Ngày hội lần này, có sự hiện diện đầy đủ của các Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, Biên tập viên 6 tạp chí: Sông Hương, Hồng Lĩnh, Sông Lam, Nhật Lệ, Cửa Việt, Xứ Thanh – những tạp chí mang tên và mang hồn quê hương xứ sở 6 tỉnh Bắc miền Trung. Tham dự và chỉ đạo hội thảo, có nhạc sĩ Trần Hoàn – Phó Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; nhà văn Đỗ Kim Cuông – Phó Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương; nhà thơ Phạm Tiến Duật – Tổng biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam; nhạc sĩ Cao Khắc Thuỳ – Trưởng Ban Văn nghệ địa phương cùng đồng chí Phan Hữu Giản – Trưởng ban chế độ chính sách của Uỷ Ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Hội thảo lần này, không gợi ý trước, nhưng tất cả đều gặp gỡ nhau ở những ý tưởng và định hướng lớn về thiên chức của văn học nghệ thuật, đạo đức và trọng trách của người nghệ sĩ trước những vấn đề nhân sinh mang tầm nhân loại; về việc khẳng định “chân dung”, “bản sắc” riêng của từng tờ tạp chí; đặc biệt, các phát biểu đều nhấn mạnh đến tính nhân văn cao cả mang tầm quốc tế của văn học trong thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới. Sau lời khai mạc trang trọng của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú – phó TBT Tạp chí Hồng Lĩnh là bài phát biểu tâm huyết; đồng thời là lời chào mừng, lời đề dẫn của nhà văn Đức Ban – Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh – người điều hành cuộc hội thảo, trong đó có đoạn viết: “Kể từ hội thảo tại Thanh Hoá do tạp chí Xứ Thanh tổ chức đã hơn một năm. Đấy là khoảng thời gian có nhiều sự kiện trọng đại đầy ý nghĩa đối với các tạp chí văn nghệ chúng ta. Kết thúc thế kỷ XX mở đầu thiên niên kỷ mới, Đại hội Đảng lần thứ IX chỉ rõ mục tiêu, phương hướng, động lực của sự nghiệp CNH – HĐH; đồng thời khẳng định lại những quan điểm tư tưởng của Đảng về văn hoá văn nghệ... ... Thực tiễn ghi nhận, tạp chí văn nghệ địa phương là vườn ươm hoa trái cực kỳ quan trọng cho việc phát triển đội ngũ sáng tác VHNT, bổ sung và làm phong phú đội ngũ sáng tác VHNT ở các Hội chuyên ngành Trung ương...” Bài phát biểu định hướng của nhà văn Đức Ban quan tâm đến vấn đề tổ chức, biên chế, kinh phí, phát hành, đội ngũ cộng tác viên và chất lượng đội ngũ biên tập viên... cùng những thực trạng đáng quan tâm của những vấn đề đó.
Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch – Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương được giới thiệu phát biểu mở màn về vấn đề nâng cao chất lượng của tạp chí. Anh nhấn mạnh đến vai trò của TBT và đội ngũ biên tập viên, cộng tác viên. Chân dung của tờ tạp chí một phần lớn phụ thuộc vào chân dung của TBT. Vậy phải sử dụng chất xám của người viết ở địa phương và cả nước như thế nào để tờ tạp chí địa phương nhưng tầm vóc và sắc thái của nó mang tầm quốc gia. Có thế, nó mới có đóng góp, thúc đẩy nền văn học dân tộc phát triển. Chính điều này có tác dụng nâng cao sức sáng tạo của văn nghệ sĩ địa phương. Nhà văn có tài thì sẽ xoá nhoà biên giới địa lý và tự thân họ và tác phẩm sẽ mang tầm vóc quốc gia. Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch khẳng định thêm tầm văn hoá và giá trị nhân văn của một tờ tạp chí, không phải chỉ trong sáng tác mà còn ở ngay cả lý luận – phê bình. Hai lĩnh vực này nếu cùng thể hiện tốt thì sẽ thúc đẩy văn học phát triển. Một tờ tạp chí được coi là có đóng góp phải hội đủ 2 yếu tố: hội nhập và toả phát. Cái hay, cái giá trị của ta phát đi chưa đủ mà còn cần phải có sự học hỏi, tích hợp văn hoá – văn học nước ngoài. Cho nên, trang văn học nước ngoài cũng rất cần thiết được quan tâm. Và một điều nữa để nâng cao chất lượng tạp chí là phải có tiền, có địa bàn tiêu thụ và có dũng khí. Muốn vậy, địa phương phải bù lỗ nhất thời để tích lãi lâu dài. Điều này, nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng có nói tương tự: đó là 3 cái bạo: bạo in, bạo chi, bạo chơi... Tiếp theo ý kiến của Nguyễn Khắc Thạch là bài phát biểu của nhà văn Cao Hạnh – Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt với tiêu đề: Làm thế nào để giải quyết vấn đề tồn đọng thông tin? Bài phát biểu chú trọng đến vai trò của thông tin báo chí, tính tích cực và tiêu cực của nó; sự giàu có cũng như sự mất mát của thông tin phải được quan tâm như nhau, giúp ta hiểu vì sao “Nó trở thành vũ khí bảo vệ độc lập chủ quyền của các dân tộc”, và vì sao nó “thành công cụ phá hoại của các thế lực đế quốc phản động”, Nhà văn Hoàng Thái Sơn – Tổng Biên tập Tạp chí Nhật Lệ lại bàn về trách nhiệm của người cầm bút, bàn về chức năng của văn học, muôn đời là sự ngợi ca cái Đẹp: “Nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới này yêu cầu văn học mang lại sự giáo dục, nâng cao lý tưởng sống cho con người trong điều kiện đổi mới rất lớn trong nhận thức”. Muốn vậy, người cầm bút phải “có bản lĩnh sáng tạo, lập trường nghề nghiệp”. Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam thống nhất với các ý kiến phát biểu trên và bàn thêm về vấn đề chất văn trong sáng tác. Anh cho rằng các ý kiến, các văn bản phát biểu trong các hội thảo từ lần I đến nay là bổ ích và cần phải tập hợp lại in thành kỷ yếu để đánh dấu hành trình của tình đoàn kết và sáng tạo của các tạp chí 6 tỉnh Bắc Miền Trung. Tạp chí Xứ Thanh khép lại buổi thảo luận bằng ý kiến đầy trăn trở của nhà thơ Mạnh Lê – Phó Tổng Biên tập. Anh đề xuất nên chú trọng tính bản sắc của 1 tờ tạp chí nhưng phải xuất phát trên cơ sở văn hoá. Tạp chí phải khác với một nhật báo, tuần báo: “Tính cập nhật là báo, tính văn hoá là tạp chí”, “Tạp chí chính là nơi hồi phục và phát huy, sáng tạo những nét nội hàm mới của văn hoá”. Tại hội thảo, ngoài 6 ý kiến phát biểu của TBT các tạp chí thành viên còn có các ý kiến bổ ích, sâu sắc của nhạc sĩ Trần Hoàn, của nhà thơ Phạm Tiến Duật, của nhà văn Đỗ Kim Cuông và nhạc sĩ Cao Khắc Thuỳ. Buổi chiều ngày 8/4, Hội thảo vinh dự được nghe nhạc sĩ Trần Hoàn – Phó Trưởng Ban TTVH Trung ương, nói chuyện về Nghị quyết TW 5 của Đảng về văn hoá, văn nghệ, công tác lý luận, tư tưởng trong tình hình hiện nay. Qua buổi nói chuyện, các văn nghệ sĩ khẳng định thêm quyết tâm của mình trên hành trình sáng tạo đầy gian khổ mà vinh quang trong hoàn cảnh mới. Hội thảo diễn ra trong một ngày nhưng dư vang và niềm vui của những người làm công tác văn nghệ 6 tỉnh Bắc Miền Trung lại kéo dài ra với nhiều hy vọng. Hà Tĩnh - Huế, 10/04/2002 H.Q.Y (nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002) |