Truyện ngắn dự thi 2024
Chuyện nhỏ ở một thành phố
08:27 | 09/12/2024

ĐẶNG NGỌC HÙNG

Giữa trưa, mâm cơm vừa mới được dọn ra thì con bé ôm đầu gối mẹ, ấp úng:

- Mẹ… con thở… không được.

Chuyện nhỏ ở một thành phố
Minh họa: Ngô Lan Hương

- Sao thở không được? - Mẹ hỏi và sờ trán con - Không sốt, con đâu có bị cảm, không chảy nước mũi. Con bị nghẹt một bên hay cả hai bên?

Con bé chỉ tay vào lỗ mũi bên phải. Người mẹ gần như giằng ngửa con gái ra và nheo mắt nhìn vào lỗ mũi bên phải của con.

- Vũ lấy cho mẹ cái đèn pin, nhanh lên con.

Thằng anh nhanh nhẹn chạy tới lục trong hộc bàn lấy cái đèn pin đưa cho mẹ.

- Ủa, mũi con có cái gì trong này. Con có lần nào bị sặc không?

Con bé òa khóc. Nó khai nó nhét hột mồng tơi vô mũi mấy ngày trước, bạn nó bày nó chơi trò đó để coi thử hột mồng tơi có ra rễ và lớn lên thành cây mồng tơi không.

- Dẹp, dẹp hết, không cơm nước gì hết - Anh chồng hét lên.

- Ủa, làm sao chuyện gì em cũng biết hết được - Người vợ nói như rên, nước mắt lưng tròng - Người đâu mà nóng thấy sợ. Cái gì cũng trút hết lên đầu vợ.

- Dẹp hết, chở nó đi bệnh viện liền.

Người chồng ra sân hất chân chống xe, hối vợ mau lên, mau lên.

- Bữa nay chủ nhật, lại là ngày lễ, bệnh viện lớn chắc chỉ cấp cứu tai nạn giao thông, đánh lộn đánh lạo chứ mấy chuyện này chắc họ hẹn thứ hai hay qua lễ. Đi bệnh viện tư, khám xong về ăn cơm, thằng Vũ coi nhà cho ba mẹ, nghe chưa con - Người chồng dịu giọng.

Người vợ không kịp chải đầu, thay đồ vì biết cái tính Trương Phi của chồng. Qua chuyện thì ôm ghì cho anh xin lỗi, cho anh xin lỗi, nhưng khi nóng lên thì không ai can nổi, chỉ làm theo ý mình. Chưa kể đây lại là “công chúa” của ảnh, muốn gì chiều nấy.

- Chạy chậm thôi anh, rủi có gì - Vợ nhắc chồng - Dù gì cũng lỡ rồi, ngày nghỉ mà xe cộ phóng ngang dọc ớn quá.

Người chồng lặng lẽ tăng ga, miệng lầm bầm tui mà làm công an, tui hốt hết mấy thằng thanh niên nẹt pô.

Ở bệnh viện tư thứ nhất, người ta hẹn đầu giờ chiều. Người chồng lại lầm bầm. Người vợ vừa sợ vừa thương chồng. Sợ anh nổi nóng chạy xe bất cẩn. Thương ảnh vì ảnh rất thương vợ con.

May quá, bệnh viện tư thứ hai có bác sĩ trực giữa trưa.

- Để ngửa đầu bé ra em - Nữ bác sĩ nói với mẹ của bé - Xong rồi, con nít mà, thanh toán viện phí ở tầng trệt nha hai vợ chồng.

Người vợ giật nảy mình vì tiếng keng lanh lảnh do cái pen bị nữ bác sĩ ném mạnh quá mức vào cái khay inox không có lót bông. Dắt nhau xuống tầng trệt. Người chồng cõng con gái. Người vợ cầm tờ biên lai: Gắp dị vật, hai trăm ngàn đồng bằng chữ được in nghiêng. Trời đất, tô phở đắt nhất của tiệm phở sang nhất thành phố này giá năm chục ngàn, gắp cái hột mồng tơi một phát hai trăm ngàn. Nói thì nói vậy nhưng thở phào. Đám mây đen đã bay ra khỏi mắt của hai vợ chồng.

- Đi kiếm gì ăn đi em, giờ về nhà nuốt cơm không trôi đâu, nguội hết rồi.

- Em mặc đồ này sao vô quán được.

- Xì, ăn thua gì, anh thấy được là được. Anh đãi hai mẹ con một bữa nà, rửa lỗ mũi con gái rượu nà. Em ngồi sau điện cho thằng Vũ khóa cửa nhà, qua nhà cô nó ăn, bên đó đang nấu lẩu bò.

Ngồi sau, ôm con gái và một phần hông chồng, người vợ thấy lòng se lại. Chính trò chơi dại dột của đứa con gái 5 tuổi đã mang lại viên kẹo ngọt hạnh phúc cho hai vợ chồng cô. Một dòng nước mắt vui sướng chảy vào trong khiến giọng chị nghèn nghẹt khi nói chuyện với đứa con trai ở nhà qua điện thoại. Mà ảnh lấy đâu ra tiền đãi hai mẹ con nữa không biết, tiền lương tháng này đã đưa hết cho vợ rồi.

- Ủa, sao tiếng của em nghe như bị cảm, chẳng lẽ mới vô bệnh viện mà lây nhanh dữ vậy?

- Em đâu có cảm, chắc do máy lạnh trong bệnh viện - Người vợ nói rất nhỏ nhưng bàn tay ôm mép hông của chồng mỗi lúc một chặt.

Đột nhiên người chồng rẽ qua bên trái đường. Người vợ ngạc nhiên. Người chồng thắng gấp, dừng xe.

- Ủa, vô ngân hàng chi anh?

- Em coi con ở đây, anh vô rút tiền.

Người vợ càng ngạc nhiên. Nháy mắt người chồng ra, mặt hớn hở.

- Lúc bác sĩ gắp cái hột trong lỗ mũi của bé Ba, anh nhận được tin nhắn báo có tiền làm ngoài giờ đợt nước rút của công trình. Hai tháng, hai triệu. Đi em.

Một luồng hơi ấm lan trong người vợ với nhiệt lượng mỗi lúc một tăng như thiêu đốt. Cô muốn ngã quỵ xuống đường phố vì hạnh phúc. Giọng nói lại nghèn nghẹt. Người chồng khởi động chiếc Wave trành và phóng đi.

- Mình vô Ocean nha em, hai triệu đủ đó, chỉ ăn uống thôi mà.

- Nhưng mà em ăn mặc kiểu này vô đó coi sao được, người ta cười chết. Hay là quành xe về nhà cho em thay đồ.

- Cười hở mười cái răng, phụ nữ mặc đồ bộ hấp dẫn mà, đi liền cho nóng. Phải không bé Ba? - Người chồng ngoắt tay trái lại phía sau ngắt yêu con gái.

- Cái anh này, có mặt con mà ăn nói gì đâu á - Người vợ rùng cả người.

*

Gia quyết định rời Nha Trang vào sáng đó. Anh có mặt ở thành phố này được mấy hôm rồi. Thăm thú, xê dịch đủ chỗ. Là dân gốc miền Tây, học và trụ lại Sài Gòn kiếm sống cũng lâu nên biển cả miền Trung đối với anh luôn hấp dẫn. Nhưng chuyến đi miền Trung lần này với anh lại không phải xuất phát từ sự hấp dẫn. Anh đi với tính chất khác. Do đó sự hấp dẫn chỉ là nước sơn không có tác dụng chống thấm nỗi buồn chán. Những đảo, những bãi tắm đầy người xa lạ khiến anh cảm thấy mình như một vật thể trơ ra trong thế giới này.

Tốt nghiệp đại học, Gia ở lại Sài Gòn và cưới Bảo. Bảo học cùng trường với Gia nhưng khác khoa và dưới Gia một lớp. Hai người hẹn hò khi Gia chuẩn bị tốt nghiệp. Dưới con mắt của nhiều người, Gia và Bảo may mắn đều tìm được việc ngay khi mới ra trường. Thu nhập của cả hai đều ngon lành theo lời bạn bè.

Gia và Bảo lấy nhau khi cả hai cảm thấy không có người nào khác vừa ý hơn người đối ngẫu của mình. Họ tổ chức đám cưới theo một phiên bản rất đương đại: không có rước dâu liên tỉnh, cả tân hôn và vu quy đều làm ở nhà hàng. Tất cả đều chính xác như được lập trình. Đèn chùm, cửa kính, váy áo lấp lóa. Gia là người lập trình tất cả. Với thu nhập khá và được sự giúp đỡ của hai bên gia đình, hai người nhanh chóng sở hữu được căn chung cư cao cấp.

Nhưng thời gian thường bẫy con người. Gia làm quản trị mạng cho một công ty nước ngoài. Cái công việc đặc thù này cho phép Gia ngự trong văn phòng di động. Nghĩa là Gia có thể làm việc ở nhà hay ở một nơi nào đó miễn là không bị “mất mạng”. Trong khi đó Bảo làm trong một kho hàng đầu mối ở ngoại thành. Lương của Bảo không bằng Gia nhưng cũng không đến nỗi nào. Có điều môi trường làm việc của Bảo khá khắc nghiệt. Cô dị ứng với một số loại hóa chất.

- Anh coi nè, mặt em nổi mấy cái mụt ghê quá - Bảo nũng nịu với chồng - Nghỉ 2 ngày cuối tuần, nó nhỏ lại hoặc teo đi, hễ đi làm lại là nó to ra hoặc bị thêm mụt mới.

Gia đang nghe nhạc. Mấy câu than thở của vợ khiến Gia thấy mấy câu nhạc mà anh mê từ thời sinh viên đến giờ bỗng già khọm đi. Bài hát già đi mà mặt vợ thì nổi đầy mụt.

- Không hiểu sao đàn bà con gái như em lại chọn ngành kỹ sư Hóa nặng nhọc, độc hại!

- Sao, anh nói gì vậy Gia? - Bảo rời gương trang điểm quay qua nhìn chồng.

- Thì anh vừa nói đó.

Gia rút dây phone ra khỏi điện thoại và đến bên cửa sổ. Trong tầm nhìn ở tầng 18, một góc Sài Gòn hiện ra tím thẫm. Gia rút dây phone nhưng quên hạ âm lượng, bài hát phụt ra từ điện thoại chát chúa.

Bảo giằng cái điện thoại trong tay Gia.

- Gia, nói lại câu hồi nãy đi anh.

- Nói rồi - Gia giằng lại rất mạnh.

Bảo đứng như trời trồng. Cô không biết nên bẻ ghi câu chuyện hay bón thúc dinh dưỡng cho câu chuyện về mặt cô bị nổi mụt lớn lên. Ngoài kia, cái nóng đầu hè vẫn còn đầu độc bầu không khí khi Gia đẩy cửa sổ để ném cái điện thoại thời thượng xuống đất. Bảo nhắm mắt để xem thử có nghe được tiếng hấp hối của cái điện thoại trên nền bê tông hay không. Ở tầng 18, cô không nghe được gì cả ngoài âm vọng của tiếng cuộc đời chạy rần rần miên viễn ở Sài Gòn.

Đêm đó, Bảo ngập ngụa chiêm bao. Câu nói của Gia đã vô tình kéo về giấc ngủ của cô biết bao cơn chiêm bao. Nhưng không có giấc chiêm bao nào mách lẻo về tương lai. Tất cả đều được chia động từ ở thì quá khứ. Trong chiêm bao có cái tiệm photocopy nóng muốn ngợp thở ở cổng trường đại học, nơi hai người tình cờ gặp nhau. Mấy câu làm quen, trao đổi bình thường sao mà gần gũi. “Ủa, tài liệu này có miễn phí trên mạng mà, photo chi cho tốn tiền”, “Nhưng mà em tải không được, đành phải mượn và photo lại. À anh ơi, có hai cuốn này rất hay nhưng không có ở hiệu sách, tải giúp em được không, phải qua mấy lớp khóa và đăng ký rắc rối quá”, “Chuyện nhỏ, để anh làm cho”… Gia miền Tây, Bảo miền Đông. Tin học và Hóa. Cho số điện thoại. Những cuộc gọi hoặc nhắn tin rất khuya. Và hẹn hò. Gia ra trường trước. Bảo còn một năm. Bảo đi thực tập rất xa. Những cơn mưa cuối mùa đổ tháo, Gia đi tìm Bảo trong những con phố thành sông. Sự lo lắng khiến ống thanh quản như bẹp đi, tiếng gọi trệch trạc quặn thắt vì lo và yêu. Bảo ra trường, đưa Gia về miền đất đỏ ở cuối dãy Trường Sơn để giới thiệu với gia đình. Gia cũng đưa Bảo về miền Tây. Nhưng miền Tây của Gia là thành phố, một Sài Gòn thu nhỏ.

Mỗi ngày qua đi, những vòng ôm ngày càng mạnh và nồng cháy đến nghẹt thở:

- Ngành Tin của anh thú vị thiệt, cả thế giới bị bắt cóc và nhốt trong một thiết bị, trong một cửa sổ.

- Anh luôn nể những người con gái học Hóa. Anh học tốt Toán, Lý nhưng không học tốt môn Hóa. Hóa khó quá.

Hai má Bảo đỏ bừng, cô gật đầu: Cuối năm mình cưới hả anh?

Bảo thức dậy, mệt mỏi. Khi chải đầu để chuẩn bị đi làm, Bảo thấy mặt mình nổi thêm mấy cái mụt.

Hình như nhu cầu của người này về người khác đến một lúc nào đó lại nảy sinh những cái mới ngoài dự liệu. Cuối cùng, Bảo thôi việc ở cái kho hàng ngoại ô, cô xin được một chân văn phòng của một công ty với mức lương thấp hơn. May mà công việc mới của Bảo cũng cần kiến thức về Hóa nên cô không bị dằn vặt vì lụt nghề. Những cái mụt đã biến mất. Hai má Bảo đã hồng trở lại. Bảo soi gương, thấy mình còn xinh hơn hồi xưa.

Nhưng có những cái mụt khác xuất hiện trong cuộc sống của hai vợ chồng.

Gia quyết định chọn nhà xe có lộ trình chạy qua vùng cát nổi tiếng. Mấy ngày rồi mà anh không nhận một cuộc gọi hay tin nhắn nào của Bảo. Gia đùng đùng bỏ Bảo để xách ba lô ra đi. Như một chiến thắng. Một bề trên. Thu nhập của Gia cao hơn Bảo rất nhiều. Không có anh thì gia đình này sẽ gặp khó giữa cái thời giá hiện nay. Không có anh, không có anh… Dù vậy, thật không thể hiểu nổi, anh lại mong một sự năn nỉ từ Bảo, chẳng hạn như anh đừng đi, mẹ con em cần anh lắm, đại loại như vậy. Bảo chỉ im lặng.

Như một biến dạng, cuộc sống vợ chồng mấy năm qua của hai người đã khác. Cái công việc rất đặc thù đã mang đến cho Gia gần hai mươi ký thịt. Mới hơn ba mươi mà bụng Gia đã vượt mặt.

- Anh chịu khó chiều chiều xuống công viên tập thể dục đi anh, dưới đó có đầy đủ dụng cụ. Đột quỵ bây giờ trẻ hóa, em lo quá Gia ơi. Anh lên ký nhanh quá.

- Làm gì có chuyện đó. Nhiều đứa còn mập hơn anh - Gia xê một đầu ghế salon để bước ra, thở phì phì.

Gia nói nhân viên điều hành bố trí anh ở giường tầng trên. Anh muốn có tầm nhìn rộng để ngắm nhìn cảnh vật, có vậy mới tránh được bầy bồ mắt suy nghĩ đang vo ve trong đầu mình. Chiếc xe khách đời mới chạy êm ru. Gia ngủ gà gật sau mấy ngày trằn trọc, một bầy râu ngắn, dài chui ra từ bộ mặt tròn nhưng nát nhừ vì mất ngủ. Đến một lúc nào đó, anh mở mắt ra, xe đã rời Nha Trang khoảng hai trăm cây số. Xe vào giữa một thị trấn gầy guộc nằm ven quốc lộ thì rẽ trái. Trước mắt Gia là những triền cát, mỗi lúc một cao dần. Những đồi cát mở ra trập trùng. Những liếp rẫy bò lên theo độ cao của đồi, trồng những giống cây xứ cát. Nắng vàng cháy. Một người đàn ông ngoại quốc không thể đoán tuổi nói với vợ: It looks like a desert. Ở một quãng dốc đầy cây dại, bên trái là biển, bên phải là núi cát, có tấm bảng quảng cáo TRẠI DÔNG ÔNG TÁM. Dông, con vật bò sát được gọi là kỳ nhông trong sách vở, có khả năng đổi màu rất hay. Đổi màu để thích nghi. Gia nghĩ có khi nào để thích nghi, con người ta sẽ đánh mất bản ngã không? Gia thương con nhưng không chiều được sự hiếu động của nó, nhất là khi Gia bận tối mặt với công việc. Từ nhỏ Gia đã có tính khó chịu. Đã vậy áp lực công việc khiến anh nổi cáu. Anh quát và xô con ra:

- Trời ơi, cái máy tính có cài đặt đặc biệt này tiền không đó, cả gia tài đó. Rủi có gì thì ăn cám.

Bảo buồn buồn ôm con vào lòng. Thằng nhỏ chưa tới ba tuổi thì biết gì về cái máy tính siêu bộ nhớ và có cấu hình, tính năng đặc biệt đặt mua ở Mỹ. Thành ra câu nói của Gia như thứ búa thủy lực đóng thẳng cây cọc nhồi mắng mỏ vào đầu Bảo. Phần mềm tự nhiên của não bộ dịch lời nói của Gia ra thành: mẹ không chăm được con, để con quấy phá ba. Bảo cũng đang sấp mặt hoàn thiện một đề án được sếp phân công chủ trì soạn thảo và sẽ bảo vệ trước hội đồng quản trị vào đầu tuần tới. Bảo biết cuộc sống vật chất của gia đình chủ yếu dựa vào Gia. Thường trực ý nghĩ đó trong đầu, Bảo đã âm thầm từ bỏ nguồn học bổng toàn phần nghiên cứu sinh ở một nước Tây Âu.

Gia nhớ lại, thật ra khi anh nạt con, anh đang không làm việc gì có liên quan đến quản trị mạng. Chính xác là anh đang mải mê nghiên cứu xe hơi. Chiếc Lexus Gia mới tậu trả góp bị bạn bè chê quá.

- Tiền nhà này chủ yếu do anh làm ra, em không dám nói gì. Có điều em thấy anh không có nhu cầu đi lại nhiều, đã vậy anh lại là người không có phản xạ tay chân tốt, mua chiếc xe đắt tiền em thấy xót và lo quá.

Trong cơn tức tối vì bị bạn bè dìm hàng, mấy câu nói của vợ khiến Gia nổi nóng. Khi thằng con đến gần, Gia đang nghiên cứu một phân khúc của xe Audi. Những ngày đó, đầu óc Gia chỉ nghĩ đến tiền, để tậu một “em” Audi với điều kiện phải “đẩy” em Lexus đi với giá rẻ. Máu chiến nổi lên, Gia quên mình suy đến cùng chỉ là một nhân viên của một công ty nước ngoài có thu nhập xấp xỉ năm chục triệu. Gia không phải là một đại gia. Ai đó vốc và ném vào đầu Gia mớ cát suy nghĩ rằng Gia làm ra nhiều tiền lắm nhưng chúng chảy vào cái lỗ hà lỗ hổng nào đó.

- Hồi chiều thằng Tín đến có chuyện gì không?

Tín là em ruột của Bảo, sinh viên năm cuối trường kinh tế.

- Nó đến thăm vợ chồng mình với bé Minh.

- Lạ, tiền lương anh đưa em đủ, lại có khoản tiền thưởng, sao lại thiếu hụt dữ vậy?

- Thì anh mới mua chiếc Lexus trả hết tỉ sáu, còn phải trả góp mấy trăm triệu còn lại. Hay là anh… Gia, anh nghĩ em đem tiền của vợ chồng mình cho em trai của em phải không? Có phải vậy không anh? Anh nói đi. Nếu anh muốn, em với con sẽ ra đi, nhà và xe, tất cả đều là của anh hết Gia à. Em không ngờ anh nghĩ về em như vậy.

Bảo ôm con nấc lên từng cơn. Gia biết mình sai. Từ bao giờ trong anh mọc ra sợi dây leo tự mãn. Nhưng anh chỉ im lặng và tiếp tục bấm vào các trang chuyên về xe hơi. Cái suy nghĩ mình là trụ cột tài chính như một thứ barie vô hình ngăn Gia mở miệng nói một câu phải quấy tối thiểu. Mình là trụ cột, mình có quyền. Bữa trước mình mua tặng thằng Tín cái laptop hiệu HP mười mấy triệu, giờ lỡ lời chút xíu có chết ai.

Bảo tiếp tục nấc, không thành tiếng, cô cắn chặt cổ áo thun của con trai. Căn chung cư mặt quay về hướng nam hợp với mạng của Gia ở tầng thứ 18 ngày càng tĩnh lặng. Một đêm, có một nữ nhân viên ở công ty Gia gọi điện cho anh trao đổi về công việc. Thằng con hỏi Gia: “Ai gọi vậy ba?”. Vừa lúc Bảo từ ban công vô phòng khách, Gia cố tình cười to: “Người yêu của ba”. Bảo như không nghe. Nhưng sự lặng lẽ của Bảo lại khiến Gia điên tiết. Mấy hôm sau, Gia nhờ cô nhân viên đó nhắn cho anh cái tin yêu đương mùi mẫn. Nhân lúc Bảo đang coi ti vi với con ở phòng khách, Gia khều vợ và nói: “Em coi, con bé này nhắn anh cái tin dữ dội thiệt chứ”. Bảo xem tin nhắn đó và cũng không nói gì. Gia càng tạo dựng kịch bản cuộc gọi và tin nhắn, Bảo càng im lặng.

Thời mới yêu nhau, Gia mà ra vẻ bất thường sau khi xem một tin nhắn nào đó thì Bảo véo vào hông anh: đưa điện thoại cho em. Tuy không lấy điện thoại của Gia bao giờ nhưng câu nói nũng nịu và ánh mắt trong veo, hiền từ mà nghiêm nghị sau tròng kính cận có ngôn ngữ của nó: Anh chỉ là của em thôi đó nha. Bây giờ, hình như sự nghi ngờ về tiền bạc của Gia đã rót chất cường toan làm mòn hết những vẩy vàng yêu thương của đời sống chung, kể cả những hợp chất đam mê mà hai người đã tích tụ thời yêu đương dưới những cơn mưa Sài Gòn đổ tháo.

Không hiểu sao, Gia lại đổi ý một cách đột ngột. Thay vì về thẳng Sài Gòn, anh quyết định dừng lại ở cái thành phố nhỏ đầy nắng và gió này. Anh không biết có phải do nhu cầu cần một mình để suy nghĩ hay cần chuẩn bị một tâm thế nào đó cho sự trở về căn hộ chung cư ở tầng 18. Người tài xế xe du lịch giường nằm nhìn anh và gật đầu, dừng xe ở một trạm gần nhất. Trước đó, Gia đã bật 3G, lướt tìm một chỗ ở. Anh gọi một chiếc tắc xi và nói với tài xế như thể anh rành cái thành phố này lắm: về Ocean.

Chuỗi ngày lễ kéo dài, du khách đổ về thành phố này khá đông. May sao cái khách sạn của khu nghỉ dưỡng đó còn chỗ. Gia lấy phòng và lao xuống nhà hàng ở tầng trệt vì bụng đói cồn cào.

Giữa khung cảnh sang trọng chỉ dành cho du khách sộp, một chiếc Wave rất cũ trờ tới với hai vợ chồng và đứa con gái nhỏ trạc tuổi thằng bé con của Gia. Có vẻ họ đi lạc chỗ. Nhưng họ lại rất tự tin. Gia thấy cô vợ có đôi mắt giống Bảo nhưng không xinh bằng Bảo, Gia nghĩ. Và Bảo cũng buồn hơn, Gia thấy vậy. Ý nghĩ đó rắn như một thanh sắt chọc thẳng vào ngực Gia. Bảo của Gia xinh và buồn. Đôi khi, có những cuộc trò chuyện hình như được sắp đặt sẵn cho chúng ta trong cuộc đời này. Đôi “vợ chồng Wave” nhìn Gia khá thân thiện. Gia cũng vậy. Hai bên nhìn nhau cười. Và câu chuyện bắt đầu. Gia mời họ buổi trưa nhưng họ từ chối. Họ và Gia kể cho nhau rất nhiều câu chuyện, trong đó có câu chuyện tại sao họ “lạc” đến chốn này vào ngày lễ.

Xế chiều hôm sau, Gia trả phòng. Câu chuyện về đôi vợ chồng xe Wave không ra khỏi đầu óc anh. Không phải vì nó mới được chép vào ổ não của Gia mà vì một thứ hợp chất lạ có sức kích thích mạnh. Gia nhớ cô vợ với câu nói: Lương cô giáo mầm non của em chưa tới 5 triệu, bằng nửa lương thợ điện của anh ấy. Gia nhớ khi cô vợ nhìn biên lai tính tiền và nói “anh ơi, một triệu bảy luôn”. Anh chồng cười: “Chuyện nhỏ, còn ba trăm mua kem cho hai đứa luôn”.

Đang vui vẻ, bỗng anh chồng nói:

- Chết rồi, còn ngày mai nữa là hết lễ, mình về tranh thủ làm mấy cái đồ dùng dạy học cho em chuẩn bị dự thi mới kịp.

Người chồng còn nói gì đó về việc anh ta sẽ nhặt mớ nhôm mỏng ai đó vứt bỏ đầy bên cạnh một cái gara trên đường anh đi làm, hàn cái khung mô hình dạy học của vợ cho chắc. Anh ta cũng nói dùng nhựa hay mica dễ bị gãy, đứt như lần dự thi trước của vợ. Gia chợt nhớ đến gần đây, Bảo đêm nào cũng miệt mài cái đề án gì đó đến khuya. Lại một thanh sắt vô hình đánh thẳng vào ngực Gia. Bảo chú mục vào màn hình vi tính, mắt rất buồn từ sau cái đêm Gia hỏi em của cô ấy đến nhà anh để làm gì.

Chiều muộn, Gia thả bộ ra biển. Bờ biển ở thành phố này cong như cái vịnh, xa về phía nam là rặng đồi đất đỏ. Cái màu đỏ đó làm Gia nhớ lại có lần mẹ Bảo từ quê xuống thăm hai vợ chồng mới cưới được vài tháng, đôi dép của mẹ còn dính đất đỏ. Hôm sau, lúc Bảo sắp quét chỗ đất đỏ khô vào cái giá nhựa để cho vào bao rác, Gia đã lấy một cái túi ni lông đựng chỗ đất ấy.

Gia nói:

- Để đây, mỗi lần nhìn nó mình nhớ mẹ, nhớ quê của em.

Bảo véo chồng:

- Anh này nghịch ghê, ghét!

Cái túi đất đỏ ấy hình như còn trên cái kệ CMC, bên cạnh mấy món đồ thời danh mà Gia tha về lâu nay.

Nắng tắt, Gia thấy lành lạnh, hình như không chỉ do gió biển.

Chiếc xe khuya đang ôm vòng xuyến ở ngoại ô, Gia vén rèm nhìn lần nữa cái thành phố đang ngủ vùi, chắc đôi vợ chồng xe Wave cũng đang ngủ say. Người vợ vẫn sẽ đi làm thật sớm và về thật trễ vì phải chăm giữ con của người khác. Một hôm, con của cô nhét hột mồng tơi vô mũi, mấy ngày sau cả hai vợ chồng mới biết. Vì thế, họ có một ngày nghỉ lễ “chuyện nhỏ” với hai triệu đồng. Người chồng thợ điện ấy nói với con gái tên nước ngoài một số loại kem dành cho trẻ em mà một người ở thành phố lớn, có chứng chỉ IELTS như Gia không hề biết.

Gia mở điện thoại. Không có tin nhắn nào của Bảo. Không hiểu vì nghĩ gì mà Gia lẩm bẩm: Chậc, đang khuya mà.

Đ.N.H
(TCSH429/11-2024)

 

 

Các bài mới
Từ đường (16/01/2025)
Nghệ sĩ (14/01/2025)
Thánh vật (13/01/2025)
Các bài đã đăng
Kiến (02/12/2024)
Ngày tuyết rơi (13/11/2024)
Tái sinh (04/11/2024)
Út Mây (22/10/2024)