Bút ký - Tản văn
Người yêu bé nhỏ
17:21 | 22/01/2009
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGTôi rẽ vào nhà Thiệp để đưa bé Miên Thảo đi học. Cô bé hét vang nhà để bắt tìm cho ra chiếc dép đi trời mưa lạc nơi đâu không biết. Miên Thảo mặc chiếc quần Jean xanh và khoác áo len đỏ, choàng một chiếc phu la cổ màu đen trông thật đỏm dáng.

Miên năm nay mới lên lớp đệ lục (lớp 6), hôm nào cũng đi nép bên tôi để che ô cùng tôi và chúng tôi cùng đi bộ ngang qua những lâu đài, những cung điện đổ nát để đến trường. Thường tôi đưa Miên đến tận cửa lớp trước khi vòng quanh sân để đến lớp tôi. Vào giờ này, học sinh đang chơi trong sân trường. Miên thích được tôi đưa đi học, vì theo lời cô bé, "được đi bộ", được qua đò Thừa Phủ, ngắm sông Hương vào mùa thu. Miên Thảo là em gái của Thiệp nhưng cô bé ít thích đi chơi với anh vì tính Thiệp hay la mắng, hơn nữa Thiệp không đi cùng đường. Tôi để chiếc xe honđa ở nhà và cùng đi bộ với Miên. Chốc chốc tôi phải níu tay cô bé đi dưới ô, vì sợ cô bé hay dừng lại trước những khóm hoa dại, sẽ bị ướt. Sông Hương mùa này đầy những chùm tơ trời, nhiều khi mắc vào bánh xe đạp của người đi đường. Ngồi trên thuyền, Miên Thảo cứ hỏi tôi không ngớt, rằng ai làm ra tơ trời. Tôi trả lời để cô bé thôi hỏi, rằng chính mùa thu đã dệt nên tơ trời, theo chiều gió tơ trời thường bay từ thượng nguồn sông xuống. Miên cho rằng trên những quả núi xa xăm ấy, có xưởng dệt lụa của mùa thu. Những nàng tiên công nhân làm việc ở đấy và thường mặc áo lụa cưỡi gió qua thành phố. Bên sông Hương có nhiều cây vông dại và Miên thường chạy quanh để tìm những quả vông khô dạng như trái bí ngô. Miên thường nhặt những quả vông về nhà đòi anh Thiệp làm thành những chiếc xe chạy dọc những con đường vắng lặng trong Thành Nội. Miên thích mang theo những chiếc xe có bánh bằng trái vông ấy đến trường chơi để khoe với bạn bè. Cô bé quả quyết với mọi người rằng chiếc xe của cô chạy nhanh hơn xe ô tô của người lớn. Có hôm nghe tôi kể chuyện hoa For - get - me - not và hoa lilas trong thung lũng. Tôi bảo Miên rằng trong cổ tích của những người miền núi, thì hoa For - get - me - not là vợ chưa cưới của hoa lilas. Trong bồn hoa của nhà trường có trồng nhiều hoa For - get - me - not và Miên năn nỉ với tôi rằng khi nào tôi thấy hoa lilas ở đâu nhớ nhổ về làm quà cho cô bé.

Chúng tôi ngồi trên mạn thuyền. Nhìn những bóng trắng in trên mặt nước, tôi có cảm giác chiếc thuyền mỏng manh là một chiếc lá chở những đàn cò trắng sang sông, những con cò từ khắp bốn phương trời bay tụ về bến Thừa Phủ rồi lên chiếc lá nhờ đưa qua một bờ bến mới, để lại bay đi bốn phương trời.
Miên vẫn ngày ngày chạy theo bên cạnh tôi, liến thoắng nói đủ mọi chuyện. Tôi dặn bé đi học cần chú ý đến môn lịch sử bởi đó là chìa khoá của mọi tri thức khác. Thí dụ như giữa Tổ quốc và tình yêu, người Việt Nam đặt Tổ quốc lên trên, nhưng không vì thế mà xem nhẹ tình yêu. Vì thế nơi đền Hùng ở Phú Thọ, người ta thờ một cái giếng gọi là giếng Ngọc. Khi Trọng Thủy ăn cắp được chiếc lẫy nỏ của vua An Dương Vương và rồi nàng Mị Châu đã bị vua cha giết chết, Trọng Thuỷ liền nhảy xuống giếng này tự tử. Lạ lùng thay! những hạt ngọc sinh ra từ máu Mị Châu, khi rửa bằng nước giếng này thì “sáng rạng” ra, đó là giá trị của tình yêu. Cũng vì thế, giếng này gọi là giếng Ngọc.

Nghe tôi kể chuyện Trọng Thuỷ - Mị Châu, cô bé Miên Thảo háo hức hẳn lên:
- Anh còn chuyện nào nữa không? Cô bé cầm tay tôi run run.
- Còn nhiều. Cứ đi thật ngoan như thế này, anh sẽ kể cho mà nghe.
- Chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con lên núi xuống biển thật ra là một chuyện li dị trước khi có bộ luật li dị đầu tiên của nhân loại. Đó là một đôi vợ chống biết li dị đầu tiên trên trái đất.
- Người đời xửa đời xưa mà cũng biết li dị, anh hi?
- Và cũng biết ăn ở sòng phẳng, thành thực với nhau. Ở không hợp thì cứ việc mỗi người mỗi ngả. Con cái đã thành đạt: Người con trưởng làm vua xứ Văn Lang.
- Thế còn chuyện Lang Liêu thì sao?
- Đó là sự tích bánh chưng bánh dày. Cho đến bây giờ người Việt vẫn sùng thượng. À mà coi chừng! người ta sắp quên mất văn hóa đòn bánh tét đêm 30 Tết. Vậy là Lang Liêu chính là nhà khai sáng ra văn hóa ẩm thực của người Việt. Miên Thảo ậm ự không nhất trí:
- Hứ! Ăn uống mà cũng là văn hoá à!
- Không văn hoá thì là cái gì. Nhớ rằng người Huế có văn hoá từ khi biết ăn ớt. Cho nên các bà nội trợ gọi ớt là “đồ màu”.

Đến bến Thừa Phủ, con đò đụng đất một cái làm mọi người giật mình. Tôi dắt Miên xuống đò để lên trường, hẹn câu chuyện sang buổi khác, trước khi chia tay để Miên rẽ vào lớp, tôi còn nói to:
- Việt Nam có một thời lịch sử, một thời huyền thoại và có một thời gọi là huyền sử, để lại bao nhiêu là chuyện bí ẩn của tâm linh người Việt.
Ngày tháng trôi qua, cô bé Miên cứ chạy theo tôi, mỗi lần cô đến trường, lúc thì tôi ghé nhà đón, lúc thì gặp nhau ở ngã ba ngã tư ngoài đường. Chúng tôi quen đi về trước cửa Hiển Nhơn, vì đường ấy vắng xe, và hai bên đường những cây muối mang đầy quả, những cây sau sau thỉnh thoảng lại thả những lá đỏ dưới chân người. Cũng có những cây phượng, nhưng bây giờ không có hoa, những trái khô của chúng treo trên cành, đong đưa theo làn gió. Cuối thu, mây kết thành đàn lang thang trên trời rộng và gió se lạnh làm người ta thấy nhớ nhung một điều gì trong dĩ vãng.

Tôi cứ đưa Miên đi theo những con đường đã quen, ra cổng thành, qua đò rồi đến trường. Lần ấy tôi quen chân đi nhanh và bé Miên Thảo vẫn cặm cụi theo sau, chạy dạt ra trên bãi cỏ dưới chân thành, thỉnh thoảng ngồi xuống, hình như mải bắt châu chấu. Mấy hôm nay tôi mất ngủ, người thật mỏi mệt. Tôi đã tham gia tổ chức cách mạng. Tôi cảm thấy thông cảm hơn với đôi mắt buồn ngủ và dáng điệu lững thững của Công trong lớp học; biết đâu đêm qua cậu ta phải đưa đồng đội đi tấn công đồn bốt nào đó ở đầu thành phố. Dạo này, tình hình trở nên “hot”, tổ chức hoạt động mạnh. Tôi cũng thế, có tin chỉ vài hôm nữa, tôi phải rút lên “xanh” để tránh kế hoạch đàn áp của địch.
Thế này chắc còn lâu tôi mới về thành phố. Miên Thảo vừa kịp lớn lên và tôi sẽ cưới cô bé. Nhưng có gì để đảm bảo cho dự định ấy? Tôi không thể có một cái gì khác, ngoài việc tôi hôn em một lần. Dù em còn bé bỏng, nhưng mười năm chiếc hôn rồi sẽ lớn theo em và tâm hồn em thì sẽ sắt đá với thời gian. Ngày tôi về, chiến tranh sẽ hết, mẹ tôi sẽ mang cau trầu đến nhà Miên Thảo để xin Miên Thảo về với tôi. Cô sẽ sống cuộc đời một người chinh phụ Việt , nghĩa là sẽ biết chờ đợi. Tôi tin như thế.

Tôi gọi to tên cô, và thấy Miên đang bước rón rén trên bãi cỏ, dường như đang mải lo bắt châu chấu. Con đường tráng nhựa dài thăm thẳm dưới hai hàng cây; chỉ lác đác vài thoáng vàng và đỏ rơi xuống mặt cỏ. Vườn nhà ai có hoa Tigôn hồng và trắng đẫm ướt mưa, giống như linh hồn bé bỏng tội nghiệp của Miên Thảo. Cô bé chạy xung xăng về phía tôi. Đến chỗ tôi đứng chờ, cô bé đứng lại và đứng nép vào chân tôi. Tôi đặt chiếc dù nghiêng nghiêng để che khuất tầm mắt của người qua đường, siết chặt cô bé vào lồng ngực, rồi đột ngột hôn lên môi cô bé một cái thật sâu. Miên “hứ” một tiếng nhỏ, nín thở một chút, rồi hình như cô chợt hiểu tôi muốn gì, tôi lắng nghe đôi môi nóng bỏng và đầy đặn của cô bé động đậy dưới môi mình. Thế là từ nay giữa Miên và tôi đã thành lập một mối tương quan khác.
Dưới tán dù che nghiêng qua phía Miên, tôi sẽ hỏi Miên nho nhỏ:
- Em có hiểu không?
Dưới đôi mắt nai đen nháy như choán cả gương mặt, Miên Thảo nở một nụ cười rạng rỡ hạnh phúc, khẽ gật đầu.
- Mười năm. Em có chờ đợi được không?
Cô bé không đáp, chỉ khẽ nắm bàn tay tôi, giật giật:
- Em cấm anh hỏi điều đó. Mười năm nữa em sẽ vào đại học năm thứ ba.
Ánh mắt Miên chợt mơ màng lạ lùng. Cô bé chầm chậm bước đi bên tôi.

Mười năm, tôi về đúng kì hạn của Hiệp định Paris . Nhà cũ của tôi, sân vườn không có gì thay đổi. Phòng viết của tôi, những mảnh giấy dán trên tường, bàn viết của tôi cũng vẫn y nguyên, chỉ có cô bé Miên Thảo không còn nữa.
Mẹ tôi cho biết rằng bé Miên đã lấy chồng nhà ở tận Sài Gòn. Theo điều mẹ tôi kể thì Miên cũng có ý chờ đợi tôi. Có người nào dạm hỏi cô bé cũng vùng vằng đem đổ cả rượu và ném trầu cau với lí do là “hết chiến tranh con mới lấy chồng”. Nghe học trò cũ của tôi thuật lại khi đến trường văn khoa Sài Gòn những ngày đầu tiên, cô bé mặc toàn đồ đen, không nói chuyện với ai một lời, đứng vòng tay trong một góc phòng lặng lẽ nhìn thiên hạ. Thế thì lí do chính là mảnh giấy báo tử của đơn vị tôi báo về, nói rằng tôi đã mất liên lạc, và chắc đã hy sinh ngoài mặt trận. Tôi hiểu ngay rằng đó là một thông tin nhầm lẫn khi tôi phải đi công tác xa. Trong nhà tin rằng tôi không còn nữa nên đã nhận lời cầu hôn với một người khác.
Tôi không buồn vì dù sao Miên Thảo cũng đã có ý chờ đợi tôi.
Ở thành phố có dòng sông mơ màng này, cách tốt nhất là đừng đánh thức mọi vật đã ngủ yên, để cho nó trôi vào thiên cổ. Người Nhật Bản nói thế, và lịch sử đối với tôi, như một giấc mơ dài.
12 – 2008
H.P.N.T

(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Bên sông Bồ (19/01/2009)
Mẹ sau núi (06/01/2009)