Truyện ngắn dự thi 2024
Hằng và tôi
15:10 | 01/10/2024

NGUYỄN ĐẠI DUẪN

Tôi về thăm Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân sau mấy năm nghỉ hưu trên chuyến xe từ Phú Bài đi ALưới. Ngồi cạnh tôi là một người đàn ông râu ria lởm chởm có vẻ như đã lâu rồi không cạo.

Hằng và tôi
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Tôi đưa mắt nhìn cái bộ dạng khác thường của anh ta với sự hoài nghi. Người đàn ông nhìn tôi như hiểu ý. Anh cho biết mấy hôm nay mất ngủ, lo lắng làm giỗ của vợ. Nhìn bề ngoài nom anh hơi dữ, nhưng qua giọng nói, cách bắt chuyện tôi hiểu anh là người thật thà, dễ gần. Anh nhìn tôi mắt không chớp, ánh mắt như xoi mói khắp cơ thể tôi. Sợ có điều gì bất ổn, tôi giả bộ nhìn ra cửa xe nhưng vẫn để ý động tĩnh từ nơi con người ấy. Bất chợt anh vỗ mạnh vào vai làm tôi bật nẩy người, đầu va vào thành xe đau điếng.

Một giọng nói trầm ấm phát ra: “Anh là Tâm! Tâm phải không?” Vừa đau, vừa bực nên tôi trả lời hơi cộc lốc: “Tâm. Tôi đây! Có việc gì không?”. “Thật rồi! Anh Tâm thật rồi! Đúng là người tính không bằng trời tính”. Rồi anh hạ giọng, tâm sự: “Tôi là Bằng chồng của Hằng. Ngày Hằng sắp mất có trao cho tôi một bức thư và một tấm hình. Hằng nói, hãy trao thư cho người trong tấm hình là anh Tâm, đồng đội. Khi nào về quê thì tìm đến làng Hội Kỳ, bên kia sông Ô Lâu đưa bức thư đến tận tay Tâm. Hằng còn dặn, nếu tôi không giữ lời hứa thì Hằng không yên tâm ra đi. Tôi về quê tìm anh theo địa chỉ nhưng không gặp. Nghe tin anh đang công tác tại Hà Nội. Lá thư và tấm hình tôi còn giữ ở nhà. Tiện đường anh Tâm ghé về thắp cho Hằng nén nhang rồi nhận kỷ vật”.

*

Tôi bỏ chiếc cặp trước hiên, đi ra bến rửa tay. Dòng suối uốn lượn quanh nhà rì rào chảy, đang đưa tôi về với những địa danh như Bản Huội San, Bản Đông, Bản Cha Ki…của nước bạn Lào nơi đơn vị tôi ngày xưa đóng quân. Giữa khu rừng xanh ngắt là dòng suối nước trong mát, có thể nhìn được những hòn cuội dưới đáy phủ lớp rêu xanh. Đàn cá choạc to hơn ngón tay đang ngược dòng, thỉnh thoảng dừng lại tranh nhau đớp mồi. Dọc bờ từng hàng cây to như cột nhà xòa tán xuống dòng suối lung linh. Những dây leo to như bắp tay gân guốc nối cây này với cây kia như mắc võng. Xa xa những cây mận cổ thụ đang trải một màu hoa trắng tinh khôi nổi bật giữa những tán cây rậm rịt. Vừa cúi xuống vốc một vốc nước phả vào mặt, tôi vừa nhìn Bằng vừa cất tiếng: “Phong cảnh ở đây thật lãng mạn quá. Có nhiều nét giống như rừng núi đất Lào nơi tôi đóng quân ngày xưa vậy”. Bằng nhìn tôi gật đầu thay cho câu trả lời.

Căn nhà sàn kiểu mới bằng bê tông lợp tôn của Bằng nằm lọt thỏm giữa thung lũng hẹp. Lác đác vài ngôi nhà nằm yên bình dưới rừng cà phê ngợp trắng hoa. Căn nhà khoảng chừng 50 mét vuông. Góc bếp thiếu bàn tay của người phụ nữ đang hoang lạnh, mấy que củi xiên xẹo đang nằm trên bếp. Nồi niêu, bát đĩa trên chạn để lộn xộn. Tôi đến bên bàn thờ thắp nén nhang cho Hằng, mùi khói nhang quyện trong mùi hương cà phê ngát thơm tạo nên trong tôi một cảm giác mơ hồ như thấy Hằng đó, tay cầm nhành hoa cà phê trao cho tôi, miệng cười tươi. Tôi đưa tay đón nhận nhành hoa thì Hằng lùi dần, lùi dần tan biến vào sương chiều. Rừng cà phê đang mùa trổ bông, trên cành hoa mọc thành chùm dọc cánh. Cánh hoa mỏng, nở tròn xoe, với nhị trắng đan xen như bàn tay Hằng đang vẫy vẫy. Tôi cầm lá thư bước ra hành lang và mở ra, mắt dán vào những dòng chữ nhạt nhòa nước mắt, đã ố màu mực. Lướt trên những dòng chữ viết run run, đôi mắt tôi ngấn lệ từ khi nào, thấm ướt lên trang giấy. Những hình ảnh một thời quân ngũ ùa về.

*

Tôi quen Hằng trong một lần đơn vị báo động hành quân. Do vội vàng, ba lô tôi buộc không kỹ, tư trang tuột ra, Hằng thấy vậy nhanh tay thu gọn vào ba lô cho tôi kịp vào hàng quân. Đơn vị tôi huấn luyện tại Cộn, thị xã Đồng Hới, nơi có cái nắng chang chang của miền gió Lào sàn sạt. Đồi tràm vào mùa này cũng trụi lá xơ xác, những đám bụi cuốn mù mịt khi có một ngọn gió tạt qua.

Hôm chủ nhật đơn vị nghỉ huấn luyện, người thì đi gửi thư, người thì cắt tóc, có người thư giãn nơi quán cà phê cho đỡ nhớ nhà. Tôi đang lững thững đi về lán nhà ở của nữ quân nhân thì gặp Hằng. Hằng nhanh nhảu mời tôi về phòng em chơi. Căn phòng ngăn nắp sạch sẽ. Trên giường chăn, màn gấp vuông vắn. Ba lô, đồ dùng cá nhân để gọn gàng. Chỉ có Hằng ở nhà một mình, mấy cô bạn cùng phòng người đi chợ, người đi thăm bạn bè. Tôi không biết mở đầu câu chuyện như thế nào, chỉ biết lặp đi, lặp lại lời cảm ơn Hằng về việc giúp tôi hôm báo động hành quân. Hằng mạnh dạn hơn tôi tưởng: “Anh Tâm quê ở đâu?”. “Anh ở làng Hội Kỳ, Hải Lăng đó em”. “Ôi! Rứa là anh đồng hương với em rồi. Làng em là Phước Tích, Phong Điền bên ni sông Ô Lâu đối diện làng anh đó”. Tôi nhìn Hằng nói như để tạo nên sự thân thiện: “Ừ chúng mình cùng là lính Bình Trị Thiên mà”. Con sông Ô Lâu là ranh giới giữa hai huyện Hải Lăng và Phong Điền. Bên dòng Ô Lâu xanh mát, những làng mạc trù phú mọc lên hai bên sông để tận hưởng sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng. Bên ni Phước Tích bên tê Hội Trì thực ra đều nằm chung một hướng trên một dòng sông, nhưng do sự uốn lượn của dòng sông khiến hai làng nằm hai bên bờ sông, tạo nên sự cổ kính cho dòng Ô Lâu để những người xa quê hương như chúng tôi luôn hướng về cội nguồn. Tôi có đọc trong một quyển sách nào đó đã nói về lịch sử và những truyền kỳ gắn liền với dòng sông này. Tôi liền giở bài tán dóc với em: “Vậy ở bên sông Ô Lâu mà em có biết về câu ca dao: “Trăm năm còn lỗi hẹn hò/ Cây đa bến cũ con đò khác xưa/ Con đò đã thác năm xưa/ Cây đa bến cũ còn lưa bóng người”. “Em không biết! Anh giải thích cho em nghe nào”. “Đó là câu chuyện tình của anh thí sinh lên đường dự thi và cô lái đò... Mà thôi! Chuyện cũng xưa rồi, dài lắm khi nào có điều kiện anh kể cho em nghe”. Hằng yên lặng nhìn tôi không nói gì, nụ cười mỉm trên môi em. Tôi nhìn ra sân như cố lảng tránh và lái sang chuyện khác. Rồi tôi kể cho em nghe chuyện ngày còn đi chăn trâu cùng lũ bạn thường bơi sang sông hái trộm đào. Cây đào cổ thụ bên bến, thân to gần bằng thùng gánh nước, cành lá sum suê, quả mọng nước, rất ngọt. Khi chúng tôi trèo hái trộm đào bị phát hiện, chủ nhà xua chó đuổi chạy thục mạng, mấy đứa chúng tôi bị một trận nhớ đời. Kết thúc chuyện trộm đào tôi nhìn Hằng nói bâng quơ nhưng cũng đủ để em nghe: “Ước chi sau này anh được ‘sở hữu’cây đào ấy nhỉ!”. Hằng nghe tôi kể chuyện, tay bụm miệng để khỏi bật cười.

Giữa năm 1985, huấn luyện xong tôi và Hằng được phân công về đơn vị xây dựng con đường hữu nghị trên đất bạn Lào, thuộc Sư đoàn 384. Công việc suốt ngày luôn bộn bề với bê tông, sắt thép nặng nhọc. Áo quần lúc nào cũng sặc mùi xi măng. Có những hôm đổ bê tông, mồ hôi trộn lẫn bụi xi măng đóng vón lại. Ra suối giặt cả tiếng đồng hồ mới xong bộ quần áo. Hai lỗ mũi phập phồng những xi măng, có anh nói đùa: “Hắt hơi cũng đúc được viên gạch táp lô đấy!”. Cuộc sống người lính chúng tôi thiếu thốn trăm bề. Cảnh núi rừng thanh vắng. Tiếng tắc kè thảng thốt trong đêm làm cho chúng tôi thêm nhớ nhà. Rảnh rỗi tôi thường sang chơi phòng Hằng, hai đứa kể chuyện nhà, động viên nhau. Chúng tôi thường trao nhau những nụ cười, lặng thầm đưa ánh mắt sau mỗi ngày làm bạn với cuốc xẻng. Trong những lúc nghỉ giải lao nơi công trường, tôi thường trèo lên cây săng lẻ mọc bên bờ suối hái những chùm phong lan tặng Hằng, em cứ nắm chặt bông hoa, giấu những nụ hôn thẹn thùng lên cánh hoa tím màu sen điểm xuyết màu trắng duyên dáng. Ngồi bên em, lòng tôi thấy rạo rực nhưng không dám thổ lộ những điều mà trái tim mách bảo. Em nhìn tôi âu yếm rồi lấy vạt áo lau mồ hôi trên trán cho tôi. Đồng đội nhìn thấy trêu, má em ửng hồng như mặt trời mới mọc.

Con đường hữu nghị Việt - Lào bắt nguồn từ thị xã Đông Hà nối vào đường 13 của nước bạn Lào tại tỉnh Savannakhet được hoàn thành vào năm 1988 và bàn giao cho nước bạn. Ba năm quân ngũ cũng trôi qua. Tôi được cấp trên cho đi học Trường Sĩ quan quân đội. Hằng cũng được ra quân vì đã hết nghĩa vụ quân sự.

Chỉ còn đêm nay nữa là tôi và Hằng được gần nhau. Ngày mai chúng tôi theo xe đơn vị về Đông Hà. Tôi sẽ ra Hà Nội học Trường Sĩ quan, Hằng trở lại quê hương sau bao ngày quân ngũ. Lòng tôi thấy rối bời không biết nên làm gì lúc này? Tôi đến phòng Hằng, mạnh dạn: “Chúng mình ra bờ suối đi”. “Em ngại lắm, lỡ ra có người bắt gặp ...”. “Không sao đâu”. Nói rồi tôi nắm tay Hằng, hai đứa cùng ra bên bờ suối. Bên gốc sung già, chúng tôi ngồi sát vào nhau. Mái tóc Hằng xõa xuống ngang eo thoảng thơm hương hoa chạc chìu, dịu nhẹ. Lồng ngực tôi phập phồng, tim đập rộn ràng. Bàn tay vụng về nhặt những hòn cuội ném xuống dòng suối. Một thoáng yên lặng, chỉ nghe tiếng của con suối cạn róc rách. Trời không một gợn mây, cũng đủ sáng để cho tôi nhìn thấy khuôn mặt xinh tươi, đầy đặn như khuôn trăng rằm của em. Hằng nhìn tôi âu yếm. Bất chợt tôi khẽ ôm và hôn lên đôi môi nóng bỏng của Hằng. Giọng Hằng yếu ớt trong hơi thở: “Đừng anh! Em sợ. Nhỡ ra...”. Tôi ôm chặt em, thầm thì: “Hằng! Anh yêu em đã lâu nhưng anh không nói được nên lời. Chỉ còn đêm nay được bên em, ngày mai chúng mình phải xa nhau rồi. Anh muốn dành trọn tình yêu này cho em”. Đôi môi nồng thắm của Hằng run rẩy. Tôi nghe tiếng em thở gấp. Hằng cứ giữ chặt bàn tay tôi không rời. Một cảm giác đê mê trên thân thể. Hơi thở dồn dập. Tiếng thầm thì ngắt quãng. Những nụ hôn vội vàng. Đêm thanh vắng, tiếng cây rừng xào xạc, những quả sung chín thỉnh thoảng rơi tõm trên dòng suối như chứng kiến mối tình trong trắng, thầm kín của chúng tôi.

Khi tiếng Từ Quy đi ăn đêm về cất tiếng, hai đứa dắt tay nhau về doanh trại với niềm hạnh phúc lâng lâng trong mùi hương rừng thoảng thơm.

*

Tôi ra trường và được về nghỉ phép để chuẩn bị nhận công tác. Tôi tìm đến nhà Hằng chơi, cũng nhân dịp này để ra mắt bố mẹ em. Nhưng sự đời có khi không như ý muốn. Được biết em đã lấy chồng và theo chồng đi vùng kinh tế mới ở A Lưới. Tôi lặng đi. Và cũng lý giải được vì sao thời gian qua Hằng không biên thư cho tôi. Tôi cứ hình dung những dòng nước mắt chảy dài trên má khi em cất bước theo chồng.

Những hình ảnh của một thời đã qua cứ ray rứt khi tôi đọc xong thư của Hằng. Gấp bức thư với những dòng chữ thấm lệ, tôi thấy ân hận mình đã không làm được bờ vai che chở cho Hằng. Mãi chạy theo sự nghiệp nên đã đánh mất tình yêu quý giá. Những dòng thư cứ ám ảnh tôi. Biết làm gì bây giờ!

Anh Tâm yêu thương của lòng em!

Em biết mình không còn sống trên đời này được bao lâu nữa, nên gửi đến anh những dòng tâm sự để anh hiểu lòng em. Bé Thư là kết quả tình yêu của chúng mình. Em phải chịu bao ấm ức, sự dị nghị của người đời, bao thiệt thòi để nuôi nấng và chăm sóc con. Khi nào con trưởng thành anh có thể nói với con biết điều này để con nhận được tình cảm máu mủ, ruột thịt. Bằng, chồng em là một người tốt, đã thay em nuôi dạy con của chúng ta nên người. Cho em xin lỗi tất cả.

                                          Vĩnh biệt!

Như thấu hiểu nỗi lòng của tôi, bên mâm cơm Bằng đã dốc hết bầu tâm sự: “Anh Tâm! Tôi có lỗi với anh và Hằng nhiều lắm. Ngày đó tôi cũng yêu Hằng. Chúng tôi sinh hoạt cùng Chi đoàn thanh niên, cùng nhau tham gia văn nghệ và các hoạt động xã hội. Hằng vô tư, vui nhộn. Mẹ Hằng thấy chúng tôi thân thiết nên vun vào cho hai đứa. Hằng vào quân ngũ, tôi ở nhà thỉnh thoảng sang giúp mẹ Hằng đỡ đần công việc. Cái ngày mẹ Hằng ốm nặng, nằm bệnh viện tôi đã thay Hằng chăm sóc chu đáo. Tuy chưa được sự đồng ý của Hằng nhưng gia đình tôi cũng đã mang lễ trầu cau sang dạm ngõ vắng mặt. Ngày Hằng ra quân, mẹ Hằng ép phải lấy tôi. Bà cụ như thấy đó là cách để trả món nợ ân tình. Bà bảo, nếu Hằng không lấy tôi bà sẽ chết cho coi. Hằng buồn lắm. Hằng nhẹ nhàng nói với mẹ: “Mẹ ơi! Con đã có người yêu rồi! Anh ấy đang đi học sĩ quan. Mai mốt anh ấy về sẽ ra mắt gia đình ta”. Mẹ Hằng không ăn, không ngủ rồi sinh bệnh. Hằng động viên mẹ bao nhiêu thì bà càng lặng im, quay mặt. Hằng đau khổ, buồn rầu. Thương mẹ, sợ mẹ làm liều nên Hằng bằng lòng lấy tôi. Đứa con gái của chúng tôi chào đời khi chưa đầy tám tháng sau ngày cưới. Nghe mọi người dị nghị, đồn thổi, thêu dệt những câu chuyện tình ái của Hằng, tôi buồn bực sinh ra rượu chè, cờ bạc”.

Kể đến đây, ánh mắt Bằng nhìn ra khoảng sân trống vắng, như thấy những dấu ấn của sự đau khổ, mất mát đang hiện về: “Cô nói đi, đứa con này là của ai? Cô đã ăn nằm với ai có bầu rồi đổ vạ cho tôi hả?”. Hằng im lặng. Một sự im lặng lạnh lùng càng làm cho tôi trào dâng cơn tức giận: “Hả! Cô nói đi. Thằng nào đã cắm sừng lên đầu tôi? Nhục ơi là nhục. Tôi tưởng cô là người tử tế. Tôi luôn tin tưởng đến cô, vậy mà tôi phải trả cái giá như thế này đây! Đồ phản bội...”. Tôi nói chưa dứt lời thì Hằng đã chen ngang: “Anh không được nói tôi như vậy. Đứa con này là của tôi. Không của ai hết”. Tôi dang tay tát vào mặt Hằng. Hằng đau đớn chạy vào bế con, muốn đi đâu đó...

Bằng ngừng kể xem tôi có phản ứng gì không. Thấy tôi thở dài, Bằng cúi thấp đầu như người có lỗi. Sợ tôi phải chờ đợi lâu, Bằng kể tiếp câu chuyện: “Rồi chúng tôi vào vùng kinh tế mới ALưới lập nghiệp, như để quên đi những lời dị nghị của người đời. Thư càng lớn càng xinh đẹp giống mẹ. Còn Hằng thì ngày càng tiều tụy vì cuộc sống bất hạnh bên người chồng rượu chè. Và rồi Hằng qua đời khi một cơn bệnh nan y không phương cứu chữa”. Kể đến đây giọng Bằng như nghẹn lại. Còn tôi quay mặt lau những giọt nước mắt đang chực trào xuống. Rồi Bằng cho tôi hay, Thư đã lấy chồng và đang sinh sống ở thành phố Huế.

Chia tay Bằng với cái bắt tay ấm áp trong ngọn gió xuân mát dịu. Tôi ân hận thấy mình là người có lỗi trong chuyện này. Mấy năm công tác ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, tôi vô tình không tìm kiếm tin tức gì về gia đình Hằng. Vậy mà giờ đây khi biết được thì Hằng đã mãi mãi đi xa. Câu chuyện truyền kỳ bên dòng Ô Lâu đang còn đó.

*

Tôi về Huế theo địa chỉ của Bằng đã cho, để tìm đứa con gái sau mấy mươi năm xa cách. Cơn đau dạ dày kinh niên đã hành hạ, làm tôi phải vào Bệnh viện Trung ương Huế. Gần chục ngày điều trị, được các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc tận tình, chu đáo nay xuất viện. Tôi xách cặp cất bước đi ra thì có một cô gái hớt hải chạy khắp các phòng bệnh, giọng hốt hoảng: “Mọi người ơi! Xin mọi người ai có nhóm máu O phù hợp để truyền cho đứa con tôi bị tai nạn...!”. Cô gái nhìn tôi như cầu khẩn. Tôi hiểu. Tôi rút ví lấy một ít tiền đưa cho cô gái: “Cháu à! Bác có ít tiền, cháu cầm lấy để lo thuốc thang cho bé. Bác vừa ra viện nên sức khỏe đang còn yếu, chắc là...”. Nói chưa dứt lời, cô gái cảm ơn rồi lắc đầu chạy đi...

Ra đến cổng bệnh viện, cầm địa chỉ trên tay, tôi kêu chiếc xe ôm. Nhưng ánh mắt cầu cứu của cô gái nọ cứ hiện lên trong đầu tôi. Hình ảnh đứa bé bị tai nạn quằn quại trong cơn đau, rồi ngất lịm khi bị thiếu máu cứ ám ảnh tôi. Tôi quay lại bệnh viện đi tìm cô gái, may ra còn kịp nếu như tôi có nhóm máu phù hợp với cháu bé.

Khi tôi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trên giường bệnh trong bộ đồ bệnh nhân. Ngạc nhiên như đang trong giấc mơ, tôi co nhẹ chân định ngồi dậy thì một bàn tay nhẹ nhàng ấn tôi nằm xuống: “Anh cứ nằm cho khỏe đã”. Sau vài giây, tôi nhận ra Bằng: “Sao anh lại ở đây?”. Bằng không nói gì, chỉ tay sang cô gái đứng cạnh: “Anh biết ai đây không?”. Tôi nhìn trân trân vào cô gái, rồi cũng dần nhớ lại mọi chuyện. Đó là cô gái hôm qua tôi đã cho con cô ấy máu để truyền, rồi khi ấy tôi mệt quá thiếp đi lúc nào không biết. Như thấy tôi đã bình tĩnh trở lại, Bằng chỉ vào cô gái và nhẹ nhàng cất giọng: “Thư đó! Con gái anh đó!”. Tôi nhìn Thư không chớp. Khuôn mặt ấy, nước da ấy tôi thấy như Hằng đang hiện về. Cô gái nhẹ nhàng ngồi xuống ôm lấy tôi rồi nức nở, nghẹn ngào: “Ba ơi... i! Thư đây, con gái của ba đây!”. Tôi lấy hết sức bình tĩnh, cố ghìm cơn xúc động: “Con! Thư của ba...đây rồi!” Những giọt nước mắt vui sướng của tôi lăn dài trên gò má, rơi xuống bàn tay Thư nóng ấm.

Tôi sang phòng bệnh cạnh bên, ngắm nhìn đứa cháu ngoại đang say sưa trong giấc ngủ sau một đêm cấp cứu thành công. Đứa cháu bụ bẫm đang nằm đó như là một báu vật quý giá nhất trong đời tôi mà lâu nay tôi hằng mong ước. Lòng tôi lâng lâng niềm hạnh phúc tràn trề, muốn nhào đến ôm chặt lấy nó. Hằng ơi! Vậy là anh đã toại nguyện. Anh đã làm được điều trăng trối của em và sẽ bảo vệ chăm sóc cho con, bù đắp cho cháu tình yêu thương, những mất mát mà lâu nay chúng đang chịu thiệt thòi.

Ngọn gió đầu hạ đang mơn man trên mái đầu bạc trắng của tôi, một cảm giác lâng lâng ùa về.

N.Đ.D
(TCSH427/09-2024)

 

 

Các bài mới
Ngày tuyết rơi (13/11/2024)
Tái sinh (04/11/2024)
Út Mây (22/10/2024)
Các bài đã đăng
Ức cố nhân (03/07/2024)
Bẫy tình (28/06/2024)