Truyện ngắn dự thi 2024
Từ đường
08:53 | 16/01/2025

LỆ HẰNG

“Ạ ơ… Chàng ơi ai bảo cho chàng, lá xanh rụng xuống lá vàng trên cây. Trăng đưa gió mà gió lại đưa trăng, trăng lặng vì trời, gió lặng vì ai. Ạ ơ…”.

Từ đường
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Hàng chè tàu được cắt tỉa thẳng tắp dọc lối vào và bao quanh sân, ở các góc nhô lên một khối tỉa theo hình bóng đèn. Ngày bậc thềm vào sân, chè tàu được xén tỉa thành bức bình phong vuông vắn.

Trên sân chi chít hình vẽ bằng gạch và phấn, nét vẽ nguệch ngoạc vụng về.

Đôi tiếng cười con trẻ vọng từ nhà sau lại…

*

“Anh, anh về sớm, hay quá. Nhà mình có khách”.

Vợ tôi đón tôi ở cổng, lúc xe vừa tắt máy. Trông cô ấy có vẻ sốt sắng.

“Khách nào vậy, em?”.

Không có câu trả lời nào cả. Nhìn vợ, tôi sốt ruột theo. Vợ tôi khép cổng, giục tôi vào. Nhà có khách, ly nước rót ra mời đã vơi đi một nửa, xem chừng khách đến đã lâu. Tôi đứng sững lại ngay trên bậc cửa. Một người phụ nữ nhỏ con đứng tuổi mặc chiếc áo dài màu rêu có thêu hình hoa mai, tóc bối gọn sau gáy, tai đeo đôi bông vàng khá to và trên cổ có sợi dây chuyền mặt ngọc. Bóng dáng này, dung mạo này dường như tôi có quen…

“Cu… À không, Long! O Bé đây. Còn nhớ o không?”.

“O…”.

Người tôi như có điện xẹt ngang. Đúng là o. O Bé.

Dáng người nhỏ bé ấy, gương mặt nền nã ấy, giọng nói từ tốn ấy… Đúng là o Bé, tôi chưa quên chút nào. Bao nhiêu năm rồi, giọng nói dáng ngồi dường như không đổi nhưng o cũng như tôi, bây giờ đều đã là người có tuổi. O Bé, tôi nhớ vô cùng món gà bột lọc o nướng cho tôi trong gian bếp thơm đượm mùi củi bạch đàn. Già đầu rồi mà thấy o, tôi nghĩ tới miếng ăn ngày ấy đầu tiên. Giá như kỷ niệm cũng đẹp và thơm như thế…

*

Lần đầu tiên tôi chính thức gọi o một tiếng “o Bé” là lúc tôi chuẩn bị đi học mẫu giáo. Bữa đó, mạ nấu cơm chiều rất sớm, mới hơn bốn giờ mạ đã gọi tôi về ăn. Ăn xong thì tắm rửa, thay áo quần. Mạ thay cho tôi bộ đồ đẹp nhất. Thường, bộ ấy mạ để riêng trong tủ, lâu lâu có việc chở tôi đi đâu mạ mới cho mặc.

“Mạ, mạ sắp chở Cu đi mô rứa mạ?”.

Tôi nhìn mạ chăm chăm mà không thấy mạ nói chi cả. Tò mò, tôi hỏi thêm lần nữa, mạ ậm ờ bảo là đi có việc. Mạ chở tôi lên xóm trên, rẽ vào con đường nhiều tre ở hai bên rồi vào con ngõ có hai hàng chè tàu được tỉa vuông vắn. Trời đã bắt đầu tối nhưng tôi vẫn thấy cái ngõ đó thật sạch, cỏ lấn ra đường hình như vừa được xớt. Mạ dựng xe vào hàng chè tàu. Nép nép sau bức bình phong rậm rì, mạ sửa lại tóc tai áo quần cho tôi.

“Nhà ai đây mạ? Có bà con mình không mạ?”.

Mạ giống như không nghe tôi hỏi, quay qua dặn tôi khi vào trong đó phải nghe lời mạ lễ phép với người lớn rồi dắt tôi vào. Tôi đi qua một cái sân vuông vắn và sạch đến nỗi tôi ước chừng mình có thể lăn ra đó mà chơi. Sát bên sân có hai cái am, am có mái che, bên trong thắp hai ngọn đèn nhỏ và nhang đang cháy, ánh đèn chập chờn, tôi níu áo mạ chặt hơn. Càng gần tới hiên, tôi càng đi chậm lại. Lén nhìn vào trong, tôi thấy nhà toàn người lớn. Và toàn là người lạ. Hồi đó chưa có điện chỉ có đèn dầu. Đèn được khêu cao, ai nấy ngồi quây quanh bàn nước, có vài người ngồi thụt lại phía sau hơi xa ánh đèn. Trên bàn thờ ở gian bên cạnh cũng có ngọn đèn. Bàn thờ gì mà nhiều bát nhang dễ sợ, bát lớn bát nhỏ xếp thành hàng, có hàng cao có hàng thấp. Tôi níu lưng áo mạ cứng ngắc khi nhìn những đốm nhang đang cháy. Mạ hay dặn tôi thấy ai thắp nhang cúng kiếng là phải né xa ra, nhưng ở đây có nhiều quá.

“Tới rồi à, vào nhà đi”.

Ai đó nói vói ra, giọng đàn ông. Mạ cầm tay tôi dắt vào trong, hai mạ con đứng bên cột nhà cạnh bàn nước.

“Thưa cố, thưa ôn thưa mệ, thằng Cu đây…”.

“Cu, dạ cố đi, con.”.

Tôi nép bên người mạ, vòng tay lại “dạ cố” rồi sang “dạ ôn, dạ mệ” lí nhí trong miệng.

“Cu dạ mấy o nữa”, mạ nói.

Mạ kéo tôi tới một chút, tôi vòng tay “dạ o”, có đến ba o, có o chỉ “ừ”, có o thì xoa đầu tôi.

Rồi mạ dắt tôi đến trước một người. Đó là dì Huê. Tôi mừng quýnh vì tôi biết dì Huê, dì tới nhà tôi hoài, có khi thủ thỉ với mạ cả buổi mới về. Thỉnh thoảng, dì còn cho tôi bì chè đậu ván hoặc gói bánh bèo. Dì ngồi khuất trong góc nên lúc vào tôi đã không thấy.

“Cu, con dạ mạ lớn đi con.”.

Tôi nhìn mạ, không hiểu. Bình thường tôi vẫn gọi dì Huê là dì mà. Mạ cấu chặt tay tôi, nhắc lại lần nữa. Tôi vòng tay ngay ngắn và dạ rất to nhưng hình như dì Huê không vui, tôi không thấy dì cười như mỗi lần tôi thưa dì trước đây. Đúng lúc ấy thì có người từ nhà dưới đi lên.

“Cu, Cu xuống đây chơi với o Bé, hì.”.

O vẫy tôi lại. Tôi nhìn qua mạ, khi ấy tôi vẫn chưa chào hết người lớn trong nhà, tôi nhớ còn thiếu một người nữa nhưng mạ gật đầu nên tôi đi theo o. Đó là lần đầu tiên tôi gặp o. O Bé là o út trong nhà, mới tới tuổi cập kê thôi chứ chưa lấy chồng, các o khác đều đã có chồng và ở riêng. O Bé dắt tôi xuống bếp, lấy cho tôi cái đòn rồi hai o cháu ngồi làm bánh lọc. O làm hết, tôi chỉ bắt cục bột cho vào lòng bàn tay xoa tròn rồi đập cho nó chẹp ra. Ngồi chơi với o Bé tôi thấy thoải mái nên bắt đầu nghịch, tôi lấy bột nặn con gà rồi nặn trái cam, trái chuối… Nếu là mạ thì mạ sẽ la ngay nhưng mà o Bé chỉ cười.

“Cu thích ăn gà nướng không?”, bất ngờ, o Bé hỏi.

Tôi gật đầu lia lịa, nghĩ tới gà nướng mà chảy nước miếng. O Bé lấy một chiếc đũa xâu qua con gà bột lọc của tôi rồi đem nướng, bếp đang đượm than. “Gà ni không phải ai cũng có mô nà”, o nói. Tôi ăn ngon lành, gà bột lọc xịn, ăn nghe thơm mùi củi bạch đàn.

Tôi cứ ăn rồi giục o nướng tiếp nhưng o nói phải chừa bụng chút ăn bánh lọc có tôm thịt ngon hơn. Vậy là tôi kìm lại, lúc nãy o đã cho tôi thử miếng tôm thịt, ngon thấm đậm. Bánh chín, o vừa vớt ra thì mạ xuống gọi tôi lên nhà trên. Một người đàn ông cao lớn đứng cầm sẵn nhang như chờ tôi, thấy tôi lên liền châm nhang vào ngọn đèn trên bàn thờ. Mạ dắt tôi tới, nói rất nhỏ.

“Cu, con dạ ba rồi thắp hương đi con…”.

Tôi có ba? Tôi không hiểu gì cả nhưng không dám hỏi mà răm rắp theo lời mạ. Tôi được dắt tới trước bàn thờ, được hướng dẫn cầm nhang vái, tới đoạn cắm nhang vào bát thì tôi không làm được vì bàn thờ cao quá đầu tôi. Thắp nhang xong là vừa lúc o Bé sửa soạn mời cả nhà ăn bánh lọc nhưng mạ xin kiếu, mạ nói phải về vì tôi thường ngủ sớm. Tôi lại vòng tay dạ một lượt nữa rồi về. Ai cũng khen tôi ngoan, riêng mệ thì mệ gỡ kim băng cài nơi bọc áo, mở thêm một lượt kim băng trong cái bọc vải nữa rồi lấy ra cho tôi năm trăm đồng. Năm trăm đồng là nhiều lắm, tôi không dám nhận mà nhìn lui mạ, chờ đợi. Mạ không gật cũng không lắc nên tôi đứng vậy. Mệ dúi tờ tiền vào tay tôi. O Bé vỗ nhẹ vào lưng tôi, nói, “mệ cho Cu đó, Cu nhận cho mệ vui”. Vậy là tôi nhận. Không được ăn bánh lọc nhưng được năm trăm mệ cho khiến tôi mừng quên luôn cả cơn thèm.

Đường về, trăng đã lên cao, tôi nhìn trăng in bóng mạ và tôi với chiếc xe đạp xuống đường mà thích thú vô cùng. Mạ chẳng bao giờ chở tôi đi đâu vào ban đêm, càng không cho tôi ra đường chơi vì nhà tôi gần bến mà bến có ma nên chưa lần nào tôi được đi dưới trăng như hôm ấy. Trăng rọi trên từng mảng lá, loang loáng long lanh, sương như tấm vải voan phủ hờ trên lối. Tôi xòe chân ra, ôm lấy bụng mạ.

“Mạ, nhà ai rứa mạ? Mệ cho Cu tiền là mệ mô rứa mạ?”.

“Nhà nội Cu đó. Mệ cho Cu tiền là mệ nội. Mệ cố. Mệ nội, ôn nội, mấy o với cả ba Cu nữa. Cu nhớ hết chưa? Mai mốt gặp ai cũng phải thưa hỏi đàng hoàng, nghe!”.

“Cu không biết đã nhớ chưa nữa… nhưng o Bé thì Cu nhớ rồi.”

“Mạ, Cu có ba thiệt hả mạ?”.

Tôi hỏi lại. Tôi đã hỏi chuyện này rất nhiều lần nhưng mạ toàn im lặng khiến tôi cứ tưởng mình không có ba. Tôi hỏi lần đầu tiên là khi thằng Xờm khoe cái ná dây thun ba nó làm cho nó, tôi mượn mà nó không cho, nó bảo “về mà nói ba mi làm cho”. Tôi chạy về nói với mạ rồi phụng phịu không chịu ăn cơm. Mạ không la chỉ dỗ dành, dỗ không được thì mạ nói: “Cu đừng như rứa, mạ buồn”. Rồi tôi cũng hỏi thêm nhiều lần khác nữa. Cứ thấy thằng Xờm khoe bà con của nó là tôi lại hỏi mạ. Tôi có ngoại không? Có nội không? Có cậu không? Có dì không? Có chú có o có bác có thím không? Mạ nói, có ôn mệ ngoại nhưng ôn mệ mất cả rồi, trước khi mạ đẻ tôi lận. Cậu cũng có nhưng cậu đi Nam làm ăn lâu lắm rồi chưa về nên tôi không biết mặt cậu. Thỉnh thoảng mạ kể về ngoại và cậu nhưng chẳng bao giờ nói gì về nội hay o chú của tôi. Vậy mà đùng một cái hôm nay mạ nói đó là nhà nội của tôi, ba của tôi…

“Mạ, răng hồi trước Cu hỏi mà mạ không nói!”.

Tôi hơi dỗi mạ. Tôi có ba có nội mà mạ không nói để thằng Xờm chọc tôi là đồ không cha.

“Mạ có lỗi với Cu. Mai mốt Cu lớn Cu sẽ hiểu cho mạ…”.

Tôi nghe giọng mạ run run giống như sắp khóc nên không dỗi nữa mà ôm chặt lấy lưng mạ.

*

Tôi có ba và tôi được làm giấy khai sinh, sang năm tôi vào lớp một. Tên ba là Ngô Viết Lai, tôi là Ngô Viết Long, giống nhau hai chữ Ngô Viết. Tôi thấy oai lắm vì nhiều người bắt đầu gọi tôi là cu Lai và họ không còn chậc lưỡi hay véo má xoa đầu tôi để đoán xem tôi giống ai, con cái nhà nào. Thỉnh thoảng ba chở tôi lên nhà chơi, có nhiều buổi trưa tôi ngủ lại trên ấy. Tôi nằm với ba trên chiếc giường bên cửa sổ cạnh gian thờ, ba rất ít khi nói chuyện, mặc dù đó là ba tôi, ba ruột của tôi nhưng không giống như ba của thằng Xờm. Ba chẳng đánh mắng cũng chẳng bao giờ đùa giỡn, chẳng cõng tôi hay làm ná cho tôi. Ba lẳng lặng thế nào ấy. Ngay đến chuyện xoa đầu tôi ba cũng hiếm khi làm. Nhiều lần ngồi sau xe ba chở, tôi muốn vòng tay qua ôm ba một cái mà không dám. Nằm ngủ với ba, tôi cũng rón rén. Tôi thường nhìn ra vườn ngắm mấy hàng tiêu với dây trầu, vồng ớt… rồi cố dỗ mình vào giấc ngủ. Khi tôi ngủ dậy thì ba đã đi rồi, đi làm gì đó, chẳng biết được. Tôi chạy đi tìm o Bé, chỉ có o Bé là chơi với tôi. Cố đã già lắm nên luôn phải nằm nghỉ. Ôn thì đi việc làng việc họ. Mệ cũng bận. Mạ lớn thì chỉ thấy vào bữa ăn, mạ nấu nướng dọn dẹp xong là chẳng thấy đâu nữa. Tôi hay ngồi xem o Bé thêu khăn thêu áo cho khách. O Bé có hoa tay, mạ nói đồ o thêu nổi tiếng cả xứ này lận. Thỉnh thoảng o ra vườn chặt cho tôi cây mía, róc thật sạch cho tôi ngồi tước mía ăn rồi o thêu tiếp.

Hồi ấy, có một chú mê o, chiều nào cũng thập thò ngoài ngõ. Mỗi lần thấy chú ấy là tôi nói nhỏ với o, o cười. Có lần, chẳng biết có chuyện gì mà chú gọi tôi lại, nhờ tôi mang tờ thư vào đưa cho o, dặn là phải bí mật. O đọc xong thì khóc làm tôi hết hồn. “Cu đừng kể với ai hết nghe”, o dặn khi nhờ tôi mang chiếc khăn có gói cái gì đó ra đưa cho chú. Bí mật này giữa o và tôi đến giờ tôi vẫn giữ.

Mùa hè năm ấy tôi được ăn quá trời đồ ngon nên lớn phổng phao. Chủ yếu là đồ mạ lớn mua cho. Hầu như lần nào đi chợ về mạ cũng ghé cho tôi quà, khi chè, khi trứng lộn, khi bánh bèo bánh nậm… chỉ có điều chẳng bao giờ vào nhà tôi chơi nữa, lần nào cũng dựng xe bên đường, ngoắt tôi ra, đưa quà xong thì đạp một mạch. Tôi nghĩ, chắc hồi này mạ lớn bận lắm vì mỗi lần tôi lên nhà ba cũng chỉ thấy mạ có mặt vào bữa ăn, mạ nấu nướng dọn dẹp xong là chẳng thấy đâu nữa.

Từ dạo dì Huê không còn tới chơi cũng không may quần áo gì nữa, tôi thấy mạ hay buồn. Nhiều khi mạ ngồi rũ rượi bên bàn máy may. Mạ ngồi im như đang chơi trò làm tượng, có khi tôi hỏi gì mạ cũng không nghe, lạ lắm. Tôi nhận ra vài sự thay đổi của người lớn nhưng khi ấy tôi làm sao hiểu nổi câu chuyện giữa họ. Mà có lẽ chẳng ai hiểu được hết…

*

Tôi nhớ bữa đó là ngày hai ba tháng Chạp, mạ đưa ông Táo về trời xong thì đổ bánh bò. Mạ cho tôi ra đường chạy chơi phơi nắng, “cho đỡ mốc meo cái ông người ni”, mạ nói thế rồi tôi chạy đi. Mưa thối đất thối cát cả tháng trời mới có được ngày nắng to nên tụi chuồn chuồn không đi ngủ sớm mà bay nhộn nhạo trên hàng tre hóp. Tôi đang rình rượt con chuồn chuồn ớt đỏ chót thì bỗng thấy mạ lớn đi tới. Hôm đó mạ xõa tóc chứ không bới gọn gàng như mọi khi. Mạ đi qua tôi mà giống như mạ chẳng nhìn thấy tôi, tôi chạy theo vòng tay thưa mạ rất to. Mạ hơi giật mình, nhìn tôi với ánh mắt là lạ. Chưa thấy mạ ừ, tôi vòng tay thưa lại thêm lần nữa. Hình như mạ mới khóc thì phải. Lần này mạ cười, khen tôi ngoan, rồi móc trong túi ra cho tôi hai ngàn. Năm trăm đồng đã to, hai ngàn là còn to gấp mấy, tôi nhìn tờ tiền mà không dám đưa tay ra nhận.

“Mạ lì xì sớm cho Cu. Chiều rồi, Cu vô nhà đi đừng chơi ngoài ni nữa…”.

Tôi nghe lời mạ, nhận tờ tiền, vòng tay cảm ơn mạ. Tôi thấy lạ là hôm nay mạ lớn không đi xe đạp mà đi bộ, hình như mạ đi xuống bến. Cái bến đó có tên là bến Vông Đồng vì trên bến có cây vông đồng to tổ chảng. Nhà tôi cách bến có mấy bước chân nhưng mạ cấm tôi xuống bến. Đang mùa lạnh, rào sâu nước đầy, bến vắng hoe, không biết mạ lớn xuống đó để làm gì. Tôi vô bếp tìm mạ, mùi bánh bò đã thơm nức bếp nhưng chưa có mẻ bánh nào xong cả, than vẫn đang đượm dưới khuôn bánh. Tôi đưa tờ tiền mới được lì xì cho mạ. Tiền mừng tuổi lúc nào tôi cũng đưa mạ để mạ bỏ heo. Mạ thấy tờ hai ngàn thì bất ngờ lắm. Nghe tôi kể xong xuôi, mạ thả đôi đũa bếp đang cầm trên tay xuống, hớt hải đi ra, vừa đi vừa chạy. Tôi cũng chạy theo sau mạ. Dưới bến, mạ lớn đã lội ra một đoạn, nước dập dờn lên gần tới ngực. Mạ nhào xuống, mặt nước duềnh lên rồi tung tóe, cả hai người mạ của tôi cùng ướt lướt thướt, tôi đứng trên bờ mà thấy lạnh ngắt. Tôi nép vào sau cây vông đồng, im thin thít. Không hiểu sao khoảnh khắc ấy tôi thấy sợ vô cùng. Và tôi không dám thò mặt ra. Mặt rào lao xao tiếng nước vỗ. Và tiếng gió nữa. Tôi không nghe thấy hai mạ nói gì với nhau, chỉ biết là ai cũng khóc, mỗi người khóc một kiểu. Dùng dằng khổ sở. Khi thấy hai mạ dìu nhau vào gần tới bờ, tôi quay lưng ù té chạy, sợ bị nhìn thấy.

Mẻ bánh bò chiều ấy cháy thành than nhưng Tết vẫn có mứt và hạt dưa. Tôi được nhiều tiền lì xì nhưng vẫn thấy buồn hiu. Sáng ngày ba mươi Tết, mạ chở tôi lên nhà nội nhưng mạ không vào, mạ dừng xe xa xa ngoài đường rồi dặn tôi, nếu có ai hỏi mạ thì nói mạ con về bên ngoại. Tôi ở nhà nội suốt cả ngày, có gói bánh chưng, cúng tất niên, làm nhiều thứ lắm nhưng lúc nào tôi cũng rón rén vì chẳng thấy ai cười nói gì cả. Đến chiều tối, o Bé chở tôi về. Tôi để ý thấy o Bé có chuyện gì đó mà cứ buồn buồn lặng lặng, trông o như già hẳn đi. Mặc dù o vẫn rất quan tâm tôi nhưng có khi tôi nói mà o chẳng nghe thấy, kiểu như mạ vậy. Hôm ấy, khi o chở tôi về thì có người đạp xe theo o. Tôi nhìn lui, biết đó là chú đã nhờ tôi đưa thư. Lúc xuống xe, tôi không vào nhà liền mà đứng sau bụi hóp nhìn với theo o. Tôi thấy o và chú ấy nói chuyện với nhau. Rồi chú ấy nắm tay o, rồi bất ngờ o vùi đầu vào ngực chú. Hai người ôm nhau rất chặt. Tôi thấy người o rung lên, có lẽ là vì khóc. Bỗng, o vùng ra khỏi tay chú, nhảy lên xe đạp đi mất hút. Chuyện của o tôi chỉ biết được đến đó vì từ sau lần ấy tôi chẳng gặp o thêm lần nào nữa, cho đến hôm nay, đầu hai thứ tóc…

Sáng mồng năm Tết, mạ chuẩn bị hành lý rồi dắt tôi xuống đường quốc lộ từ khi mới tờ mờ sáng, hòa vào dòng người chờ một chuyến xe Bắc - Nam. Từ hôm mồng ba Tết, tôi đã thấy mạ khác khác rồi. Mạ làm nhiều việc mà tôi hỏi mạ cứ ậm ừ cho qua chuyện, chẳng hạn như việc mạ gói ghém đồ đạc, xếp áo quần cho vào túi xách mặc dù tủ còn rộng… Rồi mạ viết thư, tôi biết mạ viết thư vì có cái bì thư để sẵn bên, tôi hỏi mạ thư cho ai thì mạ không nói. Mạ ngồi cả buổi trời để viết, tôi nằm trong mùng chờ mãi mà mạ cứ nói: “Cu ngủ đi đừng chờ mạ”. Lúc đứng bên đường quốc lộ chờ xe, mạ cứ nói tới nói lui: “Cu thông cảm cho mạ... sau này Cu lớn Cu sẽ hiểu mạ.” Đúng là lúc ấy tôi không hiểu thật nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn và hoang mang lắm.

Xe tới, mạ tay xách nách mang dắt tôi lên tìm chỗ ngồi. Chuyến xe đầu năm, những người những đồ những quà quê đầy kin kít. Xe chuyển bánh, tôi nhìn ra thấy mái ngói, rặng tre khuất dần trong tầm mắt mà vùi đầu vào ngực mạ khóc òa lên. Khi ấy, tôi bảy tuổi, tôi có thể chưa hiểu gì về tâm sự của mạ cũng không biết rằng đó là chuyến đi xa nhất, dài nhất cuộc đời mình nhưng có những linh cảm vẫn dấy lên dù bản thân không hiểu hay không thể nói ra…

*

Gần một tiếng rưỡi bồng bềnh trong suy nghĩ, mắt chưa kịp chợp đã đáp xuống sân bay Phú Bài. Trời Huế đang mưa, mưa bùi bụi mỏng như sương. Hành khách được thông báo về nhiệt độ bên ngoài, 20 độ C, “chu cha, lạnh Huế!”, nhiều người lôi áo khoác và khăn len ra. Tôi cũng cài lại khuy áo lên tận cổ. Một tiếng rưỡi cho một nghìn cây số, khoảng cách địa lý có hẳn là một vấn đề? Vậy mà tôi lần lữa đã ba năm kể từ ngày gặp lại o Bé. “Nhà mình có còn ai nữa mô… O không biết còn ráng được mấy năm. Từ đường vắng người hương hỏa, buồn lắm, o trông lắm…”. Bữa gặp ở nhà tôi và lần nào gọi điện o cũng thủ thỉ ngậm ngùi chừng đó chuyện. Tôi ậm ừ và hẹn lúc nào sắp xếp được sẽ về thăm. Nhưng lúc nào là lúc nào thì tôi không biết, thật lòng cũng chưa nghĩ tới. Tôi không nói với o là tôi “sẽ về”, về hẳn để nhận cái phần “hương hỏa” ấy. Phần đời tôi gắn liền với Huế chỉ gói gọn vỏn vẹn bảy năm. Ai khiến mạ con tôi ly hương? Trong từng ấy năm giữa cuộc đời, tôi không phải là chưa từng sinh lòng oán giận nhà nội. O Bé nói cả nhà ai cũng mong tin của hai mạ con tôi và o đã năm lần bảy lượt vào Sài Gòn để tìm, gặp ai trong đó ra cũng dò la tin tức. Nhưng có nói thế nào đi nữa thì cũng không ai bù đắp nổi cho tôi nỗi đau ngày tôi mất mạ, không ai đền nổi cho tôi tháng ngày tôi côi cút hay giúp tôi trả được ân nghĩa của ông bà chủ, họ đã nhận nuôi tôi và cho tôi cuộc sống như ngày hôm nay. Nếu không có họ, đời tôi sẽ ra sao? Có ai trả lời được không? Ba tôi hay o Bé hay bất kỳ ai?

Năm ấy, mạ con tôi vào Sài Gòn tìm cậu thì cậu đã sang Campuchia. Không thư từ, không điện thoại, không một cách gì để mà liên lạc. Sài Gòn đông đúc, hai mạ con chới với. Mạ một tay dắt tôi, một tay đùm đề đồ đạc lang thang tìm chỗ ở. Tôi chẳng được học hành cũng chẳng có bạn bè gì cả, đêm nằm toàn ôm mạ mà khóc, tôi nhớ ngôi nhà bên bến Vông Đồng, tôi muốn về lại nhưng lòng mạ đã quyết, tôi và mạ đã đi quá xa nơi ấy. Trải qua mấy bận thuê rồi chuyển, cuối cùng chúng tôi tìm được một nơi cho mình. Nhà chủ tốt bụng, vì thương mạ tha phương cầu thực lại một mình nuôi con nên cho mạ thuê với giá rẻ căn phòng bên chái nhà họ. Ông bà chủ kinh doanh hàng may mặc, xưởng may ở gần đó, cái phòng ấy bình thường là nhà kho sau thì sửa lại cho hai mạ con tôi ở. Mạ có việc làm còn tôi được nhà chủ cho nhập hộ khẩu để xin vào trường gần đó. Cơ cực ban đầu dần vơi đi, hai mạ con bắt đầu có những niềm vui nho nhỏ, đó là những con điểm tám điểm mười của tôi, những khoản tiền mạ tiết kiệm được hay những buổi tối tôi tập đọc sách còn mạ ngồi nghe… Tôi không còn ôm mạ khóc mỗi khi đi ngủ nữa. Tôi đã nghĩ rằng từ đây chúng tôi sẽ yên ổn cho đến một ngày…

Ngày tôi mất mạ. Tôi đi học về thì ông chủ gọi tôi lại, dắt vào nhà, cho tôi cái bánh bao. Đang đói, tôi ngoạm hết veo. Ăn xong ông chủ bảo tôi lên xe ông chở tới bệnh viện. Mạ bị tai nạn trên đường đi chợ, hình như bị xâm xoàng vì làm việc nhiều mà nhịn ăn sáng. Từ ngày rời quê, tôi có bao giờ thấy mạ ăn sáng đâu. Tôi chờ mãi, cuối cùng cửa phòng mổ cũng mở.

“Mạ! Mạ không được bỏ Cu. Mạ không được chết. Mạ chết là Cu cũng chết với mạ”.

Tôi gào lên. Họ giữ tôi lại. Những gì tôi còn nhớ được là mấy tiếng thều thào.

“Cu… ngoan. Đừng rứa… mạ buồn”.

“Mạ xin… lỗi…”.

“Cu phải nhớ… mình mang họ Ngô. Ngô Viết… Nhớ mà về…”.

Ngô Viết hay Ngô Văn, Ngô Võ thì có nghĩa gì lúc này chứ? Phút lâm chung rồi mà mạ nói mấy chuyện này làm chi nữa. Mạ chết rồi thì đời tôi cần chi mấy cái đó nữa. Tôi cần mạ thôi…

Mất mạ là tôi mất cả bầu trời. Cậu vẫn bặt tin bên Campuchia. Ông bà chủ lo tang sự cho mạ. Năm ấy tôi chỉ là thằng Cu học lớp ba. Hậu sự xong, ông bà chủ có hỏi tôi ngọn ngành gốc gác và lục tìm trong mớ giấy tờ mạ mang theo để lần cho ra địa chỉ nhà nội đặng gửi thư về báo tin. Thư đi và ai cũng nghĩ rằng sẽ có thư lại, rồi sẽ có người vào đón tôi về quê nhưng chờ hoài chờ mãi vẫn cứ bặt tin. Tôi kể lại mọi chuyện ở quê mà tôi nhớ, mạ chưa bao giờ phàn nàn điều chi cũng không hé răng cho tôi biết lý do thực sự mạ phải bỏ quê đi nên tôi biết sao, thấy sao thì kể lại y vậy. Ông bà chủ không biết rốt cuộc bên nội có muốn nhận lại tôi không nhưng thấy tôi tội nghiệp nên chẳng đuổi đi mà cho ăn ở, cho học hành, nuôi luôn tới lớn. Tôi lấy vợ, một người gốc gác trong này. Nói thật, nếu không vì o Bé lặn lội tìm tôi thì tôi đã thề với lòng mình sẽ đoạn tuyệt với nhà nội, gốc gác hay tổ tiên tôi cần gì chứ. Tôi không kể với ai về phần đời liên quan đến Huế, kể cả với vợ con mình. Tôi cũng bỏ hẳn giọng quê. Máu mủ ruột rà hay người dưng nước lã? Cuộc đời này tôi chịu ơn ai thì coi như máu mủ với người đó. Tôi nhớ có lần, trong cuộc chuyện trò tám vui, có người bảo rằng hình như đất Huế là đất của ma ở, nghĩ tới Huế là nghĩ tới ma không à. Lúc ấy, hình ảnh của ba tôi, mạ lớn, các o, ôn mệ… loáng thoáng chạy qua đầu tôi và tôi thấy họ chập chờn như ma thật. Tôi cười hùa theo…

Trời Huế hôm nay lạnh. Cái lạnh làm tôi nhớ đến mùa Tết cuối cùng của tôi với mạ trong gian bếp bên bến Vông Đồng năm ấy. Kỷ niệm thì vẫn còn đây chẳng sứt mẻ chút nào nhưng tôi về không phải vì chúng, cũng không phải vì mấy lời gan ruột của o Bé. Nếu hỏi tôi có thương o chút nào không, tôi thề là có. Nhưng, cái tình thương ấy chẳng đáng là bao so với cuộc đời đằng đẵng của tôi. Và chẳng đáng là bao trước những dự tính to tát của tôi và vợ.

“Là anh thôi, chứ nếu là người ta, người ta sẽ nghĩ khác. Họ sẽ về…”.

Một bữa, vợ tôi nói với tôi như thế. Người ta sẽ về. Đất hương hỏa từ đường hay đất gì đi nữa thì cũng là bất động sản, o đã nói thế thì kiểu gì cũng sang tên cho tôi. Tên tôi đường đường trên sổ đỏ thì đương nhiên đó là đất của tôi, tôi làm gì là quyền tôi. Vợ tôi kể có vài người bạn của cô ấy đã bán đất cha mẹ để lại ở quê để đầu tư làm ăn trong này. Mấy năm rồi công chuyện làm ăn của hai vợ chồng không thuận nên ngôi nhà đang ở sổ cũng đã cắm ở ngân hàng, lúc này mà không về thì còn lúc nào nữa! Chỉ mấy bữa nữa thôi thì Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương, quê không còn là quê của mấy chục năm trước, đất đai bây giờ đụng vào đâu cũng là bạc tỷ. Như vậy có tàn nhẫn với o không? Tôi tự vấn, rồi tự nhủ, gọi tôi về là nguyện vọng của o, tôi là người thừa kế, việc tôi đứng tên hoàn toàn hợp pháp. Đời o đã gần qua đi, tôi không về, không nhận thì để cho ai. Và tôi nhủ lòng sẽ cố gắng chu cấp hoặc là thu xếp cách nào đó cho đoạn đường còn lại của o.

*

Ra khỏi sân bay, tôi vẫy một chiếc grab bike để tiện bề nhìn ngó, xem cảnh quang thay đổi đến đâu rồi. Hai bên đường nhà lầu san sát, đường sá khang trang, cổng chào, biển hiệu dập dờn… Tôi thấy đầy hy vọng và phục tầm nhìn của vợ tôi lắm. Lối rẽ vào nhà cũng đã đổ bê tông nhưng hàng rào chè tàu và bức bình phong xanh thẫm thì như vẫn vẹn nguyên. Đứng trước cảnh này, lòng tôi cồn cào nhớ mạ. Bước ngoặt lớn nhất cuộc đời tôi và mạ có lẽ là ngày mạ dắt tôi đi trên lối này, qua cái sân vuông này để chính thức đứng tên trong gia phả. Ngày ấy tôi phải vòng tay thưa cố, thưa mệ, thưa ôn, thưa o… thưa muốn mệt luôn. Giờ thì không còn ai nữa, ngoài o Bé. O vẫn thêu khăn thêu áo, vẫn ngồi bên khung cửa năm nào chỉ khác là bây giờ o đeo thêm cặp kính lão và đi từng mũi thêu chậm rì. “Rảnh ra là o làm cho đỡ buồn tay”. Đang phơi phới, tự nhiên tôi chùng xuống. Cứ nhìn o trong dáng vẻ năm nào là lòng dạ tôi lại nao nao, chẳng hiểu nổi. Tôi hơi tò mò, không biết đã có chuyện gì mà o Bé chọn sống lặng lẽ cả quãng đời dài dưới mái từ đường u ám này. Tôi không tìm được từ nào khá hơn ngoài u ám mặc dù bây giờ điện đã giăng ra tận ngõ và gian nhà dưới lẫn nhà bếp đã được xây lại theo kiểu của hồi này, còn có gác để tránh lụt nữa. O Bé nói, sau trận lụt năm 1999 nhà xuống cấp xập xệ quá nên phải xây lại. Gian thờ cũng có sửa lại.

O bật hết điện trong gian thờ lên để tôi thắp nhang, tôi nhìn quanh, đúng là đã khang trang hơn trước. Và đã đầy thêm, bát nhang của cố, của ôn, của mệ, của ba tôi, và của mạ lớn. Tôi nhìn họ trên ảnh thờ, vừa như lạ vừa như quen. Bất chợt tôi nghĩ rồi sẽ đến lượt o Bé, và thậm chí là tôi…

Đêm đầu tiên dưới mái từ đường, tôi ngủ sớm và ngủ rất ngon dù thường tôi đi đâu cũng bị lạ nhà mất ngủ. Tôi đặt lưng xuống, nhìn bóng điện vàng vàng ấm ấm bên gian thờ một lúc thì rơi vào giấc ngủ. Sáng ra, tôi nhắn về cho vợ biết tình hình. Vợ tôi dặn nhớ đi uống cà phê, làm quen những người ở đây rồi hỏi thăm về bất động sản... Tôi cũng định thế nhưng o Bé đã chuẩn bị bữa sáng, hai o cháu ăn sớm để còn đi thăm mộ.

Thăm mộ về thì o lôi trong tủ thờ ra một xấp giấy tờ. Gánh nặng cuối cùng của o, o nói thế. Chưa ngày nào o thấy yên lòng nếu không tìm được tôi, không giao lại nó được cho tôi. Toàn bộ giấy tờ đất đai đang chờ sang tên. Và không phải chỉ có bấy nhiêu. Còn một tờ giấy nữa, một lá thư.

“Từ ngày hai mạ con bỏ đi, nhà mình xảy ra rất nhiều chuyện, chừ không biết làm răng mà kể cho hết. Thiệt ra o không phải là người đi tìm mạ con Cu nhiều nhất mô…”, o gọi tôi bằng cái tên thân mật năm nào khiến tôi như trở về ngày bé.

Lá thư là của mạ lớn để lại. O tìm tôi vì tôi là thằng cháu duy nhất của gia đình, ba tôi, ôn mệ hay các o ai cũng muốn tìm mạ con tôi về nhưng người muốn nhiều nhất và bỏ công nhiều nhất là mạ lớn. Người đau khổ dằn vặt hơn cả có lẽ cũng là mạ lớn. Tôi đọc thư xong chỉ biết ngồi sững ra, lén chùi đi mấy giọt nước mắt. Mạ lớn mất cách đây có hơn mười năm, nghĩa là mạ đã chạy đôn chạy đáo tìm chúng tôi mấy chục năm liền, cho đến lúc ra đi...

“Ba, mạ Cu, mạ lớn, đời ai cũng qua cả rồi. Chuyện của ba người, chỉ ba người là biết rõ. Nhưng o nghĩ là chừ Cu cũng hiểu được phần nào những nỗi khổ ấy…”.

Tôi biết phải hiểu thế nào đây. Ba và mạ lớn lấy nhau mà không có con. Bác sĩ nói nguyên nhân là ở mạ lớn, không đậu thai được. Ôn mệ chỉ có ba là con trai nên sốt ruột, ba thì có chết cũng không bỏ mạ lớn. Không đời nào. Nhưng ba mạ đâu phải chỉ sống cho riêng mình hay chỉ sống cho nhau là đủ. Mạ lớn tin ông thầy bói nào đó, ông ta nói tuổi ba và mạ không hạp nên hẻo đường con cái, chừ nữ phải chấp nhận để nam này ra ngoài kiếm đứa con, chỉ cần có chung đụng với một người nữ khác là hóa giải được ngay, rồi mạ lớn sẽ có con, sẽ đủ nếp đủ tẻ như người ta. Mạ lớn nghe ông thầy răm rắp. Đương nhiên ban đầu ba không chịu, nhưng rồi ngày tháng qua đi và có tôi trên đời. Ai thấu cho nỗi niềm này khi mạ và dì Huê tình cảm gắn bó còn hơn chị em ruột. Ngày mạ trở dạ sinh tôi, dì Huê là người đưa mạ đi trạm xá, là người mua cho tôi tấm tã tấm áo đầu tiên, cả giặt giũ cứt đái cho tôi, máu me cho mạ. Không ai biết tôi là con nhà ai nhưng tôi càng lớn càng giống ba, giống như đúc. Tôi chuẩn bị vào lớp một, tôi cần giấy khai sinh, cũng là lúc mọi thứ phải vỡ ra. Giấy sao bọc được lửa. Chính tôi, từ gương mặt đến cái nết không chối đi đâu được, o Bé nói thế.

Mạ thừa nhận tin đồn. Tôi cũng được nhà nội thừa nhận. Từ đó tôi có đến hai mạ. Nghĩ lại, ngoài yêu thương ra tôi chưa từng thấy mạ lớn có cái nhìn nào khác về tôi. Ngay cả hôm tôi gặp mạ đi xuống bến Vông Đồng cũng thế, chắc chắn lúc đó mạ bất lực, quẫn trí, tuyệt vọng nhất nhưng khi mạ lì xì cho tôi, tôi vẫn thấy mạ nhìn tôi trìu mến. Trẻ con có thể không hiểu chuyện nhưng chắc chắn không cảm nhận sai.

“Ông thầy nào mà ác rứa, o?”.

“Bởi, khi đã muốn tin thì quỷ thần chi nói cũng tin. Đã đi Nam đi Bắc gặp đủ bác sĩ rồi mà… Mà phải chi người ba con chọn là ai mô xa lạ, khuất mặt khuất mày thì còn dễ, đằng này… Ba của Cu, lòng dạ răng o biết hết. Sâu sắc lắm chứ không phải hời hợt như người ta mô. Cũng thương thiệt thương thà hai mạ con đó…”.

Chuyện xưa ôn lại, o Bé sụt sùi, tôi cũng thấy cay hoài nơi sống mũi.

“Cái tình nớ dễ mà san sẻ được cho ai…”.

“Còn o, o thì răng?”.

Tôi kể o nghe chuyện tôi đã thấy o và chú ấy hôm o chở tôi về.

“Đôi lúc, o nghĩ đời người chắc không ai viên mãn vẹn toàn. Ai cũng khuyết một góc nào đó.”.

O nói o cũng có được chút gọi là hạnh phúc trong tình yêu. Chú ấy là mối tình đầu tiên cũng là cuối cùng. Chú người làng khác, mồ côi nên ôn mệ không ưa. Phản đối tới phản đối lui, chú đi bộ đội rồi về lại rồi cũng có cái nghề rồi cũng vẫn theo o. Dùng dằng mấy quãng đến khi o gần ba mươi ôn mệ mới gật đầu. Vui chẳng tày gang. Năm đó hăm ba tháng mười trời làm lụt lớn, chú sức dài vai rộng nên chèo chống lo cho nhà mình rồi thì phụ bà con, ghe lật, người mất, o ở vậy tới chừ. Thời gian sau này gia đình xảy ra quá nhiều chuyện, o chẳng còn nghĩ gì tới hạnh phúc riêng nữa. Cho đến khi nhìn lại, thấy tuổi già ở ngay trước mặt. Và nhà chẳng còn ai.

“Nhiều khi o ước chi nhà mình có tiếng trẻ con. O nghĩ nó như tiếng của người sống, chứ bữa ni o cứ thấy mình như ở với phần âm không à. Đêm nào cũng như thấy có người về, khi người ni, khi người tê. O không sợ, o cũng về bên nớ thôi. Sợ chi. Nhưng buồn. Buồn cho cảnh nhà lạnh lẽo…”.

Tôi không dám nhìn o. Tôi ngó ra ngoài đường cho lòng mình lắng lại.

“Ba, ba mất như răng, o?”.

Hôm o vào Sài Gòn gặp tôi, tôi không hỏi gì cả vì lòng chẳng muốn vướng bận làm chi cho mệt.

“Bị tai nạn. Đang đi đường thì bị. Ai mà ngờ lại sớm như rứa. Ba con mất mấy năm thì ôn mệ yếu. Càng già càng thành con nít. Việc trong việc ngoài đều đổ hết lên vai mạ lớn con. Đoạn trường nớ thiệt kể không biết răng cho hết. Ăn uống, đổ bô, tắm rửa… Chục năm như rứa. O là con gái chứ mạ lớn con là dâu… Thiệt hiếm có…”.

“May o tìm được Cu. Giờ o cũng coi như xong được rồi. Chắc con không biết Tết nào nghe ai ở trong nớ ra mạ lớn cũng tới hỏi… ”.

O im lặng. Tôi im lặng. Tưởng như trăm năm vừa trôi qua trong lồng ngực.

*

Đêm ấy tôi không ngủ được, cứ nhìn mãi về phía gian thờ. Ôi những cuộc đời! Lần đầu tiên từ ngày tôi oa oa trong vòng tay hai mạ giờ tôi mới biết chữ tình chữ nghĩa nặng đến thế nào. Cũng lần đầu tiên tôi biết có cái gì đó đang chảy trong người mình, âm thầm như máu mủ tình thân…

Những đêm sau tôi cũng không ngủ được. Vợ tôi liên tục nhắc tôi về mục đích của chuyến đi. Tôi không thể một lời mà nói hết những gì đang chảy trong người mình và làm xáo động tâm can tôi. Những lúc phụ o quét tước nhà cửa, thay cát lư hương hay tỉa lại hàng chè tàu, bất chừng mà tôi cũng ước như o, ước một tiếng cười con trẻ, đêm nằm cứ miên man suy nghĩ, đất đai vườn tược quê hương, liệu có tương lai nào cho tôi, cho con cháu chúng tôi, ở đây, dưới mái từ đường. Một tương lai khác đi. Mới mẻ và xán lạn.

Hai ngày nữa là Tết. O Bé đổ bánh bò trong bếp. Tôi đơm lên bàn thờ bình hoa thọ vừa cắt sau vườn rồi bật hết điện lên, điện sáng từ gian thờ. Rồi am. Rồi sân. Rồi ngõ.

“Mạ ơi, Cu về rồi!”.

L.H
(TCSH55SDB/12-2024)

 

 

Các bài đã đăng
Nghệ sĩ (14/01/2025)
Thánh vật (13/01/2025)
Kiến (02/12/2024)
Ngày tuyết rơi (13/11/2024)