Bút ký - Tản văn
Câu chuyện trong rừng thiêng
16:55 | 09/01/2009
MINH CHUYÊNCảnh làng mới Trà Tân cuối chiều mùa đông. Con suối chảy qua nước trong veo, róc rách. Phía tây con suối cách làng chừng nửa tầm mắt là rừng Sắc Rông, đủ các loại cây tầng tầng, lớp lớp. Cánh rừng đang chìm trong sương chiều. Rừng hoang vắng, huyền bí. Người ta kể sau ngày chiến tranh chấm dứt, rừng Sắc Rông càng trở nên bí ẩn. Người chỉ có vào mà không có trở ra. Vậy mà mấy tháng gần đây lại thường xuyên xuất hiện một người đàn bà ở đó.

Cứ mỗi buổi chiều tà, khi ông mặt trời đỏ mọng, từ từ khuất sau khe núi, người ta lại thấy một người đàn bà từ cửa rừng Sắc Rông đi ra, vai khoác ba lô, quần xắn qua gối, người đàn bà dò dẫm lội qua con suối nước trong rồi mất hút vào làng Trà Tân. Một cái làng chỉ có hơn trăm hộ gia đình từ miền Bắc di dân vào lập nghiệp sau ngày miền giải phóng.
Người đàn bà ấy, tuổi đã ngoài 30, tên là Trần Hạnh Dung. Hạnh Dung dáng người tầm thước, khuôn mặt luôn đượm buồn, nhưng nét hào hoa, duyên dáng một thời vẫn còn đọng lại. Hạnh Dung là vợ Trần Quang. Ngày ấy hai người yêu nhau lắm. Cứ tưởng cả trái đất này chẳng ai yêu Hạnh Dung hơn Quang. Cứ tưởng chả sức mạnh nào có thể tách rời được hai trái tim ấy. Vậy mà họ lại tự nguyện rời nhau. Sống bên nhau chưa đầy tuần trăng, Quang lên đường vào chiến trường B3. Ngày Quang và Dung li biệt, họ thề: nếu Quang không trở về Dung sẽ sống một mình đến già. Lời nguyền ấy đã thành sự thật.

Ngày làm lễ truy điệu Quang, Hạnh Dung mới ngoài đôi mươi tuổi. Cái tuổi tinh hoa của người con gái đang kỳ rực rỡ. Gương mặt tròn trĩnh, đôi mắt trong veo, tính tình dịu dàng, đoan trang. Nhiều bạn trai trong làng ngoài xã để ý và đặt vấn đề với Hạnh Dung, nhưng Dung đều khéo léo khước từ. Năm tháng qua đi, Dung lầm lũi tựa cái bóng thủy chung với lời nguyền và âm thầm nuôi đứa con gái, kết quả của tình yêu mà Quang để lại.
Khi hai miền Bắc Nam thống nhất, nhiều gia đình ở miền Bắc vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên tìm hài cốt của chồng, của con đưa về nghĩa trang quê nhà. Hạnh Dung cũng muốn đi tìm mộ Quang. Nhưng hoàn cảnh gia đình chưa cho phép nên chưa có dịp đi được. Một năm sau, theo chủ trương của nhà nước, chuyển một bộ phận dân cư vào khai hoang ở Tây Nguyên. Quê Dung đất chật người đông, nên cả làng tình nguyện vào Trà Tân, Đắc Min Đắc Lắk xây dựng quê hương mới. Vào đây, ngày ngày vừa phát nương, làm rẫy, nuôi mẹ già, nuôi con, Dung vừa đi rừng tìm hài cốt của chồng.
Người đàn bà lội suối lầm lũi đi vào rừng tìm hài cốt cùng Hạnh Dung là bà Phan mẹ của Quang. Bà gần 70 tuổi, mặt nhiều nếp nhăn, nhưng vẫn cố sức. Bà hy vọng một ngày nào đó bà và Dung sẽ tìm thấy Quang, vì bà nghe kể Quang đã chiến đấu, hy sinh ở khu rừng này.

Người ta bảo rừng Sắc Rông huyền bí và thiêng lắm. Đêm khuya vắng vẻ, nhất là những đêm mịt trời, người dân ở các bản làng quanh khu rừng thường nghe thấy những âm thanh kỳ lạ, não nùng. Có khi như là âm thanh của rất nhiều người la hét, ai oán. Có khi là tiếng trẻ con gào gọi, cười vang. Tất cả đều trộn trong tiếng lá rừng lao xao. Những đêm trời sắp mưa, mây đen trùm xuống, âm khí ngột ngạt, y như là đêm ấy có hiện tượng lạ. Khu rừng mịt mùng bóng tối bỗng vụt lên những đốm lửa, khi bay là là, khi vút lên cao. Từ một vài đốm, lan toả dần dần, rồi tới hàng trăm đốm chập chờn. Những đốm lửa chập chờn trong rừng lừ lừ đi ra, rồi lại lừ lừ đi vào. Người thì bảo đấy là ma trơi. Hiện tượng này ở nhiều nơi người ta cũng đã gặp. Người thì cho là bóng lân tinh từ gốc cây rừng bay ra. Nhưng lân tinh chỉ chiếu sáng lập lòe chứ sao lại như ngọn lửa chập chờn. Có người cho đó là  cốt khí bốc hoả của các linh hồn tan thây vì bom đạn trong chiến tranh. Bà Phan và Dung cùng một số dân làng Trà Tân cũng nghĩ như thế.

Hạnh Dung nhớ có lần một ông già người Ê Đê, mình trần, da nâu về thăm bản và đã kể lại. Làng Trà Tân chính là vùng đất trước kia người Ê Đê sinh sống. Ông bảo trong những năm đánh Mỹ, một hôm có một trung đoàn bộ đội hành quân qua vùng này. Họ trú quân trong rừng Sắc Rông. Bộ đội nhiều, họ mắc võng dày đặc gốc cây, ngồi kín cả đất rừng. Không may bọn thám báo rình mò phát hiện. Nửa đêm, chúng gọi máy bay Mỹ trút bom xuống khu rừng. Lúc ấy bộ đội đang ngủ. Máy bay quần đảo bắn phá suốt từ 12 giờ khuya tới sáng hôm sau. Hàng trăm tấn bom sát thương và bom cháy đủ loại đổ xuống rừng Sắc Rông. Những chớp lửa bùng lên cháy rừng rực, sáng một góc trời đêm. Cả trung đoàn bộ đội bị thương và hy sinh gần hết. Ngày hôm sau dân bản vào rừng chôn cất và băng bó cho những anh bộ đội còn sống. Nhưng người sống chẳng còn được là bao. Bom đạn cày xới nhiều lần thi hài bộ đội hầu hết bị vùi lấp và tan nát, lẫn vào đất đá. Ngày ấy là mùa nắng. Mấy hôm sau máu và thịt xương bộ đội văng lên cành cây, khe đá còn sót, bốc mùi nồng nặc. Ông già bảo, dân bản lại cùng nhau vào rừng tìm kiếm, thu nhặt. Nhiều người trèo lên tít ngọn cây mới gỡ được những bàn tay, bàn chân, mảng tóc đưa xuống. Ông già và mọi người gói lại được hơn một trăm gói thịt đem chôn cất cẩn thận...

Nghe ông già Ê Đê kể lại, dân làng Trà Tân không ai cầm được nước mắt. Dung bùi ngùi nói với bà Phan:
-
Chồng con và nhiều anh em báo tử không có mộ chí và hài cốt, có thể cũng hy sinh như hoàn cảnh các anh bộ đội trong rừng Sắc Rông mẹ ạ.
Bà Phan gật đầu bảo:
-
Chỉ thương các chú ấy vì dân, vì nước chết mà không được vẹn toàn.
Hạnh Dung nghĩ, chồng chị cũng đã từng chiến đấu ở Tây Nguyên, ở trên mảnh đất này. Trong số hàng nghìn chiến sĩ hy sinh ấy, có thể có cả anh Trần Quang của chị. Thế là từ đó, cứ sau mỗi vụ thu hoạch cà phê, sau những mùa làm rẫy, Hạnh Dung lại cùng bà Phan vào rừng tìm kiếm hài cốt của Quang và đồng đội của anh. Dung coi đó như là trách nhiệm, một công việc thường ngày trong cuộc sống của chị.
Ngày mới vào khai hoang, vất vả, thiếu thốn đủ thứ. Rồi bệnh tật, sốt rét, ốm đau, trạm y tế thiếu, trường học thiếu. Một số gia đình không chịu nổi quay gót hồi hương về quê cũ. Số người trụ lại, dần dần cuộc sống khá hơn. Non nghìn ha cà phê của làng Trà Tân trải dài trên 5 quả đồi xanh tươi bạt ngàn. Những luống cà phê cao ngập đầu người, chùm quả đỏ thẫm, dày dít. Mùa cà phê chín, cả làng lên đồi thu hái nhộn nhịp. Nhờ liên tiếp được mùa cà phê, dân làng Trà Tân ngày một khấm khá. Nhiều gia đình trở thành giàu có.

Đứa con gái của Hạnh Dung tên là bé Hoa. Càng lớn Hoa càng ngoan ngoãn và rất hiếu nghĩa với mẹ, với bà nội. Ngoài buổi đi học, về nhà Hoa giúp mẹ dọn dẹp, cơm nước, chăm sóc bà nội. Ba người nương tựa vào nhau, Dung cảm thấy ấm lòng. Nhờ mấy vụ cà phê, cuộc sống gia đình Dung ngày càng ổn định, khá giả hơn trước. Dung dành dụm một số tiền mua vải tốt, và mua những chiếc túi nhựa thật tốt, thật dày. Mỗi lần đi tìm hài cốt, Dung mang theo một miếng vải, một túi nhựa cho vào chiếc ba lô. Chiếc ba lô của chú em đi bộ đội, về phục viên tặng chị. Một vai khoác ba lô, một vai vác cây xẻng, chị lặng lẽ đi vào rừng Sắc Rông. Có ngày chị đi cùng mẹ chồng, nhiều hôm Dung đi một mình.

Rừng Sắc Rông mênh mông, bao la. Nay tìm ở khu này, mai sang khu khác. Chân bước mắt dõi nhìn, tay vạch lá. Hễ có mô đất cao cao là Dung nghĩ ngay ở dưới có hài cốt. Dung đào, đào hì hục, đào không biết mệt, rồi bới đất tìm kiếm. Có khi đào hàng chục mô đất, mệt phờ người cũng chả có gì. Những lúc đào trúng mộ, Dung hồi hộp lắm. Mộ nào chị cũng mong là hài cốt anh Quang. Nhưng chẳng có dấu vết gì riêng biệt. Mặc dù khuôn mặt Quang khi còn sống rất gần gũi thân thương, Dung còn rất nhớ. Vậy mà trước mỗi thi hài tìm được, chị vẫn không thể nào hình dung  ra nổi, có phải hài cốt anh Quang không? Ngắm những bộ xương sọ, cái sọ nào đôi mắt cũng sâu hun hút, cái cằm cũng hoăn hoắt nhọn. Bộ xương đầu nào, Dung cũng cảm thấy có nét hao hao, giông giống anh Quang. Chị nhẹ nhàng bới tìm từng mẩu xương, lau sạch rồi gói cẩn thận vào tấm vải. Tất cả những bộ hài cốt tìm được, Dung đều lặng lẽ mang về chôn cất chu đáo ở khu vườn sau nhà. Chị giấu bé Hoa vì sợ bé Hoa sợ hãi, nên khi đưa hài cốt về. Chị phải chờ lúc bé Hoa đi học hoặc chờ trời tối mới ra vườn đào hố chôn cất. Dung giấu cả mọi người vì sợ dân làng và người thân ngăn cản. Gần 3 năm leo đèo, lội suối, đi rừng vất vả Dung đã tìm được hơn một trăm bộ hài cốt liệt sỹ đưa về chôn cất. Tuy mộ không đắp to cao, nhưng vì thấy nhiều mô đất cạnh nhau, nên có lần bé Hoa ra vườn đã hỏi:
-
Mẹ ơi, mẹ đắp những mô đất này làm gì thế?  Dung nói lái đi:
-
Để sau này ươm cây cho chóng tốt con ạ.
- Sao mẹ lại thắp hương?
Dung lúng túng rồi cũng mau nghĩ được cách ứng xử:
-
Khu đất này ngày trước là chiến trường có nhiều chú bộ đội hy sinh ở đây. Mẹ thắp hương để các chú bộ đội về phù hộ cho mẹ con ta đấy.
-
Vậy à
Dung nói với bé Hoa:
- Bố con ngày trước cũng chiến đấu ở B3 tức là ở vùng đất Tây Nguyên này. Biết đâu bố con cũng sẽ về đây.
Bé Hoa vui lên:
-
Bố hy sinh ở đây thì về nhà mình gần mẹ nhỉ.

Ở một góc phía Tây rừng Sắc Rông, Phạm Tường, người đại đội trưởng thời chống Mỹ, bạn thân của liệt sỹ Trần Quang. Anh đang cùng bảy chiến sỹ đi tìm hài cốt đồng đội. Vai khoác ba lô, vai mang xẻng cuốc, vừa đi vừa quan sát quanh gốc cây rừng.
Sau ngày miền giải phóng, Phạm Tường chuyển ngành về một đơn vị chính sách chuyên đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở  Tây Nguyên. Anh là thương binh loại hai trên bốn. Tuổi tác và sức khoẻ tuy có giảm, nhưng tinh thần đồng đội của anh vẫn như thời trai trẻ. Anh tình nguyện xin vào làm việc này vừa là trách nhiệm, vừa là duyên nợ với đồng đội. Anh bảo, hơn mười năm chiến đấu ở chiến trường B3 Tây Nguyên phần nào anh hiểu được thông thổ đất rừng ở đây. Anh đã từng chứng kiến và trực tiếp chôn cất nhiều đồng đội ở cánh rừng Sắc Rông này.
Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, đội tìm kiếm hài cốt len lỏi vào tận rừng sâu, hẻm núi. Ban ngày quan sát, phát hiện, đào đất. Ban đêm mắc võng ngủ ngay dưới tán cây rừng. Tìm được một thi thể đâu có dễ. Có khi hàng ngày, hàng mấy ngày vất vả đào bới, tay không vẫn hoàn tay không. Nhưng cũng có khi đào một hố, tìm được hai, ba đồng đội.

Mỗi khi thấy một bộ hài cốt Phạm Tường cùng anh em kiểm tra  rất cẩn thận các di vật kèm theo. Quan trọng nhất là tìm được cái lọ pênicêlin. Bên trong lọ đựng tờ giấy ghi họ tên, đơn vị, quê quán, đậy nắp cao su rất kín. Tìm được là biết được địa chỉ anh bộ đội ở đâu, khi xây mộ làm bia sẽ có đầy đủ họ tên, quê quán. Hài cốt nào không có cái lọ pênicêlin đựng "danh tính" thì được xây  ở hàng liệt sĩ vô danh.
Rừng Sắc Rông mênh mông, trùng điệp. Bao nhiêu đồng đội đã vùi xác ở đây. Ngày ấy, cuộc chiến còn đang tiếp diễn, mọi người còn mải truy đuổi quân thù, nên các chiến sĩ hy sinh phải nằm nghỉ tạm nơi rừng xanh, khe suối. Mà hồi đó, thời gian mưa nắng xoá nhoà, cây rừng lấp khuất, phải vất vả lắm mới tìm được nơi các anh yên nằm.

Một hôm vừa vượt qua con suối cạn gặp ngay một cái dốc dựng đứng. Leo tới đỉnh dốc, tình cờ gặp một cây sấu đại thụ bị bom phạt cụt ngọn, mọc cành mới toè ra hai bên. Phạm Tường dừng lại nghiêng ngó và bất chợt nhận ra dấu vết xưa. Đầu anh gật gật rồi nói với mọi người:
-
Có thể chỗ này là nơi bọn mình đã chôn cất một người đồng đội. Người ấy là bạn của mình. Chôn ngay dưới gốc cây sấu đây.
Phạm Tường nhớ lại cái ngày bất hạnh của Trần Quang, người bạn của anh. Hồi đó là cuối năm 1972, đơn vị của Tường và Quang đóng quân ở khu rừng này. Hôm ấy đơn vị cử Quang đi gùi gạo. Kho quân  lương chỉ cách nơi đóng quân chừng ba cây số đường rừng, mà đến tối không thấy Quang trở về. Đơn vị cử người đi tìm suốt đêm, suốt cả ngày hôm sau vẫn không thấy. Bốn ngày sau đơn vị phải hành quân di chuyển địa điểm. Phạm Tường và Bùi Minh được phân công ở lại tiếp tục tìm kiếm Trần Quang. Tìm đến trưa ngày thứ năm, mệt quá, Tường và Minh dừng nghỉ, ngồi ăn cơm dưới gốc cây sấu cụt. Bỗng dưng Minh phát hiện ra gò đất kỳ lạ bên gốc cây sấu đối diện sát chỗ hai người ngồi. Minh sửng sốt chỉ tay:
-
Anh Tường trông kìa, ai lại đắp tượng bên gốc cây kia nhỉ?
Tường ngước nhìn nhạc nhiên:
-
Ừ nhỉ. À, hình như là đống mối cậu ạ. Mối nó xông gốc cây đấy.
Mắt Minh vẫn không rời mô đất.
-
Mối xông, sao lại xông hình người ngồi, lạ nhỉ?

Tường và Minh ngồi ăn cơm, thỉnh thoảng mắt vẫn hướng về phía đống mối. Bỗng dưng cả hai cùng kinh ngạc. Mô đất mối xông hình người bên gốc cây đối diện tự nhiên lúc lắc, cựa quậy. Tường và Minh trấn tĩnh rồi khe khẽ bước lại phía đống đất. Đúng là một ổ mối, một ổ mối rất giống hình người ngồi dựa lưng vào gốc cây. Phần đầu cựa quậy làm một mảnh đất vỡ ra. Tường đoán có thể là một người ngồi chết bị mối xông. Minh lấy một khúc cây đập đập và dùng lưỡi dao găm  rạch phần trên ổ mối, đất bở ra, một cái mặt người trật ra. Tường và Minh sửng sốt cùng nhận ra cái mặt người ấy là Quang.
-
Trời ơi! Quang. Đúng là Quang rồi. Sao cậu lại ra nông nỗi này Quang ơi!
Tường và Minh cuống quít bóc tách ổ mối bao quanh người Quang. Cả ba lô gạo sau lưng Quang mối cũng xông kín. Bóc Quang ra khỏi ổ mối, đặt anh nằm xuống, vừa lau chùi, Tường và Minh vừa thay nhau thổi ngạt, hà hơi tiếp sức cho Quang. Sờ lên ngực, nhịp tim Quang vẫn đập nhưng yếu. Hơi thở chỉ còn nhè nhẹ. Người lạnh toát. Chừng hơn 10 phút sau, trái tim Quang ngừng hẳn, hơi thở cũng không còn, anh vĩnh viễn ra đi.

Tường và Minh vuốt phẳng ống quần, cài cúc áo, đặt anh nằm ngay ngắn  trên tấm vải đỏ. Hai người lặng lẽ ngồi bên  Quang rất lâu và phán đoán. Có thể Quang gùi gạo về tới đây thì đột ngột lên cơn sốt rét ác tính. Hoặc bị cảm, bị đau bất thường, dữ dội. Vì mệt lả, Quang để nguyên cả bao gạo sau lưng ngồi dựa vào gốc cây. Cơn bệnh làm anh hôn mê, bất tỉnh. Kiệt sức, cứ ngồi mê man trong cơn bệnh hành hạ suốt bốn, năm ngày đêm nắng, mưa nên mối đã xông kín người Quang. Đống mối lúc lắc, động đậy mà Minh nhìn thấy, có thể là thời khắc Quang sắp trút hơi thở cuối cùng.
Con người ta trước khi chết thường có sự vật vã, hoặc dãy dụa, co dật.  Với Quang có lẽ anh không còn đủ sức dãy dụa, vật vã nên trước khi tắt thở chỉ cựa quậy yếu ớt.

Tường và Minh đào đắp một cái bệ đất cao chừng nửa mét, gom lá cây trải ra rồi trải tấm ni lon lên trên. Khẽ khàng khiêng thi hài Quang đặt lên mô đất. Đêm ấy hai người thay nhau đốt hương, đốt lửa suốt đêm bên thi hài của bạn, và lặng lẽ ngồi bên linh cữu Quang cho tới sáng hôm sau. Khi ông mặt trời lên nửa cây rừng, là lúc Tường và Minh đào xong cái huyệt bên gốc cây sấu cụt rồi nhẹ nhàng đặt Quang vào yên nghỉ dưới đó. Trước lúc vĩnh biệt bạn, Tường và Minh quỳ xuống chống tay bên nấm mộ, giọng Tường nghẹn ngào: "Quang ơi, thế là từ nay anh em mình vĩnh viễn xa nhau. Đơn vị đại đội hai mất một người đồng chí. Gia đình  Quang mất một  người con, Dung mất một người chồng... Đơn vị đang hành quân vào mặt trận nên chỉ có Tường và Minh tiễn đưa Quang về nơi an nghỉ cuối cùng. Quang yên lòng nằm lại đây nghe. Bao giờ đất nước thống nhất, nếu chúng tôi còn sống, nhất định chúng tôi sẽ vào đón Quang về"...

Tường đi đi, lại lại, quan sát xác định nấm mộ dưới gốc cây sấu cụt. Cỏ dại và cây gai đã trùm kín.  Giá không có ngọn cây sấu cụt và cái dốc dựng đứng qua con suối để xác định, để nhớ thì cũng khó tìm được nơi Quang yên nghỉ giữa chốn rừng xanh mênh mông này. Mặc dù ngay từ buổi đầu đặt chân tới tìm hài cốt đồng đội trong rừng Sắc Rông, Tường đã để tâm đến liệt sĩ Quang bạn của anh.
Tường chỉ đạo anh em phát quang bụi gai quanh gốc sấu. Tuấn đi lại phía Tường:
-
Anh Tường, chúng em đào nhé!
-
Ừ, nhưng phải cẩn thận nhé. Đừng để lưỡi xẻng chạm vào xương nghe!
-
Anh Tường ơi, anh lại xem, bạn anh tiêu gần hết rồi.
Tường cúi xuống, thục tay cào bới.  Tấm vải đỏ gói Quang mối xông nát vụn. Hài cốt của Quang phần lớn đã tan vào đất. Chỉ còn cái hộp sọ là còn nguyên, nhưng rễ cây đã quấn chặt. Tường nhẹ nhàng gỡ từng cái rễ cây nhỏ xíu để hộp sọ không bị dập vỡ. Anh tỉ mỉ nhặt từng mẩu xương bỏ vào túi hài cốt. Gần nửa giờ sau, Tường và Tuấn mới gỡ được hộp sọ ra khỏi búi rễ cây.
-
Sao ngày đó các anh không mai táng anh Quang trên gò đất cao, để tránh rễ cây và mối xông? Tuấn hỏi.
- Nếu để ngoài gò đất trên cao, chỉ một trận bom là thi thể tan tành. Có khi trúng bom tung lên rồi văng mỗi nơi, mỗi mảnh. Để bên gốc cây, chúng mình cho là an toàn hơn, nhất là cây đại thụ sẽ che chắn cho thi thể. Tường nói tiếp:
- Dù bị dễ cây quấn chặt, mối xông, còn một phần  còn hơn là mất hết.

Hài cốt của Quang nằm trong ba lô của Tường, các chiến sĩ tiếp tục rẽ cây tiến vào rừng sâu.
Giữa rừng Sắc Rông, một buổi chiều. Kan người bản Đắk Lak, thân hình cường tráng, bắp thịt săn chắc như thân cây mun. Nước da nâu, hai bờ vai đỏ thẫm. Anh khoác tấm vải thô màu xẫm, đóng khố, tay cầm con rựa, vai vác khúc gỗ, khật khưỡng đi dưới tán cây rừng.
Bất chợt Kan gặp một người thiếu phụ nằm im bên một hố đất như không hề hay biết có thế gian này. Đưa một ngón tay hơ hơ lên mũi, thấy hơi nóng còn ra. Kan cởi tấm vải trên vai đắp lên người thiếu phụ. Anh vút chạy đi, lao vào bụi cây, tìm lá thuốc mang tới bên người thiếu phụ. Một nửa nắm lá đặt lên trán người nạn nhân, một nửa đưa lên miệng nhai vụn ra nước. Tay khẽ nâng người nạn nhân, mặt cúi xuống, chấm môi mình vào môi người thiếu phụ, nhả miếng nước lá thuốc vào miệng. Rồi khe khẽ đỡ đầu chị đặt lên đùi cho dễ thở và anh ngồi im chờ đợi. Lần đầu tiên trong đời Kan được gặp một người đàn bà xinh đẹp lạ thường. Người đàn bà đang nằm thiêm thiếp trên đùi anh. Cổ trắng ngần, bờ vai và thân hình tròn lẳn, đôi mắt khép mơ màng. Tai hoạ của người thiếu phụ là điều may đối với Pơ Kan. Anh nghĩ thế. Anh cảm như trời phú cho anh một nàng tiên đẹp, đẹp hơn cả giấc chiêm bao. Kan hồi hộp đặt một bàn tay lên trán chị, hơi ấm đang dần dần nóng lên. Lại nhai một miếng lá thuốc nữa, lại cúi xuống chấm làn môi khô bỏng lên môi người thiếu phụ mềm lạnh. Nước thuốc từ miệng anh nhỏ xuống thấm dần lan toả khắp cơ thể.

Người thiếu phụ đó là Hạnh Dung. Chị đang đi tìm hài cốt của chồng và hài cốt đồng đội của chồng. Thấy một mô đất hình con rùa, trên có đặt phiến đá màu xám, rêu đã phong phủ. Gặp nấm mộ nào chị cũng linh cảm trong sâu thẳm của lòng đất là hài cốt của anh Quang. Riêng nấm mộ này không hiểu sao chị tin hơn tất cả. Chị tin là mộ anh Quang. Niềm tin thành ảo tưởng, khiến chị cứ tưởng như là đang ngồi trên nấm mộ của chồng. Chị lo lắng hồi hộp. Chị hì hục đào, hì hục cuốc. Đất rừng mùa khô kết như hoá thạch. Lưỡi xẻng thỉnh thoảng lại toé lên những tia lửa. Chị vẫn đào. Bao nhiêu sinh lực trong cơ thể dồn vào cán xẻng. Mồ hôi đầm đìa. Cái bệnh tim của chị đã từ lâu mỗi khi làm quá sức là cảm giác khó thở lại dâng lên nghèn nghẹn ở hai cánh mũi. Nhưng sức mạnh từ thế giới bên trong nấm mộ đã truyền sang chị. Cả một khối đất hình con rùa khô xác, hoá thạch được đôi bàn tay nhỏ nhắn của chị kiên nại quật lên. Đặt cái xẻng, cắm một nắm hương lên đống đất mới đào. Làn khói hương như những sợi mây trắng toả ra quẩn quanh bên đống đất rồi từ từ bay lên đám lá rừng. Chị đưa bàn tay khẽ gạt lớp đất vụn màu tro, lật miếng ni lon đã rách, một bộ xương hộp sọ vỡ làm nhiều mảnh nhỏ hiện ra trước mặt. Chị rùng mình, không cưỡng nổi cơn bệnh và sự kiệt lả. Rừng cây như đưa võng, cổ nghẹn ứ, đôi mắt hoa vàng và rất nhanh chóng tối sầm lại. Chị ngã gục xuống.

Hạnh Dung nằm mê man gối đầu lên đùi người con trai Kà Tu, một quãng đùi trần mềm ấm. Cái cảm giác đầu tiên, Dung mơ hồ nhận ra là làn môi ấm áp, mạnh mẽ. Làn môi có lúc xa xăm, chờn vờn, run rẩy, đặt lên làn môi bất động của chị. Rồi từ làn môi ấy, một dòng nước vừa đăng đắng, vừa ngọt ngào truyền vào miệng chị, và lan chảy khắp cơ thể rân ran. Ngày chị và Quang yêu nhau, cảm giác hoàn toàn khác. Cả hai cùng hết mình truyền cảm sức sống kỳ diệu của tình yêu vào làn môi nồng nàn, cháy bỏng.
Lại một làn môi khẽ chạm lên môi chị vẫn ấm nóng nhưng rất mơ hồ. Lại một dòng nước ngòn ngọt, đăng đắng nhỏ xuống. Chị khẽ ngửa lên  theo phản xạ, nuốt ngon lành những giọt nước thuốc nhỏ xuống. Hai bờ vai cựa quậy, mi mắt khép mở. Bất chợt một luồng sáng vàng vọt ùa vào hai khoé mắt. Luồng sáng mờ đục như chiếu qua một làn sương mỏng chứa hơi nước bỗng bừng lên. Hạnh Dung từ từ mở mắt. Mọi cảnh vật dần dần hiện rõ. Thoạt tiên Hạnh Dung nhận ra một người đàn ông rất lạ đang bế chị. Chị vẫn chưa định hình nổi cái gì đã xảy ra. Người đàn ông là ai? Chị nghĩ tới Trần Quang. Những giây phút hạnh phúc lâng lâng như bay bổng, chập chờn, có lúc như tan vào trong vũ trụ. Kan nhìn chị - như nhìn vào cõi hư vô. Dung cựa mình, và dần dần tỉnh hẳn. Chị đã nhận ra người đàn ông từ từ nâng chị ngồi dậy là người hoàn toàn xa lạ. Chị cựa quậy, ngượng nghịu định vượt ra khỏi  tay người đàn ông. Nhưng một giọng nói lạ và trầm:
-
 Nằm yên lát nữa cho tỉnh hẳn đã. Chị vừa bị ngất mà.

Dung chợt nhớ bộ hài cốt và nhận ra nỗi đau từ cái hộp sọ,  hiểu ra một tai hoạ vừa đi qua. Ngực chị vẫn còn nằng nặng và thỉnh thoảng buốt nhói. Ngồi trước mặt Kan , chị không còn cảm thấy ngượng nghịu. Chị nhìn anh và cất tiếng nhẹ nhàng:
- Không có anh chắc là tôi đã đi theo anh ấy nhà tôi rồi.
-
Ồ, không đi được. Chị phúc hậu và đẹp như một nàng tiên ấy, giàng chưa cho chị đi mà.
Kan giới thiệu về mình. Dung thì nói lại công việc mà chị đang làm từ khi vào xây dựng quê hương mới ở Đắc Min. Pơ Kan vẫn không rời chị. Anh giúp Dung bới đất lần tìm những mảnh xương vỡ dưới hố, đưa lên ghép lại và gói vào tấm vải hoa. Anh bảo Hạnh Dung:
-
Chị là người Kinh, nhưng vô đây là thành người Tây Nguyên rồi, nên phải theo tập tục của người Tây Nguyên. Mùa này là mùa lễ hội, người Tây Nguyên không bỏ mả đâu. Rước người chết lên, giàng không cho cái hồn theo cái xác đâu. Có khi còn bị nó quở đấy. Mùa khô, mùa nắng mới là mùa bỏ mả.

Trò chuyện với Kan, Dung đã rõ được đôi nét văn hoá và những tập quán của vùng đất Tây Nguyên mà dân làng Trà Tân của chị chưa có dịp am hiểu. Kan bảo: ở Tây Nguyên khi năm cũ hết là lúc thóc đã lên sàn, mẹ lúa đã về ngủ với đất. Mọi người lao động đã xong. Con người đi thăm nhau. Mùa lễ hội bắt đầu, tiếng cồng chiêng ầm ĩ, vang động suốt ngày, suốt đêm.
Tiếng vang dội từ sườn núi bên này âm âm, u u vọng qua sườn núi bên kia. Tiếng cồng, tiếng chiêng ngân nga vang lên từ sâu thẳm. Người ta bảo đấy là tiếng hồn của rừng, của đất, của sông núi. Khắp nẻo buôn làng, gái trai, già trẻ cùng nhảy múa, ca hát, đốt lửa và đánh đàn. Tiếng đàn Tơ Rưng trầm trầm vút cao. Đàn KSi thánh thót, kèn Dinh vang xa. Trai gái hỏi vợ, gả chồng, mùa cưới nhau say mê, cuồng nhiệt, cứ thế cho đến lúc ông Giàng phóng xuống những cái roi lửa lòng vòng lên núi, lên đồi, là lúc sấm gọi mẹ lúa dậy, mùa lao động lên nương, lên rẫy lại bắt đầu...

Rừng Sắc Rông một buổi tối. Phạm Tường cùng các chiến sĩ mắc võng quây quần bên nhau, y như ngày hành quân vượt Trường Sơn vào chiến đấu. Để tránh mối xông và mưa ướt, những bộ hài cốt tìm được trong buổi chiều chưa kịp đưa về nghĩa trang, mọi người xếp trong ba lô  rồi lấy ni lon bọc kín, treo lên gốc cây. Cây khô được chất đống, đốt lửa sáng lên một góc rừng. Tám cái võng giăng sát bên nhau, trò chuyện rôm rả đung đưa dưới tán cây lập loè ánh lửa.
Từ một cái võng tiếng Thuần vọng ra:
 -Mấy hôm nay chúng ta kiếm được toàn là hài cốt chị em.
-
Sao cậu biết là hài cốt chị em. Tường hỏi.
- Trông biết quá đi chứ. Hộp sọ phụ nữ thường tròn xương, mặt và cằm nhỏ, ngắn. giới cằm nhọn, xương dài, hốc mắt rất sâu.
- Cậu có nghề đấy.
- Gần 3 năm đi kiếm tìm đồng đội, chuyên đào bới hài cốt, phải có nghề chứ. Nếu không có nghề, có khi gặp con vượn chết lại bảo xương đồng đội.
Từ cái võng gốc cây bên cạnh, tiếng Bùi Phán nói:
-
Mình tìm được nhiều hài cốt con gái, chắc những năm chiến tranh, vùng này có nhiều đơn vị nữ đóng quân hoặc có các cô thanh niên xung phong ở đây phải không?
-
Đúng đấy. Đây gần tuyến đường chiến lược, có nhiều đơn vị thanh niên xung phong vào mở đường. Các đơn vị thanh niên xung phong hầu hết toàn là con gái.
Phán bảo Thuần:
-
Hồi đó qua đây, chắc Thuần gặp nhiều chị em lắm. Có chuyện gì vui vẻ, tình tứ hay kỷ niệm sâu nặng với nhau, kể cho vui đi. Ở đây buồn chết đi được.
Mọi người khích lệ, Thuần ngồi bật dậy. Hai cây đầu võng rung rinh. Anh nói:
-
Mình chẳng có tính tang, vui vẻ hay sâu nặng gì cả, nhưng có một lần đi "phục kích" chị em buồn cười lắm.
-
Thế thì tuyệt, kể đi.
Thuần hồi nhớ lại chuyện ngày đó rồi kể:
-
Hôm ấy tiểu đội của mình đi gùi đạn từ kho quân giới giữa một khu rừng ne. Trên đường về nghe tiếng reo ào ào, bọn mình biết ngay là trước mặt có suối sâu. Tiểu đội  trưởng phát lệnh: "Tất cả chuẩn bị tụt quần, vắt vai, lội suối".
-
Thế các cậu truồng à?
-
Giữa rừng như  bưng lấy mắt, chả truồng thì để ướt hết à. Thuần tiếp: Khi tới gần bờ suối, bỗng nghe tiếng con gái cười khúc khích. Tất cả nín thở, im lặng, khe khẽ tiến lại phía bờ suối, phục kích. Thì ra dưới con suối đến hai chục cô gái đang tắm "trần". Toàn là  những nàng mười tám, đôi mươi ở đơn vị thanh niên xung phong ra suối tắm. Tưởng giữa núi rừng heo hút chẳng có ai qua lại, các nàng cởi hết, kỳ cọ, ôm nhau cười. Ngực các nàng đầy đặn, da thì trắng, nước suối thì trong. Bọn mình rón rén nhoài lên sát bờ suối, vén lá nhìn, các cô  nàng chẳng hay biết gì. Có những thứ trời ban cho con gái, lần đầu tiên được nhìn, trời ơi.
-
Các cậu thích không?
- Thích chứ. Bao nhiêu năm sống ở rừng mà.
-
Sao lúc ấy không ào xuống, mỗi anh quơ một nàng.
- Quơ hai nàng vẫn còn thừa. Bọn mình có 9 tên, mà dưới suối những hơn hai chục em. Nhưng ai lại làm thế. Kỷ luật quân đội các cậu tưởng ú ớ được ư? Anh nào léng phéng còn bị kỷ luật. Xấn vào ôm người ta có mà chết toi.
- Anh Thuần kể tiếp đi, rồi sau làm sao?
Nằm trên võng một chiến sĩ thò đầu ra giục. Hình như cả tốp anh nào cũng thích những chuyện bất ngờ như thế.
Thuần tiếp:
-
Bọn mình vẫn nằm im thưởng thức cảnh vật đang sống động dưới lòng suối. Các nàng té nước, đuổi nhau, đùa dỡn. Tắm chán tất cả kéo nhau lên bờ mặc quần áo. Từ giữa con suối cứ thế lông nhông lội vào. Các nàng đi lên chẳng may lại đúng vào chỗ bọn mình đang mai phục. Tất cả nằm im, nhưng chẳng giấu kín được đống ba lô và những cái chân xõng xoài, những cái đầu cúi gằm, làm các nàng hoảng sợ, vơ vội quần áo, vừa che, vừa chạy, miệng kêu ré lên. Tranh thủ lúc các nàng biến vào những bụi cây mặc quần áo, bọn mình  tụt quần, vượt suối, rút quân an toàn.
-
Thật tiếc cho các cậu, toàn những em xinh đẹp vậy mà để mất
Phán hỏi:
-
Có khi nào Thuần gặp lại các cô em ấy không?
-
Không. Đơn vị mình sau đó chuyển vào chiến trường B2. Chỉ có ở gần các tuyến đường vận chuyển mới có chị em thanh niên xung phong.
-
Thuần đã gặp rồi nhé! ở cái võng kề bên, Bính bật dậy liền nói. Hôm qua đào được mấy bộ hài cốt liệt nữ, cậu thốt lên bảo, những khuôn mặt trông quen lắm. Biết đâu thi hài những liệt nữ trong ba lô kia lại là những cô gái tắm truồng ở con suối mà cậu đã gặp.
-
Cũng có thể. Thuần nói. Ở vùng này ngày ấy bom Mỹ đánh suốt ngày. Không ít đơn vị thanh niên xung phong trúng bom hy sinh gần hết. Những thi hài chúng ta tìm được, chắc chắn là thi hài của nữ thanh  niên xung phong.
Từ cái võng đối diện, Hoàng nói vọng sang:
-
Nếu không có chiến tranh, hẳn bây giờ các cô ấy đã là vợ, là mẹ, sống hạnh phúc như bao người đang sống. Hoàng tiếp tục nói, giọng anh lắng xuống vẻ căm giận:
-
Vậy mà đế quốc Mỹ đã cướp đi tất cả. Tội ác của chúng, dẫu có mang cả nước Mỹ sang bồi thường cũng không xứng với những hậu quả, mất mát mà chúng đã gây ra.

Năm con đom đóm lập loè trên ngọn cây từ từ bay xuống, lượn qua lượn lại quanh những cái võng. Chừng một lát, lại từ từ bay lên đậu vào những chiếc ba lô hài cốt. Bỗng một con sà xuống thành một vệt sáng dài lao sát đầu võng của Tú. Tú nhổm dậy gọi:
-
Anh Tường ơi, anh đổi chỗ cho em.
Trong nhóm đi tìm hài cốt, Tú là người trẻ nhất, mới ngoài đôi mươi. Tường nói:
-
Sao lại đổi chỗ. Cậu sợ mấy con đom đóm kia chứ gì. Phán trêu Tú:
-
Đom đóm cõng ma. Nó bay đến cõng linh hồn thi hài những cô gái trẻ trong ba lô về võng của cậu đấy, vì cậu cũng trẻ mà.
Phạm Tường bảo:
-
Sợ gì. Phán nó doạ đấy. Ở rừng làm gì có ma. Gặp đom đóm rừng là sắp có tin mừng. Chắc người yêu cậu đang gửi thư vào cho cậu đó!
Tú vẫn không nghe:
-
Anh không đổi, em sang nằm chung với anh đây.
-
Nằm hai người đứt mẹ nó võng. Thôi được, cậu sang đây, tớ sang đấy. Đồ nhát, chắc ở nhà đêm đi tè, mẹ phải đi kèm chứ gì?

Tất cả cùng cười, cây hai đầu võng rung rung. Những con đom đóm buông chiếc ba lô lập loè bay tít lên cao. Phạm Tường tụt xuống võng, bước ra ném thêm mấy cành khô vào đống lửa. Anh cúi áp mặt xuống đống củi thổi phù phù. Ngọn lửa bùng lên cháy. Đi về phía võng của Tú, Tường ngồi xuống rồi nói:
-
Thôi nhé. Hết chuyện tiếu lâm rồi, giờ các cậu trật tự, mình trao đổi một vài công việc rồi ngủ. Ngày mai tổ của Phán chuyển những bộ hài cốt đã tìm được về trạm để làm thủ tục nhập nghĩa trang. Còn anh em ta chuyển hướng về phía bắc của cánh rừng Sắc Rông này, tiếp tục tìm kiếm những đồng đội còn lấp khuất.
Đống củi cháy sắp tàn. Thỉnh thoảng một đốm than còn đỏ lửa loè lên rồi tắt hẳn. Khu rừng đen tối mênh mông. Những con đom đóm từ trên ngọn cây sà xuống, lập loè lượn quanh bên những cánh võng...
(còn nữa)
M.C

Các bài mới

Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Mẹ sau núi (06/01/2009)
Ngọn đèn xanh (02/12/2008)