Bút ký - Tản văn
Ngọc Túy Vân
08:28 | 05/03/2014

CAO HUY THUẦN
              Tùy bút

Con chim én bay về phía mùa xuân, bay suốt ngày, tối đến dừng cánh nghỉ dưới một mái rơm, giữa đồng hoang.

Ngọc Túy Vân
Ảnh: internet

Nó ríu mắt, toan ngủ, bỗng thấy một con vật gì xấu xí lần mò đến bên cạnh. Én sợ, vỗ cánh bay, nhưng con vật kia đã giữ chân nó lại, ôn tồn nhỏ nhẹ, dỗ dành:

- Đừng sợ, cô bé, ta đợi cô bé đã ba đêm rồi. Ta là cú đây, dáng ta xấu xí, nhưng lòng ta không xấu. Cô bé chịu khó ở với ta chốc lát thôi, nghe ta kể câu chuyện thần tiên này, rồi sau đó ta sẽ để cô bé ngủ yên.

Én vẫn chưa hết sợ khi nhìn bộ mặt quái dị kia, nhưng giọng nói chân thành, cảm động của cú làm nó vững tâm hơn. Cú bắt đầu kể:

Trong một tiền kiếp xa xăm, ta là một công chúa dung nhan diễm lệ, trong như ngọc, sáng như trăng. Giữa tuổi mười tám, một hôm đang hái hoa trong vườn, cô gái bị gai chích vào tay, máu hồng thấm mấy giọt vào tà áo trắng tinh. Cô gái nằm xuống cỏ nhắm mắt ngủ một giấc ngàn thu, tà áo trắng hóa thành cánh hạc bay thẳng lên mây, mấy giọt máu đào biến thành đôi chân hồng thắm. Ta xưa kia như thế đấy. Sau đó, không biết ta đã phạm lỗi lầm gì, mà từ chốn thần tiên mây bay hạc duỗi, ta bị đày đọa xuống làm thân cú xấu xa từ kiếp này qua kiếp khác, không bao giờ được thấy mặt trời.

Từ lúc vừa biết bay, ta đã làm nhà trên nóc một ngôi chùa bỏ trống giữa vùng đồi núi hoang vu. Cảnh đã thê lương lại càng thê lương hơn mỗi khi ta cất tiếng kêu giữa đêm khuya để báo hiệu một sinh vật vừa lìa trần. Nhưng một đêm kia, một sư cụ đâu từ phương xa thắp đuốc bước vào chùa, gối đầu lên tay nải ngủ, rồi ở luôn đấy. Bắt đầu từ đó, ta nghe kinh kệ, thấm mùi hương trầm, nhìn ông sư già ngủ an lành trên thềm rêu, rồi ta bỗng thấy trong lòng đổi khác, đêm đêm ta không còn muốn cất tiếng kêu hãi hùng nữa. Cứ như thế, ta sống ba năm trên nóc chùa cổ, cho đến ngày ông sư già tịch, ngôi chùa lại bỏ hoang, đồi núi hoang vu không còn vọng tiếng chuông sớm tối. Mấy hôm sau khi ông sư già chết, ta nhớ tiếng kinh tiếng kệ quá, đánh bạo bay xuống đậu trên chiếc mõ. Ta đậu như thế cho đến canh ba, bỗng ta có cảm tưởng như ta bắt đầu hóa kiếp. Ta không rời khỏi chiếc mõ trong ba hôm liền. Đêm cuối cùng, ta thấy một quang cảnh đẹp như chưa bao giờ ta thấy, và ta biết đó là quê hương xứ sở thần tiên trong tiền kiếp của ta. Ta thấy trên một đỉnh núi cao ngất, cao đến nỗi không biết đâu là đỉnh núi, đâu là mây trời, một hồ nước nhỏ trong suốt, không gợn một hạt bụi, không phớt một bóng mây, một hồ nước sáng long lanh trên một vũng đá xanh, cạnh một khóm trúc vàng. Ngay cả đến mây cũng không dám quấy rối vẻ thanh tịnh tinh khiết của hồ nước, gió có lướt ngang qua, cũng chỉ dám đi nhè nhẹ. Duy chỉ một con hạc trắng thỉnh thoảng từ trong mây nhẹ nhàng đáp xuống, nhúng mỏ trong hồ uống một giọt nước, rồi ung dung vỗ cánh bay vào lại trong mây.

Ta thấy được cả lai lịch của hồ nước thần tiên đó. Cách đây ba trăm năm, một vị thiện nhân, sau khi cứu nhân độ thế suốt cả một đời, đã chọn đỉnh núi này làm nơi nhắm mắt. Người bước lên núi cao, thong dong như đi giữa đường bằng, gậy trúc chống vào mây, phút chốc đã lên đến đỉnh. Mặt trời đã dọn sẵn một chỗ nằm ấm trên một phiến đá bằng. Người cắm gậy trúc vào đá, nằm xuống bên cạnh, ngủ một giấc bình an. Hôm sau, thân xác người tan biến mất, chỉ còn lại một vũng nước trong suốt, đọng lại trên đá thành hồ. Chiếc gậy trúc hút nước, nở lá xanh trên những cành vàng óng.

Ta nghe như có tiếng nói vào tai ta rằng kẻ nào uống một giọt nước nơi hồ kia sẽ sống nhẹ nhàng, thanh thoát như con hạc trắng trong mây. Rồi ta bỗng nghĩ rằng nếu ta được rửa mắt trong nước hồ kia, mắt ta sẽ thấy lại ánh sáng mặt trời, ta sẽ chấm dứt nghiệp cũ, trở về với chốn thần tiên. Từ đó, ta quyết chí tìm đến cho kỳ được hồ nước thần tiên, dù ta biết rằng với đôi cánh của ta, không bao giờ ta có thể bay lên đỉnh núi cao ngất kia.

Ta từ giã chiếc mõ ngay đêm ấy, tìm hướng núi mà bay. Ta bay đã trên một ngàn đêm rồi, nhưng đường xa vạn dặm, sức ta đã kiệt, đôi cánh bệnh hoạn như muốn rời khỏi tấm thân già. Ta nằm đợi chết ở đây đã ba đêm rồi, nhưng niềm tin kỳ lạ vẫn không rời khỏi ta, ta tin rằng mắt ta sẽ được rửa trong hồ nước kia trước khi ta chết. Từ ba hôm nay, ta nghe mùa đông xa dần, mùa xuân đang đến. Ta nghĩ đến những con chim én vượt hàng vạn dặm đường từ những vùng băng tuyết bay đến những nơi vừa hé nắng mùa xuân, rồi bỗng một ý nghĩ nóng hổi vụt đến với ta khiến ta tràn trề hy vọng. Ta thành tâm cầu nguyện rằng một trong hàng vạn con én giang hồ kia sẽ ngừng cánh ở đây, nơi mái rơm lẻ loi này trước khi ta hấp hối, để ta gởi gắm chí nguyện của ta. Ta đã nuôi chí nguyện đó suốt đời, từ khi mới lớn cho đến lúc chết, lẽ nào chí nguyện đó không thành? Quả nhiên cô bé đã đến đây, lòng thành của ta và hơi ấm mùa xuân đã mang cô bé đến đây với ta trong đêm ta lìa đời. Ta sắp nhờ cô bé một chuyện, chắc cô bé không nỡ chối từ.

Giọng con cú yếu dần như sắp tắt. Nó xích lại gần hơn nữa bên cạnh én, hơi thở thoi thóp. Trên trời, sao nhấp nhánh.

Ta sắp nhờ cô bé một chuyện vĩ đại, khó ai nghĩ ra. Trong hai con mắt của ta, một con đã hỏng cách đây khá lâu, sau một đêm bay không nghỉ. Con mắt kia bỗng tinh hơn trước, khiến ta có cảm tưởng ta thấy đường rõ hơn với một mắt hơn là với hai. Từ ba hôm nay, ta nghe ta chết dần dần, chết trong từng phút từng giây, chết từ đôi cánh đến đôi chân, đến ngực, đến bụng... Tất cả sự sống còn lại, ta dồn lên mắt này, ta muốn mắt này sẽ chết cuối cùng sau khi toàn thân đã chết, và sẽ còn sống tiếp một thời gian sau khi thân xác ta tiêu tan. Ta muốn nhờ cô bé mang mắt này, con mắt đã thấy được tiền kiếp trên chiếc mõ khai quang, bay lên đỉnh núi cao ngất kia, nhúng trong hồ nước thần tiên: mắt này nhúng trong nước kia sẽ sáng như ngọc minh châu, sẽ lấp lánh mây trời nơi ta từng sống.

Con cú già nói ngang đó thì tắt thở.

Chim én mổ vào mắt cú, ngậm chiếc mắt tròn trong miệng, bay ngay vào đêm hôm đó. Én bay bay mãi, bay suốt ba ngày ba đêm không nghỉ, bay cho đến khi thấy núi hiện ra sừng sững. Nó bay lên đỉnh, bay rã cánh, vẫn không thấy đâu là đỉnh, đâu là mây trời. Con én kiệt sức, hơi lạnh trên cao áp vào ngực làm nó không thở được nữa. Trong phút chốc, nó biết nó sắp chết, chết với con mắt đang ngậm trong miệng, chết mà sứ mạng không thành. Nó dẫy dụa đôi cánh, cố nhìn lên núi vẫn cao ngất, không biết đâu là đỉnh, đâu là trời xanh. Nó chết đã đành phận nó, nhưng mắt kia biết để vào đâu? Bỗng một ý nghĩ vụt nhanh qua đầu nó: hồ nước thần tiên kia chẳng có gì khác hơn là trái tim của vị thiện nhân; ta không nhúng mắt này vào tim kia được thì ta sẽ nhúng nó vào tim ta. Con én nuốt mắt vào lòng, hai cánh lẩy bẩy không mở ra được nữa, nó rơi từ trên mây cao chót vót xuống mặt đất thăm thẳm sâu.

Gió đưa xác con én lạc vào một làng nhỏ không xa chân núi, ba trăm năm trước đây, trước khi chết, vị thiện nhân đã ở tại làng này, khi đây còn là nơi trú ẩn của bọn côn đồ giết người không gớm tay. Từ đó, làng trở lại lương thiện, dân làng cày cấy, dệt vải, sống cuộc đời an lành, no ấm. Duy chỉ có một người đúc kiếm nhất định không bỏ nếp sống cũ, không đổi tính. Nhưng, lạ thật, cũng chỉ một mình người đúc kiếm này thấy vị thiện nhân chống gậy trúc đi lên núi cao thong dong như đi giữa đường bằng. Anh ta chợt tỉnh ngộ, bỏ nghề đúc kiếm, để tâm suốt năm trời đúc tượng ông già, vai còng dưới khổ đau của thế gian, tay ngửa ra như để đón nhận mọi đau khổ.

Gió đưa xác con én lạc vào làng, nơi đúng vào lòng bàn tay của bức tượng, ít hôm sau, xác con én tan rữa, một em bé tình cờ cho trâu ăn cỏ gần đấy thấy trong lòng bàn tay bức tượng một viên ngọc, một viên ngọc long lanh phản chiếu mây trời.

***

Giờ thăm bệnh đã hết từ lâu khi cụ Nguyễn kể cho tôi nghe xong câu chuyện hạt ngọc. Tôi biết tôi đến thăm cụ lần này là lần cuối. Vài ngày nữa, chắc tôi sẽ nhận được tin cụ qua đời. Tôi tần ngần đứng dậy, toan cáo biệt, thì cụ cầm áo tôi, bảo ngồi lại thêm lát nữa. Tôi đi không đành, im lặng nhìn cụ. Chậm rãi, cụ hỏi tôi:

- Ông có biết chùa Túy Vân ở Huế không? Hình như xây đâu từ hồi Minh Mạng. Chót vót trên cao, ba mặt lồng lộng trông ra biển. Túy Vân, cái tên nghe hay quá, ông nhỉ. Mây biếc, hay là uống gió nhiều thì say. Huế mà không có mây thì Huế không còn là Huế. Cho nên chân vừa bước đến Huế thì mắt đã gặp mây ở Hải Vân. Lúc trẻ, có hôm tôi leo lên mái chùa Túy Vân, ngồi xổm trên nóc, nhìn mây bay. Mây bay như say thật, ông ạ, mây Phú Xuân bay trên kinh thành Huế... Quê hương tôi đó ông. Xứ sở thần tiên trong tiền kiếp diễm lệ của tôi đó ông. Hai con rồng tranh nhau viên ngọc trên nóc Túy Vân, bây giờ có còn không ông nhỉ? Ngọc sáng như mắt nhìn bốn bể bát ngát trời mây, nhìn non, nhìn nước, nhìn ba trăm năm về trước, nhìn ba trăm năm về sau, nhìn suối tiên chảy ra từ một trái tim hiền. Biết nhờ ai, ông nhỉ, biết nhờ ai mang mắt này gắn lên thượng đỉnh của nóc chùa Túy Vân?

C.H.T
(SH29/02-88)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Men mưa Huế (17/01/2014)
Tùy bút cho H (13/01/2014)
Mẫu đơn (10/01/2014)
Đêm chia sẻ (31/12/2013)
Ký ức mùa thu (20/12/2013)