Truyện ngắn dự thi 2024
Ánh sao đêm
19:12 | 26/01/2025

TRẦN MAI LAN

Đợt không khí lạnh tràn về đúng vào dịp giáp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn. Nhiệt độ giảm sâu hơn mức trung bình của tháng rất nhiều. Mấy năm nay Thảo cũng đã thích nghi với khí hậu vùng núi A Lưới này rồi, nhưng đây là đợt rét sâu nhất mà cô biết về kể từ khi tới đây nhận công tác.

Ánh sao đêm
Minh họa: Ngô Lan Hương

Do có sự chủ động, nên Thảo và các chị em trong trạm chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ để đón nhận “người bạn” thân lâu ngày mới gặp lại. Tuần trước anh Hiếu trên phòng dự báo đã nhắc nhở: “Từ nay đến cận Tết thế nào ta cũng đón một đợt không khí lạnh tràn về, từ miền Bắc tới tận miền Trung, bao gồm cả vùng miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế của mình”. Ngày giáp Tết chị em ai cũng bận tíu tít con cái, nhà cửa, mua sắm, chuẩn bị quà cáp về thăm gia đình nội, ngoại hai bên. Thảo chưa lập gia đình nên rảnh rang, nhẹ nhàng hơn. Cô tự nguyện làm đổi ca cho các chị nếu ai có việc gì đột xuất. Với đặc thù của công việc ngành Khí tượng, một năm có 365 ngày thì cả 365 ngày đều trực ca kíp. Yếu tố “con người” thì có thể đổi, làm thay nhau để bố trí ngày nghỉ luân phiên, còn số liệu là một chuỗi liên kết, không được gián đoạn. Vì vậy mà bất kể là ngày Tết hay ngày lễ, dù đêm đông hay ngày nắng hạn, mùa khô hanh nứt nẻ hay mùa mưa dầm dề thối đất, những quan trắc viên khí tượng nơi đây đều có mặt trên “vườn” để nắm bắt tình hình thời tiết và đo đạc, thu thập số liệu kịp thời. Giờ giấc cũng đã được quy định trên toàn hệ thống quốc tế. Đúng giờ, tất cả các trạm khí tượng trên trái đất, ở bất kỳ một quốc gia nào cũng đều đo đạc cùng một lúc vào giờ tròn nhất định, và được quy đổi theo múi giờ cho phù hợp với các quốc gia. Thao tác của các quan trắc viên cũng lần lượt theo một trình tự như barem, bất di bất dịch. Mỗi khi lên vườn Thảo thường tưởng tượng, nếu tất cả các quan trắc viên trên trái đất mà nhìn thấy nhau lúc vào ca thì sẽ thú vị biết chừng nào, chắc phải vui như một ngày hội. Thảo bật cười với ý nghĩ, vì sao mà mọi người ở khu vực này hễ thấy mặt các chị em lên vườn là họ có thể đoán ngay ra thời gian chính xác. Họ bảo các cô là “chiếc đồng hồ di động”. Vì giờ vào “ốp” không sai lệch bao giờ, dù chỉ là vài phút. Đã có lịch trực Tết, Thảo xung phong ở lại trực đêm 30 và ngày mùng một, để các chị có con nhỏ được về sum họp gia đình. Nhà ba chị ở ngay dưới thị trấn, cách trạm vài cây số, chị Lý xa nhất cách gần chục cây, nhưng vào ca là phải lên túc trực tại trạm. Thảo chưa lập gia đình và ở luôn một phòng tập thể trên trạm, nên không phải di chuyển đi lại vất vả. Bố mẹ cô ở dưới thành phố Huế. Hôm rồi mẹ cô mới gọi điện lên cho con gái:

- Tết ni khi mô con về nghỉ hí? Để ba mạ sắp xếp lịch vô trỏng.

- Con ở lại trực Tết, chắc phải mùng ba con mới về quê được mạ! Ba mạ và em Đăng cứ về trước, hôm sau con về sẽ ghé luôn.

Mạ thở dài:

- Biết răng chừ. Thôi cứ như vậy, con lo công việc rồi liệu mà về chúc Tết nội, kẻo nội rầy la nghe! Con gái mà bận y như con mọn rứa? Đứa nào nó dám sáp vô bay.

- Mạ khỏi lo… Không chừng con dẫn ảnh về ra mắt luôn thể, cho ba mạ khỏi sốt ruột nhen?

Thằng Đăng nói chõ vô máy:

- O không nhanh nhanh, kẻo còi to cho vượt nhen?

- Mầy tính vậy mà ngon à nha, để mạ khỏi cằn nhằn hoài.

Nói vậy thôi, chứ mạ biết mấy Tết rồi Thảo đều ở lại trực ca cả, hôm có người về thành phố mạ đã gởi bánh chưng và mè xửng lên cho con gái ở tít trên rừng ni rồi. Khổ, trên ni các chị cũng mang đến trạm bao nhiêu đòn bánh tét cùng các loại mứt hoa quả. Hoa nở rộ quanh trạm như một vườn thượng uyển lung linh sắc màu, hồng phớt của đào phai, đỏ tươi của đào bích, tươi rói là những luống lay ơn thóc đỏ, vàng, mà Thảo mang giống từ Huế lên trồng từ vài tháng trước Tết. Trạm xa khu dân cư, nên ngoài thời gian trực ca, rảnh rỗi là các chị em tự tạo ra những niềm vui trong lao động để tạo hứng khởi trong cuộc sống, cũng như trong công việc. Một khu nhà mái ngói đơn sơ, với ba phòng cấp bốn, hai phòng lớn dùng để họp hành và là nơi làm việc, phòng nhỏ hơn là chỗ nghỉ ngơi của Thảo và các chị khi đến trực ca. Khu nhà bếp, nhà tắm đủ cả, mỗi tội nhà nào cũng nhỏ xíu. Cả khu đồi có duy nhất chiếc vườn là rộng lớn nhất, nhìn tổng thể thì là vậy, nhưng kích cỡ khu vườn cũng đã được quy định theo barem chung. Bất cứ khu vườn khí tượng nào cũng chỉ rộng 26m x 36m, có nơi nhỏ hơn thì là 16m x 16m. Vườn cần có các tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo tính chính xác của số liệu cần thu thập. Đặc điểm nổi bật của khu vườn là hàng rào và các “lều”, giá đỡ bên trong đều được sơn màu trắng, là vật liệu hấp thụ và dẫn nhiệt kém nhất. Trên nền trời cao sừng sững một cây cột lắp thiết bị đo gió, cao từ 10m - 12m, các bộ phận này được bộ phận kỹ thuật lắp sao cho không bị ảnh hưởng đến hoạt động của nhau. Nói là trực Tết một mình, nhưng sáng 30 mấy chị em vẫn tụ tập đông đủ, mọi người thu dọn, sắm sửa cho trạm cũng có không khí Tết thật xôm. Ban thờ thổ công được sắp đầy đủ gà và xôi chè cùng hoa quả chè thuốc. Chị Linh bảo “đất có thổ công sông có hà bá”, ở đâu ta cũng phải thắp nén hương để được che chở phù hộ”. Chị mỉm cười nhìn lại ban thờ lần nữa ra chiều hài lòng: “Sang canh chị lên với mày cho ấm cúng”. “Thôi, đêm hôm lọ mọ chi chị”. “Rứa hí, đừng có khóc nhè nha cưng”. Chiều tối các chị ra về hết, mình Thảo đi ra đi vô chân tay như thừa thãi, buồn từ đâu sầm sập kéo tới đọng ngay trên mí mắt nằng nặng. Bỗng cô phát hiện ra từ dưới mé đồi một bóng áo xanh lụi cụi đi lên, cô ngạc nhiên chạy ra: “Ai lên trạm vào giờ này hí?”. Khi nhìn rõ nhau, bóng áo xanh ngẩng lên:

- Chào Thảo!

- Ơ… Anh mang hoa đi đâu… mà giờ ni còn…

- Bên đơn vị trồng được vài chậu mai… mang sang góp vui với trạm cho có không khí Tết. Thấy anh khệ nệ bê nguyên chậu bự chảng, Thảo giúp một tay mang vô phòng khách.

- Vậy anh cũng ở lại trên ni trực Tết sao?

- Cũng như Thảo… Tôi xung phong ở lại, mấy anh có gia đình vợ con quấn túm, chứ tụi mình “phòng không” Tết lúc mô nỏ được.

Anh Kiệt bê chậu hoa mai vào giữa phòng, căn phòng như bừng sáng bởi sắc vàng thanh khiết, ấm áp vừa hiện diện nơi này. Thảo mời anh chén trà nóng, làn khói mỏng tang cuộn tròn bay lên, đưa hương sen thơm lựng. Vừa nhấp ngụm trà, anh Kiệt đưa mắt nhìn quanh căn phòng nhỏ, mắt dừng lại trước bảng phân công trực ca.

- Bên Thảo cũng như bên mình, nhưng bên ni có vẻ buồn vắng hơn.

- Hi… Tụi em quen rồi, nơi ồn ào… lại thấy không hợp.

- Khi mô Thảo về dưới phố?

- Chắc khoảng mùng ba anh ạ.

- Vậy sau Tết lên, ta cùng đi hội Ada mừng cơm mới cùng đồng bào trên ni hí.

- Ôi, chắc vui lắm anh hí. Em chưa được trải nghiệm khi mô, nên rất háo hức.

- Vậy hén, chừng mùng 10 đổ ra dân làng mới mở hội.

Trời tối dần, cả khoảng không như ai vừa đổ lọ thuốc chàm lên đó, vạn vật nhòa dần vào màn sương mờ ảo giăng khắp các ngọn núi, hàng cây. Kiệt tạm biệt Thảo để về đơn vị. Trong ánh mắt lưu luyến như có những ngọn lửa đang cháy lên thật ấm áp. Mảnh đất vùng cao cách trung tâm thành phố Huế 70km. A Lưới thuộc khu vực của dãy Trường Sơn Bắc, có độ cao từ 600 - 800m so với mực nước biển. Ở đây mang khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm hai mùa chính là mùa mưa và mùa khô, thời tiết quanh năm mát mẻ, dễ chịu, không khí trong lành. Nơi đây là nơi cư trú của bà con dân tộc thiểu số sinh sống, đó là dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Cô, Pa Hy và người Kinh. Điều đặc biệt hết sức nổi bật về bản chất của đồng bào các dân tộc thiểu số, là bà con rất đoàn kết, thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh sống và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Lễ hội Ada là thời điểm bà con thu hoạch xong mùa vụ, chọn ra các loại gạo ngon nhất để nấu xôi, cơm trắng, bánh dẻo, bánh nếp không nhân, mổ lợn, gà, dê… cúng các thần linh. Đây là một lễ hội quan trọng, nên vào các ngày này con cháu trong bản dù đi làm ăn ở đâu cũng phải có mặt để dự lễ. Anh Kiệt là bộ đội Biên phòng đã đóng ở đây trên 5 năm, vì vậy mà anh coi những ngày lễ hội của bà con cũng như chính ngày hội làng của quê mình. Bởi anh đã coi mảnh đất miền sơn cước là quê hương thứ hai của mình rồi. Năm nay anh muốn đưa Thảo tới lễ hội, để cô hiểu rõ hơn về nét độc đáo, các phong tục truyền thống của đồng bào nơi hai người sống và làm việc. Người con gái mà anh đã cảm mến ngay từ lần gặp đầu tiên ở UBND xã Hồng Trung ngày cô lên nhận công tác. Đôi mắt mở to mơ màng, pha một chút bẽn lẽn, giọng Huế dịu dàng khi cô cất lời cám ơn anh bộ đội vừa giúp cô mang túi hành lý từ Ủy ban xã về trạm khí tượng, nằm tít tận trên đồi cao heo hút, với bao nhiêu lạ lẫm về vùng đất mới mẻ mà lần đầu tiên cô đặt chân tới. “Cám ơn anh nhiều lắm… Anh là người đồng hương đầu tiên mà em gặp trên ni”.

Ngày 30 Tết dân làng đã chuẩn bị mọi thứ tinh tươm để đón năm mới. Trước mỗi ngôi nhà sàn là những cây nêu cao vút, theo phong tục cổ truyền, cây nêu phải được làm bằng tre, vì tre có đốt, là bậc thang đi về của thần linh mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất, giúp mặt đất phì nhiêu và xua đuổi tà ma, quỷ dữ. Đặc biệt trên ngọn để lại một phần lá tươi tượng trưng cho mây trời. Những chiếc chuông gió treo trên cây nêu rộn ràng tấu khúc nhạc đa âm sắc, lúc trầm hùng như gió thổi trên dãy Trường Sơn bạt ngàn, lúc réo rắt reo vui khi đàn én ríu rít bay ngang. Cả bản có rất nhiều chiếc chuông gió cùng tấu lên bản hợp xướng của núi rừng bao la. Thảo một mình lụi cụi chuẩn bị mâm cúng giao thừa và canh giờ đi ốp, vừa lắng tai nghe thanh âm rộn rã dưới bản đưa tới. Mùi bánh tét, mùi hương trầm thoảng bay trong gió nghe nôn nao. Giờ này chắc mạ đang chuẩn bị mâm cơm tất niên dâng lên tổ tiên ông bà, không biết út Đăng có ở nhà phụ cho mạ không, nó là chúa mải chơi, đã dặn bao lần mà miệng nó cứ dẩu ra, xoen xoét: “Hai không phải lăn tăn, em trai thứ thiệt chớ đâu phải ba hồi ri, ba hồi rứa mô”. Nay nó cũng bước vô đại học năm hai rồi, Thảo thấy nó người lớn hơn hẳn. Biết lo lắng khi trái gió trở trời ba mạ đau đầu sổ mũi, cũng không còn la cà lêu lổng tối ngày cùng đám bạn cà chớn. Hôm bữa Thảo về chơi nhà thấy vườn hoa tươi tốt, ba cắt cắt, tỉa tỉa cây cúc mốc cười bảo: “Từ hồi thằng Đăng thay đất đổi chậu, nó tươi tốt quá trời con ơi, như vậy tha hồ mạ con ngắt lá pha trà”. Nó còn kỳ công chạy xe tuốt An Cựu mua mấy giò lan vũ nữ về chăm, nó biết ba mê lan dữ lắm, mà tội giờ ba đau chân, mỏi gối nên ít được đi đây đi đó, coi mấy thứ cây kiểng trong hội chợ cây ngoài thành phố đang mở. Cứ suy nghĩ miên man, chõ xôi bốc khói thơm lựng quanh nhà, tự nhiên cô thấy cay xè đôi mắt. Hình như cô đang nhớ về dưới thành phố, nơi có ngôi nhà thân yêu cùng những người thân của cô… Không, phải cứng cỏi lên chứ mầy, đã xung phong ở lại, phải làm cho ra làm nhen mầy. Thảo tự nhủ với lòng mình như vậy. Trời mỗi lúc một rét thêm, sương xuống nhỏ lách tách ngoài hiên nhà, gió thổi hun hút, những tàng cây thẫm đen phía dưới bản, ánh điện le lói qua tán lá hắt thành từng vệt kéo dài lên lưng chừng trời, tiếng gọi nhau í ới, tiếng gà kêu quang quác… Trời đất đang dịch chuyển dần tới thời khắc thiêng liêng nhất - Giao thừa đã đến. Thảo nghe trong hương đêm những mầm cây đang cựa mình tách vỏ, những nụ hoa khẽ bung cánh tỏa làn hương ngạt ngào. Ngọn gió giao mùa cứ xôn xao từng khúc hát gọi xuân về, mang đến vẻ đẹp sống động của núi rừng và niềm vui phơi phới trong lòng.

Nhìn đồng hồ đã một giờ kém, Thảo chuẩn bị đèn pin, sổ sách lên vườn quan trắc. Đón xuân, đón tuổi mới bên khung cảnh hương đêm dìu dịu lan tỏa khắp khu vườn thân thuộc, lòng cô chợt bâng khuâng suy nghĩ về quá khứ, về hiện tại và về tương lai với tràn trề những ước mơ và hy vọng. Bước chân cô như thanh thoát hơn, di chuyển tới các lều soi đèn pin và ghi số liệu vào sổ. Những khí áp biểu thủy ngân, khí áp ký, nhiệt độ và độ ẩm không khí, đo máy gió… Đứng lâu trong khu vườn thoáng gió, đôi tay trần bắt đầu ngấm sương tê buốt. Sương xuống nhiều hóa mù mưa đang bay trên tóc ướt lạnh, Thảo so vai kéo chiếc mũ áo trùm lên đầu đi về cuối vườn. Chỉ còn một chiếc lều nữa là hoàn thành ốp đầu tiên của năm mới. Bỗng cô để ý có ánh đèn pin lia trên cột phong tiêu. Ánh đèn lia đi lia lại nhiều lần, chứng tỏ ai đó đang cố tình soi tới, Thảo đưa mắt nhìn theo ánh đèn, hình như từ phía đồi Biên phòng. Giờ này các anh bên ấy chắc đã đi gác về, bất giác Thảo nhớ hồi chiều anh Kiệt bảo: “Ca đêm chắc buồn lắm. Anh sẽ lên vườn cùng Thảo hí?”. Hay đây là ánh đèn mà anh Kiệt bảo “lên vườn cùng” chăng? Thảo thấy vui vui, lòng nghĩ: Anh Kiệt ấy cũng dí dỏm ghê ha. Ghi chép xong số liệu, Thảo giơ chiếc đèn lia lia ngang sang phía đồi đối diện. Những tia sáng không đi xa hơn nữa, mà chụm lại tại điểm ở giữa hai khu đồi, như đang quấn quýt lấy nhau, chào hỏi, trao cho nhau những lời chúc đầu xuân ấm áp. Về trạm, Thảo soạn mã điện, điện báo về trung tâm. Tiếng chị tổ thông tin lảnh lót: “Chúc mừng năm mới! Trên nớ rét dữ ha em, mau rồi vào “chằn trum” cho ấm hén”. “Hi… Em cũng chỉ biết làm bạn với cái giường giờ này thôi. Hẹn gặp chị ngày mai hén”. Sáng hôm sau, sáng mùng 1 Tết. Ngày đầu tiên của năm mới Thảo thức dậy khi đồng hồ mới báo sáu rưỡi sáng, tức là còn hai mươi phút nữa mới vào ốp. Khoác thêm chiếc áo, Thảo mở cửa bước ra sân. Ô lạ chưa, đêm qua còn sương giá, rét buốt là thế mà sáng nay bầu trời đang bừng lên những tia nắng ấm áp, những cánh hoa đào mong manh như muốn khoe hết vẻ đẹp quyến rũ, xen trong sắc hồng phớt là những mắt lá xanh biếc cựa mình thức giấc, những hạt sương long lanh trên cánh hoa, đàn chim én ríu rít bay ngang bầu trời, tất cả tạo nên một khung cảnh thơ mộng và bình yên. Nó như một chất men làm say lòng người. Có lẽ mùa xuân sẽ không đẹp đến vậy khi ta không cùng nhau vượt qua những ngày đông buốt giá, vì vậy mà nó càng làm cho cô gái khí tượng không cảm thấy trống trải cô đơn khi chỉ có một mình ở nơi đây. Thảo lại chuẩn bị mọi thứ để vào ốp sáng. Qua tám mươi tám bậc kè đá để đi lên vườn, sáng xuân nay sao bước chân cô vui lạ, hay bởi xuân đã về nên lòng người phơi phới hơn chăng? Khi đã thu thập xong số liệu, cô đưa mắt sang quả đồi đối diện. Cách một con suối, khoảng cách đường chim bay thì tầm mắt cũng chỉ nhìn thấy lúp xúp những mái nhà ở bên ấy mà thôi, lòng chộn rộn nghĩ tới màn ánh sáng đêm qua. Nhưng sao nghe bên ấy im ắng quá, Thảo suy nghĩ và ra khỏi vườn về trạm. Bóng áo xanh đang đứng dưới gốc đào ngẩng lên:

- Thảo đã đi làm về?

- Anh… - Thảo hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy áo anh thấm hơi sương ướt hết cả vai áo, thấm cả xuống lưng. Chiếc mũ mềm cũng chuyển màu sậm bởi ngấm nước. Còn đang đứng ngây người thì giọng anh cắt ngang:

- Không mời anh vô nhà sao? Làm khách xông đất cơ mà!

- Ôi, em quên mất, anh vô nhà đi ạ.

- Anh có 20 phút. Chạy từ bên nớ qua ni hết 9 phút rồi, ngồi lại hai phút là anh phải về cho kịp phiên tuần tra đầu xuân.

- Vậy ư. Sao anh phải chạy… mệt dữ?

- Thì tới xông đất… lấy hên… vì đêm qua đã có giao hẹn trên đồi đó thôi!

Thảo cười mỉm chi: “Thì ra là anh đó hả?”. Mặc dù trong lòng hai người đều biết ánh đèn đó từ đâu.

Hương trà sen thơm lựng bay lên tỏa khắp phòng, Kiệt đón chén trà từ tay Thảo. Bốn mắt chạm nhau như có ngọn lửa, ấm áp và trìu mến.

- Cám ơn Thảo.

- Em phải cám ơn người xông đất chứ…

- Nhưng phải hẹn Thảo sau Tết, mình cùng đi dự lễ hội Ada. Bây giờ anh phải về.

Kiệt đứng dậy: “Anh về cho kịp, anh em đang chờ”. Thảo lưu luyến nhìn theo cho đến khi bóng áo xanh khuất hẳn vào rừng cây xanh thẳm. Lúc sau có mấy bác, mấy thím dưới bản và anh cán bộ xã trẻ măng đến trạm chúc Tết mấy o khí tượng. Thấy có mình Thảo, họ hồ hởi:

- O xuống dưới ăn Tết với bản làng cho vui.

- Cám ơn các bác, các thím! Cháu còn phải trực ca nữa ạ, các bác lên chúc Tết thế này là vui lắm rồi ạ.

Những ánh mắt nụ cười hân hoan, chén trà thơm lựng lan tỏa niềm vui. Mọi người lại hối hả đi xuống núi để chúc Tết mọi nhà. Chiều chị Linh lên với Thảo. Hai chị em ríu rít sắp cỗ, mâm cỗ đầy những món ngon mà chỉ có hai chị em, cũng hơi tẻ. Bật nắp lon bia Saigon chị Linh bảo: “Thôi, Tết ta cứ phải tưng bừng cái đã. Mấy năm nay… mà có lẽ từ khi thành lập trạm đến nay, trạm bao giờ chả buồn. Quạnh quẽ quanh năm chứ đâu mấy ngày Tết, nhằm nhò chi mô. Giờ còn có hai chị em ta cơ mà, nào dô… dô… cho đời nó xuân, hén”. Hôm sau Thảo chuẩn bị về thành phố ăn Tết với ba mạ, chị Linh bảo: “Đấy, nay chỉ còn có mình tui. Buồn là đặc sản của tụi mình hí”. Thảo bịn rịn: “Em về có hai ngày, là em lên liền hà, chị chịu khó chút nha”. Ngồi trên xe về thành phố. Rừng đang lùi dần lại phía sau, lẽ ra Thảo phải vui vì sắp được gặp ba mạ và những người thân, nhưng trong lòng cô lại bứt rứt một điều gì đó, cứ như vừa bỏ lại nơi gian khổ, khó khăn để đi tìm cho riêng mình điều hoàn mỹ hơn, cô bỗng thấy đáng trách vô cùng. Thì ra, bấy lâu nay cái trạm nhỏ bé trên đồi khí tượng ấy đã là một cái gì đó rất quan trọng đối với cô, mà chỉ khi xa nó cô mới cảm nhận hết. Cô như thấy những bông hoa, chiếc lá bên đường níu gọi cô, chỉ có gió thổi vun vút qua ô cửa như giận dỗi bứt tung từng cánh hoa rơi lả tả theo chiều gió. Thảo nhìn miết vào những cánh hoa mỏng manh đang bay trước gió mà nhớ rừng, nhớ người, nhớ vùng đất đi qua.

Mấy ngày nghỉ Tết với gia đình thật ý nghĩa và vui vẻ. Ngày mai cô lên rừng để khỏa lấp nỗi nhớ đang dâng trào trong cô, và cái hẹn đi lễ hội với ai kia làm cô háo hức mong chờ, trăn trở suốt đêm trước khi đi. Mạ tinh ý nhận ra ngay.

- Mạ thấy con… đang tương tư ai đó?

- Ôi mạ! Có ai đâu, mai phải xa mạ… con nhớ! Út Đăng mà không quan tâm ba mạ, là mạ méc con la nó nha.

- Con yên tâm, giờ nó người lớn hẳn, từ khi vắng con… Có ai kia thì mau bắt nó về cho ba mạ xem mặt, coi ra răng?

Thảo quay đi giấu nụ cười bẽn lẽn. Đã có gì đâu mà mạ nói làm cô thấy quê ghê. Tuy vậy cô cũng thấy chộn rộn trong lòng. Công việc của các anh bên chốt cũng khá bận rộn, vì vậy mà sát hôm lễ hội Thảo mới nhận được tin nhắn qua người đồng đội của anh rằng: “Thảo cứ lên lễ hội, có người chờ trên đó”. Nghe tin nhắn Thảo cứ “lăn tăn”. Người đâu mà, rủ người ta đi, giờ lại bảo đi một mình lên đó. Tính tới, tính lui cuối cùng Thảo cũng quyết định cùng chị Linh về bản, vì tò mò một phần, một phần tính xem anh bộ đội nói thực hay giỡn chơi. Một lễ hội quan trọng như “lễ mừng cơm mới” nên dân bản chuẩn bị rất nhiều đồ, nhà nào cũng nấu xôi, cơm trắng, bánh dẻo, bánh nếp không nhân, mổ lợn, gà, ngan để cúng thần linh. Mọi thứ đã được chuẩn bị đầy đủ, người đàn ông trụ cột trong gia đình sẽ là người tế lễ. Đồng bào nơi đây quan niệm rằng, ngoài cúng ông bà tổ tiên thì Tết cơm mới còn cúng các vị Giàng đã đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào. Đó là thần Azel (thần trời), Giàng Azal (thần núi), Giàng Tro (thần nông), Giàng Pơ Nanh (thần chăn nuôi)…

Thảo rất lạ lẫm với mọi thứ, cô để ý thấy trên đôi đũa cắm lên các vật phẩm để cúng, một đầu được chuốt thành những tua rua như bông hoa là lạ.

- Đôi đũa lạ ha chị?

- Đó là điều đặc biệt không thể thiếu trong nghi thức của đồng bào, được gọi là “tâng hot”, ý nghĩa để xua đuổi tà ma.

- Ôi, mỗi nơi một phong tục quả là độc đáo chị hí?

Xong phần lễ, đến phần hội mới vui. Từ bấy đến giờ Thảo có ý tìm Kiệt nhưng thấy anh đang dự lễ cùng với già bản nên không dám gọi. Anh cũng nhìn thấy chị em Thảo tới. Nghĩ rằng sau phần lễ anh sẽ tìm đến chỗ hai chị em. Tiếng cồng, chiêng nổi lên rộn ràng, hòa chung tiếng khèn réo rắt, những chum rượu cần cùng vô số cần vít được đem ra giữa sàn nhà dài - nhà văn hóa cộng đồng. Trai gái cùng nắm tay nhau nhảy múa theo nhịp cồng chiêng. Thảo thấy tim mình đập rộn rã khi bóng áo xanh đang rẽ đám đông đi về phía cô, với ánh mắt sáng rực dưới ánh đèn lung linh. Cô e lệ cúi xuống sửa hai vạt áo (vốn không so lệch gì) nhưng sao mãi không thấy anh tới, năm phút rồi bảy phút trôi qua, bước chân gần rồi lại xa… Cô nghi hoặc ngước lên. Ơ… ơ… anh đang tươi cười nắm tay một cô gái Pa Cô xinh tươi nhảy múa cùng vòng xoay người giữa nhà. Chị Linh cũng đã kịp nhìn thấy, quay sang Thảo. Thấy đôi mắt cô buồn rười rượi như có hơi sương trong đó. Thảo giật giật tay chị Linh:

- Ta về thôi chị. Em thấy hơi mệt.

- Không ở lại xem…

Không để chị Linh nói hết câu, Thảo nắm tay chị kéo đi phăm phăm xuống cầu thang. Ra đến con đường nhỏ lối về trạm, được bóng tối đồng lõa nên Thảo cứ để những giọt nước mắt lăn tràn xuống khuôn mặt, nước mắt nhạt nhòa chảy qua đôi môi mặn chát. Ai kia họ cũng chóng quên thật đấy… Tội nghiệp, cô cứ nghĩ… Nhưng hai người đã có gì đâu, sao cô lại trách Kiệt được nhỉ. Con đường bỗng xa hơn, bởi những tiếng thở dài sườn sượt của hai người lặng lẽ đi bên nhau. Bỗng có ánh đèn pin và tiếng người phía sau.

- Thảo, Thảo ơi, chờ anh với! - Người đó chạy nhanh lắm, mới đó mà đã đuổi kịp, nắm lấy bàn tay đang run rẩy, không biết vì lạnh hay vì giận.

- Đợi anh với. Để anh đưa em trở lại lễ hội, rồi còn uống rượu cần đến say mới được về chứ. Đã lên hội rồi sao lại bỏ về?

Chị Linh nghe thế liền bước lại phía trước:

- Chú Kiệt nói hay quá ta. Chị em tui không về, còn ở lại xem người ta nhảy múa hát ca, vui quá ha?

- Ôi! Thì ra là vậy… Đó là cô Hê Na, con gái già bản đang học ở trường Văn hóa tỉnh mới về dự lễ hội.

Từ hồi Kiệt lên chốt đã có nhiều dịp đến bản giúp đỡ bà con những lúc khó khăn, già bản thấy quý chàng thanh niên nhanh nhẹn tháo vát nên đã nhận là con nuôi, và Hê Na chính là em gái. Lâu lắm hai anh em mới có dịp gặp nhau, cô mời anh mình nhảy và cùng uống rượu cần lấy may. Nếu từ chối thì lời cầu khẩn sẽ không linh.

Chị Linh lém lỉnh:

- Thôi, chị về đi ốp đây, chú Kiệt cứ đưa Thảo quay lại hội nha. - Chị quay đi còn nháy mắt với Kiệt.

- Tuân lệnh thủ trưởng Linh. Tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. - Thảo nũng nịu đấm đấm vào ngực Kiệt.

- Ai thèm quay lại… anh đi mà…

- Không, anh không quay lại đó nếu người nhảy múa với anh không phải là em.

Nắm chặt đôi tay ấm mềm, Kiệt kéo cô trở lại nơi tiếng cồng chiêng đang cất lên rộn rã. Cả núi rừng như bừng sáng, ngất ngây với men rượu lâng lâng. Đêm xuân lung linh như ngôi sao sáng rực trong mắt hai người, vòng xoay dập dìu bên ngọn lửa giữa đất trời say men.

T.M.L
(TCSH432/02-2024)

------------------
Ốp, lều, vườn: những thuật ngữ trong ngành khí tượng.

 

 

Các bài đã đăng
Từ đường (16/01/2025)
Nghệ sĩ (14/01/2025)
Thánh vật (13/01/2025)