ĐẶNG VĂN SỬ
1.
Lão Thới định bụng sang nhà ông Minh chơi để nói cái dự định của mình. Cái dự định bấy lâu lão suy tính và trăn trở rất nhiều. Lão không nằm võng chờ khách nữa, lão ngồi dậy và nhảy xuống đò.
Lão phải qua sông để “thời sự” với người bạn vong niên của mình. Ở cái bến đò Xóm Vắng này, ba mươi năm trong nghề “bắc nhịp đôi bờ” chỉ có ông Minh là người thân thiết nhất, còn lại là những người khách muốn qua sông thăm phần mồ mả và rồi lại trở về. Họ chẳng cần thân thiết chi với người đò ngang, qua sông thì trả tiền, khi cần thì ới một tiếng...
Ngọn gió nồm đã lay lắt trên những ngọn tre song sóng chỉ gờn gợn dưới thân đò. Mái chèo khuấy sâu xuống nước làm cho đoạn sông nhỏ này chành chao thêm. Phía trên có mấy đứa trẻ tắm, chúng thấy đò lão qua liền rủ nhau bơi tới rồi níu vào mạn, vào mũi đò để thỏa sự nghịch ngợm, leo trèo, nhào lộn. Lần này thì lão Thới không cho bọn trẻ níu đò mà quẳng cho chúng hai cục phao để ôm và dặn:
- Bác đang có việc vội, ôm cục phao ni mà bơi được, cẩn thận đừng bơi xa quá!
Vài tiếng dạ, tiếng vâng và cả tiếng “bụng nước” làm loang cả mặt sông. Lão cập bến, chân dớm bước lên bờ thì bỗng một con rắn nước cổ viền đỏ từ trên tán cây bàng rơi “bình” xuống lòng đò. Bốn mắt nhìn nhau hơn ba mươi giây, hai mắt rắn và hai mắt người. Sự “chiếu tướng” nhau bởi một lẽ tình cờ, bất chợt hay là còn gì khác? Rắn có đặc tính là đôi mắt nhìn xuyên bóng tối. Vì thế, chúng thường săn mồi ban đêm. Còn ban ngày, mắt rắn bị lòa bởi ánh sáng. Lão cũng cảm thấy lòa theo, lão bước vội lên bờ.
Dọc con đường dẫn ra bến đò lô nhô nhiều sỏi đá, lão đi một đoạn rồi rẽ ngang qua đường ruộng, nhà ông Minh nằm trong khuôn viên vuông của phần thổ cư hơn sào ruộng, bốn mặt đều chắn bởi “thành lũy tre”. Cái bóng râm che mát rượi ập vào lão, lão cảm giác như ớn lạnh trong người. Ngôi nhà ba gian của bạn khác với ngày thường: cửa lớn đóng. Lão dấm dứ chân trước cổng rồi quay lui. Xao xác một tiếng gà tục tác đâu đó ở xóm trên, tiếng chó sủa vang vang như gần như xa, con chim cuốc lẻ bạn cũng vừa kịp lên tiếng thở than... riêng cánh đồng lúa thì đương mùa tươi đẹp, mùa trao hoa nhận phấn, mùa trổ bông.
Mái chèo trở về khuấy không đủ động lòng sông. Bờ không xa nhưng dòng sâu nên khúc sông ở bến đò rất “tịnh”, ý là thường lặng hơn các khúc khác. Một chút gì đó của cảnh và người đều buồn mênh mang. Tại bóng chiều kia sắp tàn, tại con đò vắng khách hay tại chính cái tên bến đò Xóm Vắng? Bến đò qua cồn chôn cất mồ mả, nói cách khác là nghĩa địa của làng Hạ. Bến đò ngang này do lão Thới “sáng lập” cả ba mươi năm nay. Ban đầu người ta cười lão, chê lão: ai lại chọn nghề đưa đò ngang mà lại đò ngang chỉ để người sống qua thăm người chết.
- Chở người thôi chứ có khi mô chở...?
- Dạ ý là chi eng?
- Ờ... tui nói không phải, chớ có khi mô chở ma không?
- Dạ, hi hi. Nếu ma muốn đi đò thì tui cũng chở chơ ngại chi! - Lão tự tin trả lời và rồi nói tiếp: Có lần trong mơ tui cũng chèo đò đưa một o qua sông rồi đến khi nhận tiền, tui thấy tiền có ghi Ngân hàng Âm Phủ. Tỉnh giấc thì trong mái lều nhà tui đầy cả tiền giấy...
- Thiệt không?
- Dạ là tháng Bảy năm ngoái đó, khi ngủ quên đóng cửa nên gió thổi bay vàng mã vào.
Lâu rồi người ta cũng quen, mặc định hay nói cách khác xem như là một sự tự nhiên, chẳng còn ai băn khoăn gì chuyện một người đàn ông sống một mình ở đất nghĩa địa và làm nghề đưa đò ấy nữa.
2.
Chiều tối hôm đó, ngọn đèn dầu lão cũng chẳng buồn thắp như mọi hôm. Lão tựa lưng vào phên nhà mà lắng lòng. Mọi miền ánh sáng từ trăng sao hay từ ánh điện bờ kia đều ở lại ngoài mái nhà một mái. Lão thấy trống trải và buồn. Tâm trạng cô đơn hiển hiện. Vài con muỗi kêu “vo ve”, đậu rồi “thử tiêm” vào da thịt người đàn ông cằn cỗi, sạm nắng. Năm, ba con đom đóm ngoài khung cửa sổ bay vòng vèo...
Người con gái chạy hết sức bình sinh, chạy băng qua vũng bùn, chạy về phía hầm ẩn núp. Một bầy chó sói thét gào ở phía sau; không, là một toán lính trang phục kỳ lạ đang đuổi bắt, bắn nàng. Chúng la hét, thét gào, hô ứng thể hiện sự quyết tâm “săn bằng được con mồi”. Con nai sắp sa lầy, vấp ngã, ngập mặt xuống nước và dùng tay vợi, bò thoát thân. Lũ ác ôn, ma quái càng ngày càng tăng gia tốc và tiến tiệm.
Chàng thanh niên tuổi ngoài đôi mươi ba năm là lính xa nhà chứng kiến cảnh người con gái bị săn bắt liền “ra tay ứng cứu” nhưng những tia lửa đạn cứ bay vèo trước cửa hầm. Như mạng nhện khổng lồ nào đó khiến chàng vấp và dội ngược lại mấy lần. Sự rượt đuổi càng gấp gáp, man rợ. Phía chàng trai, tay lăm lăm khẩu súng nhưng một ý tưởng, sự mơ hồ mách bảo chàng không được bóp cò. Nếu không khéo lại trúng vào người bị đuổi. Như thực, như mơ, như có gì đó ảo ảnh, dịch đổi cảm giác. Nàng lao vào hầm, chàng đưa tay cứu lấy. Một viên đạn xuyên qua thân thể nàng, chàng xoay mình đỡ lấy. “Xéo”, một dòng máu nóng phun ra xóa mất gương mặt người con gái đang kinh hãi. Tất cả không gian bao trùm bởi một vụ nổ “big bang” đỏ ối.
Lão tỉnh giấc.
“Trời, mơ chi lạ ri? Có chuyện chẳng lành à? Răng có gương mặt... như gương mặt Thu ri?” Lão trở mình và vấn lòng.
Thu là đứa con gái lớn nhà ông Minh, nàng đẹp người đẹp nết nên được nhiều người mến thương, quý trọng. Mấy bận trai làng nhờ người tới mai mối song nàng vẫn chưa ưng. Nàng lấy lý do lo cho gia đình, nhất là hai đứa em. Từ khi mẹ nàng mất, ba nàng buồn thương và hay chè chén suốt. Đứa con gái mười lăm phải tần tảo quán xuyến gia đình. Nàng lo từ miếng trầu cho bà nội, lo bữa cơm cho ba, chăm em từng giấc ngủ và cả phần hương khói cho người đi xa...
- Dạ, chú cho cháu gửi tiền đò với! - Người con gái đượm buồn, nhất là từ đôi mắt to tròn còn đỏ hoe.
- Ừ, thôi... Chú đã lấy tiền mấy người khác cùng chuyến rồi. Cháu giữ đó! - Người lái đò cầm cây sào định chống lùi để quầy chuyến.
- Cháu cảm ơn, nhưng cứ cho cháu gửi ạ. Bữa mô không tiền, cháu sẽ xin đi nhờ... - Cô gái mở đôi mắt to hơn và cố nài nỉ đưa tiền cho lão.
- Được rồi, cất vô! Chú về đây.
Từ ngày mẹ nàng sang ở vĩnh viễn bên nghĩa địa làng Hạ thì con đò Xóm Vắng ngày nào cũng có đứa con gái một lần về qua. Chuyến đò ngang lão Thới thêm được một khách quen. Nhiều lần lão không lấy tiền đò nàng, nàng đâm ra ngại. Nàng không gọi đò riêng như ban đầu mà “can can” lúc nào có người qua thăm mộ thì nàng mới đi. Lão không nhận tiền đò, nàng tìm cách trả ơn lão bằng cách khi mang cho lão mớ rau mồng tơi, mấy củ khoai lang, dăm ba củ sắn... hoặc tiện chợ, mua giúp lão con cá, năm ngàn gia vị.
- Chú không lấy tiền đò cháu thì nhận ít đồ ni ăn cho cháu vui.
- Thiệt tình, cháu đừng mang cho nữa.
- Chú cần ăn rau thêm mới tốt đó nghe!
- Chú biết rồi... người già thì ăn gì cũng được mà.
- Dạ đúng rồi, già thì cần ăn uống bồi bổ... - Nàng như ngợ lời nói, nàng dừng lại và nói tiếp: Mà chú còn trẻ chán, hi hi. Phải lấy vợ cho cháu còn ăn cưới nữa!
Những câu chuyện của lão và nàng mỗi ngày mỗi thêm, mỗi thân, mỗi vui song có khi khơi lại cho lão những vết đau sâu từ tận tâm khảm. Lão nhớ lại ngày xưa, lão cũng từng có một mối tình sâu đậm. Đến ngày đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, lão trở về thì người thương đã sang ngang. Những niềm trách chỉ tại trời xui khiến, chỉ tại thời. Lão thành người ế vợ dài dài.
3.
Người làng Hạ bỗng nhiên xôn xao bàn tán. Người xóm trên mách xóm dưới; người xóm ngoài nói với kẻ xóm trên; họ thì thầm, thủ thỉ, rỉ vào tai nhau ra điều bí mật. Sự “bí mật” lại là điều luôn được “bật mí”; bật mí dù không là quan trọng nhưng lại là điều người ta thích nghe nhất, thì phải? Người ta thích nghe chuyện nàng Thu: có thai. Hiền ngoan, nết na đâu không biết bỗng một hôm thành gái hư đốn - chửa hoang; nhất là qua cái miệng dì ghẻ của Thu. Nàng trở nên đáng nguyền rủa, chê bai, xấu xa, bỉ ổi đến tận cùng.
Và một cuộc truy tìm nguyên nhân, chính xác hơn là tìm kẻ gây chuyện “động trời” kia, chuyện làm con gái người ta có bầu mà không lo cưới hỏi. Mọi sự “sàng lọc” từ thanh niên làng, chàng nghệ sỹ chụp ảnh đợt cấy lúa vụ mùa trong tết cho tới cậu sinh viên về thực tập ở đầu xóm hoặc cả đâu đó đám công nhân ở làng bên về làm đường... Nhưng kết luận bất ngờ: lão Thới lái đò.
Người ta tụm lại và thảo luận, kiểu như: “Lão Thới chứ không ai hết! Thiệt không mà nói cho tội rứa eng? Ai vô đó nữa! Thầm thì thậm thụt bấy ni, đưa đò rồi mò con người ta, đồ tệ mạt, hèn, nhục! Qua bên con mồ nớ thì có ai, có là có ma à. Chú nói rứa cũng đúng nhưng... lão lớn rứa mà! Lớn chi, còn trai tân ấy mà! Chộ cỏ non chảy nước miếng rồi giăng bẫy...”.
Lão cuốn vào cơn lốc tin đồn và bị người đời mỉa mai, xoi mói. Mấy hôm rày, ban đêm, lão mất ngủ; ban ngày đò vắng tanh. Người ta ít qua thăm mộ vì trời ba mươi bảy độ hay còn vì gì khác. Cảm giác như mình bị bỏ rơi, bị trôi giữa đại dương mênh mông không một định hướng sao trời...
Không chịu nỗi u uất trong lòng, lão lấy giấy bút ra viết viết, xóa xóa và ra chiều nghĩ ngợi, tính toán gì đó rồi nhảy xuống đò chống dọc theo triền sông về cuối bãi. Lão đi lấy cát lên đổ ở sân nhà mình.
- Chào eng Thới, eng đi lấy cát à? - Một gã ngư dân đang thả lưới gần đó lên tiếng hỏi.
- A, dạ. Có chi chưa eng? - Lão Thới hỏi lại.
- Hèng quá, bữa ni làm chi cũng khó, a mà eng lấy cát lên xây nhà à?
- Ờ,... không. Trời nóng quá với lại vắng khách nên đi ri cho mát luôn! Ghé hút điếu thuốc đã eng.
Hai người đàn ông “sáp” lại nói chuyện một hồi mới rời đi ai làm việc nấy. Lão tiếp tục xúc xúc đổ đổ gần một giờ đồng hồ nữa thì xem ra cũng đủ chuyến. Lão thấy vui vui vì đây là việc làm cụ thể hóa cái dự án, dự định bấy lâu của lão. Lão tính cát thì lấy ở bãi cuối sông; sạn thì khó và xa hơn, lão phải chèo tận lên thượng nguồn, còn các thứ khác là phải mua, còn tre thì... Lão chống mạnh cội sào xuống sông, chiếc thuyền rẽ sóng vươn tới. Lão thấy mình cũng còn sức vóc, “trai tráng” chán. Thoáng một thời thanh niên và tâm huyết trong lão bùng lên, lão nhoẻn miệng cười; nụ cười loáng dòng sông trôi.
Tối hôm đó, lão thấy mỏi rã nhưng lòng phấn khích; càng phấn khích càng muốn có ai đó để chia sẻ. Lão tính bước xuống đò và như thói quen sang nhà ông Minh nhưng sực nhớ ra người ta đồn... Lão đứng lại nhìn lên trời, ánh trăng thượng huyền nhỏ nhắn, lẻ loi, cong cớn như chiếc thuyền trôi mút mùa ở đám mây phía tây. Chạnh lòng đến cực hạn, lão đứng buồn một mình với ngôi nhà độc nhất giữa ngàn ngàn ngôi mộ. Không thời gian u uẩn và lặng thinh; một chút mơn man nào đó, lão cảm thấy rất nhiều người đang nhìn và hiểu lòng mình.
4.
Trăng thượng huyền vừa lặn, bóng tối đổ ập kín không gian, thời gian xích gần giờ Tý, người đàn bà lê gót ra bờ sông. Nàng ngoái nhìn lại bóng làng một lần cuối rồi nhoài mình xuống sông. Nước như vạn vòng tay mở ra rồi ôm lấy, ghì siết thân thể nàng. Một phần mười giây ý thức tìm lại sự sống, quẫy tất cả lực bình sinh tìm lại hơi thở nhưng không xong. Ngực đau, mắt hoa, mạch máu dồn ứ, tắc nghẽn, nơ-ron giật tung, lịm dần...
Từ khi thấy bóng người lao xuống sông, lão chong mắt nhìn. Lão chờ sau hơn một hơi thở. Có cảm giác chẳng lành, lão cởi phăng chiếc áo và lao mình xuống sông. Hơi lặn thứ ba thì lão đã phát hiện “một khúc gỗ” bằng cơ thể người. Lão trồi lên lấy hơi rồi ngụp xuống, một cú đạp chân vào khúc gỗ và dùng tay “túm lấy”; đồng thời đạp mạnh chân vào lòng sông trồi ngược lên.
Ọe ra mấy ngụm nước, cái xác chết đuối hoàn hồn. Nàng mơ hồ nhận ra nên cố gắng chống tay ngồi dậy.
- Có chi mà dại dột rứa... - Lão Thới mừng ra mặt nhưng cố trách.
- Dạ, dạ... - Thu nức nghẹn, không nói nên lời.
Ước tính đủ thời gian cho nàng tỉnh, lão lên tiếng:
- Để tui đưa về nhà!
- Không, dạ không! - Nàng xua tay ra hiệu.
- Rứa... - Lão ấp úng.
Nàng im lặng, trầm tư. Lão cũng lặng im ngồi xuống bên nàng. Lão định lên tiếng nói lời an ủi song mấy lần định lại thôi. Đêm lắng sâu và những vì sao trên cao sáng tỏ. Chúng rọi xuống dòng sông, rọi xuống trần gian những lấp lánh, tỏ rạng cho đêm bớt phần tịch u.
...
Lão để nàng ngồi với lời dặn dò rồi bơi ngược lại bờ, nơi con đò lão neo đậu. Lão sẽ rước nàng qua sông. Một chuyến đò ngang rất đặc biệt; một chuyến đò ngang không phải trả khách về; một chuyến đò định mệnh, có thể nói vậy. Từ chuyến đò ấy, nàng Thu ở lại cùng lão.
Vậy là người ta đinh ninh lão và Thu là một cặp đôi “hoàn hảo”, cặp đũa lệch; thậm chí có khi được cho là cặp đôi trời đánh. Mấy lần mụ dì ghẻ ra tận bến đò vọng chửi đứa con gái chửa hoang; mấy lần đứa em gái của Thu ra gào khóc bên bờ sông đòi chị về nhà. Mấy bận Thu nhờ lão chở sang sông và lặng lẽ đi về trong đêm như một kẻ trộm để nhìn ngôi nhà của ba. Nước mắt nàng rơi xuống cả mặt đường đêm. Hoặc có khi, nước mắt nàng ướt đầm mộ phần của người sinh ra mình.
- Mạ ơi, con qua ở đây là gần mạ rồi nè. Mạ linh thiêng bơn hộ cho con được “mẹ tròn, con vuông”... - Nàng nguyện cầu và nức nghẹn.
- Thôi, về đi cháu! Đừng khóc nhiều mà ảnh hưởng... sức khỏe. -Lão định nói là ảnh hưởng thai nhi song chuyển lời.
- Dạ, cho cháu ngồi với mẹ thêm tí nữa! Chú cứ vô nhà trước đi!
- Ừ, được rồi.
Lão đồng ý về trước song lại ngồi xuống. Ngôi mộ bằng đất ruộng đắp tròn, cỏ mười năm mọc xanh mượt. Mười năm đi xa, mười năm biết bao thay đổi. Chồng đã có vợ khác, con cái lớn dần. Mười năm thân xác e cũng rã tan, mười năm còn lại linh hồn trong lòng người tưởng niệm. Hoàng hôn buông và quét màu buồn lên không gian nghĩa trang, lên ngôi nhà của lão và nàng. Bất giác, lão cảm thấy ban ngày và ban đêm - ranh giới mong manh, khó phân biệt đến lạ; cũng như sự sống gần với cái chết đến mức “sờ nắm” được.
Sau đó gần tháng, có mấy nhà trong làng chặt tre xây thành, lão “xung phong” chặt giúp và xin lấy phần bỏ đi - phần gốc. Lão chặt, lão đào, lão bới, lão lôi, lão kéo... Nhìn lão người ta thấy cứ là lạ. Người khen lão tích cực, kẻ chê lão dở hơi, anh này bảo lão mang tội trong mình nên hối lỗi bằng cách giúp việc không công, chị khác toe toe kêu lão khùng điên... duy có nàng là hiểu lão, nàng dù “bầu bì” nhưng vẫn cơm nước, lúc nào cũng có miếng canh để lão chan. Nếu bỏ qua thành kiến, bỏ qua mọi ý kiến bên ngoài thì lão và Thu cũng là một tổ ấm hạnh phúc thật sự.
Từ ngày có Thu về, sự siêng năng, lo xa hơn trong người đàn ông, lão quyết tâm làm bằng được cái dự án của mình. Tranh thủ sáng sớm, chiều muộn chưa có khách gọi đò, lão lại đi lấy cát, ngâm tre, rửa đống sạn trước sân... nhìn những vật liệu ngày càng nhiều mà lòng vui vui.
5.
Nửa đêm ngoài trời bão nổi, nửa đêm trong nhà Thu trở dạ. Lão pha ngọn đèn pin và ước tính không thể nào chèo đò qua sông được. Vòi sóng dưới sông cuộn vồ. Gió rít réo hú gọi như gọi hồn ở bãi tha ma, tre lắc lư kêu “éo éc”... Lão cảm thấy dòng lệ ngân ngấn cố giấu của nàng...
Lão đang tìm cách đưa nàng qua sông, đến bệnh viện nhanh nhất. Lão rút sợi dây thừng từ trong bao ra và bước ra ngoài, lão nhảy xuống sông và lặn... sau khi buộc vào bụi tre phía bên nhà mình. Lão buộc vào gốc dừa và phăng nhanh dây trở về. Lão bảo nàng xuống đò và dặn dò kỹ.
- Bám hai tay vào hai mạn thật chặt còn mọi thứ để tui. Lỡ có chi... thì cứ buông hết bám vào người tui, sợi dây này sẽ đưa ta đến nơi hết, đừng lo!
Thu vâng vâng dạ dạ, mặc vào người chiếc áo phao và làm theo dù lòng rất rối. Lão ngồi tì xuống lòng phía mũi đò, dạng hai chân chống vào mạn và tay lần theo sợi dây. Chiếc đò nhấp nhô, theo từng đợt sóng. Không những thế, ngọn gió thổi dọc sông làm con đò như muốn lao đi, trôi dạt. Dồn sức mạnh vào đôi tay thôi không đủ, lão còn dùng cả ý chí để phăng tới một cách nhanh nhất thoát hiểm. Sóng lại phủ qua mạn đò, một lượng nước được thêm vào. Thu lo lắng. Lão động viên nàng và tiếp tục đưa con thuyền “về đích”. “Ào...” con đò gần nửa lòng nước, nước ngập lên cái đòn gỗ Thu ngồi. Chành chao, lắc lư, nước trong đò cũng dậy sóng... Không lẽ chìm mất?
Bất ngờ gió lặng, dòng sông cũng im phăng phắc, sóng tịnh và lão kéo nhẹ tênh con đò cập bến. Cho mãi đến sau này, lão cũng không hiểu sao lúc đó bỗng nhiên có một phút “trời đất” yên lặng để lão và nàng không bị chìm. Khi mà không giải thích nổi hiện tượng nào đó, người ta cứ quy nạp cho thần thoại, tâm linh hoặc... với lão và nàng thì bảo “Trời, Đất, Phật, Thánh, ông bà... bơn hộ”.
Gần tuần sau, lão rước mẹ con Thu về nhà với niềm vui vô tận. Chào đón hoàng tử kháu, lão đã sửa soạn lại ngôi nhà cả mấy hôm. Trời mùa thu cũng hong nắng vàng rực, đôi sợi tơ trời mỏng manh bay nhẹ vướng vào khăn quấn. Lão tỏ ra nhanh nhẹn, liền tay, thoắn miệng nói cười, còn nàng Thu cảm thấy hạnh phúc, biết ơn thể hiện ra mặt. Nàng ẵm con vào lòng hát ru khe khẽ. Ước mơ xa xôi nào đó. Ước mơ hay chỉ là mơ ước nào đó kháp lại người tình xưa; giấc mơ được về thăm nhà... trong chập chờn hy vọng tương lai. Nàng thấy mình dẫn con bước đi trên chiếc cầu mới bắc, dòng sông xanh mát yên bình đến lạ.
6.
Từ ngày có thêm cu Tiến, lão thêm bao niềm vui và dành thời gian nhiều cho nó. Lão ẵm, lão bồng, lão đong đưa võng... có khi lão cho cu Tiến đi theo đò. Tiếng cười, tiếng nói của trẻ con làm sinh động và “sáng” hơn mái nhà của ba mươi năm “tăm tối”, vắng hoe. Người ta cũng thôi chào xáo, mụ dì ghẻ cũng thôi không ra bờ bên vọng chửi, mỉa mai, đứa em gái nàng cũng dần không đòi chị. Chỉ thương ông Minh ngày càng ốm nhom và già đi thấy rõ.
Thoắt cái ba năm, cu Tiến biết nghe lời, biết “lý luận” như một cụ non. Có lần nó hỏi:
- Răng nhà mình ở bên ni một chắc ri ôn?
- Ừ thì... mai mốt cháu lớn sẽ biết! - Lão Thới tự nhiên ấp úng và lần khất câu trả lời rồi nói tiếp:
- Cháu ngoan đứng tránh vô để ôn làm hi! - Lão đan tay kéo tấm ván dưới đò bỏ lên bờ.
- Dạ, mà ôn làm cầu à ôn? Vì răng phải làm?
- Làm để Tiến chạy qua bên tê chơi, rồi đi học nữa...
- A hay quá! Tiến đi cầu còn ôn đi đò à?
- Hà hà, cho mọi người cùng đi chớ.
Lão Thới trả lời cu Tiến và miệng cười hiền. Lão hình dung cái “dự án” tâm huyết của mình nay mai sẽ hoàn thành. Cầu được thông, nối đôi bờ và con đò Bến Vắng sẽ không còn. Điều đó có nghĩa là lão phải “giải nghệ”. Lão thôi chờ hằng ngày tiếng khách gọi, không còn trở mái, không nhận tiền từ “ân huệ” bến sông.
...
Hôm “khánh thành” cầu Bến Vắng, dân làng đến xem rất đông. Bác thôn trưởng làng Hạ đi qua, đi về mấy bận trên cầu rồi khen lấy khen để; bác ta còn tuyên bố sẽ đưa tên lão vào danh sách biểu dương, gương điển hình của cựu chiến binh và còn cả gì gì đó nữa, bác nói:
- Tui khâm phục nghị lực eng quá, một tay mà dựng được cây cầu, một tay dựng cả “cơ đồ” rồi còn chi!
Mọi người ồn ào trên cầu, âm thanh chao động khúc sông. Bến Vắng bỗng một ngày thành “bến đông” chăng? Không là ngày không còn “Bến Vắng” nữa! Lão từ từ đi vào trong nhà khi người ta tản hết chỉ còn tiếng mấy đứa nhỏ reo chơi vọng lại. Lão ôm cu Tiến vào lòng và hôn lên má nó, xong lão đi nằm. Chiều tối, lão không dùng cơm cùng mẹ con Thu. Sáng mai thì lão không thức dậy như thường, lão đã đi xa, đến với cõi vĩnh hằng.
7.
Đám tang lão gọn gàng. Một cái quan tài được mua về khâm liệm và khi di quan thì huyệt mộ cũng không quá trăm mét. Người mặc áo chế trắng chỉ có Thu và cu Tiến song nước mắt thì rất nhiều người rơi. Thu nén nước mắt vào trong để lo mọi thứ còn cu Tiến thì cứ đòi lão thức dậy chơi cùng.
- Ôn ơi, răng ôn không ngồi dậy, ôn ngủ chi, ngủ mãi rứa, ôn ơi... cháu ngoan mà! Cháu Tiến của ôn đây!
Khi người ta đưa lão vào quan, cu Tiến thét lên đòi người ta trả lão lại, rồi nó như ngất ngất hơi. Các mệ, các o, dì, chị em gái... đều nhòa lệ và sụt sùi theo.
Khi lão qua đời, người ta mới vỡ lẽ. Lão không phải là tác giả của đứa con hoang kia; lão chỉ là người cưu mang, nhận nàng về trong đêm nàng trầm tịch dưới sông. Ngoài ra, lão còn để lại di chúc về số tài sản kha khá đủ cho hai mẹ con Thu cùng một bìa sổ hồng thổ cư ở làng Thượng với bao dặn dò mẹ con nàng phải về làm nhà định cư bên đó, không được ở nơi đất mồ, nhà lão.
Bất ngờ khác, là một thanh niên từ bên cầu chạy qua, vào khụy sụp, gục đầu xuống quan tài khóc nghẹn. Từng nhịp vai rung nấc của chàng là dấu hiệu ấm ức, nuốt đau khổ vào lòng vì thương tiếc người “cha” đã cưu mang, ban phép màu cho Thu, giữ giọt máu chàng ta để khi bốn năm trời hiểu lầmngười yêu, bốn năm sang trời Tây định cư, bốn năm bỏ mặc “tiếng đời ai oán”... nay trở về hiểu ra và hối hận, hối lỗi đến tận cùng.
...
Sau đám tang lão, gia đình nhỏ của Thu vẫn nguyện sống ở lại mái nhà xưa của lão để hương khói, để tưởng niệm, để tôn thờ và tri ân ân nhân ba tháng. Chồng của nàng quyết định ở lại quê nhà và cùng nàng định bụng sẽ xây nhà ở làng Thượng. Chàng ta nói: “Không mô bằng quê nhà, bằng nơi chôn rau cắt rốn, em à...”.
Những hôm vợ chồng Thu vắng nhà, Tiến được về bên nhà ngoại. Ông Minh dạo này bỏ luôn cả uống “rượu bữa” mà thay vào đó là chơi với đứa cháu; đứa cháu mà ông từng quyết tâm từ bỏ, không nhận... Hai ông cháu lững thững băng qua thửa ruộng rồi bước qua cầu. Chiếc cầu cong bán nguyệt trông khá thơ mộng. Phần chân trụ và hai đầu được bê tông kiên cố, riêng phần mặt cầu làm bằng những tấm gỗ ghép lại đều đặn bằng từng bước chân trẻ thơ. Ông Minh nắm tay đứa cháu, đứng lại giữa cầu và nhìn dòng sông miên man trôi. Lòng ông cảm những bồi hồi. Đôi bờ có xa gì đâu, cách nhau có mấy. Thế mà hai bên như hai cực: bên này đất sống, bên tê đất chết. Ai người phân biệt vậy chứ?
- Mình đến thăm và thắp hương mộ ngoại Tiến hi?
- Dạ! Nhưng...?
- Nhưng chi cháu?
- Dạ, thắp mộ ôn nội nữa!
- Ôn nội, ý là...
- Dạ là ôn nội Thới, nội nuôi! Mẹ và ba nói rứa.
Ông Minh cắm ba cây nhang xuống và lòng khởi lên lời cầu nguyện tha thứ. “Lão là người tái tạo lại con gái và giữ mạng cháu tui, thế mà tui từng trách lão. Lão ở trên trời linh thiêng xin tha thứ cho tui!”
Một già, một trẻ dấm dứ gót không rời. Giữa họ và người nằm dưới ba tấc đất có gì đó vấn vương níu kéo rất thiêng liêng và khó hiểu. Nói rằng xa thì rất xa, nói rằng gần thì rất gần. Tất cả chỉ trong một ý niệm, chỉ trong một giác thức suy nghĩ hay đơn giản chỉ là một nhịp cầu bắc sang.
Đ.V.S
(TCSH427/09-2024)