Bút ký - Tản văn
Một vùng đất nhức nhối
08:30 | 06/12/2012

HOÀNG HỮU CÁC

Tiếng chân giày của trung tá Nguyễn Đình Sơn bước bồn chồn trên nền đất ẩm của căn hầm kiên cố dùng làm sở chỉ huy của đoàn B15 bộ binh là âm thanh duy nhất tôi nghe được ở đây trong chiều hôm nay.

Một vùng đất nhức nhối
Ảnh chỉ mang tính minh họa - baomoi.com

Các sĩ quan tham mưu lo lắng và chờ đợi. Nhưng Sơn vẫn im lặng. Cả Sở chỉ huy im lặng - im lặng đến bức bối, ngột ngạt.

Phía trước, súng các cỡ đang nổ ran trên chốt A5.

***

A5! Hôm qua tôi vừa ở đấy. Đó là một ngọn núi cao ba trăm sáu mươi tư mét so với mặt biển, trông từ xa giống hệt một đống vôi lớn. Bề mặt của ngọn núi bị đạn pháo cày xới, dội dã quá nhiều đã bị vôi hóa và bột vụn như cám. Mỗi cơn gió từ dưới thung thổi thốc lên, bụi đá lại bốc mù trời và bay lang thang như cảnh tan sương muối trong những buổi sáng mùa đông giá rét. Dưới tầng bụi đá kia là người lính giữ chốt. Ba mươi chiến sĩ ở trong bốn căn hầm ghép bằng những vè bê tông cong cong hình xương cá và trên nóc được phủ một cái vỏ cứng, dày gần hai mét, làm bằng đất sét và đá dăm nện chặt. Họ tự gọi mình là "trung đội quần đùi". Cả trung đội mặc quần đùi và áo cộc suốt ngày, không phải vì nóng nực mà do không đủ quần áo mặc. Quân trang của chiến sĩ mỗi năm một tồi hơn. Bộ quân phục mỏng tang chỉ dầm mưa và chà xát trên đá núi vài tháng là rách bươm. Vì thế, chỉ ban đêm đứng gác dưới sương lạnh các chiến sĩ mới mặc quần áo dài.

- Va vào đá, da người có thể bị toạc rách nhưng vài hôm sau chỗ da rách lại lành còn quần áo rách thì không bao giờ lành lại, chỉ toạc ra thêm.

Đỗ Xuân Lộc nói với tôi như vậy. Rồi Lộc cười, mấy cái ria mép lâu ngày không cạo của nó rung rung nom vừa ngồ ngộ lại vừa thấy thương thương. Tôi chợt nhớ đến Dung - em gái tôi. Nếu Dung lên đây một lần, nó sẽ hiểu kỹ hơn về Lộc và điều này sẽ có ích cho nó biết bao nhiêu.

Vâng, lẽ ra là như thế. Hôm đầu, khi biết tôi sắp đi Hà Tuyên, Dung mừng quýnh cả lên. Nó tuyên bố thật hùng hồn:

- Em cũng đi. Em sẽ lên tận chốt thăm Lộc và viết cho tờ báo của em một bài ký. Này, chắc anh chàng sẽ đứng ngẩn ra vì ngạc nhiên và sung sướng đấy nhá.

Ngay hôm đó, Dung đi đánh điện cho Lộc và chạy nhoắng lên chuẩn bị cho chuyến đi. Nó tha về đến là lắm thứ, thuốc lá, kẹo gôm, giấy viết thư, xà phòng, mì chính và cả mấy lọ dầu chống lạnh nữa, cứ như nó có thể mang cả một gian hàng bách hóa lên làm quà cho Lộc vậy. Nhưng cơn lũ lớn đầu tháng tám đã làm tắc nghẽn hoàn toàn tuyến đường lên Hà Tuyên. Chuyến đi biên giới của anh em chúng tôi đành phải tạm đình lại, chờ thông đường.

Những ngày chờ đợi đối với tôi thật nặng nề và bứt rứt. Nhìn lên phía Bắc thấy chân trời gần như một dãy núi đá màu xám xịt dựng sừng sững trước mặt. Mực nước sông Hồng mỗi ngày một cao hơn. Trông dòng nước ngầu đục và cuồn cuộn ấy có vô số những đám bọt ối xôm xốp và đùng đục như những cụm nấm độc - sản phẩm của những cơn lũ lớn phía thượng nguồn. Ngày nào tôi cũng đạp xe ra bến xe Long Biên và lần nào tôi cũng chỉ đọc được trên tấm bảng đen một thông báo chán ngắt: "Chưa có xe đi Hà Tuyên".

Ngược lại, cô em gái của tôi hình như chẳng sốt ruột một chút nào. Ngày nào nó cũng chỉ làm đúng ba việc: buổi sáng đến tòa soạn, chiều đi bơi ở câu lạc bộ thanh niên và tối đi xem phim, xem biểu diễn nghệ thuật. Rồi bỗng một hôm, nó dẫn về một anh chàng rất điển trai.

Với tôi, nó giới thiệu:

- Anh Bảo Khánh - bạn em vừa học bên Tiệp về.

Và với mẹ tôi ở dưới bếp, nó thì thầm:

- Mẹ ơi! Cho con một mâm cơm khách thật nghiêm chỉnh mẹ nhé. Khách đặc biệt của con đấy.

Trong bữa cơm hôm ấy, qua cung cách anh chàng kia xưng hô với gia đình tôi và nhìn Dung luôn tay tiếp thức ăn cho bạn, tôi bỗng thấy chạnh buồn, một nỗi buồn vừa mơ hồ vừa rõ rệt như khi người ta linh cảm trước một chuyện không tốt lành. Và lúc ấy sao mà tôi nhớ Lộc đến thế. Mặc dù Lộc và Dung đang trong thời kỳ tìm hiểu nhau và gia đình bên kia chưa chính thức đặt vấn đề gì với gia đình tôi nhưng mẹ tôi đã yêu quý Lộc gần như anh là con cái trong gia đình. Riêng tôi, ngay từ ngày đầu Dung và Lộc mới quen nhau, tôi đã đặc biệt quý mến chàng trai vừa thông minh vừa rất giản dị ấy. Nhưng bỗng dưng lại xuất hiện cái anh chàng Bảo Khánh lạ lùng này. Rồi mối quan hệ của Dung và Lộc sẽ ra sao? Với những cô gái có chút nhan sắc và còn trẻ tuổi như cô em gái của tôi đây thì chuyện yêu đương luôn là những cú bất ngờ.

Linh cảm của tôi đã đúng. Sáng hôm sau, Dung bảo tôi:

- Em đi Đồ Sơn ít bữa đây. Nếu đường thông mà em chưa về thì anh cứ đi Hà Tuyên một mình vậy. Gì mà anh nhìn em ghê thế? Có ít quà em để trong túi du lịch ấy. Anh mang lên cho Lộc hộ em. Được không?

Thế là tôi đi Hà Tuyên một mình. Và hôm qua tôi đã sống một buổi chiều và một đêm cùng các chiến sĩ ở chốt A5. Khoảng thời gian đó, ở A5 rất bình yên. Bên kia, bọn địch đang thay quân trên các chốt của chúng nên chúng chẳng bắn phá gì, cũng không bắc loa chửi rủa như tôi đã từng nghe nhiều người ở biên giới về kể lại. Lộc mang quà của Dung chia đều cho toàn trung đội. Bốn căn hầm ngập ngụa khói thuốc và đầy tiếng cười trẻ trung của các chiến sĩ. Anh em ở đây pha chè thết đãi tôi. Đấy là loại chè mọc trên núi đá cao, búp săn và nhỏ. Khi sao xong, cánh chè có một lớp lông mịn, trắng như tuyết (vì thế có người gọi là chè tuyết). Lộc bỏ một nắm chè rất to vào ca men, dội nước sôi và ủ kỹ trong chăn chiên. Vậy mà khi rót ra bát sắt, màu nước chỉ lờ nhờ vàng như nước chè tươi pha loãng. Nhưng mà thơm và chát đến săn quắt cả lưỡi. Loại chè lạ lùng ấy đã làm tôi gần như suốt đêm không ngủ được. Lộc cũng không ngủ. Chúng tôi ôm nhau nằm nói chuyện rì rầm mãi. Trong khi đó, con Mực của Lộc lặng lẽ ra nằm trước cửa hầm canh gác. Nó nằm sấp, hai chân trước duỗi thẳng để bất cứ lúc nào cũng có thể chồm bật dậy, một bên tai úp xuống nền đá để nghe được thật xa mọi tiếng động trong đêm tối. Con Mực thuộc giống chó quí, chân cao, mình thon lông đen mướt, bụng trắng, bốn chân trắng đốm ở móng, hai tai trắng trên chóp. Một cụ già ở bản Phán Xình đã cho Lộc con chó này khi nó mới biết ăn cơm. Theo ý Lộc thì con Mực cũng xứng đáng được thưởng huân chương vì nó đã bốn lần phát hiện thám báo trong đêm tối và báo động cho các chiến sĩ tập kích tiêu diệt gọn. Nó rất tinh khôn. Ban ngày nó ngủ khì và đêm thì thức trắng. Nó là người lính gác cần mẫn và đầy năng lực. Ba năm ở đây Lộc chỉ thấy một lần con Mực phạm khuyết điểm. Ấy là chuyện nó bỏ đi tơ. Đường từ chốt A5 xuống bản Phán Xình hơn bốn cây số. Vậy mà nó dám mò đi một mình. Chẳng hiểu xuống dưới đó, nó có chài được anh chàng nào không nhưng nó đã dính một trận pháo kích suýt chết. Khi nó lết được về đến chốt, nom nó thật thảm hại, toàn thân dính đầy bụi đất mốc thếch, một chân sau đầm đìa máu. Lộc đã rửa vết thương cho nó bằng thuốc tím và bó bột cái chân gãy bằng cơm nóng, ít lâu sau, vết thương liền sẹo nhưng cái chân nó đã thành tật, không còn co duỗi được nữa. Dáng đi của nó từ đó tập tễnh, mất hẳn vẻ uyển chuyển ngày xưa. Cũng từ đấy, nó thôi hẳn chuyện đi tơ. Chẳng hiểu nó sợ dính đạn pháo hay bây giờ nó đã là chị "thọt" rồi nên không còn anh chàng nào hẹn hò gì nó nữa.

4 giờ rưỡi, Lộc mở máy hai oát liên lạc phiên đầu ngày với sở chỉ huy cấp trên. Tiếng máy rung nhè nhẹ. Bóng đèn tín hiệu trên mặt máy nhấp nháy sáng. Lộc ngồi im một lúc, lắng nghe tiếng nói của các đài bạn rồi bóp công tắc gọi rất rành rõ:

- Sông Lô gọi Hồng Hà, Sông Lô gọi Hồng Hà nghe rõ trả lời!

Đúng lúc ấy, con Mực từ cửa hầm đi vào, dụi dụi cái đầu ướt đẫm sương đêm vào chân Lộc.

Lộc cúi xuống, vuốt lưng, xoa đầu con Mực:

- Mày lạnh lắm phải không? Để tao ủ ấm cho nào!

Và Lộc bế con chó, áp chặt vào ngực mình sưởi ấm cho nó. Con Mực nằm im ro trong vòng tay của Lộc, đôi mắt lim dim đầy vẻ thỏa mãn và biết ơn.

5 giờ kém 15 phút, anh nuôi mang cơm lên chốt. Bữa ăn của mọi người đã được chuẩn bị sẵn từ dưới hậu cứ. Lên đây, anh nuôi chỉ đếm đầu người mà phát. Vì A5 đang có khách nên bữa sáng hôm đó mỗi người có thêm một miếng thịt rang to bằng bao diêm và đặc biệt là có món canh rau muống. Các chiến sĩ hậu cần mang canh lên chốt bằng can, nước canh đựng trong can nhựa còn rau muống thì vớt ra túm trong vải mưa. Lên chốt chỉ việc đổ nước canh ra xoong và thả rau vào là thành canh. Lộc chia non nửa suất cơm của mình cho con Mực. Nó nằm ăn nhỏ nhẻ và rất từ tốn. Hình như sau một đêm thức trắng và dầm sương nó đã thấm mệt và buồn ngủ. Lúc này, A5 đang chìm trong biển sương mù mịt. Ở đây ngày nào cũng thế, mười giờ mới tan sương.

Tôi vừa ăn xong, đang ngồi uống trà trò chuyện với đồng chí trung đội trưởng thì Lộc đến ghé tai tôi thì thầm:

- Thủ trưởng Sơn gọi anh về ngay.

- Có việc gì thế? - Tôi hỏi.

- Em không biết, chỉ nghe thủ trưởng Sơn bảo anh phải về ngay sở chỉ huy có việc cần.

Sở chỉ huy liên lạc với A5 bằng vô tuyến điện. Mãi tới 12 giờ mới lại có một phiên liên lạc nữa nên tôi không thể gọi điện cho Sơn được. Tôi đành phải quay về phía sau. Lộc tiễn tôi một quãng rất xa. Chúng tôi vượt qua một thung lũng rộng, nhăm nhít hố đạn pháo thì đến lối rẽ về sở chỉ huy.

- Thôi, anh đi an toàn nhé! Chú ý đề phòng địch pháo kích.

Và Lộc chìa tay cho tôi. Nhìn đôi mắt thẫm đen của Lộc, tôi biết, còn một điều gì đó Lộc rất muốn nói nhưng lại thấy không tiện nói ra. Lộc sờ tay lên túi ngực, bức điện đầy hò hẹn của Dung thập thò ở đấy. Môi Lộc run rẩy. Nhưng Lộc đã im lặng. Và tôi thầm cảm ơn Lộc về sự im lặng đó.

15 giờ kém hai mươi phút tôi mới về đến sở chỉ huy.

Sơn chạy ra cửa hầm hỏi tôi:

- Sao anh về sớm thế?

- Nhưng anh gọi tôi về ngay cơ mà.

- Không. Tôi không hề gọi.

Tôi đứng ngẩn người, chẳng hiểu đầu cuối ra sao nữa.

Nhưng bây giờ thì tôi hiểu. Súng đang nổ dữ dội trên chốt A5. Biết trước một trận đánh quyết liệt sắp nổ ra nên Lộc đã đánh lừa tôi, nhằm đẩy tôi về phía sau. Giờ đây tôi đang đứng trong hầm sở chỉ huy của Sơn, căng thẳng theo giỏi trận đánh của Lộc và đồng đội trên chốt A5. Hình như tiếng súng ở trên đó đang thưa dần, đuối dần. Và mặc dù chiến sĩ vô tuyến điện của sở chỉ huy đã hàng chục lần gọi A5 nhưng vẫn không ai nghe phía trước trả lời.

Bỗng tôi nghe tiếng Lộc gọi gấp gáp:

- Sông Lô gọi Hồng Hà! Đề nghị pháo binh bắn vào đây ngay.

Sơn chồm dậy, giật ống nói trên tay chiến sĩ vô tuyến điện, hỏi gấp gáp:

- Sông Lô nói rõ: Bắn vào đâu?

- Bắn vào đây. Vào hầm của tôi. Nhanh lên.

Sơn cầm máy gọi pháo binh. Một chút bối rối thoáng hiện trên mặt anh. Nhưng ngay sau đó, anh lại hạ lệnh nghe bình tĩnh đến bực bội:

- Bắn.

- Bắn cấp tấp vào A5. Bốn nghìn quả.

Sau mệnh lệnh của anh vài giây, tôi nghe tiếng đạn pháo ào ào bay qua đầu, như bão lốc. Tôi vọt ra khỏi hầm Sở chỉ huy, chạy lên đài quan sát, chiếu ống nhòm nhìn về phía A5. Ở đấy những nấm khói trắng đang chi chít mọc lên, nổ dần ra rồi phủ kín cả điểm chốt. Trên đầu tôi, đạn pháo của ta vẫn rít xoèn xoẹt như xé vải. Phía trước, chốt A5 đang chìm nghỉm trong chùm nấm màu xám khổng lồ. Tôi vịn vai người chiến sĩ trên đài quan sát để đứng cho vững. Có cái gì đó từ trong ngực cứ dâng mãi lên cổ làm tôi thấy nghèn nghẹn.

Khi tôi về lại Sở chỉ huy, pháo của ta đã thôi bắn. Trong hầm, chiến sĩ vô tuyến điện đang gào vào máy:

- Sông Lô! Sông Lô! Hồng Hà gọi Sông Lô!

Tiếng anh gọi hoảng hốt và đau đớn như lay gọi một người thân yêu vừa ngã xuống. Nhưng đầu bên kia vẫn thinh lặng. Rồi cả sở chỉ huy cũng im lặng, những cặp mắt nhìn nhau hỏi nhau đến bỏng buốt.

Tôi lắc vai Sơn, giục:

- Anh hạ một mệnh lệnh gì đi chứ! Nói đi.

Song, đáp lại lời tôi là cái lắc đầu nặng trĩu của Sơn.

Tôi xẵng giọng:

- Cho tôi lên A5, ngay bây giờ:

Sơn ngồi im một lúc rồi đi mở cái hòm gỗ trong góc Sở chỉ huy, lấy ra hai cuộn băng cá nhân. Anh đưa cả khẩu K59 của anh cho tôi và dặn:

- Hãy cẩn thận nhé! Hết sức cẩn thận.

Tôi vừa đi vừa chạy về phía chốt A5. Đi một quãng lại chạy một quãng. Gần tới cái thung lũng tôi và Lộc đã chia tay nhau ban sáng tôi gặp tốp chiến sĩ đang cáng thương thứ nhất, đưa thương binh từ trên chốt về. Họ cáng hai người một võng, đi vội vã. Những chiếc võng bạt dính đầy máu khẽ lắc lư trên lối mòn lổn nhổn đá và ngổn ngang cành cây gãy.

- Có đồng chí Lộc ở đấy không? - Tôi hỏi các chiến sĩ cáng thương nhưng họ không trả lời tôi, chỉ lầm lùi bước.

Gặp bốn cái cáng khác, tôi lại hỏi Lộc. Một chiến sĩ người to lớn, tóc húi cua nhìn tôi chằng chằng và quát:

- Đứng dẹp sang một bên! Ai biết Lộc với ngọn nào mà hỏi.

Nhưng tôi đã gặp con Mực của Lộc. Trông thấy tôi, con Mực tập tễnh chạy tới kêu ư ử và liếm liếm bàn chân tôi như muốn làm quen, lại như muốn mách với tôi một điều gì. Rồi nó cắn gấu quần tôi, kéo tôi đến bên chiếc cáng có Lộc đang nằm trên đó. Lộc nằm yên trong cáng, đôi mắt khép hờ, cánh tay bị thương quấn băng trắng toát đặt trên bụng. Tai của Lộc cũng bị thương, ở đấy, máu đang rỉ ra, đọng thành cục trong vành tai. Nghe tôi gọi, Lộc khe khẽ dạ và đưa bàn tay không bị thương cho tôi. Con Mực cũng xán đến, dùi dụi cái mõm mềm và ấm của nó vào bàn tay men mét gầy của Lộc.

- Có lá thư em viết cho Dung để trong hầm. Anh lên chốt lấy mang về hộ em. Ở phía sau cái máy hai oát ấy. Kìa! Sao anh khóc! Em không chết đâu.

Hình như Lộc không chỉ định nói có thế. Nhìn đôi môi run run của Lộc, tôi biết Lộc đang muốn nói thêm một điều gì đó. Nhưng một lần nữa Lộc đã im lặng. Và lại một lần nữa, tôi chịu ơn sự lặng im của Lộc.

Đoàn cáng thương tiếp tục đi về phía sau. Tôi vội vã đi về phía chốt A5. Ở đấy, ngay trên đỉnh núi, ngôi sao hôm đang run rẩy cháy trong nền trời xạm mờ khói đạn.

***

Qua khỏi thung lũng, tôi nhìn thấy một đốm đỏ như hòn than nổi trên biển sương trắng bạc. Nhìn kỹ tôi thấy một cái đầu người đang từ từ trôi về phía tôi. Rồi cái đầu chìm mất. Tôi đang loay hoay định hướng trong đêm thì bỗng có bàn tay cứng như hai gọng kìm bóp vai tôi đến đau nhói. Và tiếng người quát:

- Đứng im! Anh là ai!

Nhận ra tiếng người Việt, tôi móc túi lấy ra chiếc thẻ nhà báo và soi đèn pin cho anh chiến sĩ đọc.

- Sao trời tối thế này mà anh còn lên đây?

- Tôi có một đứa em chiến đấu trên chốt A5.

- Tên là gì?

- Lộc - Đỗ Xuân Lộc.

- Lộc bị thương và đã được đưa về phía sau rồi.

- Nhưng nó có một lá thư để đằng sau cái máy hai oát trên chốt. Nó bảo tôi đi lấy hộ nó.

- Vậy, anh đi theo em, nhưng đừng bấm đèn.

Tôi theo người chiến sĩ dò dẫm từng bậc đá. Càng lên cao, tôi càng nhận rõ mùi khét, đắng của thuốc đạn và mùi tanh lợm của máu trộn trong không khí. Anh chiến sĩ kể với tôi, giọng nén nhỏ:

- Trận đánh chiều nay quyết liệt quá. Vì bọn địch mới thay quân. Bọn mới đến bao giờ cũng rất hung hăng. Sau vài trận, chúng sẽ ngấm đòn và co vòi lại. Nhưng hôm nay Lộc đã xử trí một tình huống rất thông minh và táo bạo. Suýt nữa thì bị mất chốt. Mà mất cái A5 này thì gay go lắm. Cả hệ thống phòng ngự của ta sẽ bị rung chuyển. Vùng này có nhiều cao điểm nhưng chỉ riêng A5 mới xứng đáng được gọi là chốt, vì nó liên quan đến sự sống còn của cả một khu vực. Nó là cái then cài của một cánh cửa lớn. Ồ, hình như đã đến hầm thông tin rồi hay sao ấy. Đứa nào ở trong hầm hai oát đấy. Thắp đèn lên. Có khách!

Tôi chui xuống căn hầm cũ của Lộc và ở đây tôi nghe có mùi thơm của hoa kim anh.

- Hoa ở đâu thế? - Tôi hỏi người chiến sĩ thông tin trong hầm.

- Hoa kim anh để dưới gầm giường. Chúng em vừa lấy về. Nếu không có hoa kim anh át mùi tanh đi thì không thể nào ngủ được.

Tôi nhìn kỹ người chiến sĩ đang trò chuyện với tôi nhưng không nhận ra một nét nào quen thuộc trên gương mặt anh.

- Hình như đồng chí không cùng một trung đội với Lộc?

- Vâng. Cùng đại đội thôi. Trung đội của anh Lộc đã được đưa về phía sau hết rồi.

- Lộc có để một lá thư phía sau cái máy.

- Vâng. Em còn giữ đây. Thư viết cho chị Dung. Cả đại đội chúng em đứa nào cũng biết chị Dung (chỉ biết qua thư thôi chứ chưa biết mặt). Vì ở đây thiếu sách nên tất cả thư của chị Dung gửi cho anh Lộc, chúng em lục trộm và chuyền tay nhau đọc bằng hết. Trời ơi! Chị ấy viết thư hay và tình cảm lắm. Hay hơn cả tiểu thuyết.

Tôi cầm lá thư của Lộc trên tay. Những con chữ như những con mắt rưng rứng nhìn tôi.

Căn hầm nhỏ đang thơm ngát mùi hoa kim anh. Bằng hương thơm thanh khiết của mình, hoa kim anh đang lọc rửa vết thương cho khoảng đêm trên chốt. Chẳng biết giờ này ở Đồ Sơn, cô em gái của tôi đang làm gì. Nó đang dắt bạn vào sân nhảy hay đang ngồi uống cà phê bên bờ biển và chờ ngắm trăng lên?

H.H.C.
(SH24/4-87)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mùa đi mót (21/06/2012)