Bút ký - Tản văn
Hương lúa
15:08 | 27/01/2015

LÊ THỊ MÂY
         Bút ký

O tôi đã gần tám mươi tuổi. Thuở con gái o đã từ chối đôi ba đám trai làng đội cau trầu đến ngõ dạm hỏi. Ở vậy không chồng con, o sớm tối vào ra một mình, cửa nhà heo hút.

Hương lúa
Ảnh: internet

Năm chưa đóng tuyến, o từ An Mô ra Quảng Bình thăm gia đình tôi. Không ngờ, đó lại là lần cuối cùng, gia đình o cháu tôi chịu cảnh bi thương, chia lìa đất nước. Bấy giờ, tôi còn chưa cắp sách đi học. Khi đang đun lá dương nấu cơm chiều o tôi thốt lên:

- Lá dương đượm lửa. Nhưng o nhớ mùi khói rơm.

- Cháu sợ khói lắm. Mùi khói rơm thế nào o?

Tôi không nhớ o đã giảng giải như thế nào cho tôi hiểu được mùi khói rơm, nhưng kể từ đấy, trong hồn tôi có một nỗi khát thèm ngửi cái mùi khói đồng nội quê cha. Kỳ chiến sự bảy hai, làng tôi người thất thần lộn nhèo vào Đà Nẵng, Huế; người bồng địu cháu con trào ra Vĩnh Linh, Quảng Bình. Lúa ngoài đồng chín rủ. Ao, hói, đồng năn lác vịt bầy đẻ trứng trắng sờ chẳng người lượm xúc. Thiên nhiên như người thiếu phụ với đôi vú trần truồng căng nhức sữa không con trẻ day bú, trừng mắt nhìn chết chóc vô hồn. Riêng o tôi bị bệnh, hai chân phù thủng, lở loét, thối sì, đã có dòi. Tình cảnh ấy, chỉ một phương nằm chột trong hầm, chờ những quả bom như định mệnh bạo tàn đánh đáo, kết liễu số phận tội nghiệp của o. O kể. Hình như vào đêm tháng bảy mưa ngâu, làng tôi vẫn không ngớt bị dồi xé trong tiếng bom. Căn hầm o nằm run nẩy lên như thân trẻ tàn tật, ngã cơn động kinh. Từ trên miệng hầm đột ngột luồn xuống mấy bóng đen. Mắt dại mờ đi vì bệnh, vì đói và vì nằm hầm chẳng còn biết đâu là ngày, đêm, làm sao o có thể nhận ra những chiếc mũ tai bèo nát ướt, khét mùi chiến trận. O tôi kinh hãi lẩm bẩm lạy trời phật phù hộ, gượng dồn sức tàn, lùi sâu vào góc gầm hầm tối thẳm. Tiếng o đục khàn và yếu ớt, nhưng cương quyết từ chối sự giúp đỡ, đưa o ra khỏi nanh vuốt của thần chết, thần chiến tranh. Rồi một cơn đau đột biến của chứng bệnh người già chụp xuống, thêm nữa, vì đói vì khát, o tôi luội đi ngất lịm. Chừng như thể ý nguyện o tôi muốn chết, thà được chết nơi đất ruộng còn phập phồng dấu chân ông bà đã ngàn thuở cấy cày gặt hái...

Nhưng o đã được bộ đội cứu sống, cáng vượt ra khỏi vùng chiến sự, đuổi kịp dòng người bi thiết, trắng rợ khăn tang trên đầu con trẻ, sơ tán ra Vĩnh Linh, Quảng Bình. Nhiều năm sau hễ có dịp nhắc nhở, nhớ lại đận chạy giặc bảy hai, o thường chép miệng trách trời cao cố tình che mắt không cho biết gốc tích những vị ân nhân, để o tôi còn đội ân nghĩa đặng đền đáp.

Mang nặng ơn huệ với cách mạng, cho nên ngay từ buổi đầu làng tôi có phong trào xây dựng hợp tác, o lập tức hồ hởi dễ dàng chấp nhận. Lại có phần hăng hái hơn người là khác. Hơn hai phần đời người cam khó làm ăn một mình, vào ra một bóng, giờ hồi hộp chờ nghe tiếng kiểng đội sản xuất gọi họp hành, đồng áng, o tôi sướng lắm. Sướng như được đổi đời, trở lại làm con trẻ; lúc nào cũng được túm tụm với láng giềng như thể bầy con gái chờ liếc trai trên phố huyện. Tiếc thay, lúc ấy làm sao o lường hiểu hết những sinh hoạt kia khi đã trở thành thói quen trì trệ, máy móc nó đã phá hủy lề tục cổ xưa như một đám cháy khó bề dập nổi. Nhưng tất cả, có thể chưa xẩy ra. Bấy giờ o bị tiếng kẻng đội làm cho si cuồng, ham hố phấn đấu từng công điểm, nhưng gân cốt o tôi còn được mấy hột?

Lần nào có dịp về thăm, o tôi cấm có ngồi đâu được nóng chỗ. Hình như o sợ, một ngày không được kiểng đội gióng gọi đi làm, o sẽ rơi vào cảnh khốn khó cô đơn. Tuy thế, bất kể dù đã khuya, khi vừa đặt lưng xuống, o đã vội dốc bầu tâm sự. Khoe ngày công, kheo thửa mạ o chăm bẫm. Khoe bức vườn vừa trỉa đậu, tra bắp. Giọng trò chuyện của ông trộn ấm trong lọn tóc dài tràn xổ ra gối của tôi. Nhờ thế, o đã lây được sang niềm yêu đất ruộng theo kiểu của o. Kiểu như nhớ mùi khói rơm cay xè trong ký ức vậy.

Có điều, cái mùi khói của cọng rơm nơi thuở ruộng dằm đẫm mồ hôi mặn thuở ông bà tôi khai canh lập làng, mãi đến năm bảy lăm thống nhất đất nước, tôi mới được thỏa thuê hít ngửi. Tôi khó lòng quên lần về quê nội ấy. Việc trước nhất, tôi tranh với o, nài nỉ cho được ngồi đun rơm. Nhưng o tôi hình như đã quên chuyện xưa hay đúng hơn, o đâu ngờ, hơn hai mươi năm trước, o đã gieo vào hồn tôi nỗi khát thèm được hít thở mùi rơm quê cha?

Vừa bắc nồi cơm lên bếp, o vừa phân trần vẻ không bằng lòng lắm. Bởi o ngại tàn rơm đổ nhớp lên đầu tôi.

- Tóc cháu dài, tàn rơm khó gội mà.

- Nhưng cháu thèm hít mùi khói rơm.

O tròn mắt nhìn sửng tôi, như thể vùng ký ức sâu kín trong lòng o được đánh thức.

O kém bố tôi một tuổi. Giống bố tôi điệu cười mở to dáng miệng phô cả hàm răng khỏe và đẹp, làm sáng rạng gương mặt sạm nắng. Chịu để tôi ngồi đun rơm, o cùng ngồi xuống bên cạnh thỉ thỏ kể. O có giọng kể sôi nổi cái nhìn thật thà, tỏ hết lòng tin cậy với người nghe.

- Cháu ơi. Mấy sào ruộng lo chuyện cúng giỗ ông bà hàng năm trên nhà thờ họ nghe cũng phải đem vào hợp tác đúng không cháu?

Tôi vờ để tâm vào việc đun đều các nùi rơm, tránh câu trả lời. O nhìn chăm chú vào mắt tôi vài giây rồi cúi xuống vấn điếu thuốc sâu kèn, châm lửa hút lập bập. Với cái nhìn cay xè khói rơm, tôi nói lãng.

- Cơm sôi rồi o.

Nói một đằng, nhưng đầu tôi lại nghĩ bùng binh về cái điều mà o vừa đặt ra. Trước khi đối đầu với cuộc kháng chiến chống Mỹ, miền Bắc rầm rộ xây dựng hợp tác xã. Các hợp tác xã ở miền Bắc có tồn tại được không? Nhiều hợp tác xã nổi tiếng chừng dăm ba vụ, rồi sau đó sình xẹp, miền nông thôn vẫn xác nghèo lận đận. Sao vậy?

***

Tôi không nhớ rõ đây là lần thứ mấy về làng. Chỉ nhớ kỳ ấy làm Nam Thạch Hãn, thanh niên làng tôi bị hút lên đây bất chấp mọi gian nan. Và tôi, mặt mày chai sạm, từ trên khu đầu mối tranh thủ nhao về thăm o. Sức vóc o vẫn còn mạnh lắm, nhưng không hiểu sao thần sắc o tôi có điều gì bất ổn, đáng ngờ. Khuôn mặt vuông thô của o, nhô hai lưỡng quyền của số phận truân chiên, khổ hạnh về đường lương duyên. Đặc biệt bầu tâm sự của o về chuyện làm ăn của hợp khác nào bếp lửa đã nguội tanh. Tàn tro bao nỗi cay cực cơn lốc dữ nào đã cuốn tung vươn vãi bóng hoàng hôn quanh o? Thay vào sự xởi lởi hồ hởi vừa chỉ mới năm ngoái, năm kia thôi, một miền tâm linh khác, bị vùi kín từ buổi đạn bom chạy giặc, giờ sánh động mãnh liệt, huyền bí trong ánh nhìn vô hồn của o tôi.

Đêm hai chín lấy ba mươi trời đất tối sầm xuống rất nhanh. Từ khi gà chưa lên chuồng, o đã lo sửa soạn hương đèn, chuối bông với vẻ mặt thành kính. Vật phẩm bày lên bàn thờ, các thức bánh quê, bàn tay khéo léo của o bắt nặn, gói gém lấy, như hết thảy mọi gia đình khác trong làng. Hẳn nhiên o bày vẽ cho tôi biết nhiều điều về lễ nghi bái lạy theo tập tục của làng, cũng như của họ tộc. Ví như lạy Phật, ba lạy. Lạy tổ tiên trước mộ phần, bốn lạy... Tôi biết nghe và cố làm vui lòng o, o dè dặt khen tôi biết hiếu đễ luân thường...

Phải chăng cái thời o hồ hởi với hợp đã qua? Bây giờ o chỉ thích nhắc đi kể lại chuyện gốc tích ông bà họ mạc. Hoặc chỉ kể đi kể lại chuyện bà và hai o tôi đã lo cưới mẹ tôi, con gái chợ Sãi cho bố tôi ra sao. Tôi có cảm giác ngày càng rõ ràng rằng, o tôi đã tự tách mình ra khỏi hợp, vì một lý do sâu kín nào đó, ngoài vì tuổi già sức yếu.

Tôi cố tìm cách để khám phá sự thật, cuối cùng sau khi đã im lặng cả buổi, o dắng giọng, gọi giật tôi:

- Này cháu, o buồn lắm. Nhưng, o không đi Đông Hà theo chị Xạ đâu.

O Xạ ngoài Đông Hà là chị cả, hơn o Út tôi trong này một giáp tuổi, bố tôi con thứ. Mà chín lần mười lượt o Xạ cùng các chị ngoài ấy khuyên nhủ o theo ra ngoài ấy làm ăn. Tệ lắm, bỏ một tủ thuốc ngay đầu lề phố cũng đủ ăn trắng mặc trơn, o phản đối kịch liệt, đến nỗi, o Xạ phải khăn gói về làng ở với o tôi năm bảy tháng trời để tỏ sự làm lành rút lui ý kiến khuyên dụ. Chị em gái như trái bầu non, cho đến ngày móm mém vẫn còn đùm bọc lấy nhau. Hai o tôi đối với nhau là thế đấy.

- Cháu ơi, bàn thờ ông bà lạnh lẽo không hương đèn ngày rằm mồng một, hỏi rồi gia phong đi đến đâu? Ờ thì o quanh quẩn đất làng. Đất An Mô trăm mẫu mười vườn đâu cháu! Ngoài đồng Bầu Giây đôi bảy mẫu, trên Cồn Vườn dăm bức ruộng. Đất ít, con cháu đông, nên mồ hôi mặn hơn xứ người. Mấy vụ rồi cả làng lên một hợp nhỏ cháu Tuệ, cháu Tiếp ôm vào bụng trăm nỗi lo tưởng e lo không xuể, làm không nên. Ai dè, nghĩ lại mới biết mấy cháu đó, công xá đâu quản thiệt hơn, lo xây dựng hợp An Mô, cốt để giữ tên làng.

Chợt nhiên o nín thinh; doi vai nhìn quáng ra ngõ. Anh Bình phó chủ tịch xã vừa dưới Đầu Kênh lên, thân hình trùm lút trong tấm áo mưa màu xám. Đã đôi lần anh đưa tôi đi hết thôn dưới làng trên, chẳng nề hà lụt lội mưa gió. Anh là một người tận tụy việc chung. Khi các hợp nhỏ lên liên hợp anh được bầu chủ nhiệm Nam Long. Hiện tổ chức huyện ủy đang làm hồ sơ xét lại Đảng tịch cho anh, trong việc đánh giá tư cách Đảng viên hồi thực hiện chỉ thị năm hai. Anh Sĩ, con trai chú tôi, gọi tôi hàng chị con bác họ, sau giải phóng đã đi cải tạo, giờ làm phó chủ nhiệm. Lại làm rất tốt. Hiệp sức với anh Bình đưa Nam Long trở thành một trong những hợp khá của huyện.

- Chú Bình sẽ làm chủ nhiệm Nam Long. Hợp làng mình chỉ nên một đội.

- Thế làng mình đội mấy o?

Bấy giờ o tôi đang chẻ tăm chợt đứng bật dậy như thể để nhao ra vườn tìm ngọn roi tre, quết vào đít tôi một trận nhừ đòn. Hay ít ra thần sắc phẫn nộ của khoảnh khắc ấy in sâu vào tâm khảm tôi một nỗi sợ hãi bị đòn gần như thế. Chao ôi, làng o từ bi hơn cả Phật bà, có bao giờ biết thế nào là roi vọt. Đâu như đấy là lần thứ hai người ta đội cau trầu đến ngõ dạm hỏi. O tôi đang ở trong buồng nghe lọt tai câu chuyện, liền bỏ cơm trốn nhà sang hàng xóm khóc tức tưởi hai ba ngày liền. Bà tôi tìm về dỗ sao cũng không chịu nguôi. Bởi o một mực từ chối, rằng các anh chị con o tôi ngoan hiền lắm, o không cần lấy chồng làm gì nữa. Lý thứ hai o đi lấy chồng ai cơm nước may vá cau trầu cho bà tôi. Tôi nín thinh, cúi gầm mặt nhưng chưa hiểu mình bị tội gì, để đáng nhận lãnh cơn giận của o. Hai o cháu tôi thui thủi tránh nhìn nhau một lúc khá lâu, cuối cùng o nói cố dịu giọng như để làm lành với đứa cháu quá mẫn cảm của o.

- Làng mình, làng An Mô chứ đội gì cháu ơi. Cháu chớ quên làng cha cháu, làng An Mô. Bến đò An Mô trước nhà, cháu nhớ không? Bước sang bên ngõ nhà chú Điểu là nhà thờ họ Phạm cháu nhớ không? Cháu phải nhớ hai điều đó như là nhớ cháu có hai con ngươi trong mắt. Mắt cho cháu nhìn, biết đâu làng nước bà con...

Giọng o tôi rè đi như lên cơn đàm suyễn, o giơ tay vuốt ém ngực cho đỡ mệt, rồi tiếp.

- Hời cháu ơi, giữa đồng làng có mộ em trai cháu về nằm cho ấm đất ông bà. Cháu nhớ cả chưa? Ư hự cháu tôi. O mắng cháu oan lắm phải không?

Khi nghe ra, tôi nhìn sâu vào đôi mắt già nua, thâm quầng của o. Tôi thực sự ngờ vực nỗi đau mất làng của o, và không thể tin, o tôi lại sâu sắc đến nỗi đau đớn như vậy, nhưng không phải bất kỳ ai cũng đồng cảm, hiểu được nỗi niềm ấy. Đến như tôi thoạt nghe, tôi chỉ thương hại o cổ hủ, một đời chẳng mấy khi đi ra khỏi lũy tre làng, thấy xã hội đã thay đổi, khác cái thuở o mười chín đôi mươi, một mực chối trả cau trầu đám trai khác làng đến dạm hỏi. Xưa trai khác làng về làm rể An Mô sợ xanh mắt nước làm ăn gia đình họ mạc vợ. Sợ nhất, buổi làm rể đánh vồng khoai lang đầu vụ. Thường, gia đình bên gái tìm sẵn đôi ba tay cuốc cự phách. Mỗi người kẹp một luống, giàn hàng ngang đứng cuốc. Lơi sức một chút, lưỡi cuốc họ nhà gái đã sấn kề, lác chân. Lác chân, là mất vợ. Cách thử rể độc đáo ấy giờ bị lãng quên, chỉ đôi ba người già nhắc tới khi nhớ thời tráng niên.

"Làm ruộng ăn nằm. Nuôi tằm ăn đứng" Tân Định, làng trồng dâu ươm nắng. Dân An Mô dăm mươi nhà theo nghề tằm dâu thôi. Còn nữa làm ruộng. Ngoài đất ruộng, dồn hết tâm lực trồng la gim, bán chợ tỉnh, chợ Sãi, chợ Đông Hà. Nhờ vậy có đồng vào đồng ra như thể dân cận thị. Cách phá thế độc canh của An Mô bao đời nay trở thành nết ăn nết ở ân tình với đất.

Đấy là chuyện làng tôi. Còn chuyện lớn hơn, tôi nghĩ bao giờ chúng ta phá được thế "duy ý chí toàn dân" và "thế độc quyền nhà nước" trong kinh tế. Lúc ấy, mới mơ chống chèo qua được cơn trượt giá cả tinh thần lẫn vật chất. "Địa chủ ngủ một mắt", còn một mắt thức với đất ruộng là điều đáng học. Ai muốn được đất biệt đãi, muốn lúa gặt về đầy sân, muốn giàu to, giàu sụ phải lấy giấc ngủ kia làm gương, mới hòng đổi vận, thoát bần hàn.

Làng tôi khi đưa đất ruộng vào hợp tác, đất vườn quanh hồi nhà càng được quý hơn. Giấc ngủ một mắt của người yêu đất, giúp làng tôi chống chèo qua nhiều cơn lận đận do thiên tai lụt lội. Do tệ làm ăn "thăm đồng theo kiểng" đẩy người nông dân vào thế bị động, ươn nhác với đồng áng, hờ hửng với trời đất trăng sao.

Mỗi khi có nỗi buồn xáo lên, o tôi lại vấn thuốc sâu kèm, tâm trí thả vào làn khói sặc. Tôi về làng độ ấy gặp kỳ mưa dầm đường sá sục quánh bùn lầy. Mùi khế rụng, mùi lá tre mục, mùi phân trâu bờ rã mưa lẫn quyện nhau thêm ngốt ngát, khoi nồng. Các bờ dậu chè tàu tắm mưa phỉ sức, tốt có vòi. Tôi đặc biệt thú vị khi gặp những cây rơm lụ khụ đội nón đứng dầm chân trong mưa, với tiếng tục hăm hở của mái gà mẹ gọi con bươi tìm thóc lép. Sao tôi hình dung dáng ngồi đốt thuốc trong đêm kia của o tôi có gì giống dáng vẻ đứng dầm trong mưa của cây rơm nhỉ? Trong đầu tôi lởn vởn những ý nghĩ như muốn nói để an ủi o, "o đừng khổ vì những chuyện tầm phào nữa. Tên làng mình hay, thế sao mất được. Cháu tin bất kể cái gì hay, cái gì thật, đều không thể dễ dàng mất, chẳng qua người ta đặt ra đội một đội hai, cho dễ việc ăn chia khi lên hợp lớn..."

Hai hợp Nam Long và Bắc Long, đặt tên theo địa thế xã có gì không ổn đâu? Tôi tự vấn thắt nút lại ý nghĩ mình rồi dục o đi ngủ. Ngoài vườn trăng xế, ếch nhái rỉ rả xướng ca. Sông Thạch Hãn ì ào sóng vỗ chìm trong tiếng mưa. Bên kia sông, sân bay Ái Tử ngổn ngang ghi sắt, rào gai, xe pháo rĩ ró, khác nào tấm lưng người vừa lội qua cơn đao binh, dịch bệnh, đầy mụn nhọt thương tích. Nhà o cách bến đò một quảng. Những năm đầu tám mươi, bên kia sân bay, mọc nhà máy xay xát lớn của huyện. Bến đò làng tôi người gánh thóc lúa qua về vui rườm rượp. Khổ thay, nhà máy xay xát nọ chỉ đứng đôi ba năm, sau chuyển đi mất, làm o tôi mỗi lần nhắc, chép miệng buồn tiếc.

Giường bên o tôi vẫn trằn trọc. Tôi cố nằm im vờ ngủ. O tôi đâu ngờ nỗi lo hãi mất tên làng của o đã gieo vào lòng tôi sức đá tảng. Tôi cũng không ngờ vậy. Nhưng khi vừa đặt lưng xuống, gác tay lên trán, tôi nén tiếng thở dài. Cái tiếng thở dài, từ lồng ngực o tôi truyền sang, làm tôi không sao thiếp ngủ nổi. Tôi dằn vặt đào lẫn lên nhiều thứ, đi quá xa cái điều o tôi chỉ gợi ra. Cái gì đánh bật nổi tên làng? Chao, đến lúc ấy tôi mới giật thót. Để được một Bình Trị Thiên cho tương lai, cái eo lưng miền Trung, trong đó có Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên phải nhập hồn vào nhau như thế nào mà vẫn giữ bản sắc riêng. Nhưng đồng thời cũng phải cho mớm, nối ruột rà nhau đặng đạt tới một niềm thăng hoa ngàn thuở của tình yêu. Địa danh đâu chỉ địa danh. Mỗi địa danh tích tụ bao thăng trầm lịch sử, văn hóa đời người. Cho nên chất Quảng Trị khác chất Quảng Bình, khác chất Huế. Mỗi chất thăng hoa trong một miền tâm linh địa lý huyền bí, sinh khác giọng nói, ở, ăn, lễ, nghĩa. Thế núi này sinh quan võ, mạch sông nọ ra đời thi nhân.

Hãy kịch liệt, lên án kẻ nào mượn sự khác biệt ấy để chia rẽ nhân tâm, cướp giật quyền chức, tước lộc!

O tôi chỉ đau đáu một nỗi sợ mất tên làng. Còn tôi, đã bước một bước chân dò chuyện cũ. Kỳ làng rèn Hiền Lương mở hội giỗ tổ, có một đại biểu anh em được mời từ ngoài Nghệ vào. Anh nói rằng, cái làng rèn Trung Lương của anh ngoài ấy suốt mười mấy kỳ bầu chủ nhiệm, vẫn kiên định giữ một lập trường tranh đấu với huyện, tỉnh, Hội Đồng Bộ trưởng, không chịu đổi tên làng theo kiểu đặt tên duy ý chí. Quyết Thắng, Hồng Phong, Tiến lên, Tiên Tiến... Gần nửa thế kỷ qua, kiểu đặt tên ấy, tưởng là yếu tố góp sự khởi sắc cho cuộc sống, ai ngờ gây tác hại ngược lại. Những năm năm bảy sáu mươi, tôi còn nhỏ thôi, nhưng khó lòng quên những cảnh tượng của trận cuồng phong đập phá đình chùa miếu mạo. Gia phả họ tộc bị thất lạc hủy đốt. Bia lăng các vị thần hoàng thần miếu trở thành những vật dùng vào đâu cũng được. Bởi tất cả những báu vật nọ bị ghép chung một tội đồ, một bản án, chống phong kiến địa chủ, chống mê tín dị đoan. Ta biết đâu cái hành động ngông gàn chính là cuộc chiến tranh với quá khứ, gây đám cháy thiêu hủy gia sản tâm linh dân tộc. Chùa chiền miếu mạo là cái được thể hiện, sáng tạo nên như một bề nổi huyền bí của tầng văn hóa vô thức. Phải chăng dân tộc ta đang đối đầu với cơn khủng hoảng tiềm năng vô thức dân tộc giữa kỳ nghiêm trọng nhất. Khẩu hiệu, cổng chào, hội trường có thay được cho đình làng không? Mít tinh, hội họp có thay được cho những ngày hội dân gian không? Niềm sùng ái mê tín, đức trung quân với vua chúa bị đánh gục, lý tưởng người cộng sản thay thế được vĩnh hằng không? Một người già như o tôi, thế giới tinh thần của o được đều đặn cái gì? Khác với ngoài Bắc, làng tôi có một ngôi chùa Phật, lại bị chiến tranh xô sập kỳ bảy hai. Vậy đã mười lăm năm o tôi không đi chùa lễ Phật, phải chăng cũng là một sự hy sinh cao cả? Nhưng nào được ai biết để quan tâm? Phật ở trong lòng đồng nghĩa với lòng hoài tưởng tổ tiên ông bà. Hai o tôi ăn chay ngày rằm, mồng một như thể được hưởng niềm hoan lạc đức từ bi của chính lòng mình tu tĩnh. Không làm cái ác, đến cả con kiến cũng không gây sát sinh. Một lần đi ra khỏi làng, o Út tôi, gặp kẻ xách súng bắn chim, về nhà suốt tuần liền, đến bữa, o tôi không dám đụng đũa đến tôm cá. Như thể o tôi đủ buộc tội, o là kẻ gây cảnh thảm sát muôn loài chim kiến.

Cho đến bây giờ không sao tôi quên được đêm về làng nằm cạnh o mắt mở chong, thức trắng. Quả thật, bấy giờ tôi khác nào đứa trẻ bị lạc vào rừng rậm mà không thể không sợ sói, sợ thú dữ. Tôi kiểm soát, tự nguyền rủa những ý nghĩ phóng túng muốn đẩy tôi vượt qua ranh giới nguy hiểm nào đó đang rình bẩy, chống đối lại tôi.

- Bông, cháu khó ngủ như cha cháu phải không?

Vậy là tôi không đơn độc, cô quạnh nữa. O tôi cũng trằn trọc như tôi kia mà. Cái nỗi sợ mất tên làng còn đốt cháy hồn o suốt cả đêm ấy, suốt cả đời o người o già tội nghiệp của tôi. Nằm nín thinh trong chăn mỏng khá lâu, buột nhiên tôi thốt lên:

- O ơi, hay đội mình vừa là đội An Mô. Có phải o tiếc hợp nhỏ, chẳng tin gì việc làm ăn liên hợp chứ?

Cái đêm mất ngủ ấy trôi qua, nhưng có một nỗi ngờ vực neo lại trong lòng tôi, hễ có dịp, cày đảo chất vấn và bao giờ tôi cũng cảm thấy chưa thể vội đi đến tận cùng.

***

Lần nầy về quê, làng tôi đã trở thành một đội của hợp Nam Long, và Quảng Trị đã có Nam Thạch Hãn, kênh mương như bàn cờ, nước cho ruộng thỏa thuê. Nhưng O tôi giờ thì đã già quá, lay lắt trong róng vườn hoàng hôn. Ngoài đồng ruộng "khoán mười" tốt bời. "Khoán mười" nông dân được lãnh ruộng dài hạn, mười lăm năm. Nghe đâu ở một vài nước anh em, nhận ruộng chín mươi chín năm. Có lẽ đây là con số năm tượng trưng cho quyền làm chủ ruộng đất, vĩnh cữu chăng? O tôi đâu còn sức lực để nhận ruộng. Theo chính sách mới, mỗi vụ lúa, o được mua một suất điều hòa ba mươi cân. Ba mươi cân cho sáu tháng, quả thật, tôi không dám nghĩ thêm cái tình cảnh khốn khó như ngọn đèn trước gió của o. Đành rằng o đủ sống, nhờ nương tựa các anh chị ngoài Đông Hà, khi đò chiều đò mai gởi vào o lon ruốc, nếp, hột mè, hột đậu, con mắn, cá. Dạo còn đi làm kiếm được công điểm ăn chia, khó khăn lắm o mới chịu nhận đôi ba thứ. Cái đức ấy cả làng không ai bì được. Cho nên bây giờ ngồi buồn, o lại tha thít thảm cảnh già sức yếu, đành mua suất lúa điều hòa...

- Cháu ơi, khi mới giải phóng phải đem ruộng vào hợp tác. Giờ hợp lại cho người cày nhận ruộng mười lăm năm. Trước ông huyện, ông hương lý, phát ruộng làng chỉ ba năm mỗi kỳ. Ruộng đẳng điền giành cho hàng chức sắc. Đàn bà như o đâu có phần. Trời? Giờ o có sức, o cũng nhận một mặt ruộng cấy cày cơm áo, chứ mua suất lúa điều hòa, o bụng bộn chộn.

O tôi nén tiếng thở dài, đi ra góc bếp tìm chổi quét sân, chốc chốc ngừng tay, o doi nhìn chân trời ủ mây. Tiếng thở dài của o khơi dậy trong lòng tôi những suy diễn vẩn vơ, chuyện nọ xọ chuyện kia. Phải người nông dân thời nay đã đổi chất? Không còn tự mình rút ra được những kinh nghiệm gieo trồng, cày cấy cây lúa, cũng như về nắng mưa gió bão? Tục ngữ, ngạn ngữ, ca dao đã được lưu truyền từ đời ông cha giờ lụi tắt, bỏ quên. Bởi làm ruộng hợp có hợp lo, có nông lịch hiện đại... Cần gì phải thức sớm dậy khuya, nhìn trăng sao, yêu chiều cây lúa như máu thịt mình sinh ra. Lẽ nào riêng o tôi dù đã thôi làm hợp tác, lại vẫn trằn trọc nắng mưa, nơm nớp, lo âu cho vụ mùa. Mười mấy năm qua, người công dân cô đơn như tôi được gì, mà mất gì, dễ đâu tôi đã phân trần, nhận định được sáng suốt? Khi đưa tôi ra thắp hương mộ em trai giữa đồng làng o tôi dừng lại đầu giường ruộng nói.

- Lúa này ông trời không cho ăn bằng như giật bát cơm con trẻ. Lạy ngài xối xuống cho trộ giông.

Nhưng phải trộ giông ngày rằm mười sáu tháng bảy. Trên đường về, o giải thích, nếu ngày rằm mười sáu không có trộ giông lớn, là điềm gở. Những năm tính lịch Thiên - can gặp chữ Mậu - Mậu Thân, Mậu Tí... trời đất thường độc địa, không thiên tai thì địch họa, dịch bệnh. Giữa chợ Quảng Trị có người đàn ông điên. Nghe đâu bác bị điên khi hay tin con trai đi bộ đội hy sinh. Suốt buổi chợ rằm, bác ta thất thưởng đi từ hàng cá vào hàng gạo vung vẩy chỉ trỏ bồn mây dựng đen bên chân trời, cầu khấn. "Lạy trăng mưa sáu máu rồng".

Các lão nông miền Thạch Hãn ai còn nhớ: "mưa mười sáu máu rồng"? Xem ra bác người điên trên chợ là điên tỉnh, điên khôn. Điên mà thăng hoa trong việc sáng tạo ngôn ngữ cho câu khấn, làm cảm đến lòng trời đất. Từ chiều mười hai trăng, những quầng mây màu rêu đen đã rì rì dựng vẩy. Chớp giông ì ành như trẻ con sôi bụng. Ngóng mưa, lòng o tôi cũng thắt thót lo âu. Có mưa nổi không ới ông trời? Ông lé mắt nhìn xuống mà xem. Khắp đồng Quảng Trị lúa đang độ cúi chẽn, khoe màu cốm chanh phơi phới. Gương mặt cánh đồng khác gì gương mặt cô con gái tuổi mười ba óng ả hương sắc dậy thì. Hạt lúa ngậm sữa, khác nào giọt sữa mẹ trinh nguyên trong núm vú hạt cau đấy thôi.

Hương Điền xuất hiện rầy nâu. Tin lan nhanh ra Quảng Trị. Những bức ruộng dọc đường quốc lộ trăn vật với cơn bệnh không thuốc trừ sâu nào cứu kịp. Lúc đỏ đuôi hắt tía quầng hoàng hôn. O tôi lo hãi hỏi nhiều lần, tôi nghe tin dữ ấy đâu, có thật không? Hương Điền với làng tôi cách có gang tấc. Cái giống sâu rầy hại lúa, hại đời, quản gì địa lý núi sông. Đâu sinh khí nặng nề, tai chướng, chúng sinh sôi với tốc độ "ánh sáng". Vì phải trị chúng, các nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu thế kỷ này mọc như nấm. Âu, độc phải trị độc, chứ còn cách nào khác? Có điều, vừa bón phân hóa học, lại vừa phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh nên đất đai dại lữ đi, dần trơ bạc, kiểu như đứa trẻ bị mẹ cho uống lạm liều kháng sinh. Chim cò, cá tôm, nồng nọc cung quăng lặn dần. Người ta còn đồn, ăn rau cải tưới đạm, sẽ sinh bệnh xơ gan, cổ trướng, đâm ra ế cả chợ. Để khỏi lây nỗi sợ hãi sang o, tôi nói lãng:

- Lúa làng mình xa đồng Hương Điền lắm. Cháu đi xe ì ạch mất cả buổi. Lại trên huyện đi bộ về, hơn những nửa phần ngày, mà o...

Gương mặt o tôi sáng ra, có vẻ yên lòng rồi xách gàu ra giếng bên đường múc nước rửa chân. Nhìn tấm lưng gầy, vai so ngang của o, lòng tôi se lại nghĩ quẩn.

Người làm ruộng trong này không như miền đồng bằng Bắc Bộ, chuộng phân hữu cơ hơn vàng, với đức thâm canh "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Làng tôi cũng như về mãi dưới Triệu Thuận, một vài năm lại đây không còn xem thường các loại phân chuồng nữa. Phân chuồng cho ruộng, cứ như đàn bà hít thỏa hơi chồng. Một cụ già nói vậy, rồi cười khà chỉ cho tôi khu chuồng trại ủ phân, nồng khai cái mùi làm dậy thì cây lúa. Khi nghe tôi nói ở ngoài xứ Nam Định, hồi bố tôi còn đi ghe buồm, hễ vừa đặt chân lên bờ, đã có một người gánh đôi quang thúng, sẵn sàng mua tươi cái thứ phân vàng khả dĩ ấy, như một lẽ tự nhiên, làm cụ trố mắt không tin. Nhưng khật khà vuốt râu một lúc, ông lão lại gật gật nói như để thuyết phục mình.

- Ờ. Mà đã yêu cây lúa thì có việc gì không làm được. Yêu cây thì cây đãi ngộ. Yêu người thì người chở che. Bất kể việc gì người đời đã làm, ắt có lý. Trước sẵn phân nhập ngoài bán đìa chợ, đâm ra làm nông mà lâm thói chuộng cái sự tiện. Giờ mới biết không cho ruộng ăn phân chuồng phân lá là con người phụ bạc đất trời ạ. Đồng Triệu Thuận đang khởi sắc từ khi có "khoán mười". Thật ra lúa tốt, phần còn do nông dân bón phân chuồng, dùng đạm lân có chừng hơn. Không chỉ phân chuồng đa phần hiện nay gia đình nào cũng đã cất dựng được một hố xí hai ngăn tiện lợi cho việc lấy phân hàng kỳ. Lòng tôi dấy lên hy vọng, tập tục "mới" này sẽ đẩy lùi được các loại phân hóa học. Tôi nhớ, một lần đi qua cánh đồng đang độ lúa con gái, với một người tôi rất mến mộ tấm lòng yêu dân và vì dân của anh, tôi đã trêu.

- Anh có thấy hương vị gì khác không?

- Chịu. Con gái mới thính mũi.

- Cái hương lúa ấy... Hình như nó khác lắm?

Tôi tẻ lên một chẽn, trao tay cho anh, giọng rắn lại.

- Tôi ngửi thấy cả mùi đạm lẫn mùi thuốc rầy. Con người ăn mãi thứ lúa nhiễm đạm, e rồi mọc ra ba đầu sáu tai thì khiếp lắm. Hoặc giả một cô gái đẹp ăn mãi thứ gạo quê, đâm rụng dần tóc, rụng dần lông mi lông mày, liệu anh có dám lấy cô ta làm vợ không?

Trong khi nói như vậy, hồn tôi lại vương vấn mảnh ký ức có mùi khói rơm cùng o tôi thuở xưa. Một cơn rùng mình đột ngột làm cho gương mặt đang lộ vẻ đùa cợt của tôi mất đi. Một nỗi ân hận thâm trầm lắng sâu vào tình cảm. Thuở ấy tôi ao ước, nằm mơ từng ngày đêm cái hạnh phúc thắng giặc Mỹ, được về tắm mát trong hồn sông quê nội và nguyện chẳng gì đủ mạnh để chia lìa, bứt tôi ra khỏi An Mô, sống lưu hương xứ người. Vậy mà bây giờ cuộc sống đã đẩy đưa, gạt tôi sang một hướng khác. Hay nói đúng hơn, tôi đã không làm chủ được nguyện vọng cuộc đời mình. Dù là cái nguyện vọng nhỏ nhất, đáp đền tình cảm ruột rà của o và cũng chính của bản thân, xóa cái khoảng trống thời chiến tranh đất nước chia cắt. Vì quá bận bịu công tác hay bản chất con người cách thế hệ tôi tình làng đã phai lạt, con người máy quan liêu thị dân đã hình thành. Hẳn nhiên cái con người máy ấy có biết sợ chất độc tố của thuốc trừ sâu, thuốc rầy đâu!

Sang ngày mười ba trăng, chân trời tiếp tục ủ giông. Được nắng, muối cửa Việt lên trắng chợ Quảng Trị. O tôi bảo một trăm đồng mười ba lon có ngọn, về tận dưới biển mỗi lon chỉ năm hào thôi. Trong khi ở Huế muối Sa Huỳnh chát chằng, lại khó tan, mỗi lon đến những bốn năm chục. Dân làm muối Tường Vân có đến năm trăm tấn thừa, đang muốn gây gỗ với thương nghiệp huyện vì họ từ chối, không chịu thu mua. Không chỉ muối cửa Việt ế. Cả nước có hiện tượng khủng hoảng thừa cái chất mặn mòi này của hồn biển. Bởi lẽ chi cục muối Bình Trị Thiên vừa có lệnh giải thể, chứ không phải sát nhập vào với thương nghiệp cho nên muối bị "thả nổi". O tôi lo xa, mua luôn một ghè đầy ắp, trữ cho cả mùa đông tới. Biết đâu, giữa mưa rét, muối khan hiếm như bộ đội đói muối giữa rừng Trường Sơn thì sao.

Kể từ khi có Nam Thạch Hãn, chưa năm nào khúc sông trước mặt chợ Thành Cổ bị mặn lợ dài chín mươi ngày đêm. Cái loài rong miền đầm phá sinh trưởng nổi rền như một mảnh linh hồn phá Tam Giang, trời cho trôi dạt về đây. Cuộc đổi đời này của miền hạ lưu có tích tụ nguy cơ bùng nổ địa lý không? Hẳn nhiên tôi muốn nói đến một sự bùng nổ nguy hiểm do sự cạn kiệt, đổi chất ấy. Núi non miền sông Mã sinh ra Lê Lợi, sông Lam, núi Lĩnh đầu thai vào hồn người sinh ra một Nguyễn Du. Khúc sông Hãn trước làng tôi bây giờ mỗi năm nước biển lên từ đầu mùa hạ cho đến sang giữa thu, đợi tháng bảy nước nhảy lên bờ, mới sa đổ nước nguồn. Những bức vườn trước sông già xác đi ngỡ ngàng hấp hơi nước mặn. Tôi xuống bến khi hoàng hôn vừa tím sẫm. Ghé ngồi trên mũi đò ngang, hồn tôi chìm đắm trong tưởng tượng, giá đất nước giàu có, ta làm thủy lợi kiểu Nhật Bản thì tuyệt. Nhật Bản làm thủy lợi bằng những hệ thống đường ống hiện đại, với những giàn máy phun tới lãng mạn. Cách tuyệt vời ấy, núi sông không bị con người "chinh phục", mình mẩy sẽ không gặp cảnh "dời non lấp biển" đào xẻ băm rạch, phá thế cân bằng bí ẩn của vũ trụ vĩnh hằng, lập một cân bằng mới, tuy vĩ đại thật, nhưng cũng vô cùng mong manh, chưa biết sẽ đi tới đâu. Tôi cố dập đi nỗi lo âu ngoài tầm trí tuệ, ném xuống lòng cạn một hòn phù sa nhẹ thênh bởi cả ngày bị nắng hạn hun nóng.

***

Thế rồi cơn mưa chiều rằm mười sáu đùng đùng trào xuống tưới thỏa lòng người. Cơn mưa đêm điều lành báo được mùa! Mưa sẽ thuận, gió sẽ hòa. Tiếng ếch nhái nổi inh trôi từng bè phiêu diêu trong thảm lúa. Hôm tôi về huyện, anh Hoan Bí thư dè dặt hy vọng. Hè thu này Quảng Trị được mùa, giáp hạt tới nhẹ được một vai. Năm ngoái, nếu không táo bạo "xoay xở" có một kho lương thực hàng trăm tấn dự trữ ngoài kế hoạch của ủy ban huyện hẳn giêng hai vừa rồi Quảng Trị cũng "đói to, kém gì Xứ Thanh". May mà, cái kho lương thực ấy làm tròn bổn phận cứu đói giáp hạt cho dân chẳng xẩy ra tiếng tăm tư túi gì, nên uy tín của Đảng trong lòng dân được củng cố thêm bền sâu. Tôi hỏi đùa.

- Thế vụ này anh vẫn tiếp tục sách lược ấy chứ?

Câu chất vấn không được trả lời. Nhưng tôi tin tiềm lực của miền đồng quê Quẳng Trị trong "khoán mười" đang được phất lên với một luồng gió mới. Có điều cái mới nào chẳng nẩy sinh mâu thuẫn. Nếu không giải quyết nổi sẽ bị lỗi thời, "mới dỏm". Vốn ương ngạnh và tọc mạch, tôi hỏi vặn Bí thư qua vấn đề khác. Đó chính là ngọn roi o tôi suýt dáng xuống bắt tôi chịu trận năm xưa. Quả thật, tôi là người đáng đòn nhất chứ ai? Từ bấy đến giờ ngọn roi ám ảnh lương tâm tôi như một thái độ chứng kiến can đảm của lương tri nhà văn.

- Anh thấy tiếc khi dân Quảng Trị mà mất Quảng Trị không?

- Sao lại mất Quảng Trị. Ai đánh mất?

Tôi tủm tỉm cười nhận ra người bị chất vấn cũng thốt lời hệt tôi, khi tôi bị o tôi căn vặn. Suốt mấy hôm nay, tôi cố tình gọi anh, "bí thư Quảng Trị", chối bỏ cả một cơ cấu cơ quan huyện Triệu Hải. Hiểu ra ngụ ý thâm trầm của tôi anh Hoan cau mày, muốn lãng tránh vấn đề. Tôi nói vậy, bằng như phủ nhận hết những gì anh đã làm được, kể từ ngày nhận chức. Biết đâu, tôi lại còn gàn, phủ nhận cả Nam Thạch Hãn. Ngày mồng 8 tháng 3 năm 78 khởi công, một năm sau đã có một tuyến kênh đưa giọt nước đầu tiên về tưới cho ruộng như một chiến công, lòng dân ngưỡng vọng cách mạng nổi lên như cồn biển. Có lẽ hơn ai hết, bởi thời đó anh nguyên Giám đốc Sở thủy lợi, chỉ huy trưởng công trường; còn giờ là Bí thư, thừa biết rằng cái thành tích xưa giờ phải trả giá đắt. Trận lụt tám ba vỡ kênh đi qua làng An Tiêm. Năm trước, năm kia, năm nọ, sự cố khu đầu mối cũng liên tiếp xẩy ra...

Trong ánh mắt tươi cười của anh vụt có vài tia tối sẫm, neo lại nỗi ưu tư. Nhưng tôi đâu muốn gây sự, muốn phủ nhận gì đâu. Tôi thực lòng ghi nhận những gì anh đã làm được ít ỏi trên cương vị bí thư hai năm nay. Dẹp gỡ những tấm biển liên kinh doanh "dổm". Chỉnh chu đội ngũ cán bộ cấp xã trước khi làm cấp huyện, tránh sự cô lập. Ông cha xưa có câu. Quan "nhất thời". Dân "vạn đại". Dưới các triều phong kiến, sử sách còn ghi, thiếu gì quan viên tự thấy mình không phụng sự được gì cho xã tắc nữa, đã cáo quan về nơi chôn rau cắt rốn, dạy dưỡng đám trẻ hàng pho sách ủy nghiệp. Cái nhất thời ẩn nghĩa ấy mới hiện đại, mới "đổi mới tư duy", ngẫm thêm dựng tóc gáy. Phải chăng anh Hoan chưa tìm được chìa khóa thần này, khi dự tính Huyện ủy chỉ nên hai mươi biên chế. Tôi nghĩ đấy chưa phải con số ưu việt. Chỉ mười, cũng còn quá nhiều. Các ban bệ chỉ nên tồn tại: Ban thanh tra Đảng, Ban công tác tư tưởng phát triển Đảng. Có như thế mới tập trung dồn được sức mạnh đồng nhất sang cơ quan ủy ban huyện, lo làm kinh tế chăm lo đời sống cho dân, với mô hình Bí thư huyện ủy cùng chủ tịch Ủy ban huyện. Phải nói đó là một mô hình đẹp, không chỉ giành cho cấp huyện, tỉnh mà cả cho cấp Bộ trưởng...

... Anh Hoan ném sang tôi cái nhìn dè dặt, chừng muốn dò những ý nghĩ gai góc sôi sục trong tôi. Cuộc tranh luận nổ ra, kéo dài. May thay, những gì còn chưa chín muồi, tôi đã kịp kìm giữ lại trong lòng như đất đai ngậm hạt chờ mưa. Cuối cùng anh Hoan chiêu một ngậm nước trà, vừa à lên một tiếng như thể vừa bước hụt chân, kết luận:

- Tôi chưa nghe ai đặt vấn đề như chị. Sao lại mất Quảng Trị? Dù, giờ bị "hạ cấp" xuống thị trấn. Chị tin, nếu Quảng Trị vẫn giữ nguyên một tỉnh tốt hơn à? Nó sẽ được hồi sinh sau chiến tranh với một sắc thái khác hơn chăng? Theo tôi, vấn đề không phải ở chỗ đó. Hoặc có, cũng chỉ một phần mỏng manh. Cái chính, phải xét tới ý nguyện từng người dân. Một người cũng là tất cả. Tất cả cũng là một người. Chính sách của Đảng. Nhà nước dội về dân không ổn, không phù hợp, tự nó sẽ bật ra như quả bóng ném vào lưng người thế nào cũng để lại sẩm bầm. Cái gì ngàn đời của con mình, của thiên nhiên không thể bị đối xử "ăn xổi ở thì". Phải không?

Tôi im lặng tâm đắc lời bóng gió dân gian ấy. Sau trộ mưa rằm mười sáu rồng, chân trời rạng lên ướt át và xanh thắm. Hương lúa từ đồng xa thoảng về gợi lòng tôi nỗi buồn nhớ người o già cô đơn dưới quê.

Quảng Trị, vụ hè thu Mậu Thìn
L.T.M
(SH33/10-88)






 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Thư cuối năm (31/03/2023)
Các bài đã đăng
Dĩa rau khoai (15/01/2015)
Ký ức A Lưới (26/11/2014)
Lá bồ đề (06/10/2014)