Chỉ biết trong hành trang có khoảng hai mươi bài thơ mới làm. Bài đã làm vi tính, bài đang chép tay. Cứ đưa cho các toà báo, các hội văn nghệ tỉnh mỗi nơi một hai bài. Bắt đầu là tạp chí Cửa Việt (Quảng Trị). Đêm nghỉ. Ngày đi. Những bạn bè văn nghệ đã quen, chưa quen rồi sẽ quen. Họ sẽ giúp sức cho mình trên những chặng đường xa. Tôi nghĩ thế. Tôi tin thế. Áo mưa, giày vải, mũ bảo hiểm gọn gàng, tôi lên đường. Tốc độ 40 km/giờ. Đi chậm cho chắc. Xăng tụt đến đâu đổ đến đấy. Chẳng mấy chốc xe tới đô thị Đông Hà - thành phố mới có quyết định lên đô thị loại 3. Tôi cho xe rẽ trái vào ga. Tại sao vào đây? Bởi từ xa tôi đã thấy lóng lánh những khối thạch cao phát sáng. Thạch cao mua từ Lào. Đông Hà giờ có “mỏ” thạch cao lộ thiên. Không chỉ có thạch cao mà còn gỗ. Những súc gỗ đường kính cả mét nghe nói cũng mua từ rừng Lào chở về đây bằng xe reo. Và không chỉ có gỗ súc mà còn cả gốc cây. Gốc cây của những loài gỗ quý hiếm như lim, kiền, trắc, gie hương đại thụ đã khai thác gỗ từ bao giờ, nay nó đã chết và người ta đi đào, đi kéo về tập kết ở đây, chất ngổn ngang còn cao hơn cả những núi gỗ và thạch cao. Là bởi bây giờ những người giàu có ở thành phố mốt bàn ghế là những gốc cây cổ thụ lật ngược. Chỉ hai nhát cưa là thành bàn rồi. Muốn đẹp, qua bàn tay chạm khắc, đánh bóng là thành chiếc bàn long ly quy phụng và nhiều hình thú, hình mặt người dáng điệu kỳ dị.
Hai bên quốc lộ 1A từ đây ra Lệ Thuỷ tôi bắt gặp nhiều vườn cây mới: lộc vừng, sanh, đa cổ thụ trồng trong những chậu lớn và trồng xuống đất vườn. Những cây cổ thụ được cưa bớt các cành, người ta khai thác từ trên rừng xa. Những người lập vườn phải bươn lên chỗ khai thác để mua cho rẻ. Họ chở về trồng một thời gian. Khi cây bén rễ, ra lứa lá mới, hoa mới và được giá là trục bán cho cánh lái xe.
Hà Nội,
Định là những nơi yêu chuộng mặt hàng này và tiêu thụ nhiều nhất. Đến xã Sen Thuỷ, tôi dừng lại chủ vườn ông Lê Ngọc Long. Vườn ông Long ngoài những gốc đại thụ như nhiều vườn khác, ông Long còn nhiều cây con như bồ đề đỏ, bồ đề trắng, tang, móc mà thân cây như những quả chuỳ, quả lựu đạn trên có lá to xoè như bàn tay và hoa chấm trắng, chấm đỏ li ti. Và phong lan, vạn niên thanh lá to thì leo giàn rất đa dạng... Tôi hỏi ông Long những loài cây cảnh này người ta lấy ở đâu, ông trả lời không ngần ngại: trên núi Yên Mã. Ông còn giải thích: Người ta phải dòng dây làm thang lên các vách đá rồi dùng đục mới đục được chúng.
Đến ngã ba Cam Liên (Cam Thuỷ, Liên Thuỷ) nơi đồng ruộng sâu nhất huyện, tôi dừng xe. Hai phía quốc lộ 1A nơi đây có đến hai dạng cọc tiêu. Cọc gần mép đường 7 mét. Cọc xa mép đường 15 mét. Nhiều nông dân ở các làng xa nhảy ra đây đấu đất mặt đường làm nhà. Có hộ đổ được nhà mái bằng hai phòng để ở. Có hộ mới làm cái móng đã lâu hoang phế, thép trụ rỉ sét sắp gẫy. Ông Võ Xuân Thành (Cam Thuỷ) than thở: Làm được cái nhà ở đây là đổ xương đổ máu ông ơi. Nhà nước thì mới mở rộng đường mỗi bề hai mét, cọc tiêu lộ giới còn những 15 mét nữa thì, ai muốn làm nhà là phải đổ đất lấp cho lộ giới rồi mới tới nền móng nhà mình. Ông coi đó, mặt đường cao 3 mét, lô đất tôi đấu 130 mét vuông thì phải kè móng rồi đổ 400 khối đất mới khoả bằng mặt đường. Lộ giới của nhà nước cũng phải gần 400 khối đất nữa thì ông nghĩ không máu và nước mắt là gì? Ông Võ Xuân Thành thở dài thườn thượt! Nhưng ông Thành là còn khá, còn làm được nhà giữa đồng trũng, còn biết bao nhiêu người mất tiền đấu đất nhưng chưa có đá kè móng làm đất tụt hết thì chuyện xây nhà là còn khuya?
Sao mà khổ sở thế? Thì tiến ra mặt đường mà làm gì? Nghe nói các nước tiên tiến người ta cấm dân xây nhà hai bên đường cao tốc. Quốc lộ 1A ta là trục đường cao tốc bởi có vạch phân luồng, dân tự tiện đấu đất kiểu này là có nhiều cái nguy: xe chạy vùn vụt không buôn bán gì được lại xa làng quê với đồng ruộng của mình. Rồi cái cảnh “đổ máu” làm nhà như đã nói. Rồi đổ máu thật vì tai nạn giao thông. Nên tốt nhất là nhà nước, các tỉnh cần tính đến quy hoạch. Hiện các huyện, thị trấn trên trục quốc lộ 1A cách nhau từ 30 đến 50 km thì nên quy hoạch mở rộng các thị trấn, ai muốn buôn bán thì về đấu đất ở thị trấn ấy mà buôn bán. Ai làm ruộng ở quê thì nên ở quê mà chăm bón ruộng đồng. Đã ở quê thì nhảy ra trục đường làm gì cho khổ. Nói lợi dụng mặt đường để phơi cái rơm cái rạ thì sai luật giao thông mà khốn nỗi, đó là sự tính toán u mê, khố rách! Hình như “tiến ra mặt đường” là phong trào nhưng phong trào không tuân thủ phương hướng là nguy. Cần phải chấn chỉnh. Lại gặp nhiều thị trấn mới xây mà đã lạc hậu rồi. Bởi chỉ dựa vào một trục đường dài, rộng còn bao nhiêu là những hẻm nhỏ chỉ rộng 1,5 mét. Bởi do “tiết kiệm” đất mà trở thành lạc hậu. Kiến thiết các thị trấn mới là phải xây ô phố, trục đường rộng 12 đến 16 mét, các đường khác hẹp nhất cũng phải 9 mét mặt đường. Hè đường phải 5 mét cho cả hai phía để kiến trúc không gian, trồng cây xanh và xử lý các cấu trúc hạ tầng. Nhiều thị trấn nổi lên nhiều nhà cao tầng bề thế là rất mừng nhưng lại buồn bã bởi đường sá cong queo chật hẹp rất nhí nhố.
Tới bắc cầu Quán Hàu, tôi rẽ tỉnh lộ 4 về làng Vĩnh Tuy quê tôi. Theo tôi, đây là đoạn hẹp nhất nước tính từ quốc lộ 1A tới đường mòn Hồ Chí Minh Đông (chỉ 4 km). Nhà tôi ở km2. Mới vô nhà, Lê Quang - ông anh rể tôi đã thốt lên: Cậu mi ơi, rứa cậu mi là nhà văn nhà báo mà anh chết sẽ không có đất chôn! Tôi hiểu. Nguyên do là thế này: đất Lùm Đại ngày trước là đất rẫy của làng Vĩnh Tuy. Hộ dân nào cũng có đất đồng dưới, đồng trên và rẫy để trồng lúa vãi, khoai, sắn, bắp, đậu. Đặc biệt là củ đậu đặc sản ngon nhất vùng nên làng tôi được mệnh danh là “làng Vĩnh củ đậu”. Năm 1958 cải cách ruộng đất. Năm 1961 vào hợp tác xã (HTX). Đất rẫy Lùm Đại đều giao cho HTX quản lý. Những người chết thì chôn ở Lùm Đại. Có người chôn đúng đất rẫy xưa của họ. Từ khi có dự án PAM, người ta trồng rải rác lên đó khoảng 500 cây thông, 1000 cây bạch đàn rồi cũng giao cho HTX quản lý. Nay có quyết định 327 của chính phủ “phủ xanh đồi trọc”, ông Đỗ Văn Cách đấu 50 ha đất rẫy Lùm Đại, có cả nhiều mồ mả lăng tẩm, thời hạn 50 năm, đã cấp sổ đỏ. Anh rể tôi năm nay 75 tuổi, rẫy xưa của anh, ông Cách đã đấu nên anh khẩn khoản không còn đất chôn là có lý.
Và tôi trả lời: Nghị quyết chung là như thế nhưng nhiều nơi không soát xét kỹ cứ làm ào ào nên có thể sai. Theo tôi hiểu đất rừng đây phải là đất đồi trọc, đất xấu đồi hoang. Còn Lùm Đại là đất rẫy xưa cơ mà. Có thể ban chủ nhiệm HTX đã nhầm lẫn. Và ngưòi dân có thể đi kiện về nương rẫy xưa của họ. Hoặc làng, xã sẽ bàn lại để dành đất quy tập mồ mả. Bởi quê ta đâu đã có lò thiêu người! - Còn chuyện ni nữa cậu mi ơi, anh rể tôi nói tiếp: Cậu mi nói đúng. Phải phủ xanh đồi trọc, Cho dân khai thác trên các đồi trọc bằng cách trồng bạch đàn - loài cây chịu nắng gió khô hanh. Trồng năm năm đã khai thác. Cứ cưa cho sát gốc. Nó lại đâm hai đến năm chồi mới. Chỉ cần thời gian khoảng 10 đến 15 năm là khai thác được ba đến bốn lứa cây. Đằng này đấu đến 50 năm là lâu quá. Lớp người trước chết đi, lớp sau chết tiếp rồi còn ai nhớ và người ta tự chuyển nhượng đất đai lộn tùng phèo. Nhưng điều này mới thật tệ hại: như cậu mi biết đó, đất quê ta đâu có nhiều, ông Đỗ Văn Cách đấu Lùm Đại 50ha đến ông Phùng Khanh đấu Lùm Ngấy 70ha là hết đất đồi. Bởi nghị quyết 327 có lợi nên khi hết đất đồi thì người ta đấu vào rừng nguyên sinh. Và anh liệt kê rành rọt từng người: ông Hà Chấn đấu Miếu Ải - giáp Mùa Cua 100ha gần núi U Bò. Gia đình ông Học đấu 30ha rừng Mò O - Dốc Tượng. Ông Bàng đấu Trảng Cỏ 20ha. Ông Minh đấu Động Nhà Thờ 30ha. Hai anh em ông Phùng Văn Chính, Phùng Văn Chuyên đấu Bắc Đá Mài 40ha. Họ còn đấu tiếp rừng Đá Giăng, Biền Rôộng đầu nguồn hai con suối cấp nước cho đập Điều Gà và còn đấu tiếp vào núi Đầu Mâu.
Ôi “non Mâu sông Lệ” là biểu tượng đ?a linh nhân kiệt - sơn thuỷ hữu tình cho xứ quảng Bình đang bị xúc phạm! Dưới chân núi Đầu Mâu và dốc U Bò là đường giao liên thời chống Pháp. Vận chuyển binh lương cũng theo lối này bởi nó vượt tầm pháo bắn của đồn Vĩnh Tuy (nam đập Điều Gà). Giờ người ta phá rừng vào tận rừng sâu quá tầm pháo bắn! Đây là vùng rừng nguyên sinh nhiều gỗ quý đã khai thác trước đây để làm nhà, nay là lứa mới bằng bắp chân bắp tay. Những gõ, lim, sến, kiền, táu, dỗi, cà ổi, giẻ, trường, lành ngạnh, tâm, huyệnh... đã bị đốn hạ. Họ lấy củi rồi đốt để trồng bạch đàn. Nhạc phẩm Bình Trị thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương nổi tiếng nên ai nấy đều thuộc: “Hướng về nam, ai đã qua đèo Ngang, đã sang Ba Rền, mến dòng sông Gianh biết danh Luỹ Thầy. Giờ đây lửa cháy ngút ngàn”. Lửa cháy ngút ngàn đó là lửa cháy thời chống Pháp. Giặc Pháp đến đây đốt làng, và người dân nhiều vùng cũng cần tiêu thổ để đi kháng chiến. Còn bây giờ lửa cháy ngút ngàn là nạn đốt phá rừng xanh để giành nguồn lợi trước mắt. Bởi chăm sóc rừng gỗ quý thì phải 40 năm đến 50 năm. Rừng già, đất tốt, giống bạch đàn chỉ ba, bốn năm là đã có thể khai thác gỗ cốt pha xây nhà, thêm một năm có thể bán cho nhà máy giấy, cho nên khi đã có “giấy tờ” rồi là người ta ngang nhiên tàn sát.
Làng tôi còn có đập Điều Gà mà mỗi lần nhắc tới là mắt tôi rơm rớm nước. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, sau một đêm mưa lớn, sáng ra bỗng nhiều tiếng thanh la và tiếng người chuyền nhau hô: “đập vỡ ơ... làng!” Dân cả làng lên đập. Tôi đã chứng kiến dân làng Vĩnh Tuy tôi dùng ba chiếc thuyền chở đầy đất sét và đánh đắm cùng một lúc vào dòng nước chảy xiết, kế đó là những dây chuyền đất tới tấp đưa đất trùm kín ba con thuyền rồi dùng chày nện mới bịt được dòng chảy. Con đập cũ đến giờ vẫn còn (cao trình 4). Năm 1986, tỉnh Bình Trị Thiên cấp kinh phí mấy tỉ đắp đập Điều Gà mới lên cao trình 18 (vị trí trên đường mòn Hồ Chí Minh Đông bây giờ). Mục đích: đưa nước lên đồng trên (100ha), cấp nước dân sinh cho xóm rẫy Lùm Đại (100ha) và đồng trên làng Trung Trinh (200ha). Hai làng Vĩnh Tuy - Trung Trinh trước cùng một HTX gọi là HTX Vĩnh Trung.
Tách tỉnh (1989), tỉnh Quảng Bình tiếp cấp kinh phí nửa tỉ xây hồ chứa nước đồng trên gọi là hồ Thanh Niên, điều tiết nước, quanh năm có thể làm ba vụ lúa cho cả hai làng. Nhưng, chỉ đào một con mương 700 mét dẫn nước từ đập qua khe Đồng Hây về hồ chứa nước mà 20 năm rồi vẫn chưa đào được nên hồ khô khốc, đồng trên chỉ gieo một vụ lúa còn hai vụ khác không có nước thì trồng khoai. Mùa hạn hán. Các giếng làng đều khô. Dân làng phải lên đập gánh nước. Trong khi đó nước Điều Gà thừa thãi tràn ra sông Nhật Lệ! Thật uổng của! Theo chỗ tôi biết, nếu đào được mương dẫn nước về đồng trên, nâng đập tràn lên nửa mét, nâng đập chính lên cao trình 20 thì đủ cấp nước cho đồng làng Chợ Gỗ 30ha (tất nhiên vẫn chưa có mương dẫn nước). Thiết nghĩ, 20 năm rồi mà đồng ruộng nơi đây vẫn ăn nước đập cũ (cao trình 4) thì ngành khoa học thuỷ lợi nâng đập lên cao trình 18 phải tốn bạc tỉ để làm gì?
Làng Vĩnh Tuy xưa dân số chưa tới nghìn người vẫn đắp được đập. Nay Vĩnh Tuy có gần 5000 người, làng Trung Trinh có 1200 người mà không đào được con mương 700 mét sao? Họ còn chờ đợi cái gì? Nghe nói họ chờ kinh phí! Nghe nói việc đào mương làng Vĩnh Tuy đã đưa ra bàn nhiều lần nhưng lần nào cũng có người bàn lùi để chờ kinh phí! Và các cuộc bàn đều tan. Thật là xấu hổ! Làng Vĩnh Tuy có 6 chi bộ đảng. Cả xã Vĩnh Ninh có 5 làng 13 chi bộ và 1 đảng bộ với 250 đảng viên mà 20 năm rồi không chỉ đạo được để đào một con mương 700 mét dẫn nước như thiết kết đập ban đầu nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân thì thử hỏi vai trò đảng ở địa phương này là gì và lãnh đạo được những gì?
Hai hôm sau, tôi tới thành phố Vinh. Tôi tìm nhà capitaine Nguyễn Hoàng Thiết ở ngã 6. Mười ba năm làm thuỷ thủ ở các tàu chiến đấu, từng sống với nhiều vị thuyền trưởng nhưng thuyền trưởng Thiết là tôi ưa nhất, hợp nhất. Bởi ông hay làm thơ châm biếm mấy vị cấp trên ông nên tôi khoái. Ông thông minh và thẳng tính. Ông hay tranh cãi về nghiệp vụ hàng hải nên khi về làm giảng viên Trường Hàng hải Bộ Tư lệnh Hải quân là đụng chạm. Ông đi lính từ thời chống Pháp nhưng chỉ đến cấp đại uý là ông xin nghỉ hưu. Gặp lại tôi ông khoái lắm. Ông nói bỗ bã: Tớ không ngờ cậu lính báo vụ dũng cảm đẹp trai đứng bên tớ trên đài chỉ huy khi lệnh nổ súng bắn tàu vơ-đéc ở Cap Lay (Mũi Lài - Vĩnh Linh) lại trở thành nhà văn. Nói đoạn ông lấy bia lon ra mời tôi. “Các con nó biếu ngày tết nên đang còn”. Đang nhâm nhi ly bia với ông vừa xem chương trình thời sự 19 giờ tối thì tin báo khẩn cấp: lũ lụt to ở hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình. Cụ thể là các vùng hai bờ sông Thạch Hãn và sông Hiếu (Quảng Trị) còn Quảng Bình thì rơi đúng hai huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh quê tôi.
Nghĩ thời tiết cũng lạ. Hàng năm, lũ tiểu mãn sớm cũng phải qua tháng ba âm. Năm nay chưa hết tháng giêng Tết mà đã lũ rồi. Nhớ mấy ngày qua, những nơi tôi dừng xe vừa lấy sức vừa để khảo sát, chính bởi bàn tay con người tàn phá thô bạo vào thiên nhiên nên bây giờ có sự trả giá này là chính xác! Tôi nói với thuyền trưởng: Ở Đông Hà thì người ta đào cả gốc cây cổ thụ trên rừng về làm bàn, ghế. Còn ở Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Quảng Bình thì đục hết bồ đề trên các vách núi. Tước phong lan, vạn niên thanh cũng tức là tước luôn cả lớp địa y, rêu tảo bám vào cây rừng. Trục hết cây cổ thụ trên núi về làm cây cảnh cho các khách sạn, các người giàu sang ở thành phố. Còn như xã, huyện tôi thì người ta tiến vào rừng nguyên sinh mà khai quang thì thử hỏi còn gì níu giữ mà không hứng lũ quét. Bản tin này tuy không có người chết nhưng nước tràn nhanh gây ngập úng lúa mùa mấy huyện, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Người giàu thì ngồi rung đùi bên chiếc bàn long ly quy phụng với ly cà phê bốc khói thơm lừng hoặc đưa võng dưới những nhà vườn biệt thự ngắm cây lộc vừng đang bật những lá non chờ mùa hoa tới còn người nông dân bị lũ lụt mất mùa thì chỉ biết ngậm bồ hòn!
Cửa Tả. Hội văn nghệ Thanh Hoá đây rồi. Gặp chủ tịch Lê Xuân Giang, Kiều Vượng, Từ Nguyên Tĩnh, Mạnh Lê cùng các anh chị trong tạp chí Xứ Thanh. Ai cũng thốt lên: “Vĩnh Nguyên đi xe máy từ Huế ra à, còn đi được nữa không?” - Còn đi được! Tôi trả lời chắc chắn. Hoá ra chủ tịch Lê Xuân Giang đang có kế hoạch cho anh chị em nhà văn mấy mũi đi thực tế sáng tác. Và tôi xin đi miền tây với Lã Hoan, Hà Thị Cẩm Anh và hoạ sĩ Quảng. Hôm sau lên đường, hoạ sĩ Quảng rút lui vì bận đứng lớp.
Lã Hoan bị ngã gãy tay vừa mới lành nhưng vẫn đèo Hà Thị Cẩm Anh bởi xe Lã tốt và phân khối lớn. Lã Hoan đi trước. Tôi theo sau. Tới cầu Bố, rẽ quốc lộ 45 đi Nông Cống. Mới ra khỏi thành phố một đoạn đường đã xấu. Chắc là càng đi lên đường càng xấu? Nghĩ thế tôi bỗng nhớ mấy câu vè đồng dao về vùng đất này: “Khu Bốn đẩy ra - Khu Ba đẩy vào - Đẩy qua nước Lào - Nước Lào không nhận - Trở về uất hận - Lập quốc gia riêng - Quyết chí đặt tên - Thủ đô Nông Cống”... Ủa, đường lên “thủ đô” mà hẹp, mà xấu thế này ru? Có đoạn đường sống dao nứt dọc hình rồng rắn và rắn có thể chui lọt. Hai bên hồ, ao sâu thăm thẳm. Độ cao mặt đưòng nơi đây còn cao hơn cả đường ruộng sâu Lệ Thuỷ. Nhìn những nếp nhà dân lúp xúp phía dưới, mái nhà thấp hơn cả mặt đường mới tội nghiệp làm sao!
Đến ga Yên Thái, xe cùng khách bộ hành phải dừng rất lâu. Nhà ga đang chỉnh các toa kéo. Đoàn tàu ?ứng yên chặn ngang đường quốc lộ. Lâu lâu lại tút tiếng còi làm khách khứa cười cợt hết sức mỉa mai. Có ai đó nói: đáng lẽ nhà ga phải mở thêm về phía kia 50 mét thì tránh được quốc lộ 45. Lại có tiếng đáp trả: nhưng phía kia đã vướng lâu đài gì đó rồi thì sao? Thì tất nhiên hoàn toàn thiếu khoa học như thế này đây! Chúng tôi đi tiếp. Một chiếc xe tải chở mía cây đổ ở Chuối (thị trấn Nông Cống). Nó chạy ngược chiều chúng tôi. Mía từ Như Thanh về nhập cho nhà máy đường Nông Cống. Khúc đường này quá hẹp. Hai xe tải tránh nhau và chiếc chở mía lật ngang xuống hố.
Tới huyện Như Thanh trời ngả về chiều. Văn phòng Uỷ ban bố trí cho chúng tôi ăn nghỉ và hẹn 7 giờ 30 sáng mai gặp đoàn. Đúng hẹn. Chúng tôi tới Uỷ ban. Tiếp chúng tôi là chánh văn phòng Trương Thanh Tĩnh. Anh gần năm mươi tuổi mà trẻ trai và sôi nổi quá. Vừa ngồi xuống ghế, anh đã tâng tâng như vừa có vài ly rượu Cẩm với nhau: Các anh các chị ơi, Như Thanh mới tách Như Xuân mười năm mà Như Thanh nhiều thế mạnh lắm. Riêng vải là bạt ngàn, đến những 400ha. Vải Như Thanh ngon không kém vải thiều Hải Dương. Vải ngọt rất thơm, cùi dày mọng nước và hạt thì rất nhỏ. Hạt chỉ đúng bằng hạt tiêu nên có người gọi vải tiêu. Đến mùa ở đây một cân chỉ 1700 đồng. Nó ứ đọng nhiều đến thối luôn bởi đường xấu quá không vận chuyển nhanh đi được.
Tôi rất khoái ăn vải nhưng cũng khó phân biệt đâu là vải Như Thanh đâu là vải thiều Hải Dương. Ở Huế đầu mùa vải phải 15 ngàn đồng một cân. Rộ mùa mới tụt xuống 8 ngàn đến 10 ngàn đồng. Với độ đường gần hơn, Huế có thể ăn vải Như Thanh là đương nhiên. Anh Tĩnh liên lạc với xã Xuân Du để chúng tôi đến với một xã xa. Dù không bắt được điện thoại, chúng tôi vẫn quyết tâm đi. Đến núi Nưa, chúng tôi vào Na Phủ thắp hương đền thờ Bà Triệu trước khi đến xã. Xã Xuân Du nằm quanh chân núi Nưa. Đất đai nơi đây rất tốt. Xuân Du có mười bốn làng thì mới năm trước có bảy làng nổi lên thí điểm trồng đào phai. Vườn đang là vườn tạp, chưa đi vào quy trình trồng đào chuyên, ấy thế mà chỉ mấy ngày trước tết, họ chở đào về thành phố Thanh Hoá và thu gần cả tỉ đồng. Nếu việc trồng đào cảnh thành công ở Xuân Du và các huyện lỵ Bến Sung, Yên Cát, Chuối thì khỏi phải mua đào Nhật Tân Hà Nội xa xôi và có thể đắt hơn. Nhưng khốn nỗi đường lên Xuân Du thì cực nhọc hết nói. Xe máy chúng tôi đi tốc độ 5km/giờ. Nếu đi nhanh hơn, nó xóc hất cả xe lẫn người xuống suối.
Vườn quốc gia Bến En là một chốn bồng Lai tiên cảnh. Vịnh Hạ Long đẹp độc đáo bởi nhiều đảo đá đen gần kề. Diện tích hồ Bến En là 3000ha mà chỉ 21 hòn đảo với rừng nguyên sinh 700.000ha. Có nhiều hang động kỳ thú, Bến En trở thành biển - đảo mênh mông hoành tráng, thuyền du lịch có thể lao với tốc độ cực nhanh để tiếp cận với những hòn đảo xa, thì, những cuộc du hí Bến En có thể nói đệ nhất thiên hạ! Vườn quốc gia Bến En mới mười lăm năm thiết lập nay đang bước vào những quy trình mang tính bền vững và khoa học, với nhiệm vụ: bảo tồn hệ sinh thái, giữ lại nguồn gen động thực vật quý hiếm, du lịch sinh thái và phát triển kinh tế vùng lãnh thổ. Quyền giám đốc vườn quốc gia Bến En Nguyễn Danh Hiền cho chúng tôi biết có 5 dự án lớn, ví dụ dự án “kinh tế vùng đệm” với diện tích 30.000ha gồm 12 xã của hai huyện Như Thanh và Như Xuân, nếu giải quyết việc khoán đồng bộ đồng thời tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản... được nhà nước phê duyệt thì cuộc sống người dân miền tây Thanh Hoá nơi đây chẳng mấy chốc sẽ đuổi kịp cuộc sống người dân Singapore.
Vườn quốc gia Bến En - Thành phố Thanh Hoá khoảng 30km theo đường chim bay, nếu đường tốt, hai ngày nghỉ trong tuần, cán bộ sẽ lên Bến En nghỉ dưỡng thì hay biết mấy? Thế tiền nằm những đâu mà chậm làm đường tốt? Thì ai cũng có thể trả lời: Bộ trưởng ngành giao thông vận tải Đào Đình Bình trình trước quốc hội ngành này làm ăn thua lỗ 19,5 tỉ đồng và giờ này cán bộ dưới quyền ông là PMU 18 lấy tiền công quỹ về làm của riêng no nê rồi còn đi đánh bạc, cá độ bóng đá, chơi gái. Số tiền ăn cướp khổng lồ ấy có thể làm được nhiều trục đường rộng tốt từ miền biển lên miền rừng và còn giao thương kinh tế với nhiều vùng miền khác nữa, không chỉ miền tây Thanh Hoá.
Trở lại thành phố Thanh Hoá, Kiều Vượng, Từ Nguyên Tĩnh khen tôi có sức khoẻ, chịu đi và đãi tôi một chầu dê nướng tẩm bổ, cho nghỉ ở khách sạn Thanh Bình để hôm sau dông xe tiếp ra Ninh Bình. Nghỉ khách sạn Thanh Bình nhưng riêng tôi thì không thanh bình chút nào bởi trong tôi cứ bổn rổn không thể nào chợp mắt. Năm ngày đêm ở tây Thanh Hoá giờ trong người cứ bức bối như có gói thuốc nổ sắp châm ngòi. Nhớ buổi sáng ở Bến En, Nguyễn Danh Hiền bắt tay đưa tiễn chúng tôi, ai cũng soi mình xuống mặt hồ trong xanh với bao niềm mến nhớ khôn nguôi. Làm sao để người dân nơi đây có cuộc sống ngang bằng người dân ?
Vẫn theo quốc lộ 45, xe chúng tôi vượt qua Như Xuân thì gặp đường mòn Hồ Chí Minh. Mấy ngày rồi bây giờ mới được đi trên con dường tốt. Qua Trường Xuân, Thọ Xuân, chúng tôi rẽ thăm Lam Kinh - đất vương. Tiếp đi Ngọc Lặc, Cẩm Thuỷ. Đêm ấy nghỉ nhà em trai Cẩm Anh ở làng Mổ để ngày mai đi thăm suối cá thần tiên ở động Ngọc và tiếp đi Điền Lư, Bá Thước, Na mèo. Bộ đội đồn biên phòng Na mèo cho biết: các anh chị xuyên qua hai huyện nữa là đến Mường Lát, giáp Lào và Điện Biên. Ôi Điện Biên! Nhân dân Thanh Hoá từng tải lương thực, đạn dược cho chiến dịch Điện Biên lịch sử năm nào từ sông Chu theo quốc lộ 217 này mà ngược miền Tây Bắc. “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” phải chăng là nhà thơ Quang Dũng tả cảnh mệt nhọc của đoàn người thồ hàng đi bộ lên dốc xuống đèo. Giờ ngàn thước lên cao ngàn thước xuống của ba chúng tôi là lượn bằng xe máy nên thật thoả chí tang bồng! Nhưng ấn tượng nhất trong tôi là khi xe qua Thọ Xuân - Nhà máy đường Lam Sơn. Nơi đây mênh mông một màu đất đen mới trồng nên vựa mía nguyên liệu cho nhà máy đường Lam Sơn giờ thêm nhà máy đường Nông Cống. Xe mía đổ ở Chuối hôm đầu là mía Như Thanh. Còn mía Như Xuân thì cung cấp cho cả hai nhà máy đường Nông Cống, Lam Sơn.
Sực nhớ Thừa Thiên và Quảng Bình quê tôi cũng từng có hai nhà máy đường. Nhưng hai nhà máy đường này chỉ nhai một tháng là hết nguyên liệu. Thế là giải thể cả hai cùng một lúc. Người dân kêu trờii vì nhà máy còn nợ dân công trồng mía. Nhưng biết đòi ai khi nhà máy đã giải thể? Có ai chịu trách nhiệm gì đâu? Những người đẻ ra các dự án này thì lo mau mau xây cho xong nhà máy. Rồi bên A bên B bấm mỗi bề một cục tiền rồi bỏ chạy. Khổ nỗi cho người dân các xóm làng sống quanh “nhà máy” hàng ngày phải ngẩn nhìn cái “bãi thải” ô nhiễm môi trường, còn người lãnh đạo cao nhất tỉnh lúc đó, sau việc này chuyển đi nhận công tác nơi khác và ba năm sau bỗng được nhận Huân chương lao động Nhà nước trao tặng bởi có công lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà trước đây. Thật là nực cười!
Quyết định 327 của chính phủ về phủ xanh đồi trọc ban hành từ năm 96. Đến năm 98 chính phủ lại ra quyết định 661: đầu tư chủ yếu cho rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Nguồn kinh phí của nhà nước hỗ trợ hoàn toàn cho dân trồng rừng và qua chủ rừng quản lý là các lâm trường. Tôi nghĩ quyết định 661 hay hơn và khoa học hơn quyết định 327 bởi quyết định 327 quá chung chung và làm luôn một lèo đến 50 năm nên khi có quyết định ban hành thì nhiều quan ở thành phố lên đấu hết đất rừng của nhà nước. Mới sinh việc đất của nhà nước mà nhà nước phải mua lại để cấp cho dân thiếu đất như ở cao nguyên! Rồi tiếp các vụ đất đai Phú Quốc, Tây Ninh, Đồ Sơn, rồi vừa thòi vụ tham nhũng PMU 18, người ta làm đường đẹp vào các trang trại cho các đại gia ở đất rừng Hải Dương...
Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh đưa tôi đi xem thác Mổ sông Mã có “xì” là đang viết một cái truyện ngắn mà buồn lắm. Tôi đành hỏi lại thế chuyện hư cấu thế nào mà kêu buồn thì Cẩm Anh xồn xồn bỗ bã: chuyện có thật chứ hư cấu cái gì. Có một vị chủ tịch huyện dựa vào cái 327 ấy và dựa vào quyền hành của mình chiếm cả chục hecta ruộng đồng và núi đá. Vị ấy cầm được sổ đỏ rồi nghỉ hưu. Vị ấy mua mìn, kíp nổ, máy khoan đá. Ai cần mua đá xây nhà thì tới tìm vị. - Đùng! Mười tám khối đá lăn xuống cho ba xe. - Đùng! Đùng! Hai phát mìn nổ thì lượng đá trên sườn núi tụt xuống nhiều hơn!
Ôi! Có quyết định kiểu gì mà tài sản quốc gia lại rơi vào tay một nhóm người quyền thế? Cứ tưởng giao đất giao rừng là làm cuộc cách mạng đổi đời nhưng sự giàu - nghèo giữa người với người quá chênh lệch và mái rừng xanh Trường Sơn quê tôi và suốt cả dọc miền Trung tiếp tục bị tàn sát. Quyết định 327 mới ban hành 10 năm. Còn có thể kịp bổ cứu, còn có thể kịp sửa đổi. - Đùng! Tiếng nổ từ miền tây Thanh Hoá làm tôi tỉnh hẳn. Và trời sáng hẳn. Đồng Hới - Huế 2006 V.N
(nguồn: TCSH số 210 - 08 - 2006)
|