LÊ THỊ KIM SƠN
Khi tôi để ý đến thời gian, mẹ không còn ở đó nữa. Chiếc lá đã rụng, mặt trời đã sẫm lại, ánh sáng trên bầu trời tạo thành vệt cam đỏ. Chẳng còn lại gì trong ngày, chỉ còn tôi và cây cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp.
Lạ kỳ thật, tôi nhìn thấy phố đang xào xạc chuyển động theo dòng người trên cầu chỉ có tôi bất động, chỉ có tôi mất mát, những người, những xe cộ, phố xá, đèn điện vẫn vẹn nguyên lướt qua. Tôi neo mình lại bên một tiếng chuông chiều, dòng Hương chầm chậm nhấn ánh tà dương xuống đáy. Huế chính là như vậy. Đâu phải vì một ai lặng yên mà dòng người phải đổi chiều, chỉ có một quả bom, một họng súng đang đe dọa, hay một đám cháy, một thảm họa gì đó mới có thể gián đoạn dòng người và phố xá trầm mặc. Điều này tôi biết mà. Trong những trò chơi thuở nhỏ của tôi, làm rối loạn đội hình kiến chính là như vậy. Nhìn đàn kiến cứ ngoằn ngoèo nối đuôi nhau đi trong thầm lặng cả ngày, chẳng hiểu chúng đi làm gì mà cả đàn cứ từng con, từng con bò lên khỏi miệng hang rồi nối đuôi nhau bò thành hàng, chân kiến nhiều như vậy mà chẳng dẫm lên nhau. Chúng tạo thành một vệt mực sẫm màu thật mảnh trên mặt đất, chuyển động không ngừng, khi thì mất dấu dưới lá mục, rồi lại hiện ra vắt vẻo trên cành cây, băng qua hòn sỏi nhỏ, rồi mất dấu vào đám cỏ dại phía bên kia bụi cây um tùm.
Ngắm đàn kiến chán chê, tôi thò ngón tay trỏ xuống, dí đầu ngón tay vào giữa hàng kiến, muốn làm gián đoạn đường đi của chúng. Những con kiến phía sau lập tức ùn lại, con kiến gần ngón tay nhất phía bên trái chẳng hề hay biết con phía sau không nối đuôi mình mà cứ cắm cúi theo hàng đi mất, con ở bên phải ngón tay bắt đầu chạm hai sợi râu vào để tìm hiểu xem vật gì đang chắn mất đường đi thông suốt của mình, sau một hồi suy nghĩ, vài con phía sau đã lên hỗ trợ nó, con thì tìm cách vòng qua đầu ngón tay, con thì thận trọng bò lên, rồi một con gan lì cóc tía mở cái miệng chỉ có hai cái răng to dùng để tha mồi phập vào tay tôi một cú, đau nhói. Tất nhiên rồi, kiến lửa dẫu nhỏ nhưng chẳng con vật nào dám dây vào nó là có lý do. Lý do đó chính là vết cắn của cặp hàm chắc khỏe, chẳng chịu buông ra ngay cả khi tôi đã nhấc tay lên rồi la oai oái, cố gắng phủi đi con kiến vừa cắn mình. Nhưng bàn tay nhấc lên đã đánh động lũ kiến đang trèo qua tay để băng qua chướng ngại nối đoàn, vài con đã há đôi răng sắc nhọn để cắn vào vật sống như để tạo ra chỗ bám víu.
Bà nội đã đi vào nhà. Cái áo dài suông lụng thụng, vạt trước chấm đất, còn vạt sau thì hổng đến khuỷu chân vì lưng bà còng. Gió thổi tà áo xám phất phơ, gương mặt bà nhăn nheo nhưng ánh nhìn phẳng lặng, cái nhìn xoáy sâu vào bụng mẹ khi mẹ đang bước ngược chiều bà để đến chỗ tôi. Tôi nghe tiếng thở dài của bà, nó sâu và nặng như tiếng tàu cau trước sân rớt xuống sân đêm không trăng. Mẹ vấp phải tiếng thở dài đó, đỏ mắt, cúi xuống nhìn tấm áo dài phẳng lặng. Tiếng bố nấc trong cơn say. Tôi đã bảo mẹ không được là vú của nó rồi mà, mẹ đã ừ với tôi. Vậy mà mẹ lừa tôi, mẹ lừa tôi đi chợ để bóp nát trái trám của nó, là phẳng nó luôn rồi. Giờ nó chảy thõng như mướp, ai mà dám lại gần chớ. Lời nói của kẻ say thì không đáng tin, chẳng cần nghe, tôi quay mặt vào đàn kiến để tiếp tục công việc chăn dắt của mình.
Nhìn đi. Gió đã đổi chiều. Tôi thầm thì khe khẽ. Minh chẳng thèm xoay lại bên tôi, mặt vẫn quay vào tường, nhìn chăm chăm vào chiếc điện thoại trong tay. Đừng nói những lời vô nghĩa nữa. Câu nói mang một chút gắt gỏng, nóng nảy cần thiết để chấm dứt những lời nói mơ hồ của tôi. Tôi trầm ngâm. Dường như, những giao tiếp bằng lời của tôi và Minh đang dần trở nên không cần thiết. Ánh đèn nhập nhoạng ngoài phố chao qua, liệng lại. Soi rọi tấm lưng trần của Minh. Phần xương cánh bướm rõ ràng, gồ lên, in hình của tán lá. Đây là tán cây bàng lá nhỏ mà tôi thích. Những chiếc lá bàng nhỏ, rợp, xếp chồng lên nhau từng tầng, từng tầng nhìn rất mát mắt. Nhưng đêm nay, những chiếc lá bàng nhỏ xếp chồng lên xương cánh bướm của Minh nhìn như lớp lông chim. Và như thế, Minh bỗng có một đôi cánh bí ẩn vừa mọc lên sau lưng. Tôi đưa tay, muốn chạm vào lớp lông vũ đấy. Cánh tay giơ lên dừng lại giữa lưng chừng, tôi không muốn phá vỡ khoảnh khắc này. Nếu tôi chạm vào đôi cánh đó, điều kỳ diệu sẽ biến mất. Minh chắc chắn sẽ tháo bỏ sự kiên nhẫn của mình, quay người bỏ đi. Lạ thật. Tôi nhìn xuôi xuống gót chân của Minh, đèn đường loang loáng, vậy mà tôi vẫn có thể điểm được màu hồng lên gót chân của Minh. Đôi gót son. Không một chút chai sạn, thô cứng mà mềm mại và hồng hào đến đáng ngờ. Có gì đó không đúng giữa con người Minh và đôi gót son, vừa bất nhất lại vừa tương đồng đến lạ. Giờ ngẫm lại, có khi chẳng cần phải bất ngờ nữa, đôi cánh trên lưng Minh đã khiến Minh chẳng cần phải chạm đôi gót son xuống đất. Chẳng bám chút bụi trần. Đó là cảm giác của ngày đầu gặp mặt không phải sao?
Tôi nhìn bà thầy bói, bà ta đang nhìn những con kiến. Lâu lắm rồi tôi không nhìn kiến. Căn nhà mới của tôi và Minh không có kiến. Sạch sẽ bóng loáng. Chẳng có một tổ kiến, đến tường nhà cũng chẳng có kiến. Tôi không thắc mắc, bởi mẹ là người xây căn nhà, mẹ bảo, mày chẳng thể làm dâu được đâu. Để đó cho tao. Tôi gật đầu, Minh xám mặt, này là tài sản tiền hôn nhân. Mẹ muốn cho thì bảo mẹ sang tên cho hai đứa chứ. Nhưng Minh có chịu đăng ký kết hôn đâu? Tôi ngơ ngác. Mẹ cô chắc lép thế, tôi buộc vào làm gì? Chưa kể mẹ cô lăng loàn thế, nhỡ cô cũng có gen thì sao? Tôi sững người. Câu nói lúc say là câu nói thật lòng. Nhưng cái bụng nhô lên khiến tôi bỏ qua. Người hết duyên rồi, việc gì phải bận tâm. Bà thầy bói chẳng nhìn vào quả cầu. Những con kiến vẫn nối tiếp nhau, tạo thành một đường kẻ ngoằn ngoèo trên tường. Đã có chỉ dấu từ trước chỉ là ngươi cố tình không nhìn ra thôi. Tiếng bà thầy bói đều đều, mắt tôi đã dán lên những con kiến, lâu lắm rồi tôi không nhận ra những chỉ dấu đó. Người có căn tu hơn cả ta. Câu nói đó bật ra. Cái nhìn sâu như hút nước. Đâu mới là sự phản bội? Câu trả lời người đã tường tận. Đến tận đây cũng chỉ là một cái duyên. Chẳng cần phải nhiều lời. Cái người thiếu là đức tin. Đức tin là gì nhỉ? Tôi có điều đó không giữa trần đời vô định này? Là một kẻ an phận, những con đường của tôi luôn được một con kiến đầu đàn chỉ dẫn, tôi chỉ đi theo chỉ dấu mùi để lại. Chẳng dám trật khỏi đường ray, ngoan ngoãn đến không ngờ. Mẹ bảo ra khỏi nhà, tôi ra khỏi nhà. Mẹ bảo đi học vẽ, tôi học vẽ. Mẹ bảo tôi chơi với bạn, tôi chơi với Minh. Chẳng có gì sai lệch cả, chỉ là có chút thiếu thốn phần nổi loạn, hình như phần nổi loạn đó của tôi đã trôi theo những cái tổ kiến bị mẹ dội nước sôi rồi.
Mẹ nhìn Minh. Đàn ông mà bàn tay như vậy rồi làm sao lo cho mày? Tôi cười hờ, mẹ cũng có thể xem tướng đàn ông để biết sao? Sao mẹ lại chẳng xem được cho những người đàn ông quanh mẹ nhỉ? Từ sau khi bà nội mất, bố bỏ đi, những người đàn ông quanh mẹ được thay đổi liên tục. Mẹ nói có cũng được, không có cũng chẳng sao. Nhưng tôi chưa mấy khi thấy mẹ không có người bên cạnh. Mới vật vã chửi kẻ bạc tình cuỗm tiền của mẹ đi nuôi gái hôm trước, hôm sau đã ngọt xớt yêu đời với kẻ khác trong tay. Tôi nhìn mẹ chán nản. Tôi khác mẹ, khác những con kiến chúa, chỉ coi kiến đực là kẻ để duy trì cái tổ và quyền lực. Tôi đắm mình trong những bức vóc, cẩn thận tính toán chỗ vỏ trứng sẽ cẩn vào khoảng trống. Tôi vẽ những cảm thức khi bị bắt di dời sự chú ý khỏi đàn kiến của mình. Khi biết tôi ví mẹ như con kiến chúa, mẹ chỉ cười, sao lại đem tao ra so với con kiến chúa? Thì con kiến chúa mới có nhiều kiến đực, nhưng mỗi lần xong chuyện đó, nó sẽ ăn luôn con kiến đực. Giá mà tao ăn được. Câu nói của mẹ thả vào hư vô vì tôi bận rộn cho cuộc sống mới, cuộc sống bên Minh.
Mày tắm nó kiểu gì vậy? Mẹ tôi hoảng loạn giành đứa trẻ tím tái trên tay tôi. Tôi ngơ ngác, đứa trẻ chưa có tên. Tôi nhìn tay mình, tôi không tắm cho đứa trẻ. Minh đi đâu rồi? Chỉ còn lại tôi và đứa trẻ trong căn nhà, tôi nhìn thấy kiến bò lên chiếc khăn sữa của con, tôi muốn đuổi kiến thôi mà. Tôi chỉ ra ngoài, phòng tranh loãng gió, không mùi sơn hăng hắc. Minh muốn thoát khỏi tôi, như bố chạy khỏi mẹ. Bố chạy khỏi mẹ thì mang theo chiếc hộp trang sức đựng đầy tiền vàng, còn Minh chạy khỏi tôi thì mang theo những bức tranh chẳng bao giờ bán được của cậu ấy. Tôi cười ngật ngưỡng, nhìn đứa trẻ đang được mẹ lấy khăn lông lau lia ôm vào lòng, nó khóc, tiếng khóc nghẹn ngào không nên có ở một gương mặt đẹp.
Rồi mày tính sao? Có về với mẹ không? Tôi nhìn vào chiếc giường trắng tinh. Tán lá bàng nhỏ của tôi lại in hình trên đó, những chiếc lông vũ dịu dàng đang đong đưa. Chẳng còn Minh và đôi vai xương xương nhô lên như sắp dang rộng cánh ở đó, cũng chẳng còn chiếc gót son nữa. Xa tôi, xa thầy Khoa, Minh sẽ là ai? Minh sẽ phải chạm đôi gót son xuống đất, sẽ phải dùng đôi bàn tay mỹ miều chỉ dùng để vẽ đó mà giặt tã và làm lụng nuôi thân. Tôi đã xem một bộ phim như thế, người chồng không làm gì, mặc cho người vợ cung cúc tận tụy chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ. Nhưng khi người chồng có người đàn bà khác, anh ta dùng đôi tay chỉ lật sách đó để ngồi chồm hổm mà giặt đồ. Tôi nhớ, gương mặt người vợ đã chết lặng. Tôi cũng vậy, hẳn mẹ tôi cũng vậy. Những điều mình tin tưởng và thần thánh hóa giờ đây chẳng khác gì bùn nhão chẳng đáng để dính chân. Tôi nhìn những chiếc dây phơi. Đứa trẻ ở trong tay mẹ, ngực tôi căng nhức, những bức vóc đen nhức đợi tay tôi vẽ, rồi mài đến nhức buốt. Tôi đưa tay lên nhìn, đôi tay tôi cũng trắng nuột mềm mại, nhưng những đầu khớp đã nhăn nheo, tạo nên những rãnh sâu. Ở với mẹ, bàn tay tôi rất đẹp. Ở với Minh, tôi hy sinh bàn tay đẹp của mình để giữ bàn tay đẹp cho Minh. Tôi trầm lặng giữa phòng vẽ, sửa lại những bức tranh chỉ để Minh có thể dùng đôi tay đẹp đó ký vào bên góc một chữ ký mảnh mai, mềm mại. Cái góc tranh quá nhỏ, chẳng đủ để tôi chen chữ ký bé xíu như trái tim của mình. Rời khỏi mẹ, bố chỉ còn tấm thân tàn tạ. Quay về để làm gì? Tôi muốn gào lên với bố. Mẹ luôn cười, nhưng mẹ chi chít vết thương, vết thương của bố để lại, vết thương của tôi bắn ra, vết thương từ những cái miệng độc địa nhà hàng xóm. Và vết thương của những con kiến đực đi qua. Mẹ vẫn kiên trì sống trong nhà gỗ đầy kiến mối để đợi bố, tôi chạy trốn theo Minh tìm bình yên, tìm sự khác biệt của mình với mẹ. Tôi vẽ những bức tranh. Những bức tranh là một phần con người tôi, nhưng tôi chối bỏ, chưa từng ký tên. Minh đã ký tên lên và đem đi mừng quán cà phê mới mở của bạn mình. Bạn Minh nhìn ngắm và muốn được treo thêm nhiều bức tranh hơn, nếu có ai hỏi sẽ bán giùm. Tôi chẳng ngần ngại giao lại cho Minh những bức vẽ để Minh ký tên, ai mà chẳng được khi hai đứa đã là một.
Đội hình của đàn kiến rối loạn. Trật tự thường ngày không còn nữa. Những con kiến đi đầu cứ xoay vòng vào giữa. Đàn kiến đi sau cứ thế bước theo. Chẳng bao lâu, tôi nhận thấy đàn kiến đã bắt đầu một trật tự kỳ lạ chẳng thể cứu vãn nổi. Đó là một vòng xoáy điên cuồng. Tôi muốn cứu những con kiến khỏi vòng xoáy tử thần đó mà không được. Những con kiến cứ kéo nhau chạy vòng tròn, xoáy vào nhau như gặp một cái xoáy nước thần bí.
Thứ bay bổng như giấc mơ cũng là thứ trĩu nặng tâm tư nhất, nó kéo người xuống hun hút vực sâu đấy. Lời của Minh nghe thật lạ. Tôi chẳng bao giờ để ý đến, vì Minh luôn cười cho qua sau những lời nhận xét ơ hờ của thầy, tranh gì mà chẳng có tí hồn cốt nào, thật uổng công. Uổng công ai? Tôi nhìn thầy kéo mắt kính xuống, tôi nhìn sang Minh, Minh lại cười, chẳng nhìn vào hiện thực. Người luôn cười xòa chẳng phải là người dễ dãi sao? Dường như Minh chưa từng buồn. Luôn cười và cho qua mọi việc rất dễ dàng. Nhìn xem. Minh đưa bàn tay cho tôi, bàn tay con trai nhưng thanh mảnh, trắng trẻo và đẹp đến ngỡ ngàng. Bàn tay này cũng như đôi gót son, đó là những điểm hoàn hảo khiến tôi luôn nhớ về Minh. Bàn tay này bố tôi từng bảo chỉ nên dùng để cầm bút và vẽ ra những kiệt tác chứ không phải để làm những thứ phế phẩm như thế này. Chẳng phải điều đó đã rõ sao? Minh không có thiên phú của thầy, những lời khen của thầy chỉ đổ sang tôi, một đứa trẻ kì dị chuyên ngắm kiến và sử dụng những đường kỷ hà khắc kỷ để vẽ thiếu nữ.
Tôi lơ đãng, đứa trẻ trên tay tôi đang khóc. Mẹ đã về sau một tuần chăm tôi trên viện. Chậu nhỏ đầy những khăn, tã vải dính phân su, nước tiểu của đứa trẻ. Khi ở lại, mẹ luôn đặt riêng từng thứ, tã dính nước tiểu, tã dính phân su. Chia ra vậy cho dễ giặt, giặt cho nhanh. Minh à, ừ. Lóng ngóng bế đứa trẻ bằng đôi tay đẹp. Và vì đôi tay đẹp đó, tôi buộc đời mình vào, tạo ra một đứa trẻ. Tôi vẫn chẳng hề nghĩ đến việc vì sao đôi tay đó đẹp, tôi nghĩ, yêu cái đẹp là một phần bản năng của con người mình. Thế nên tôi cần giữ cho đôi tay Minh luôn đẹp.
Sao mày lại đụng nước. Mày đã ra tháng đâu? Mẹ luôn mày tao những lúc giận dữ. À, con thấy nóng trong người, muốn chạm vào cái gì mát mát một chút. Đàn bà đẻ phải kiêng cho kỹ, nếu không sau này tay mày nổi đầy gân xanh, xấu lắm con ạ. Mẹ vồ lấy thau đồ, đẩy tôi ra, rồi ngồi giặt thay tôi. Tôi nhìn mẹ, cái làn của mẹ đầy những đồ ăn, nhưng chỉ có một nửa dành cho tôi, còn một nửa chỗ ấy chắc dành cho gã đàn ông ở nhà của mẹ. Lâu rồi, tôi không ghé qua, tôi cũng chẳng nói với mẹ, nên chẳng hiểu người đàn ông đang ở cùng mẹ đã khá hơn chưa. Giặt xong, mẹ cẩn thận phơi đồ lên dây, Minh vẫn chưa về, tôi ôm đứa trẻ ngồi nhìn. Những cái khăn sữa, tã hình tam giác, những bộ đồ bé xíu, ngắn ngủn, thơm thơm mùi nắng, mùi sữa của tôi và mùi hương của con lấp đầy tâm trí trống rỗng và mơ màng của tôi. Mẹ về đây. Thằng Minh về thì bảo nó lấy thịt nạc ra kho tiêu nhá. Rau ngót mẹ tuốt sẵn rồi. Thanh long và bơ vườn nhà cô Cải cho đấy, ăn đi cho mát sữa. Mẹ, bố thế nào? Mày hỏi làm gì? Thì lâu rồi con chưa về bên nhà, nên con hỏi thăm chứ. Vẫn vậy, vẫn sống thôi. Mày hết ở cữ thì về thăm bố đi.
Minh nằm dài trên giường cau mày. Tôi nhìn qua xưởng vẽ, những bức vóc đã đầy hình ảnh kỳ dị, Minh cố chấp đương đầu với cái nhìn của thầy, bỏ qua cái nhìn của tôi. Tôi đã chẳng còn hiểu được những bức tranh của Minh. Những màu sắc đã chết chìm trong u tối và hoảng loạn, những hình thù méo mó vẹo vọ lên ngôi, không hề có điểm nhấn, chỉ có sự trầm cảm đều đặn từ nụ cười cố vẽ ra. Tôi kéo cửa lại. Quay ra dây để thu đồ, ngực nhưng nhức, đã đến giờ vắt sữa. Tôi đã vắt sữa thành thói quen, sữa cũng đã nhiều thêm. Đứa trẻ không còn đói, không còn khóc quấy. Tôi cũng đã quen chăm đứa trẻ một mình, người ta nói, “vợ chồng son, thêm đứa con thành bốn”. Tôi chẳng thấy bận bịu mấy với đứa trẻ, chỉ có điều, khi vắt sữa thành quen, tới giờ chưa kịp vắt thì tôi nghe tiếng xe máy rè, hay nghe tiếng máy xay sinh tố ở phòng bên cạnh vọng qua, ngực cũng tự ướt sữa.
Đứa trẻ hợp sữa, từ một con khỉ con nhăn nhúm, đỏ hỏn nay đã nở ra thành một em bé hồng hào mũm mĩm. Đôi tay và đôi chân bé xíu cứ huơ lên ê a như một con mèo nhỏ nằm ngửa đợi người chơi cùng. Tôi chỉ việc với tay, bấm công tắc để những cái đồ chơi hình con thú chuyển động, đứa trẻ sẽ mở tròn mắt mà chơi.
Đi ra ngoài chơi đi. Mẹ trừng mắt khi thấy tôi vẫn mải bày trò lẩn mẩn bên những con kiến. Một đứa trẻ phải biết chơi với bạn mới đúng chứ nhỉ? Mẹ đem câu đấy nói với bố. Bố trong cơn say ngà ngà, hé mắt ra nhìn tôi đang lấy viên phấn vạch từng vạch để ngăn đàn kiến, cười hà hà rồi hát rống lên. Con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt leo ra leo vào, con kiến mà leo cành đào... Chẳng hiểu nổi bố con nhà mày. Mẹ cầm cái chân buông thõng của bố, quẳng lên giường, rồi quay ra nhìn tôi âm trầm. Tôi quay lưng, chẳng thèm để ý.
Đừng tưởng chỉ con người mới hình thành xã hội. Những con kiến cũng vậy thôi. Xã hội của loài kiến còn khắt khe hơn cả loài người. Kiến chúa chỉ biết đẻ, đẻ và đẻ không ngừng. Kiến thợ chăm kiến chúa, nuôi kiến con, đi kiếm ăn, bảo vệ tổ. Kiến đực, duy trì nòi giống. Cuộc đời của con nào ý nghĩa hơn? Chẳng ai biết được, chẳng con kiến nào hỏi những điều ấy. Bởi sinh ra trên đời đã là một loại phước ấn. Đem theo trong mình dấu hiệu sự sống đó, duy trì đến hơi thở cuối cùng là được. Vậy sao? Đúng vậy. Chẳng cần hỏi han. Mỗi con vật cứ sống một cuộc đời của mình là được.
Đứng tránh ra. Tiếng mẹ the thé đằng sau, tôi đang cầm cọng cỏ gà, hỗ trợ những con kiến thợ khiêng cái xác dế mèn về tổ. Tôi ngẩng đầu nhìn, mẹ đang cầm ấm nước, cái ấm nước đầy lọ nghẹ đen nhẻm luôn nằm trong bếp để đun nước, nhiệm vụ của nó mỗi ngày là phải rót cho đầy ba cái phích nước sôi và một cái tích nước chè của bố. Cái ấm chỉ ra khỏi bếp khi đi lấy nước, đi rót nước lên phích hoặc đi làm lông gà bên thềm giếng. Nó chẳng có chỗ nơi sân phơi, nên tôi tròn mắt, chẳng hiểu mẹ đem cái ấm ra đây làm gì. Lấy một tay gạt tôi ra, mẹ toan chúc vòi ấm xuống... Đồng tử tôi nở ra, nhìn cái tổ kiến, rồi chạy mau kẻo mẹ khiến đàn kiến xụi lơ trong nháy mắt. Ra ngoài kia mà chơi đi. Mẹ chỉ tay ra ngoài đường. Nơi một đám trẻ trong xóm đang tụ bạ, mấy đứa con trai chỉ mặc độc cái quần đùi dây thun nhăn nhúm, mấy đứa con gái thò lò mũi dãi, mặt lem bụi. Cả lũ đang lăm lăm một chiếc dép trên tay để chơi trò tạt lon, tiếng cười, tiếng reo ồn ào, huyên náo khiến tôi đau đầu. Mẹ đã biết cách đẩy tôi ra khỏi đàn kiến, chừng nào thấy tôi đang ngồi gần ổ kiến là mẹ lại mang ấm nước sôi, không thì vác hẳn cái phích nếu nước trong ấm chưa sôi kịp…
Khi tôi buộc phải bước chân ra khỏi nhà, tôi đã chọn Minh, đứa trẻ tôi thấy sạch sẽ và đứng im trong góc nhìn những lao xao. Tôi di chân, nhích lại gần nó, rồi kê dép ngồi cạnh nó. Hai đứa chẳng nói gì, cứ nhìn ra như thế. Minh không ít lời như tôi nghĩ, khi chỉ có hai đứa với nhau, Minh luôn lầm bầm những lời khó hiểu trong miệng. Đôi mắt Minh xoáy sâu vào khoảng trống, dường như nơi đó hiện hữu thêm một ai khác. Tôi đồ chừng Minh cũng bị người nhà bắt ra ngoài để kết bạn với đám trẻ, chứ nếu để Minh ở nhà, chắc hẳn Minh sẽ chỉ ngồi và nói chuyện với khoảng không đó thôi. Dẫu sao, có thêm Minh, mẹ sẽ chẳng xét nét tôi nhiều nữa. Minh có tôi dường như cũng tránh được sự phán xét, nên hai đứa cứ thế lặng lẽ bên nhau.
Mày mới là đứa dị biệt, Minh nhìn tôi khi tôi bắt đầu vẽ. Tôi chẳng thấy lạ, bởi những hình ảnh và màu sắc của tôi đang kể chuyện. Những câu chuyện không đầu không cuối, những người đàn bà phẳng lặng, từ gương mặt đến chiếc áo dài suông không chút nhấp nhô. Minh bảo những đường kỷ hà không tạo ra người phụ nữ. Nhưng thầy Khoa lại rất thích, thầy bảo đó là nét Huế xưa, không mấy người hiểu được đâu. Tôi chẳng hiểu được, cũng như mẹ chẳng hiểu được bà nội. Mẹ bảo, ngực mẹ sau khi sinh đầy vun, đẹp lắm. Bố say mê nhìn mẹ mỗi khi mẹ cho tôi bú, nhưng bà nội đã phá bỏ tất cả. Bố biết bà nội nghĩ gì khi nhìn mẹ. Bởi với bà, cặp ngực đàn bà thây lẩy sau làn áo dài là phường lẳng lơ, đàn bà chưa chồng thì chẳng sao, nhưng đã chồng con thì nên kín đáo. Cái kín đáo của bà đó là một cặp ngực thõng thượt, chẳng gợi nên khoái cảm của những con mắt đàn ông soi mói, và nền nã khi mặc những bộ áo dài đúng chất Huế. Tôi cũng thấy những hình ảnh phẳng lặng đó thật đẹp, cái đẹp nền nã. Nên những bức tranh của tôi, luôn có nét thanh tân như những cô gái trẻ dẫu nó khắc họa những người tầm tuổi mẹ, tuổi bà. Người ta bảo, người ta thấy nét Huế ở những bức vẽ của tôi, người ta thấy màu buồn. Tôi nhìn những bức vẽ của mình, nào có nét buồn, chỉ có những hoang hoải trải rộng như cánh chim chiều.
Thầy Khoa là bố của Minh, thầy muốn Minh nối nghiệp, nhưng mỗi lần Minh vẽ, thầy luôn lắc đầu nói không đủ. Huế không phải thế này? Thầy lắc đầu nhìn những tà áo dài thướt tha trong tranh. Không phải thế này, thầy đẩy kính khi nhìn mái chùa Thiên Mụ cong cong. Không phải thế này, thầy chán nản kéo kính ra khỏi đôi mắt, rồi cứ thế đưa hai ngón tay day day huyệt thập tuyền. Huế không phải những thứ chỉ nhìn thoáng qua như vậy. Huế là thứ ở trong tim, ở sâu trong cảm thức. Con nhìn đi, tranh của bố, tranh của mọi người làm gì có mấy thứ đó, mà người ta vẫn nhận ra Huế. Minh lầm lì quay đi, rồi nhìn những bức tranh của tôi để vẽ lại, bàn tay thuôn ngón dài đi từng nét mượt mà ẩn nhẫn để chép lại cơn nổi loạn trong câu chuyện của tôi. Thầy Khoa nhăn trán, nếu cứ thế này, con chỉ là thằng thợ chép. Minh ném cọ, ném đám vỏ trứng đã được cẩn thận tách màng, ném những lá quỳ vàng lên cao, những lọ sơn cánh gián lăn lóc. Tôi nhìn thấy đôi cánh của Minh lần đầu vào ngày đó, đôi cánh ép chặt vào da Minh, làn da nhợt nhạt, kể cả khi ánh nắng chiếu vào rạng rỡ những lá quỳ vàng.
Trật tự là thế nào? Tôi không biết? Tôi nhìn bố, bố ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế tựa nhét đầy gối bông. Đứa trẻ của tôi ngồi trên chân bố, mẹ ngồi bên cạnh, đút cho đứa trẻ của tôi những thìa bột ăn dặm. Đã nửa năm rồi, bố đã tự đi lại được. Nhưng chẳng đi được mấy bước lại ngồi. Sao ông lại về với mẹ? Sao ông không ở cùng người mà ông chọn? Người ta điện mẹ đến nhận một người bất động, chẳng có ai ở cùng. Bao nhiêu tiền của mẹ, bao nhiêu tháng ngày của mẹ, của tôi đã hao mòn theo bố. Bố chạy theo những đường cong của người phụ nữ khác, bỏ lại mẹ với bà, bỏ lại tôi cùng đàn kiến. Chẳng có gì liền được trong khoảng trống bố để lại kể cả đàn kiến. Tôi chìm đắm vào những bức vẽ với những đường kỷ hà, đôi tay bị sơn ăn lỗ chỗ, liền lại, rồi mỏng như giấy. Bàn tay vừa mỏng vừa nhỏ mài những bức tranh to bằng cánh cửa. Minh nhìn tôi chật vật, nói bỏ đi. Những lời Minh nói thật dễ. Bỏ đi, thế là Minh bỏ vẽ. Bỏ con đường gần ba mươi năm được định hướng. Bỏ đi, bố có nói thế vào ngày bỏ mẹ không? Mẹ chẳng hỏi bố về những gì xảy ra, rồi quay đi tránh ánh nhìn chòng chọc của tôi. Có tội. Tôi muốn nói bố như thế. Tôi muốn nói với Minh, với mẹ, với thế giới này như thế. Nhưng đứa bé nhìn tôi trong trẻo, trong mắt nó không có từ đó, trong mắt nó chỉ có nụ cười. Nó đưa bàn tay bé tí, những ngón tay mũm mĩm trắng mềm vẫy gọi, nó bập bẹ, mẹ, mẹ...
L.T.K.S
(TCSH429/11-2024)