Bút ký - Tản văn
Đêm chia sẻ
17:50 | 31/12/2013

NHÂN NGÀY AIDS THẾ GIỚI 1/12
(Để nhớ những người nhiễm HIV tôi đã gặp năm đó - tháng 12/2009)

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
                            bút ký

Đêm chia sẻ
Ảnh: internet

Trong ánh mắt của nhân loại, có khá nhiều cách nhìn nhận khác nhau về cõi đêm, về bóng tối. Thần thoại Hy Lạp kể rằng đêm che phủ bằng tấm màn tối trên một cổ xe tứ mã đen tuyền, được hộ tống đi khắp trời bởi các nữ thần Thịnh nộ (Furies) và Số mệnh (Parques). Đêm hay bị kéo dài thêm theo ý các thần, họ bắt mặt trời và mặt trăng dừng lại để thực hiện các kỳ tích huyễn hoặc của mình. Và thế là đêm sinh ra giấc ngủ và sự chết, những giấc mơ mòng dịu và những mối âu lo, những âu yếm ái tình và cả những lừa dối lương tri... Đêm, theo người Celtes lại là khởi đầu của ngày. Và ở một phương trời khác, phương Đông chúng ta, đêm chứa đầy tất cả những khả năng tiềm tàng của cuộc đời, là thời gian của sự thai nghén, nảy mầm cho sự sống ngày mai...

Tôi yêu cái cách nhìn đầy biện chứng về sự thai nghén của lòng đêm, với hy vọng khi bình minh lên, mọi sự sẽ khác đi, như một lời cầu ước nào đó “những ước vọng bí mật sẽ lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật thành những biểu hiện của sự sống”. Hy vọng ấy nhiều khi, sẽ làm nhẹ lòng cho những cảnh đời đi trong đêm tối. Như T.C là một. Khoảng tháng ba năm 2008, khắp nơi ở Hòa Khánh, Đà Nẵng có đồn thổi về một cô gái trẻ cố tình lây truyền bệnh HIV bằng cách bán dâm cho những khách ham vui, danh sách nạn nhân ngoài những thanh niên ăn chơi lêu lổng, tài xế, còn có cả những giáo viên, cán bộ... Lời đồn phao tin T.C chưa đến hai mươi tuổi đã nhiễm HIV và tìm cách trả thù đời, hằng đêm như con hồ ly tinh gieo rắc hận tình, tin đồn cũng hoang đường đến mức rằng T.C còn cắt cả ngón tay nhỏ máu vào ly cà phê để bán cho thanh niên uống vào để lây nhiễm... Phía sau những tin đồn oan nghiệt ấy, là tiếng chuông trong gió báo động về đại dịch HIV đã lan truyền đến tận những miền quê xa vắng, là bằng chứng của sự không thấu hiểu về căn bệnh này, một trong những nguyên nhân khiến người nhiễm HIV bị hắt hủi, đó cũng là sự thật về một xã hội đang tồn tại sự kỳ thị... Khi tôi gặp, T.C hiền lành như một ngọn cỏ mềm kể lại câu chuyện, giọng mơ hồ như gió buổi chiều vàng xuộm màu buồn bã. Năm mười bảy tuổi em phát hiện ra mình nhiễm HIV, trời ơi, đó là một cái gì ngoài sức tưởng tượng. Hậu quả của lần xiêu lòng trao thân trước lời đường mật của một gã đàn ông mặt rỗ chằng rỗ chịt từ năm T.C mười sáu tuổi, là cái thai ngoài ý muốn mọc mầm oan nghiệt trong đời, và cả loài vi rút HIV kinh khủng nữa. Em đã nhiều lần dùng dao cắt ngón tay để máu nhỏ ra mà xem thử máu bị nhiễm HIV nó có màu khác gì với máu của người bình thường không. Máu vẫn là màu đỏ tươi đó thôi, không phải là máu đỏ bầm như những con gà bệnh dịch mà T.C thường thấy, ấy vậy mà trong cái màu đỏ tươi rói đang tươm ra kia, cái chết đã tuyên án, tươi mươi một cách riết róng. Bóng tối vây quanh, suy sụp chồng lên, những mảng đổ vỡ... ập xuống em một màu xám bất thường và ảm đạm. Em co rúm một góc nhà như một cái giẻ lau nhưng đâu có được yên thân, đành bỏ nhà, bỏ xứ ra đi.

Những câu chuyện như thế rất nhiều…

Chuyện Mai kể về mình khiến tôi xúc động mãnh liệt. Khi đứa con thứ hai vừa được ba tuổi, người chồng nghiện ngập của Mai qua đời và được xác định là do nhiễm HIV. Mồ chồng chưa xanh cỏ, oan nghiệt bắt đầu ập xuống khi sự cực đoan của nhà chồng đã không an ủi nỗi đau của Mai, mà còn vu cho em đã lây bệnh cho đứa con của họ, và lấy cớ ba mẹ con đã nhiễm HIV để đuổi tất cả ra khỏi nhà. Giọng Mai bùi ngùi: “Đêm ấy ba mẹ con em thất thểu bước ra đường. Một tay xách bị, một tay dắt con, em đưa chúng đi mà lòng dạ rối bời, nhàu nát. Khuya, chúng em gặp miếu thờ làng. Ngủ ở đó qua đêm nhưng vừa bảnh mắt sáng hôm sau, dân làng đã đến đuổi mấy mẹ con đi chỗ khác. Lại lếch thếch kéo nhau đi trong tuyệt vọng với phía trước là bóng tối, em có lúc đã nghĩ hay là kiếm một liều thuốc độc cho ba mẹ con có một kết thúc dễ chịu hơn là kéo lê chuỗi ngày khổ ải. Nhưng lại nghĩ chắc gì hai đứa trẻ đã bị nhiễm HIV nên lại thôi, mình cắn răng chịu đựng cho chúng nó được sống chứ. Đi mãi rồi cũng gặp một ngôi chùa sư nữ, tưởng rằng cửa chùa sẽ từ bi rộng mở nên em thiệt thà trình bày hoàn cảnh. Ai ngờ vừa nghe nói em bị nhiễm HIV, sư bà trụ trì ngay tức khắc thiết lập một hàng rào bằng thái độ cực kỳ lạnh nhạt, cũng cho mấy mẹ con em ngủ nhờ đó, nhưng lại chỉ cho ngủ ngoài hiên và không bố thí một hạt cơm nào, dù chúng em đang rất đói trong suốt hai ngày lưu lại đó. Biết là nhà chùa có ý đuổi, em lại dắt các con đi, lần này thì tìm đến một ngôi làng khác. Đang vô phương, chợt gặp bà lão bạc tóc chống gậy bên đường, nghe chuyện, bà lão dắt mấy mẹ con em về nhà. Bà nói bà sống một mình, nên mấy mẹ con cứ tạm trú ở đây bao lâu thì tùy. Rút kinh nghiệm cái lần ở chùa, em giấu nhẹm chuyện bị nhiễm HIV. Trả ơn dung dưỡng của bà lão, em siêng năng làm lụng, cuốc đất làm vườn, thức khuya dậy sớm buôn rau nuôi gà nuôi lợn, mấy bà cháu êm đềm rau cháo có nhau. Cuộc sống dần ổn định thì bất ngờ một hôm ông bố chồng có chuyện sang làng này thình lình gặp mấy mẹ con em. Ông la toáng lên, bêu riếu giữa đám đông hiếu kỳ rằng đây là mấy đứa bị nhiễm HIV mà cả làng của em đã đuổi cổ đi, không cho trú ngụ. Tưởng chừng như định mệnh trớ trêu thêm lần hắt hủi bởi sự ác tâm của người đời, không ngờ bà lão chỉ mặt ông bố chồng em mắng xối xả, rằng đã ác nhân thất đức từ bỏ ngay cả giọt máu gia đình mà bây giờ còn dám lên mặt với ai. Bà nói năm nay đã ngoài tám mươi nên có nhiễm HIV mà chết cũng không có gì phải tiếc, mấy mẹ con cứ sống ở đây, không đi đâu hết, không việc gì phải sợ ai.

Nhưng mọi người không suy nghĩ như bà lão, mấy đứa nhỏ đi học ở trường bị bọn trẻ con xa lánh, hắt hủi. Phụ huynh gây sức ép với nhà trường buộc phải đuổi hai đứa nhỏ. Cô hiệu trưởng tìm gặp em nói khó, đành phải chấp nhận cho chúng bỏ học. Bức xúc quá thể, em ôm con khóc vùi, bà lão cũng chỉ biết ngậm ngùi quệt nước mắt trên gò má nhăn nheo.

Rồi thì cuộc đời cũng có hậu anh ạ. Một hôm em đi làm về thấy nhà có khách, có cả những vị tu sĩ nữa. Họ ăn mặc rất sang trọng nhưng không hề xa cách, tất cả đều vui vẻ, ân cần. Khách nói từ câu lạc bộ Đồng cảm đến, ước muốn của họ là được chia sẻ với người nhiễm HIV. Em mừng quá, được các anh chị rủ vào sinh hoạt câu lạc bộ, em đồng ý ngay, và rồi, em trở thành con chim đầu đàn của câu lạc bộ lúc nào không biết nữa. Em đi nói chuyện rất nhiều về bệnh HIV với khát vọng cho cộng đồng hiểu rằng HIV chỉ là một bệnh mãn tính, không phải là tệ nạn xã hội. Em gặp lại cả sư bà ngôi chùa sư nữ ngày nọ, sư bà có vẻ ngượng: “A Di Đà Phật, một thuở sư bà không biết nên cư xử không phải, sau khi mấy mẹ con đi rồi, từng đêm sư kinh kệ mà lòng áy náy, khổ sở vô cùng, mong thí chủ bỏ qua cho”. Em chấp tay đáp lễ. Cho đến bây giờ, có phải ai cũng biết mà đồng cảm với người nhiễm HIV đâu, sự kỳ thị vẫn còn đầy rẫy ngoài xã hội kia kìa...”.

*

Tôi và Mai ngồi bên sông Hương, dưới những hàng cây muối còn sót lại bên bờ sông Hương của khu vực mà ngày xưa, giới quý tộc Huế thường hay đến đánh ten-nít, gọi là Sẹc (Cerle). Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có kể về một đêm uống rượu kỳ lạ giữa ông với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nơi này, trên lan can của tầng thượng nhìn xuống con sông của những năm tao loạn trước 1975. Hôm đó là sinh nhật của Trịnh Công Sơn. Những ly rượu uống cạn trong bóng tối được ném xuống dòng sông đêm. Họ đã im lặng với Whisky, để sau đó, vào một ngày không hẹn trước, Trịnh Công Sơn ôm ghi ta thầm thỉ: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Nhiều năm hồ hải tang bồng sau đó, trong thiên tuyệt bút “Ngọn núi ảo ảnh”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Mỗi lần về Sài Gòn, tôi vẫn tới Sơn chơi, khoảng mười giờ sáng, nhà Sơn vắng người. Hai đứa im lặng như Whisky, đọc nhau trên vầng trán hững hờ những nếp nhăn của niềm hy vọng đã cũ. Thôi thế, Sơn ạ”.

Mỗi lần đọc đến đoạn này, tôi đều cảm thấy mình sởn gai ốc như thể những đoạn trường của cuộc đời đang diễu qua trước mắt tôi. Các nghệ sĩ lớn đều vậy, luôn dẫn dắt ta đi dù chỉ bằng những cảm xúc vi tế và niềm đam mê mãnh liệt của họ. Một câu trong ca khúc nhạc Trịnh, “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, …để gió cuốn đi”, cũng đủ làm hành trang cho bao thế hệ dấn thân lên đường...

Tôi cũng có nhiều năm tháng cùng với bạn bè dấn thân như thế. Cách đây hơn mươi năm, nhóm thanh niên Đội Công tác xã hội Thanh niên Huế và Đội Công tác xã hội Nhân Ái Đà Nẵng cũng hay lui tới nơi này để bàn thảo về những hoạt động của mình. Vào những ngày đó, đối tượng của chúng tôi là những em bé lang thang đường phố, mồ côi, trẻ sớm bất hạnh trong đời... Tôi thường có mặt trong các buổi giao lưu giữa những tấm lòng nhiệt huyết đến từ hai phương Nam, Bắc của đèo Hải Vân ấy. Có nhiều khi, tôi chạy xe qua đèo giữa đêm khuya để gặp anh em Đội Nhân Ái Đà Nẵng bên sông Hàn, để “gặp nhau cười như bão cát...”, vừa uống rượu hồng đào vừa bàn chuyện công tác xã hội và hát “Để gió cuốn đi”... Và hôm đó, những trái tim nhân hậu đã dấn thân cùng tề tựu về ngay chính chỗ này bên sông Hương để cùng dự “Hội nghị Quốc gia tăng cường tính cam kết của nữ giới và nam giới các tôn giáo trong phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam”, diễn ra trong các ngày từ 21 - 23 tháng 11 năm 2009. Một hội nghị đầy tính nhân bản mà trong suốt 20 năm làm báo, tôi gặp không nhiều lắm. Tất cả những người tham dự Hội nghị, như thể cũng vừa hát câu hát tấm lòng của Trịnh. Người xa lạ vẫn thường tìm cách chia rẽ sự đoàn kết dân tộc bằng giọng điệu chia rẽ các tôn giáo ở đất Việt. Nhưng trong Hội nghị này, lần đầu tiên, tôi đã chứng kiến một sự kiện kỳ lạ trong cuộc đời: Những ni cô mặc áo lam chùa Phật ngồi xen kẽ với các soeur trong y phục nữ tu Thiên Chúa giáo ngay trước giờ cầu nguyện. Họ đến từ khắp mọi miền đất nước và bây giờ cùng nắm tay nhau ngồi trò chuyện trong một ngôi nhà mang tên “Chẳng Lục chẳng Hồng” mà Đại đức Thích Thường Nhật giải thích rằng, “chẳng lục chẳng hồng” là không màu mè, từ đó gạn lọc tất cả để hiểu mình, để tái tạo năng lượng sống cho mình và cho người khác...

Khi họ ngồi bên nhau như thế, Đêm Chia Sẻ đã bắt đầu. Tôi nhìn đồng hồ, bảy giờ mười lăm phút tối. Cho đến trước tám giờ một chút, họ tạm thời rời nhau, những tu sĩ Phật giáo ngồi lại trong khu nhà Chẳng Lục Chẳng Hồng để cầu nguyện. Những tu sĩ của Công giáo đi đến một ngôi nhà khác để tổ chức buổi nguyện cầu theo cách của họ.

Tám giờ, những ánh hoa đăng được nâng lên trên những đôi tay tu sĩ Phật giáo ngồi thiền nghiêm cẩn. Cùng lúc đó, những ánh nến tạo thành hình cây thập giá lớn cũng rực rỡ cháy sáng ở một không gian bên cạnh. Cách thức cầu chúc của mỗi tôn giáo khác nhau, nhưng tất cả cũng mục đích hướng thiện, hướng đến lòng cao cả, sự hy sinh, niềm hy vọng nhân từ... Tôi nhận ra những tấm lòng nhân ái đang cháy lên như nến, trong sáng và hết mình. Từ bao lâu, biểu tượng của cây nến gắn liền một cách đặc trưng biểu tượng của ngọn lửa cháy hết mình. Novalis nói, trong ngọn lửa của nến, tất cả mọi sức mạnh của thiên nhiên đều lấp lánh. Cầu chúc trong ánh nến, tức là cầu chúc trong một sự thanh khiết của ngọn lửa tinh thần. Giáo hoàng Paul VI nói về ánh nến rất hay vào tháng hai năm 1973: “Cháy lên và tỏa sáng, nó biểu thị cho cuộc sống được hiến dâng toàn bộ cho tình yêu độc nhất, nồng cháy, toàn trị... Cuối cùng, cây nến sáp tự tiêu hao mình trong im lặng...”. Đó là một đêm sông Hương lạnh đến trong vắt, không khí như đóng băng, có thể xẻ ra cầm trên tay. Và những ánh nến vốn đã hướng thượng bởi sự tồn tại luôn vươn thẳng đứng của mình, giờ lại càng hướng thượng hơn bởi nó đang cháy trong không khí linh thiêng của buổi lễ nguyện cầu... Điều mà các tu sĩ nhất tâm cầu nguyện đêm ấy, là để cùng cầu chúc cho những người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV gặp nhiều may mắn; cầu chúc cho các tình nguyện viên là chăm sóc viên, tư vấn viên, truyền thông viên thêm nhiều hạnh ngộ, thêm lòng dũng cảm để đi đến cùng con đường nhân ái đã chọn; cầu chúc cho sự nghiệp phòng chống HIV của đất nước, của toàn thể thế giới được thêm nhiều thành quả mới...

Mai nói, có lẽ đây là giờ phút mà Mai nhận ra thế giới này đẹp hơn những gì Mai nghĩ...

*

Có lẽ nên nói về Hội nghị hết sức đặc biệt năm đó. Toàn thế giới đến nay đã có gần 40 triệu người chết vì HIV/AIDS, trên 30 triệu người đang sống chung với căn bệnh thế kỷ, trong đó có 2,2 triệu trẻ em. Mỗi ngày trôi qua có thêm 14.000 trường hợp nhiễm HIV mới và 95% các trường hợp này là ở các nước đang phát triển. Đại dịch HIV cho đến nay vẫn chưa có phương cách nào phòng chống hữu hiệu và truyền thông dự phòng được xem là giải pháp tốt nhất để nhằm hạn chế nhiễm mới và chăm sóc giảm nhẹ nỗi đau cho người nhiễm. Đã rất khó khăn để làm cho xã hội nhận thức được rằng AIDS là một căn bệnh mãn tính chứ không phải là một tệ nạn xã hội, người có HIV cần được đối xử bình đẳng, không bị kỳ thị...

Từ năm 1996, các tổ chức tôn giáo đã phát triển thành công các hoạt động chăm sóc bệnh nhân HIV tại cộng đồng. Đức hy sinh của các tu sĩ đã nhận được sự đánh giá cao từ người có HIV và toàn thể cộng đồng. Đặc biệt, hình ảnh dịu dàng thương yêu của các nữ tu bên các bệnh nhân HIV đã trở nên thân thiết. Và bây giờ, hưởng ứng Ngày AIDS Thế giới 1/12/2009, nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho nữ giới của các tôn giáo tham gia tích cực và hiệu quả hơn nữa việc phòng chống HIV, Hội nghị này được tổ chức. Nó đã tạo được một bầu không khí sôi động, ngập tràn tình nhân ái, sự sâu lắng đầy tinh thần khoa học và sự nhiệt huyết đầy cống hiến. Các cuộc tọa đàm, thảo luận đã đề cập nhiều lĩnh vực liên quan đến vấn đề phòng chống HIV/ AIDS như đáp ứng của nữ tu, thực trạng về giới trong phòng chống, chăm sóc cuối đời cho bệnh nhân, giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử, chăm sóc trẻ bị nhiễm và ảnh hưởng, sự tham gia của giới lãnh đạo... Hàng loạt các vấn đề được nêu lên, đó là những đốm lửa hi vọng làm ấm lòng cho bệnh nhân HIV.

Các cuộc thảo luận bên trong được tổ chức song hành cùng một ngôi làng được dựng lên ngay bên ngoài, ven sông Hương, quả là một ý tưởng thú vị. Làng cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm được tổ chức để minh họa sống động cho việc giới thiệu các họat động phòng chống HIV. Cấu trúc ngôi làng bao gồm Nhà Chẳng lục - Chẳng hồng, phiên chợ Thời - Không, Nhà Nhịp sống Hiện đại.. Những buổi sáng tinh mơ, tôi gặp ở Nhà Chẳng lục - Chẳng hồng rất nhiều người lặng lẽ tìm đến để trong không gian yên tĩnh, tự gạn lọc cho mình một ý nghĩa bất chợt... Phiên chợ Thời - Không (Space - Time Fair) có một nét đặc sắc khác. Phiên chợ này phổ quát hình ảnh sống động trong sinh họat đời thường của con người với nhiều sắc thái khác nhau. Và bởi người làng rất phóng khoáng và mơ mộng, nên phiên chợ cũng là nơi người xưa, người nay, ở trong làng và vùng khác, cõi khác có thể gặp gỡ. Dù mang tên “Thời Không”, phiên chợ là điểm hẹn vượt khỏi cái hạn cuộc của Thời - Không... Chợ mà không là nơi tìm sự bán mua, mà là nơi để tìm thấy sự chia sẻ. Và cũng tại đó, như là điểm thích hợp cho sự dấn thân vì con người, vì cuộc đời. Chợ mà mang ý nghĩa triết lý nhân sinh thế đấy.

Tôi bắt gặp trong Nhà Nhịp sống Hiện đại ly cà phê Buôn Mê Thuột trong tiếng nhạc Trịnh, đường truyền internet với những cú kích chuột kết nối toàn thế giới, những tờ rơi thông tin, những chiếc bánh fast food... quả đã làm nên một không khí đương thời. Nhưng tất cả sự năng động ấy lại diễn ra thật nhẹ nhàng, bởi cái tâm của những người đến đây cũng thinh nhẹ như không vì một điều đơn giản, họ biết sẻ chia... Ngồi bên cạnh tôi, một bạn trẻ đang vào google để tìm hiểu thêm về HIV/AIDS với câu hỏi có nên sống chung hay không với người nhiễm HIV? Câu trả lời bạn trẻ nhận được là, tất cả mọi người sẻ chia và không phân biệt kỳ thị với những người bị nhiễm, nhằm tạo tình đoàn kết trong cộng đồng, hướng đến một vòng tay nhân ái cho những người bị nhiễm HIV/AIDS...

Tôi nhìn ra bên ngoài, chếch bên kia là cụm các quầy hàng giới thiệu sản phẩm, trong đó có những sản phẩm được làm ra bởi bàn tay của những người có HIV. Ít ra, những sản phẩm được trưng bày đã tăng thêm sự tự tin của họ...

Làng có tổng số cư dân là 100 người, nhưng chắc chắn sau hội nghị này sẽ tăng thêm, bởi hiện tại đã có hàng nghìn địa chỉ chăm sóc người nhiễm HIV hình thành trong cả nước và đang có thêm nhiều người tình nguyện. Đại đức Thích Đạo Lực, Trưởng Ban tiếp nhận và điều phối của dự án “Tăng cường khả năng đáp ứng của tôn giáo trong phòng chống HIV” tại Đà Nẵng, cho biết rằng từ chỗ thờ ơ, không mấy mặn mà đối với tăng ni tham gia công tác này, cộng đồng Phật tử đã quay sang ủng hộ... Một trong những hoạt động đem lại cho những người tham dự ấn tượng khó phai là “Trình diễn đám cưới Việt Nam xưa và nay”. Lần lượt các đoàn rước dâu của ba miền được trình diễn qua một cái sân rộng. Vì là lễ hội hóa trang nên tất cả những người có HIV và không HIV khi tham gia đều như nhau, không hề có sự phân biệt. Đó là nét nhân văn mà nhà tổ chức muốn hướng đến. Tôi nhận ra Mai trong đoàn trình diễn đám cưới Bắc Bộ, trong chiếc áo tứ thân với nụ cười tươi thắm, cơ hồ như những gì đã diễn ra trong những năm tháng trần ai của Mai đã phôi phai. Mai nháy mắt với tôi: “Anh thấy em đẹp không?”. “Ồ, em đẹp quá đi chứ”. Tôi nói và nhận ra người thiếu phụ hôm nay quả nhiên đẹp lạ lùng. Nếu không có sự oan nghiệt của số phận, hồng nhan này chắc gì đã phải đa truân như thế! Cuộc chơi khiến cho nhiều người xúc động nhất có cái tên khá lạ: “Thi cắm lá”. Tôi hỏi vì sao lại không thi cắm hoa mà lại thi cắm lá? Mai cười, người nhiễm HIV nghèo lắm, có tiền đâu mà mua hoa. Soeur Thiên Ân, Dòng con Đức mẹ Vô nhiễm có gương mặt thanh tú giải thích: “Chúng tôi coi những người nhiễm HIV là bạn, nên có thể chia sẻ cùng nhau những cái đẹp thật bình thường như những bông hoa dại, những chiếc lá trong vườn”. Trong lòng chiếc nón cũ kỹ, một thầy tu trẻ đã cài vào đó những cành sim, những chiếc lá tre, và cả những cánh bèo xanh và đặt cho tác phẩm cái tên “Quê Mẹ”. Theo tác giả, chiếc nón hoen màu ố bạc như chiếc áo người mẹ lam lũ tảo tần khuya sớm vì gia đình, gửi gắm tâm hồn hai tiếng “Quê Mẹ” là để gợi nhắc đến tình yêu thương nhân loại…

Bấy giờ, mưa chợt đổ hồi, ni sư Khánh Tuệ đến từ một ngôi chùa Huế nói về tác phẩm cắm lá của ni sư khiến tôi và nhiều người khác hết sức bất ngờ: “Chúng tôi thấy rằng, vấn đề của nhân loại hiện nay không phải là vấn đề của hạt nhân hay bom nguyên tử mà chính là vấn đề của TRÁI TIM. Trái tim biết nói tiếng yêu thương thì chắc rằng hoa sẽ nở giữa cuộc đời tươi đẹp. Điều duy nhất mà chúng ta làm được là góp phần đẩy lùi những dịch bệnh và chăm sóc yêu thương các bệnh nhân nhiều hơn. Vì vậy thông điệp của tác phẩm chúng tôi là “hãy chia sẻ tình thương để cứu sống nhân loại”. Vấn đề của TRÁI TIM. Điều minh triết lớn lao ấy hiện cả thế giới đang quay lại đi tìm sau một thời gian chối bỏ. Một sự tình cờ thật thú vị, chỉ cách một tuần sau khi ni sư Khánh Tuệ nói điều đó, Hội thảo về “Minh triết Việt trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt” được diễn ra ở ngay tại nơi này. Những giá trị về chữ nhân, chữ tình thêm một lần lại đau đáu con tim...

Còn hôm ấy, khi ni sư Khánh Tuệ nói về vấn đề của TRÁI TIM, mưa như gõ nỗi niềm đồng cảm của mình trên bao la sông nước một miền xứ xở...

*

Đêm đó tôi ngồi với Mai sau lễ cầu chúc trong Đêm chia sẻ ngay bên bờ sông Hương, ngay cái chỗ ngày xưa chúng tôi hay ngồi với anh em công tác xã hội, và xưa nữa, nhà văn Hoàng Phủ và nhạc sĩ họ Trịnh từng có một đêm đối ẩm kỳ lạ. Bao nhiêu là chuyện của tấm lòng, thời cuộc diễn ra nơi đây. Bất chợt Mai thì thào hỏi trong bóng tối: - “Anh có dám cầm tay em không?”. Tôi nhìn Mai và đưa tay ra: “Em đưa tay cho anh đi!”. Năm nào đó, khi mệt nhoài trong cuộc đời và cô đơn khủng khiếp, tôi nói với nhiều người tôi rất thèm có một cú Free Hugs. Nếu được, tôi sẽ ôm Mai bằng một Free Hugs chia sẻ. Mai là một người có HIV, và chặng đời đã đi qua thật bi thảm. Những số phận bi thảm như thế thật đặc biệt. Vấn đề là tôi có dám cầm tay tất cả không? Nhưng đó chưa phải là cách hay nhất, hãy cứ cầm tay họ, nhưng nên đeo găng khi tay mình đã bị xước. Đó là một thứ tình cảm không cuồng vọng chứ không phải là không nhiệt huyết... Tôi bước đến trước Mai, em đứng dậy và tôi nhận ra mình cần lấp đầy khoảng cô đơn trước mặt. Đêm lạnh lắm, nhưng cả tôi và Mai đều biết rằng, chúng tôi đã không bị đóng băng...

Huế 2009 - 2013
H.Đ.T.N
(SDB11/12-13)







 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Ký ức mùa thu (20/12/2013)
Cỏ non xanh... (27/06/2013)