Bút ký - Tản văn
Những phận đàn bà
08:32 | 17/04/2015

PHƯƠNG ANH

Tôi đã từng nhìn vào ánh mắt của những người đàn bà, những người mẹ; những đôi mắt luôn ẩn giấu những câu hỏi: Hạnh phúc là gì? Bởi cuộc đời họ dường như chẳng có lấy được một phút giây thanh thản để tự hỏi rằng: Mình là ai?

Những phận đàn bà
Ảnh: Phương Anh

Tôi cũng từng đắm mình trong những tác phẩm văn học như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Trà Hoa Nữ của Alexandre Dumas, Tiếng chim hót trong bụi mận gai của Colleen McCulough, Chị Dậu của Ngô Tất Tố, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu... để thấy được phần nào về thân phận của đàn bà.

Rồi đây, tôi cũng sẽ trở thành đàn bà, tôi cũng sẽ từng ngày đi qua những niềm buồn tủi, những nỗi uất nghẹn, tôi sẽ thấu cảm được nhiều hơn về những gì Nguyễn Du viết, tôi sẽ đồng cảm hơn với những hi sinh của nàng Marguerite Gautier hay của người đàn bà cam chịu trong Chiếc thuyền ngoài xa. Điều gì đã khiến người đàn bà trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đã không phản kháng lại những hành động của người đàn ông? Vì sự bất lực, sự nhu nhược hay vì tình yêu và cam chịu dâng hiến? Vì mù quáng, vì mặc cảm nô lệ trong xã hội phong kiến mà đánh mất ý thức về quyền được làm người? Thực tế rất khó để đưa ra một câu trả lời cho hợp lý. Sự hi sinh của người đàn bà là một sự hi sinh lớn lao. Câu nói của người vợ ấy: “Đàn bà ở trên thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được…” đã gieo vào lòng người đọc những nỗi đau đớn khôn cùng về thân phận người phụ nữ.  

Ảnh: internet


Với tôi, kể từ ngày Mẹ cho mang nặng kiếp người (Trịnh Công Sơn) cho đến khi đủ lớn khôn để nhận thức về cuộc sống, tôi đã thấm thía nỗi đau của những người đàn bà. Rồi tôi tự hỏi liệu có một tác phẩm nghệ thuật nào chỉ viết về những ánh mắt của người đàn bà hay chưa, hay tất cả những người nghệ sĩ trên thế gian này đều lẩn trốn ánh mắt của đàn bà?

Nhưng có lẽ, chân thật nhất với tôi là thế giới thật của những người đàn bà đang sống quanh tôi - những người đàn bà không hề biết mơ mộng.

Lúc vừa mới biết đọc chữ, nghe bao nhiêu chuyện kể từ mẹ, từ những trang sách, những bài thơ về người mẹ, người bà, những người phụ nữ trong chiến tranh, lúc đó tôi chỉ suy nghĩ về những người mẹ anh hùng, người bà bên bếp lửa... Lớn lên, khi biết đến cuộc sống này là những chuỗi ngày ngổn ngang, càng ngày tôi càng thấm thía sự cam chịu của người đàn bà.

Trong một xã hội hiện đại như hôm nay, dù có sự bình đẳng giới, có sự chia sẻ cảm thông với những người phụ nữ, song sự bình đẳng đó chưa hẳn đã chứng minh rằng người phụ nữ đã thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của thân phận.

Bỏ qua những người đàn bà thành đạt, tự giải phóng mình, có tiếng nói riêng trong gia đình và xã hội, tôi chú ý đến những thân phận đang hiện trước mặt tôi, những phận đời đớn đau mà tôi từng chứng kiến. Những người đàn bà khiến tôi chạnh lòng và đau đớn, những người đàn bà ôm con giữa chợ để mưu sinh, những người đàn bà làm phu khuân vác ở bến xe, những người đàn bà lê lết trên hè phố hay những người đàn bà sống trong xó bếp thôn quê...


Chiều, ngồi bên quán chè gần chợ Đông Ba, tôi thấy người đàn bà đi trên con đường như thể đó là con đường thân phận, chợt thấy xót xa trước người mẹ lưng còng vẫn cần cù gánh những mớ rau. Liêu xiêu đôi quang gánh trên đôi vai gầy, những bước chân chập choạng như gánh cả cuộc đời, gánh cả nợ nần mà người đàn bà đó phải nặng mang. Về tuổi xế chiều, bà phải được hưởng thụ và sống vui vẻ với con cháu. Nhưng không, bà vẫn đi đôi chân với nhiều vết nứt rớm máu. Tôi nhìn khuôn mặt bà với nhiều nếp nhăn như những vệt sứa cau mà bà đang mân mê trên đôi bàn tay biến dạng. Hôm đó trời lạnh, bà mang bộ áo mưa màu xanh đã cũ để gió khỏi lùa vào, chiếc áo mưa có vẻ dài so với dáng người của bà nên cứ quẹt dưới đôi dép khiến bà đi lại khó khăn. Tôi đến bên hàng rau nhỏ của bà làm quen và hỏi chuyện mới biết sự cơ cực của người mẹ già. Những ngón tay co quắp dính đầy nhựa rau đưa ngang quệt những giọt nước mắt mặn đắng. Bà Mến, người mẹ của sáu người con bây giờ lưng đã còng, tóc đã bạc, nhưng vẫn mưu sinh để nuôi hai người con bệnh nặng. Ngày đó, bà được gả về làm dâu một gia đình nặng nếp sống phong kiến. Cuộc sống tù túng, nghèo khó và sự khắt khe của bố mẹ chồng khiến bà mỏi mệt. Nỗi buồn của bà lại càng dâng lên, nỗi cô đơn tăng lên gấp bội khi phải chịu đựng một mình những oan ức, những khổ tâm mà không người san sẻ. Và sáu người con lần lượt ra đời, một tay bà gánh vác cả gia đình ba thế hệ. Góp nhặt được ít tiền nhờ những gánh rau hôm sớm của bà, gia đình may ra hôm đó có vài ngàn mua gạo. Cuộc sống tù túng, đói nghèo khiến tâm lý người chồng chán nản và thấy mình bất lực, rồi sa vào rượu chè, về nhà đánh đập vợ con. Còn lúc nào khổ hơn, bà gánh hàng rau nặng nhọc đi lấy tận chợ đầu mối, trong sương sớm, đôi chân bà phải gắng đi thật nhanh cho kịp buổi chợ sáng. Kiếm được vài đồng, về đến nhà bà lại quần quật làm việc cho đến khuya. Có những ngày, về đến nhà bà lại bị chồng quăng đi đôi gánh, đánh đập tả tơi. Và rồi, sáng mai, gà gáy, bà lại đội mình đi trong sương sớm, đội cả vết thương còn đang bầm tím trên người. Bà bảo rằng, những lúc đói lòng, nồi cơm rang là niềm hạnh phúc của gia đình, bà nhặt thêm mấy cọng rau bán thừa để làm thêm canh cho dễ nuốt, cho qua ngày. Cuộc sống thời hiện đại vẫn còn những số phận đớn đau, bà Mến như đau tận tim gan khi con kêu đói, khi con đòi đi học. Các con của bà không thể tiếp tục đến lớp và đã rời xa ngôi nhà nghèo khó của mình để đi khắp phương trời kiếm ăn, mong sao tương lai không phải khổ như ba mẹ. Chỉ còn số phận của hai người con bà, cứ tỉnh tỉnh mơ mơ, không nhận thức được khổ đau vui sướng trong cuộc đời này. Nó cứ cười, và cười mãi, cười trước cả những giọt nước mắt, cười cả những vết cắt ruột gan của người mẹ đáng thương. Tôi lặng người rồi tự hỏi: Thân phận là gì?

Khi bước vào cuộc đời để sống cuộc sống tự lập, đã có lần mẹ dặn, là thân con gái phải mạnh mẽ trong cuộc sống và phải tạo cho mình một cuộc sống tự do. Bất giác tôi nghĩ về những lời mẹ dặn và cũng tự dặn lòng phải kiên cường trong cuộc sống, bởi hiện tại không còn là cuộc sống ngày xưa. Tôi nghĩ đến quyền lợi của mình, sự bình đẳng của mình trong xã hội. Phụ nữ cũng cần tự do và kiến tạo cho cuộc sống có ý nghĩa và tất nhiên, không trái với luân thường đạo lý nhưng sống đúng nghĩa là mình.


Buổi chiều đi làm về và ghé vào nhà chị bạn, tôi ở lại cùng dùng bữa với gia đình. Lúc đó tôi và chị xuống bếp làm thức ăn, chị loay quay con cái, dọn nhà, trong lúc đó người chồng đang mải mê xem bộ phim kinh dị mà không cần nghĩ đến chuyện xung quanh. Chợt nghĩ đến sự vô tâm lạ lùng trong gia đình hiện đại. Dẫu biết không phải tất cả các gia đình hiện đại đều như thế nhưng chứng kiến gia đình này, tôi thương chị vô cùng. Một người phụ nữ hiện đại sang trọng và giỏi giang bên ngoài nhưng khi về nhà, chị cũng lại một mình lầm lũi lo cho gia đình với bao nhiêu công việc. Thiết nghĩ, nếu có người chồng sẻ chia, có lẽ chị cũng có khoảng thời gian vui vẻ, cùng gia đình xem phim hay trò chuyện, có thể chị sẽ có thời gian để làm những thứ mình thích. Là vợ chồng sống với nhau, cùng đi làm bên ngoài xã hội, cùng về đến nhà một lúc sao người phụ nữ lại phải lao đầu vào bếp và nấu ăn dọn dẹp trong khi người chồng đọc báo và xem tivi?

Một ngày, về thăm quê, tôi gặp lại người bạn cũ, khung cảnh vẫn như xưa nhưng sao bạn tôi khác quá. Bây giờ Liên đã có chồng, cô đau khổ đến tột cùng khi lấy phải một người chồng chẳng ra gì và bị gia đình chồng ghẻ lạnh. Đang mang thai tháng thứ bảy, Liên vẫn phải đạp chiếc xe cà tàng đi tìm chồng giữa tiết trời mùa đông giá lạnh. Nhớ hồi đó, Liên đẹp lắm, hai chiếc răng khểnh gắn với đôi mắt biết cười khiến ai cũng trầm trồ khen. Hồi đó mọi người nói số Liên sướng. Ngày Liên sinh con, ông bà nội không ghé đến bệnh viện để động viên, chỉ có người mẹ gầy hao ôm con gái khóc trong nỗi đau đớn của hai người đàn bà. Ngày sinh nở là ngày đau khổ nhất trần ai của người phụ nữ thập tử nhất sanh. Ai có một lần đau đẻ mới biết sanh đẻ là khổ đau tận cùng của những cái đau khổ khác. Vậy mà, hôm đó chồng Liên biết vợ sinh nhưng vẫn ngồi nâng cốc bia với bạn bè. Liên ôm con và nước mắt cứ rơi. Sự buồn tủi khiến Liên quên mất niềm vui khi con chào đời, bởi Liên nghĩ cô con gái sau này có phải chịu đựng như mẹ nó bây giờ không? Đáng ra, lúc đó, Liên có chồng bên cạnh, vỗ về an ủi để xoa dịu cơn đau. Biết rằng không phải người đàn ông nào cũng như thế, nhưng khi nghĩ lại cảnh đó, tôi cảm thấy rùng mình trước sự thờ ơ của chồng Liên và sợ những nỗi đau mà cô phải gánh chịu. Nỗi đau quá lớn đối với người con gái trẻ. Cuộc sống rồi cũng đưa đầy thân phận, người xưa có câu hát “mười hai bến nước biết bến nào trong”, người đàn bà ngày xưa vẫn may nhờ rủi chịu, không tự chọn được bến đỗ cho mình vì không ai biết trước được rằng tương lai sẽ ra sao.

Trên quê hương tôi, vùng núi cao thăm thẳm, đi sâu vào núi là giáp địa đạo Khe Trái. Dấu tích sau chiến tranh là những mảnh bom đã vỡ, có những quả bom còn đang nguyên vẹn. Hồi đó nghèo, đàn ông thanh niên trong làng đã sắm những chiếc máy rà sắt để đi thu nhặt những mảnh bom vụn về bán để nuôi vợ nuôi con. Thế rồi, từ những quả bom chưa châm lửa đã khiến bao người chồng, người cha bỏ lại thân xác mình trong núi sâu.

Tôi chứng kiến người đàn bà bị mất chồng do tàn dư của chiến tranh, chị đau đớn khi thi thể chồng không được vẹn nguyên. Trên vùng thảo nguyên, căn nhà đơn sơ nhỏ nhắn đầy tiếng cười hạnh phúc của gia đình chị bây giờ đã tan vỡ, những đứa con không còn cha để nũng nịu và dạy dỗ. Chị Sa, cố gắng cầm cự và mạnh mẽ đứng lên để nuôi hai đứa con đang còn tuổi lên ba. Hôm đó, trời mây đen kéo đến như những cơn đau ùa về trong chị. Còn nhớ khi chồng mới mất, chị đã cười vang, cười cho đến khi ngất lịm. Chị cười bởi ông trời trớ trêu luôn đùa với chị. Giờ đây, cỏ cây như cũng úa theo những nỗi niềm của chị. Vùng thảo nguyên tươi đẹp lúc ấy gắn với những vết sẹo thời gian và như bị xáo trộn bởi những tiếng bom thình lình nổ vang dội đất trời. Nhìn đôi mắt chị, tôi hiểu rõ rằng người phụ nữ tuy yếu đuối nhưng khi đã rơi vào bi kịch thì tất thảy họ luôn đứng lên và gan lì hơn. Nét thùy mị trên khuôn mặt đoan trang bây giờ đọng bao nỗi lo âu, đôi mắt chị chùng lại khiến ai ai cũng nao lòng. Ròng rã bao nhiêu năm trời, chị gan lì và mạnh mẽ, chị một mình âm thầm lên rừng đốn củi và làm thuê để nuôi hai con. Giá như chị không mất chồng, bây giờ chị đã rất hạnh phúc. Tôi thầm nghĩ, một người như chị đáng ra phải được hạnh phúc, sinh ra trong thời còn khốn khổ, bây giờ đên lúc có nơi dựa dẫm thì không được bao lâu, bờ vai rắn chắc đó đã nằm dưới đất kia lạnh lẽo để một mình chị khóc chồng và gánh cả đôi vai của chồng để bước tiếp. Chị như bông hoa thạch thảo, giữ màu tím thủy chung son sắc và gan góc mọc lên từ những phiến đá kia, phiến đá cuộc đời đã đè nặng lên vai chị nhưng chị vẫn lật tung ra và đứng lên bằng sức mạnh của mình.

Một ngày, lang thang gần cả giờ đồng hồ tại bến xe phía Bắc để đón bạn từ xa về. Trong khói bụi mịt mờ, một khuôn mặt hiền hòa phúc hậu của một người phụ nữ bán sách dạo hiện ra. Tôi lại gần, nhìn thấy trong hàng sách của dì không biết bao nhiêu cuốn, nào là Tử vi tướng số, nào là Truyện Kiều, nào là Hạt giống tâm hồn... Nụ cười vui vẻ chào mời khách cũng thật nhẹ nhàng như một người đàn bà đầy đức hạnh. Cầm quyển tử vi tướng số trên tay, luyên thuyên với dì Ngọ vài câu chuyện mới nhận ra hai người chúng tôi có duyên. Chẳng quen biết nhưng như đọc được ánh mắt của dì, tôi lắng nghe tâm sự của người đàn bà khốn khổ này. Dì bảo rằng sống trên đời, việc gì xảy ra âu cũng là số phận, cuộc đời dì bây giờ cũng là số phận sắp đặt. Nhìn khuôn mặt tuyệt đẹp của dì, tôi lại nao lòng, người xưa có câu “hồng nhan bạc mệnh”, có thể dì là một dẫn chứng của câu nói đó. Nước mắt rưng rưng, dì kể về những ngày cơ cực, những ngày nay đây mai đó kiếm sống nuôi con. Tay têm những miếng cau trầu, không biết bụi đường bay vào hay dì khóc mà đôi mắt ngấn lệ. Hồi đó dì lấy chồng, mái ấm hạnh phúc không được bao lâu thì chồng dì bỏ đi theo người khác, đau đớn hơn, người đàn bà đó lại sống cùng trong ngôi làng và dì phải chấp nhận cuộc sống nhìn thấy chồng mình nhưng không được sống cùng. Người đàn bà nhỏ nhắn này bồng bế hai đứa con thơ dại còn bú mớm mà rong ruổi mưu sinh. Những ngày tháng cheo leo, đau khổ vật vã, tưởng chừng dì ngã quỵ. Nhưng bản năng làm mẹ trỗi dậy, dì lang thang khắp mọi nẻo đường để kiếm tiền nuôi con. Rồi số phận cũng chưa chịu buông tha, khi đứa con trai dì lớn lên và ăn chơi theo chúng bạn. Bao nhiêu tài sản dành dụm bấy lâu đều theo con mà tan biến. Dì bảo, có ngày dì chỉ cầm nắm xôi mua buổi sáng với năm ngàn đồng, ăn đến tối khuya, chỉ mong lót dạ cho có sức để tiếp tục bươn chải kiếm sống. Những đớn đau của dì quá lớn, nó găm lấy cả cuộc đời người phụ nữ.

Vẫn biết những muộn phiền là điều rất bình thường trong cuộc sống, nhưng không có nghĩa người phụ nữ phải gánh chịu tất cả. Phụ nữ cần được sẻ chia và thấu cảm. Đôi khi, những hành động nhỏ nhoi mang lại niềm vui cho người phụ nữ thì đối với họ đó là cả một niềm hạnh phúc. Hạnh phúc là khi được san sẻ cho nhau những việc làm vụn vặt, đôi khi chỉ cần im lặng nhưng có bờ vai tựa vào cũng đủ sưởi ấm cả trái tim. Và đôi khi, kham khổ bao nhiêu nhưng khi nhìn con mình khỏe mạnh và khôn lớn thành người, đó là niềm hạnh phúc vô bờ của người phụ nữ. Chứng kiến chị Thảo nuôi người con khuyết tật và mẹ già ngoài chín mươi mà tôi quặn lòng, tôi tự vấn làm sao một người phụ nữ với thân hình nhỏ nhắn gầy yếu đến thế mà có thể bế được người con khuyết tật, ngồi không vững và đứng không lên, và thêm một tay nuôi mẹ già nằm bệnh? Trong tôi, chị quá đặc biệt. Phải chăng khi đối diện với cuộc sống lắm tai ương và bất trắc như vậy thì người ta trở nên người kiên cường.

Tôi được biết chị Thảo qua một lần đi thực tế, lần đó ghé vào làm từ thiện cho các gia đình khó khăn, tôi mới biết được sự cam chịu và ý chí mãnh liệt của chị. Chồng hy sinh trong chiến tranh, để lại cho chị mẹ già và cô con gái nhiễm chất độc da cam. Chị khóc khi nghe tin chồng hy sinh và chị mất đi chỗ dựa duy nhất của cuộc đời. Chẳng khó nghĩ khi Hồ Xuân Hương đã nói về thân phận đàn bà như chiếc bánh trôi “Bảy nổi ba chìm”. Chị Thảo bây giờ như rơi vào ngõ cụt, chị không tìm ra lối thoát cho mình khi mang trên mình trách nhiệm của người làm mẹ, làm con. Nhìn cảnh chị quần quật cả ngày với cô con gái trên xe lăn, ú ớ nói không nên lời, với mẹ già bệnh nặng đang nằm đó. Nhiều đêm, chị đói, chị chỉ biết ngồi pha những ấm trà nóng uống cho qua và mong ngày mai trời lại sáng. Những tách trà là người bạn tâm sự với chị mỗi đêm khi con và mẹ đã ngủ say. Chị uống tách trà suông và rồi lại suy nghĩ, chị nghĩ về ngày mai, kiếm đâu ra gạo để nuôi cả gia đình, chị nghĩ làm sao để khi con ốm sẽ có thuốc cho con. Bây giờ chị sống trong sự đùm bọc của xã hội và người quen cùng những mớ rau quanh vườn. Nhưng rồi, cuộc sống cũng sẽ ổn, dù không có một ngày chị nghỉ ngơi, dù cho chị không thở phào được một cách thoải mái, nhưng chị vẫn lặng lẽ làm trọn bổn phận và dành hết tình yêu thương của mình cho gia đình chị, gia đình với ba người phụ nữ bất hạnh trong cuộc đời này. Chị xem niềm hạnh phúc của chị là thấy nụ cười của con khi vẽ xong những bức tranh bút chì màu bằng đôi chân tật nguyền của nó. Chị hạnh phúc khi những lúc mẹ khỏe lại và cười với chị. Những điều nhỏ nhoi mà to lớn trong cuộc đời của chị. Đôi mắt chị xa xăm nhưng trên đôi môi chị vẫn có nụ cười, chị cười vì cuộc đời quá đắng cay.

Đôi khi có những khổ đau đến tận cùng, những giọt nước mắt sẽ không còn giá trị đối với họ, nước mắt không làm nhòe thêm thân phận nữa mà bây giờ họ phải gồng mình lên để chiến thắng còn hơn phải khóc trong vô vọng.

P.A  
(SDB16/03-15)






 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Nồi bánh tét (15/02/2015)
Hương lúa (27/01/2015)
Dĩa rau khoai (15/01/2015)
Ký ức A Lưới (26/11/2014)
Lá bồ đề (06/10/2014)