Hòn Chén kỳ bí, kia là những thửa ngô xanh... Trời cũng xanh. Nắng chạm vào tà áo Nguyệt cũng xanh màu cỏ.

Họ không nói chuyện gì nhiều. Chỉ tay Nguyệt thỉnh thoảng đưa lên vén lại mái tóc. Chỉ tiếng gió chiều mơn man trong hồn Miên Tú. Huế đẹp thật! Khi chàng có nàng cạnh bên. Dù lặng lẽ.

- Sao nàng không cùng cha lên bờ? Lênh đênh mãi thế cũng không tốt cho cuộc sống hai cha con.

- Em cũng xin cha lên bờ đi hát. Nhưng cha em không cho.

- Em sinh ra ở đò nhưng ta thấy em là người có lễ giáo, chữ nghĩa.

- Mỗi lần lên bờ đi chợ là em hay lén cha qua nhà thầy Bửu học chữ. Thầy Bửu cũng thương gia cảnh nhà em nên hay cho em mượn sách về đọc. Cha biết em giấu cha việc học chữ, nhưng ông không ngăn cản.

- Cha em thật khác người.

- Vì cha thương em không mẹ, không cha.

Miên Tú thấy chạnh lòng khi nghe nàng tâm tình. Đôi sênh tiền nàng hay đệm khi ca ngâm là kỉ vật của mẹ nàng để lại trên thuyền năm ấy. Nàng giữ lấy như tìm chút hơi ấm của người mẹ đã nỡ bỏ lại nàng để ra đi.

- Cha em là một người tốt. Cha bảo vì cha nghèo, lại lênh đênh giữa dòng, mang theo em nhỏ dại nữa nên không ai dám cưới. Em dối cha đi với hoàng tử lên đồi thật trái đạo làm con.

Miên Tú không nói gì. Chàng có cảm giác như lá thông đang hát một khúc ca buồn mùa hạ. Cả dòng Hương cũng lắng đọng tâm tư trước khi thả mình về xứ sở phù hoa. Thấp thoáng xa xa là những vườn bưởi xanh mát. Non nước hữu tình tráng lệ. Khác xa Đại Nội, biệt phủ.

Từ cái đêm rằm tháng tư như định mệnh ấy, Miên Tú nhìn đâu cũng thấy bóng Tiểu Nguyệt dưới trăng với đôi phách sênh tiền. Rồi cỏ mềm dưới chân cũng làm mềm gót giày. Miên Tú vẫn nhàn nhã với hội thơ, với văn nhân, nhưng lòng chàng lại dậy sóng nhiều hơn nơi bến Văn Lâu. Và nàng Nguyệt, vì yêu thơ, yêu điệu ngâm ca Huế, vì thích thú với những đêm tản bộ dọc bờ Hương đã rời thuyền lên đất. Tìm chút tình trong cỏ!

Họ ngồi bên nhau thật lâu trong ánh dương vàng mật ngọt. Nguyệt nhìn dòng Hương trước mắt, thướt tha yêu kiều mà lắm huyền bí. Màu nước xanh thẫm soi rõ cả ánh mắt hoàng tử Tú đang nhìn nàng.

- Nguyệt này, ta có cái này tặng nàng. Ta đặt thợ kim hoàn trong thành làm cho nàng. Ta nghĩ nàng đeo sẽ hợp.

Miên Tú lấy trong bao gấm đỏ một đôi hoa tai bạc nhỏ nhắn. Chàng trao cho Nguyệt.

- Em không dám nhận. Em không quen những món trang sức xa xỉ đó.

- Tiểu Nguyệt nhận cho ta vui. Một đôi hoa tai bạc thôi mà! Nếu sau này...

Miên Tú ngập ngừng khi ngước nhìn bầu trời về chiều man man sầu. Bóng chim bay về ngàn vội vàng.

- Nếu sau này... Sao hoàng tử không nói tiếp?

- Ta chỉ sợ... mây trôi về biển, nước chảy buông dòng. Nếu không còn gặp nàng thì đây là kỉ vật.

Tiểu Nguyệt với tay lấy một lá thông đã khô vo tròn rồi ném vào hư không. Bụi lá bay lả tả.

- Em hiểu ý chàng. Nếu có ngày đó, vẫn còn sông Hương.

- Vậy nàng nhận nhé! Coi như đây là bí mật đôi ta. Ánh mắt hoàng tử lộ rõ niềm vui như con trẻ nhận quà.

Tiểu Nguyệt tay run run nhận đôi hoa tai từ tay hoàng tử.

- Nàng đeo cho ta ngắm thử có đẹp không?

Nàng Nguyệt nhẹ nhàng đeo đôi hoa tai. Hoa tai chạm hình trăng khuyết có đính một hạt ngọc trắng nhỏ sáng lấp lánh. Trong ánh chiều buông lơi, khuôn mặt Nguyệt sáng lên lạ. Miên Tú ngẩn ngơ, đây là khoảnh khắc đẹp nhất trong đời chàng.

- Giá như ngày nào ta cũng được thấy em trang điểm.

- Chàng đừng chòng ghẹo. Em nghèo đâu dám mơ cao.

- Ai cũng có thể mơ. Như hái sao hái trăng trên trời. Nhưng ta quyết sẽ lấy.

Văng vẳng tiếng của một người ca nương vang trên dòng Hương:

Dịu dàng làn điệu dân ca
Mà nghe ai hát (mà) mà nghe ai hát duyên thề của lứa đôi
Anh về, anh hái nụ hoa si (ơ... ơ)
Gieo hương thơm cả đường đi lối về
Dẫu đời còn lắm nhiêu khê, yêu em yêu cả bốn bề áo hoa
2

Hoàng tử Tú tấm tắc khen hay. Còn Tiểu Nguyệt lặng lẽ nhìn khoảng không đã xám dần trước mắt. Nàng nghĩ đến cha.

Tự dưng nhủ lòng, về bến sông.

Trên đường về, cả hai im lặng.

Tiếng chân ngựa về thành mang gió thông xa dần. Nguyệt thấy xa xa, một ánh sao mới nhen. Nàng mơ hồ thấy việc hái sao là hão huyền. Đôi hoa tai nằng nặng. Tối nay về bến, Nguyệt đoán một là ông Hàn sẽ giận dữ mắng nàng, hai là ông sẽ im lặng. Và tối đó, khi nhìn thấy con gái vội vội vàng vàng chạy về bến, xa xa bên bờ là bóng chiếc xe ngựa và hoàng tử, ông Hàn đã chọn cho mình cách thứ hai. Im lặng.

Người ta nói những ngày sau đó, thuyền nhà ông Hàn vẫn miệt mài con cá, con cua. Tiếng ca của Nguyệt trong vắt hơn vào những đêm rằm. Con tạo xoay vòng. Chàng Miên Tú thanh cao, phóng khoáng vẫn đàm đạo văn chương. Đất trời bình yên.

Rồi một ngày, bệnh tình của bà Khai Minh trở nặng. Miên Tú và các em lo lắng không yên. Nhưng hôm nay, cả bốn anh em phải rời phủ một hôm để vào cung theo lệnh của vua cha. Cả phủ vắng vẻ. Bà Khai Minh sai người hầu đỡ bà dậy. Bà đưa mắt nhìn ra sân phủ đã phai màu cuối hạ. Mấy chùm hoa lựu đỏ thắm đong đưa theo gió. Cây khế đã cho những trái ngọt. Rồi bà trang điểm. Bà dùng phấn nụ che một vài nếp nhăn theo thời gian và bệnh tật. Bà kẻ chân mày đậm, rồi bôi lớp sáp hồng pha mật ong và tinh chất hoa hồng lên vành môi. Nét mặt vẫn kiêu sa đúng như phong thái một bà hoàng. Trông bà thần thái và quyết đoán.

- Dạ bẩm lệnh bà, họ đang đợi ở phòng khách.

- Được, ngươi dìu ta ra ngoài.

Người ta nói ngày hôm ấy, họ thấy cha con ông Hàn từ cổng biệt phủ Miên Tú đi ra. Trong lặng lẽ. Trên tay bà Khai Minh cầm một đôi hoa tai bạc hình vành trăng khuyết.

Và đêm khuya thanh vắng, trên dòng Hương trống rỗng, nhịp phách tiền ngân vang như dao sắc cắt đứt đôi bờ. Giọng ca oán oán, sầu sầu tủi tủi.

Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong
Dẫu ai ăn ở hai lòng
Em đây vẫn một dạ thủy chung với chàng...
3

Rồi bóng con thuyền xuôi dòng về Bao Vinh, xa dần chìm trong màn sương đêm. Cũng không còn ai thấy cha con ông Hàn ở bến sông Hương nữa.

Những tuần trăng đến trong gió lạnh rét mướt. Cái lạnh thấu xương khiến bệnh bà Khai Minh trở nặng. Nhà vua cũng xuất thành về thăm bên bờ An Cựu. Miên Tú và các em cũng một lòng hiếu lễ. Nhưng không ai giữ được người ở lại. Bà Khai Minh đã mất.

Hoàng tử Tú đau đớn nghẹn lời. Chàng càng lòng đau cắt dạ khi phát hiện dưới gối của bà Khai Minh đôi hoa tay bạc mà chính chàng đã tặng cho nàng Nguyệt. Bây giờ chàng đã hiểu lí do Nguyệt rời bỏ chàng không một lời từ tạ. Chàng hoàng tử cũng hiểu ra vì sao những ngọn đèn hoa đăng luôn trôi trong buồn bã đến tê tái lòng vào những đêm khuya trên dòng Hương. Chàng nhớ ánh mắt Tiểu Nguyệt trong đêm cuối cùng chàng gặp bên bờ Hương giang.

- Sao nàng không chịu lên bờ gặp ta nữa? Sao nàng cứ luôn tránh né ta?

- Em lo cho cha. Cha không vui khi thấy em cứ ở bên hoàng tử. Cha sầu đến đổ bệnh.

- Đó không phải là lí do...

- Em thấy mình ở trên đất mà hai chân không trụ được, dễ ngã quá!

- Ta sẽ là điểm tựa để nàng đi trên đất thoải mái.

- Không! Em thuộc về sông Hương. Em sẽ chết nếu xa sông Hương.

- Vậy ta sẽ xuống đò. Ta muốn gặp cha em. Ta muốn...

Người ta nói, đêm đó, cả hai người cứ dùng dằng trong một nỗi đau khó có thể nói nên lời. Chỉ biết Nguyệt cúi mặt bám lấy mặt nước dòng Hương như tìm một sự che chở. Nhưng những lúc ấy, khuôn mặt bà Khai Minh hiện lên đầy quyền uy và chất chứa nhiều khoảng lặng đến đau lòng.

Nỗi lòng của một người mẹ thương con. Nỗi lòng của một bậc mẫu nghi thiên hạ...

Tiểu Nguyệt đi rồi bỏ dòng Hương lạnh lẽo. Người ta nói, từ dạo đó, Miên Tú bỏ phủ, bỏ hội thơ, bỏ dòng sông lên núi Ngự. Chàng làm lều cỏ ở cạnh mộ bà Khai Minh đã hơn hai... Tiếng phách tiền vẫn réo rắt trong vô vàn cung bậc.

Sao vẫn ở cùng trăng trên trời...

N.K.H
(TCSH425/07-2024)

-----------------------
1 Trích bài thơ “Tuế án độc tọa khiển muộn kỳ 1” của Miên Thẩm.
2 Trích lời bài hát “Áo hoa” của Trần Quang Lộc.
3 Trích lời bài ca dao Thừa Thiên Huế.

 

 

Các bài mới
Ngày tuyết rơi (13/11/2024)
Tái sinh (04/11/2024)
Út Mây (22/10/2024)
Hằng và tôi (01/10/2024)
Các bài đã đăng
Ức cố nhân (03/07/2024)
Bẫy tình (28/06/2024)
Trong tầm tay (07/06/2024)
Vết sẹo (03/06/2024)