Truyện ngắn dự thi 2024
Đêm rằm tháng bảy
15:02 | 10/02/2025

THẢO GIANG

Về đến đầu làng, Quyên cho xe rẽ vào con đường rợp bóng hoàng lim. Phía trước phấp phới cờ ngũ sắc.

Đêm rằm tháng bảy
Minh họa: Tô Trần Bích Thúy

Ngôi cổ tự cuối đường nhìn ra dòng sông, ngoài đường, trước cổng, trên sân, lũ lượt áo lam, áo nâu sồng, ai cũng cài trên ngực áo một bông hồng thắm. Quyên chợt nhớ ra, hôm nay là rằm tháng bảy. Giờ này chắc bà Quyên đang bận rộn ở gian bếp nhà chùa, hoặc đang ngồi cầu kinh nơi chánh điện. Xe đến ngõ nhà, Quyên chần chừ một chút, rồi cho xe chạy tiếp, chầm chậm dạo thăm con sông quê. Con sông uốn quanh quanh, ấp ôm ngôi làng nhỏ bé. Quyên nhớ trước đây, cứ đến mùa hè, chiều nào cũng vậy, không khí tập dợt đua ghe hừng hực khắp bến sông. Những chiếc ghe phăng phăng lướt sóng trong tiếng hò reo cổ vũ của đám trẻ con. Có đứa quá phấn khích cũng nhảy ùm xuống nước, sải tay bơi đuổi theo ghe. Ghe thi với ghe, người thi với người, bến sông náo nhiệt như ngày hội. Đám con gái chớm tuổi ô mai như những cánh chuồn ớt, chớp chớp trên mặt nước, mắt nâu xoe tròn, ngong ngóng theo ghe, chốc lát tỏa về những cánh biền trồng ngò, rau đậu, bắp khoai, xanh ngan ngát, được tắm mát bởi phù sa mỡ màu. Ở đó, có những người phụ nữ chân quê, tranh thủ ánh nắng chiều tà còn sót lại, họ cắt ngò, bó rau, gom sắn... chuẩn bị để sáng mai mang ra chợ. Trong khi mấy đứa bạn góp tay giúp mẹ thì Quyên sà xuống liếp ngò gai với bà.

Bà là cô ruột của ba Quyên. Quyên nhớ hồi nhỏ xíu, lần đầu theo ba về thăm quê nội, Quyên được gặp bà. Bà có nụ cười móm mém nhưng thật hiền từ. Đặc biệt là đôi chân trần. Bàn chân bè ra, gót chân nứt nẻ, mu bàn chân bong tróc những lớp da sần sùi. Đôi chân ấy đã đưa Quyên đi khắp xóm. Đến nhà nào, bà cũng khoe: “Cháu kêu tui bằng mụ o đó. Giống ôn nội hung bác (o) hè.” Mà giống ông nội, tức giống bà. Vì hai người là anh em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước. Bà làm nhiều món ngon, lạ. Lần đầu Quyên biết bánh ram, bánh nậm, chè bột lọc, chè hoa cau... Ba ngày qua mau. Lúc chia tay, bịn rịn. Ôm Quyên vào lòng, bà nói với ba Quyên: “Không nơi mô bằng quê cha đất tổ. Con liệu liệu mà về sơm sớm con nghe”.

Năm sau đó, Quyên vừa vào lớp một, ba Quyên xin được một chân nhân viên phòng lễ tân nhà nghỉ Công Đoàn, nằm bên Vịnh Lăng Cô, mẹ chuyển về dạy trường cấp 2 gần đó. Hè năm ấy, có ngày nóng cao điểm lên đến 40 độ. Nắng chói chang, lóa bạc muối biển. Nóng từ những vách núi của chân đèo Hải Vân hắt sang. Gió Lào thổi miên man, bỏng rát. Căn phòng nhỏ hầm hập cả ngày lẫn đêm. Vốn quen khí hậu mát mẻ của miền Nam, hai mẹ con bị sốc nhiệt, người phờ phạc. Có lẽ vì vậy mà mẹ Quyên sinh sớm, lại sinh khó. Bà tất tả vào bệnh viện chăm sóc mẹ, ba Quyên vội vã trở về cơ quan. Phần không thể nghỉ phép lâu vì mới xin được việc; phần không yên tâm khi gửi Quyên cho mấy cô chung hộ tập thể, ai cũng có con nhỏ dại, lại đang bận rộn đón những đoàn khách đến nghỉ dưỡng dịp hè. Hai ngày, thấp thỏm, hồi hộp, lo lắng... Đứa em trai mũm mĩm, đáng yêu chào đời. Nhưng do di chứng sốt hậu sản, chân mẹ Quyên không cử động được. Nhiều đêm, nằm bên ba, mắt Quyên như dán lên trần nhà, Quyên ao ước có phép màu diệu kỳ như trong truyện cổ tích, mẹ Quyên vẫn thường kể mỗi đêm. Và bà tiên trong đời thường đã hiện ra. Chính bà, bà đã giúp mẹ Quyên vượt trùng dương được cập bến an lành. Ngày nào cũng vậy, tranh thủ giờ bác sĩ thăm khám cho sản phụ, bà đạp xe hơn mười cây số về nhà. Giặt giũ. Nấu ăn. Rồi tranh thủ trở lại bệnh viện. Mười ngày sau, khi chân dần nhúc nhắc, mẹ Quyên được về nhà. Lúc xe taxi sắp chuyển bánh thì bà hớt hơ hớt hải chạy đến, tay xách nách mang: nào than, nào lá, áo quần. Ba Quyên rối rít giục tài xế mở cửa. Ngồi lên xe, bế em trai Quyên vào lòng, bà nói: “Ba mi có nuôi mệ nổi khôn? Khi mô chân mẹ cu lành hẳn, mệ mới về đấy!”. Ngã đầu vào đôi vai gầy, vai mẹ Quyên run run. Nhìn cung cách của bà, ai trong khu tập thể cũng ngỡ ngoại Quyên, từ miền Nam ra chăm con gái! Mỗi ngày, bà đều dậy sớm. Làm không ngơi tay. Rảnh rỗi, bà tập đi cho mẹ. Một già, một trẻ; trẻ tựa vào già, già nâng từng bước chân cho trẻ. Khi mẹ Quyên tập tễnh đi quanh giường, mẹ giục mãi, bà bịn rịn rời Lăng Cô. Bà đi, căn phòng trống vắng. Vắng tiếng ru ơi à của bà, em Quyên cứ trở mình trong giấc ngủ. Như hiểu lòng cháu thơ, nửa tháng sau bà lại về. Nhìn tấm lưng còng, đôi chân trần leo lên con dốc, mẹ Quyên đón bà, đôi mắt đỏ hoe. Cả ngày hôm ấy, bà rủ rỉ rù rì cùng mẹ. Tối đến, bà nói chuyện với ba Quyên rất lâu. Trước khi lên giường, bà nói: “Là o tính như rứa. Hai vợ chồng liệu mà sắp xếp. Nhưng trước mắt cứ cho lũ trẻ di tản mấy tháng hè. Ở kiểu ri, nóng chịu răng thấu. Nhìn thằng cu nổi rôm dày cứ như cơm cháy, o xót lắm”. Vào giường, nằm xuống bên Quyên, bà lại nói thêm: “Hay mi sợ o nuôi không nổi? Cái thời bo bo cơm độn sắn, o còn lo cho mi học hành đến nơi đến chốn. Huống chi bây chừ.” Chủ nhật sau đó, ba mẹ con Quyên theo bà về sống trong căn nhà nhỏ nằm ven sông Bồ. Hết hè, mẹ và em trai về lại Lăng Cô, còn Quyên sống với bà từ đó.

*

Quyên dọn mấy chén chè trên bàn thờ ra mâm. Tiếng bà Quyên từ nhà sau vọng lên:

- Chỉ dọn chè trên bàn linh thôi bé nghe. Còn bàn Phật để qua rằm hãy hạ.

- Dạ, bé biết rồi mệ nờ. - Quyên đáp.

Quyên đem mâm chè ra đặt trên chiếc chõng tre trên chái hiên nhà. Những chén chè nho nhỏ, xinh xinh. Nhìn những hạt đậu như hoa cau vàng ươm lơ lửng trong nước bột lọc sánh mượt, trong suốt. Nghe mùi nước cốt dừa béo béo quyện vào vị ngọt thanh của bột; mùi thơm của đậu xanh hấp chín; nồng nàn, trinh nguyên của hoa bưởi trắng, chưa ăn Quyên đã thấy mát cả lòng. Những chén chè thanh đạm ngày rằm của bà cũng chính là món quà thơ ấu ngọt ngào của chị em Quyên, nhất là đối với Minh - cậu bé ngay khi mới lọt lòng đã được bà chăm bẵm, ẵm bồng. Quyên còn nhớ, khi ba mẹ Quyên được chuyển về Huế, hầu như dịp nghỉ lễ hay chủ nhật nào Minh cũng đạp xe về làng. Vừa đến ngõ, chưa thấy người, tiếng gọi bà, gọi chị đã vang vang:

- Dạ mệ, cháu về đây ạ.

- Mệ ơi, có chè khôn mệ?

- Chị Quyên ơi, lấy cho em một chén chè to nhé! Cho em nhiều nhiều nước cốt dừa nhé!

Cái cậu bé hảo ngọt ấy, bây giờ đã là giảng viên trường đại học. Không biết lễ Vu Lan này có đưa vợ con về thăm bà không. Bà Quyên khoác chiếc áo màu lam, chân mang đôi hài mới. Bà đến ngồi bên Quyên, hai chân bỏ bên ngoài mép chõng, chân ướm ướm vào từng chiếc hài nhung trên nền gạch tàu.

- Dép ni, bé chọn màu đen mệ rất ưng. Mệ đi rất vừa, lại êm chân ghê bé nờ.

Biết bà ưng ý với món quà mình vừa tặng, Quyên rất vui. Quyên bỗng nhớ lại “cuộc cách mạng chân đất” năm nào. Năm học lớp 7, khi nhận phần thưởng học sinh giỏi văn cấp huyện, Quyên đã mua tặng bà đôi dép Nhật. Bà ngạc nhiên, bỡ ngỡ. Mấy chục năm, đôi chân trần đã quen với ngày mưa tháng nắng, ngón chân cái bè ra, cứ trùi trụt, quai dép vướng víu bước chân. Nhưng không lâu sau đó, đôi dép theo chân bà thong dong gánh rau ra chợ. Nó cùng bà đi chạp giỗ, việc họ, việc làng. Chỉ cần ai hỏi hoặc ngạc nhiên nhìn xuống đôi chân, là có cớ để bà khoe: “Dép ni, con bé cháu tui nhận thưởng học sinh giỏi, nó mua tặng mệ. Vừa in chân tui hỉ?”. Từ đôi dép đầu tiên, bây giờ bà có cả một “bảo tàng” giày dép. Quyên là người khởi xướng nhưng góp nhiều nhất vẫn là Minh. Bà giữ chúng cẩn thận và nhớ như in lịch sử từng đôi một: “Dép ni của Quyên tặng khi đạt học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Giày nớ của Minh mang về sau kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp Quốc gia...”. Bây giờ, mỗi đôi dép của Quyên tặng bà là dấu ấn những chuyến đi xa. Đôi hài nhung kia, Quyên mua tại một cửa hàng thủ công ở Thượng Hải. Đôi hài ấy có vẻ như không hợp lắm với chiếc áo tràng bà đang mặc. Nhưng bà Quyên không quan tâm việc ấy. Chốc nữa, nó sẽ theo bà đi chùa. Bà sẽ đặt nó trước cửa chánh điện, chỗ nhiều người dễ nhìn thấy nhất. Và khi có ai hỏi, cái miệng móm mém ấy, sẽ nở nụ cười thật tươi, bà sẽ khoe: “Của con bé Quyên tui mới mua về, tận bên Trung Quốc í bác (o) nờ.” Khi nhận quà, người già hóa con trẻ là có thật. Quyên nhìn bà, tủm tỉm cười.

- Mi cười cái chi đó bé?

Thấy bà có vẻ bực mình, Quyên vội đặt chén chè xuống mâm. Bưng một chén khác mời bà, xoa dịu:

- Chè ngon lắm mệ nờ. Hạt hoa cau béo bùi chi lạ. Mệ ăn với bé cho vui?

- Mệ khôn ăn mô. Mệ ra chùa với mấy mụ đầu xóm đây.

*

Bà vừa ra khỏi cổng, Quyên đem mâm chè xuống bếp, rồi đi ra bến. Đêm xuống đã lâu. Trăng sáng vằng vặc. Ánh trăng dát vàng trên mặt nước lóng lánh. Quyên bước xuống chiếc ghe nhỏ, ngồi sau lái, chèo qua sông. Từng cơn gió mát rượi từ núi xa, lướt qua đồng ruộng, la đà trên những biền rau. Mùi của đất biền mang mang quyện vào sông nước. Chiếc ghe chở mùi hương sông Bồ trôi trôi, rồi tấp vào cái bến nằm cạnh con hói nhỏ, tiếng nước róc rách đổ xuống dòng sông. Một gã đàn ông ngồi ôm đàn trên bậc cấp bến. Mũi ghe còn cách bờ một khoảng nước, gã đã đứng dậy, nhún chân bước xuống mũi ghe, nhẹ nhàng như chú mèo tam thể của bà Quyên đang nằm ngủ trên hiên nhà, thoáng thấy bóng chủ đi chợ về đến ngõ, thoắt một cái xuống đã xuống sân, quấn lấy chân người. Gã ngồi xuống thanh gỗ bắc ngang đầu mũi ghe, chiếc đàn ôm gọn trong lòng, cất tiếng nói:

- Quân ngỡ đêm nay Quyên không sang.

- Quyên cũng định không sang, vì không nghe tiếng đàn của Quân. - Quyên cho ghe ra giữa dòng và đáp.

- Quyên không nghe được tiếng đàn mô. Vừa rồi trên sông ni có lễ phóng sinh. Hoa đăng còn sáng trên sông tề.

Quyên nhìn theo tay Quân. Xa xa đèn hoa bập bềnh trôi trên sông như bầy đom đóm lập lòe vũ hội. Giữa dòng, một cặp thuyền rồng ghép đôi sáng rực ánh đèn, thấp thoáng bóng áo vàng, áo lam. Thuyền trôi ngược hướng ghe Quyên, vọng lại tiếng chuông mõ hòa trong lời kinh ngân nga cầu nguyện.

- Để Quân giúp Quyên một tay chèo.

Quân ngồi xoay lưng về phía Quyên, chiếc đàn nằm tựa lên thanh gỗ. Quân cầm chèo. Ghe lướt băng băng. Sóng nước lùa vào nhau. Từng đợt sóng chao làm vầng trăng in trên mặt sông loang vỡ. Quyên cầm hờ tay lái, để mặc ghe lướt đi trong tay chèo của Quân. Quyên bỗng chìm về trong nỗi nhớ. Nhớ về những ngày dấu yêu xưa. Vẫn dòng sông này. Vẫn chiếc ghe nhỏ qua về hai bến. Quân và Quyên đã có thời niên thiếu bên nhau. Tình bạn thân thiết bắt đầu từ năm học lớp 7. Năm ấy, thầy Thanh, giáo viên chủ nhiệm, cũng là giáo viên dạy bộ môn Ngữ Văn, người thầy giáo già sắp về hưu đã nhen nhóm, thổi bùng tình yêu văn học cho Quyên. Khi Quyên đạt giải Ba học sinh giỏi Văn cấp huyện, thầy đưa Quyên đi chọn mua đôi dép đầu tiên cho bà. Thầy bảo Quyên hãy nói với bà rằng: “Mệ mà đi đôi dép ni, năm học sau, bé sẽ phấn đấu đạt giải cao hơn”. Thầy đã giúp Quyên thực hiện lời hứa với bà. Mỗi tuần, hai buổi, Quyên ôm cặp sách qua nhà thầy. Nhà thầy ở bên kia sông, chèo ba bốn hơi dài là mũi ghe đã tới bến. Người đưa đón Quyên chính là Quân, con trai út của thầy, bạn cùng khối nhưng khác lớp với Quyên. Đường vào nhà thầy Thanh, một bên con hói nhỏ, một bên là hàng bằng lăng cổ thụ với tháp lá xanh um. Quyên nhớ mãi những buổi chớm thu, khi gió heo may se se lạnh, hai thầy trò ngồi dưới giàn đậu rồng nở hoa tim tím, ngai ngái nồng nồng, thầy nghe Quyên phân tích tác phẩm bằng văn nói. Thầy khen Quyên có chất giọng truyền cảm, sau này nên chọn ngành phóng viên hoặc phát thanh viên. Quyên nhớ có một lần, khi thầy đang giảng say sưa, mắt Quyên lại gửi ngoài khung cửa sổ nhìn mây trắng bồng bềnh trôi, nhìn những quả nhót chín đỏ, mọng nước, đong đầy cành. Quân ngồi cạnh, bút chạm khẽ tay Quyên. Nhìn sang Quân, trang vở trắng tinh. Quân nheo mắt cười hiền lành, thú nhận: “Học với Quyên cho vui í mà.” Từ ngày học với Quân, bà bảo Quyên trở nên đằm tính. Không còn ngổ ngáo, xăn quần đến gối đi đá banh cùng lũ con trai trong xóm. Chiếc ná bắn chim được bà treo lên gác bếp. Bụi dây mây ranh vườn, trái chin vàng xám, rơi rụng, không có dịp chui vào ống trúc; chú mèo con có thể suốt ngày nằm lim dim trên thềm, không giật mình, choàng dậy bởi tiếng “bụp… bụp…” phát ra từ cái ống thụt của cô chủ thích đùa dai. Quyên thích thơ thẩn theo chân Quân lên cồn Săm hái trái sim chín. Quyên thích ra sông câu cá, kiên nhẫn ngồi im hàng giờ, chờ cá đớp mồi. Quyên tỉ mẩn làm diều, nắn nót chép những bài thơ ngô nghê, rồi thả chúng lên bầu trời cao vời vợi. Nhưng thích nhất, vẫn là được cùng Quân chèo ghe khám phá dòng sông quê. Cứ những đêm trăng sáng, ghe xuôi về hạ lưu. Xa thật xa, Quyên thấy con sông Bồ như dài bất tận…

- Ghe đã xa làng lâu rồi Quyên nờ. Có tiếp tục cuộc viễn du khôn Quyên.

Quân chợt lên tiếng hỏi. Quyên sực tỉnh, nuối tiếc giấc mơ hoa:

- Làm răng ra được biển. Cho ghe về bến thôi Quân.

Quân ngưng tay chèo, xoay trở lại ngồi đối diện với Quyên. Quyên bẻ lái, cho ghe về hướng cũ, rồi cất tiếng hỏi Quân:

- Quân về khi mô rứa? Thầy vẫn khỏe chứ Quân? Thầy có về với Quân khôn?

- Ba Quân vẫn khỏe. Mấy ôn con về được hơn tháng rồi. Mấy đứa bạn lớp mình có về thăm, ôn cứ nhắc và trông Quyên nhiều lắm.

- Quyên mới đi công tác về sáng ni. Ngày mai hoặc ngày tê Quyên sẽ sang thăm thầy. Mới đó mà mười ba năm Quyên không gặp thầy rồi.

- Hơn mười năm không gặp, trông Quyên khác xưa nhiều.

- Quân cũng rứa. Nhìn ra dáng ông bố lắm tề.

Quân lặng im. Đầu hơi cúi xuống, mái tóc bồng xòa ra che vầng trán cao, đôi mắt buồn buồn. Dây đàn rung nhẹ. Từng nốt nhạc quen thuộc vang lên. Rồi Quân cất tiếng hát: “Ngày xửa ngày xưa/ Đôi ta chung nón, đôi ta chung đường...”. Tiếng hát ru Quyên về miền ký ức hoa mộng thuở nào. Quyên như được dìu đi trên đường xưa lối cũ. Con đường Lê Lợi rợp bóng cây xanh. Qua cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp. Con đường Đinh Tiên Hoàng dài hun hút, phố xá lùi dần. Qua cửa An Hòa. Qua chiếc cầu trắng cong cong. Hai chiếc xe đạp thong dong đi giữa cánh đồng lúa Triều Sơn bát ngát. Những con đường qua phố. Con đường về làng. Câu chuyện giòn tan của Quân và Quyên hầu như không bao giờ kết thúc. Quyên còn nhớ, xong buổi thi cuối cấp, Quân đưa Quyên ghé bến Phu Văn Lâu. Ngồi bên nhau, trên băng ghế đá, dưới tàng phượng vĩ rực lửa hồng, hai đứa cứ lặng im, lắng nghe những chú ve hòa tấu khúc nhạc mùa hè xôn xao trong kẽ lá. Cùng lặng nhìn sang bên kia bờ, trong ánh nắng vàng chiều hè, hai ngôi trường hồng hơn trăm tuổi, nằm sóng đôi, trầm mặc, uy nghi, in bóng nước. Cả một thời thanh xuân của Quân và Quyên ở đó. Cả mối tình thầm lặng, ngây thơ, chỉ biết trao nhau qua ánh mắt. Quân bỗng vụng về nắm tay Quyên và thầm thì: “Quân mong chúng mình sẽ mãi bên nhau như ri, nhé Quyên.” Lúc ấy, Quyên chỉ biết gật đầu, má chợt nóng ran khi biết Quân khẽ hôn lên mái tóc.

Bài hát dở dang. Tiếng đàn ngưng bặt. Bỗng nhiên Quân ngẩng đầu lên, nhìn Quyên, cất tiếng hỏi:

- Vì răng Quyên chia tay Quân?

- Vì răng Quân đi cưới vợ? Quyên hỏi ngược lại Quân.

Quân lặng im, cúi đầu, bối rối. Quyên lảng sang chuyện khác:

- Trai hay gái vậy Quân?

- Hở?

- Con Quân là cu hay bé? - Quyên hỏi lại.

- Bé gái. Tên Ái Quyên. Tháng tới bé tròn sáu tuổi. Suốt ngày bé quấn theo chân ôn thôi. Ôn dạy cháu đọc thơ, kể chuyện. Giọng bé lơ lớ nghe dễ thương chi lạ. Đầu năm học này sẽ vào lớp 1 trường làng mình, Quân lo bé không theo kịp bạn bè.

- Quân đưa bé về ở hẳn à?

- Lần ni, về ở hẳn. Hơn mười năm qua, ba và Quân đều đau đáu nỗi nhớ quê nhà Quyên à.

- Còn cô và vợ Quân thì răng?

- Bây chừ, hai ôn con đều cùng cảnh “gà trống nuôi con”. Ba, mẹ Quân đã ly dị sau ba năm sang Mỹ. Tuần tới Quân về lại bên ấy, hoàn tất thủ tục...

Quyên cảm thấy hụt hẫng, xót xa. Đó là lý do Quân nhắn tin Quyên ra bến đó sao. Nhìn Quân ủ rũ, Quyên cảm thấy chạnh lòng. Có phải do Quyên chia tay năm ấy mà Quân lâm vào hoàn cảnh trớ trêu. Cơ sự nông nổi phải trách người mang nặng đẻ đau sinh ra Quân ấy. Người phụ nữ xinh đẹp, quý phái mà nói lời chì chiết làm người ngoài cuộc cũng phải đau lòng. Huống hồ là Quyên. Nỗi ấm ức tưởng đã nguôi ngoai theo năm tháng, chợt trào lên, buốt nhói con tim. Mười ba năm trước, Quyên cầm tờ giấy trúng tuyển đại học, chân sáo bước qua ngõ nhà thầy Thanh. Vừa đặt lên thềm, Quyên nghe có tiếng người đang tranh cãi. Nép sát vào tường, Quyên nhìn qua khe cửa, thầy Thanh ngồi trên chiếc bàn Quyên và Quân vẫn thường ngồi học, giọng nhỏ nhẹ, từ tốn: “Em đừng nặng lời với con. Mà cả với bà cháu Quyên cũng rứa.” Người phụ nữ đứng bên khung cửa sổ, mẹ Quân, Quyên đã từng gặp trong buổi sinh nhật Quân; bà nguýt thầy, giọng nói đanh và sắc, rõ từng tiếng một: “Tui là rứa. Ôn mệ có sống dậy cũng khôn can tui được huống hồ là cha con ôn. Tui khôn đời mô sang hỏi cưới cho thằng Quân, cái con nhỏ ôn cho là ngoan hiền, thông minh, học giỏi; với tui, nó chỉ là đứa trôi sông lạc chợ, cù bất cù bơ. Cứ nghĩ cái cảnh một mụ nhà quê chân khôn đời mô xỏ vào quai dép, ngồi lên chiếc xe hơi với tui, rồi tui phải cung kính gọi mụ ấy là o thông gia nữa. Mơ giữa ban ngày à. Đừng hòng. Tui không quên chuyện năm xưa mô...”. Chỉ nghe chừng ấy, nước mắt Quyên rơi tầm tã. Quyên bỏ chạy ra bến. Bước xuống mũi ghe, loạng choạng, Quyên ngã ùm xuống sông. Trầy trật mấy lần mới ngồi lên sau lái, Quyên chèo một hơi ra giữa dòng. Lần đầu tiên, Quyên ngược thượng nguồn sông Bồ. Quyên chèo ghe đi trong vô thức. Ghe đi, đi mãi, đến khi trời tối mịt. Không biết làm sao ghe về lại bến. Không biết Quyên về nhà lúc nào. Hôm sau, Quyên tỉnh dậy, thấy bà ngồi đầu giường, tay cầm chén cháo, bà dỗ dành Quyên: “Cháo cá diếc mệ nấu ngon lắm. Bé gắng mà ăn để giải cảm. Còn duyên còn nợ thì chờ nhau trọn kiếp cũng được bé à. Chuyện chi cho qua được hãy cho qua. Năm học mới sắp bắt đầu rồi. Mệ mong bé học thật giỏi, lĩnh nhiều phần thưởng, để mệ còn được mang nhiều dép mới.” Nửa tháng sau, vừa hết sốt thương hàn, Quyên ra Hà Nội học. Còn Quân theo gia đình sang định cư ở Mỹ.

- Quyên nì... bà và Quyên chắc buồn giận mẹ Quân chuyện năm xưa lắm. - Quân lại cất tiếng, giọng nói ngập ngừng.

- Quyên chỉ buồn chứ khôn giận. Còn bà Quyên chẳng biết chi mô. Chuyện chi đã qua rồi Quân hãy để cho nó qua...

Quyên bỏ dở câu nói vì chợt nhớ mình đang lặp lại lời bà. Quân trở nên lúng túng:

- Quân thay mặt mẹ xin rút lại những lời đã nói. Quân muốn nói điều ni với Quyên... - Quân lại ngập ngừng.

- Trước khi đến với mẹ, ba Quân đã từng hỏi cưới mệ Quyên. Chuyện ni, chừ Quân mới biết. Cả nhà Quân đã nợ một lời xin lỗi chân thành... Mong Quyên và mệ hãy nhận lời xin lỗi muộn màng ni, nghe Quyên.

Quyên sững người, bàng hoàng. Vầng trăng tròn vành vạnh bỗng khuyết dần, rồi chìm khuất vào đám mây đen, khuôn mặt Quân trở nên nhạt nhòa. Ghe cập vào sát bến. Quân cầm đàn đứng dậy, bảo Quyên:

- Chèo nhanh về đi Quyên, kẻo mưa ướt hết.

- Bao giờ Quân đi?

- Ngày tê. Lúc mô rảnh rỗi nhớ sang thăm ôn và chơi với bé Ái Quyên giúp Quân với, Quyên nghe.

Vừa dứt lời Quân nhún chân nhảy thót lên bậc cấp bến. Chiếc ghe bị sức bật của đôi chân Quân dạt ra xa, chòng chành. Quyên chới với, rồi lấy đà cho ghe về hướng biền ngò. Quyên ra sức chèo, chạy đua với đám mây đang vần vũ kéo đến và Quyên cũng đang chạy trốn ánh mắt đang dõi theo ghe mình. Mưa Ngâu sụt sùi như trút bao nỗi niềm xuống cả hai bến sông.

*

Quyên vào nhà, người ướt loi ngoi như chuột lội. Nhìn chiếc áo tràng mắc ngay ngắn trên tường và đôi hài nhung đặt trên kệ, Quyên biết bà đi lễ chùa đã về. Quyên thay áo quần rồi rón rén ra ngồi trên chiếc chõng tre sấy tóc. Tiếng máy rè rè tỏa ra luồng nhiệt làm khô tóc và sưởi ấm cơ thể Quyên, nhưng nó vẫn không át được những lời Quân đang văng vẳng bên tai. Quyên ngồi nhớ và xâu chuỗi những sự việc, càng thấy mình sống quá ơ thờ, thậm chí vô tâm với bà. Quyên nhớ có lần ba Quyên đã từng kể rằng thời con gái, bà xinh đẹp lắm, biết bao trai trong làng ngấp nghé, nhưng bà chỉ mong được làm cô dâu mới nhà bên kia sông. Hai bến sông, chiếc ghe chèo nhỏ nối liền những cuộc hẹn hò. Đôi trai gái náo nức chờ ngày cưới. Nhưng tai nạn giao thông đã cướp đi anh trai và chị dâu, bà trở thành người mẹ đơn thân nuôi đứa cháu trai chưa đầy hai tuổi. Vất vả. Tảo tần. Đôi chân trần ngược xuôi đã nuôi ba Quyên khôn lớn. Mấy chục năm qua, không biết bao lần bà ra bến, trông sang bên kia bờ, khóc cho mối tình đầu dang dở. Không biết bao đêm dài, mỏi mòn mong nhớ người yêu trong nỗi tuyệt vọng, xót xa. Chắc hẳn, đêm nay bà vẫn còn thao thức…

- Răng khôn vào ngủ hở bé? - Tiếng bà Quyên vọng ra sau màn.

- Dạ.

- Mệ đã đem gối chăn của bé sang giường đây rồi nghe Quyên.

- Dạ mệ.

Sau những chuyến đi xa, về lại nhà, bao giờ đêm đầu tiên, Quyên cũng ngủ với bà. Quyên sẽ kể cho bà nghe những nơi Quyên vừa đặt chân đến. Về những miền đất mùa đông chìm trong tuyết giá. Hoặc về thành phố có đêm tháng sáu sáng hồng. Hay xứ sở của chùa vàng. Lâu đài cổ. Trường thành xưa... Tất cả như huyền thoại với bà Quyên. Bà ngỡ ngàng, háo hức lắng nghe tựa hồ như Quyên hồi còn bé đắm chìm với những chuyện xưa tích cũ rồi chìm vào giấc ngủ với mộng mị thần tiên. Quyên vén tấm màn, ngồi lên giường, đẩy nhẹ chiếc gối bà thêu tay sang bên. Bà biết ý, kê cánh tay cho Quyên gối đầu. Quyên nằm xuống, tóc Quyên xõa ra trên cánh tay bà. Bà nghiêng người, lùa những ngón tay gầy chải tóc cho Quyên. Quyên nép vào lòng bà, hơi ấm của bà, mùi ngò gai từ bàn tay bà phảng phất, mùi đất biền mang mang qua khung cửa sổ như ùa vào căn phòng. Quyên cảm thấy bình yên hơn bao giờ hết. Tâm trạng rối bời bời vụt tan biến như quầng mây đen vừa cuốn bay đi trong gió. Đêm nay, Quyên muốn phá lệ, muốn tâm sự cùng bà. Loay hoay mãi vẫn không biết mở đầu thế nào. Bà Quyên đã lên tiếng trước:

- Bé có điều chi muốn nói với mệ à?

- Dạ.

Quyên ngập ngừng một lúc, rồi hỏi:

- Mệ nì, cái lần bé ngược thượng nguồn sông Bồ, làm răng bé về nhà được hở mệ?

- Thầy Thanh đi tìm và đưa bé về nhà. Lần ấy, cũng may có thầy, khôn thôi mệ chẳng biết làm răng nữa.

- Răng mệ khôn nói cho bé biết?

- Thầy dặn mệ rứa? Đêm ni, Quân có nói chi với bé khôn?

- Dạ, nói nhiều lắm mệ nờ. Chuyện ly hôn của Quân, cả của thầy nữa. Chuyện về nước ở hẳn. Quân có bé gái sắp tròn sáu tuổi, đặt tên Ái Quyên mệ nờ. Quân còn ngỏ lời…

Quyên bỏ dở câu nói. Nói tiếp rằng Quân đã ngỏ lời xin lỗi chuyện năm xưa, Quyên phải giải thích với bà về cái vết thương lòng mà Quyên hằng giấu kín hơn mười năm qua. Vì lẽ đó, bà đã hiểu sang hướng khác. Bà không chải tóc cho Quyên nữa, bàn tay vỗ nhè nhẹ vào lưng Quyên, thủ thỉ:

- Mệ thấy Quân là người tốt. Mà thầy Thanh thì bé biết rồi. Bé có ngày hôm ni phần lớn nhờ công lao thầy dạy dỗ. Thầy chính là người sinh ra bé lần thứ hai sau cái đêm hãi hùng nớ. Bé đừng câu nệ chuyện vợ con của Quân. Con gái chỉ có một thì, đã qua không quay lại được bé nờ.

Quyên biết bằng trải nghiệm của cuộc đời và cả cuộc tình ngang trái, dở dang, bà đã rút gan ruột nói ra. Đúng là thời xuân sắc của bà đã qua, nhưng hạnh phúc tuổi già vẫn còn trong tầm tay với. Nhất định Quyên sẽ bắc nhịp cầu Ô Thước cho bà sang sông. Quyên nghiêng người ôm lấy bà:

- Mệ ơi, Quân nhờ cháu sang chăm bé Ái Quyên thời gian Quân về lại Mỹ. Mệ thấy răng?

- Còn răng nữa. Việc nên làm bé nờ. Mà con bé ấy dễ thương lắm tề. Mệ từng chộ mấy lần khi hai ôn cháu đi chợ Hương Cần.

- Nhưng tuần tới bé đi châu Âu rồi. Mệ giúp cháu với nhé.

- Thấy bà im lặng, Quyên tiếp tục thuyết phục:

- Có chi mà mệ ngại. Thầy cô đã chia tay mười năm rồi mệ nờ. Tuổi đã già, một mình thui thủi. Chừ lại chăm thêm bé cháu nội. Hoàn cảnh thầy tội quá mệ hè. Mà có lâu lắc chi mô. Quân qua bên nớ, chắc ít ngày rồi về ngay í mà.

Bà không nói gì, chỉ thở dài. Biết bà đã xiêu lòng. Quyên phấn khởi đề nghị:

- Sáng mai bé đưa mệ đi chợ. Rồi hai mệ cháu mình sang sông, gặp bé Ái Quyên, luôn tiện làm bữa cơm tiễn Quân luôn mệ hỉ?

Bé tính răng mệ làm theo như rứa. Mệ chỉ mong bé được hạnh phúc. Đành rằng duyên phận không thể cưỡng cầu, bé đừng nên học mệ làm mụ o già mà sau ni phải khổ.

- Dạ, cháu biết rồi mệ. Mệ ngủ đi, sáng mai còn đi chợ sớm với bé nữa.

Quyên khẽ nhích người sang bên, gối đầu trên chiếc gối thêu. Bà Quyên trở lại tư thế nằm như lúc ban đầu. Nhắm mắt nhưng Quyên không tài nào ngủ được. Quyên băn khoăn, đắn đo vì chưa nói hết được những điều mình đang ấp ủ trong lòng. Lúc này, nói ra, e rằng bà Quyên không chịu sang sông. Mà Quyên lại mong, ngày mai, cuộc gặp gỡ sẽ là bước ngoặt của đời bà. Cứ gì nước mắt mãi chảy xuôi để bà phải sống trong đơn côi, gối chiếc. Sao cha con Quyên được sống an yên, hạnh phúc còn bà phải cam chịu hy sinh. Bà Quyên bỗng trở mình, chắc bà cũng không ngủ được. Quyên nghiêng người ôm lấy bà, lần đầu tiên Quyên kê cánh tay làm gối cho bà. Quyên lùa tay vào mái tóc bạc, nghe mùi bồ kết vương vít từng kẽ tay. Quyên xoa vuốt dọc sống lưng bà, vuốt ve tấm lưng còng đã gánh hai cuộc đời đi qua năm tháng. Xa xa, có tiếng gà gáy sáng. Quyên thầm thì vào tai bà:

- Mệ ơi! Chừ bé chỉ xem Quân là người bạn tri âm tri kỷ. Bé mong mệ hãy đến với thầy. Bé Ái Quyên cũng cần có bàn tay của mệ như cháu ngày xưa ấy…

Quyên chưa dứt lời, đã nghe cánh tay mình âm ấm và ươn ướt. Bà Quyên đang khóc đấy ư? Quyên khẽ kéo cánh tay áo lau nước mắt cho bà, mũi Quyên thấy cay cay. Bà nép hẳn người vào lòng Quyên, úp mặt vào ngực áo Quyên, ngoan hiền tựa chú mèo con, sau cuộc đuổi hình bắt bóng với chính mình trên sân nắng, mệt nhoài, đến nằm trong lòng cô chủ, lim dim, mơ màng, đón nhận sự âu yếm, vuốt ve. Từ bờ sông vọng vào tiếng chuông chùa. Chuông công phu đổ từng hồi, gióng giả. Đêm rằm tháng bảy đã qua. Mưa Ngâu sụt sùi tạnh hẳn. Cầu Ô Thước bắc xong một nhịp. Mùa Vu Lan báo hiếu bắt đầu.

T.G
(TCSH431/01-2024)

 

 

Các bài đã đăng
Về làng (07/02/2025)
Nguyệt quế hoa (04/02/2025)
Ánh sao đêm (26/01/2025)
Từ đường (16/01/2025)
Nghệ sĩ (14/01/2025)
Thánh vật (13/01/2025)