Truyện ngắn dự thi 2024
Những đôi mắt giấu mình trong đêm
14:45 | 06/09/2024


NGUYỄN VĂN ĐỨC ANH

Những đôi mắt giấu mình trong đêm
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

1.

Ai đó níu bóng hoàng hôn, để nắng hắt một màu vàng nhạt nhòa xuống mặt biển Plage de la Salis. Bóng tà dương nằm rệu rã trên bãi cát trắng. Bodin ngồi tư lự, nhìn xa xôi ra biển. Cái nhìn vô hồn ấy cứ lặp đi lặp lại, chiều này sang chiều khác. Đến mức những người trong thị trấn Antibes đều quen thuộc với bóng dáng một gã trung niên râu ria rậm rạp như ông già chiều nào cũng ra đây ngồi trước biển.

Bodin là một người vẽ tự do. Trong trí óc của Bodin luôn hiện ra những ý tưởng lung linh, và đương nhiên, điều ấy là ân điển của một người làm sáng tạo nghệ thuật mà tạo hóa đã ban tặng. Bodin luôn cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng nét cọ. Nghệ thuật phải trau chuốt, nghệ thuật không cho phép người nghệ sĩ cẩu thả với tác phẩm của mình - Bodin nghĩ như thế.

Mỗi ý tưởng lóe lên trong đầu, dù là nửa đêm, Bodin cũng ngồi ngay vào phòng vẽ và cố hết sức hiện hữu hóa nó ra. Bodin sợ đánh mất đi những ý tưởng hay ho. Nhưng, khi bức tranh đã hoàn thành, Bodin lại đối diện với một nỗi sợ. Không, nói đúng hơn là nỗi tuyệt vọng. Bodin ngồi trước bức tranh vừa được anh vẽ ra, ôm đầu và khóc. Tại sao những ý tưởng trong đầu Bodin cho là hay ho lắm nhưng khi nó qua nét cọ của anh lại tầm thường đến như thế? Bodin chưa đủ tài năng để chuyển tải hết tất cả những vẻ đẹp trong trí óc ra mặt toan? Hình như, với một người họa sĩ, điều ấy thật đáng sợ và đau khổ biết nhường nào.

Công bằng mà nói, Bodin cũng có những bức tranh mà anh tự đánh giá là “được”. Bodin ôm theo tranh trước ngực, đến những viện bảo tàng, nhà đấu giá. Điều Bodin nhận lại được là những cái xua tay lạnh nhạt đến thê lương, những cái lắc đầu từ chối đến bẽ bàng.

Bodin là một họa sĩ. Không, Bodin không cho phép bất cứ ai gọi anh là họa sĩ. Muốn trở thành họa sĩ, trước tiên phải để lại cho cuộc đời một tác phẩm xứng tầm. Bodin chưa có bất kì một bức họa nào đủ để làm “căn cước” cho anh trở thành một người họa sĩ. Bodin theo đuổi nghệ thuật không phải vì những danh xưng mĩ miều ấy, nhưng không phải muốn gọi ai là họa sĩ cũng được. Những lần đứng trước bức tranh của chính mình vẽ, Bodin lại đấm thềnh thệch vào lồng ngực. Có lần, Bodin uống cả những lọ màu vẽ và phải nhập viện.

Nhiều đêm, Bodin mơ mình chìm trong những sắc màu lấp lánh, lọt thỏm giữa những vòng xoáy họa tiết vô tận. Những sắc màu nhảy múa loạn xạ bên một đoản khúc. Bodin muốn với tay đến những sắc màu ấy, để chiêm ngưỡng, để ngắm nhìn, nhưng bất lực. Tỉnh giấc, Bodin cô độc và chơi vơi. Những giấc mơ ấy cứ trở đi trở lại trong Bodin, dần dà nó trở thành nỗi ám ảnh. Bodin đeo mang trong mình nỗi sợ bóng tối, sợ những giấc mơ, sợ những họa tiết vần xoay vô tận. Phải chăng, đó là một điềm báo rằng suốt cuộc đời này anh sẽ không bao giờ với tới được đỉnh cao của nghệ thuật. Có lẽ, Bodin đã tham vọng quá lớn lao (?). Không, một khi anh đã dấn thân vào nghệ thuật, anh đều muốn để lại kiệt tác cho cuộc đời, không một người nghệ sĩ nào muốn cuộc đời nghệ thuật của mình trôi qua một cách vô vị rồi tàn lụi như tro bụi. Nhưng thử hỏi, cuộc đời này được mấy Leonardo da Vinci, thế gian này được mấy Pablo Ruiz Picasso. Rốt cuộc, bản chất của nghệ thuật là gì? Bodin phải làm gì để chinh phục được nghệ thuật?

Như mọi buổi chiều, sau khi ngắm nhìn những bức tranh vừa được hoàn thành, Bodin như rơi vào hố sâu tuyệt vọng và anh ra bờ biển lặng ngắm hoàng hôn. Bodin ngồi một mình, ảo não với tiếng thở dài nặng trĩu. Cứ ngỡ tiếng thở dài sẽ phần nào giúp Bodin trút bỏ nỗi niềm, nhưng không, chính tiếng thở dài đã níu anh chìm sâu xuống hố đen tuyệt vọng. Đó là một cái hố rất sâu, không đáy, vô định và tối tăm. Cái hố do chính Bodin tạo nên từ những nỗi buồn thâm trầm và sự dày vò của lương tâm, có lẽ thế. Như thường lệ, Bodin ngồi như thế cho đến khi mặt trời lặn hẳn, ánh tà dương khuất dạng mất tăm, dẫu mùa hè nước Pháp mặt trời lặn rất muộn. Nhưng hôm nay thì khác. Có một giọng nói trầm ấm cất lên:

- Chào anh, tôi có thể ngồi cùng hàng ghế?

Bodin quay lại, đó là một ông già, rất già, râu dài, rậm và trắng. Bodin không nói gì, chỉ gật đầu rồi quay lại. Cái gật đầu lạnh nhạt hơn cả nước biển mùa đông.

- Anh bạn, hình như anh buồn? -Ông già ngồi bên hỏi.

Câu hỏi của ông già đã thể hiện sự nhiệt tình quá mức thì phải?! Bodin tỏ ra không mấy hài lòng về câu hỏi thể hiện sự quan tâm thái quá ấy.

- Sao ông biết? - Bodin hỏi trong cái cau mày.

- Tôi thấy chiều nào anh cũng ra đây ngồi.

- Không liên quan.

Ông già im lặng một hồi, rồi nói:

- Nhìn vào đôi mắt anh, ở đó có một nỗi sầu. Ánh mắt u uất lắm.

Bodin chưa kịp trả lời thì ông già đã nói tiếp:

- Năm tôi 50 tuổi như anh, tôi cũng từng mang đôi mắt ấy.

- Tôi đã bất lực trước tác phẩm của tôi. Tôi hoàn toàn bất lực trước nghệ thuật. Tôi phải làm gì đây? - Bodin nói như mắng chính bản thân, rồi cúi gằm mắt, ôm đầu ra vẻ tuyệt vọng.

Ông già im lặng, dõi ánh mắt xa xăm ra biển cả bao la. Từng con sóng rượt đuổi nhau vô bờ cát trắng. Bodin cũng ngẩng đầu lên và nhìn ra biển, và anh không mong đợi một câu trả lời thỏa đáng từ ông già. Trước biển cả, hai con người nhỏ bé ấy đều im lặng và trầm ngâm suy tư. Đối diện với một không gian ngút ngàn, Bodin thở dài. Bodin đang đau với nỗi đau nghệ thuật. Ông già thì có lẽ đã đi qua độ tuổi dễ bị động lòng bởi ngoại cảnh và nghịch cảnh, bởi phong thái ông ta điềm nhiên và tĩnh tại. Ông già bình thản đón nhận từng con sóng vỗ bờ. Tại sao lại khẳng định như thế? Hãy nhìn vào mái tóc bạc phơ của ông già, chính gió và sóng đã đánh đến bạc đầu ông ta…

Một khi đã dấn thân vào con đường nghệ thuật, đừng đòi hỏi một cái kết thỏa đáng cho những nỗ lực. Bất công? Có lẽ thế, hình như thế, chắc chắn là như thế. Ôi, buồn! Để thành công trong nghệ thuật, không phải chỉ cần nỗ lực thôi đâu. Nhưng, người nào dám bước chân vào nghệ thuật, trước tiên, họ được công nhận là một người bản lĩnh. Bodin đã bám riết lấy cái nghiệp này 20 năm rồi ư? Nếu như thế, thì chắc phải có hàng trăm bức tranh mà Bodin cho là bất toàn, hàng nghìn lần tuyệt vọng trước biển cả bao la.

Hai người xa lạ ngồi với nhau trên cùng một hàng ghế, nhìn mặt trời đang dần héo tàn. Bóng đêm đang dần bao phủ lấy biển cả. Chao ôi, biển mênh mông đến như thế cũng sẽ bị khuất phục trước bóng đêm mà thôi.

- Anh bạn ạ, muốn sáng tạo ra một kiệt tác không phải dễ. Nhưng để có thể sáng tạo ra một tác phẩm mà anh hài lòng, thì nó có thể chứ nhỉ? Anh hãy giải phóng cho vòng xoáy tuyệt vọng đang cố hữu trong con người anh đi đã. Anh đang mắc kẹt trong nó rồi đấy, tôi phỏng đoán thế có phải không? - Ông già nói một cách phủ dụ.

- Sao ông biết tôi mắc kẹt trong nỗi tuyệt vọng? - Bodin hỏi lại ông già với một giọng sa sầm.

Ông già không trả lời. Bầu không khí lại rơi vào thinh lặng. Gió thổi xốn xang bên tai. Sóng biển vỗ rạt rào vô bờ cát. Dễ chịu? Hoàn toàn không.

Một ông già với mái tóc bạc phơ, bộ râu trắng và làn da nhão nhẹt như sắp trôi chảy khỏi cơ thể mà lại hướng dẫn Bodin cách sáng tạo nghệ thuật? Thật nực cười. Nhưng, Bodin vẫn muốn nghe thử ông già sẽ nói với anh điều gì tiếp theo. Bodin mở lời hỏi:

- Vậy tôi phải làm gì?

- Anh bạn hãy đi một mình đến nơi nào đó thật xa vùng biển Plage de la Salis này. Hãy tái tạo lại trái tim, hãy bỏ mặc tất cả những kỹ thuật khiên cưỡng, khô khan và cứng nhắc ấy đi, nếu quên được thì càng tốt. Hãy để nguyên bản của trái tim thành hình hài trên mặt phẳng trắng. Nhớ rằng, nghệ thuật không có bất kì một khuôn mẫu và công thức nào cả, nếu có, đó chỉ là một yếu tố rất nhỏ tạo nên kiệt tác. Không có nó cũng chẳng sao. Anh biết không, Pablo Picasso từng nói ông ta mất bốn năm để vẽ như Raphael, nhưng mất cả một đời để vẽ như một đứa trẻ. Anh biết kỹ thuật đỉnh cao nhất của một họa sĩ là gì không?

Không để Bodin kịp trả lời, ông già lại nói tiếp:

- Kỹ thuật điêu luyện và thượng thừa nhất của người họa sĩ là biết tiết chế kỹ thuật.

Bodin nhếch mép cười, một nụ cười méo xệch. Nhưng, dẫu là nụ cười méo mó, cũng đã lâu lắm rồi Bodin mới thể hiện nó ra trên gương mặt già nua trước tuổi này của anh.

- Ông đã nhìn qua tranh tôi?

- Anh là chủ tiệm họa cụ cuối phố? Tôi từng đi qua đó và nhìn vào những bức tranh treo trên tường.

- Ông mạo hiểm nhỉ, chưa chắc chắn đó là tranh của tôi mà nói như một học giả. Mà ông là ai mà nói về quan niệm nghệ thuật am tường như thế? - Bodin tò mò hỏi.

- Anh không cần biết tôi là ai. Mà này, anh sáng tạo nghệ thuật cho anh trước đã rồi nghĩ đến cho nhân loại.

- Nói như ông thế thì quá ích kỉ. Đã là nghệ sĩ thì phải sáng tạo cho con người, cho nhân loại. Thầy giáo trong trường Mỹ thuật của tôi đã nói như thế, ông biết không?

- Nếu những lời tôi nói anh cho là phù hợp, hãy áp dụng nó. Nếu anh cảm thấy vô ích thì hãy để ngoài tai, đừng bận tâm. Còn bây giờ, tôi phải về nhà, muộn quá rồi. À mà này, đừng lúc nào cũng tỉnh táo quá, sẽ không tốt đâu.

Ông già đứng dậy, bước từng bước khó nhọc về nhà. Bodin dõi theo bóng lưng ông già. Những lời nói của ông già đã đi ngược lại hoàn toàn với quan niệm nghệ thuật trong Bodin. Bấy lâu nay, Bodin đã lầm tưởng về nghệ thuật, hay ông già đã nói sai? Đó là một dấu chấm hỏi.

Đêm hôm đó, Bodin không ngủ. Trong căn phòng vẽ, ánh đèn sáng thâu đêm. Ánh đèn vàng leo lắt đủ để Bodin soi chiếu lại đôi bàn tay và trí óc của mình. Bên ngoài nhiệt độ đã xuống thấp. Vì đóng kín cửa, bên trong căn phòng trở nên ngột ngạt đến khó thở, chật chội và tù túng như một phòng tù giam tội phạm. Bodin ngồi một mình trên cái ghế gỗ mà không cử động gì đã suốt mấy tiếng đồng hồ. Ánh mắt Bodin nhìn chăm chăm vào bức tường dính đầy màu vẽ. Cái nhìn sắc bén như muốn đục vỡ bức tường. Kim đồng hồ tích tắc, gõ vào không gian thinh lặng từng tiếng nhịp nhàng, lạnh lùng và khô khan. Không gian đang nén chặt và đông cứng lại. Mặc cho cảm giác bức bối của không gian hẹp hành hạ, Bodin vẫn không cử động. Gió thổi vi vu bên ngoài căn phòng, gió luồn lách và len lỏi qua khe cửa sổ, hú lên từng tiếng ghê rợn. Bên ngoài căn phòng, không khí lạnh và giãn nở. Bên trong căn phòng, không khí nóng hầm hập và co lại. Cảm tưởng như căn phòng và trí óc của Bodin sắp vỡ tung.

Bất giác, Bodin đứng dậy, mở tung tất cả cửa trong phòng. Gió như một con quái vật đang chiếm lấy thế thượng phong, tràn vào căn phòng vẽ của Bodin, bức màn bay phấp phới trong gió. Không biết Bodin mở tung tất cả cánh cửa để gió luồn vào phòng với mục đích là gì, nhưng chắc chắn không phải vì anh cảm thấy nóng và nực nội, chắc chắn không phải.

Bodin vác trên vai những bức tranh của mình, đi ra bờ biển. Đó là tất cả số tranh có trong phòng vẽ. Bờ biển về đêm lạnh lẽo và trơ trọi. Bóng đêm bao trùm lấy bờ biển. Một màn sương mỏng manh ôm phủ lấy không gian ngút ngàn. Những ngọn gió cô độc hua tát những cành cây phiêu dao vô định. Bodin quẹt diêm, đưa ngọn lửa yếu ớt vào bức tranh. Nhưng lửa chưa kịp đụng đến bức tranh thì gió đã thổi tắt ngọn lửa. Bodin thử lần này đến lần khác, nhưng ngọn lửa đều bị dập tắt tức thì. Bodin ném hộp diêm ra biển. Bodin điên loạn cào cát, những vết bới cực lực nhanh chóng tạo thành một cái hố sâu và rộng. Bodin đặt tất cả những bức tranh xuống hố và vùi cát lại. Bodin chôn những bức tranh, chôn quá khứ, chôn tuyệt vọng, chôn nghệ thuật, chôn cả linh hồn của một gã nghệ sĩ quèn.

Một tiếng kêu cứu khàn đặc phát ra từ lòng cát, vang vọng khắp tâm trí Bodin. Những lời van xin nỉ non. Những tiếng khóc nghẹn ngào. Những tiếng gào thét điên loạn. Tất cả là ảo thanh? Những âm thanh câm lặng trong không gian. Những âm thanh rền rĩ và sánh đặc; chúng có hình hài, có xác thịt; chúng quấn chặt lấy suy nghĩ Bodin. Bodin muốn đào xới đống cát để tìm lại tranh, tìm lại nghệ thuật, dẫu nó thật tầm thường. Nửa muốn tiêu hủy tất cả số tranh, nửa muốn giữ lại và sống với một cuộc đời nghệ thuật tẻ nhạt, vô vị và đầy rập khuôn. Hai suy nghĩ đang chém giết nhau trong tâm trí. Nhưng, Bodin đã không xới đống cát lên. Bodin kiệt sức, gục đầu trước đống cát vừa chôn tranh. Bodin đảnh lễ? Đúng, Bodin đang dập đầu đảnh lễ. Đảnh lễ nghệ thuật, đảnh lễ quá khứ, đảnh lễ nỗi khổ tâm, đảnh lễ chính anh của 20 năm đang nằm dưới đống cát, đảnh lễ ngọn lửa vô hình đang cháy phừng phực trong tâm tưởng, đảnh lễ những giọt nước mắt không chảy ra từ đôi mắt.

Những bức tranh và 20 năm dông dài đã chết. Bodin - một gã thợ vẽ tự do - đã chết. Những sắc màu lạnh cóng trước biển, và chúng đã chết vĩnh viễn. Bodin đã thân chinh chôn vùi tất cả. Chính Bodin đã tự tử cho bản thân của 20 năm. Bodin ơi, anh đã thiêu thân. Bodin ơi, anh vừa mới lọt lòng. Anh vừa biết đến cuộc đời, chưa biết đến nghệ thuật. Nên vui hay buồn, cười hay khóc cho anh đây (?). Bodin nằm vật ra giữa cát. Hơi thở yếu ớt và gấp gáp, nhưng đã không còn là hơi thở của một người thợ vẽ 20 năm dày dặn kỹ thuật.

Bãi biển chìm trong màn đêm đen. Ý nghĩ Bodin chìm dần vào thinh lặng. Sóng biển đánh vỡ lòng kẻ yếu đuối, nhưng nó cũng hun đúc và tôi luyện cho những anh hùng thêm gan dạ. Bodin nằm đơn độc, ánh mắt hồng hoang nhìn trăng. Trăng lõa thể và rợn ngợp trên cao. Dường như đêm nay, trăng cũng bất định trên bầu trời. Trăng vừa đi hoang, vừa độc tấu một khúc bi ca; người đời khó mà hiểu cho tường tận ý tứ sâu xa của giai điệu ấy.

2.

Bodin sẽ nghe lời ông già ban chiều. Bodin sẽ đến một nơi xa lạ. Nhưng, đến đâu mới được? Đúng rồi, Bodin sẽ đến Việt Nam, một quốc gia nằm ở bán đảo Đông Dương, nơi ông nội Bodin nằm lại đó mãi mãi trong cuộc chiến tranh.

Bodin dùng tất cả số tiền dành dụm được từ cửa hàng bán họa cụ của anh cho chuyến đi lần này. Bodin không chuẩn bị gì cho chuyến đi xa, anh mang một tâm thế đón nhận.

Bodin đến thành phố Huế một ngày tháng tám của đất nước này. Huế thật yên bình. Quê nhà Antibes của Bodin cũng yên ả, nhưng Huế yên ả theo một cách rất riêng. Thành phố Huế có rất nhiều cây xanh. Những tán cây che rợp bóng đường phố, khi tản bộ trên đường, cảm giác thư thái đến lạ. Ở thành phố này, cơ hồ thời gian trôi chậm hơn. Nhịp sống của con người nơi đây như một bản nhạc du dương trong thính phòng phát ra từ chiếc đàn violin.

Trong làn nắng hồng hào như đôi má của các nữ sinh ở nơi đây, Bodin bắt gặp những chiếc xe xích lô nằm co ro trên vỉa hè. Bodin lên một chiếc xe xích lô để dạo chơi trong thành phố. Xe xích lô đi rất chậm, nhưng Bodin không hề bực bội, mà anh cảm thấy thật thư giãn. Ở đây, cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn bao giờ hết. Khi xích lô đi qua cầu Trường Tiền, người lái xích lô nghêu ngao một câu hát. “Anh hát gì thế?”, Bodin hỏi người lái xích lô. Người lái xích lô có vẻ không hiểu tiếng Pháp, ông ta đăm chiêu nhìn Bodin. Bodin lặp lại câu hỏi. Người lái xích lô có lẽ đã đoán được câu hỏi, bởi Bodin hỏi ngay sau khi ông ta cất câu hát. Người lái xích lô trả lời chậm rãi: “Trịnh Công Sơn! Trịnh Công Sơn!”

Cố nhiên, Bodin không hiểu lời bài hát, nhưng giai điệu thì thật sâu lắng. Ở thành phố Huế, hình như ai cũng là nghệ sĩ. Những người nghệ sĩ tiềm tàng và ẩn náu dưới những gánh hàng rong, những chiếc xe xích lô nằm rũ rượi bên lề đường.

Bodin thật sự ngạc nhiên trước những thành quách nguy nga, lầu son gác tía, điện ngọc cung vàng lưu giữ những nét đẹp cổ kính của văn hóa phương Đông. Kinh thành Huế đã đi qua hai cuộc chiến tranh, nhưng những cung điện vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị. Bodin đưa tay sờ lên những bức tường rêu phong, anh nghe cả một thời đại đang thổn thức đến tận ngày nay. “Dưới mái ngói lưu ly đọng lại hơi thở của tiền nhân, tiếng nói của cố nhân, tiếng vang vọng của văn hóa trong tâm tưởng. Sự giàu có về văn hóa nhờ vào mảnh đất này đã từng đi qua 9 đời chúa và 13 đời vua Nguyễn”, người hướng dẫn viên kể với giọng điệu tự hào. Bodin đứng giữa bốn bề thành quách như đứng giữa nghìn lớp trầm tích bể dâu tháng năm thời cuộc mà mảnh đất này đã trải qua.

Chuyến đi Việt Nam đã cạn, đêm nay là đêm cuối cùng. Bodin pha một tách trà hoa cúc, ngồi một mình ở ban công tầng 5 của khách sạn, ngắm nhìn dòng sông Hương chảy trong lòng thành phố mà anh cho là con sông buồn. Nó thật sự rất buồn. Những làn khói ở Cồn Hến tỏa lên buổi chiều như một tiếng thở dài nặng lời tâm sự. Làn khói ướp lên dòng sông một màu mờ ảo, tan ra giữa sóng sánh mặt nước, để cho người ngắm nhìn khắc khoải trong nỗi buồn man mác cố quận đâu đây. Cảm tưởng nếu đưa tay chạm vào những lọn khói sẽ cảm nhận được rõ nỗi buồn. Tựa hồ nỗi buồn cũng có hình hài. Nỗi buồn biết nói? Đúng, đó là tiếng nói của nỗi buồn, một thứ ngôn ngữ có linh hồn, vọng trong tâm tưởng.

Bodin dõi ánh mắt, nhìn xa xôi ra dòng sông Hương, bỗng thấy những chiếc thuyền rồng đang lênh đênh trên dòng sông. “Họ đang làm gì ở trên sông?”. Người nhân viên khách sạn từ tốn giải thích bằng vốn từ tiếng Pháp có phần hạn hẹp của mình, rằng đó là nơi diễn ra một loại hình nghệ thuật cổ truyền của xứ Huế. Bodin hỏi làm thế nào để được xem loại hình nghệ thuật ấy. Người nhân viên khách sạn bảo chỉ cần 80.000vnđ, ca Huế không phân biệt đối tượng thưởng thức. Người nhân viên khách sạn bắt một chiếc xích lô để Bodin ra bến Tòa Khâm, lên thuyền rồng, nghe ca Huế.

Đêm buông rủ màn đen. Trăng xối bạc lên cả dòng sông lặng lờ và lãng đãng chảy trôi. Khi tiếng đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn cò, đàn tỳ bà, song loan, sanh tiền tấu thành bốn nhạc khúc chào bạn là Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong và Long Hổ; Bodin lâng lâng cảm xúc. Thuyền rồng lên đến Phu Văn Lâu thì thả máy, để thuyền lững lờ trôi xuôi theo dòng nước.

Những cô ca nương duyên dáng trong tà áo dài, đầu đội mấn. Khác với những cô gái Antibes phóng khoáng và khiêu gợi, những cô gái Huế kín đáo, nền nã, duyên dáng và dịu dàng. Cử chỉ vén nhẹ tóc vào tai, vén tà áo dài trước khi ngồi để lại trong Bodin một niềm thổn thức. Bodin lắng nghe những giai điệu trầm bổng ngân vang, những lời ca ngọt ngào dù anh không hiểu lời. Gió từ sông Hương tràn lên mát lạnh, mơn man đưa câu hát bay xa, miên man ru hồn người đắm chìm vào một đất Huế rất thơ, rất tình.

Khi buổi biểu diễn đã tàn, thuyền rồng cập bến, những vị khách lần lượt rời thuyền. Bodin ngồi nán lại trên thuyền. Thấy Bodin vẫn chưa rời thuyền, một cô ca nương tiến đến và hỏi bằng vốn tiếng Pháp thành thạo:

- Thưa ông, ông gặp sự cố gì cần tôi giúp không?

- Chào cô, tôi không có vấn đề gì. Tôi có thể trò chuyện với cô một chút?

- Dạ, tôi sẵn sàng làm điều đó. -Cô ca nương nói khẽ và cười duyên, để lộ má lúm đồng tiền thật xinh.

- Cô tên là gì?

- Dạ, tôi tên là Tôn Nữ Diệu Hương. Còn ông?

Bodin hơi ngạc nhiên khi cô ca nương hỏi ngược lại tên mình, dù điều đó là bình thường.

- Tôi là Bodin. Nhà cô ở gần đây?

- Nhà tôi ở Kim Long, gần đây thôi.

- Ca Huế rất hay và giai điệu của nó rất da diết, cô gái xinh đẹp à.

- Dạ, nhưng sẽ tuyệt khi ông hiểu lời của nó. Ca Huế vừa bác học mà lại bình dân. Ca Huế của chúng tôi đã hình thành cách đây hơn ba thế kỷ. Loại hình nghệ thuật này có 31 bài bản, thưa ông. - Cô ca nương nói với vẻ tự hào, đôi mắt long lanh.

- Giọng cô thâm trầm như dòng sông này, cứ chảy chầm chậm như thế. Hoặc như thứ gì đó, cứ dàn trải dàn trải ra đến bất tận.

Nghe Bodin nói, cô ca nương chỉ nghiêng đầu và mỉm cười.

- Phải làm thế nào để có thể nghe ca Huế khi tôi đã trở về Pháp? - Bodin hỏi.

- Mạng xã hội có khá nhiều bài ca Huế. Nhưng tôi nghĩ, ông sẽ hơi thất vọng vì những video như thế. Ca Huế chỉ thật sự hay khi vang lên trên chính dòng sông Hương. Bởi sông Hương là cái nôi sản sinh ra ca Huế, thưa ông.

Bodin chỉ tay lên bức tranh vẽ một cây đàn lạ treo trên vách khoang thuyền, tò mò hỏi cô ca nương.

- Đó là đàn Nam Cầm, một loại đàn cổ của Huế xưa. Nhưng nó đã thất truyền lâu lắm rồi. - Cô ca nương hạ giọng, vẻ mặt buồn tênh.

Trên thuyền rồng giữa đêm trăng thanh vắng, hai người xa lạ đã trò chuyện thân thiết với nhau như thế. Đến khi Bodin đứng dậy và cảm ơn cuộc trò chuyện đầy ân tình này, cô ca nương nói:

- Như ông nói, ngày mai ông sẽ về. Đêm nay, tôi xin phép tặng ông khúc “Tình phân ly” thuộc điệu Nam Bình nhé.

Nói rồi, cô ca nương trải ra giữa khoang thuyền một chiếc chiếu hoa, tắt tất cả đèn, chỉ để lại một ánh đèn vàng lu mờ. Cô ca nương giải thích:

- Thưa ông, để thưởng thức trọn vẹn cái hay của ca Huế, trong khoang thuyền chỉ nên ít người, người nghe thường ngồi trệt, bên ánh sáng vừa đủ để nhìn mặt nhau.

Bodin ngồi xuống chiếu, lặng yên dõi theo từng cử chỉ hành động của cô ca nương. Cô ca nương buông thả búi tóc, mái tóc xõa ra dài lê thê, vén tà áo dài tím ngồi xuống bên cây đàn bầu, gảy những tiếng đàn lanh lảnh giữa sông nước mênh mang. Cô ca nương dạo chơi trên dây đàn một cách thật thong thả. Cảm tưởng như cô đang uốn nắn từng thanh âm sao cho thật thanh tao, gọt dũa sao cho tròn trĩnh rồi mới để nó thoát ra. Tiếng đàn bầu nhỏ thành từng giọt xuống dòng sông. Cô ca nương cất lời ca:

Tình phân ly
“Nước non nghìn dặm ra đi
Cái tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô - Ly
Đắng cay vì
Đương độ xuân thì.
Độ xuân thì
Cái lương duyên hay là nợ duyên gì
Má hồng da tuyết
Quyết liều thân như hoa tàn trăng khuyết
Vàng lộn theo chì
Khúc ly ca sao còn mường tượng nghe gì!
Thấy chim hồng nhạn bay đi
Tình lai láng, bóng dương hoa quỳ…
Dặn một lời Mân quân
Nay chuyện đà như nguyện
Đặng vài phân
Vì lợi cho dân
Tình đem lại mà cân
Đắng cay muôn phần…!”

Bên thứ ánh sáng lỏng lẻo tuôn chảy trong khoang thuyền, lời ca của cô ca nương khiến trái tim Bodin thắt lại. Tiếng ca ngân nga như bất tận, giăng giăng như màn sương bao phủ lấy cả dòng sông, ôm choàng qua hai bờ Bắc Nam. Câu ca vọng vang khắp không gian sông núi Cố đô, thấm tràn vào trái tim Bodin. Ánh đèn hiu hắt, nửa thênh thang, nửa phóng khoáng. Nó không ngột ngạt và bức bối như thứ ánh sáng trong căn phòng vẽ của Bodin. Hình như, chính lời ca đã cơi nới không gian khoang thuyền thêm rộng hơn.

Bodin nhìn ra cửa sổ thuyền rồng, cây cầu Trường Tiền nhiều màu sắc in bóng xuống dòng sông Hương, trời rơi một vài giọt sầu. Câu ca của ca nương chảy tràn lênh láng trên mặt nước, trong bóng của cây cầu, trong ánh đèn vàng mờ ảo. Tiếng đàn và câu ca dài lê thê quyện hòa với nhau, như đã chưng cất thành một thứ men, rót vào lòng Bodin những suy tư và cảm thức. Đó là một điệu buồn lai láng của sông nước. Sóng nước lăn tăn vỗ mạn thuyền. Con thuyền chênh chao. Bodin nghiêng người, tâm hồn anh cũng nghiêng ngả theo sóng nước mênh mang.

3.

Trở về từ Việt Nam, Bodin lao ngay vào căn phòng vẽ, bật lên thứ ánh sáng nhạt nhòa. Bodin điên loạn họa nét này đến nét khác. Khác hoàn toàn với những lần trước, tác phẩm này, Bodin không cần phải tỉ mỉ, kỳ thực là không muốn tỉ mỉ. Bodin không cần phải lội ngược dòng trí nhớ để lần mò dấu vết của cái đẹp mơ hồ. Bodin cũng chẳng cần đụng chạm đến trí tưởng tượng. Bodin vẽ trong vô thức, dường như ý thức Bodin không còn làm chủ được đôi tay của mình nữa. Màu văng tung tóe trong căn phòng, dính đầy lên tóc và râu của Bodin. Bodin xé toạc lớp áo ngoài và tiếp tục lao vào vẽ. Bodin đang điên trong chính nghệ thuật. Một kẻ điên đang vẽ. Một kẻ điên đang sống. Một họa sĩ chân chính và thực thụ đang phả những hơi thở vi diệu vào cuộc đời. Vũ trụ kết nối qua những nét họa thăng hoa đầy dứt khoát…

Sau một tiếng đồng hồ, bức tranh đã hoàn thành. Bodin đứng trước bức tranh, đặt một nụ hôn nồng nàn lên đó…

Bức tranh đã trở nên nổi tiếng khắp nước Pháp. Dưới góc bên trái của bức tranh, họa sĩ đề tên tác phẩm: “Fille à la peau jaune au bord de la rivière”*. Nhiều nhà phê bình nghệ thuật nhận định, cái đắt giá nhất của bức họa này chính là đôi mắt của một cô gái da vàng đang vừa đàn vừa ca trong một khoang thuyền trên sông Hương trong đêm.

Đôi mắt mênh mông. Đôi mắt thăm thẳm. Đôi mắt biết nói. Đôi mắt buồn.

*

Bodin ngồi trước mặt toan trắng toát, tuyệt nhiên không thể cất một nét cọ. Một dãy ký tự hư vô lướt qua tâm trí Bodin, để lại sự trống vắng. Bodin hoàn toàn không thể trả lời cho tâm trạng đang ngự trị trong anh lúc này.

Bodin đi ra bờ biển, rảo bước chậm rãi ngược chiều gió thổi. Những ngọn gió phẳng phiu phả vào người. Mái tóc dài bay trong gió. Tiếng chuông xa xôi từ nhà thờ vọng lại. Ai đó sẽ đến xưng tội. Ai đó sẽ đến khóc than. Ai đó sẽ đến cầu nguyện. Và ai đó sẽ đến chỉ để đến rồi về. Bodin biết phân bua nỗi lòng mờ mịt này với ai?

Chiều tà ôm ấp bãi biển như người mẹ ôm ấp đứa con, bãi biển dần vắng người. Tiếng nói cười thưa dần, để lộ ra tiếng sóng biển lao xao vỗ bờ. Bodin trở gót về nhà, nhưng chiều tà níu đôi chân anh lại. Bước chân nặng nề, Bodin lặng lẽ ngồi xuống. Đêm đã lấn sâu. Đêm dẫn Bodin vào một không gian bềnh bồng, nhẹ tênh và êm ru, cảm tưởng như đang trôi trên một dòng sông. Bodin đang hoài nhớ về dòng sông Seine quê hương? Không, là dòng sông Hương. Một con sông ngủ vào ban ngày, thức vào ban đêm. Bodin giật mình, dãy ký tự vô hình một lần nữa lướt qua tâm trí. Trong bóng đêm, đúng là trong bóng đêm đang hiện ra những dãy ký tự ấy. Một tiếng đàn rót vào đêm, một tà áo dài tím bay trong gió, một lời ca tuôn chảy như nước. Nhưng chúng chỉ thoáng qua rồi vụt tắt, nhanh như một cái chớp mắt. Thứ còn lại trong đêm là một đôi mắt.

Sương lạnh sà xuống, vương trên da thịt Bodin một cách nhẹ nhàng như con chim đang bay thì đậu lại trên cành. Bodin thảng thốt nhận ra, đêm đã hoài thai những ký tự từ nỗi nhớ. Những ký tự mồ côi khi vừa mới lọt lòng. Bất giác, Bodin thấy cô đơn. Đêm hoang liêu tự xé thân mình thành trăm mảnh, ôm choàng lên đôi vai gầy và mái tóc phong sương của Bodin.

N.V.Đ.A
(TCSH426/08-2024)

-----------------------
* Tiếng Việt là “Người con gái da vàng trên sông”.

 

Các bài mới
Kiến (02/12/2024)
Ngày tuyết rơi (13/11/2024)
Tái sinh (04/11/2024)
Út Mây (22/10/2024)
Các bài đã đăng
Ức cố nhân (03/07/2024)
Bẫy tình (28/06/2024)