PHÁT DƯƠNG
Nó vốn không ưa cái thứ nằm bên cạnh. Một thứ chắp vá của thời hiện đại, chẳng hiểu vì đâu lại qua được vòng loại.
Nó nghĩ sớm thôi, cái thứ đó sẽ bị trả về. Nhìn xung quanh đi. Kho chứa tác phẩm toàn những sáng tạo của nghệ sĩ nổi danh. Không lớn về quy mô cũng cầu kỳ ở chất liệu. Không đột phá thì cũng giàu truyền thống. Chỉ riêng thứ đó. Riêng thứ đó thôi. Tầm thường.
Không thể tưởng tượng nổi. Ít nhất, dù nó có kích thước khiêm tốn, nhưng dòng họ nó đã xuất hiện rất lâu. Nó là tiền thân của thứ kia, thứ đó phải gọi nó là cụ tổ. Vậy mà cái thứ ấy, cái thứ lạc loài ấy, chỉ biết lăn ra ngủ. Nó không biết nếu nó chửi mắng, thứ đó có hiểu không nữa. Rõ ràng thứ đó không biết nói. Bản thân thứ ấy cũng không chứa âm thanh gì bên trong. Không thể nào hiểu nổi. Vừa lạc hậu lại vừa lắp ghép, đầu thừa đuôi thẹo.
Nó không hiểu nổi. Không hiểu nổi. Làm sao mà thứ đó lại được gọi là phim. Đó chẳng qua chỉ là chín trăm bức ảnh liên tục chạy. Ảnh thì khác gì tranh chứ. Còn thua tranh. Thua nó. Lại là chín trăm bức hình chán ngắt chụp đúng một kiểu vật thể lặp đi lặp lại. Không có gì mới mẻ. Cũ rích. Cứ một bố cục mà chụp.
Than ôi, nghệ thuật tới đây có lẽ là chấm hết. Người ta dung chứa cho thứ nghệ thuật này thì người ta tự làm nhục mình. Không, thứ đó cũng chẳng thể là nghệ thuật. Thứ đó là đồ bỏ đi.
Nó giật mình, chút nữa là rớt khỏi giá treo. Đồ cái thứ lén lút, không biết từ bao giờ đã thức dậy. Thứ đó giương mắt nhìn nó.
Nó nhíu mày. Nó vừa thấy gì? Một sự liên kết. Một điểm giống nhau.
Nó lắc đầu.
Nó không muốn nghĩ tiếp.
Dù sao thì, đâu phải lần đầu tiên có những thứ khó hiểu tham gia các cuộc thi nghệ thuật. Có thể chúng đáp ứng một nhu cầu nào đó chăng. Nó tự bào chữa, cho cảm giác gì lạ lẫm dâng lên trong nó.
Một thứ gì đó chảy ra, làm nhòe lớp sơn dầu phóng khoáng nó đang mặc.
Hình như là nước mắt.
*
Cô gái vuốt lại nếp váy, giữ thẳng lưng chuẩn bị. Buổi lễ đã xong, cuộc thi bắt đầu trình chiếu những tác phẩm đoạt giải. Toàn là những cái tên quen. Đề tài lần này, như những ban giám khảo đã hết lời khen ngợi, là bệ phóng mang sáng tạo của người nghệ sĩ lên những thiên hà. Cứ thỏa sức mà sáng tạo, bởi bản thân đề tài đã quá hay rồi. Không đoán cũng biết danh sách đoạt giải toàn những cái tên quen thuộc. Nghệ thuật sắp đặt với ba trăm người công nhân của nghệ sĩ A., mô hình gốm khổng lồ khắc họa hình ảnh công nhân luyện thép của nghệ sĩ B., chiếc ô tô làm bằng rác thải công nghiệp của nghệ sĩ C… Tất cả đều đặc sắc, nhưng họ xuất hiện dày đặc quá khiến người ta thuộc lòng. Sự sáng tạo của họ không đuổi kịp tốc độ giành giải thưởng của họ. Cô gái cố lắm mới không ngáp dài khi ngắm nhìn những tác phẩm ấy. Vài người xung quanh cô không che giấu thái độ, có người còn tranh thủ chợp mắt chờ công chiếu tác phẩm đặc biệt.
Cô gái vuốt lại nếp váy lần nữa, sợ mái tóc rối quá, cô len lén lấy gương soi. Hít thở sâu, cô hồi hộp nhìn lên màn hình. Xung quanh cô, những hàng ghế chất đầy người đã thức dậy tiếng xôn xao. Ai cũng chờ đợi lúc này đây, giải đặc biệt của cuộc thi sáng tạo nghệ thuật tự do về đề tài công nhân. Một nhân tố mới. Đầy lạ lùng. Một đạo diễn tay ngang dùng chín trăm tấm ảnh chạy liên tục thành một bộ phim ngắn dài ba mươi phút. Chỉ có vậy. Không thoại, không thuyết minh, không nhạc. Không gì khác. Vậy mà giật giải đặc biệt mới tài. Quá hấp dẫn.
Công chúng yêu nghệ thuật không thể chờ lâu hơn, đôi ba người phải lôi thuốc trợ tim ra uống. Đâu phải hiển nhiên mà khán đài đông nghẹt người. Họ toàn là những người say mê nghệ thuật. Họ không thể sống mà không có nghệ thuật. Họ thích thưởng thức, chiêm nghiệm, đánh giá, bình phẩm. Đa số khán giả đều đã quen mặt nhau, do cùng xuất hiện trong rất nhiều đêm trao giải kiểu như vầy. Như cô gái mặc váy xanh ngồi ở hàng thứ ba đây, một lần nữa, cô vuốt lại nếp váy. Cô lo lúc đứng lên vỗ tay mà luộm thuộm người ta lại nghĩ cô coi thường nghệ thuật.
Thời gian đếm ngược, máy chiếu phóng lên màn hình những con số giật lùi. Những con chiên nghệ thuật im phăng phắc, mắt mở lớn như bầy chim đêm rình mồi. Tiếng thở cũng được điều tiết nhẹ nhất có thể. Cô gái, trong lúc quá phấn khích, nghĩ xa xôi lát nữa phải vỗ tay bao nhiêu cái cho nghệ sĩ biết mình rất yêu thích tác phẩm.
Những tấm hình bắt đầu chạy. Phần đầu tiên của bộ phim dài mười phút. Mỗi tấm hình xuất hiện trong hai giây, tức là có ba trăm tấm. Có tiếng ồ lên phấn khích. Bên này, bên kia, bên nọ. Thình lình xuất hiện đâu đó, nhảy liên tục qua những dãy ghế. Cô gái không hiểu gì cả. Cái gì khiến họ vui đến vậy. Cô cắn môi, cảm thấy mùi tanh len qua kẽ răng. Cô nén không giậm chân. Cô muốn hiểu, muốn có cảm giác như họ. Cô không tập trung coi tiếp được. Cô xấu hổ khi bản thân không hiểu gì cả. Cô muốn bỏ về.
Bằng nỗ lực cả cuộc đời dồn lại cùng với tuổi thanh xuân đang đầy căng, cô giữ được mình ngồi lại. Cô phải coi tiếp. Nhất định không để ai biết mình không hiểu gì. Biết đâu, chỉ là cô hơi chậm một chút, coi thêm lát nữa sẽ hiểu ý nghĩa hay dụng ý nghệ thuật của người nghệ sĩ khéo léo cài ẩn.
Rồi cô gái cũng đã biết vì sao. Cô gái giật thót, thấy như mình xuất hiện trong tấm hình thứ hai trăm bảy mươi. Đó là một phần của cô. Ôi, giống quá. Cô nghẹn ngào, hãnh diện xoay trái xoay phải. Cô vênh mặt, mở vai, vươn cổ lên, ngầm tự hào khoe sự liên quan của bức hình và mình. Biết đâu một lúc nào đó cô và người nghệ sĩ đã ngang qua nhau, nhanh thôi nhưng đủ để người ấy chọn cô làm cảm hứng. Cho một bức hình xuất hiện hai giây.
Không ai quan tâm đến cô. Họ cũng bận tự hào. Người chưa tự hào đang chờ được tự hào. Họ đang cố tìm điểm giống nhau trên mỗi hai giây và mình.
Phần thứ hai tiếp tục chạy. Vẫn là độ dài mười phút với ba trăm tấm hình, mỗi bức hai giây.
Điều hòa ầm ầm chạy, vì không gian quá yên tĩnh nên tiếng máy móc trở nên rền rĩ. Cả khán đài im bặt. Họ ngỡ ngàng trước những bức hình lần lượt lướt qua mắt. Xâu chuỗi với ba trăm bức hình trước đó, gương mặt họ đỏ dần lên. Họ biện minh có gì đó chưa đúng. Thông điệp có vẻ nhân văn đó, nhưng dấy lên cảm giác khó chịu. Rõ ràng có gì đó chưa ổn. Hình như còn lạc đề.
Những tiếng thở bị bung ra, dồn dập. Người ta băn khoăn, có cả tức giận. Có cả tiếng chặc lưỡi. Cô gái cầm cái túi dài mới mua lên che ngang mặt, he hé một con mắt như cách người ta sợ ma mà vẫn muốn coi phim kinh dị. Nhận ra giá trị chiếc túi mình có, cô thoáng sửng sốt, nhè nhẹ giấu nó vào sau lưng. Vuốt lại nếp váy, cô coi tiếp phần còn lại.
Ba trăm tấm hình của phần kết làm mọi người rơi nước mắt.
Khi bộ phim đã ngưng, ai đó vỗ tay. Hiệu ứng lây lan, mọi người vô thức vỗ tay. Họ chẳng biết phải nói gì. Họ quên việc đứng lên cho đúng phép lịch sự. Họ quên những biểu hiện tán thưởng mà họ đã chuẩn bị sẵn (có người còn kỳ công sáng tạo sao cho không giống lần họ đi dự triển lãm gần nhất) dành cho nghệ sĩ.
Rồi nhận ra thứ mình dùng để vỗ, họ ngưng lại, ngắm nhìn.
Có lẽ tác phẩm đã ngấm vào họ, đang hiện diện cùng họ.
Có lẽ họ đã hiểu vì sao nó đoạt giải đặc biệt.
*
Những vị giám khảo mất mấy lít mồ hôi trước khi quyết định trao giải đặc biệt. Trưởng ban giám khảo, ông Th., đã tự mình phân ra làm đôi để đề xuất ra cái tốt và cả cái chưa tốt của tác phẩm. Ông dành thời gian cho bộ phim rời rạc chỉ có một lượng hình chụp khổng lồ chạy liên tục bằng thái độ vừa ngưỡng mộ vừa hoài nghi, có chút thích thú và cả phân vân.
Nghệ thuật không còn như ngày xưa. Người nghệ sĩ chẳng thể nào mãi sáng tạo trong thầm lặng, giao hết trọng trách cho đứa con tinh thần. Không phải đứa con nào cũng có khả năng nói tốt, cũng đâu phải người thưởng thức nào giỏi lắng nghe ngôn ngữ nghệ thuật. Người nghệ sĩ của thời đại mà A.I sắp ngang hàng với họ phải biết bảo vệ tác phẩm của mình. Phải biết lên tiếng, thuyết trình, diễn giải… đủ mọi thứ. Cuộc thi này, cũng như những cuộc thi mang tầm vóc thời đại khác, đều có thêm phần vấn đáp.
Tác giả của bộ phim ngắn chứa chín trăm bức hình không biết tiếng nước này. Ông buộc phải dùng phiên dịch. Trước câu hỏi đơn giản nhưng đầy hóc búa của ban giám khảo, rằng ông tham gia cuộc thi để làm gì, tác giả loay hoay mất mấy phút mới biết camera đã bật. Ông vẫy tay chào mọi người, vội vội xỉa miếng rau dính nơi kẽ răng, không để ý những vị giám khảo đáng kính đã cau mày khó chịu. Họ nhìn nhau qua cái màn hình chữ nhật, như một cái cửa sổ không cánh - để kết nối hai châu lục với nhau. Dù chưa hiểu tác giả nói gì, ông Th. cũng thấy tác giả có vẻ thật thà. Hơi giản dị quá mức.
Ông Th. đã chán nản nhìn thông dịch viên loay hoay nãy giờ, mãi vẫn chưa tìm được câu từ. Ông có thể thông cảm, có lẽ tác giả chẳng đủ tiền để mướn một thông dịch viên giỏi. Nhưng rồi ông cũng bối rối như thông dịch viên ấy. Những giám khảo khác cũng bối rối.
“Tôi thi để kiếm tiền. Nghe nói giải thưởng nhiều tiền lắm. Có cơ hội thì chớp lấy, đâu mất gì. Tôi cần tiền cho những người xuất hiện ở phần thứ ba. Các ông coi rồi, các ông hiểu mà phải không?” - Đoạn trả lời được dịch ra như thế, bằng cái giọng cố giữ đều đều của thông dịch viên.
Ông Th., hết sức chuyên nghiệp, nhanh chóng xin phép tắt camera, và cả micro một lát. Ông biết cả hội đồng giám khảo cần thể hiện sự nghiêm túc, chứ không phải sự hoang mang họ sắp để lộ ra. Mọi người thở phào như muốn ngầm cảm ơn ông.
Tất cả nhanh chóng bàn bạc. Tất cả đùn đẩy cho ông Th. quyết định. Ông liếm đôi môi khô rang, tra Google vài thứ giá cả.
Họ quyết định trao giải.
*
Chúng nó chẳng hiểu sự xuất hiện của ông lão đó. Ông ấy, với cái chân cà nhắc, vác theo cái máy ảnh nặng nề, cứ muốn chụp tụi nó. Chúng nó chưa bao giờ thấy một thợ chụp ảnh nào như vậy. Dù không muốn phán xét, nhưng chỉ khi cái nhìn lướt phớt qua, chúng đã biết toàn bộ gia tài ông có là cái máy ảnh. Ông xác xơ và bình thường quá mức chấp nhận. Không phải cái kiểu phong trần lãng tử gì đâu. Nói một cách động viên thì ông giản dị quá. Nói thẳng thừng thì ông nghèo.
Giờ thì chúng nó nghi ngờ khả năng chụp ảnh của ông. Ông không chỉ theo dõi chúng nó, ông còn chụp cây cối hoa lá linh tinh. Ông như đứa trẻ con mới biết chụp hình, thấy gì hay hay cũng muốn lưu lại cho bằng được. Vậy mà tụi nó tưởng ông chỉ mê tụi nó.
Kể cả khi chụp chúng nó, ông cũng giữ thái độ của trẻ con. Cái kiểu cả thèm chóng chán, có mới nới cũ. Hết chụp đứa này, ông lại nhào tới chụp đứa kia. Ông không thèm chờ đứa nào tạo dáng, cứ chụp lấy chụp để. Làm như ông muốn chụp lúc tụi nó xấu xí nhất.
Thì cũng tùy đứa. Có đứa sinh ra đã đẹp sẵn. Có đứa sinh ra không kháu khỉnh lắm, nhưng chủ có tiền săn sóc cũng bảnh bao dần. Có đứa vốn đã dở hơi, gặp chủ nghèo càng thảm hại. Có đứa gặp tai nạn, nhìn chẳng ra người ngợm gì. Vậy mà đứa nào ông cũng chụp. Đứa nào ông cũng bấm máy tanh tách.
Nhìn ông chỉ có da với xương, chắc toàn bộ tiền dành để rửa hình hết rồi. Có khi ông chụp cả triệu tấm cũng nên. Để làm gì không biết.
Tụi nó đành chịu, mặc kệ ông lão làm theo ý thích. Ông cũng không khiến chúng nó phiền. Ông đến rồi đi, nhanh lắm. Thoắt cái đã biến mất, sau khi đã chụp được dáng ưng ý. Chúng nó không kịp biết mình trong ảnh như thế nào nữa. Chúng cũng không quan tâm. Trông chờ gì ở một ông lão kỳ quặc. Chắc là hình xấu thôi. Ước gì, chúng được một nghệ sĩ nào đó chụp.
- Thôi, đừng chụp. - Chủ của một đứa xua xua. - Tay tôi đen nhẻm, có gì đâu mà chụp. Ra chụp con gái tôi kìa.
Chủ của đứa ấy là công nhân về hưu non. Tai nạn lao động cứa mất một phần, nó chỉ còn ba ngón.
- Không sao. Tôi chụp luôn tay con ông. - Ông lão cười hiền, giơ máy ngắm nghía, bấm mấy cái - Tôi cần chụp nhiều tay, nhiều tay lắm.
Con gái của ông công nhân về hưu chạy vào khoe lượm được đôi giày còn tốt lắm. Bàn tay con nhỏ bới rác cả ngày, bốc mùi và lấm lem đủ thứ nước dơ. Ông lão cũng giơ máy lên chụp. Con bé ngại ngùng giấu tay đi. Nó mắc cỡ. Nó cười khoe mấy cây răng sâu, ý kêu ông chụp mặt nó. Ông lão cũng chiều theo.
Ông lão về chỗ trọ tạm, việc đầu tiên làm là đem máy ảnh ra coi lại hình chụp hôm nay. Ông say mê coi quên cả ăn cơm. Ông đang hình dung về thứ mình định làm. Một thứ sẽ ngốn hết thời gian ông có. Nhưng ông đâu mong gì hơn sự say đắm này. Ông cũng không còn gì hơn. Ông chỉ còn mơ ước thôi. Nó làm ông thấy mình trẻ lại.
Ông lão thử sắp xếp những tấm ảnh trong đầu, để coi tấm nào sẽ vào phần nào. Ông phải chọn cẩn thận những bức cần thiết, ông không đủ tiền để rửa toàn bộ ảnh. Chắc phần đời còn lại của ông là công việc này đây.
Để cho chắc ăn, ông lão lấy giấy viết ra ghi lại kế hoạch. Ông cẩn thận vẽ những mũi tên cong vẹo để dẫn hướng những việc cần làm. Tờ giấy không đủ lớn, ông dán thêm một tờ khác. Một tờ khác nữa. Chỉ khi nào mọi thứ rõ ràng nằm trên tất cả mặt giấy rồi, ông mới dùng một tờ giấy khác cẩn thận chép lại. Bỏ đi những phần thừa. Ngày mai ông cũng làm vậy, làm vậy mỗi ngày. Ghi chú thêm, gạch bỏ bớt. Ông cần bảo đảm mọi thứ phù hợp với sức lực. Đi quá nhiều nơi, cái chân già cả của ông đang phản đối bằng những cơn đau nhức.
Ông lão nằm trên sàn gạch, chợp mắt một chút. Cơn đói làm ông ngủ quên, cũng chính nó gọi ông thức. Trong căn phòng trọ tạm bợ trống trải, ngoài chiếc máy ảnh ra, chỉ có ông là thứ đang sống. Ông nghe tim mình đập nơi lồng ngực, cựa quậy, ấm và mềm như một con chuột nhỏ. Bền bỉ nhỉ, nó đã chạy biết bao nhiêu năm rồi. Nó luôn ở cùng ông, kể cả khi nguy hiểm nhất.
Nắng chiều cố bò qua khe cửa sổ. Cái cửa cong vẹo, không khép chặt nổi, dễ dàng chịu thua. Nắng nhảy xuống mặt ông những đốm sáng choi chói. Không quá nóng, ông lão để mặc.
Trong không khí lúc mặt trời sắp đi ngủ và bóng đêm dần thức dậy, những âm thanh cuộc sống rộn ràng hơn. Có tiếng dao thớt, mùi bếp lửa thơm thơm lan tỏa. Tiếng con nít râm ran. Tiếng những người tan làm đã về. Ông lão nhắm mắt, tưởng tượng những bàn tay của họ. Cùng một lúc, ông vừa thấy háo hức, vừa thấy vui sướng, vừa thấy trống rỗng.
Liệu ông có làm được không nhỉ? Ông không biết gì về nhiếp ảnh ngoài mấy mẹo võ vẽ người bạn chụp dạo chỉ cho. Ông càng không biết gì về phim. Ông mù nghệ thuật. Nhưng ông muốn làm ra một thứ gì đó. Một tác phẩm. Một loạt ảnh. Một bộ phim.
Đúng, một bộ phim. Sẽ chỉ là những bức ảnh chạy liên hoàn thôi, thật nhiều ảnh. Sẽ là những bức ảnh ông nhặt từ những năm tháng rong ruổi. Những khoảnh khắc thôi, nhưng tự bản thân nó biết kể chuyện. Ông hiểu ông không phải là người có tố chất nghệ sĩ, nhưng ông muốn tạo ra một tác phẩm. Liệu có làm được không.
Ông lão tạm xua cơn đói đi như đang xua con chó quấn chủ. Ông vươn người, với tay lấy ba lô. Ông đem ra ba xấp ảnh được phân loại. Lần lượt, ông trải từng xấp ảnh ra.
Xấp đầu tiên là những bàn tay không khác gì nhau lắm. Chúng là những bàn tay thô ráp, đen sạm. Nhưng ông phân biệt được chúng. Những bàn tay công nhân, mỗi loại ngành có đặc điểm khác nhau. Ông lần tìm những bàn tay đặc biệt hơn. Những bàn tay cụt ngón, hoặc tàn phế hẳn, không thể tiếp tục công việc được nữa. Lần nào coi lại chúng, tim ông lão cũng nhói lên.
Xấp ảnh thứ hai, chụp những bàn tay xinh đẹp. Những bàn tay nữ trắng ngần, ông có thể tưởng tượng ra mùi nước hoa và kem dưỡng. Những bàn tay nam rắn rỏi, được cắt móng và tỉa khóe gọn gàng. Những bàn tay ấy đang mua sắm. Và cũng những bàn tay ấy, vứt đi biết bao thứ.
Những thứ mà, có thể một cách tình cờ nào đó, được những bàn tay ở xấp ảnh thứ ba dùng lại. Những bàn tay trẻ con, người lớn, già nua, bủng beo… đủ loại, nhưng đều toát ra thứ mà ông lão toát ra. Cái sự nghèo.
Ông lão thở dài. Ông nối ba bức ảnh của ba xấp với nhau. Bức đầu tiên chụp bàn tay người may giày. Bức thứ hai chụp bàn tay người mua giày. Bức cuối cùng chụp bàn tay đứa trẻ bới giày ra từ bãi rác. Ông lão muốn câu chuyện ấn tượng hơn. Ông thay thứ tự, sẽ lần lượt là bàn tay người mua, tay đứa trẻ và tay những người công nhân…
Ông lão chưa già đủ để quên quá nhiều. Ông vẫn nhớ, như một cực hình, về những ngày đi trét vữa trộn hồ cho rất nhiều ngôi nhà nhưng không xây nổi một ngôi nhà cho mình. Ông nhớ, khi con gái bị điểm không môn vẽ, nó đã khóc rất nhiều. Ông hỏi tại sao con không vẽ gì đó. Ông đã tức giận. Vẽ gì cũng được mà. Vẽ gì cô giáo cũng sẽ cho điểm thôi.
Ông lão ôm đầu như ôm gương mặt mếu máo của con gái hiện lên. Nó nói, giữa tiếng nấc, cô muốn nó vẽ căn nhà của nó. Nhưng nó không biết vẽ phòng trọ. Nên nó vẽ một lâu đài, bắt chước lâu đài nó thấy trên cặp bạn ngồi phía trước. Bạn bè cười chọc quê nó, bày đặt mơ làm công chúa. Nó đã xé bỏ bài vẽ và nộp giấy trắng.
Giờ, con gái ông lão có lẽ đang ở trong một tòa lâu đài thật sự, trên những tầng mây. Ông tạm thời ở lại trần gian này, nấn níu động viên mình bằng ước mong nho nhỏ. Ông sẽ làm được thôi, sẽ được thôi.
Một bộ phim, trước hết là cho chính ông.
*
Đèn xung quanh chói và sáng, tất cả được hướng về những tác phẩm trưng bày. Ông lão vốn đã khác biệt với những người ở đây, ánh đèn càng khiến ông thấy mình vô hình. Cũng chẳng sao, sự vô hình đó lại giúp ông đỡ ngột ngạt.
Thơ thẩn trong bảo tàng nghệ thuật, đi giữa những tiếng ngoại quốc mà nửa tiếng ông cũng không hiểu, ông tự cười bản thân. Sao mà liều. Ông quyết định đi chỉ trong năm phút. Chuyến du lịch này đây, thứ đột ngột xuất hiện giữa cuộc đời ông, như một chỗ bồi khiến dòng sông đổi dòng bất thình lình. Vẫn phải chảy tiếp theo. Vẫn phải sống tiếp.
Ông lão chấp nhận mọi thứ hay mọi thứ chấp nhận ông, cũng chẳng biết nữa. Tất cả những gì xảy ra, ông cho là đều có lý do. Như chuyến du lịch này. Rõ ràng rất may mắn ông mới giành được. Nhờ khoản tiền bồi thường công ty gửi cho ông sau tai nạn lao động.
Dĩ nhiên số tiền ấy làm sao đủ để làm một chuyến du lịch nước ngoài. Mà nó lại dư mới lạ lùng. Bởi lẽ, ông chỉ dùng một phần nhỏ từ đó, mua một tấm vé bốc thăm. Thế là trúng. Như cái cách máy trộn hồ trục trặc đè lên chân ông. Hoàn toàn ngẫu nhiên, có lẽ vậy. Thì ông đón nhận. Thì ông đi thôi. Cả việc đến bảo tàng cũng là ngẫu nhiên. Hôm nay mở cửa miễn phí. Người nghèo thích sự miễn phí, ông lão là người nghèo, và cũng nhờ nghèo, ông hiểu rõ chữ “free”. Ông theo dòng người đông đúc đến đây, thấy một chữ “free” lớn trên bảng. Ông biết nó còn có nghĩa là tự do, nên ban đầu ông nghĩ chắc họ bán tự do. Mà vậy thì kỳ cục lắm. Tự do rất quý, không ai đem bán hết. Cũng không dư để bán. Nên ông nhớ cái nghĩa quý giá chẳng kém, miễn phí.
Ông không hiểu những tác phẩm trừu tượng, ông thích mấy bức tranh tả thực hơn. Đi dọc Bảo tàng triển lãm nghệ thuật, ông chú ý nhất những bức tượng điêu khắc kim loại. Ôi, ông may mắn, vô cùng may. Có một vài bạn trẻ, người Việt, đang thuyết minh cho nhau nghe. Ông nghe lén. À à, ra là bộ sưu tập tượng dự thi từ một cuộc thi lớn.
Ông đảo qua lại vài vòng, vừa nghe vừa coi. Ông thấy mình thật giàu có. Ông nấn ná chỗ bức tượng đồng lớn tạc hai bàn tay xương xẩu. Lạ quá, biết là đôi bàn tay ấy ốm và nổi đầy gân, hẳn là bàn tay lao động, nhưng sao nó lại đẹp lạ lùng. Ông nhìn lại bàn tay mình. Cũng ốm và đầy gân, nhưng sao thô kệch, xấu xí. Nếu tạc bàn tay ông đặt lên đó, thay cho bàn tay kia, hẳn không ai coi đâu.
Chặc lưỡi, tần ngần, ông mở ngón rồi lại thu ngón. Mấy lần như vậy, cuối cùng, ông can đảm túm áo cậu trẻ Việt. Ông nhờ cậu đọc những dòng trên tượng. Cậu trẻ, hơi biến sắc, nhưng nhanh chóng cười, vui vẻ giúp ông. Đại loại đó là tác phẩm tạc bàn tay người công nhân.
Chà chà. Ông lão so sánh bàn tay ấy với mình. Sao mà lớn quá. Tay ông nhỏ xíu. Có lẽ tay người ngoại quốc thì vậy. Nhắc mới nhớ, ông không thấy tác phẩm nào của người châu Á. Không ai tạc tượng công nhân châu Á ư. Không ai cả sao. Không ai làm một tác phẩm nào về một người công nhân ở một xứ xa xôi như ông sao.
Cậu trẻ ngâm nga mấy câu rap. Điều đó làm ông nghẹn. Ông mắc cỡ, tự quay đi tìm một chỗ ngồi. Ông đưa đôi bàn tay nhỏ xíu và xấu xí của mình lên, ông úp mặt vào đó. Ông tự trách mình vì bùng lên cơn giận. Ông không phải giận cậu trẻ. Ông cũng không giận rap. Ông chỉ giận những câu rap ông nghe được trên chương trình tivi, trong một buổi tối quá cô đơn ông phải mở đại một kênh nào đó. Hình như cũng là một cuộc thi nghệ thuật. Bài rap ấy là một tác phẩm.
Giữa những tiếng vỗ tay và lời ngợi khen bùng ra từ cái hộp đen chữ nhật ấy, ông lão buông rớt chén cơm. Ông bưng mặt khóc. Ông tức, tức tới mức lồng ngực hóp lại, xương như sắp chạm vào tim.
Ôi ôi ôi. Cái câu rap ấy. Cái câu “dù có là công nhân con vẫn sống tốt” là làm sao? Công nhân thì không sống tốt ư? Công nhân là xấu ư? Sao các nghề khác được nhắc tới trong bài đầy tự hào, nào tiến sĩ, kĩ sư, bác sĩ tới raper vào bar gì đó, còn công nhân nặng một chữ dù? Ôi ôi ôi. Người ta nghĩ những người như ông không tốt ư. Tệ quá ư.
Có lẽ ông lão đã bi quan quá. Như giờ đây, ông toàn nghĩ đến những chuyện tiêu cực. Ông đang ở một xứ xa lạ, ngồi ở một chỗ xa hoa, ngắm nhìn những tác phẩm xa xỉ. Ông như không thuộc về đây. Cả khi những tác phẩm kia lấy đề tài từ nghề nghiệp của ông, chúng cũng đã loại trừ ông.
Không có tác phẩm nào về người công nhân châu Á ư. Không có tác phẩm nào về những người như ông ư. Xa xôi quá ư. Hay cả chính ở nước mình cũng không ai nghĩ sẽ sáng tạo một tác phẩm về những người như ông. Ông vô hình thật ư.
Ông lão muốn được nhìn thấy. Ông lão muốn được nhìn thấy. Ông lão muốn ông và những người như ông được mọi người nhìn thấy. Nếu không ai làm, ông sẽ làm.
Ông sẽ sáng tạo. Ông sẽ làm nghệ sĩ. Nghệ thuật là cái gì nếu nó loại trừ con người? Nghệ thuật không xuất phát từ công nhân, không do người công nhân tạo ra được sao?
Ông sẽ làm. Ông cố nghĩ về một thứ gì đó. Một tác phẩm nào đó. Một sáng tạo. Một nghệ sĩ. Và suy nghĩ của ông đứt lìa cùng cơn đau từ bao tử quặn lên. Ông đói. Ông nhớ đến cái xóm nghèo, những buổi nói chuyện bạn bè hay bị cắt ngang bởi tiếng bụng sôi. Ông nhớ những lời than thở về cuộc sống.
Ông nhớ đứa trẻ ở nhà một mình, đói quá bò ra ngoài lượm rác ăn, qua đời vì ngộ độc. Cuộc đời của nó chỉ kéo dài trong một câu như vậy. Cuộc đời của ba mẹ nó ngắn gọn hơn, công nhân có hoàn cảnh khó khăn, đính kèm trên một bài báo.
Bài rap ấy nói gì nhỉ, nghệ sĩ thì có tiền phải không. Chà. Nghệ thuật tạo ra tiền nhỉ. Tốt quá nhỉ. Hợp lý quá rồi. Là nó. Chính là nó! Cái nghệ thuật ấy, dù là gì, nếu thành công, cũng tạo ra tiền. Tiền là gạo, là thức ăn, là sự sống.
Ông lão tu tu khóc. Ông để cơn đói nhấm nháp mình lâu hơn một chút. Để ông không bao giờ quên lúc này. Ngay chính khoảnh khắc này, một con người vô hình ước mơ trở thành nghệ sĩ.
Ôi, đồng tiền!
Ôi, cái đói!
Ôi. Tôi…
P.D
(TCSH55SDB/12-2024)