Bút ký - Tản văn
Tản mạn bí bầu
14:21 | 15/01/2014

NGUYỄN ĐẶNG MỪNG

1. Thương chồng
Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí, nấu chè hột sen

Tản mạn bí bầu
Ảnh: internet

Mạ hò ru em, từ nhỏ tôi từng nghe như thế, và tưởng thế là đúng. Cái làng của tôi hình như không trồng được hoa thiên lý nên chỉ có bông bí là ngon nhất chăng. Thương chồng, khi có vợ, ở hoàn cảnh ngặt nghèo, lúc gần 30 tuổi tôi mới thấm kiểu cách thương chồng của nông dân, bắt đầu và cao nhất là từ… cái ăn. Trước đó tôi không nghĩ thế. Tình yêu, tình nghĩa vợ chồng trong những tác phẩm tôi đã đọc, dù nghèo như cô Liên trong Gánh Hàng Hoa, hay như cha mạ tôi thì cũng nên thơ lắm. Vậy mà khi tôi có vợ mới nghiệm ra rằng, thương chồng là… nhịn ăn cho chồng. Tôi nhớ hình ảnh mạ tôi ngồi ăn với các chị dưới bếp, bên chuồng heo, trong lúc tôi và em trai được ngồi cùng bàn với ba ở nhà trên, mâm cơm tươm tất có canh bông bí. Nhưng không thống thiết bằng cách vợ thương tôi.

Năm 1979, nhân ngày 8.3 cửa hàng hợp tác xã “phân” cho mỗi chị em nửa ký thịt trâu. Con trâu già của đội sản xuất nông nghiệp chết đúng ngày vui chị em, có chị thương trâu không ăn thịt. Dù thịt dai nhách, nhưng đối với nông dân thuở đó thì quý lắm. Vợ tôi bèn xào lá lốt, nấu 2 lon gạo mới đầu mùa và ngồi nhìn tôi ăn. Đi trồng khoai về bụng đói, hỏi em ăn chưa. Vợ bảo anh cứ ăn đi, em dành phần cho em rồi. Chút nữa con ngủ em ăn sau cũng được. Vợ bồng thằng cu đầu sáu tháng tuổi nhìn tôi ăn. Cả mấy năm ít khi được ăn cơm không độn, lại có thịt trâu. Tôi “chơi láng” nửa ký thịt và hai lon gạo. Xong. Vợ tôi để con vào nôi tre, và ru, nó đã ngủ. Tôi dọn chén bát hộ vợ. Xuống bếp, tôi giở nồi cơm xem, cơm hết. Cả soong thịt trâu cũng không còn chút nước. Tôi òa khóc như con nít. Và tự an ủi, hay vợ mình thương trâu, không thể ăn thịt trâu!

Nay mỗi lần có thịt bò xào lá lốt tôi lại nhớ chuyện xưa. Không ai nhắc, nhưng với mùi lá lốt thịt bò thì mắt ai cũng rưng rưng. Chiều ni đi tỉa đọt bầu, vì để bầu ra tự nhiên sẽ khó đậu trái. Có người bạn dân Nam bộ tới nhậu, thấy đọt bầu rơi vãi lung tung, bảo sao của quý mà anh lại vứt đi, cái này mà chấm chao thì “hết biết”. Vậy là chúng tôi ra tay, hóa ra đọt bầu ngon không kém bông bí.

Bèn làm “vè” rằng:

Thương bầu như thể thương em
Cái cong tròn trịa em nằm gần tôi
Thương chồng nấu cả khúc nôi

Chén canh bầu bí đất trời trong veo.

2. Bầu ơi...

Mấy tháng ni mình cứ nghĩ đến bầu bí, loại dây leo cho trái xanh nhiều vân mây trời, gắn liền với tuổi thơ. Hồi nhỏ mình hay ngồi nhìn mây, tự bảo nó đến từ đâu, và bay về đâu nhỉ. Chỉ những vân mây trên trái bầu dài còn lại, sáng cho đến chiều, mình ngắm mây ở đó, rồi ve vuốt nó trên thân trái bầu.

Hồi ở Ái Tử, có lần nhìn lên giàn bầu, thấy ai phơi cây song mây nhiều lắm, mình hỏi chú Xương, mây của ai nhiều thế. Chú bảo mây của trời, và mơ màng rít hơi thuốc lào, rồi phả khói trắng như mây, chú Xương ngẫm ngợi rụt rè bảo, “mây của trời”. Mây của trời, mộng của chiêm bao*, một câu thơ ai đó mình quên mất rồi.

Lại nhớ Bầu, giàn bầu.

Vậy là mình đi mua phế liệu về làm cột, dây điện thoại phế thải về làm giàn. Giàn bầu bí vài chục dây lên chen nhau trông mà sướng mắt. Hóa ra cái điều phế thải nhiều khi cũng được việc, nhất là để “sự sinh tồn trẻ tuổi” nó bám vào, như dây bầu vậy.

Buổi sáng mình tập thể dục, nhảy disco một mình bằng nhạc tưởng tượng với bầu với bí, lại cũng một mình, cha cha cha với Sài Gòn đẹp lắm của cố nhạc sĩ Y Vân. Và đôi khi ngắt vài bông bí để trưa luộc chấm nước ruốc... Lại buồn, nghĩ về ca dao, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Hi hi, tụi trẻ chừ không thích ca dao mấy. Gặp tụi sinh viên miền Trung vào quán Rất Huế của mình, hỏi biết câu ni không, rất nhiều đứa không biết. Mà tụi nó hát hay lắm thế, nào yêu nhau buổi sáng buổi chiều ghét nhau, nào là năm anh em trên một chiếc xe tăng. Không biết cái dàn bầu lịch sử con cháu học mấy chục năm lại đây có bám vào mà lớn mà khôn được không, hay là vẫn thế, vẫn ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra.

Quán mình có 4 cây đàn ghita, tối nào mình, dù lên lầu, bên máy tính, đọc sách báo vẫn văng vẳng xa gần tiếng hát của con cháu miền Trung. Nhiều khi bực mình chạy xuống… tham gia, hỏi tụi nó biết bà Huyền Trân không, bà Ngọc Hân không, biết Ai Tư Vãn, Nam Ai Nam Bình, Tứ Đại Cảnh không. Tụi nó chẳng đứa nào biết, còn bảo rằng biết chi thêm cực, chú. Biết lương tháng bao nhiêu, biết đứa nào làm giàu nhanh, còn khoe cả quan hệ dây mơ rể má lên tới… trung ương. Nghĩ mà lo cho con cháu, đầu óc tụi nó đã bị khuyên lại, nhỏ như lổ đồng xu, hoang tưởng như đồng bóng.

Cả hơn tuần nay không ngủ được, mình cứ trông trời sáng để ra thăm bầu. Đất phương Nam thật tuyệt, mùa nào bầu cũng xanh tốt. Loài cây thật kỳ lạ, lên nhanh trông thấy. Đầu hôm mình để ý một râu bầu nào đó vươn vòi như với tới nơi cần nương nhờ, sáng ra đã thấy nó làm xong phận sự neo vào giàn rồi, nó quấn vòi vào rồi tự co lại như lò xo giảm sốc, để gió không thể làm gãy thân dây. Hàng trăm “giây neo” mềm mại cứ thế định vị cho dây bầu trải ra đều trên giàn. Có thể các nhà vật lý xưa cũng bắt chước râu bầu để làm nên “sự giảm sốc”, như cha ông mình thường bảo, dây mềm cột chặt, già néo đứt dây.

Nhớ hồi nhỏ đi học trông mau về nhà để trông giàn bầu dài mạ trồng trước sân. Trái bầu đầu tiên dài và lạ lắm. Thời đó quê mình chỉ trồng bầu Hồ Lô, loại bầu dài hình như mới nhập vào Việt Nam những năm đầu thập kỷ 60. Trái bầu màu xanh có những đốm hoa văn như mây trời, dài gần một thước.

Một hôm mình rủ mấy đứa bạn về nhà để xem bầu dài. Tụi mình vừa đi vừa chạy vừa kể về bầu. Đến nhà mình thấy trái bầu bị ai cắt đi một nửa, nửa còn lại treo lủng lẳng trên giàn, nước ứa ra như khóc. Mình bỏ bạn bè chạy vào nhà nằm trùm mền khóc tức tưởi. Các bạn về hết, chỉ còn mình và nửa trái bầu đang khóc. Ba về hỏi răng con khóc, mình bập bệu chỉ nửa trái bầu bị cắt ứa nước. Ba chăm nhìn mình, mắt ông cũng đượm buồn rồi nói: “Con trai mà mau nước mắt. Và nhìn đi chỗ khác”. Có lẽ, với thằng con trai mẫn cảm là mình, ba linh cảm rằng sau này đời mình sẽ khổ. Cuối đời tưởng yên phận, lại nhảy vào chốn văn chương, nơi “Lập thân tối hạ…”.

Năm lớp chín nhà mình ra thị xã, mình nhớ bầu lại trồng giàn bầu hồ lô để nhớ làng xưa. Có người bạn gái cùng lớp đạp xe theo mình về thăm bầu. Bạn ấy xin mình trái bầu hồ lô bằng trái bóng tròn để trước giỏ xe đạp về. Khoảng một tiếng sau bạn ấy quay trở lại, mồ hôi ướt lưng áo dài trắng, mắt đỏ hoe khóc thút thít. Trước giỏ xe đạp vẫn còn trái bầu. Mình hỏi răng khóc, bạn ấy trả lời: Mạ đánh. Lại hỏi răng đánh, bạn ấy khóc lớn hơn bảo: “Mạ nói con gái vô duyên, tới nhà con trai mà xin bầu”.

Từ đó đến nay mình không bao giờ tặng “bầu” cho phụ nữ, ngoài vợ mình.

3. Thiếu nữ Hồ Lô

Thắc mắc chuyện gì tôi cũng vào google, search tìm kết quả.

Sáng nay ngắm hoa bầu nở, loại bầu Nậm, người sắc tộc Tây Nguyên gọi là Hồ Lô. Khác với bông bí màu vàng, bông bầu dài màu trắng và nhỏ. Bông bầu Nậm cũng màu trắng nhưng lớn hơn, trắng tinh khiết và duyên dáng không kém gì các loài hoa đỏng đảnh, trang đài. Hoa đực lớn gấp đôi hoa cái nhưng “vô tích sự”, nó xấu hổ vì sau khi làm công việc thụ phấn qua ong bướm, rồi chết yểu. Hoa cái nhỏ hơn, bông nào đậu trái thì sẽ cho ra những “thiếu nữ Hồ Lô” có 3 vòng hấp dẫn. Bầu Nậm mang dáng dấp phương Đông ở ba vòng. Nếu để ý bạn sẽ thấy phụ nữ phương Tây, qua các cuộc thi nhan sắc, vòng một thường lớn hơn vòng 3, phương đông thì ngược lại, như bầu Nậm.

Quê tôi thời đó chỉ gọi là bầu, thập niên 1950 chưa có các loại bầu dài. Trái bầu quê tôi thời đó cũng là loại bầu nậm, nó to như trái bóng tròn, vòng ba lớn hơn nhiều lần vòng một. Có lẽ do ăn thiếu dinh dưỡng nên vòng một thường khiêm nhường, làm việc gánh gồng nhiều nên vòng ba phải lớn, nơi mọi sức nặng của đời đàn bà dồn vào đó, và quan trọng nhất là nơi đủ sức mang bầu, làm phận sự nối dõi tông đường cho gia nương bên chồng. Phụ nữ thời đó, sau ba năm mà không sinh đẻ được là bị “để” về, hay nói trắng ra là đuổi về. Vì tôi cưới cô về để mang bầu và đẻ. Cô không làm được thì xin mời…

Lại search google, không thấy thông tin gì nhiều như tôi tưởng, chỉ có một dòng, không nói lên điều chi cả: Bầu nậm/ Bầu hồ lô/ Bottle Gourd/ Birdhouse gourd/ Ornamental gourd. Chỉ có hình mình họa là đáng… ngắm. Trái bầu láng cóong như… da người đẹp, và eo tròn như không thể tròn, nhỏ hơn chút nào nữa.

Có lần tôi giải thích với đám nữ sinh viên, (thường là sinh viên tổng hợp văn, hoặc trường du lịch, muốn hỏi Chú Mừng về phong hóa nông thôn Việt xưa), rằng, không phải bầu có eo là tự nó làm ra eo. Cũng như con gái, lúc mười tuổi thẳng đuột như trái bầu… con nít. Đến tuổi dậy thì, vòng một và ba phát triển, eo theo đó... thành eo.

Mấy cháu miền Trung, giọng trọ trẹ lại cắc cớ thắc mắc, vậy thì vòng hai có trước rồi đến các vòng khác hở chú. Ừ, cái rốn có trước, là trung tâm của… các vòng còn lại, kể cả vòng... cái đầu là vòng 1’.

Vậy chú có bài thơ nào “vịnh” về cái eo không chú. Haiz, cái eo có ai làm thơ không nhỉ. Trời xui thế nào tôi lại nhớ mấy câu của mình, về cái eo:

Chỗ eo em cột quê mình lại
Ngọc Vạn phương Nam - bảo xứ Tần
Đất bạc sự đời trôi ra biển
Hoàng Sa ngoảnh lại mắt Huyền Trân.

Đám Nam Kỳ la lên, vòng ba mới là quan trọng, nó là nơi, là cơ sở kỳ diệu để phát triển giống nòi, vậy thì vòng ba là number one.

Bắc kỳ cũng không chịu thua, rằng vậy thì sau khi sinh nở, nếu không có vòng một lấy chi mà em bé lớn lên. Vòng một còn là nơi có trái tim, trung tâm của sự sống.

Đến nước này thì tôi phải ra câu đố để đánh lạc hướng, cũng về “bầu” thôi. Câu đố bằng thơ, rằng:

Em bầu nậm anh bầu dài
Tròn dài quấn quýt...


Quý bạn làm thơ tiếp đi. Có bạn bảo rằng, tròn dài quấn quýt lai rai hép pỳ (happy). Có bạn lại bảo, tròn dài quấn quýt… sức dai, ngại gì. Đám đông nhao lên, ăn cắp thơ Tố Hữu.

Và nhờ tôi làm trọng tài, tôi đem “thơ” Nguyễn Trọng Tạo ra phân xử, “Tròn dài quấn quýt… sây thai có ngày”. Tụi nhỏ la lên, rằng chú Tạo với chú Mừng ăn gian.

Hì, ăn gian một cách rất chân thành cũng là… happy vậy mà.

N.Đ.M
(SDB11/12-13)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tùy bút cho H (13/01/2014)
Mẫu đơn (10/01/2014)
Đêm chia sẻ (31/12/2013)
Ký ức mùa thu (20/12/2013)