Phóng sự
Người bỏ dở công trình khoa học
08:43 | 28/06/2022

NGUYỄN KHẮC PHÊ
             Phóng sự

Hẳn sẽ có người bảo: Thiếu gì người thành công trong nghiên cứu khoa học mà anh lại đi viết về người bỏ cuộc. Vậy mà người bỏ dở công trình khoa học này lại có điều đáng nói. Như vậy cũng coi như là một sự lạ!

Người bỏ dở công trình khoa học
BS Đoàn Văn Hân tại Phòng làm việc của Viện Nghiên cứu Y học quốc gia Pháp (INSERM) năm 1992 - Ảnh: nhân vật cung cấp

Con người đó là bác sĩ Đoàn Văn Hân. Năm 1986, với bút lý "Những vòng tròn vĩnh cửu (đăng trên tạp chí "Sông Hương" số 22) tôi đã viết về những thành công của anh - hai công trình Lịch vĩnh cửuLịch châm cứu vạn niên cùng được Ủy ban Khoa học Nhà nước cấp bằng sáng chế vào năm 1985, khi anh chưa đầy 30 tuổi. Từ đó, lặng lẽ theo đuổi công trình khác, anh ra Hà Nội học và nghiên cứu tại Viện Đông y như một học trò nghèo, mang theo món thức ăn rất rẻ, giàu chất đạm, lại đỡ công nấu nướng: ấy là nước tương mà chùa nào ở Huế cũng có. Rồi anh được sang Pháp nghiên cứu. Đáng lẽ vào năm 1994 này, tôi có thể viết tiếp về thành công mới của anh, nhưng thật đáng tiếc, anh đã phải bỏ dở công trình khoa học, trở về nước từ tháng 9 năm ngoái.

Tôi gặp lại Hân khá muộn, vì anh bận lo các thủ tục giấy tờ sau khi về nước. Cũng có thể là Hân có phần ngại gặp tôi khi không có thành công xứng đáng mang về và ngại... tôi sẽ "gây sự” với tư cách một nhà báo.

Quả là đáng "gây sự" khi một nhà khoa học không phải vì ốm đau, không phải đã hết khả năng nghiên cứu - ngược lại, đang được các cơ quan khoa học có uy tín của một nước có trình độ cao như Pháp trọng thị - cũng không hề chạy theo buôn bán làm ăn như "ai" đó khi mượn cớ ra nước ngoài "nghiên cứu", mà đành phải bỏ dở công trình sắp đi tới đích. Mặc dù đã được thấy tận mắt một tập văn bản - trong đó có giấy chứng nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp về những công việc mà bác sĩ Đoàn Văn Hân đã thực hiện, tôi như vẫn không muốn tin, hỏi lại:

- Như vậy là Hân đã xin ở lại làm nốt công trình, nhưng nhà trường vẫn gọi về?

- Vâng. Trường phải gọi về vì Bộ Y tế không đồng ý cho em ở lại.

Tôi đã phải tin khi đọc lại thông báo ngày 10/8/93 của Trường Đại học Y Huế do giáo sư Võ Phụng ký và bức điện ngày 3/8/93 của Bộ Y tế do Phó Vụ trưởng Vụ TCLĐ Nguyễn Thế Hùng ký. Dù vậy, tôi vẫn trách anh:

- Sao Hân không tin cho tôi biết? Tôi chẳng có quyền lực gì, nhưng với tư cách một nhà báo, tôi có thể viết thư cho anh Truyền - Thứ trưởng Bộ Y tế - mà tôi có chút quen biết. Anh ấy là một nhà khoa học đáng trọng và Bộ trưởng Nguyễn Trọng Nhân thì càng nổi tiếng với những công trình khoa học, lẽ nào không ủng hộ Hân?

Hân cười nhẹ và nói nhỏ:

- Thôi, bây giờ thì mọi sự đã chậm trễ. Anh cũng đừng viết báo làm gì thêm phiền. Mà anh chưa biết giáo sư Đào Thế Tuấn cũng đã gửi thư cho Bộ Y tế...

Tất nhiên tôi liền đòi xem lá thư đó. Đọc lá thư của giáo sư - viện sĩ Đào Thế Tuấn, tôi càng lấy làm kinh ngạc và ngờ ngợ không tin những người lãnh đạo cao nhất Bộ Y tế - những nhà khoa học có uy tín, đã xem kỹ lá thư này mà sau đó lại nỡ ra chỉ thị cho Vụ TCLĐ viết một bức điện có dòng chữ gay gắt, như đối tượng là một tội phạm: "gọi bác sĩ Hân về nước ngay"!

Đối với bác sĩ Hân thì quả là "mọi sự đã chậm trễ”, nhưng bao nhiêu người đang và sẽ ra nước ngoài nghiên cứu khoa học vẫn cần có điều kiện tốt nhất để hoàn thành những công trình của mình, nên tôi đành trái ý bác sĩ Hân và xin phép Viện sĩ Đào Thế Tuấn công bố bức thư mà Viện sĩ đã gửi cho Ông Bộ trưởng Bộ Y tế và Ban Giám hiệu hai Trường Đại học Y khoa Hà Nội và Huế ngày 5/7/1993. Lá thư viết:

"...Nhân chuyến đi công tác tại Pháp trong tháng 6 vừa qua, tôi có gặp bác sĩ Đoàn Văn Hân nguyên là cán bộ giảng dạy Trường Đại học Y khoa Huế, nghiên cứu sinh khóa 8 của Trường Đại học Y khoa Hà Nội hiện là thực tập sinh tại Đơn vị 2 của Viện nghiên cứu y học quốc gia Pháp (INSERM-U2) được tổ chức CCFD cấp học bổng sang thực tập tại Pháp từ tháng 5/1991 trong thời gian một năm. Bác sĩ Đoàn Văn Hân đã được giao trách nhiệm giữ vai trò thực hiện chính trong một công trình nghiên cứu kết hợp giữa Đơn vị 2 và Đơn vị 296 của Viện. Bác sĩ Đoàn Văn Hân đã hoàn thành xong phần đầu của công trình và được chọn tham dự trong Hội nghị quốc tế về tim mạch (GRRC) tổ chức tại La Baune trong tháng 4 vừa qua. Phần thứ hai của công trình là nghiên cứu ảnh hưởng tính hàn nhiệt của Quế Việt Nam (tính nhiệt) và của Hoàng Liên (tính hàn) đối với hô hấp tế bào trên mitochondrie của tế bào cơ tim để bổ sung cho đề tài nghiên cứu sinh trong nước. Phần này của công trình đang thực hiện nhưng chưa xong thì đến kỳ hạn về nước, mặc dù vẫn được INSERM đồng ý tiếp nhận ở lại để hoàn thành đề tài. Bác sĩ Đoàn Văn Hân đã viết đơn xin gia hạn thực tập gửi cho Bộ Y tế, Ban Giám hiệu Trường Đại học Y khoa Hà Nội và Y khoa Huế để xin ý kiến nhưng chưa nhận được sự trả lời. Tôi đã gặp bác sĩ Bùi Mộng Hùng, chủ tịch Hội Y học Việt Nam tại Pháp, giám đốc nghiên cứu của Đơn vị 2 của INSERM và là người trực tiếp hướng dẫn công trình, cũng như đã gặp giáo sư B. Crozatier giám đốc đơn vị 2 và giáo sư G.Atlan giám đốc Đơn vị 296; tất cả đều đã đồng ý tiếp nhận bác sĩ Hân và đã đề nghị tôi trình bày với chính phủ Việt Nam cho phép bác sĩ Hân ở lại thêm một thời gian nữa để hoàn thành công trình nghiên cứu kết hợp giữa hai đơn vị của Viện.

Tôi nhận thấy bác sĩ Đoàn Văn Hân là một tài năng trẻ có khả năng nghiên cứu và đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học mà trong đó có 2 công trình đã được Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước cấp bằng tác giả sáng chế và Tổng công đoàn Việt Nam tặng bằng khen và Huy chương Lao động sáng tạo, đồng thời cũng là 2 trong số 12 công trình sáng chế đã được ủy ban KHKT Nhà nước chọn tham dự cuộc triển lãm quốc tế về Phát minh sáng chế và sáng kiến của tuổi trẻ do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức tại Bungari năm 1985. Một trong số hai công trình này cũng đã được Bộ Y tế và Hội đồng ACCT quốc gia chọn tham dự cuộc thi quốc tế lần thứ nhất và Sáng tạo khoa học và cải tiến kỹ thuật do cơ quan Hợp tác Văn hóa và kỹ thuật của Pháp (ACCT) tổ chức tại Pháp năm 1985. Đồng thời bác sĩ Hân là nhà sáng chế đã được Ủy ban KHKT Nhà nước chọn làm đại biểu đại diện cho các nhà phát minh sáng chế Việt Nam tham dự cuộc Hội thảo về Phát triển phát minh sáng chế và sáng kiến do Tổ chức WIPO và chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức tại Phi-líp-pin...

Mặt khác, việc học tập các kiến thức mới về khoa học căn bản của bác sĩ Hân là rất cần thiết để chứng minh và lý giải các công trình nghiên cứu khoa học của y học phương Đông; và hiện nay bác sĩ Hân hoàn toàn tự túc để học tập và nghiên cứu tại Pháp, không có nhận học bổng của một tổ chức nào, nên không có làm ảnh hưởng cho sự đi thực tập tại Pháp của những người khác.

Với tư cách là ủy viên Hội đồng chính sách Khoa học kỹ thuật Nhà nước và Hội đồng chức danh Khoa học, tôi kính đề nghị ông Bộ trưởng Bộ Y tế, Ban Giám hiệu Trường Đại học Y khoa Hà Nội, Ban Giám hiệu Trường Đại học Y khoa Huế xét và giải quyết cho bác sĩ Hân được tiếp tục ở lại Pháp một thời gian nữa học tập và hoàn tất công trình nghiên cứu để sau này về phục vụ đất nước..."

Tôi đã dài dòng chép lại lá thư của Viện sĩ Đào Thế Tuấn vì dù sao ý kiến của nhà khoa học, lại là nhân vật có danh vị đáng trọng ở tầm quốc gia, sẽ được bạn đọc tin cậy hơn là ngòi bút nhà văn, nhà báo mà không ít người đời vẫn quan niệm là hay tô vẽ thêm thắt; cũng để bạn đọc thấy, với một con người như thế, với một lá thư như thế mà "người ta" vẫn "gọi bác sĩ Hân về nước ngay" thì quả là đáng ngạc nhiên.

Không tìm được lý lẽ để giải thích, tôi lẩn thẩn tự hỏi: "Biết đâu vì anh chàng Hân kiêu căng, hay gây sự, tranh giành với đồng nghiệp nên bị người ta ghét? Ờ... Hay là vì lý do chính trị?..." Nhưng lập tức tôi bỏ những giả thiết ấy. Con người lúc nào cũng nhẹ nhõm, hiền lành, lúc nào cũng muốn giấu mình, lặng lẽ làm việc, cả đời chỉ biết "tranh giành" duy nhất một thứ là khổ công tìm tòi những điều nhân loại chưa biết thì sao có thể gây nên thù ghét? Còn chính trị ư? Gần mười năm trước, khi đất nước còn vô vàn khó khăn, có người đã nhầm khi lo ngại rằng cho anh đi dự hội thảo ở Phi-líp-pin rồi anh sẽ "đi luôn"! Nay thì giả như có ai đó có mưu đồ lôi kéo Hân, đương nhiên cũng sẽ vô vọng. Những sáng chế Lịch vĩnh cửu, việc tìm cơ chế ảnh hưởng tính hànnhiệt... đâu phải để phục vụ cho một tầng lớp, một phe phái nào, mà dành cho tất cả mọi người.

Vậy mà sự nghiệp dang dở, thật tiếc! Tôi đành nói với Hân, như một lời an ủi:

- Thôi, không nghiên cứu bên Pháp thì về tiếp tục nghiên cứu ở Huế vậy.

- Ở mình làm gì có điều kiện, anh. Muốn dùng một con chuột bạch thí nghiệm, phải xin duyệt mấy cấp mới được. Còn bên đó, em vẫn thường duyệt cho nhóm sinh viên thực tập dùng chuột bạch thí nghiệm hàng ngày.

- Vậy thì về ít năm, rồi lại sang tiếp tục.

- Còn làm gì được, anh. Khi đó, em đã quá tuổi để họ nhận vào nghiên cứu. Mà thôi, thời gian em đi học cũng đã nhiều: Trước khi sang Pháp, em đã ra Hà Nội học mấy năm...

Giọng Hân chợt nhỏ lại và thoáng buồn. Tôi có cảm giác như anh đang nói theo một "luận điệu" của ai đó. Phải rồi! Hẳn là không ít người cho rằng Hân đã được ưu đãi quá nhiều, hết đi học ở Hà Nội, lại sang Pa-ri nghiên cứu, thời gian "phục vụ công tác" chưa được bao nhiêu, nên không thể "ưu đãi" cho Hân ở lại Pháp một năm nữa để hoàn thành công trình! Còn cả trăm ngàn bác sĩ chưa được đi nước ngoài một ngày nào thì sao?...

Ôi chao! Nếu quả là có một quan niệm như thế thì đó cũng đáng coi là một sự lạ trong giới khoa học. Một bác sĩ từng được giới thiệu với quốc tế như là một nhà sáng chế trẻ tuổi tiêu biểu của đất nước, không màng cuộc sống hưởng thụ, tạm gác hạnh phúc gia đình, suốt năm tháng ép mình trên chiếc giường tầng chật hẹp, lung lay trong khu tập thể Viện Đông y Hà Nội, khổ công trau dồi kiến thức, những mong dò tìm được những quy luật bí ẩn của tự nhiên mà coi là sự ưu đãi sao? mà coi như là anh chàng đi chơi, chẳng "công tác" gì, chẳng làm nên tích sự gì! (Có lẽ vì thế mà năm 1994 này, nhà sáng chế vẫn được hưởng "nguyên lương" như năm 1986 - bậc 333 đồng, lương mới hệ số là 2,4).

Tôi đoán rằng những người liên quan đến "vụ” này sẽ mạnh mẽ tuyên bố là mình đã giải quyết đúng chính sách và rất công bằng, hợp lý. (Và có thể có người còn nói: "Tôi ưu đãi cho Hân ở lại nữa để rồi mang tiếng ăn của đút à?") Vâng, tôi cũng nghĩ là các vị có trách nhiệm đã rất công tâm, đã vì lẽ công bằng với số đông cán bộ viên chức ngành y tế nên đã buộc Hân phải bỏ dở công trình khoa học về nước. Có điều dù ở lĩnh vực nào, tài năng bao giờ cũng thuộc số ít nên cần phải có cách đối xử đặc biệt. Trong nghiên cứu khoa học (cũng như trong sáng tạo nghệ thuật) chủ nghĩa bình quân là một đại họa vì nó kìm hãm những tài năng. Ưu đãi cho một tài năng chính là vì quyền lợi của số đông, của muôn người. (Viết tới đây tôi chợt nhớ đến việc Lê-nin đã ra lệnh cấp tiêu chuẩn lương thực đặc biệt cho số ít các nhà khoa học Nga giữa lúc số đông nhân dân đang phải sống đói khổ vì nội chiến và cuộc xâm lược của đế quốc sau Cách mạng Tháng Mười...)

Cũng chính là vì quyền lợi lâu dài của "số đông", nên tôi buộc phải đưa câu chuyện không vui này ra công luận, chứ với Đoàn Văn Hân dù "một sự đã chậm trễ rồi". (Và không chừng, vì bài viết này, "người ta" sẽ làm khó dễ với Hân trong chuyện này, việc khác!). Tôi cũng không dám chỉ trích, kiện cáo gì ai cả. (Vì hình như tất cả đều thực hiện đúng "quy định hiện hành" mà!) Tôi chỉ muốn qua "vụ" này nêu một đề nghị khẩn thiết: cần phải có những quy chế, những chính sách riêng đối đãi với các tài năng để những trường hợp như Đoàn Văn Hân không lặp lại nữa.

*
Bây giờ, người bác sĩ phải bỏ dở công trình khoa học ấy đã trở lại "phục vụ công tác", ngày ngày hướng dẫn sinh viên đến khám, điều trị tại khoa đông y, bệnh viện Trung ương Huế. Đấy cũng là một công việc đáng trọng, nhưng hầu như tất cả những ai tốt nghiệp loại khá ở trường đại học Y đều đảm đương được. Tôi vẫn tiếc cho một tài năng đang dần được khẳng định lại bị hụt hẫng, nhưng hy vọng Hân không nhụt chí. Vào những ngày nghỉ, thỉnh thoảng tôi lại ghé thăm anh tại căn nhà bên hồ Tịnh Tâm. Được biết Hân đã thu xếp được một căn phòng riêng cạnh tầng gác của người em trai là kỹ sư thủy lợi Đoàn Văn Chiếu vừa dựng xong, nhưng anh vẫn tiếp tôi bên bộ tràng kỷ quen thuộc kê giữa căn nhà ba gian cũ.

- Thế nào? Đã có gì mới chưa?

Tôi không nói rõ, cả gia đình cũng biết tôi hỏi chuyện vợ con của Hân. Chàng bác sĩ với thân hình cao, mảnh nhỏ, đôi mắt sau cặp kính cận lóe sáng, lại cười nhẹ thay lời đáp. Bác sĩ Đoàn Văn Quýnh - người anh cả của Hân, tác giả của một số công trình y học và cũng đã được tặng bằng sáng chế - đỡ lời cho cậu em trai, giọng nửa đùa nửa thật:

- Đã có gì đâu! Cũng tại vì câu cuối trong bài viết trước đây của anh...

Tôi hơi chột dạ và cố nhớ lại. Cuối bài bút ký "Những vòng tròn vĩnh cửu" tôi đã viết như thế nào nhỉ?...

..."Nhưng chẳng lẽ một người như Hân lại chưa có cặp mắt xanh nào để ý đến? Tôi hình dung một cô gái Huế khi đọc những dòng cuối này sẽ lặng lẽ mỉm cười..."

Tám năm đã qua, kể từ lúc tôi viết những dòng đó. Thôi, điều "bí mật riêng" của Hân rồi sẽ tới lúc tự phát lộ, cũng như đóa hoa chợt bùng nở. Sự bất ngờ càng làm ta thích thú. Nhưng còn những công trình khoa học tiếp nối, chẳng lẽ Hân đã bỏ cuộc thật sao?

Một lúc sau, Hân vừa dẫn tôi lên thăm căn phòng riêng của anh, vừa nói, giọng tâm sự:

- Theo đuổi công trình khoa học nhiều khi cũng như công việc sáng tác của các anh, cần phải có hứng thú. Công trình em buộc phải bỏ dở thì đã bàn giao cho người khác tiếp nối. Còn trước mắt, em tính là sẽ viết sách, dịch sách. Em đã mua về được khá nhiều sách quý. Cũng là cách để học thêm...

Căn phòng riêng của Hân chỉ rộng đúng 2 mét, nên hầu hết sách mà anh mới mang về phải xếp vào tủ chìm trong các bức tường. Đó là chưa kể 76 cuốn anh đã thu vào đĩa mm (cho đỡ nặng) mà Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đang tạm giữ vì chưa "đọc" được để biết xem trong đó có gì là "đồi trụy” hay "phản động" không. Tôi đang chăm chú xem chiếc máy vi tính trên cái bàn nhỏ thì Hân nói:

- Anh biết không, để nhận số sách này, em đã phải nạp 4,2 triệu đồng tiền thuế.

Với tôi, đây lại là chuyện lạ. Nhà khoa học đã phải bỏ tiền riêng mua sách, mang "chất xám" về cho đất nước, mà phải đóng thuế đến như vậy ư? Tôi liền viết thư gửi đồng chí Trương Quang Được, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan hỏi về chuyện này, hy vọng là chính sách của Nhà nước ta không đến nỗi ngặt nghèo đối với các nhà khoa học đến thế. (ngày 26/2/94 đồng chí Trương Quang Được đã nhiệt tình gửi thư phúc đáp cho biết "đang cho cán bộ kiểm tra lại... để có cơ sở vận dụng một cách hợp lý, vừa bảo đảm đúng luật pháp Nhà nước, vừa có chính sách thỏa đáng đối với công tác nghiên cứu khoa học". Sau đó, những đĩa mềm đã được chuyển ra Huế trao trả cho bác sĩ Hân. Còn 4,2 triệu đồng tiền thuế thì đến nay chưa có "tin tức" gì, mặc dù tôi đã đọc trên báo Nhân dân một bài nói rõ Nhà nước ta miễn thuế nhập sách khoa học kỹ thuật.)

Mỗi lần gặp Đoàn Văn Hân, qua giọng nói và bước đi nhẹ nhõm, thanh thoát của anh, tôi nghĩ là anh đang cố quên mọi chuyện không vui đã qua. Và cho dù hứng thú cũng như đề tài mới không dễ gì tìm thấy, có lần tôi đã "liếc" thấy bên chiếc máy vi tính trên bàn những trang đầu bài viết mới của anh: "Tầm quan trọng của học thuyết âm dương ngũ hành”.

Vậy là anh đã bước tiếp chặng đường mới, hướng tới những quy luật vĩnh cửu của đời sống con người, vả lại, một người như Hân cũng không dễ tự mình dừng bước, bỏ cuộc. Khi bài viết này được chuyển đến tòa soạn thì bác sĩ Đoàn Văn Hân lại vừa đi dự Hội thảo khoa học tại Thụy Sĩ và Pháp trở về, cuộc hội thảo do "Viện nghiên cứu Năng lượng của con người và vũ trụ" khu vực châu Âu mời. Cũng là một sự lạ, một chi tiết vui vui: Nhà khoa học trẻ Việt Nam được mời dự cuộc hội thảo thú vị như thế lại được Trường Đại học Y Huế và Bộ Y tế cho phép đi "theo đường công dân đi giải quyết việc riêng"; nghĩa là phải tự mình chạy đi tất cả các cửa, tự mình phải trả mọi chi phí để có đủ giấy tờ, thủ tục xuất cảnh!

Kể ra, như thế cũng phải! Trong khoa học, cũng như trong văn học nghệ thuật, hầu hết mọi công trình tác phẩm đều gắn với tên riêng, đều bắt đầu từ nỗ lực của riêng từng cá nhân. Nếu loài người chỉ biết "nói chung" thôi thì hẳn bây giờ hành tinh này cũng y nguyên như lúc khai thiên lập địa vậy.

Huế - 1994
N.K.P
(TCSH68/10-1994)

     >> Những vòng tròn vĩnh cửu

 

 

 

 

Các bài đã đăng
Nhật ký (15/12/2009)