Truyện ngắn dự thi 2024
Một dải sông trăng
09:24 | 20/01/2025

NGUYÊN VĂN

1.
Tôi nghe tiếng mái chèo. Thứ khua khoắng chỉ vang khi Huế thực tĩnh. Ngoài hiên là bụi hoa giấy đương rộ màu tím hồng, cùng vạt nắng chói chang. Cái nắng khiến người ta muốn nốc cạn một ly trà đá ngay trước bậc cửa.

Một dải sông trăng
Minh họa: Tô Trần Bích Thúy

Tôi cúi đầu cố định vải, chân đạp từng nhịp vào máy may. Những đường chỉ tinh mịn chạy thành hàng sau tiếng vang của kim may chạm bàn đỡ. Bên vách tường là một dãy quần tây đang treo còn vương màu phấn kẻ. Dưới sàn là vài mảnh vải vụn. Thứ lộn xộn theo trật tự mà tiệm may đồ nào cũng có.

- Dạ, chào chú.

Tôi ngước lên. Dưới bóng ngược sáng là một cô gái, chừng hơn ba mươi. Cô ta tiến vào bậc cửa, gỡ xuống chiếc mũ trên đầu. Cái răng khểnh bên phải và tóc thả suông với nơ kẹp bướm ánh vào mắt tôi mộc mạc sơ quen. Tôi đẩy gọng kính lên, mắt nheo khẽ.

- Cô tìm ai?

- Dạ thưa, con kiếm chú Sơn ạ.

- Là tôi - Tôi đáp gọn lỏn - Cô tìm tôi có chuyện chi? Cần may quần tây hay là sửa đồ cũ?

Nói rồi tôi đứng dậy, kéo khẽ ghế nhựa mời ngồi. Nắng bị chặn lại sau cái màn che nửa. Tôi lom khom rót ly nước trà xanh vừa pha, chợt thấy hôm nay sao mùi vị đắng quá.

Cô gái ôm chiếc ba lô ra trước bụng, ngồi thẳng lưng. Cô ta nhìn tôi hồi lâu, rồi lôi cái di động ra như xác nhận điều gì. Đoạn, cất giọng khe khẽ:

- Dạ thưa, con đang tìm chú Sơn, trước giải phóng từng học ở trường Quốc Học. Không biết chú… - Thấy tôi chỉ trầm ngâm, cô gái liền ngập ngừng - ngại quá, nếu lỡ con có kiếm nhầm..

- Không, tôi đúng là từng học ở đó, tên Sơn. Nhưng đời này có biết bao người trùng lặp.

- Dạ thưa chú, chú có quen ai tên Nguyệt Hà, trường Đồng Khánh? Dạ, ảnh đây.

Rồi cô gái đưa chiếc điện thoại ra, trên đó chụp lại bức hình trắng đen đã cũ. Vài cô cậu học trò đứng thành hàng trước cổng trường. Cô nữ sinh có cái răng khểnh được bút đỏ khoanh lại. Tôi nhìn bên trái cô gái, một chàng trai cao kều với bộ đồ không vừa người đang cười ngượng nghịu, chợt thấy như đã qua mấy đời xa xôi.

Tôi trả lại điện thoại, tựa lưng ra sau ghế, tay đan chéo vào nhau như đang nguyện cầu.

- Cháu là con gái của Hà?

- Dạ vâng, sao chú biết.

- Vì quá giống - Tôi bật cười thật khẽ - Giống từ cái tóc đến chân răng.

Tôi nhìn ra mái hiên. Mấy cụm hoa giấy đang đong đưa. Nắng thỉnh thoảng ánh vào cánh hoa, tán ra những mảng màu chói chang. Tôi nhìn xa hơn. Sông Hương vẫn lấp lánh bạc. Rồi tôi đưa mắt về phía cô gái, lòng có gì đó chùng lại.

- Mẹ cháu có khỏe không?

- Mạ mất được hai năm rồi, thưa chú.

Nắng chợt tắt ngúm trong mắt tôi. Môi tôi mấp máy vài hồi, rồi lại chẳng thốt ra nổi một câu đáp lại. Cô gái tiếp tục:

- Sau giải phóng, mạ cháu cùng gia đình ra nước ngoài định cư. Bà tìm chú mãi, tới tận trước khi mất. May quá, cháu cuối cùng đã hoàn thành di nguyện của mạ.

Nói đoạn, cô gái lấy trong ba lô ra một cái hộp chữ nhật, đưa tôi. Những lá thư cũ mới chồng lên nhau, có lá đã loang lổ vàng và nhòe nhoẹt chữ. Tôi mở từng bức, đều là những lời chúc sinh nhật gửi đến tôi qua mỗi năm. Hà vẫn vậy, dịu dàng và tinh tế khiến người ta luôn muốn lại gần.

Mắt tôi đột nhiên mờ nước, như thấy lại một thời xa xăm.

*

2.
Đó là một ngày đầu thu như mọi lần. Tà áo dài hứng trọn nắng chiều thành những mảng tinh khôi trên hai vạt. Tôi thấy chúng nhảy nhót trên mấy đường chỉ trắng thêu nổi hình bông xuyến chi, chơi trốn tìm trong nhụy hoa đang dần nhuộm vàng khi mặt trời hạ gần.

Nắng nhòe mắt tôi thành những bóng chồng chói lòa. Tôi đứng dưới tán phượng già, nhìn Hà từ khi dáng hình còn mờ nhân ảnh. Vài cô bạn đi cùng đang đập vai nhau. Có vẻ họ nói về những câu chuyện cười nào đó trong lớp. Tôi lúng túng gãi vài sợi tóc lòa xòa trước trán, gót chân khẽ chếch lùi sau.

- Ơ, Sơn!

Hà đã kịp thấy tôi. Hà quay đầu reo lên rồi cười như khắc giao mùa còn vương màu phượng. Một nụ cười với cái răng khểnh bên má phải, cùng mái tóc dài thả suông đang nghiêng khẽ một bên. Những bước chân kéo tôi lại gần hơn. Tôi cũng ngờ nghệch cười với Hà.

- Răng Sơn còn đứng ri?

Tôi đỏ bừng tai nhìn Hà. Hà cũng nhìn tôi. Đám bạn đã vẫy tay nhau ra về. Chỉ còn tôi và Hà, cùng vạt nắng cuối chiều nghịch ngợm muốn hóng chuyện. Mồ hôi kéo thành giọt dài chảy sượt qua thái dương, lăn xuống má.

- Ờ thì, Sơn chờ Hà.

Tôi nghe giọng mình ấp úng. “Quốc Học bữa ni về sớm rứa”. Rồi tôi nghe tiếng Hà nói thế lẫn trong âm cười. Tay tôi níu chặt quai cặp thành những vết hằn đỏ như màu vành tai.

Hai ngôi trường cách nhau chỉ một con đường, cạnh bên dòng Hương. Giờ tan học, vài bóng lưng áo trắng nhẹ nhàng ngang qua, thong dong như con thuyền trôi dưới chân cầu. Đoạn đường cạnh trường Đồng Khánh dường như co ngắn lại khi thu sang, gió thổi nhẹ và khí trời chớm lạnh. Chúng tôi đi giữa hàng cây cổ thụ đang dần trơ lá, chẳng mấy chốc đã gần tới điểm cuối. Hôm nay Hà kẹp một chiếc nơ bên mái trái của tóc, từ hướng tôi nhìn sang trông như một chú bướm muốn bay còn chênh chao cánh. Hà tíu tít kể những câu chuyện nhỏ mình vừa nghe từ đám bạn. Tôi câu được câu không đáp lời, mắt thỉnh thoảng nhìn vào chiếc kẹp tóc của Hà. Quà sinh nhật tôi góp chừng mấy tháng. Miệng tôi bất giác nhoẻn nhẹ. Chúng tôi thân nhau từ hơn hai năm trước, đến giờ đã kịp đón ba mùa cây thay lá. Chẳng bao giờ tôi dám nghĩ mình với Hà có thể làm bạn lâu tới thế, bởi những cô nữ sinh Đồng Khánh luôn có một nét kiêu kỳ tới xa xăm.

- Nè, sông Hương đẹp hí?

- Ừm…

- Tên tui cũng nghĩa là sông đó. Nguyệt Hà, sông trăng.

- Ờm...

- Hôm ni nom Sơn lạ hí!

Hà bỗng quay đầu nhìn tôi một lượt. Câu chuyện chuyển nhanh tới nỗi tôi chỉ kịp ngớ người hả một tiếng thở. Hà tít mắt bật cười.

- Chẳng áo trắng đóng thùng, mà lại thõng buông vạt bên ngoài. Hà nghe bảo Quốc Học phải bỏ áo trong quần chứ hí?

Tôi lúng túng ôm ghì cặp vào bụng. Thấy mắt Hà vẫn ánh nét hoài nghi, mồ hôi liền đổ lộp bộp nhiều hơn. Nắng cũng như nóng rẫy da thịt. Mặt tôi đỏ bừng bực, tay vô thức kéo cao lưng quần. Nhác thấy càng khập khiễng, Hà nhíu chặt mày.

- Này, rứa răng mà Sơn cứ ngượng nghịu? Quần thì bên thấp bên cao?

Đoạn, tôi nghe tiếng “bựt” thật giòn, giữa cơn thấp thỏm nghẹn lời trong rừng câu hỏi. Tay tôi níu ghì lấy lưng quần, đứng khựng bên hè phố. Chết chửa, tiến thoái lưỡng nan. Giây phút Hà nhìn tôi, tôi thấy mình như cứng nửa con người.

- Quần của Sơn?

Hà có vẻ lo lắng. Tôi bặm chặt môi, cúi gằm. Cánh bướm trên tóc Hà vẫn chấp chới nhẹ. Tôi thấy nó hắt nắng vào mắt mình chói như xô lửa, nóng rát và đổ nhựa ghèn. Mọi âm thanh chợt hóa thinh lặng.

- Xin lỗi Hà, quần áo của Sơn hơi xốc xếch.

- Hà có để ý cái nớ mô!

Tôi “ừ” thật nhẹ, bẫng bằng một hơi thở. Cái quần của bác Hai Thọ, chẳng vừa người, được tôi luồn dây chuối khô riết ngang thắt lưng để cố định. Giữa cái nắng đầu thu, đứt phựt nhanh hơn cú đập cánh của lũ chuồn chuồn báo mưa. Chút xấu hổ và quẫn bách ôm riết hai má tôi ửng đỏ.

Hà có vẻ ngớ người. Cái giật mình pha đôi phần xót xa khiến mắt Hà cứ như ứa nước. Hà mấp máy môi nhìn tôi, như thể muốn nói nhiều điều lại chẳng thốt nổi một câu rõ chữ. Chúng tôi bước chậm hơn khi tay tôi níu chặt chiếc quần tây sờn đổ lông lỗ chỗ. Tôi chẳng dám nhìn vào chiếc kẹp trên tóc Hà thêm dù chỉ trong một cái liếc khẽ.

Cầu sông Hương hiện ra dưới chiều tà, khi ánh hoàng hôn lóc cóc lách qua mấy khe thành vệt sáng cuối. Tôi nheo mắt nhìn rồi trầm tư, dù đầu rỗng tuếch chẳng kịp nghĩ ra một lời gợi chuyện hay câu tạm biệt trước khi Hà bước vào cổng nhà. Cái cổng có giàn hoa giấy cong thành vòm, với lối kiến trúc Pháp đặc sệt. Tôi chợt nhớ tới cái cổng nhà bác Hai Thọ với vài thanh sắt dựng thẳng vót nhọn đầu gần đấy. Hay cái cổng nhà tôi ngoài quê với hàng rào râm bụt cắt thành luống. Nhớ tới cả cái lưng quần dây chuối cùng bộ đồ mặc lại không vừa người. Tự nhiên thấy tôi và Hà chợt xa xôi quá. Hà đang đứng cạnh tôi, rồi lại như cách một lạch trời chẳng thể với tới.

- Sơn nì.

Hà gọi nhỏ. Tôi ngó sang, thấy Hà đang mân mê quai cặp bằng da màu đen tuyền. Những ngón tay thon dài như đang gảy trên phím piano đặt trong tòa lâu đài cổ. Tôi dùng mắt để hỏi. Hà cũng dùng mắt trả lời. Hai đôi mắt nhìn nhau thật lâu tới mỏi nhừ mà chưa bắt được tín hiệu. Tôi đưa một tay dụi khẽ khóe mắt hơi nhòe nước, tay còn lại níu quần, cặp sách kẹp vào nách. Hà bỗng phụt cười, cái răng khểnh nhô ra nom đến tinh nghịch.

- Chiều mai đằng nớ chờ Hà trước cổng trường hí.

Rồi Hà vụt chạy đi, để lại cho tôi một bóng áo dài thêu hoa xuyến chi trắng. Tôi kéo cao cạp quần, cười như bông cúc giữa trời thu khai giảng. Hà hẹn tôi.

*

Tôi đã vui tới tận hôm sau kể từ lúc nghe lời hẹn, dù chẳng dám cười trước mặt bác Hai. Bác trầm tính và thích tĩnh lặng, ghiền uống trà buổi sáng và nghe ca Huế xẩm tối. Từ ngày ba gửi tôi vào Huế ở nhờ để tiện đi học, tôi đã giấu khẽ nụ cười vào một cái hộp nhỏ rồi khóa kỹ trong xó, chỉ có gặp Hà mới mở ra như một bông cúc được xé lớp màng bọc nụ. Bác Hai tốt, nhưng tôi vẫn thấy mình như một gánh nặng vứt chẳng xong.

Nắng gần tắt từ phía kia sông. Những dải lóng lánh như kim cương ánh trên mặt nước. Tôi cọ chân đứng dưới tán phượng, nhìn con đường với hai hàng cổ thụ. Con đường này cứ như mang phép thuật, dãn dài lê thê mỗi chặp đứng chờ Hà. Những cô bạn ngày hôm qua đập vai, giờ cũng đã đi gần qua ngả rẽ.

- Sơn! - Hà chạy chậm tới - Biết ri tui nói đằng nớ đến muộn xí, khỏi chờ.

Chưa kịp thở dốc một hơi, Hà vội lôi trong cặp ra một bao giấy to gói kỹ.

- Nớ, cầm lấy. Hà tặng Sơn sinh nhật sớm.

- Đây là?

- Xấp vải quần tây. Sơn bận chắc đẹp hè.

- Không, đắt quá.

- Can chi, tấm lòng tui. Nhận lấy.

Hà nhét gọn xấp vải vào tay tôi. Chút bỏng rát từ tay truyền thẳng lên tim, tràn vào hốc mắt. Tự nhiên nắng như cay xè hơn hôm trước. Những cơn nắng chiều như đầu độc người ta bởi cơn say. Cổ họng tôi nghẹn như nhét bông gòn.

- Sơn... cảm ơn.

Một lời cảm ơn chẳng tròn chữ. Tôi thấy Hà cười. Trong mắt tôi khi ấy chỉ còn thấy nụ cười.

*

3.
Đó cũng là một buổi chiều. Trời ngả rạ, hắt nắng loang lổ trên mặt bác Hai. Bác gọi tôi vào nhà. Trên bàn là một bức thư xé mở. “Đọc đi”. Bác chếch đầu ra hiệu.

Người ta thường có dự cảm về những điều không hay. Tự nhiên tay tôi cứ run lẩy bẩy. Tôi cố vuốt phẳng tờ giấy hơi nhăn, đọc một mạch. Thời gian như kéo dài hàng giờ, lại như chỉ qua vài phút. “Ba”. Tôi hét thật to. Nước mắt lộp độp chảy tràn khuôn mặt. Rồi tôi đứng bật dậy, lao vụt lên gác.

- Sơn, chậm đã.

Giọng bác Hai trầm khàn. Cái chất giọng của một người trưởng thành đã trải qua nhiều biến cố. “Lại đây, ngồi xuống”. Hình như tôi nghe bác gọi thế. Đầu óc tôi ong ong rồi xoay tròn.

Tôi kéo lê hai chân như đổ chì, ngồi thụp xuống ghế gỗ trước mặt bác Hai. Đầu tôi cúi gằm, nước mắt nhòe nhoẹt ướt tấm kính trên mặt bàn. Bác Hai thở dài, bước tới cái ghế bên cạnh. Đôi tay gân guốc của bác vỗ nhẹ vai tôi. Giọng bác xót xa:

- Sinh nghề tử nghiệp. Biển đã có bao giờ bình yên. Giờ con tính sao?

Tôi bóp chặt hai tay, những đường chỉ dọc ngang chợt trở nên lộn xộn. Đôi bàn tay cầm bút không chai sạn nhiều như bàn tay của ba, nhưng sắp tới sẽ trở nên giống y đúc. Tôi cắn môi hằn những vết xước.

- Nhờ bác giúp con thôi học. Con về lo mồ mả cho ba, rồi liệu đường kiếm tiền phụ mẹ nuôi mấy đứa em.

- Ừ - Bác Hai đáp khẽ - Thời thế bây giờ, cũng chẳng còn cách nào hơn.

Sau đó là một khoảng lặng vô tận. Tôi nhìn nắng đã tắt hẳn bên kia sông Hương. Một màu u uất tới nghẹn ngào bao trùm mênh mông nước. Tôi nhớ tới cái cổng hoa giấy trước tòa nhà kiểu Pháp cạnh đấy. Cái cổng luôn khiến tôi thấy mình và Hà trở nên xa xôi. Giờ này, chia cách chúng tôi đã chẳng đơn thuần là một cánh cổng.

Tôi lê từng bước nặng trĩu lên gác xép, tay run run dọn vài món đồ vào ba lô. Khuya nay tôi sẽ về nhà. Ngôi nhà cạnh cửa biển, đang có một dáng hình nằm đắp chiếu trơ trọi giữa cửa. Thời gian chẳng chờ cho người ta kịp chuẩn bị tâm lý hay có điều kiện xoay xở. Thời gian chẳng chờ ai. Vậy Hà, liệu Hà có thể chờ tôi không? Tôi chẳng biết, cũng nào dám hỏi. Tôi rút mảnh giấy, viết vội vài chữ gửi Hà. Đành phiền bác Hai lần chót. Tôi mở lòng bàn tay, hình như có đường chỉ đang đứt đoạn.

*

4.
- Vậy là chú về quê để đi làm biển?

Cô gái hỏi nhỏ.

Tôi mân mê mấy bức thư, “ừ” một tiếng thật nhẹ. Lo xong mồ mả cho ba, tôi thay ông ấy leo lên mấy con sóng. Sau tôi còn bảy đứa em nhỏ, chưa từng được đến trường. Cả nhà nhường cơ hội biết chữ cho tôi. Giờ thế kia, tôi đi học lại sao đặng?

Sau này tôi nhập ngũ, qua chiến trường Campuchia. Những trận đánh ác liệt cướp đi của tôi bên tay phải. Tôi mang vết tích chiến tranh, xuất ngũ về lại làng, lo kén vợ gả chồng cho mấy đứa em, rồi tiễn mẹ chặng đường cuối. Tới tận gần chục năm trước, tôi mới trở lại Huế, mở một tiệm may nhỏ gần Trường Đồng Khánh. Ngôi trường ngày xưa Hà học, nay đã đổi tên thành Trường THPT Hai Bà Trưng. Cảnh còn, người mất.

- Hèn chi con tìm hoài hổng ra - Cô gái cười khẽ - Mạ con nói nhà bác của chú gần cầu Sông Hương. Con dò hỏi cầu Sông Hương, thì ra nó đã đổi thành cầu Phú Xuân. Con lại hỏi cầu Phú Xuân, thì người ở đây gọi đó là cầu Mới. Con cứ trằn trọc mãi ở những tên gọi, chẳng biết đúng hay sai.

Tôi cũng bật cười. Con gái của Hà dễ thương và mang đậm nét Huế quá đỗi. Cô bé có sự đặc trưng của xứ Thần Kinh, dù đã ở trời tây từ hồi mới lọt lòng. Một câu “dạ thưa”, hai câu kêu “mạ”. Sống lưng luôn thẳng, và nói tiếng Việt tròn vành. Chắc Hà đã dành rất nhiều tâm huyết để dạy dỗ và truyền lại tình yêu quê hương. Những cô gái trường Đồng Khánh luôn làm người ta phải kính nể.

- Ôn Sơn ơi!

Một thằng bé học sinh đứng lập lò trước cửa. Nó cầm cái quần tây trên tay, khăn quàng còn đeo trên cổ đỏ chót.

Tôi bước ra hiên, ngoắt nó vào.

- Lại sửa quần hả?

- Dạ vâng - Nó chìa ra cái quần bị rách ống - To chừng nì lận ôn ơi.

- Được rồi, để trên bàn. Mai tới lấy.

- Rứa hai cái cam con để trên nớ luôn hí.

Tôi bật cười, xua tay bảo nó về. Thằng nhỏ lém lỉnh.

Cô gái nhìn tôi nghi hoặc. Tôi biết cô bé nghĩ gì.

- Thằng nhỏ khó khăn, nên chú sửa giúp.

Đoạn tôi lấy cái quần để vào trên góc phải bàn may, đặng lát còn tiện vá lại chỗ rách.

- Chú thường sửa giúp cho học sinh nghèo ạ?

- Ừm - Tôi đáp khẽ - Coi như trả nợ đời ngày xưa.

Chúng tôi thoáng im lặng, đủ để nghe lại tiếng mái chèo. Sông Hương mượt mà hệt một dải lụa vắt ngang thành phố. Giữa trùng điệp những hàng phượng già lòa xòa tán đổ, thấy sông dường như vẫn trẻ tới lạ kỳ. Tôi nhìn sông từ thuở thiếu thời, rồi ngắm sông chảy mãi trong những ngày da đã nhăn nheo từng vệt như cái áo cũ. Chỉ có tôi là già đi.

- Thiệt ra mạ của con chưa từng quên Huế, chú Sơn ạ.

Tôi nhìn cô gái với chiếc răng khểnh, mường tượng ra Hà của hai mươi mấy năm sau cái ngày chia ly. Giữa những đêm nguy ngập lửa đạn trong rừng, hay chập chùng sóng biển ngoài khơi, tôi luôn cố phác họa ra khuôn mặt ấy. Một sự chấp niệm, hoặc cũng có thể là cứu rỗi. Tôi chẳng hay biết nữa.

- Chiến tranh, hoàn cảnh, có thể kéo mạ ra khỏi Huế, cách nửa vòng trái đất. Nhưng chúng chẳng thể níu Huế ra khỏi tim mạ, khỏi người mạ, chú Sơn ạ. Nó vẫn ẩn trong mớ gen trú trong từng tế bào, mỗi ngày mất đi một ít, cũng sinh ra thêm một ít. Mạ con bảo, quên nguồn cội là đánh rơi luôn cả bản thân mình.

Giọng cô gái kiên định. Ánh mắt của cô như chứa cả một khoảng nắng ngoài hiên. Những tia nắng từng đậu trên tóc Hà, trên vạt áo dài trắng hay sóng nước sông Hương. Những tia nắng kinh qua mưa bom và đang dịu dần trước bậc thềm có cái cổng vòm uốn theo hình cây hoa giấy.

Có lẽ, chẳng ai trong chúng tôi có thể quên được mảnh đất này.

N.V
(TCSH430/12-2024)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Từ đường (16/01/2025)
Nghệ sĩ (14/01/2025)
Thánh vật (13/01/2025)
Kiến (02/12/2024)
Ngày tuyết rơi (13/11/2024)