Bút ký - Tản văn
Trăn trở mãi với Hương Giang
14:34 | 18/02/2009
HỒ NGỌC PHÚTôi về lại Huế sau trận lụt tuy muộn nhưng khá lớn vào gần cuối tháng 12 năm 2004. Ngồi ở quán cà phê Sơn bên bờ chân cầu Trường Tiền, nhìn sông Hương vào lúc sáng sớm sao thấy khang khác, trong có vẻ như sáng hơn ngày thường.

Như đoán được sự băn khoăn của tôi, nhà văn Tô Nhuận Vĩ, nhà báo Minh Tự và một số anh bạn người Huế đang ngồi uống cà phê, gần như cùng nói “đó là món nợ của anh đối với sông Hương đấy”. Nói vậy, vì hầu hết trí thức Huế đều biết tôi đã là giám đốc Sở Thuỷ Lợi, giám đốc Ban Quản lý Dự án sông Hương hàng chục năm, lại là một nhà khoa học đã tham gia nhiều đề tài, chương trình nghiên cứu về sông Hương, đặc biệt từ sau trận lụt lịch sử cuối năm 1999, nhà báo Thanh Tùng đã viết về tôi “Người còn mắc nợ sông Hương” đăng trên tạp chí Sông Hương tháng 9/2004.
Các anh cho biết trận lụt vừa qua rất khác những trận lụt trước đây, lượng bùn từ thượng nguồn mang về rất nhiều và sau khi nước rút toàn bộ cỏ ở 2 bên bờ sông Hương đều chết, bờ sông không còn màu xanh mà trở thành màu trắng. Vì vậy, tuy trời chưa sáng hẳn, nhưng nhìn sông Hương có vẻ sáng hơn.

Hai năm trước, sau một trận mưa nước sông Hương trở nên đục ngầu và không xanh trở lại như trước đây. Tôi đã nói đây là sông Đà hoặc sông Hồng giữa lòng thành phố Huế. Dạo đó, dân Huế ở cố đô, ở Hà Nội, Sài Gòn, thậm chí ở cả nước ngày tới tấp nhắn tin, gởi điện hỏi lý do của hiện tượng đó. Là nhà khoa học thuỷ lợi, tôi đã trả lời trên báo, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Trung ương, Đài Huế v.v..., đó là do thi công đường Hồ Chí Minh ở phía tây thành phố Huế, đầu nguồn nhánh Hữu Trạch thuộc hệ thống sông Hương. Toàn bộ hơn 10 triệu m3 đất đá do san mặt bằng tuyến đường, bạt ta luy mái... đổ rải rác dọc tuyến đường, khi gặp mưa đều trôi dần về sông Hương, làm cho sông Hương biến thành sông Đà là như vậy. Hiện tượng này phải nhiều năm mới giảm dần được.

Nay ngoài lượng đất đá làm đường Hồ Chí Minh, cộng thêm lượng đất đá do san ủi mặt bằng, làm đường chuẩn bị thi công, xây dựng công trình phụ trợ của nhà máy Thuỷ điện Bình Điền trên nhánh Hữu Trạch, cách thành phố Huế chỉ 23 km, đó là nguyên nhân lượng bùn cát rất lớn do lụt mang về, làm cho cây cỏ dưới mực nước lụt bị chết sau khi nước rút. Thực ra hiện tượng này không gây tác hại lớn, vì vài tháng sau chắc cỏ sẽ mọc lại, chỉ dòng nước vẫn còn đục. Chắc phải vài năm sau khi xây dựng xong hồ nước Bình Điền trên sông Hữu Trạch với dung tích gần 500 triệu m3 nước, thì dòng chảy sông Hương mới trong xanh trở lại.
Nhưng chính việc chuẩn bị xây dựng 2 hồ chứa nước lớn Tả Trạch và Hữu Trạch ở thượng nguồn dòng chính sông Hương làm cho tôi nửa mừng, nửa lo lắng, trăn trở mãi.

Với dung tích của 2 hồ chứa gần 1 tỷ m3 nước, khống chế lưu vực gần 1400 km2, là giải pháp chống lũ rất cơ bản cho hạ lưu sông Hương, nơi đã chịu những tổn thất nặng nề hàng năm về người và của, đặc biệt trận lụt lịch sử cuối năm 1999 như mọi người đã biết. Theo nhiệm vụ thiết kế thì dung tích chống lũ của Tả Trạch gần 400 triệu m3 cộng với dung tích chống lũ của hồ Bình Điền = 70 triệu m3 (tuy tổng dung tích của hồ Bình Điền gần 500 triệu m3, nhưng nhiệm vụ chủ yếu là phát điện, nên chỉ để dành = 70 triệu m3 dung tích để cắt lũ bổ trợ cho hồ Tả Trạch), có khả năng cắt những trận lũ tần suất 5 ~ 10% (mười năm đến hai mươi năm gặp một lần) làm giảm độ sâu ngập của Huế được 1,5 ~ 1,7m. Một con số đầy ý nghĩa cho công tác chống lụt cho sông Hương. Ngoài nhiệm vụ chống lụt là chủ yếu, còn khai thác hàng năm được gần 300 triệu kwh điện năng, cấp nước tưới gần 30.000 ha lúa, cấp = 3m3/s nước cho dân sinh, công nghiệp, 31m3/s nước cho xử lý môi trường (chủ yếu là đẩy mặn). Mặt lợi thì đã quá rõ. Nhưng điều băn khoăn, trăn trở của tôi là việc nghiên cứu diễn biến môi trường, đặc biệt là môi trường tự nhiên của dòng sông Hương sau khi xây dựng 2 hồ chứa nước trên chưa giải đáp những khả năng tiêu cực có thể xẩy ra.

Hồ chứa nước Tả Trạch với dung tích = 500 triệu m3 nước, đập cao = 56m, cách Huế 35 km, hiện đang được JBIC Nhật Bản giúp đỡ, nghiên cứu bổ sung dự án khả thi mà phía nước ta đã phê duyệt. Hàng chục chuyên gia của nhiều nước đã tập trung nghiên cứu gần 2 năm trên tất cả các lĩnh vực: phương án chống lũ, địa chất vùng tuyến, môi trường tự nhiên và xã hội, nhất là đánh giá tác động môi trường của dự án theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Đến nay việc nghiên cứu vẫn đang tiếp tục, vẫn chưa có kết luận định lượng về tình hình diễn biến hạ du sau khi có công trình Tả Trạch. Tôi, trong những buổi làm việc với các chuyên gia Nhật về dự án Tả Trạch có hỏi vấn đề này, các chuyên gia cho biết những tính toán đó sẽ được đề cập trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật. Câu hỏi về diễn biến hạ du của sông Hương vẫn luôn hiện lên trong đầu tôi.
Với nhà máy thuỷ điện Bình Điền (ở Hữu Trạch) tôi lo lắng thực sự. Với dung tích hồ chứa xấp xỉ 500 triệu m3 ở cách lăng Minh Mạng 6km, cách thành phố Huế 23km, đập cao gần 90m, ngưỡng tràn ở cốt + 73m, cộng lớp nước tràn gần 10m, lưu lượng tràn lúc lớn nhất đạt 6 ~ 7 ngàn m3/s thì điều gì có thể xẩy ra.
Chưa đề cập tính ổn định của đập cao ở sát thành phố mà các nhà thiết kế phải bảo đảm an toàn tuyệt đối bằng các biện pháp công trình kể cả tràn sự cố. Ở đây tôi chỉ đề cập những vấn đề kỹ thuật có thể xẩy ra khi nhà máy thuỷ điện vận hành bình thường.

Với lưu lượng nước tràn qua đập 6~ 7000m3/s tràn ở cao độ 73 ~ 80m, với năng lượng cực lớn đó thì diễn biến của dòng sông Hương ở hạ lưu sẽ như thế nào: dòng sông bị xói sâu mấy mét, hiện tượng xói kéo dài đến đâu? Hiện tượng xói ngang sẽ diễn ra thế nào, đoạn nào lở, lở bao nhiêu, đoạn nào bồi, bồi bao nhiêu; nhà cửa, vườn xây, công trình công cộng, các di tích ven bờ sông Hương sẽ ảnh hưởng thế nào, chúng ta phải có giải pháp gì để khắc phục những hệ quả xấu có thể xẩy ra v.v.. Đặc biệt đối với hồ chứa có nhiệm vụ phát điện là chủ yếu thì tình huống diễn biến hạ du càng phải được quan tâm, vì sự thay đổi hàm lượng bùn cát trong nước trước và sau hồ chứa lớn, phát điện theo sự thay đổi của phụ tải ngày làm cho mực nước hạ du thay đổi rất nhiều trong một ngày... tất cả những yếu tố đó làm tăng khả năng sạt lở, bồi xóái hạ lưu dòng sông. Nhà máy thuỷ điện Bình Điền đã và đang xây dựng, khối lượng thực hiện đã hơn 50 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2006 nhà máy đi vào vận hành, nhưng những vấn đề trên chưa có câu trả lời rõ ràng. Vấn đề kỹ thuật này, nhà tư vấn phải tính toán và phải làm thí nghiệm mô hình vật lý để cho những trả lời tương đối chính xác, nhất là với sông Hương, một mảng cực kỳ quan trọng trong quần thể di sản văn hoá nhân loại của Huế.

Nói đến sông Hương là nói đến một dòng sông đẹp, thơ mộng, là nói đến cảnh quan Huế. Khai thác tổng hợp tài nguyên nước của dòng sông Hương để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế là điều cực kỳ quan trọng. Dùng biện pháp hồ chứa để giảm lũ cho đồng bằng và thành phố Huế là một biện pháp bắt buộc và cấp bách. Nhưng giữ cho dòng sông Hương vẫn đẹp, trong xanh, hiền hoà như thuở nào vẫn là nguyện vọng tha thiết của người Huế và bạn bè yêu Huế. Vì vậy, trong các dự án lớn khai thác, chỉnh trị sông Hương phải xem xét kỹ mặt diễn biến môi trường và có biện pháp khắc phục.
Đây là một vấn đề chuyên sâu, khó, nhưng là bắt buộc trong công tác tư vấn. Tôi đã có văn bản gởi đến nhiều đồng chí lãnh đạo cấp trên, một số ngành liên quan đề nghị quan tâm vấn đề này, nhưng đến nay công trình vẫn đẩy nhanh tiến độ thi công, những giải đáp về những vấn đề kỹ thuật trên vẫn chưa thấy.

Là một cán bộ khoa học kỹ thuật, hơn nữa là một người con của quê hương, tôi vô cùng vui mừng, hạnh phúc khi nghe tin trên quê hương mọc lên nhiều công trình mới, nhưng cũng mạnh dạn nêu lên những trăn trở, suy nghĩ của mình để các đồng chí lãnh đạo các cấp, đơn vị tư vấn, nghiên cứu, bổ sung, tránh những sai sót có thể gây hậu quả tiêu cực, khó sửa sau này.
H.N.P

(nguồn: TCSH số 193 - 03 - 2005)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hoa bên trời (11/02/2009)
Bên sông Bồ (19/01/2009)