Nội dung của các cuộc gặp nhau, thăm hỏi, giao lưu đã đành, song quan trọng nhất là: trao đổi với nhau xem làm thế nào để các tạp chí ngày càng hay lên, hấp dẫn người đọc mà vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Mỗi lần gặp gỡ, các tạp chí luôn tìm cách giới thiệu văn hóa quê mình với các tạp chí bạn. Tạp chí Sông Hương dẫn anh em xuống đò ngược sông, đi thăm chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức. Sông Lam đưa anh em về Kim Liên thắp hương trong nhà thờ Bác Hồ rồi ra Hoàng Trù thăm nơi bà Hoàng Thị Loan vừa quay tơ, vừa đưa võng ru cậu bé Nguyễn Sinh Cung của bà. Đến Hồng Lĩnh thế nào anh em cũng đòi đến thăm đền thờ Nguyễn Công Trứ và về Tiên Điền thăm nơi đại thi hào Nguyễn Du ra đời...
Năm 2006 này, Cửa Việt đã chọn một điểm đến làm nức lòng mọi người, đó là huyện đảo Cồn Cỏ. Đến nỗi nhà văn Nguyễn Chí Trung, trong một chuyến đi công cán miền Trung, thăm tạp chí Cửa Việt, biết anh em tạp chí 6 tỉnh Bắc miền Trung sẽ có một cuộc dã ngoại Cồn Cỏ, anh vội ra Hà Nội cho trọn chuyến công cán, xong xuôi lại quay về Cửa Tùng đúng hẹn ngày con tàu rời bến ra đảo. Nguyễn Chí Trung nói thật cảm động: “Gần nửa thế kỷ nay hai chữ Cồn Cỏ đã sống trong lòng mình, vậy mà chưa ra Cồn Cỏ thật phi lý. Cồn Cỏ đã thôi thúc mình, không thể đừng được nữa.” Đến Cửa Tùng, chúng tôi gặp cả anh em ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật. Cuộc gặp gỡ 6 tỉnh Bắc miền Trung bỗng trở nên hoành tráng. Tôi hỏi Cao Hạnh, tổng biên tập tạp chí Cửa Việt: - Cao Hạnh tính sao cuộc gặp gỡ này? - Chúng ta sẽ bàn với nhau sao đó tìm ra một phương thức cho văn nghệ trong giai đoạn mới - Cao Hạnh vừa suy nghĩ, vừa đáp - Đi Cồn Cỏ chuyến này chính là tạp chí Cửa Việt đã tạo điều kiện để bùng nổ nguồn cảm hứng của người viết. Một ý tưởng lóe sáng, ấy là mục đích mà Cửa Việt gọi là trại sáng tác Cồn Cỏ.
Vậy là cuộc gặp gỡ 6 tạp chí lần này Cửa Việt đã sáng tạo, khai mở một kiểu cách mới của trại sáng tác. Thực ra nó không có gì mới của trại sáng tác. Chữ nghĩa lâu nay của anh em viết, đi đến một vùng đất mới, địa chỉ mới, ấy chính là đi thực tế để tìm đề tài sáng tác. Đến Cồn Cỏ lần này là để tạo ra trong vô thức người viết một cảm hứng sáng tạo. Với người viết trên đất nước này, đặc biệt là người viết của miền Trung, không ai lạ lùng gì hai chữ Cồn Cỏ, giống như nhà văn Nguyễn Chí Trung nói, Cồn Cỏ đã sống trong lòng gần nửa thế kỷ nay, nhưng chưa viết gì được về Cồn Cỏ, phải đến để đất đai ấy, con người ở đây và hồn đất hồn biển quanh Cồn Cỏ đánh thức, làm thức dậy những ý tưởng đang nằm ngủ trong trái tim mỗi người.
Vì lẽ đó cho nên khi lên tàu ra đảo, không một ai chịu nằm trong khoang kín, mà đổ hết ra khoang trống mũi tàu, và mắt đăm đăm nhìn ra tít mãi ngoài khơi xa một vệt đen nổi lên trên mặt nước, ngón tay chỉ ra nơi xa ấy, miệng thốt lên như một phát hiện của mình: - Đó, Cồn Cỏ đó. Cả những nữ sĩ bị sóng biển làm cho đứ đừ, cũng quyết nằm ngay trên sàn mũi tàu, để mắt không rời, và mỗi lúc mỗi nhìn rõ hơn đảo Cồn Cỏ, nơi biết rõ mà chưa đến một lần. Các tay máy ảnh và quay phim thì cứ sợ hình ảnh tuột đi trong tích tắc, nên hết bấm máy Cồn Cỏ từ xa, lại đến Cồn Cỏ khi tới gần. Khi bước lên cầu tàu, máy ảnh chụp lia lịa, vì ai cũng muốn giữ được phút giây thiêng liêng đặt chân lên trên hòn đảo anh hùng này.
Vâng, không phải một lần, mà hai lần đảo Cồn Cỏ được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Với hơn 1000 trận giáp mặt với tàu chiến và máy bay Mỹ. Dẫu hòn đảo này chỉ rộng 2,5 km2, giống như một con tàu bơi trơ trọi giữa biển khơi, vậy mà máy bay, tàu chiến hiện đại vào bậc nhất thế giới này đã không nuốt chửng nổi dù rất muốn. 48 máy bay đã bị bắn cháy trên đảo, hàng chục tàu thuyền bị cháy, phải quay “đầu máu” tháo chạy. Người chiến sĩ dũng cảm được nhắc tới trên mỗi người ngồi trên tàu ra đảo hôm nay, đó là Thái Văn A. Anh cầm ống nhòm đứng trên chòi gác máy bay, chúng chúi mũi thả bom, anh vẫn không rời vị trí. Một mảnh bom găm vào thịt anh, Thái Văn A đã nghiến răng kéo mảnh bom ấy ra, tự băng bó cho mình và vẫn đứng vững trên vị trí tiền tiêu của đảo cho tới khi trận đánh kết thúc.
Mỗi người đều kể đến một chi tiết anh hùng của đảo như chính kỷ niệm của lòng mình. Chính vì vậy khi đặt chân đến đảo là anh em đòi đến ngay điểm cao với cái cây mà Thái Văn A đã đứng ở đó gác biển. Ai cũng xuýt xoa tiếc, là đỉnh cao còn đó, nhưng cái cây Thái Văn A làm chòi gác không còn. Có lẽ phải trồng lại chính giống cây ấy ở đúng cái chỗ gốc cây ngày xưa đã bám đất. Còn có cái cây để người thăm Cồn Cỏ dễ hình dung ra một tượng đài đã có từ trong tâm thức. Còn bây giờ tượng đài đã có, là có trong tâm linh. Điểm trang nghiêm chúng tôi tới là đài liệt sĩ của Cồn Cỏ, cũng được dựng trên một ngọn đồi cao. Tiếc là nó không có đường nét riêng của Cồn Cỏ. Cũng cần phải ghi cho hết cả những người dân thời ấy, vì súng đạn cho Cồn Cỏ, vì bát cơm, hớp nước cho người lính Cồn Cỏ đã không tiếc máu xương của mình. Ai cũng tiếc, giá Cồn Cỏ có một nhà bảo tàng của suốt 2500 ngày đêm giữ đảo, chắc sẽ rất rung động lòng người. Đến Cồn Cỏ hôm nay mà thấy hết Cồn Cỏ hôm qua là điều huyện đảo Cồn Cỏ cần quan tâm. Chính bảo tàng ấy sẽ làm cho linh hồn Cồn Cỏ lung linh màu ngũ sắc giống như một cầu vồng làm dải khăn thắt lên mái đầu của đảo.
Ban tổ chức đề nghị các đoàn cử đại biểu lên thắp hương trên đài liệt sĩ. Nhưng không một ai chịu, phải chính mình làm đại biểu cho mình thắp nén hương trầm cho những hương hồn đang phảng phất đâu đây thì mới yên tâm. Chúng tôi đã đến Cồn Cỏ bằng mắt nhìn và bằng cả tâm thức của mình như vậy. Mấy anh em trong đoàn đã từng được ngửi mùi thuốc súng đang còn phảng phất sau chiến tranh, không dừng lại ở việc thắp hương trên đài kỷ niệm và đến tận nơi Thái Văn A đứng gác, họ rủ nhau đi một vòng quanh đảo. Phía bờ biển Đầu Hổ (nơi có hòn đá bị thời gian và sóng, gió biển bào mòn thành hình giống như đầu con hổ) dưới đám cây phong ba và cây dại lúp xúp còn đó những đường hào, những ụ súng, những hầm pháo đang lên màu rêu phong. Thời gian không xóa nổi dấu tích trận địa anh hùng một thời.
Nhìn cảnh hoang hóa ấy, người viết cúi nhặt một hòn đá đang lên màu rêu đen, bỗng thốt lên: - Cồn Cỏ để mất những dấu tích này sẽ mất đi linh hồn của Cồn Cỏ. Chắc chắn mai mốt du khách đến Cồn Cỏ sẽ tìm những gì còn lại dưới bóng những cây phong ba. Một người khác gật đầu: - Những đường hào, ụ súng dưới bóng cây phong ba sẽ mãi mãi là biểu tượng của Cồn Cỏ, giống như ngày sinh của mỗi sinh linh vậy. Cách trận địa xưa không xa, chừng vài ba trăm mét, một dãy thuyền đánh cá đang chờ hoàng hôn về. Còn gì thanh bình hơn thế: đứng ở mảnh đất ngày xưa, thấy được tương lai. Một huyện đảo Cồn Cỏ Du lịch - Thủy sản - Lâm nông nghiệp bắt đầu như thế này đây. Bỗng nghe tiếng ríu rít không xa, bên ụ súng xưa gần đó có hai cô gái và một cháu nhỏ chừng 5 tuổi cũng đang đi lang thang trên Cồn Cỏ. Hai đám người tha thẩn gặp nhau. Một bạn tôi bồng cháu nhỏ trên tay, hỏi: - Cháu ở Cồn Cỏ à? - Không, cháu ra thăm bố cháu là bộ đội. - Cháu tên là gì? - Cháu tên là Ghẹ ạ. Tên của một loài cua biển đặt tên cho con, thế mới biết biển khơi với họ gần gũi biết nhường nào. Còn hai cô gái, hỏi ra mới biết, một cô gái ra thăm người yêu, còn một cô ra thăm bạn. Hóa ra đó là những cái mầm của Cồn Cỏ vậy. Huyện đảo Cồn Cỏ đã thức dậy sinh khí rồi. Tạp chí Cửa Việt mở trại sáng tác Cồn Cỏ là phải lắm, là khôn lắm. Hẳn các tạp chí bạn đều suy nghĩ, khi đến phiên mình, mình sẽ làm thế nào đây.
Một trong những trọng tâm của cuộc hội ngộ là tìm ra một hướng đi cho tạp chí Bắc miền Trung. Năm 2005 có lẽ là năm được mùa của các tạp chí. Tạp chí Cửa Việt tách ra khỏi cơ cấu tổ chức của Hội, xây nhà mới khang trang. Tạp chí Nhật Lệ mở cuộc hội thảo về bút ký, khẳng định chính mảng bút ký của tạp chí viết những gì về quê hương là dấu ấn của bản sắc một vùng đất. Từ sau hội thảo, bút ký của Nhật Lệ bước sang một giai đoạn mới. Hồng Lĩnh có cách tuyên truyền mới cho tạp chí mình, đó là giới thiệu tạp chí của mình trên truyền hình, giới thiệu những khuôn mặt tiêu biểu của tạp chí. Có lẽ đó là cách tiếp cận rất thuận lợi giữa tạp chí và người đọc, cho đến phút này số lượng phát hành mỗi số tạp chí của Hồng Lĩnh là 3500 bản. Nói đến phát hành tạp chí, phải nói tới Sông Lam. Năm 2005, mỗi số Sông Lam phát hành tới 5500 bản. Hình như trong tỉnh nơi nào có báo Nghệ An thì nơi ấy có tạp chí Sông Lam. Riêng tạp chí Sông Hương, cùng Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, năm 2006 đã tổ chức được trại sáng tác thiếu nhi, một cách nắm bắt và phát huy thế mạnh của tuổi trẻ, một lực lượng kế cận không xa. Một thành công của Sông Hương và Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế là đã tổ chức được Festival Thơ. Một cột mốc nhìn lại thơ Huế trong hành trình thơ Việt. Các nhà thơ Huế ở nước ngoài, ở trong nước đều về Huế tham gia rầm rộ cuộc Festival này. Cũng trong dịp này tạp chí Sông Hương cho phát hành tập Thơ Huế với lời bình.
Ba điều được bàn sôi nổi trong cuộc gặp gỡ này dẫu đã cũ mà vẫn như một tiên đề: Một là nâng cao chất lượng chuyên nghiệp của tạp chí. Chỉ có vậy tạp chí mới hay, mới hút được cộng tác viên. Có cộng tác viên, bài vở sẽ phong phú. Nếu tạp chí chỉ dừng lại ở phong trào thôi, thì không thể nói đến chất lượng. Có ý kiến đề nghị 50 - 50. Nghĩa là 50 phần trăm tác giả trong tỉnh, 50 phần trăm tác giả ngoài tỉnh. Hai là, nếu mảng văn xuôi của tạp chí không phải là một cây bút có uy tín, một nhà văn thì rất khó có bài hay gửi tới. Vì người viết đã không tin thì không thể phó thác cho bất kỳ ai đứa con tinh thần rút ruột của mình. Đó chính là một biện pháp nâng cao chất lượng tạp chí. Có ý kiến đề nghị các cơ quan chủ quản không nên ép tạp chí nhận người này hay người kia do cơ quan giới thiệu, có khi áp đặt, cho phép tạp chí được quyền nhận biên tập viên của mình. Ba là liệu các tạp chí đã đến lúc tự trang trải cho mình, thoát khỏi được bao cấp của tỉnh. Quả đây là một vấn đề chưa thể đặt lên bàn hội nghị. Với trung ương, có một số tờ báo được đón nhận của người đọc, vì diện thông tin, bài vở của nó rộng, có tính quốc gia mới có thể hạch toán. Cho nên cần được xem xét cụ thể từng tờ báo, từng tạp chí để đặt ra vấn đề tự trang trải. Cũng trên cơ sở đó, một vấn đề cần được quan tâm là quan hệ giữa các tờ tạp chí địa phương với các tạp chí trung ương như thế nào. Đã có một tiền lệ tạp chí Văn nghệ Quân đội kết nghĩa với tạp chí Sông Hương, nói “kết nghĩa” cho có tình, thực ra Văn nghệ Quân đội đã đỡ đầu cho tạp chí Sông Hương, và Sông Hương đã khởi sắc.
Rõ ràng đã đến lúc các cơ quan lãnh đạo báo chí cần có trách nhiệm trong chuẩn mực báo chí để thật sự làm cho mỗi tờ báo, mỗi tạp chí ngày càng hay lên. Điều thú vị của cuộc hội thảo 6 tỉnh Bắc miền Trung là ở hội trường ra vẫn có điều gì muốn nói, muốn bàn cãi cho ra ngô ra khoai. Có lẽ đó là dư âm cho cuộc gặp mặt 2007 tại Hà Tĩnh. Phút đầm ấm, chan hòa khó quên, là các tạp chí lên tặng quà cho huyện đảo. Ngoài tấm ảnh bia đá Lam Sơn, hai cây đàn của Nhật Lệ, các tạp chí đều tặng sản phẩm trực tiếp của mình là tạp chí cho Cồn Cỏ. Và hứa, từ nay, mỗi số tạp chí xuất xưởng đều gửi cho Cồn Cỏ. Có lẽ đó cùng là những sợi dây tình nghĩa của người viết 6 tỉnh với hòn đảo rất đỗi yêu thương này.
Buổi sáng cuối cùng, gió ào ào, lất phất mấy hạt mưa, các lãnh đạo huyện đảo đều ra cầu tàu nơi âu thuyền Cồn Cỏ tiễn chân đoàn đại biểu các tạp chí. Trong cái vẫy tay tạm biệt, các cây bút thơ và văn xuôi đều xốn xang tự hỏi mình: Mình sẽ viết gì cho Cồn Cỏ đây? Chắc chắn trong tập Cồn Cỏ, tập hợp tất cả những bài văn, bài thơ đã viết về Cồn Cỏ, do tạp chí Cửa Việt đứng ra ấn hành, chắc chắn thế nào cũng phải có bài của mình. Cồn Cỏ đã lùi lại phía sau. Gió mạnh, con tàu như chiếc đòn cập kênh nhào lên chúc xuống, đè lên những con sóng, hướng về đất liền. Sóng cũng không sợ, tự “xé mình” ra thành những giọt nước đổ ào vào tàu như những trận mưa.
Mưa ướt đầu, ướt áo rồi ướt hết mình. Vị nước mặn thấm vào môi, nhưng không ai chịu rời mũi tàu vào khoang trong. Ai đó bật lên lời thách thức: - Có ướt thế này mới là ra Cồn Cỏ. Càng ướt, càng lạnh càng có nhiều kỷ niệm một chuyến đi. Và tất cả cùng hát lên: “Cồn Cỏ có con cá đua là con cua đá. Nó cứ nằm trong đá, nó cứ nằm trong khe, có tám cái que, có hai cái càng. A, lính ta chiến đấu suốt ngày đêm, có canh là canh cua đá, cùng bền là cùng bền sức trai...” Tiếng hát rào rào, đáp lại cơn “mưa sóng” cứ từng đợt rào rào, quên ướt, quên lạnh. Hình như sức sống từ Cồn Cỏ đang dậy lên. Bờ biển Cửa Tùng đã hiện ra trong màn mưa mỗi lúc một rõ kia rồi. N.Q.H
(nguồn: TCSH số 211 - 09 - 2006)
|