Tại nhà văn hóa quận Hai Bà Trưng, nhân tuần Văn hóa Huế tổ chức tại Hà Nội, Đài Phát thanh và truyền hình Hà nội đã cùng với Hội âm nhạc Hà Nội tổ chức cuộc giao lưu giữa các ca sỹ, nhạc sỹ, với đại diện công chúng thính giả, khán giả của Đài.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương năm nay tròn 80 tuổi từ thành phố Hồ Chí Minh ra kể lại từ năm 17 tuổi đã sáng tác nhạc phẩm "Đêm đông" và khi đang công tác ở ngành bưu điện năm 1948 đã viết "Bình Trị Thiên khói lửa". Người con của đất Vân Thê, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế tâm sự: "Với "Bình Trị Thiên khói lửa", lần đầu tiên trong đời tôi viết để phục vụ đồng bào chứ những sáng tác trước, tôi viết cho tôi". Tiếng hát của Quang Thọ qua bài "Bình Trị Thiên khói lửa" làm cho cả nhà văn hóa sôi động hẳn lên.
Nhạc sĩ Đặng An Nguyên nhắc lại một kỷ niệm lần đầu vào Huế sau ngày Huế giải phóng, anh đâm xe vào một cô gái Huế, anh xin lỗi, cô gái chỉ trả lời: "Dạ không có chi!" và mới đây, khi anh đi phô tô bản nhạc "Huế nàng thơ" trước trường Đại học sư phạm Huế, người chủ tiệm biết anh là nhạc sĩ viết cho Huế đã không chịu lấy tiền.
Nhạc sĩ Việt Đức từ Huế ra giới thiệu bài hát "Câu hát lý qua đèo" mang âm hưởng điệu lý hoài nam mà anh cho rằng hay đến mức cao điểm.
(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu và nhiều đại biểu đến với khu triển lãm Tuần văn hóa Huế tại Vân Hồ. Ảnh: Phan Phùng)
Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã học tiểu học và Trường Quốc Học Huế. Anh cho rằng viết về Huế rất khó và Huế có một công chúng khó tính. Bài hát "Về thôn Vỹ" của Phạm Tuyên do ca sĩ Hương Mơ trình bày. Nhạc sĩ Thuận Yến cầm ghi ta trình bày bài "Em là Huế va thơ" sáng tác tháng 12 năm 1998. Hai nhạc sĩ Tôn Thất Lập và Trần Long Ẩn từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội dự Tuần Văn hóa Huế. Tôn Thất Lập nói: "Mấy hôm nay được sống không khí Huế tại Hà Nội, tôi thấy rất hạnh phúc". Phát triển từ câu hát ru em:
"Chim bay về núi tối rồi Không cây chim đậu không mồi chim ăn",
Tôn Thất Lập viết ca khúc "Buổi sáng chim bay". Trần Long Ẩn tự trình bày ca khúc "Nhớ Huế". Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp vốn làm công tác biên tập âm nhạc ở Đài Phát thanh Hà Nội, nay anh từ Huế trở về giữa lòng thủ đô và mang đến cho các bạn trẻ trong buổi giao lưu và khán giả, thính giả truyền hình phát thanh bài hát "Dòng sông ai đã đặt tên".
Trong tình cảm gắn bó giữa ba thành phố kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền cùng nhạc sĩ Trần Hoàn hát bài "Nhớ Huế": "... Ngọt bùi cay đắng! Ây chúng mình cùng chia nhau. Huế ơi! Hà Nội đây! Huế ơi! Hà Nội đây!".
Đấy cũng chính là tấm lòng của người dân Hà Nội giành cho Tuần Văn hóa Huế lần này.
Đầu những năm sáu mươi, tôi đã cùng nhiều bà con đồng hương dự lễ kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Ba thành phố trao cho nhau ba bức trướng có câu thơ:
"Hà Nội - Huế - Sài Gòn Là cây một gốc là con một nhà"
Tại đảo nhỏ ở cổng chính công viên Thống nhất đường Nam Bộ hồi đó, (nay là công viên Lê Nin - đường Lê Duẩn), các đại biểu ba thành phố đã trồng cây mai vàng, cây vú sữa tượng trưng cho hai thành phố phương Nam. Những ngày ấy, chúng tôi đã háo hức ra công viên để ngắm hoa mai thường nở muộn hơn thời tiết ở Huế và nhìn lại những hàng cây chúng tôi trồng.
Hưởng ứng Tuần Văn Hóa Huế, Câu lạc bộ người hâm mộ sân khấu thuộc Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chuyên đề mang tên "Huế - một không gian văn hóa" với sự tham gia của Đoàn nghệ thuật truyền thống Huế, Đoàn nghệ thuật Tuồng Truyền thống, Đoàn nghệ thuật ca Huế, một số văn nghệ sĩ Thừa Thiên - Huế và Hội những người yêu Huế ở Hà Nội. Nhà hát tuổi trẻ Trung ương đậm đà những điệu múa, tiếng át, âm điêụ Huế. Thật thú vị khi tôi lại gặp ở đây những cụ ông, cụ bà người Thừa Thiên - Huế tuổi gần 90 vẫn đến hầu hè, các điểm triển lãm và biểu diễn văn nghệ trong tuần Văn hóa Huê.
|
Người Hà Nội đến với Tuần văn hóa Huế tại Vân Hồ.Ảnh: Phan Phùng
|
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người hâm mộ sân khấu, nghệ sĩ ưu tú Vũ Hà cùng các anh chị Đặng Đức Duy, Thanh Huyền, Minh Trang,Thanh Hùng, Phương Hoa, Trọng Phong, Lê Nghiêm, Thu Viễn, Mỹ Hằng lo lắng cho từng tiết mục nhỏ và thật không phụ công lao của các anh chị, câu lạc bộ đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho khán giả.
Từ Paris, anh Lê Huy Cận, Chủ tịch Hội những người yêu Huế ở Pháp đã gửi về ủng hộ Tuần Văn hóa Huế 3000 France và bức Fax có viết: "Tuy bản thân không có mặt ở Hà Nội trong những ngày này để chung sức với các cô bác anh chị phát huy tại Thủ đô nét độc đáo của văn hóa Huế, trong những ngày trước đây ở Paris, Hội người yêu Huế cũng có thực hiện một số việc như thông báo các hoạt động phong phú của Tuần Văn hóa Huế trên một số báo, qua áp phích dán ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, ở các quán tổ chức du lịch Việt Nam tại Paris".
Chị Xuân Phượng dẫn nhà văn, nhà báo BaLan Monica Vacnensca đến dự Tuần văn hóa Huế tại trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Tôi chào và bắt tay chị:
- Xin cảm ơn chị Ba Monica. Chúng tôi đã được đọc những bài phóng sự của chị viết ở vùng giải phóng của Mặt trận dân tộc giải phóng Việt Nam hồi 1965 - 1966.
Tôi vẫn gọi chị là chị Ba, cái tên thân yêu mà nhân dân miền Nam Việt Nam giành cho chị trước đây mặc dù năm nay chị đã 78 tuổi. Với vóc dáng hơi thấp, béo, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt linh lợi, đôi mắt tinh anh, chị có nụ cười đôn hậu. Chị đã chăm chú đi xem nhiều gian của triển lãm di sản văn hóa thế giới và dừng lại khá lâu ở triển lãm các trường đại học Huế, Quốc học và Đồng Khánh Huế. Người phụ nữ Ba Lan giàu tâm huyết đã đến với nhiều quốc gia trên thế giới, đã say sưa viết. Nhân dân Việt Nam biết ơn chị Monica đã đem đến cho bạn đọc Ba Lan và nhiều nước khác những hình ảnh sinh động về một Việt Nam trong chiến đấu và trong xây dựng hôm nay. Cuốn sách mới nhất của Monica viết về thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam. Và thật là thú vị khi chị lại cùng chị Xuân Phượng dự đêm ca Huế trên du thuyền ở Hồ Tây. Người phụ nữ Ba Lan gần 80 tuổi ấy lắng nghe từng nét nhạc bài ca Huế và khuôn mặt rạng rỡ, hai tay nâng niu hai chiếc đèn giấy để thả xuống mặt nước hồ...
Những đêm biểu diễn nghệ thuật truyền thống Huế, tân nhạc và trang phục Huế xưa và nay của nhà tạo mốt tài năng Minh Hạnh đã thực sự thu hút người xem. Một mái ngói đỏ của ngôi đền trên tấm phông màu đen, với bốn dải lụa đỏ được thả từ trần sân khấu xuống tượng trưng cho bốn cột đền vừa trang nghiêm, vừa cổ kính lại có vẻ thanh thoát mà vẫn hoành tráng. Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành cho rằng: chương trình biểu diễn đậm màu sắc Huế mà hoành tráng, bề thế, trang trọng lại vừa có tính hiện đại nhất là sự chặt chẽ giữa các tiết mục, không để thời gian ngưng đọng. Về trang phục, chị Minh Hạnh không lấy màu tím mà dùng màu nâu, màu đà, màu vàng nhạt... pha với nhau rất đẹp. Nghệ thuật cung đình Huế chưa bao giờ được diễn đậm đặc như thế ở nhà hát lớn Hà Nội.
Khi nghệ sĩ nhân dân Lê Dung trình bày bài "Lời ru trên nương" thơ của Nguyễn Khoa Điềm, nhạc của Trần Hoàn, cả nhà hát yên lặng lắng nghe. Bất chợt nhìn sang hàng ghế đầu phía trái, hai tác giả thơ và nhạc đang ngồi gần vợ chồng nhà thơ Tố Hữu, tôi bỗng nhớ về 28 năm về trước, một ngày cuối tháng ba, ở cơ quan ban tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế, anh Nguyễn Khoa Điềm trên đường đi gùi gạo về, leo dốc Cao Bồi, vừa đi anh vừa nhẩm trong đầu bài thơ "Khúc hát những em bé lớn trên lưng mẹ". Khi vừa về đến nhà, anh đặt chiếc gùi xuống, lấy khăn lau mồ hôi và cầm bút chép bài thơ đưa cho tôi. Tôi cầm lấy đọc rồi nói với Nguyễn Khoa Điềm:
- Đây là một bài thơ hay! Chúc mừng Điềm!
Lần đầu tiên, bài thơ đăng trên tạp chí Sinh hoạt văn nghệ của Chi hội văn nghệ giải phóng Trị Thiên - Huế. Sau đó nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc lấy nhan đề là "Lời ru trên nương". Ngày 20-11-1971, cũng ở Ban tuyên huấn khu ủy Trị Thiên - Huế, chúng tôi đang tham gia trại sáng tác văn nghệ của Chi hội văn nghệ giải phóng thì bị một trận bom B.52 đánh trúng vào cơ quan. Tôi cùng nằm một hầm với Nguyễn Khoa Điềm. Một quả bom phạt chém đổ một cây to cách hầm của chúng tôi chừng 5 m. Tôi bị thương nhẹ vở đầu và ngón tay. Nhà trên bị bay, nhà của anh Hoàn bị bom xé nhiều chỗ. Giờ này chúng tôi thật hạnh phúc có mặt trong nhà hát lớn Hà Nội trong Tuần văn hóa Huế để nghe lại những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm viết 28 năm trước qua nét nhạc của Trần Hoàn.
Đêm ca Huế trên du thuyền Hồ Tây được sự hưởng ứng của đông đảo bà con đồng hương và một số người nước ngoài. 3 chiếc tàu với sức chứa gồm 500 người chạy ra giữa hồ. Hai ngàn ngọn đèn được thả xuống. Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh cùng đoàn làm phim của anh thuê một ca nô bám sát cả ba thuyền để quay những đoạn bộ phim Tuần Văn hóa Huế ở Hà Nội. Anh nói:
- Những cảnh đẹp của đêm nay trên hồ được ghi lại. Phải hướng ống kính quay từ hồ lên các diễn viên đang ca Huế chứ không thì giống như các diễn viên đang hát cho một restaurant nào!
Tôi đã được gặp các nghệ nhân về nghệ thuật ăn uống từ Huế ra giúp cho Tuần văn hóa. Các bà, các chị đã dồn tâm huyết cho công việc nặng nề và vất vả này. Các chị Nguyễn Thị Đoàn, Lê Như Huy, Mai Thị Kim Hoàng, Nguyễn Thị Hương Trà, Mai Thị Trà... vui mừng với kết quả.
Chị Mai Thị Trà nói: - Chị em chúng tôi đã làm việc tận lực, tận tình, tận khả năng. Chỉ tiếc có những khó khăn chưa đạt kết quả cao nhất.
Nhân Tuần văn hóa Huế, lần đầu tiên 31 tác phẩm của 39 tác giả Huế cùng với 23 tác phẩm của Hà Nội hướng về Huế đã được trưng bày ở Gallery Đông Sơn (Vân Hồ) và nhiều tranh và ảnh của Đào Hoa Nữ được trưng bày ở khách sạn Horison.
Đêm giới thiệu nghệ thuật ẩm thực, ca nhạc và trang phục Huế xưa và nay được tổ chức ở Quốc Tử Giám Văn Miếu. Những chiếc đèn do anh Vũ Mạnh Lập trong Huế mang ra tạo cho Văn Miếu một khung cảnh trang trọng, đầm ấm mà thật cổ kính. Có nhiều người muốn mua vé vào dự nhưng rất tiếc, ban tổ chức không còn. Một anh bạn người Anh có người yêu là một cô gái Việt Nam cứ đợi mãi mong được vào dự. Cuối cùng sau hơn nửa giờ, ban tổ chức đưa cho bạn người Anh đôi vé. Anh cảm ơn rối rít. Dự xong đêm Văn Miếu, anh nói: - Thật là một đêm tuyệt diệu!
Tuần Văn hóa Huế diễn ra đúng lúc, đúng thời cơ, sau lễ lớn 26/3 ở Huế, sau 5 năm Unesco công nhận Huế là di sản văn hóa thế giới, được nhân dân Hà Nội giành cho những tình cảm sâu nặng với một mô hình mới nhà nước và nhân dân cùng làm, phối hợp giữa nhiều bộ phận. Có thể nói Tuần Văn hóa Huế diễn ra trong hoàn cảnh: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiếu tướng Trần Minh Đức, Trưởng ban liên lạc đồng hương Thừa Thiên - Huế tại Hà Nội. Trưởng ban tổ chức Tuần Văn hóa Huế và chị Tôn Nữ Thị Ninh Phó trưởng ban Tổ chức kiêm Tổng thư ký Tuần Văn hóa Huế đã nhấn mạnh:
- Một hoạt động như Tuần Văn hóa không phải vì lợi nhuận, hình thức phong phú, đa dạng, tính xã hội cao, dồi dào tình cảm nên không khỏi có những sơ suất nhưng tất cả đã làm cho nhân dân thủ đô, bạn bè quốc tế hiểu thêm Huế và yêu thêm Huế.
T.N.V (123/05-99)
|