Truyện ngắn dự thi 2024
Bóng hình của khói
10:05 | 06/12/2024

NGUYỄN HẠNH PHƯỚC AN

1.
Chị Trân là khách quen của quán tôi. Sáng chủ nhật chị thường ngồi ở bàn số bốn, một mình im lặng ngó ra ngoài cửa sổ. Bao lần đóng cửa thu dọn quán, tôi thoáng chần chừ bên cạnh cánh cửa sổ, băn khoăn tự hỏi có cái gì bên kia cửa sổ?

Bóng hình của khói
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Loay hoay lắm tôi mới thuê được mặt bằng để mở quán cà phê. Nếu hôm ấy không thuê được có lẽ tôi đã rời bỏ thành phố và tìm một công việc văn phòng. Nếu không thuê được có lẽ tôi đã từ bỏ cái ước mơ xa xỉ của bản thân - một quán cà phê be bé xinh xinh, một cuộc sống êm đềm nhẹ nhàng với mùi bánh nướng, mùi cà phê ấm áp mỗi ngày.

Tôi mất hơn mấy tháng để lau chùi, kì cọ, trét phết. Những tháng ngày ngủ chập chờn không đủ giấc. Những ngày mưa vắng khách, nhìn quanh quán, trong lòng tôi lại dâng lên một chút kiêu hãnh. Những chậu cây cảnh, kệ sách, miếng lót ly, bình gốm... in dấu vân tay ngày ngày chăm chút của tôi.

Mặc dù là khách quen nhưng chị Trân chẳng bao giờ để ý đến những quan tâm nhỏ nhặt mà tôi dành cho chị, một chậu hoa nhỏ tươi tắn bên cạnh cửa sổ chị hay ngồi, một bản nhạc không lời giai điệu du dương, một chiếc lót ly trùng màu với chiếc áo mà chị vận hôm đó, một lời chúc tốt lành đính kèm trên ống hút. Và hầu như lần nào chị cũng thờ ơ lấy mẩu giấy đính kèm vo tròn lại. Trong khoảnh khắc một vài giây liệu ánh mắt chị có liếc đôi dòng?

Những ngày mưa dầm quán thường vắng khách. Có ngày tuyệt nhiên không thấy một vị khách nào. Tôi vẫn mở cửa quán, vẫn lau nước mưa tạt qua cửa và lặng im làm một vài món đồ thủ công nho nhỏ. Tôi ngó ra ngoài cửa sổ ở bàn số bốn, ngó bức tường rêu ủ rũ và buồn bã. Bức tường ngăn cách quán tôi trở nên cô lập với thế giới hàng xóm xung quanh. Tôi hầu như không biết nhiều về hàng xóm trong khu này. Liệu có phải chị Trân quan tâm đến điều gì bên kia tường?

2.

Cuối tuần khách thường đông hơn thường lệ, tôi với tay mở tung cánh cửa sổ, chút nắng nhẹ ùa vào trong quán, bóng những chiếc lá in hình lên những bức vách. Chị Trân luôn là vị khách đầu tiên của quán tôi. Chị hay đem theo một ổ bánh mì, một gói xôi lặng lẽ ăn sáng rồi ngồi đồng ở quán tôi đến trưa.

- Quán chị có chỗ để vẽ tranh? - Một cô gái trẻ đến quán thỏ thẻ hỏi. Tôi gật đầu, lấy khung tranh, màu để khách vẽ. Tôi để ý hình như khi đắm mình vào những mảng màu thì trong lòng cũng giải tỏa được những âu lo sầu muộn không biết gọi tên.

- Chị ơi, trà đào ở chị ngon lắm í. - Hai vị khách lần đầu đến quán trước khi về còn ngó quay lại khen một vài câu.

- Có quyển sách nào hay chị nhỉ? - Một cô bé hỏi sau khi lật qua lật lại những cuốn sách ở trên giá. Hiếm khi ai đó có đủ thời gian một buổi cà phê để đọc hết một cuốn sách. Thường thì các vị khách thích mân mê những quyển sách, tình cờ giở một trang ngẫu nhiên đọc vài ba dòng.

Chiếc quán nhỏ xinh một mình quản lí, pha chế và chạy bàn cho nên hầu như tôi luôn có việc phải làm. Chốc chốc tôi ngó về phía chị Trân, vẫn vẻ đượm buồn sâu trong khóe mắt. Hình như tôi chưa bao giờ thấy chị cười. Nếu chị thả lỏng và thoải mái như những vị khách đến ở đây thì tốt hơn. Đôi lần suy nghĩ đó thoáng qua trong đầu tôi. Tôi luôn mong mỏi khách đến quán đều có thể nhặt nhạnh được chút gì đó bình yên, vui vẻ.

3.

Tôi đã lầm, chị Trân thật ra là có quan tâm đến quán của tôi một chút. Sáng chủ nhật hôm ấy, trời mưa tầm tã, cả buổi sáng chỉ có mình chị Trân ngồi đồng ở đấy. Khi tôi bưng cho chị ly ca cao nóng chị khẽ khàng hỏi tôi:

- Quán cũng bán được em nhỉ?

- Dạ, không nhiều lắm nhưng cũng có khách ra vô.

- Em là chủ bán được nhất từ trước đến giờ ở cái chỗ này đấy.

- Ồ, vậy sao ạ? - Tôi ngạc nhiên. Xem ra chị khá là rành nơi này, liệu có gì bất thường ở chỗ thuê của tôi không? Tôi chỉ nhớ tôi thuê mặt bằng nơi đây với giá khá là rẻ. Tôi không ngờ mình có thể thuê được một chỗ rộng rãi với cái giá này. Trong đầu tôi ngập tràn những dự tính nên tôi đã không nghĩ gì nhiều. Có lẽ cũng có chút bất thường gì đấy nhưng để thực hiện giấc mơ của mình thì tôi chẳng ngại ngần. Tôi chỉ là một kẻ đi thuê tạm bợ, nương vùng đất này một chút rồi lại bỏ đi nơi khác. Tôi không hề muốn dính chặt vào một nơi nào và quan tâm quá đặc biệt đến một nơi nào nhất định. Việc có chăng của tôi chỉ là chăm chút cho cái quán nhỏ của mình.

- Từ trước đến giờ có biết bao nhiêu người đã thuê chỗ này nhưng rồi bỏ đi cả. Năm nào chỗ này cũng dựng lên bốn năm biển quán mới với đủ thứ tên. - Chị Trân chậm rãi kể, đôi mắt xa xăm. Khó lòng nào đoán được chị đang nghĩ gì. Là chủ quán cà phê nhỏ tôi học nhiều thứ để nắm bắt tâm lí khách, nào là bói bài Tarot, nào là xem chỉ tay, nào là thần số học. Cái gì tôi cũng lướt qua một chút để dễ nói chuyện. Nhưng cái đứa học ba chớp ba nháng như tôi thì chẳng rành rọt một cái gì thật sự, nên khó lòng tôi đoán được vị khách trước mặt kia đang nghĩ gì.

Sau lần nói chuyện với chị Trân, tôi có chút dè dặt với chị. Tôi thấy khó chịu khi hình dung đâu đó có ánh mắt dò xét tôi và cái quán nhỏ của tôi. Mục đích đến quán của chị đã rõ, xem quán của tôi chừng nào đóng cửa và dò xem thử làm cách nào mà tôi trụ được ở nơi này lâu hơn các chủ quán khác. Có lẽ trước giờ sự quan tâm của tôi đặt không đúng chỗ.

Tôi đóng cửa sổ khi biết rằng giờ này sẽ không có ai đến quán tôi nữa. Một cơn gió táp vào, tôi lạnh hết cả người. Một cảm giác rờn rợn. Chị Trân đã để lại trong lòng tôi quá nhiều nghi ngại và tôi chẳng thích điều này một chút nào.

4.

Một buổi sớm mù sương, có một căn nhà ẩn hiện trên mảnh đồi hoang. Căn nhà được dựng vội trong một đêm, những cây đinh đóng vội, méo mó, mũi đinh nhọn hoắt lòi ra ngoài đe dọa mấy con chim thường bay nhảy trên những tán cây nơi này. Người trong khu phố này không biết chủ của nó là ai. Họ đi ngang qua ngang lại ngôi nhà không biết bao nhiêu lần, nhưng những lo toan mưu sinh hàng ngày khiến họ không quan tâm chi đến một căn nhà lợp tôn rỉ với những cánh cửa xập xệ từ gỗ thải.

- Căn nhà ma, căn nhà ma. - Bé Trân hoảng sợ nắm chặt lấy tay thằng Huy khi hai đứa nhỏ lên bãi đất này hái quả mâm xôi dại như thường lệ.

- Làm gì có ma mà sợ. Tới gần xem sao. - Thằng Huy trấn an.

Hai đứa nhỏ mò mẫm đến gần căn nhà. Giương con mắt nhìn vào những chỗ hỏng trên tường.

- Không có ai ở mà sao khóa cửa nhỉ?

Bé Trân nhìn cái ổ khóa gỉ sét ngạc nhiên. Căn nhà mới dựng nhưng mái, tường, cửa đều làm từ vật liệu gỉ sét, cũ kỹ. Điều này càng làm hai đứa nhỏ tò mò. Đã vậy chỗ mấy bụi mía chua còn mấy cuộn dây kẽm gai vứt đầy.

- Đừng đụng vào bức vách.

Thằng Huy la to lên nhưng không kịp. Trân lỡ đụng vào bức vách, ngón tay rớm máu. Nước mắt trên khóe mi Trân giàn giụa. Thằng Huy cho ngón tay của Trân vào miệng mút những giọt máu ấm nóng. Trân nín khóc, vết thương trên tay cũng dịu dần.

Tối hôm đó bé Trân sốt nặng, cơn khát cháy khô cổ họng, mồ hôi ròng ròng, người co giật từng cơn. Mẹ nó hoảng hồn đưa nó lên bệnh viện. Trân thiếp đi và không còn biết xung quanh đã xảy ra những gì. Khi nó tỉnh lại nó tưởng chừng như quên hết sạch mọi thứ xung quanh. Con người Trân cũng trở nên ngơ ngơ ngác ngác, chuyện cũ thoảng nhớ thoảng quên. Từ đó mẹ Trân cấm không cho Trân chơi với những đứa trẻ cùng xóm, và đặc biệt không bao giờ được lởn vởn cạnh căn nhà ma.

5.

Mưa dầm dề từ sáng sớm, những giọt nước lạnh ngắt hắt vào trong căn phòng. Những ngày mưa dầm thế này hiếm có khách nào ghé qua quán. Tôi mở một bản nhạc không lời tự thưởng cho bản thân một khoảng vắng lặng. Đường phố vắng người qua lại. Tôi quyết định lấy chiếc dù thả bộ quanh khu vực này một vòng.

Quán của tôi nằm ngoài mặt đường, nhưng con đường khá nhỏ hẹp không có vỉa hè cho người đi bộ lại còn ở cuối một con dốc cao dễ trơn trượt nên tôi đã cất đi đôi guốc mà tôi để kho từ rất lâu rồi. Đôi guốc này khi mang đi bộ trên mặt đường sẽ tạo ra tiếng gõ cốc cốc vui tai. Nhưng nó không thích hợp vào ngày mưa trơn trượt thế này.

Mưa ở đây thường là những cơn mưa nghiêng nên cho dù tôi có vận chiếc áo mưa mỏng và cầm trên tay chiếc dù thì nước mưa vẫn táp vào mặt tôi. Tôi lướt qua những căn nhà cao tầng, san sát nằm trên những con dốc cao. Một cảm giác vô cùng chông chênh. Khi về lại quán tôi để ý đến một mảng xanh, có lẽ một mảng xanh còn sót lại trên con dốc này. Cây cỏ mọc rợp che một căn nhà hoang tôi chỉ còn thấy một cái cửa sổ gỉ sét. Sao giữa những ngôi nhà cao tầng san sát lại có căn nhà quái dị thế nhỉ? Những bụi quỳ phủ quanh căn nhà. Căn nhà hoang này đã tồn tại cạnh quán nhỏ của tôi rất lâu mà giờ tôi mới hay biết. Nếu chỉ chạy xe vội ngang qua thì đúng là khó thấy cánh cửa sau những bụi cây rậm rạp. Tôi không quá quan tâm đến căn nhà hoang kia, tôi quan tâm đến những bụi dã quỳ quanh đó. Hết mùa mưa đến mùa nắng tôi sẽ qua đây hái những bông hoa dã quỳ về cắm. Tôi luôn yêu thích những bông hoa dã quỳ vàng rực rỡ ở mảnh đất đỏ bazan này.

Nghĩ đến sắc hoa dã quỳ vàng sẽ phủ ngập nơi này vào mùa nắng. Tôi cũng quên mất cái mùi khó chịu khăm khắm của những bông hoa dã quỳ. Tôi cũng quên mất lời của người bạn cũ cảnh báo cho tôi về những bông dã quỳ. Phải cẩn thận ở những vùng đất có hoa dã quỳ, vùng đất đó là vùng đất hoang. Ở đấy có lắm ma đấy.

Mưa vẫn dầm dề, tôi quay về quán nhỏ của mình, bản nhạc không lời vẫn du dương và tuyệt nhiên vẫn không có một vị khách nào. Tôi nhẩm tính về những con số, về những vị khách, về những hạt mưa. Có lẽ tôi sẽ vẫn trụ được qua mùa mưa này vì giá cho thuê rất rẻ.

Có lẽ buổi ban sáng phát hiện ra một căn nhà không người ở bên cạnh quán nên hôm đó trong cơn mơ chập chờn tôi thấy căn nhà hoang ấy biến thành những con người dị hợm. Những giọng cười, giọng nói tiếng khóc quái gở ám vào giấc ngủ của tôi. Tôi choàng tỉnh dậy, toát mồ hôi hột. Tôi mở màn hình điện thoại lên để chút ánh sáng lờ mờ trên điện thoại trấn an tôi. Giá mà tôi không biết sự hiện diện của một căn nhà hoang ở gần đây.

6.

Những buổi trưa hè hay những buổi sáng sớm, Trân thích cùng Huy chạy trên những triền dốc đồi này. Dù thông thạo địa hình nơi đây nhưng bé Trân lâu lâu vẫn bị tuột khỏi con dốc và bám vào bụi cây để khỏi phải trượt xa hơn. Hai đứa trẻ nhỏ trốn ngủ trưa lang thang nhặt nhạnh những quả thông khô, tìm mía chua, hái quả mâm xôi dại rồi rúc vào một bụi cỏ nào đó nằm xuống nhìn ngắm bầu trời trong xanh.

Cái triền đồi này cũng là nơi Trân hay mang xác những con vật ra chôn. Từ con dế con ve con bọ ngựa đến con mèo con chó hay con gà. Nếu chỉ là những con côn trùng nhỏ thì Trân chỉ cần một que củi bới đất và lấp lại. Nhưng nếu đó là xác của con mèo hay con chó thì nó sẽ nhờ Huy giúp đỡ. Huy sẽ hì hục đào một cái hố thật sâu cạnh con nhỏ rơm rớm nước mắt.

Trân sẽ lén về nhà trộm của mẹ mấy cây nhang rồi ra ngoài đồi thắp nhang cho mấy con vật. Trân bắt chước bà nội vừa thắp nhang vừa lầm rầm khấn vái.

- Mày khấn gì đó? - Huy mặt mày lấm lem đất đỏ thắc mắc. Nhỏ Trân không thèm trả lời, nó bận nói chuyện với con Lu, con Mít, con Miu ở một thế giới khác.

Rồi trưa nào đi trên ngọn đồi, Trân cũng lẩm bẩm:

- Đây là mộ của Lu, đây là mộ của Mít.

Nó phải nhắc để thằng Huy biết đường tránh đạp mộ của mấy đứa nhóc. Thằng Huy càm ràm. Chính tay nó đào chôn chẳng lẽ nó không biết đó là mộ của mấy đứa nhóc nhà con Trân?

Có hôm ở trên đồi, thằng Huy bảo với Trân:

- Ba tao dặn, đừng lên đồi đây chơi nữa.

- Sao vậy?

- Ba tao bảo dưới đồi này có nhiều xác người lắm.

Trân rợn người, nhéo thằng Huy:

- Mày đừng có dọa tao.

- Xương người ở dưới đất sâu, mày không biết được đâu.

Sau hôm đó Trân có chút sợ sệt nhưng Trân vẫn thích lên cánh đồi này chơi. Trân mang lên bãi đồi này những bông huệ để trồng và cầu nguyện. Nó tin lời bà, một bông hoa sẽ an ủi cho những linh hồn ở dưới đất. Chỉ một bụi huệ ma thôi mà đến mùa mưa nó đã lan ra nhanh chóng. Nên qua một mùa mưa cả cánh đồi phủ một màu trắng của hoa huệ ma. Người ta đồn rằng củ của những cây huệ ma có thể chữa được ung thư nên chốc chốc lại có người lên đây đào bới củ, để những bông hoa chỏng chơ ở trên đồi.

Rồi cái đồi hoang này thay đổi một cách nhanh chóng kể từ khi căn nhà ma xuất hiện. Chỉ một khoảng thời gian ngắn, máy xúc đất, xe tải đất chạy rầm rầm ngày đêm ở nơi đây. Khoảng đồi xanh nhanh chóng bị san bằng lộ ra những mảng đất đỏ, rồi từ đó những tòa nhà cao tầng san sát nhanh chóng xuất hiện. Những dòng xe cộ qua lại bên đường không hề để tâm đến một sự thay đổi chóng vánh ở mảnh đất hoang vô chủ này. Những linh hồn của con Mít, con Lu mà Trân đã để lại nơi này không biết đã đi đâu và về đâu?

7. 

Giữa những ngày mưa dầm thì hiếm hoi có được một hôm nắng ráo. Tôi tranh thủ ánh nắng vàng để dọn dẹp ẩm mốc ở trong quán. Tôi đã từng thích những cơn mưa dầm, thích nghe hạt mưa rơi, thích chiếc chăn ấm trong những ngày mưa. Nhưng là chủ của một quán cà phê thì mùa mưa thật là ế ẩm. Cộng vào đó là những bức tường ẩm mốc. Mùi mốc xông lên mũi của tôi. Hèn gì nơi đây người ta hay mắc bệnh xoang. Qua những mùa mưa như thế này làm sao mà chịu nổi cơ chứ? Một đứa lạc quan mà suốt ngày than vãn như tôi thế này đây.

Tôi bịt khẩu trang và chà bức tường từ sớm. Khách lai vãng đến quán nên tôi bỏ lại bức tường còn chùi dở để phục vụ khách. Một vài vị khách cũng làm cho quán tôi ấm. Tôi hớn hở mang bình trà mời khách và chậm rãi pha ly cà phê. Những giọt cà phê nâu tí tách và mùi cà phê nhẹ dịu bao trùm quán nhỏ. Một chiếc xe Lead trắng chạy thẳng vào quán. Chủ xe mở nón bảo hiểm, tôi nhận ra khuôn mặt quen quen của chủ cho tôi thuê nhà. Đây là lần thứ hai gặp nên tôi suýt không nhận ra bà chủ nhà.

- Cô muốn uống gì ạ?

- Cho cô một ly chanh muối.

Tôi xuống quầy pha cho cô chủ nhà một ly chanh muối. Ngồi xuống chiếc bàn tiếp cô chủ quán, tôi biết hôm nay cô đến đây không phải để uống nước.

- Quán bán được không cháu?

- Mùa mưa cũng không khả quan lắm ạ.

- Cũng sắp hết hợp đồng một năm rồi, cháu có định thuê tiếp năm sau không?

- Cô thấy tình hình đó, ở đây ế quá. Cháu cũng chưa quyết định nữa.

- Có người trả cao hơn và muốn thuê vào năm sau. Nên cháu quyết định nhanh lên nhé. Để cô còn có câu trả lời cho người ta. Cô thì thích để cho cháu thuê hơn, nên sẽ ưu tiên, có điều sẽ tăng giá đôi chút đấy.

- Để cháu tính toán lại xem. - Rồi bất giác hình ảnh những cánh cửa méo mó hiện lên trong đầu tôi. Tôi hỏi vu vơ:

- Nhà này cô xây lâu chưa ạ?

- Cô cũng mua lại, chứ không xây. Nguyên khu này trước đây là nhà mua lại hết.

- Thế cô có biết gì về căn nhà ma bên cạnh đây không ạ?

Cô chủ nhà ngạc nhiên nhìn tôi.

- Căn nhà ma? Làm gì có căn nhà ma nào quanh đây cháu nhỉ?

- Ơ thì căn nhà hoang, bên ngoài bao phủ cây cối bụi rậm đó ạ?

- Thế à? Chắc cháu nhầm đấy. Quanh đây làm gì có căn nhà như vậy.

Tôi có hơi lạ lẫm về thái độ của cô chủ nhà. Căn nhà hoang giữa ban ngày ban mặt, nằm ngay cạnh, cô sống ở đây lâu vậy mà không hề hay biết. Chẳng lẽ phải để tôi chụp hình chìa cái hình trong điện thoại ra thì cô mới biết sự hiện diện của căn nhà này sao. Đúng rồi ngày mai tôi phải chụp hình lại căn nhà này để hôm sau cô chủ quán không thể nào chối cãi được. Mặc dù tự nhủ như vậy, nhưng tôi vẫn e ngại bước qua cái chỗ hoang lạnh đấy. Có lẽ đợi đến khi mùa dã quỳ rực rỡ tôi hái những cành hoa và chụp lại căn nhà cũng chưa muộn. Một cánh cửa cũ, dù gỉ sét nhưng ở giữa những bông hoa dã quỳ vàng cũng khá là thơ mộng đấy.

8.

Huy bị điên. Trong cơn điên đã tự vẫn. Trân nghe em trai kể lại từ tin tức của người bạn cùng xóm năm xưa. Mấy tháng sau trận ốm, nhà Trân vội vã chuyển xuống thành phố. Trân không kịp nói lời chia tay với ai. Rồi cuộc sống ở thành phố mới khiến triền đồi êm đềm tuổi thơ đi vào quên lãng. Nghe tin tức bạn thân ngày nhỏ, lại là tin buồn khiến Trân không khỏi suy nghĩ. Những ngày tháng cùng Huy lang thang trên triền đồi chập chờn hiện về. Liệu có phải lần hút máu nơi ngón tay giùm Trân trong căn nhà ma khiến cho Huy nhiễm bệnh? Tôn gỉ nó ăn vào người vô cùng độc hại, nhưng âm khí ở trong căn nhà ma đó nó càng độc hại hơn. Trân đã cảm nhận có một điều gì truyền nhiễm và lây lan từ căn nhà ấy, nhưng Trân còn quá nhỏ để biết đó là cái gì. Nhưng nó khiến cho ba Trân bất chấp mọi thứ và thủ đoạn để giàu lên bao gồm hợp thức hóa những cái gì không là của ông.

Mấy năm sau bố mẹ cho Trân ra nước ngoài du học. Những nhớ nhung về kỷ niệm xưa êm đềm không còn hiện hữu, thay vào đó là những lo toan ở một nơi hoàn toàn lạ lẫm. Khác biệt văn hóa, khác biệt ngôn ngữ, không bạn bè người thân bên cạnh khiến cô bé Trân hiếu động ngày nào thay đổi rất nhiều, Trân trở nên lầm lì, ít nói. Cuộc sống hôn nhân với người chồng ngoại quốc kết thúc khi Trân sinh đứa con mắc bệnh down. Đứa con mắc bệnh là chỗ dựa tinh thần duy nhất của Trân ở nơi đất khách. Nhưng bao lần nhìn con cô đã dằn vặt bản thân. Cô moi móc những điều ở quá khứ xem mình đã làm gì sai.

Ba Trân mất trong một cơn đột quỵ. Nó đến rất nhanh khiến người nhà Trân không kịp chuẩn bị gì. Trân kịp về nhà tiễn ba lần cuối. Cô không nhận ra được khuôn mặt trắng bệch trong quan tài kia. Một cảm giác lạ lẫm xâm chiếm tâm hồn Trân, rồi Trân chợt nhận ra lâu lắm rồi cô không thắp nhang. Cô cũng đã quên hết những lời cầu nguyện. Lẽ nào cội nguồn trong Trân không còn gì? Đứa con nhỏ khóc thét khi thấy những người xa lạ và những thứ xa lạ với nó. Con cô ngơ ngác trên chính quê hương của mình. Cô đang tìm kiếm gì ở nước ngoài? Về quê. Cô quyết định dứt khoát vậy. Đứa em trai không đoán biết được Trân đang nghĩ gì, hỏi vu vơ chị gái:

- Có bao giờ chị thắc mắc là sao gia đình mình giàu lên một cách chóng vánh không?

Trân im lặng vì cô chưa bao giờ suy nghĩ về vấn đề đó cả. Trong đầu Trân lúc này chỉ là mong muốn về lại thị trấn ngày xưa tìm chút dĩ vãng xa xăm. Biết đâu một chút êm đẹp ngày nào khiến cô ổn hơn.

Con đường cũ vẫn đây nhưng triền đồi ngày xưa đã hoàn toàn biến mất. Mảnh đất hoang vô chủ ngày nào giờ là những căn nhà san sát. Trân chợt khựng lại ở căn nhà ma. Nó vẫn còn khuất sau những bụi rậm. Chỉ có căn nhà hoang này là không ai đụng vào. Lời của đứa em lảng vảng trong tai Trân: “Chị có biết sao nhà mình giàu lên nhanh chóng vậy không?

9.

Vậy là mùa mưa cũng kết thúc. Qua một mùa mưa, bức tường rêu với những vết loang lổ hằn in nét hoang sơ, cũ kỹ. Những bông hoa dã quỳ nở vàng rực một góc bên kia tường. Tôi cứ chần chừ hoài mà chưa sang hái. Tôi sợ căn nhà hoang nơi có bao nhiêu linh hồn lang thang trú ngụ ở đó. 

Vào mùa mưa tôi đã làm một cuộc điều tra nho nhỏ về căn nhà ấy. Nhưng quanh đây ai cũng bảo tôi là hoang tưởng, làm gì có căn nhà ma hiện diện ở nơi này cơ chứ. Hầu như dân quanh đây đều giấu tôi ư? Vì lẽ đó tôi muốn trả lại chỗ thuê này, tôi e ngại khi mình không hề biết rõ miếng đất mà mình sinh sống. Tôi e ngại ở tạm vùng đất mà người ta không hề biết nguồn gốc. Tôi không còn cảm thấy bình an ở nơi đây. Mà mục đích của tôi là gì cơ chứ? Chẳng phải là một chút bình an tạm bợ hay sao? Tôi quyết định không gia hạn hợp đồng thuê nữa.

Mỗi buổi sớm trước khi mở quán mười lăm phút hay đóng quán tôi thường lặng im ngồi đốt trầm, vỏ bưởi, bồ kết... Tôi lặng nhìn làn khói mỏng bay lên và ngửi mùi hương dễ chịu. Tôi không biết mình có thói quen này từ lúc nào. Nhưng tôi có cảm giác dễ chịu và bình yên. Tôi thích nhìn những làn khói mỏng. Mỗi buổi sáng tôi thường bắt đầu như vậy và kết thúc một ngày tôi cũng thường như vậy. Tôi nghiện cảm giác yên tĩnh nhìn khói bay.

Rồi hôm đó, tôi đang loay hoay đốt khói thì chị Trân xuất hiện ở đằng sau. Tôi không biết chị đến lúc nào, nhưng có vẻ như chị cũng lặng im ngắm làn khói cùng tôi. Từng làn khói mỏng bay lên là từng hình bóng cũ quay về trong chị Trân. Những đồi hoa huệ ma trắng xóa, những chú cún con và người bạn ấu thơ chạy trên cánh đồi. Ngôi nhà ma quái hiện diện. Máy xúc đất, xe tải ầm ầm. Những linh hồn bơ vơ. Mảnh đất đỏ bazan rỉ máu. Những cái bắt tay, nháy máy. Những ngôi nhà cao tầng vun vút dựng lên.

- Khói có làm chị cay mắt?

Tôi hỏi bâng quơ, không biết nãy giờ cả một cánh đồi hoa trắng đang hiện về trong tâm trí chị. Chị Trân khẽ lau giọt nước mắt.

- Chị biết vì sao em trụ ở đây được rồi?

Tôi ngạc nhiên, chị có vẻ không giống ngày thường chút nào.

- Vì sao chị?

Chị Trân không trả lời, vẫn im lặng nhìn những làn khói mỏng.

Thật ra thói quen đốt khói này của tôi đến từ người bạn cũ. Anh từng bảo với tôi là anh cúng khói cho linh hồn. Những linh hồn vất vưởng chỉ có ăn khói thôi. Tôi đã rùng mình không tin. Nhưng tôi nghiện mùi khói và thích nhìn những làn khói mỏng trong không trung nên tôi giữ cái thói quen này, chứ tôi không bao giờ biết được liệu các linh hồn bơ vơ có nương theo những làn khói hay không?

- Quanh đây có một căn nhà ma à chị?

- Ừ.

Chị Trân gật đầu thừa nhận. Vậy là tôi không hoang tưởng, có một người thừa nhận với tôi. Tôi không hỏi gì thêm về căn nhà ấy nữa. Chỉ cần có người thừa nhận với tôi có một căn nhà như thế là đủ. Chỉ cần người ta không chối bỏ quá khứ và lấp liếm là đủ rồi. Vốn dĩ tôi cũng chỉ là một lữ khách ngang qua đây và lưu luyến nơi này một khoảng thời gian ngắn.

Chị Trân vẫn nhìn khói. Những hình bóng cũ theo làn khói tan vào không trung. Trước khi đi chị nói lời tạm biệt và bảo sẽ cầu chúc những điều tốt lành với tôi. Chị bảo chị đã quên cầu nguyện từ rất lâu nhưng không hiểu sao khi đến quán tôi chị lại nhớ lại lời cầu nguyện ngày xưa. Lời nói của chị làm tôi vui cả buổi hôm ấy vì tôi biết ít ra có một vị khách đã từng cảm thấy bình an khi ở trong quán cà phê của tôi.

N.H.P.A
(TCSH429/11-2024)

 

 

Các bài mới
Từ đường (16/01/2025)
Nghệ sĩ (14/01/2025)
Thánh vật (13/01/2025)
Các bài đã đăng
Kiến (02/12/2024)
Ngày tuyết rơi (13/11/2024)
Tái sinh (04/11/2024)
Út Mây (22/10/2024)
Hằng và tôi (01/10/2024)