Bút ký - Tản văn
Con người, năm tháng và cuộc đời
14:28 | 05/09/2013

ILIA ÊRENBUA
        Trích hồi ký

Tôi đã viết, tôi đón đợi đại hội các nhà văn Xô-viết hệt như một cô gái đón đợi buổi vũ hội đầu tiên trong cuộc đời. Nhiều trong số những niềm hy vọng ngây thơ của tôi, có thể đã không được thực hiện, nhưng đại hội vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi như một ngày hội lớn, kỳ lạ.

Con người, năm tháng và cuộc đời
Nhà văn nhà thơ Ilya Ehrenburg - Ảnh: internet

Những bức tường của gian Khánh tiết được trang hoàng chân dung các bậc tiền bối: Sếchxpia, Tônxtôi, Môlie, Gôgôn, Xecvăngtéx, Hainơ, Puskin, Bandắc và nhiều nhà văn khác. Phía trước mặt tôi là chân dung của Hainơ trong bức ảnh ông còn trẻ, đầy mơ mộng và đương nhiên cũng đầy giễu cợt. Bất giác tôi nhắc lại những lời thơ của ông:

"Những tấm phông cánh gà được điểm tô sặc sỡ
Tôi cũng ngâm nga mới cao hứng làm sao
Và xiêm áo long lanh, những chiếc lông trên mũ
Và còn xúc cảm nữa - tất cả đều tuyệt vời...
"

Thoạt đầu tôi nhớ lại những vần thơ đó với nụ cười. Đột nhiên dàn nhạc chơi một bài kèn chào đến inh tai, nhức óc, dường như mọi người cần phải đứng dậy chạm cốc.

Đại hội làm việc trong mười lăm ngày. Mỗi buổi sáng chúng tôi vội vã tới gian Khánh tiết, ở trước cửa vào, những người Matxcơva chen chúc nhau: họ muốn được nhìn thấy các nhà văn - khoảng ba giờ chiều - khi chủ tịch đoàn tuyên bố nghỉ ăn trưa, đám người kia đông nghịt đến nỗi chúng tôi phải khó khăn lắm mới lách ra ngoài được. Dạo đó hãy còn chưa có cái mốt xin chữ ký, mọi người ngắm nhìn, nhận ra một số nhà văn và cất tiếng chào. Đám khách này thay đổi từng ngày, nhưng trong suốt thời gian đại hội đã có tới hai mươi lăm nghìn người dân Matxcơva kéo đến các cuộc gặp gỡ này.

Các đoàn đại biểu đủ màu sắc đến chào mừng đại hội: đoàn đại biểu quân đội, các em thiếu niên "Trại những chàng mũi hếch", những nữ công nhân nhà máy "Ba quả núi", những người xây dựng đường xe điện ngầm, nông trường viên Udơbêkitxtăng, những giáo viên Matxcơva, các diễn viên và những chiến sĩ cách mạng tiền bối. Những công nhân ngành đường sắt xếp hàng trong tiếng còi hiệu, các em thiếu niên thổi kèn đồng, các nữ nông trang viên mang đến đại hội những cái giỏ đầy ắp hoa quả, những đại biểu Udơbêkitxtăng mang biếu Goocki áo choàng dân tộc và mũ đội đầu, các chiến sĩ hải quân mang làm quà đại hội mô hình hạm tàu. Tất cả điều đó quá hùng tráng, cảm động và ngồ ngộ, gợi nhớ đến những đêm dạ hội cuối năm. Đã quen với những giờ lao động chật vật bên cạnh bàn viết, đột nhiên chúng tôi ở giữa một khoảnh đất rắc đầy hoa hồng, hoa cúc tây, hoa thược dược, hoa sen cạn - nghĩa là tất cả mọi thứ hoa bói được vào đầu mùa thu ở Matxcơva.

Tôi mở cuốn sách, bây giờ đây đã trở thành một của hiếm - biên bản tổng kết của đại hội, xem lại danh sách các đại biểu. Những người tham gia đại hội nhà văn lần thứ nhất bây giờ cũng trở thành của hiếm - từ bảy trăm người đến nay còn sống, có lẽ, độ chừng năm mươi. Hai mươi tám năm đã trôi qua, và đó lại là những năm không đơn giản, dễ dàng gì.

Tôi chủ tọa phiên họp khi người tham gia công xã Pari Guyxtap Jna lên phát biểu. Vào năm đó cụ đã 86 tuổi.

Các đoàn đại biểu đến chào mừng đại hội là những nhân vật của những cuốn sách chưa được viết. Tôi còn nhớ một chị vóc dáng cao lớn, khỏe mạnh - nông trang viên của một vùng ngoại ô Matxcơva. Chị ta nói:

- Đã bốn năm nay tôi là chủ tịch nông trang. Các đồng chí có biết không: chủ tịch nông trang có thể sánh ngang quyền với một vị giám đốc của một xí nghiệp. Còn chúng tôi là một nông trang viên bình thường. Anh ta phải chịu đựng nhiều đấy. Nông trang giao cho anh ấy công việc, đòi hỏi anh ấy phải thực hiện. Nếu anh ta không thực hiện ấy à? Tôi sẽ mang ra hội nghị cạo cho một trận. Còn nếu không sửa chữa khuyết điểm tôi sẽ không tính ngày công cho. Nếu vẫn không sửa chữa khuyết điểm của mình, tôi sẽ đuổi ra khỏi nông trang. Tôi phải thẳng tay để các gã đàn ông lạc hậu noi theo. Có thể mọi người sẽ nói tôi lấn áp chồng tôi, nhưng phải như thế mới ổn thỏa được.

Một anh đàn ông vóc dạc nhỏ bé đứng cạnh chị ta sợ hãi co dúm người lại.

Tất cả các đoàn đại biểu đều "đòi nợ": đại biểu ngành dệt muốn có tiểu thuyết về những người thợ dệt, những người công tác ngành đường sắt lên tiếng cho rằng các nhà văn còn xem nhẹ vấn đề giao thông vận tải, anh em thợ mỏ đề nghị miêu tả vùng Đônbát, những nhà bác học năn nỉ đòi viết về những nhân vật đang tìm tòi, khám phá (Con người ta không phải lúc nào cũng hình dung được họ đang cần gì). Một số nhà văn vội vã trang trải món nợ: hàng trăm cuốn tiểu thuyết về đề tài sản xuất ra đời. Còn người đọc thì mỗi ngày một trưởng thành. Kể từ ngày này, đã hai mươi bảy năm trôi qua không phải là vô ích. Bây giờ, các nhân viên thư viện nói rằng những người làm công tác đường sắt vẫn say sưa đọc những truyện ngắn Tsêkhốp, những người thợ mỏ yêu thích tiểu thuyết "Pi-e đệ nhất" của A. Tônxtôi, những người thợ dệt vẫn đổ nước mắt trên những trang tiểu thuyết "Anna Carênina" còn những nhà bác học vẫn thích những cuốn tiểu thuyết trong đó không hề đụng chạm đến các phát minh, khám phá, từ "Sông Đông êm đềm" đến "Ông già và biển cả".

Nhà thơ già Xulâyman Xtalxki, thay cho lời phát biểu quyết định đọc, nói đúng hơn là hát những vần thơ về đại hội: "Người nghệ sĩ dân gian đã nhận được lời chào, và tôi, Xtalxki Xulâyman, tôi đến với đại hội quang vinh của các ca sĩ". A.M.Goocki đưa khăn lên thấm mắt. Nhiều lần tôi đã được chứng kiến Goocki khóc vì xúc động. Ăngđecxen - Nhecxô cũng khóc khi các em thiếu nhi vây bọc lấy ông.

B.L Pastecnak ngồi trên chủ tịch đoàn và luôn luôn mỉm cười cảm phục. Khi đoàn đại biểu những người xây dựng đường xe điện ngầm bước vào phòng, Pastecnak mở đầu giải thích ngay: "Với một sự thôi thúc đặc biệt muốn đỡ khỏi vai cô thợ xây dựng đường xe điện ngầm kia cái công cụ, tôi chẳng biết tên nó là gì, có thể có đồng chí nào trên chủ tịch đoàn biết được và đã cười nhạo tôi vì thứ nhạy cảm trí thức của tôi, trong cái giây phút đó cô thợ kia như là em gái tôi và tôi muốn giúp đỡ cô như giúp đỡ một người ruột thịt, một người quen biết đã lâu".

Gian Khánh tiết chật ních người, nhắc ta nhớ đến một nhà hát: mọi người chào đón các nhà văn mà họ yêu thích với những tràng vỗ tay nhiệt liệt. Những bài phát biểu hay được đón nhận với sự thán phục. Ôlêsa khiến mọi người xúc động bởi những lời thú tội đầy trữ tình. Visnhepxki và Bedưmenki phát biểu với những lời lẽ nồng nhiệt như ở các buổi míttinh, Cônxtsốp và Bêben biết gây ra những trận cười tán thưởng.

Có cảm giác rằng tất cả mọi người đều đã nói một cách chân thành, tuy đôi khi nội dung của bài phát biểu không phù hợp với tâm trạng thật của nhà văn này hoặc nhà văn khác. Iu. K. Ôlêsa kể lại ông đã tái sinh một lần nữa, đã thoát khỏi những niềm hoài nghi cũ như thế nào: "Không rõ vì sao tự nhiên tuổi trẻ trở lại với tôi. Tôi nhận ra những lớp da mới trên bàn tay, tôi mặc áo may ô, tôi trẻ lại với tuổi 16, 17. Chẳng cần gì hết thảy. Tất cả mọi hoài nghi, mọi đau khổ đã qua đi hết rồi. Tôi trẻ lại. Toàn bộ cuộc đời đang ở phía trước". Hình như trong ngày hôm đó hoặc vào ngày hôm sau, hoặc sau đấy một tuần lễ, khi tôi ăn trưa với ông, Ôlêsa đã buồn bã nói với tôi: "Tôi không viết được nữa. Nếu tôi viết câu này: "Thời tiết xấu"- người ta sẽ nói với tôi: "Thời tiết rất tốt với vụ bông năm nay".

Ôlêsa là một nhà văn rất tài năng, tác phẩm "Lòng ghen tỵ" ông viết vào năm 1927, đã được thời gian thử thách. Kể cả những ghi chép tản mạn vào những năm cuối đời ông đã chứng minh năng lực nhà văn mạnh mẽ ở ông. Nhưng tuổi trẻ không bao giờ còn trở lại với ông - đó là một ảo tưởng, một giấc mơ giữa ban ngày...

A.M. Goocki chăm chú nghe các bài phát biểu. Ông có ý muốn để đại hội thông qua những quyết định có tính chất thiết thực. Alếchxây Macximôvít đã đề xướng ra nhiều việc: viết "Lịch sử các nhà máy, xí nghiệp", viết cuốn sách về "Một ngày trên thế giới", viết lịch sử về cuộc nội chiến, lịch sử các thành phố khác nhau, lập các trường sáng tác, bàn về công tác tập thể, ra một tạp chí đề cập đến việc truyền thụ nghề nghiệp cho những tác giả mới bước vào nghề. Một số trong những dự kiến của ông đã được thực hiện. Nhưng đại hội đã không trở thành và không thể trở thành một đại hội của những công việc thiết thực. Đại hội đã biến thành một cuộc biểu dương chính trị lớn. Từ nước Đức đã bay đến những luồng khói của đám lửa bọn phát xít đang đốt sách. Mọi người còn nhớ nguyên những sự kiện mới xảy ra chưa lâu, cuộc bạo động phát xít ở Pari, cuộc thất bại Sútbunđa. Sự hiện diện của một số nhà văn cách mạng ở các nước khác để mở rộng những bức tường của gian Khánh tiết. Chúng tôi đã mơ hồ cảm thấy bước chân của một cuộc chiến tranh mới đang xích lại gần.

Goocki mời đến nhà nghỉ của ông các vị khách nước ngoài và một số nhà văn Xô viết. Tôi còn nhớ câu chuyện đáng sợ của một nữ văn sĩ Trung Quốc. Bà ta kể lại rằng người ta đã chôn sống nhà văn trẻ Trung Quốc Livâyxên. Vị khách Nhật Bản đã kể tại đại hội bọn mật thám đã tra tấn rồi giết chết nhà văn Côbaiaxi như thế nào. Chúng tôi đã xúc động đón chào nhà văn Brêđêli, ông đã bị giam cầm hơn một năm trong trại tập trung của bọn phát-xít. Ông đã nói về số phận của Lutvigơ Renơ, Ôxextki. Liệu có thể bình thản mà nghe tất cả những chuyện như thế được chăng? Để phục hiện lại bầu không khí của những ngày này, tôi sẽ nói rằng ngay một con người xa cách chính trị như Pastecnak, khi nhắc lại lời chào mừng của người đại diện Hồng quân nói về việc bảo vệ Tổ quốc, Pastecnak đã nói:

- Đồng chí đã bộc lộ ra sự lấp lánh trong giọng điệu riêng của đồng chí bằng những lời lẽ của người học viên quân sự Ilintsép.

Tôi đã nói không nên viết lại lịch sử một lần nữa. Một trong những nghị quyết, đại hội đã chào mừng những khách nước ngoài: Ăngđecxen Nhecxô, Manrô, Giăng Risa Blôc, Jacup Cađri, Brêđêlia, Plipve, Hu Lanchi, Aragông, Bekhér, Amaben Enlixơ và gởi lời chào tới các nhà văn khác như Rômanh Rôlăng, Giđơ, Bacbuýt, Becna Sô, Đraigier, Eptôn Xincler, Henrich Man, Lỗ Tấn (tôi giữ nguyên tên tuổi các nhà văn theo thứ tự ghi trong nghị quyết). Một số trong những nhà văn đã kể trên, trong những hoàn cảnh khác nhau, những thời kỳ khác nhau, và cũng theo những cách khác nhau đã xa rời những ý tưởng đã cùng nhau tán đồng vào năm 1934, nhưng lúc này tôi nói không phải về số phận họ tiếp diễn sau đó như thế nào, mà nói về đại hội.

Ăngđecxen Nhecxô đã đề nghị các nhà văn Xô-viết mở rộng phạm vi quan tâm của họ hơn nữa: "Các bạn nên mang đến cho công chúng những ý tưởng không chỉ vì cuộc chiến đấu và vì công cuộc lao động, mà còn vì những giờ phút im lặng khi con người ta còn lại mặt đối mặt với chính bản thân mình... Người nghệ sĩ cần phải đem tới cho tất cả mọi người nơi nương náu, kể cả những người hủi, anh ta cần phải có trái tim phúc hậu của một người mẹ để lên tiếng bênh vực cho những kẻ yếu, những người bất hạnh, bảo vệ tất cả những ai vì những nguyên cứ nào đó không thể theo kịp bước chúng ta".

Trong bản báo cáo Rađêcơ đã nhắc lại một số chao đảo của Giăng Risar Blôc. Trong bài phát biểu của mình, Blốc đã nói về sự cần thiết phải mở rộng trận tuyến chống phát xít:

- Đồng chí Rađêcơ, nếu đồng chí hãy còn giữ nguyên những ý kiến của mình, nếu đồng chí hãy còn hoài nghi, thì bản thân tôi cần phải báo trước rằng những ý kiến của đồng chí chỉ xô đẩy đông đảo quần chúng ở phương Tây về phía chủ nghĩa phát xít.

Aragông trẻ trung và đầy phấn hứng ngã đầu về phía sau, nói đến di sản "Rembô và Giôlia, Xêgian và Cuốcbê".

Manrô phát biểu hai lần. Lần đầu, anh nói về vai trò của văn học:

- "Nước Mỹ đã minh chứng cho chúng ta thấy rằng có một nền văn minh hùng hậu, con người chưa phải đã biết sáng tạo ra một nền văn học hùng hậu, bức ảnh của một thời kỳ vĩ đại - đó hãy còn chưa phải là một nền văn học vĩ đại... Các bạn đều giống nhau, nhưng tất cả các bạn lại cũng hết sức khác nhau như những hạt mầm. Ở đây, các bạn đang đặt nền móng cho một nền văn học sẽ sinh ra những Sếchxpia mới. Chỉ có điều phải làm thế nào đây để những Sếchxpia kia không chết ngạt dưới sức nặng của những bức ảnh đẹp đẽ nhất.

Lần thứ hai, anh xin phát biểu để nhắc lại quan điểm chính trị của mình:

- Nếu giả thử như tôi cho rằng chính trị thấp hơn văn học, tôi sẽ không cùng một phe với Ăngđrê Gít, để bảo vệ đồng chí Đimitơrốp, tôi sẽ không đến Bá Linh theo sự ủy nhiệm của ủy ban bảo vệ Đimitơrốp, và cuối cùng là tôi sẽ không có mặt ở đây.

Manrô bị chứng co giật thần kinh. Rađêcơ cho rằng anh nhăn nhó khi anh ta cho rằng vấn đề anh ta đặt ra đặc biệt hiếm hoi. Rađêcơ vội vã an ủi Manrô, nhưng chữa cho Manrô khỏi chứng co giật thần kinh, tất nhiên Rađêcơ không làm nổi.

Những bạn bè cũ của tôi như Tônlenrơ, Nêgiơvan, Nôvômêxki cũng phát biểu. Raphaen Anbecchi hết sức khiêm tốn, và thậm chí không được xếp vào hàng những vị khách có tên tuổi.

Vậy trong suốt 15 ngày chúng tôi đã nói đến những chuyện gì? Trong chúng tôi dường như không có những tầm cỡ như Putskin hoặc Gôgôn, nhưng nhiều người không chỉ còn là những mầm hạt mà đã là những thân cây lực lưỡng, những bụi cây mướt xanh. Atếchxây - Tônxtôi không giống với Xêraphimôvit, Balen không giống Panphêrốp, Đêmian Bétnưi không giống với Axêép, và những bản tuyên ngôn chính trị không tránh khỏi xen kẽ với những cuộc tranh luận văn học. Ồn ã hơn cả là các nhà thơ bị kích động bởi bản tham luận của Bukharin. Lần đầu khi tên tuổi của Maiacốpxki vang lên, gian phòng vỗ tay nồng nhiệt. Nhưng ngay ở đây cũng đã không có sự nhất trí. Trong lời kết luận, khi Goocki gọi Maiacốpxki là "một nhà thơ độc đáo và có uy tín lớn", ông đã nói rằng "cái chất khoa trương" vốn là thuộc tính riêng của Maiacốpxki đã có ảnh hưởng không tốt đến một số nhà thơ trẻ. Người ta tranh luận với nhau về quyền tồn tại của thơ trữ tình, về thứ văn chương cổ động còn cần nữa hay không, về chủ nghĩa lãng mạn, về sự dễ hiểu về nhiều điều khác nữa.

Những nhà văn chân chính luôn luôn vươn tới việc biểu hiện không phải bản thân mình, mà là qua mình để biểu hiện tư tưởng và tình cảm của những người đương thời, công việc của nhà văn diễn ra không phải trong một phân xưởng, không phải trên sân khấu, mà là trong một căn phòng khép kín cửa. Có thể dạy cho những nhà văn mới bước vào nghề khắc phục sự chưa thông hiểu văn học, tình trạng thiếu thẩm mỹ, dạy anh ta cách đọc, nhưng để dạy anh ta trở thành một Goocki, một Blôc, một Maiacôpxki mới là điều không thể làm được. Thậm chí một nghệ sĩ tầm cỡ không thể học gì được ở một nghệ sĩ tầm cỡ khác, những chiếc chìa khóa khác nhau thích hợp với những ổ khóa khác nhau. Xtăngđan đã thử lắng nghe những lời khuyên của Bandắc và suýt nữa đã vứt bỏ cuốn tiểu thuyết "Cư dân Pari", nhưng ông đã kịp thời tỉnh ngộ và từ chối không sửa chữa lại cuốn sách đó. Tuốcghêniép khi cố gắng sửa lại một số bài thơ của Chietxtep mà theo ý kiến của Tuốcghêniép - đã phạm nhiều lầm lỗi - đã hoàn toàn làm méo mó những bài thơ ấy.

Các nhà văn đôi khi (không phải luôn luôn) nói với nhau về những vấn đề văn học ; những cuộc đàm đạo hoặc tranh luận như thế có thể giúp vào việc suy nghĩ ra nhiều điều khác. Nhưng liệu có thể tranh cãi về chuyện nghề nghiệp trong một gian phòng lớn, giữa những bản nhạc chào và những tràng vỗ tay nồng nhiệt được chăng? Tôi cho rằng không nên làm điều đó. Độc giả đã được chứng kiến những gì đã có giữa chúng tôi và họ, nghĩa là giữa chúng tôi và họ có một mục đích chung. Đến lượt mình, chúng tôi cũng hiểu rằng hàng triệu triệu người rất quan tâm đến công việc của chúng tôi. Điều đó buộc chúng tôi phải suy nghĩ một cách nghiêm khắc hơn nữa về trách nhiệm của nhà văn. Đại hội đã được triệu tập vào ngày hôm trước của cái thập niên đầy những khó khăn sẽ diễn ra. Chúng tôi đã nhìn thấy nanh nọc của con dã thú phát xít đã nhe ra như thế nào. Liệu những sự bất đồng về mặt văn học giữa chúng tôi đôi khi gắn với cả sự ác ý, hằn học - lại quá lớn lao sao. Chúng tôi đã chứng tỏ cho những ai muốn hiểu điều đó rằng sự hỗ trợ mang tính chiến đấu đối với chúng tôi, đó không phải là một khái niệm trừu tượng. Đại hội đã làm được điều này, còn những gì hơn thế nữa, theo ý tôi - đại hội không thể làm được.

Dẫu sao thì sự non nớt, ngây thơ, hoặc vì những gì vốn đã thuộc về bản tính, tôi cũng như một số các nhà văn khác - đã chen chân vào những cuộc tranh luận văn học như thế. Vì như tôi đã dám cả gan ngờ vực vào sự ích lợi của việc tổ chức một cách tập thể công việc của các nhà văn. Alếchxây Macximôvit, khi trả lời tôi đã nói rằng tôi đã nói như thế "vì sự hiểu nhầm, vì chưa làm quen nổi với ý nghĩa về mặt kỹ thuật của những từ này".

Sau này, Goocki đã nói với tôi:

- Đồng chí chống lại lề lối làm ăn tập thể, bởi vì đồng chí mới nghĩ về các nhà văn đã có trình độ. Có lẽ, đồng chí hãy còn đọc quá ít những gì người ta in ấn bây giờ. Chẳng lẽ tôi lại đề nghị Baben cùng viết với Panphêcốp sao? Baben biết viết, anh ta có chủ đề của mình. Tôi còn có thể kể tên những người khác: Tưnhianốp, Lêônốp, Phêđin. Còn những nhà văn trẻ thì sao? Họ không chỉ còn chưa biết viết, mà còn chưa biết bắt tay vào công việc này như thế nào...

Phải thú thật rằng Alếchxây Macximôvit không thuyết phục nổi tôi. Trước đây tôi đã từng nghĩ về bản thân ông ta: ông ta học viết, tìm được đề tài của mình. Không ai có thể lặp lại ông ta được. Và vào ngay cái năm 1934 này tôi đã từng nhìn thấy những nhà văn trải qua trường đời khắc nghiệt và tìm được con đường đi của mình. Trong những tác phẩm của những bậc tiền bối vĩ đại của chúng ta, họ cũng đã tìm ra những bài học mà có lẽ họ sẽ hoài công mà chờ đợi để nhận được từ các ông đội trưởng các đội văn học, từ các vị giáo sư của các trường đại học văn chương được thiết lập ra. Tôi còn bực mình vì một cớ khác nữa, tôi được biết Goocki quá muộn. Tôi được tiếp chuyện với ông ta hai lần, còn thường chỉ đưa mắt nhìn ông trong thời gian đại hội. Tôi sửng sốt vì cái tài năng thiên bẩm trong ông, cái tài năng kia bộc lộ ra trong từng cử chỉ của ông. Khi đọc báo cáo, đột nhiên ông ho sặc sụa, cơn ho kéo dài khá lâu và gian phòng vắng lặng hẳn đi: mọi người đều biết rằng Alêchxây Macximôvit đang ốm. Ánh sáng gay gắt của những chiếc đèn chiếu đã kích thích ông. Khi chúng tôi dự bữa cơm chiều tại căn nhà nghỉ của ông, đột nhiên ông đứng dậy với một nụ cười méo mó, ông nói ông xin lỗi mọi người, ông quá mệt, phải đi nằm. Baben người hiểu Goocki khá rõ, nói với tôi:

- Sức khỏe của ông ta rất kém. Sau cái chết của cậu con trai Macxim, ông ấy đã suy sụp. Đấy không còn là Goocki ngày trước...

Có lẽ Baben đã nói đúng, tôi không còn may mắn được gặp một Goocki "ngày trước".

Tôi đọc một bản tham luận dài. Tôi dẫn ra đây một số đoạn:

"Liệu có thể quở trách nhà văn vì anh ta không làm cho tất cả mọi người hiểu được tác phẩm của anh ta chăng? Những bản tình ca được thổi bằng kèn Acmônica sẽ dễ dàng đạt được tính đại chúng hơn Bitôven? Mỗi một nghệ sĩ chân chính đều cố vươn lên đến sự giản dị, nhưng sự giản dị lại là kẻ thù của sự giản đơn. Sự giản dị của tác phẩm "Môtsarta và Xalieri" không phải là sự giản dị trong những bài ngụ ngôn của Crưlốp. Có những sự giản dị, để hiểu được nó cần phải có thời gian chuẩn bị. Chúng ta có quyền tự hào vì một số cuốn tiểu thuyết của chúng ta hàng triệu người có thể hiểu được. Về phương diện này chúng ta vượt xa xã hội tư bản. Nhưng đồng thời chúng ta cũng cần phải biết nâng niu, gìn giữ những hình thức của nền văn học của chúng ta, những hình thức mà ngày hôm nay còn có cảm giác như là những thái ấp riêng của giới trí thức và tầng lớp trên của giai cấp công nhân, nhưng ngày mai rồi sẽ trở thành tài sản của hàng triệu người. Sự giản dị không phải là chủ nghĩa sơ lược. Đó là một sự tổng hợp, chứ không phải là tiếng bập bẹ ấu trĩ. Tôi buộc phải nhắc lại điều này bởi vì cái thứ bệnh quê mùa hãy còn thường bắt gặp trong văn học của chúng ta. Nhưng rất hay thấy trong các cuốn sách của chúng ta thói kiêu ngạo phách lối, và đồng thời cả tính tự ti thấp hèn của những kẻ sinh trưởng ở nơi thâm sơn cùng cốc...".

"Những nhà văn vĩ đại của thế kỷ trước đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm... Nhưng việc nghiên cứu những kinh nghiệm này ở nước ta bị đánh tráo bởi thói bắt chước. Và như thế những kẻ hậu bối ra đời, và như thế xuất hiện những cuốn tiểu thuyết hoặc những truyện ngắn mô phỏng một cách mù quáng theo kiểu những cuốn sách tự nhiên chủ nghĩa đã lỗi thời... Nấp dưới dạng phải đấu tranh với chủ nghĩa hình thức, ở nước ta thường xuyên diễn ra sự sùng bái các hình thức nghệ thuật phản động nhất… Người công nhân đã đúng khi chống lại cái kiểu nhà trại lính... Nhưng chẳng lẽ điều đó lại có nghĩa là có thể tiếp nhận cái kiểu của giả cổ điển, thêm vào một chút kiểu đế chính, một chút kiểu Barôco, một chút kiểu Damatxcơvapêtxa và gọi tất cả cái mớ hổ lốn ấy là phong cách kiến trúc của một giai cấp vĩ đại mới?... Ai sẽ nảy ra ý định xem xét lịch sử hội họa chỉ như sự thay đổi một cách trần trụi các đề tài? Các bậc danh họa Hà Lan thế kỷ thứ 17 đã vẽ những quả táo, Xêdan cũng vẽ những quả táo, nhưng họ vẽ những quả táo theo những cách thức khác nhau, và mọi điều là ở chỗ họ đã vẽ những quả táo ấy như thế nào"...

"Thay thế cho việc xem xét phân tích văn học - chúng ta nhìn thấy những tấm bảng đỏ và đen, trên những tấm bảng đó người ta trương các tác giả lên, cần phải nói thêm với một sự dễ dàng, huyền thoại, rồi với sự dễ dàng ấy có thể chuyển họ từ tấm bảng này sang tấm bảng khác. Không nên, như ở nước ta mọi người thường nói - dựng nhà văn lên làm lá chắn rồi ngay lập tức lại vứt tuột anh ta xuống bùn đen. Đó không phải là trò thể thao. Không nên biến cuộc phân tích văn học tác phẩm của một tác giả thành điều gì đó làm liên lụy đến vị trí xã hội của nhà văn kia. Vấn đề phân phối phúc lợi không nên dính líu đến việc phê bình văn học. Cuối cùng không nên xem xét những điều không thành đạt, những đổ vỡ của người nghệ sĩ như một tội lỗi, và những thành đạt như một sự phục hồi danh dự".

Thường thường, khi nhớ lại quá khứ, tôi vẫn ngạc nhiên tại sao tôi vẫn có thể viết được một đôi điều gì đó, vẫn làm được đôi việc nào đó, rất khó khăn tôi mới nhận ra nổi bản thân mình trên những bức ảnh đã phai mầu. Bài phát biểu tại đại hội nhà văn còn khiến tôi sửng sốt vì một lẽ khác, tôi có cảm giác đó là những đoạn trích ra từ một bài báo tôi viết mới cách chưa lâu. Gần ba mươi năm đã trôi qua kể từ ngày ấy. Thế giới đã thay đổi đến độ không nhận ra được. Tại đại hội, O. Iu. Xmiđt đã kể cho tôi nghe về những viễn ảnh tuyệt vời của ngành hàng không, trong những năm sắp tới các phi công của chúng ta sẽ bay qua Bắc cực. Tôi nghe ông ta kể như nghe một thầy phù thủy. Dạo đó liệu có một ai có thể hình dung được rằng hai mươi bảy năm sau người phi công Xô viết sẽ bình thản thiếp ngủ trong khoảng không vũ trụ bao quanh bất cùng bất tận hành tinh của chúng ta?

Vào năm 1934, sau tác phẩm "Ngày thứ hai" tên tuổi của tôi đã được ghi trên bảng đỏ và không ai xúc phạm đến tôi cả. Nói chung, đó là một thời kỳ khấm khá và tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng đến năm 1937, khi theo điều lệ sẽ triệu tập đại hội các nhà văn lần thứ hai, ở nước chúng ta sẽ xuất hiện một thiên đường. Tại đại hội O. Iu Xmiđt đã phát biểu. Với sự mỉa mai cay đắng, ông đã kể lại một trong những bộ phim đề cập thiên anh hùng về những người chinh phục Bắc cực "Và đây bỗng nghe thấy giọng của một người nào đó giống một cách đáng ngờ với giọng của người lãnh đạo đoàn thám hiểm, tuy tôi hoàn toàn không nói điều đó. Đây, vị lãnh đạo kia luôn luôn thét lên: Tiến lên! Nhanh lên! Nhanh nữa lên! Tiến lên, tiến lên!". Chúng tôi không chỉ đạo công việc bằng những phương pháp như thế. Sự chỉ đạo của chúng tôi, công việc của chúng tôi không cần đến sự thôi thúc, cưỡng ép, tiếng hô hoán reo hò, không cần đến sự đối lập giữa người thủ lĩnh với đám quần chúng còn lại. Đó hoàn toàn không phải là phương pháp của chúng tôi. Chúng tôi đã nồng nhiệt vỗ tay lời phát biểu thông minh đó. Ohô Iulêvit là một nhà bác học cừ khôi, ông không phải là người đoán mò.

Mọi người bầu cử Ban chấp hành, thông qua điều lệ. Goocki tuyên bố đại hội bế mạc. Sáng ngày hôm sau ở lối vào gian Khánh tiết những người quét rác khua những cây chổi lên như điên như dại. Ngày hội đã kết thúc...

(Trích chương 7, quyển IV)
TÔ HOÀNG dịch
(SH27/10-87)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cỏ non xanh... (27/06/2013)
Xuân sớm (06/02/2013)