Bút ký - Tản văn
Chuông vọng kinh thành
10:30 | 12/01/2009
LÊ HUỲNH LÂMCó thể gọi xứ Huế là thành phố của những tiếng chuông. Sự khởi đầu của một ngày, một ngày mai hun hút trong tương lai cũng như một ngày tận trong nghìn trùng quá khứ. Một ngày mà âm thanh từ đại hồng chung phát ra; vang, ngân, vọng và im bặt. Người ta gọi âm thanh đó là tiếng chuông. Vậy thì, im bặt cũng là một phần của tiếng chuông.
Chuông vọng kinh thành

Sự khởi đầu của một ngày ở thành phố này cũng bắt đầu bằng: vang, ngân, vọng và im bặt. Và đó cũng là sự khởi đầu của mỗi kiếp người! Khởi đầu bằng tiếng khóc chào đời.
Mỗi sớm, thật sớm, thời khắc mà chỉ có những người lao động nghèo mới cảm nhận được. Họ thức dậy như một bản năng sống, thức dậy cùng tiếng chuông để chuẩn bị ra đồng, chuẩn bị những nồi bún, nồi cháo,… để gánh cuộc sinh tồn trên đôi vai tím gầy, và mỗi ngày như vậy tiếng chuông cũng dậy lên trong tâm thức họ. Bốn mùa, nắng cũng như mưa, lạnh buồn, héo hắt. Những người lao động nghèo đều thức dậy như một đức hạnh tu tập. Và trong sự tịnh yên của đất trời họ tiếp nhận tiếng chuông nguyên sơ qua nhĩ căn. Cứ thế, mỗi lần tấm màng mỏng trong lỗ tai rung lên theo chu trình tiếng chuông vang, ngân, vọng và im bặt như một quy luật của tạo hóa để khơi dậy tâm từ. Và tâm lực từ bi của người dộng chuông len theo làn sóng âm thanh thức tỉnh người nghe, mà đa số là dân lao động nghèo. Và có một điều kỳ diệu, là khi tiếng chuông từ các ngôi chùa cùng phát ra thì chúng hòa quyện vào nhau và tiếp tục lan tỏa.

Thành phố nhỏ được bao bọc loanh quanh bởi những con đường, cũng như chiếc lá và những đường gân hao gầy. Thành phố hình chiếc lá cũng úa vàng man mác theo giấc mơ mùa thu, mịt mờ, quạnh vắng như mùa đông, bừng dậy như mùa xuân và cháy đỏ như mùa hạ. Một thành phố nhạy cảm thì con người cũng rất nhạy cảm. Những con đường gân lá bao quanh phố với những hàng cây xanh, những con sông nho nhỏ đã gợi lên trong tâm tưởng tôi về một ngôi làng trong cổ tích yên bình. Và lạ thay, trên mảnh đất bé nhỏ nhưng mật độ các ngôi chùa, nhà thờ, tịnh thất, thánh thất lại rất dày đặc ở xứ sở này, đó là chưa kể đến các khuôn hội, những đình làng xưa đang còn bao quanh vùng đất này. Vì thế mà tiếng chuông rất gần gũi với những người sống ở miền đất mang nhiều dấu ấn tâm linh. Âm hưởng tiếng chuông mỗi nơi mỗi khác, nơi thanh thoát, nơi u trầm, có những tiếng chuông lạnh lùng, có tiếng chuông đầm ấm yên bình, có khi xôn xao, bồn chồn, có lúc căm giận, ai oán,… tiếng chuông hay sự biểu hiện tâm trạng của một vùng đất, tâm thức của cộng đồng người ở một xứ sở. Ôi, tiếng chuông Thiên Mụ, tiếng chuông Diệu Đế, tiếng chuông Phủ Cam, dòng Chúa Cứu Thế, tiếng chuông Cồn Hến, tiếng chuông Tây Linh,… tiếng chuông trong mỗi gia đình, trong mỗi cõi lòng miên man đang trông ngóng về cố hương.

Còn nhớ một thời xa xưa, gia đình tôi thường nghe tiếng chuông từ Cồn Hến để mọi người biết giờ về nhà ăn cơm trưa và chiều tối, cứ mỗi ngày ba buổi tiếng chuông lại vang lên khi thúc giục mời gọi, lúc thì khô khốc, lạnh lẽo… Và thuở đó trong ngôi nhà nhỏ ba gian, ngay chính gian giữa có cái tủ được sử dụng làm bàn thờ tôn nghiêm, bên dưới bàn thờ là cái bàn nhỏ, trên đó có những cuốn sách, một bên là cái chuông đồng khiêm tốn, bên kia cái mõ nho nhỏ và hai cái đùi gõ. Bộ chuông mõ mà những ôn, mệ thường khai chuông và trì tụng kinh sách, âm hưởng lời kinh đã đem lại sự bình tâm cho mỗi thành viên trong gia đình.

Sau những âm thanh huyên náo của một ngày ở xứ Huế, sắc màu không gian chìm lắng, phía trời xa xăm là một ánh vàng mong manh, đang tàn dần, tan dần và rải nhẹ lên dòng Hương, lên lá cỏ, chấp chới trên những con thuyền đang lênh đênh trên sông. Gam màu hư huyễn đó khiến tôi liên tưởng đến đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời trong bài “Như một lời chia tay” của Trịnh Công Sơn, mà sinh thời văn hữu Nguyễn Xuân Hoàng thường hát cho anh em nghe vào những chiều hoang mộng bên dòng sông vắng. Vào thời khắc này tiếng đại hồng chung lại gióng lên qua bốn giai đoạn: vang, ngân, vọng và im bặt. Đất trời lúc này đã chạng vạng, mỗi sinh linh đều tiếp nhận tiếng chuông tùy theo căn nghiệp của mình. Trong loài người, có những người cảm nghiệm lẽ vô thường qua tiếng chuông để vơi dịu đi nỗi khổ đau, có người lặng lẽ rút mình về chốn yên tịnh, có người tỉnh thức trước mịt mờ của tham vọng và cũng rất nhiều người vẫn còn mê đắm trong tham, sân, si mỗi khi chiều xuống; nơi mà chỉ có những ảo tưởng nặng nề thường lãng vãng.

Một khi trong không gian bất chợt vang lên một tiếng chuông, một âm thanh gọn lỏn phát ra từ tháp chuông của nhà thờ vào một thời khắc khác thường, âm thanh đó như lời loan báo đến mọi người rằng, có một linh hồn về với chúa, chúng ta hãy chúc bình an cho cuộc biệt ngộ. Ôi, tiếng Chuông nguyện hồn ai mà Hemingway đã gửi cảm thức hư vô đến với mọi người. Một huyền điệp mà Giê su phải chịu khổ nạn để cứu chuộc tín đồ của mình, còn Thích ca thì mỉm cười, một nụ cười bình thản, trống rỗng như một vòng tròn trắng trong của Lão Tử mất dạng ở phía tây xa xăm, còn Nietzsche đã phải im lặng trong cuồng loạn và Bùi Giáng đã đặt lại sứ mệnh của chữ Việt.
Dù sao trong cuộc sống chúng ta vẫn còn âm vang tiếng chuông, sự tồn tại của tiếng chuông là một sự thật ngân vọng trong tâm thức người dân Cố đô. Và bây giờ là thời khắc im bặt của tiếng chuông.
Hãy lắng nghe!
  L.H.L

(nguồn: TCSH số 238 - 12 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mẹ sau núi (06/01/2009)