Bút ký - Tản văn
Trường Văn Hóa Miền Tây nửa thế kỷ...
09:05 | 29/10/2015

HÀ KHÁNH LINH
                Bút ký

Trường được thành lập từ năm 1963.
Thầy và trò lần lượt ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến nay chỉ còn sót lại hơn một nửa, tìm cách liên lạc với nhau mãi mới thực hiện được một chuyến trở về tìm lại dấu tích mái trường xưa - giờ đã nằm sâu vào lãnh thổ nước Lào...

Trường Văn Hóa Miền Tây nửa thế kỷ...
Nhà văn Hà Khánh Linh (đứng - thứ 4 từ trái qua) cùng các cựu học sinh Trường Văn Hóa Miền Tây

Gần đến điểm tiếp giáp xã A Đớt của huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế - Việt Nam với bản Ka Long xã Tà Vàng thuộc tỉnh Sê Kông của Lào đường càng khó đi. Con đường bê tông nhựa đã bỏ lại phía sau xa, men theo đường đất đỏ chạy chừng vài cây số thì ô tô khó có thể tiếp tục. Đi bộ thì đi. Có sá gì! Tôi nhanh nhảu nhảy xuống với vài người nữa thoăn thoắt bước lên phía trước. Rừng nguyên sinh sừng sững. Cây cối chằng chịt, hết dốc cao đến đèo vực. Tiếng chim rừng gọi nhau, tiếng ve ran da diết, lòng ai nấy thấp thỏm: Liệu có thể tìm thấy dấu tích của khoảng rừng xưa - nơi Trường Văn hóa miền Tây trú đóng? Sau nhiều lần triển khai kế hoạch phân định lại lãnh thổ và tôn tạo hệ thống cột mốc biên giới quốc gia - tính đến năm 2012 thì đây là một trong 462 vị trí cột mốc trên toàn bộ biên giới Việt - Lào. Bước chân càng dẫn sâu vào lãnh thổ nước Lào lòng càng rưng rưng với ý nghĩ: Những cán bộ, chiến sĩ và học sinh ngày xưa gởi thân xác ở đó giờ trở thành đất khách quê người. Thương quá! Thương lắm, nhất là em nữ sinh có tên là Nguyệt và dung nhan em cũng rạng ngời như một vầng trăng... Nhà trường phải tự túc lương thực. Lúa với sắn trên rẫy chưa kịp thu hoạch đã bị Mỹ đánh bom, bị rải chất độc hóa học Diocine. Rau rừng và sắn rừng nhặt mãi cũng hết, nên phải lội rừng đào bới củ nâu. Củ nâu gọt sạch vỏ xắt lát mỏng cho vào một cái sọt đặt giữa lòng suối chừng vài hôm. Nước suối chảy mạnh làm bợt bạt bớt màu nâu để bớt đắng, nhưng vẫn còn rất đắng! Nấu chín lên, vừa cho vô miệng đã thấy đắng lắm, nhưng ai cũng cố gắng nhai, cố gắng nuốt để lấp đầy dạ dày. Em Nguyệt vừa cắt cơn sốt nên ưu tiên ít gạo để nấu cháo cho em. Nhưng em còn ăn thêm một chút sắn, một chút củ nâu với các bạn cùng lớp, rồi em lả đi, không bao giờ tỉnh dậy được nữa!

Với sự nhanh nhạy tháo vát của các cựu học sinh Trần Văn Thắng, Hồ Mư, Nguyễn Viết Ân đã đến liên hệ với đồn biên phòng Lào mượn một chiếc xe Zin ba cầu. Đích thân một anh bộ đội biên phòng Lào cầm lái, đón tất cả thầy cô giáo và cựu học sinh lên xe, chạy băng băng qua những thung lũng gò đồi lởm chởm dốc đá, đường viền, suối khô, suối cạn, suối sâu... Những cú xóc bật tung người lên rồi đột ngột ném xuống, lật nhào ngả nghiêng dồn lên nhau bên nọ, bên kia, phía sau, phía trước... Ai cũng cố bám lấy thành xe, bám vào nhau cười giòn. Không hẹn các cựu học sinh cùng thốt lên:

- Giống hệt như hồi xưa bắt được xe ở trạm làng Ho...

Ký ức dồn dập kéo về. Ngày ấy Ban giám hiệu nhà trường nhận được chỉ thị của trên phải nhanh chóng đưa các em ra miền Bắc học, vì địa bàn trường đang ở trọng điểm đánh phá của các loại bom pháo địch. Một số cơ quan đơn vị chung quanh đã lần lượt bị trúng bom. Tất bật chuẩn bị cho các em đi. Gói ghém thức ăn đồ dùng áo xống giày dép thuốc men... Trừ hai em Nhơn và Tại mới 16 tuổi nhưng nhất quyết xin ở lại chiến trường để gia nhập Quân Giải phóng. Số còn lại cả thảy có 35 em dân tộc ít người với 40 em người Kinh quyến luyến giã từ các thầy cô giáo, giã từ ngôi trường đầy ắp kỷ niệm vào một buổi sáng tháng 5/1967 trời miền Tây xanh như ngọc... Không thể nói hết những gian khổ ác liệt trên đường đi. Mấy lần suýt chết vì bom toạ độ, bom B52. Đường mòn Hồ Chí Minh với đèo cao vực sâu, trơn trợt vì mưa lũ, rát bỏng vì nắng nóng, đói, khát nước. Những cơn sốt bất thần kéo đến - y như những quả bom tọa độ bất ngờ trút xuống từ những chiếc máy bay phản lực của không lực Hoa Kỳ luôn gầm rú trên bầu trời. Có em tuổi vừa lên 7 lên 8 như em Tuyết, em Hường, em Thiên, em Cúc, em Min, em Chỏi... Lớn hơn một chút như em Hoa, em Hồng, em Hải, em Liễu, em Mai, em Mư... Những bàn chân nhỏ xinh của các em đã phải vượt qua những cung đường hiểm nguy, những cánh rừng đầy bất trắc như thế, đến làng Ho mới có xe. Xe cũng chạy dưới làn bom đạn qua vực ngầm, đèo dốc… mãi mới tiếp cận được với Quốc lộ 1 đưa các em đến Thủ đô Hà Nội vào ngày 30 tháng 6 năm 1967. Ngót 55 ngày đêm các em dãi dầu gian khổ trên đường. Anh bộ đội biên phòng Lào lái xe nói sõi tiếng Việt và khá vui tính. Khi Zin ba cầu không chạy được nữa thì tất cả cùng xuống xe, bộ đội biên phòng Lào giờ đây trở thành người dẫn đường cho thầy trò, vạch rừng già đi tìm dấu tích mái trường xưa. Gần nửa thế kỷ đi qua, cảnh vật thay đổi nhiều lắm. Dẫu đã bám sát tọa độ, nhưng ba bên bốn bề chỉ có cây với dây leo mọc ken dày chằng chịt. Những cựu học sinh dân tộc ít người từ lâu đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, cán bộ đầu ngành của huyện A Lưới như Hồ Mư, Trần Mia, Hồ Mương... với thầy giáo Lê Khâm lúc nầy đây trở thành những thổ công đi đầu trong cuộc tìm kiếm.

Sau bao nhọc nhằn mọi người cùng thốt kêu vui sướng khi tìm thấy những dấu tích quen thuộc: Kia quả núi cao lớn uy nghi sừng sững như muốn chạm vào lưng trời - nơi thầy giáo Vui thường đi săn thú rừng phá hoại nương rẫy. Đây rồi con suối lớn gần trường mỗi khi thầy trò đi rẫy về thường tranh thủ tắm rửa. Em học sinh nào bị sốt thì ngồi đợi ở bờ bên nầy để thầy cô giáo mang dụng cụ cuốc xẽng cùng với sắn, rau rừng... sang đặt bờ bên kia xong, liền lội trở lại để cõng các em, không cho các em dẫm chân vào nước. Hoặc trong lúc đang làm rẫy mà nhiều em bị sốt, thì khi ra về các em học sinh lớn cõng các em nhỏ lội qua suối. Con suối giờ đây ít người qua lại nên đá trong lòng suối bám đầy rêu xám. Những con ốc gạo, những con cá xanh không bị mò tìm ráo riết như ngày xưa nên nhởn nhơ dập dềnh miên man đùa giỡn trong lòng suối. Và kia tấm rẫy hình yên ngựa ngày nào chúng tôi gieo lúa và tuốt lúa bằng tay, trồng sắn và bới sắn về mỗi sáng mỗi chiều… Với cây mít hiếm hoi nửa thế kỷ qua vẫn đứng sừng sững giữa đất trời dù thân cành đã khô. Trước mặt là quãng rừng tương đối bằng phẳng với những quả đồi thoai thoải nối tiếp nhau - nơi ngày xưa được dựng nhiều nếp nhà thưng nứa, mái lợp lá cọ, lợp tranh làm phòng học, chỗ ăn ở, hầm trú ẩn cho các em. Ở mỏm đồi cách xa con suối chừng vài trăm mét, Nguyễn Văn Trạch, Nguyễn Viết Ân, Trần Văn Thắng khẳng định khoảng giữa hai bụi lồ ô này là mộ chôn em Nguyệt. Còn nhớ chiều muộn bác Huế Bí thư chi bộ với thầy Giang dạy vật lý, thầy Đạt dạy toán đã đưa em Nguyệt đi an táng. Sáng sớm hôm sau các em học sinh mới đến để đắp cao thêm phần mộ cho bạn Nguyệt, rào dậu, trồng hoa. Nhưng giờ đây tất cả là một thảm thực vật xanh rì tầng tầng đổ bóng lên nhau, không biết đâu là mộ phần em Nguyệt... Mọi người lặng lẽ cất bước trở lại vạt rừng cửa ngõ của mái trường xưa. Những của lễ đem theo được bày biện trên những tấm bạt trải rộng: hương, đèn, bánh kẹo, trái cây, thức uống và hoa cúc, hoa huệ với rất nhiều áo xống tiền bạc cõi âm. Ngoài em Nguyệt, các thầy cô giáo và học sinh của trường không có ai ngã xuống trên khoảng rừng này. Nhưng ngay tại khoảng rừng này có rất nhiều thân xác của các anh bộ đội. Khi các em học sinh đi hết rồi, các thầy cô giáo đang chờ lệnh điều động đi nhận công tác mới, trong đó có hai cô giáo là Kăn Xanh và tôi. Cô giáo Kăn Xanh - có tên kinh là Xinh. Đó là một người con gái Pa Cô tuyệt đẹp, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to và trong sáng, rèm mi dày cong vút, đôi môi rất sinh động và gợi cảm. Tính nết Kăn Xanh hiền lành, cô sinh hoạt ứng xử tế nhị như những cô giáo người Kinh mẫu mực. Một hôm trong lúc ăn sáng bác Huế nói:

- Một lần nữa tôi nhắc các đồng chí là phải xuống hầm mà ngủ. Kể từ hôm nay đồng chí nào không chấp hành lệnh ngủ hầm là phải thi hành kỷ luật.

Mọi người im lặng lắng nghe, không ai nói một lời nào. Bởi không ai muốn ngủ hầm cả. 21 giờ, Bí thư chi bộ cầm đèn pin leo lên các mỏm đồi, đi qua các nhà để kiểm tra. Chỗ của hai cô giáo được kiểm tra sau cùng. Yên chí rằng mọi người đã chấp hành mệnh lệnh tốt. Hôm sau Bí thư nói:

- Cái hầm của hai cô không tốt, vừa chật vừa mỏng, tối nay hai cô lên chiếc hầm kiên cố trên kia mà ngủ.

Mệnh lệnh này giáng xuống thấy rất khó cưỡng lại. “Hầm kiên cố” chúng tôi hiểu ngay đó là một căn hầm rộng đục xuyên một quả núi đá, trước đây dành làm chỗ trú ẩn cho học sinh. Hai chị em bảo nhau thôi thì đành phải nghe lời “ông già” cho yên chuyện.

Buổi chiều các thầy cô giáo đi làm rẫy về thấy bộ đội ở trong cơ quan mình rất đông. Từ lối rẽ vào trường đã thấy nhiều anh treo võng nằm rải rác dưới các tán cây, có mấy anh đang hì hục đào công sự, có anh đang đi kiếm rau rừng. Cảnh này không lạ gì với chúng tôi. Các đơn vị bộ đội hành quân từ miền Bắc vào Nam không muốn nghỉ lại đêm ở các trạm khách, nhất là từ sau khi các Binh trạm bị đánh tới tấp, các anh muốn vào khu vực cơ quan trường học ở nhờ qua đêm, nấu nhờ cơm ở bếp cơ quan. Một vài lần như vậy thì được, nhưng nhiều lần quá chúng tôi cũng ngán!

- Cơ quan mình giờ đây không khác gì một Binh trạm!... - Thầy giáo Lê Khâm cố nhẫn nhục thốt lên với đồng nghiệp như vậy.

Như thường lệ, đi làm về nóng nực, mệt mỏi, nhớp nháp, Kăn Xanh và tôi vội lấy áo xống rồi chạy ùa xuống khúc suối tương đối yên tĩnh và kín đáo ở phía sau nhà bếp để tắm. Nhưng vừa đến nơi chúng tôi khựng lại. Chỗ tắm quen thuộc của chúng tôi giờ đây có mấy anh bộ đội đang treo võng nằm cạnh nhau. Chúng tôi xấu hổ quá bèn lội ngược, ngược mãi lên, cố tìm một đoạn suối khác tương đối “an toàn” hơn. Nhưng đi đến đâu cũng gặp các anh mắc võng nằm khắp chung quanh, lại còn thả lời trêu ghẹo hai chị em chúng tôi. Hai chị em thất vọng quá, đành lội suối quay trở về. Một lần nữa các chàng lính trẻ lại nháo nhào lên... Chúng tôi không quan tâm những lời bông lơn chọc ghẹo của họ. Hai chị em cứ vốc nước rửa mặt qua quýt rồi về lán của mình, lòng đầy “oán hận” bác Huế, lúc nào cũng “rước” khách vô nhà! để đến nỗi đi làm về không có được một chỗ tắm! Cả cánh rừng, cả mỏm đồi, và đặc biệt là chỗ chiếc hầm đục xuyên quả núi đá giờ đây có rất đông các anh bộ đội đang treo võng nằm khắp nơi, trong hầm, ngoài hầm, phía trước, phía sau...

Hai chị em lại tiếp tục ngủ trong căn hầm mà bác Huế chê là chật và mỏng. Đêm hôm đó khoảng 3 giờ sáng thì máy bay B52 ném bom vào trường Văn hóa miền Tây. Loạt bom đầu tiên rơi một vệt chéo qua chỗ của tôi và Kăn Xanh. Tiếng nổ chát chúa ngay sát bên mình kéo cả hai ra khỏi giấc ngủ. Một loạt bom nữa, rồi một loạt bom nữa. Trời đất rung chuyển như muốn sụp đổ tất cả! Tiếng đổ ầm ầm của những cây cổ thụ hòa cùng tiếng núi sập, mùi dầu bom hăng hắc khét lẹt. Đầu tôi đau như búa bổ và choáng váng. Tai đau, nghẹn cổ họng và tức ngực. Đất đá phủ đầy mặt, rất khó thở. Biết mình vẫn còn sống, tôi đưa tay tìm Kăn Xanh, gặp Kăn Xanh cũng đang quờ quạng tìm tôi. Cả hai biết mình hãy còn sống. Đợi cho tiếng máy bay phản lực hộ tống máy bay B52 rít qua đầu xong chúng tôi đội đất, lần tìm miệng hầm, cố dẫy dụa bò thoát ra. Trời tối đen như mực, ngửa bàn tay không thấy, nhưng qua sờ soạng chúng tôi biết quanh mình là đất đá với những thân cây cổ thụ bị băm vằm, bị đốn ngã chằng chịt, ngổn ngang. Tại cái nơi mà cách chỉ nửa giờ trước còn là nền nhà, là cửa, là bậc cấp lên xuống, bây giờ chúng tôi đặt bàn chân lên không lọt! Cành cây, đất đá cản bước chân của chúng tôi. Cùng lúc tôi nghe tiếng kêu cứu, tiếng rên rẩm khắp xung quanh. Tôi sực nhớ sau loạt bom đầu tôi đã nghe thấy tiếng kêu rên chung quanh mình như vậy, sau loạt bom thứ hai tôi không còn nghe tiếng kêu rên nữa, có thể số người đó đã chết, còn bây giờ là tiếng kêu rên của những người vừa bị trong loạt bom sau cùng...

- Có người bị thương cần cứu, làm thế nào bây giờ. Tôi nói.

- Hãy sờ khắp người mình xem có bị thương không đã! - Cô Kăn Xanh nói.

Tôi làm theo lời Kăn Xanh và nhận thấy có một dòng nước nóng chảy ra từ mũi. Về sau lúc trời sáng tôi mới biết đó là máu. Còn bấy giờ tôi tưởng là nước mắt nước mũi. Xây xẩm, choáng váng lắm. Đầu đau, tai đau và tức ngực lắm, nhưng tôi cố trườn qua chướng ngại vật cây cành đất đá cố tiếp cận với tiếng kêu rên gần nhất. Kinh nghiệm chiến trường cho chúng tôi biết đất đá từ những hố bom sâu hoắm bên cạnh đang vùi lên thân những người đã không bị bom nghiền nát. Kăn Xanh cũng làm như tôi, cố vượt qua chướng ngại để dùng hai bàn tay bới đất. Chúng tôi bới mãi tìm mãi mới sờ trúng được một cái đầu. Bới tiếp đào tiếp cho lớp đất vơi dần đi, tôi đã sờ được mắt mũi của người bị nạn, tôi moi đất ra khỏi mũi người đó xong lại mau mau lần tìm đến những tiếng rên rỉ khác trong lòng đất. Với bốn bàn tay của hai người con gái sờ soạng trong đêm tối như mực, chúng tôi cố hết sức mình đào bới lia lịa vừa khóc vì bất lực, khi biết rằng rất nhiều bộ đội đang bị vùi lấp, không đào kịp thì không cứu sống, nhưng chúng tôi mỗi đứa chỉ có hai bàn tay! Hai bàn tay đang hối hả cật lực!, chúng tôi cố nhanh, nhanh hơn nữa... Đã lòi ra một cái đầu nữa. Cũng với động tác vuột mặt và moi đất trong mũi ra để cho người đó có thể thở được. Chúng tôi lại lần bò tới những tiếng rên khác. Chung quanh có nhiều tiếng rên quá! Không biết tiếp cận với tiếng rên nào trước. Lại đào, lại bới... Khi trời lờ mờ sáng có lẽ lúc bấy giờ khoảng 4 giờ 30 phút, chúng tôi ước tính mình đã bới cho năm cái đầu được trồi lên khỏi mặt đất. Lúc này những tiếng rên rỉ trong lòng đất đang lịm dần, thưa dần rồi tắt hẳn, chúng tôi hiểu là các anh đã chết. Nước mắt ràn rụa tôi cố nuối nỗi đau, nhưng nỗi đau cứ lớn dần lên choán tràn cả bầu trời mặt đất! Tôi bật khóc và máu mũi tôi cũng vọt trào ra. Cùng lúc những chiếc võng cứu thương của đơn vị phẫu thuật dã chiến đóng gần đó tìm đến. Trạm phẫu thuật tiền phương này hễ nghe bom đánh xong là họ đi tìm người bị nạn để cứu. Từ chỗ họ đóng quân đến đây chừng năm cây số. Trong khoảng thời gian hơn một tiếng đồng hồ trong đêm tối vừa nhận định phương hướng, vừa vạch đường rừng đi được tới đây là không nhanh, không chậm. Tôi thầm lý giải như vậy để xua tan sự oán trách họ đã không kịp đến để cứu những nạn nhân lẽ ra có thể cứu sống được! Tôi lại tiếp tục biện minh cho họ khi nghĩ rằng họ đâu có biết một đơn vị bộ đội vào nghỉ đêm ở cơ quan chúng tôi và đã lâm nạn?... Tôi chỉ cho đơn vị cứu thương thấy năm cái đầu chung quanh chỗ chúng tôi đứng. Họ tập trung đào bới đưa được toàn thân năm anh bộ đội này lên khỏi lòng đất. Làm hô hấp nhân tạo, thấy máu trào ra mũi, ra miệng các anh. Họ vội cáng các anh về trạm phẫu. Các thầy cô giáo khác ở những mái lán rải rác cách xa nhau hãy còn sống. Họ đã vạch đường đến quây cụm bên Kăn Xanh và tôi. Họ không tin là hai chúng tôi vẫn còn sống. Từ những vị trí của họ quan sát thấy chỗ của hai chúng tôi lọt thỏm giữa những quả bom tấn. Các thầy giáo nhìn thấy hai chúng tôi mà không tin vào mắt mình! Lại còn bò dậy đi cứu thương binh nữa chứ! Nhưng có cứu được bao nhiêu đâu? Tôi thầm nhủ - tất cả đều đã chết. Đau đớn hơn, trong chiếc hầm đục xuyên núi mà tôi đã nói trên, có bảy anh bộ đội treo võng nằm bên trong. Hầm bị sập, đào bới mãi mới kéo được xác các anh ra.

- Hay hớm gì! Hai chúng tôi không nằm trong đó, thì có đến bảy đồng chí của chúng ta...

Công việc đào bới nhặt nhạnh thân xác bộ đội phải làm gấp rút vội vàng, bởi theo quy luật, sau khi B52 ném bom xong là máy bay trinh sát L19 sẽ hoạt động ráo riết để đánh giá kết quả của trận oanh tạc, và để phát hiện những hoạt động sau đó của đối phương. Các thầy cô giáo góp nhặt mang vác trên lưng mình những gì còn sót lại đi đến một khu rừng khác, cách xa trận địa ít nhất là mười lăm cây số.

Lại đào hầm, lại làm nhà. Chúng tôi đang hì hục đào đất, chặt cây, chẻ lạt thì Bí thư và Hiệu trưởng bảo tôi:

- Việc ở đây để anh em làm. Cô hãy trở về trường cũ cố tìm nhặt những gì còn nhặt được, và điều quan trọng là phải tìm cho được cái ba lô của chính mình. Bây giờ là hai giờ chiều, cố gắng đi nhanh rồi về kẻo không kịp! Nhớ đừng chủ quan, giờ này bọn chúng đang hoạt động ráo riết ở khu vực ấy!

Tôi nhận lệnh, vạch đường rừng, nhắm hướng trường học cũ. Hết đồi dốc thấp cao lại đến sông suối. Đúng 5 giờ chiều tôi đặt chân lên khu trường cũ. Hàng chục hố bom sâu hoắm nối tiếp nhau ken dày đặc cả một vùng rộng lớn trống hoang. Tôi bước đi trên những miệng hố bom, một lát sau tôi bị mất phương hướng. Đứng nhìn mãi tôi mới định hướng được nhờ con suối - nơi chiều hôm trước Kăn Xanh với tôi lội ngược lên mãi để tìm chỗ tắm, nhưng ở đâu cũng gặp bộ đội... Giờ đây dọc suối là những hố bom sâu hoắm, đất đá bị san ủi, bị đào chỗ nọ lấp sang chỗ kia, địa hình thay đổi hoàn toàn nhưng con nước thì cứ tìm đường mà bò qua để gặp lại chính mình. Nhờ con nước mà tôi định vị được các vị trí khác nhau của trường học. Chiếc trinh sát L19 đang lượn vòng vèo trên đầu tôi dòm ngó. Tôi vừa sục sạo tìm kiếm vừa ngó nghiêng cảnh giác với chiếc L19. Chiếc ba lô của tôi không tìm thấy. Ở chỗ nhà bếp tôi tìm thấy cái ca USA, con dao găm, hai ống bương đựng đầy muối. Tôi nhặt tất cả buộc thành gùi đeo lên vai. 17 giờ 45 phút. Mặt trời đã ở phía chân trời phía tây. Màu vàng của nắng chiều mùa hạ nhạt dần trải trên trận địa ngút một màu đất mịn đỏ tơi. Tôi ngậm ngùi nhìn trận địa một lần cuối rồi lầm lũi quay gót trên những miệng hố bom, ruồi đồng, ruồi xanh bay vù theo từng bước chân tôi. Tôi bước đến đâu từng vạt ruồi bay vù lên đến đấy, khi tôi đi qua rồi chúng liền đáp xuống chỗ cũ. Không biết cơ man nào là ruồi xanh ruồi đồng đang đậu kín khắp nơi nơi. Màu đỏ của đất vừa bị đào lên trong nắng chiều vàng với màu xanh của ruồi làm mặt đất như hóa gấm... Tôi không hiểu vì sao ruồi lại tập trung ở đây nhiều đến thế! Lúc tôi đến đã thấy lác đác đây đó một ít, sao giờ đây chúng bâu lại mỗi lúc một nhiều hơn thế này? Trong phút chốc tôi bỗng hiểu ra tất cả. Là trong những thớ đất mịn đỏ loét trên khắp trận địa kia đã trộn lẫn xương máu thịt của các đồng chí tôi! Những phần thân thể nhỏ bé của các anh bằng mắt thường con người không thể nhìn thấy, nhưng ruồi nhặng đánh hơi được nên mới rủ nhau tìm đến. Khi tôi mới đến trời đang nắng to, mặt đất bỏng rát, ruồi nhặng còn e dè, lúc này đây bóng xế chiều tà, trời dịu dần nên chúng mới thả sức! Tôi đứng sững sờ trên miệng hố bom đau đớn gạt nước mắt vĩnh biệt những đồng chí tôi chưa kịp quen biết...


Giờ đây khi thầy giáo Khâm đang thay mặt toàn đoàn thắp hương đứng giữa trời cao đất rộng rừng già dâng cúng của lễ, tôi nghĩ về các anh, thầm gọi các anh, mời các anh hãy quây cụm lại đây với chúng tôi, chúng ta có một lần sống chết bên nhau... Sau chiến tranh, Nhà nước đã và đang nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, nhưng mãi vẫn chưa có thể tìm thấy hết, đặc biệt là với các anh, thân xác đã trở thành cát bụi ngay từ phút đầu hy sinh! Trong tác phẩm “Những Đứa Con Không Có Phần Hương Lửa” (NHỮNG BỌT BÓNG MÀU - Nxb. Hội Nhà văn, 1995) tôi đã viết:

Trường Sơn như mái nhà
Như người mẹ
Như đền thờ
Như khúc ru vĩnh cửu
Ấp yêu - nuôi dưỡng - phụng thờ
Những đứa con không có phần hương lửa.
.
..

Mời các anh đến đây cùng nhận lễ vật với các liệt sĩ thầy giáo: thầy Giang dạy vật lý, thầy Nam, thầy An dạy toán, thầy Vương dạy Văn, cựu học sinh liệt sĩ Lê Bá Nhơn và em Nguyệt... Em Nguyệt đã nằm lại đây bên các chú bộ đội trong cánh rừng này của dãy Trường Sơn hùng vĩ gần nửa thế kỷ.

Chiều muộn đoàn chúng tôi kịp trở về, đến văn phòng Huyện ủy A Lưới. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lê Thanh Nam trong bài phát biểu của mình đã nói trường Văn hóa miền Tây đã đặt nền móng cho ngành Giáo dục tỉnh nói chung và nói riêng là cho huyện A Lưới. Từ niềm vinh dự đó ngành Giáo dục đào tạo A Lưới đã không ngừng phấn đấu, tuy so với một số địa phương khác ở miền xuôi thì chưa bằng, nhưng để đạt những thành tựu như ngày nay cả về chất và lượng là điều hết sức vui mừng.

Đêm cả đoàn nghỉ ở thị trấn A Lưới - trong khách sạn Thành Đô. Trong bữa cơm thân mật, khi phục vụ bàn lần lượt bưng các món: lợn sữa quay, cá rán, gà tần hạt sen, vịt tiềm... các thầy cô giáo và cựu học sinh không hẹn mà ai cũng rưng rưng mắt nhớ những ngày xưa thầy trò nhường nhịn nhau từng viên thuốc sốt, từng hạt muối; bữa ăn chủ yếu là sắn tươi đưa từ rẫy về, xắt mỏng ra từng thúng to, nấu với vài lon gạo, ăn kèm với rau rừng, với con ốc, con rạm, con cá bắt được ở suối. Thỉnh thoảng thầy Khâm, thầy Vui đi săn được thú rừng về thì cắt nhỏ ra chia đều cho 78 em học sinh rồi mới đến lượt các thầy cô giáo. Em nào cũng nhận được suất ăn bằng nhau, nhưng các em vẫn cố nhịn, nhường phần của mình cho các bạn cùng lớp vừa mới khỏi bệnh, hoặc bạn vừa mới ở đồng bằng thành phố được cha mẹ là cán bộ nằm vùng móc nối đưa lên. Thỉnh thoảng trong bát “cơm” gặp chỗ thật sự là cơm chứ không phải sắn, các em thường lặng lẽ dùng thìa múc chỗ cơm ít ỏi đó rón rén đến bên bỏ vào bát của bạn... Những cử chỉ ấy, động thái ấy, ai đã một lần nhìn thấy không thể nào quên.

Hầu hết các cựu học sinh trường Văn hóa miền Tây đã trở thành những cán bộ có vai vế, những chuyên gia đầu ngành trên các lãnh vực, giờ đây đã đứng tuổi, có người đã nên ông nên bà nội, ngoại. Nhưng gặp nhau hầu như không ai nhớ ra tuổi của mình! Tíu tít chuyện trò, đùa giỡn, ôn kỷ niệm, khóc cười với nhau, và trên bàn tiệc này họ chạm cốc, họ nắm tay nhau hát hò nhảy múa như ngày xưa. Như cựu học sinh Trần Mia (là bạn đời của cựu học sinh Lê Thị Kim Cúc) đã múa hát suốt hơn ba tiếng đồng hồ liền mà chưa thấy mệt! Cựu học sinh Hoàng Thị Thanh Danh (là bạn đời của cựu học sinh Nguyễn Văn Trạch) cũng múa hát mê say suốt nhiều giờ liền. Đặc biệt trong đoàn có một phụ nữ xinh đẹp trẻ trung linh hoạt không phải là cựu học sinh, lại càng không phải là cựu giáo viên, chị là Nguyễn Thị Kim Bình bạn đời của cựu học sinh Phan Văn Tuấn - Giám đốc Công ty điện tử Huế. Rất tiếc Phan Văn Tuấn đã không chờ đợi được đến hôm nay! Tìm về chốn cũ thăm mái trường xưa là niềm thao thức của chồng khi còn tại thế, vậy nên Kim Bình đã thay mặt chồng hòa mình cùng với thầy cô và các bạn học cũ xông xáo trong suốt cuộc hành trình. Trong không khí sôi động nồng ấm tình yêu thương giữa vòng tay bè bạn cũ của chồng, Nguyễn Thị Kim Bình nhiều lần không ngăn được ngọn trào lòng, chị chạy ra hành lang đại sảnh lau khô nước mắt rồi vội trở vào tiếp tục hát hò vui chơi. Mọi người hầu như ai cũng muốn thời gian... ngừng lại! Cuộc hội ngộ sau gần nửa thế kỷ, dễ gì nói lời tạm biệt nhau?

H.K.L
(SH320/10-15)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Qua đò Tam Giang (14/10/2015)
Thím Lan (14/07/2015)
Đời tóc (10/07/2015)
Nồi bánh tét (15/02/2015)