Bút ký - Tản văn
Trích sổ tay của nhà văn Nguyễn Minh Châu
16:15 | 03/12/2015

Lời người sưu tầm: Có những người xuất hiện với tác phẩm đầu tay như một ánh chớp, gây xôn xao và hâm mộ trong bạn đọc một thời nhưng rồi sau đó, mặc dầu cũng có một sự nghiệp văn học, có hàng bao nhiêu trăn trở tìm tòi, rồi cũng có dăm bảy, thậm chí hàng chục tác phẩm tiếp theo nhưng không sao tìm thấy được sự khởi sắc sâu đậm như tác phẩm ban đầu.

Trích sổ tay của nhà văn Nguyễn Minh Châu

Nguyễn Minh Châu không nằm trong số nhà văn tội nghiệp ấy. Khi "Cửa Sông" xuất hiện, mọi người xôn xao truyền tay nhau đọc rồi ca ngợi rồi bình phẩm, chỉ một thời gian ngắn ở Hà Nội tiểu thuyết "Cửa Sông" đã trở thành một cuốn sách khó tìm thấy ở các hiệu sách - Và rồi bạn đọc không phải chờ lâu - "Dấu chân người lính" - đã lại ra đời với vẻ gân guốc sù sì hơn nhưng lại là một vẻ đẹp khác chẳng thua kém gì vẻ đẹp ban đầu. Và tiếp theo là "Lửa từ những ngôi nhà", "Miền cháy", "Những người đi từ trong rừng ra"- cuốn tiểu thuyết nào của Nguyễn Minh Châu cũng đem lại cho người đọc những suy nghĩ, những day dứt chứ không chỉ là những câu văn xuôi dòng. Nhưng rồi bỗng người đọc như tìm thấy một Nguyễn Minh Châu khác, mới lạ hơn, sâu sắc thâm trầm hơn với những chuyện ngắn như "Bức tranh", "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành", "Khách ở quê ra"... Có một dạo, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu trở thành "sự kiện" của báo Văn nghệ. Lần này dư luận chia thành hai dòng rõ rệt, kẻ khen khen hết lời nhưng có một số người lại thấy khó chịu, họ không thể chấp nhận được lối suy nghĩ sâu sắc, mới mẽ, mạnh dạn này của Nguyễn Minh Châu và thế là gây ra tranh cãi rồi hội thảo rồi tọa đàm về truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu.

Một số người tự nhận là "tư tưởng chính thống" không chấp nhận lối suy nghĩ đổi mới quá sớm của Nguyễn Minh Châu, nhưng ngược lại công chúng độc giả và giới nghiên cứu phê bình, học sinh sinh viên đua nhau tìm đọc Nguyễn Minh Châu. Tôi được biết trong những năm ấy, số sinh viên ngữ văn ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chọn tác giả Nguyễn Minh Châu và tác phẩm của anh, làm luận án tốt nghiệp rất đông. Điều đấy không có gì lạ. Vì bằng trực giác, số đông như đã phát hiện ra giá trị vĩnh viễn thực sự của các tác phẩm này.

Đối với những người nghiên cứu văn học hiện tượng Nguyễn Minh Châu là một hiện tượng thật hấp dẫn. Các cuộc thảo luận mạn đàm xô bồ trước đây chưa thể nào đi vào bản chất nhân bản sâu sắc của tác phẩm của anh. Trong công cuộc đổi mới văn học hiện nay, nghiên cứu tác phẩm với những tư tưởng nhân bản sâu sắc của anh chắc chắn sẽ là đóng góp bổ ích cho sự nghiệp văn học.

Do nghề nghiệp biên tập báo chí của mình, tôi có dịp quen biết với Nguyễn Minh Châu, được trao đổi chuyện trò và được đọc một số sổ tay ghi chép của anh. Để giúp bạn đọc có thêm tư liệu, giúp tìm hiểu đúng về tư tưởng, tình cảm của tác giả và qua đó hiểu đúng giá trị tác phẩm của anh nhân 100 ngày mất của Nguyễn Minh Châu, tôi gởi đến bạn đọc Sông Hương một số trang ghi chép về mảnh đất Bình Trị Thiên, một mảnh đất mà tác giả từng lăn lộn nhiều trong chiến tranh để viết nên các tác phẩm tiểu thuyết của mình. Trong số 24 cuốn sổ tay để lại của Nguyễn Minh Châu, phần lớn anh viết những sự kiện, phong cảnh, con người trên mảnh đất Bình Trị Thiên. Trong sổ tay còn có cả một đề cương cuốn tiểu thuyết "Chân trời vỏ đạn" mà anh dự định viết về giai đoạn sau chiến thắng Đông Hà - Quảng Trị.

Rất tiếc là số trang của tạp chí có hạn tôi chỉ ghi lại một vài đoạn trong một cuốn sổ tay và một số suy nghĩ tản mạn của anh về văn học.

Hà Nội, 2-5-1989
NGỌC TRAI




TRÍCH SỔ TAY

CHUYẾN ĐI 559


8-3-1973.

Ngủ ở trạm giao liên Vinh. Những ngôi nhà bốn tầng, các cửa sổ lợp phên liếp, bị cháy từng quãng ô cửa sổ một. Nhà giao tế, nhà tỉnh ủy, bệnh viện Balan..., những hàng phên liếp ốp kín các cửa sổ trên gác tư. Ở những ô hở, thấp thoáng bóng người bên trong quần áo lính phơi.

Cái màu gạch chưa kịp trút áo bị cháy, đen xỉn trên màu đen đỏ của gạch xây. Nửa đêm thức dậy nghe như có tiếng chim bắt cô trói cột kêu thảnh thót giữa thành phố.

Cái gì bắt đầu tính cách địa phương miền Trung? Bắt đầu từ buổi sáng nay, từ Hà Nội qua Thanh Hóa và vào tới đây: - Vinh, thủ phủ của xứ Nghệ. Một ngày đi đường qua thấy rất rõ đất nước đang sống ngoài trời en plein air, nhà che nửa mái, như thế đã may lắm. Con người và sự phá hoại!

Bầu trời yên tĩnh và những hố bom san sát, sin sít bày trên mặt đất, những con người đang làm việc cật lực, đang ly tán, đang suy nghĩ về số phận mình và người chung quanh trong nửa thế kỷ chiến tranh. Cái điều lạc quan có thể gợi ra cho ta là khi đi qua chỗ nào xây dựng lại, chứa xi măng và sắt thép nhưng tre lá, tre lá đi tiền trạm cho sắt thép.

K, một anh họa sĩ kể chuyện, ngày X, có chứng kiến một cuộc oanh tạc, cách đây 8 năm và trong cuộc oanh tạc đó thằng thiếu tá Soumikơ bị bắt. Mấy ngày cộng với 8 năm. Chỉ còn mấy ngày thì nó nằm nhà tù đủ 8 năm, tóc bạc, lên chức đại tá.

Trong cuộc truy điệu Tấn, chị Xuân khóc: Anh Tấn ơi! Anh về thế này đây ư! Chỉ còn mấy ngày thì Tấn đi B đầy 8 năm! Một sự so sánh?

9-3-73

Hai ngày đi cật lực đến Long Đại. Đi qua vùng đồi cỏ úa đến đây, trước đó đi qua ba vùng nước xanh: Sông Lam, Đèo Ngang, Sông Gianh. Ba cái đốm xanh trên nền trời da cỏ úa bị đậu mùa (những hố bom).

Long Đại hòa bình: - một vùng đất bột, trên đó cờ bay. Nghĩ về những ngày hôm sau. Dải Trường sơn - Khe sanh 1973, nắng Lao Bảo. Nghĩ về sau lưng: những bức tường gạch chưa trát, áo bị cháy của những ngôi nhà bốn tầng giữa thành phố Vinh chĩa lên trời một hình thể lô nhô như hàm răng thú! Có đúng thế không?

Men dải Trường Sơn

Đối với con người cái đáng quí nhất là vầng trán của con người ấy.

Một em bé ngồi bên cạnh trong buổi lễ báo tử cha vừa hy sinh ngoài mặt trận. Em bé lên năm, nó chưa biết gì về cuộc đời nhưng trí óc non nớt của nó cũng đủ hiểu nỗi đau khổ, nó đang đau khổ và nhận thấy nỗi đau khổ của mẹ nó đang ngồi bên. Vầng trán đăm chiêu, một vầng trán nhỏ đăm chiêu nhìn lên bàn thờ người cha. Ở đây không có núi chồng từng tầng từng tầng trên mái lán hội trường và suối chảy ngoài kia cách một khu rừng rậm, nhưng mọi người đến đây đều thấy núi, thấy rừng già, thấy suối, và nhất là thấy một con đường chạy xuyên qua. Tất cả đều nằm trong tâm tưởng từng người. Con đường kia in vào tâm khảm, vào trí não, vào da thịt vào tâm hồn từng người. Đồng chí, đồng đội, bạn bè tỏa rồng trên con đường.

Bao nhiêu năm, một chuỗi kiến thức dằng dịt vào nhau giữa từng con người như kiến trúc một thành phố nhà đứng tựa lưng vào nhau qua bao nhiêu mưa nắng và gió bão mà không rã, không rời. Tất cả cái kiến trúc ấy phải được vẽ lên và đặt nó vào trong tác phẩm văn học.

***

Đất nước chúng ta đang ở vào một giai đoạn lịch sử mà từ nịt vú đàn bà cũng may bằng vải màu quân phục (qua một hiệu thợ may ở một làng bên cạnh bến phà Long Đại).

18- 3-73

Em bé mất mẹ trạc 7 tuổi gánh nước, hai cái thùng gỗ. Mắt nó sâu, mặt lưỡi cày, như một bà già. Mặc chiếc áo dài chấm gối, khuy không còn chiếc nào.

Anh bộ đội múc hộ nước và tiện thể gánh về nhà.

Đó là một làng ở cửa rừng. Anh bộ đội ở trong rừng Trường Sơn ba, bốn năm mới trông thấy đồng bằng. Trong khi gánh nước đi đường anh bộ đội hỏi thăm gia đình rồi hỏi nhà cháu có gà không?...

Bố con bé đang giằng nhau với một con trâu trước ngõ... Hai người đàn ông làm quen nhau. Anh ngồi võng với con bé, đưa tiền cho nó: - Cháu bán cho chú con gà nào đặc biệt nhất, không giống với những con gà khác, một con gà đen, chú tăng giá, gửi ở đây. Bên này cơm thừa nhiều, nuôi một con chính là nuôi cả đàn gà, đàn gà mất mẹ...

***

Quân y: Một mùa mưa hai tháng ra hai vạn bốn thương binh.

Thương binh ra không có quần áo. Tỷ lệ cáng 40-50%. Có trạm có ngày đọng lại 30, 40 cáng.

Mức độ đánh phá - Lấy thí dụ: Chà Là 3 tháng (từ 10/10/1970 đến 10/1/1971). Số trận máy bay đánh: 2.538 trận trong đó 314 trận B.52. Số lần chiếc máy bay: 4.000 lần chiếc.

Bom to: 49.250 quả.

1.426 quả trứng đường.

Trung bình: 2 quả /1m2. Ở trung tâm 6 quả/1m2

104 quả /đầu người.

Số thương vong: đại đội chốt trụ 38% trong 3 tháng (C3 công binh).

Ngày 23-3-73

Sáng dậy theo R12 lên Cổng Trời. Đường dễ đi hơn hôm qua. Ngồi trên xe không thấy khốn khổ khốn nạn vì những cái xóc khiến Sỹ Hanh phải dặn mình chú ý giữ hạ bộ.

Đường có quãng vòng theo đáy núi. Chỉ cách nhau một cái khe, vì không bắc được cầu nên phải đi vòng vèo.

Đồng bào Nguồn người huyện Ninh Hóa. Thật ra mình không có cái tinh tường để nhận xét về các dân tộc thiểu số qua tiếng nói và cách ăn mặc. Cảm giác chung đối với dân tộc Nguồn cũng như với các dân tộc khác là nghèo khổ.

Cổng Trời: hai hòn núi gục đầu vào nhau ở một cái chẹt núi, không có cảm giác cổng trời tí nào, vì tuy nhìn xuống chân là lũng và khe (D27 công binh làm cổng trời đóng ở dưới đó). Nhưng nhìn lên bốn phía vẫn những mỏm núi cao vút, rất gần chung quanh, cổng trời mà vẫn "hạ giới" lắm, ở đời ta chỉ tưởng đó là thế giới huyền hoặc trong mơ tưởng và ý nghĩ của ta.

Nghĩ về thiên nhiên: thiên nhiên có cái lõi lì lợm ghê gớm của nó đến phát ghét và khinh bỉ. Một dòng suối chảy hay tù, một cái vách núi độc ác hay thơ mộng thì có gì khác nhau, nó mang một vẻ bình quân, tất cả đều mang một giá trị bình quân, vì nó không có con người nhìn, con người bình giá, không có con người thưởng thức. Lắm lúc đi sau một ngày cái cảm giác níu áo xâm chiếm và dần đoạt chiếm lấy ta đến nỗi trên cuộc đời này như chỉ là sự đi quanh quẩn, vòng vèo. Vượt hết cái dốc này thì cái dốc khác mở ra, và con người như một sinh vật không có trí óc, chỉ có một thứ bản năng là đi về phía trước, thỏa mãn một thứ bản năng đi về phía trước...

Mỗi một con người đi qua đây đều để lại một giọt mồ hôi, một phần trí óc, thậm chí máu, tuổi trẻ và tuổi già, để lại cuộc đời ở đây.

Trường Sơn là một con thú khổng lồ và độc ác đầy ham muốn và độc đoán, ngự trị lên tất cả và không ai có quyền ngự trị lên nó?

Người lính Trường Sơn từ kháng chiến chống Pháp đến nay: - Một chàng hiệp sĩ giết một con trăn lớn, vỏ màu xanh.

Ngày 24-4-73

Chiều 24 đi vào thăm Khu Cùa: 22 ấp tập trung. Đồng bào thượng Khe Sanh và Gio Linh đều đã về khu giải phóng. Những bãi đất bằng rộng mông mênh chỗ cày vỡ chỗ bỏ hoang chung quanh rải dây thép gai - chứng cớ của một thời kỳ người dân sống khốn nạn.

Tôi vào thăm hai ông bà già suýt soát 80, da đã mồi, bám đầy gio, kiểu người miền núi. Ông lão kể khổ. Khổ từ hồi thằng Pháp.

Tôi nhìn những bàn tay người già đen sạm, sần sùi, khẽ đếm xem cái bàn tay kia có phải là năm ngón hay không? Nhà cao chạm mái đầu vì nền nhà là nóc hầm. Những củ khoai cóc cáy, sần sùi cũng như con người. Những đứa sức vóc chạy cả. Vợ con kéo nhau chạy, chúng để bố mẹ lại cho chế độ mới. Biết rằng người ta không ai giết người già...

Nhà nào cũng có bàn thờ, đủ kiểu, đủ cỡ. Hôm nay, trên con đường Cùa ra R9 trông thấy một cái công sự lính ngụy để lại - một cái công sự cá nhân ẩn nấp thôi, trên nóc đất cũng một cái bàn thờ, giống như một cái miếu con. Trận địa pháo: bàn thờ, trận địa cảnh giới: bàn thờ. Trên đường đi từ Cùa về R9 nghĩa địa lính ngụy nằm la liệt hai bên. Có rải một lớp hàng rào bùng nhùng vây tròn chung quanh linh hồn lính những cái thánh giá làm bằng các tút đạn và sau khi ghép lại, sơn trắng. Những cái bàn thờ có mành rủ sơn xanh, sơn đỏ, sơn vàng. Linh hồn những con người đã thoát khỏi thể xác bay lượn trên một vùng đất đầy vỏ đạn và công sự bị phá vỡ tanh bành ngay ở gần đây...

***

Xe chúng tôi đi dưới một vùng mặt trời chiều đỏ ối. Từ vàng thau, mặt trời trở thành màu đỏ ối, mặt đất rộng khoảng khoát, những dáng núi Ba Hồ. 241 trên những cao điểm sư 304 vừa đánh chiếm được một cách hết sức trót lọt trong đợt một chiến dịch Quảng Trị nằm cách chúng tôi một rẻo tha ma ngụy. Những rặng núi xa hơn giống như những nếp áo xanh nhạt dần và tuy xa tít, vẫn không bị lẫn vào màu da trời. Mặt trời rơi mau. Tôi cảm thấy rất rõ không phải mặt trời sắp lặn về phía bên kia núi mà sẽ rơi xuống về phía bên này. Trên một vùng đất đang nằm suy nghĩ triền miên qua thời gian.

Tôi ngồi trên chiếc commanca đít vuông nhà binh, nghĩ về những thước đất mọc đầy cỏ áy của miền trung trên sườn, trên đỉnh, cao điểm mang tên những dòng chữ số hay trên mặt đất bằng phẳng tôi đang đi, một tấc, một thước đất trong hòa bình thì bỏ đấy, trong quên lãng của mọi người. Vậy mà có lúc phải trả bằng máu của hàng chục, hàng trăm người. Giành giật nhau, con người trở nên hung bạo, giăng cái chết lên nhau. Con người bên kia không thể tồn tại trên mảnh đất này. Và bên kia cũng nghĩ về bên này như thế: Con người đi săn đuổi và bị săn đuổi đến cùng, nơi nào con người có thể nương tựa đều bị những họng súng nhè vào: ngôi nhà, bụi cây, mặt đất.... không một cái gì do con người làm nên giành cho mình sinh sống mà không bị cái chết, cái sự phá trụi nhúng bàn tay vào. Chúng tôi đi qua một con suối hai bên sườn có hai ngôi nhà xây bị phá, hai ngôi nhà xây theo một kiến trúc đẹp đứng trên sườn núi hàng dãy chè và cà phê rất thưa. Trên mặt đất này có cái gì không đáng phá? Từ ngôi nhà đến con người, trên mặt đất này có cái gì đang tồn tại ngoài cái chết chóc của anh và của tôi và cảnh vật. Cảnh vật chung quanh anh và tôi.

Tôi bước những bước chậm rãi trên con đường mòn giữa khu quân sự rộng bát ngát những hầm ngầm, trận địa pháo, lô cốt mẹ, lô cốt con, những viên đạn đủ các loại, các cỡ. Tri thức quân sự ít ỏi của tôi bắt vào bất cứ một vật gì tròn tròn có màu sắc của sắt thép nằm lăn lóc giữa mặt đất dưới chân cũng nảy lên sự phán đoán, đạn gì, nó là cái gì trong việc giết người có hàng vạn triệu thứ công cụ hiệu quả khác nhau, tôi đang đi giữa một hệ thống giăng bẫy cái chết lên đầu bên kia và chính cái hệ thống ấy vừa bị bên kia giết chết.

Cái vùng đất tôi đang đi đây nằm bao quát một vùng cánh đồng và làng xóm nằm dưới thấp - danh từ quân sự gọi là khống chế. Nghĩa là có thể làm chủ một vùng rộng, làm chủ về cái sống và cái chết của mọi người trong vùng. Nói rằng lấy sức mạnh để khống chế ư? Nhưng cái sức mạnh này đã bị khống chế và bị đập tan. Nhưng đến như cái sức mạnh đến như của ta cũng phải dừng lại và bị đẩy lùi về bên này sông Thạch Hãn!

Sự đọ sức về sức mạnh thật khôn cùng!

Suy nghĩ tản mạn về văn học

- Hãy để cho những cái thường nhật đến mốc meo đi vì đời sống nhàm chán của chúng đến nỗi nếu nghĩ được - chúng sẽ nghĩ không biết ta có tồn tại không? Vì ta tồn tại trên đời này để làm gì? - Thì từ nay, ngòi bút nhà văn của ta sẽ lôi tất cả chúng ra khỏi trạng thái bị quên lãng, ta sẽ mô tả cộc sống sinh động và đầy vẽ hấp dẫn của một hạt bụi, của một cái xó nằm kín đáo suốt đời dưới một cái gầm tủ, một cơn gió heo may của cuối thu năm ngoái còn để lại dấu vết trên nền nhà.

Sự thật cũng như ký ức, sinh ra để hành hạ con người. Khi nhớ lại điều gì xấu xa chúng ta đau khổ, khi nhớ lại điều gì tốt đẹp, chúng ta cay đắng vì nó không bao giờ trở lại nữa. Đôi khi tôi có ý nghĩ rằng giả dối là sự thật còn sự thật lại là giả dối - và sự thật cần thiết để che đậy sự giả dối.

***

- Nhà văn là một con người giản dị nhưng cần thiết gìn giữ cái điều mà thiếu nó thì con người không thể sống được giữa mọi người.

Văn học sinh ra đời để gìn giữ ở trong từng cá thể của xã hội, nghĩa là trong từng con người - của năm tỷ con người trên mặt trái đất này - một cái gì hết sức mong manh và luôn luôn run rẩy mà lại đặt trên một đồ vật luôn luôn trùng triềng y như một con chim non vừa đẻ đặt trên tay một đứa bé đầy dại dột - một cái gì đó thật là như vậy nhưng thiếu nó trong con người nào thì y như rằng con người ấy không thể sống giữa quần thể loài người được và trở thành một tai họa cho loài người.

Thế mà từng con người lại luôn luôn thiếu điều đó đến mức báo động cho nên luôn luôn cần có mặt văn học.

- Viết văn là lấy một câu chuyện xẩy ra nhất thời để biểu hiện cho được cái vĩnh hằng đã cố kết trong nhiều kiếp người.

- Nhà văn trong khi làm ra tác phẩm một cách đầy nhọc nhằn thì tác phẩm cũng là một cái gì đầy hiệu quả nhất để tạo nên diện mạo của nhà văn.

Mỗi nhà văn gắn chặt với số phận dân tộc và đất nước mình - như cái dạ của người mẹ quấn quanh mình đứa trẻ. Và hình như còn hơn thế nữa. Người nghệ sĩ là một đứa con của đất nước mà chỉ nó mới có thể giao cảm hết những cái vui buồn và nhọc nhằn của người mẹ - cả những điều mà người mẹ không bao giờ nói ra.

***

Ông trời sinh ra tôi để kêu thét lên cái nỗi thống khổ của con người và kêu gọi con người ta hãy lại với nhau.

N.M.C
(SH38/07&08-89)







 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Qua đò Tam Giang (14/10/2015)
Thím Lan (14/07/2015)
Đời tóc (10/07/2015)
Nồi bánh tét (15/02/2015)