Bút ký - Tản văn
Xuân sớm
08:27 | 06/02/2013

CÁI NẾT  

Trên cánh đồng lúa Mụ Dâu ngút ngàn, lạ thay, người ta không thấy màu xanh non của mạ, chỉ thấy một rừng hoa dài đến tận chân trời…

Xuân sớm
Ảnh: internet

Những ngày đông hiếm hoi của vùng đất miền Trung đã qua từ lúc nào. Cái xóm Mụ Cù, nơi ấy có nấm mồ gió nằm bơ vơ giữa cánh đồng Mụ Dâu mà dù xuân đến, hạ sang, thu về hay đông tới đều có đàn kiến đỏ. Ngôi nhà của lũ kiến đỏ ấy được người dân ở đây truyền miệng nhau là nấm mồ của thằng cháu ngoại Thuỷ Tinh. Tôi nghe một già xóm kể như thế này. Câu chuyện Sơn Tinh và Thuỷ Tinh tranh nhau Mị Nương chưa kết thúc như trong truyền thuyết. Sơn Tinh lập gia thất với Mị Nương và hạ sinh được một cậu con trai khôi ngô, tuấn tú. Cũng trong khoảng thời gian đấy, Thủy Tinh vì buồn mà trở thành một con ma men, ngày ngày lang thang khắp các tửu lầu với gái điếm. Và vào một ngày xuân rất đẹp, chính xác là một buổi chiều xuân, trong cơn say đến thấy trời đất là một, chàng ta khi đang đi vệ sinh, ánh mắt bỗng long lanh khi bắt gặp cái mông tròn ngoe ngoẩy của ả Ngơ đang lúi húi cho lợn ăn... Nghe già kể, tôi thấy nóng ran trong người. Ả Ngơ vốn là một tay mổ lợn có tiếng ở cái xóm Mụ Cù từ khi còn bé. Đến năm mười bảy tuổi, ả nghĩ cái nghề nhuốm đầy máu tanh này hoàn toàn không ổn cho một cô gái đang độ xuân thì nên đã quyết định gác dao mổ lợn, về ăn chay trường, tụng kinh mong Phật tổ giảm đi cho ả ba phần tội lỗi. Cái ngày giết con lợn cuối cùng trong nghề đồ tể, ả mua lấy cái thủ đem về chôn rồi ngày ngày hương khói. Có nhiều bận quên, trên nấm mồ lợn đấy, ả thấy từng đàn kiến đỏ hôi tanh từ dưới chui lên, tạo thành hình một cái đầu lợn cứ lúc la lúc lắc với đôi mắt đỏ sòng sọc. Sợ, lấy hương van vái, lũ kiến bò đi mất. Đêm đến, ả mơ thấy mình biến thành con kiến cái đi hút máu người. Cuối cùng, nhờ hương khói hay sao, ả cũng kiếm được chồng. Nhưng anh chồng vốn yếu cả người lẫn vía, nên mấy bận lên giường bị ả vặn vẹo một lúc đã ngồi dậy thở hổn hển, hai bàn tay nắm chặt, ánh mắt đỏ ngầu, những giọt nước mắt đông cục cứ thế tuôn ra. Ả thấy vậy, thở dài, trần như một con trâu chạy ra ngoài cánh đồng hét lớn. Hai núm vú thả rông bị gió táp co rúm, nhăn nheo, tái ngắt. Làng xóm đêm đó một phen hú vía, tưởng nhà ả cháy, hô hào mọi người đến cứu. Ai ngờ, đến nơi, chỉ thấy thằng chồng ả xòe bàn tay đen sì che cái mớ lùm xùm phía dưới...

Đến đây, già Nhân mắt ríu lại, định ngày mai kể tiếp nhưng tôi năn nỉ: “Già không kể tiếp, tối nay về con không ngủ được mất”. Cánh đồng mênh mông gió, hát từng cơn, ớn lạnh.

Già Nhân là lão nông nghèo ở xóm. Cuộc đời của già là một chuỗi bi kịch đầy màu sắc nối tiếp nhau. Nhiều lúc ngồi ngẫm, thấy ông trời sao bất công với già quá. Tôi quen già rất tình cờ. Hồi tôi một mình ra Huế học đại học, lạ đường lạ xá, cái vẻ mặt hai lúa của tôi đã lọt vào tầm mắt của mấy tên anh chị đầu chợ. Thế là chiếc balô đựng bao nhiêu áo quần, lương thực mà má tôi chuẩn bị và cả cái ví tiền bác tôi thưởng mừng tôi đậu đại học không cánh mà bay. Lúc đó, nếu không có già Nhân đưa tôi về đúng số nhà cần tìm, với cho thêm ba mươi nghìn cầm cự chờ nhà chuyển tiền ra thì tôi chết chắc.

Già mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Lớn lên độ sáu tuổi, ngày ngày, già vào mấy cái khe trong núi lấy cát, lấy sạn đem bán cho mấy ông thợ xây. Mà đất Huế thì ai cũng biết rồi đấy, nắng thì tới bờ tới bến đến điên đảo người, còn mưa thì thối đất thối cát; vậy mà già chẳng nghỉ buổi nào. Mưa nắng nối nhau tạt vào người khiến già trở nên đen sạm và lầm lì hơn. Nhưng rồi, dạo chính quyền ra lệnh cấm lấy cát, lấy sạn thì già thất nghiệp. Nhiều người trong xóm cũng thất nghiệp. Thế là, họ kéo nhau lên thành phố mong kiếm được cơ hội đổi đời.

Nhớ lại những ngày tháng thâm trầm ấy, mắt già ngân ngấn nước. Già năm đó đúng mười bốn tuổi, đã gia nhập hội trẻ đi nhặt rác về bán cho hàng đồng nát, có ngày kiếm được vài ba nghìn, có ngày vài trăm đồng và có ngày không được gì phải nhịn đói. May mắn thay, già được “chuyển nghề”, sang phụ quán cơm bụi bình dân. Kể từ đây, già có chút của để dành. Nhiều hôm già còn dẫn tôi đi ăn bún bò ở quán đường Lý Thường Kiệt. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ cái hương vị thơm thơm, nóng hổi của bát bún ngày ấy.

Cuộc đời là sự kết dính của chữ duyên. Già gặp một o ngày ngày đi xe đạp chở đủ các loại lá nấu nước, nào là lá Vằng, lá Bò Bò, Nhân trần… lên Huế bán. Chị không thuộc tuýp người con gái đẹp nhưng lại mặn mà có duyên, với mái tóc dài đen lánh khiến người khác dễ cảm tình. Nghĩ đến, lòng già rộn lên niềm vui lạ...

*

Ánh mắt long lanh, sôi sùng sục của Thủy Tinh vội vàng lột phăng những thớ vải đậm mùi phân lợn trên người ả Ngơ. Một cảm giác hưng phấn, mất thăng bằng đến kì lạ. Chẳng hiểu sức mạnh vị thần nào ban, ả dùng đôi tay cuồn cuộn gân bồng thốc Thủy Tinh rồi nhảy tọt qua cái thành gạch chuồng lợn để tiến sâu vào bên trong. Ả chồm trên người chàng Thủy. Người Thủy Tinh cứ nhảy tưng tửng, kích động. Ả kéo từng đường lưỡi dài trên đôi chân lắm lông của thần và cắn đứt từng chòm mặc cho đứa con của biển cả rên ư ử. Cung tên của chàng Thủy căng cứng khi thấy con bướm ma xuất hiện. Một giọt máu tươi rơi xuống; vết máu trinh của bướm đó chàng ơi! Thủy Tinh trợn tròn mắt, không ngờ ả còn trinh.

Ít lâu sau, người ta thấy bụng của ả Ngơ ngày một to ra. Hỏi, ả bảo, do uống nhiều nước. “Mày uống nước khe nào chỉ cho tao uống với, tao cũng thèm được như mày” - mấy cặp mắt sắc lẻm xăm soi. Ôi, rõ là đàn bà! Rồi khoảng chín tháng sau, con lợn nái trong chuồng sau tửu lầu Ngây Ngây lại trở dạ. Tiếng lợn con oe oe nhột cả tai. Quái lạ, tiếng lợn gì mà nghe giống tiếng người thế!

Người ta thấy cái bụng của ả Ngơ gọn gàng đến bất ngờ.

Nàng Nấm lớn lên trở thành một mỹ nhân của tửu lầu Ngây Ngây. Ai cũng trách cái con mẹ nào lại nhẫn tâm bỏ đi một đứa bé xinh đẹp thế. Có người buột miệng: “Con Nấm giống Thủy Tinh như đúc”. Im cái mồm đi, thần cho vài vả thì đừng kêu là họa! Con lạy thần, con lỡ miệng... Thế mà ngày ngày, người ta thấy Thủy Tinh đến tửu lầu chỉ mỗi việc ngắm nàng Nấm. Thỉnh thoảng, còn mang cho nàng khi thì cái trâm tóc, khi thì mảnh vải gấm thượng hạng, kiểu như ông bố quan tâm con gái rượu vậy.

*

Lại nói về Màn Tinh, con trai của vợ chồng Sơn Tinh và Mị Nương, càng lớn, chàng càng khôi ngô, tuấn tú (chỉ buồn là giống cả cái răng cửa bị gãy của ông bố Sơn Tinh). Con gái trong xóm đem lòng thương chàng không xuể, nhưng chàng vẫn chưa có cảm tình với ai.

...

Năm nay, mùa xuân đến sớm hơn. Đêm. Cánh đồng Mụ Dâu mênh mông đến vô tận. Gió khuya táp từng cơn vào mặt. Tiếng đêm cứ rì rì bên tai nghe như tiếng gào vô vọng của Thủy Tinh. Mới mười hai giờ đêm. Tiếng con gà trống nào trong xóm mộng du gáy vang. Cơn buồn ngủ của già Nhân hình như đã dứt. Già ngồi lai rai mấy con cá khô với chai rượu trắng, chốc chốc lại khà khà một hơi nghe thật đã.

...Già mê chị ngay lần đầu gọi lại mua lá, với tiếng “dạ” nghe dễ thương lạ. Hoàn cảnh chị cũng khổ: mẹ mất sớm, ba vào Nam kiếm sống rồi chẳng thấy tăm hơi đâu nữa; một mình nuôi thêm hai đứa em đang tuổi ăn tuổi học. Hoàn cảnh già có phần tương đồng nên nảy sinh tình cảm... Tôi vẫn nhớ cái ngày già cưới chị, mưa như trút nước, đường ngập đến gần đầu gối nhưng xóm trên xóm dưới vẫn kéo quần cao tận háng đến chúc mừng. Tưởng thế là hạnh phúc... Ngày chị sinh ra cho già hai thằng con trai sinh đôi khôi ngô, tuấn tú chính là ngày cuối cùng chị được nhìn thấy mặt già. Già cười như mếu, những giọt nước mắt tuôn rơi như cơn mưa ác trong ngày cưới năm nào. Hôm đó, người ta bảo có nắng mồ côi…

Giọng già Nhân trầm lại, ánh mắt líu ríu: “Mày nghĩ câu chuyện này sẽ đi đến đâu?”. Tôi nghĩ, cặp đôi trai tài gái sắc này sẽ hòa giải mối thâm thù của hai chàng Sơn - Thủy. Âu cũng là cuộc đời mà, thù hằn nhau chỉ tổ làm cho nhau đau mà thôi. Thế nhưng không như tôi nghĩ, gia đình Sơn Tinh cự tuyệt vì không môn đăng hộ đối đã đành; còn Thủy Tinh chả biết cớ gì lại luôn tìm mọi cách để ngăn cản. Chỉ có chàng và nàng là đau khổ! Rồi, vào một ngày, người ta lại nghe tiếng oe oe trong chuồng lợn. Kể từ đó, năm nào, cứ xong vụ hè thu, cái xóm Mụ Cù này đón gió đón bão đến chóng mặt. Người ta bảo, Thủy Tinh về đòi cháu ngoại đấy!

Hôm nay, những ngày nghỉ Tết, hai đứa con của già tranh thủ về giúp ba nó việc đồng áng. Nhìn những khuôn mặt khôi ngô lấm bùn trong sương mai, già cười hạnh phúc. Có lẽ, đó là nụ cười hạnh phúc nhất trong sáu mươi năm cuộc đời già. Trời cũng đã rạng sáng. Lạ thay, người ta chẳng thấy đàn kiến đỏ hôi tanh trên nấm mộ gió huyền thoại thường ngày, chỉ thấy toàn hoa là hoa đang tắm mình trong nắng xuân mai lấp lánh. Chắc là, Thủy Tinh đã đón được cháu ngoại về với biển xanh rồi…

C.N
(SH288/02-13)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Không có cha... (24/01/2013)
Mùa đi mót (21/06/2012)