Bút ký - Tản văn
Mùa vàng Mù Cang Chải
14:47 | 18/12/2015

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG   


 Bút ký  

Ngắm những ruộng bậc thang chín vàng rực rỡ cả thung lũng, ít ai nghĩ rằng cái tên Mù Cang Chải theo tiếng người H’Mông có nghĩa là làng Cây Khô.

Mùa vàng Mù Cang Chải
Mù Cang Chải - Ảnh: Lê Vũ Trường Giang

Nay là một huyện nằm ở phía tây tỉnh Yên Bái với 6 tháng mùa khô đất đai, cây cỏ xơ xác, còn mùa đông giá lạnh nên không thể trồng bất cứ loại hoa màu nào. Làng Cây Khô - tổ tiên người H’Mông lúc thiên di về vùng đất hoang dã dốc đồi đầy đá sỏi đã phải chua xót gọi trú xứ của mình như thế. Trải qua hàng trăm năm dưới bàn tay cần cù của những người được mệnh danh là “kẻ ăn rừng”, Mù Cang Chải được gieo mật vào đất để biến thành xứ sở của những bậc thang thiên đường miền sơn cước Tây Bắc. Vô vàn những ruộng bậc thang cheo leo bên sườn núi, lúa trổ chín vàng đồng vui ngày hội kéo chân những lữ khách chậm lại trên con đường sương ướt; những hiên nhà ngập tràn thóc nếp với muôn mây bay về hoan vũ.

Người H’Mông sống ở núi cao, quanh năm làm bạn với mây gió và những con dốc ngoằn ngoèo trơn trượt. Người xưa ví họ là dòng dõi của Miêu tộc, leo trèo nhanh nhẹn và dẻo dai như loài mèo. Nhưng trên hết, họ được mệnh danh là những “người trồng mạ non”. Không ai khác, chính họ đã tạo ra những tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang cao ngút, cứ tưởng dẫm lên những nấc thang ấy người ta sẽ đến được trời.

Tổ tiên người H’Mông có lẽ đã đến vùng đất này từ rất sớm và họ chiếm giữ những vùng đất trên núi cao từ 900 m so với mực nước biển trở lên. Bản tính tộc người đã cho họ nếp cư ngụ hết sức khác biệt so với những cư dân đồng bằng. Quanh năm người H’Mông làm quen với sương với mây, sống trong bềnh bồng, thả hồn trôi theo tiếng sáo Mèo mây khói. Ít ai biết được rằng, một số chủ nhân của những ruộng bậc thang ấy vốn có gốc gác ở Trung Quốc, là những kẻ phải thiên di vì sự lấn át của Hán tộc với nền cai trị khắc nghiệt, đã đến muộn hơn. Người H’Mông ở non cao thăm thẳm là định mệnh của nòi tộc trải biến qua nhiều thăng trầm lịch sử và đó là sự chọn lựa đầy cá tính để tồn tại trên rẻo cao. Họ được ví như những con hổ rừng luôn khao khát tự do. Những con hổ đã có tự do và việc sinh tồn là điều trái ngược hẳn với cuộc sống đồng bằng mà theo người H’Mông là đất ác địa của đỉa, bùn lầy xấu xa. Ở trên núi cao, thuốc phiện, ngô, kê là những thứ cây trồng thích hợp, thấp xuống là một ít lúa nước để họ sinh tồn. Trong lịch sử, người H’Mông từng là nạn nhân của thứ quyền lực thuốc phiện, buôn bán thuốc phiện dọc những vùng biên giới Trung Quốc - Việt Nam - Lào. Nhưng với biệt tài của những người trồng mạ non, họ trở thành kiến trúc sư tài tình của vô vàn thửa ruộng bậc thang. Đó chính là thành tựu cả về mặt văn hóa lẫn tri thức dân gian, tạo ra lúa nước ở vùng cao. Ruộng bậc thang trải dài từ trên cao xuống tận thung lũng. Các thửa ruộng uốn lượn theo nhiều nấc, là công lao của bao thế hệ cư dân miền cao nối tiếp nhau tạo dựng những mùa vàng.

*

Từ Yên Bái, chúng tôi bon bon chạy xe máy về Mù Cang Chải. Đến Tú Lệ thì trời đã đổ bóng tà dương. Tú Lệ là một thung lũng nằm giữa ba ngọn núi cao: Khau Phạ, Khau Thán, Khau Song, đây cũng là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Thái. Có câu “Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò”, câu ca ấy đã vượt ra khỏi ranh giới vùng đất Yên Bái để đến với nỗi háo hức của những kẻ lữ hành. Bóng người thiên lý xuôi ngược ít dần trên con đường sang đèo Khau Phạ. Mưa đám mây rơi nhẹ, nửa chùn bước nửa muốn lên đèo qua Ngã Ba Kim để kịp ngắm bình minh ruộng bậc thang La Pán Tẩn.

Ngoái nhìn lại, Tú Lệ êm đềm trong làn mưa sương muộn. Thôi đành bỏ quên đặc sản xôi nếp của người Thái, bỏ qua dòng suối nóng bản Chao. Chân đi mà hồn dạ không đành. Cuối Tú Lệ, hàng chục gian hàng bán cốm gói trong lá chuối rừng được bày bán dọc đường. Cốm Tú Lệ mịn, dẻo, ăn bùi như cốm mùa thu làng Vòng. Mua vội một gói để giữ hương Tú Lệ rồi dừng chân trên dốc cao, nhìn xuống thị tứ bình yên một thảm lúa trùng trùng gợn sóng vàng. Bóng đổ hoàng hôn, chúng tôi phi xe lên đèo Khau Phạ thẳng Ngã Ba Kim. Đèo Khau Phạ là một trong tứ đại đỉnh đèo của toàn bộ miền Bắc. Tên đèo theo người H’Mông gọi có nghĩa là “sừng trời”, trơ gan chống đỡ một biển mây Tây Bắc hàng muôn thế kỷ. Đèo dài gần 20 km, quanh co uốn khúc ngoạn mục. Hương rừng xông thơm cánh mũi. Kia là những cánh rừng già trên Khau Phạ nhiều thông dầu, chò chỉ mọc cheo leo vách đá và vô số hoa dại nở biếc trong mây. Trên đỉnh sừng trời nhìn xuống Lìm Mông lúa chín vàng rực, những nếp nhà úa màu trong mưa xám nổi bật lên giữa sắc vàng. Mây đen cuộn trên đầu, dồn ứ lại một khối lớn trên đỉnh trời Khau Phạ rồi rỉ rả mưa. Ở xứ sở này vào buổi chiều tối hay đổ những cơn mưa bất chợt, mưa đám mây, mưa đó tạnh đó, vờ quấy rầy những lữ khách. Mưa sơn cước nhè nhẹ như sương, đi thấm lâu giữa gió lướt độ mươi phút cũng bết áo quần. Lên đến đỉnh đèo, chúng tôi tạt quán ven đường mua áo mưa. Người sơn cước làm chúng tôi bất ngờ vì áo mưa chỉ là một tấm bao ni lông trong suốt hình chữ nhật kích cỡ 1m x 1,5m xẻ tà, khoét cổ, làm một vạt áo đằng trước cứ thế mà chạy, bền bỉ không bao giờ rách và ướt. Với tấm áo mưa một tà, chúng tôi cứ thế nhấn ga băng băng qua đèo Khau Phạ. Đến Ngã Ba Kim, tạt vào quán trọ giữa khu thị tứ nhấp nhô hàng quán ven đường. Chợ đang tan, bóng người hối hả đi trong mưa ướt rồi biến mất trên những con đường dốc nhập nhoạng tối dẫn lối về các bản xa xôi.

Không gian im lìm nơi quán khách, chỉ nghe tiếng suối chảy và tiếng mưa bắt đầu tí tách nặng hạt trên mái. Ngày mai, La Pán Tẩn sẽ là điểm “chinh phục” đầu tiên của chúng tôi ở xứ sở ruộng bậc thang này. Nhưng cái tên La Pán Tẩn kh- iến tôi trằn trọc mãi vì những ám ảnh xa xưa của nó. La Pán Tẩn theo cách người Hoa buôn bán xưa gọi vùng đất của người H’Mông chỉ là nơi gặp gỡ, tụ họp của dân thương lái, là vùng đất trù phú. Ấy vậy nhưng màu hoa của nàng anh túc đã biến La Pán Tẩn thành “cấm địa bàn đèn”, thỏa sức vẫy vùng trong thứ quyền lực của thuốc phiện. Trước khi có chính sách nhổ bỏ cây thuốc phiện, từ năm 1996 trở về trước, khắp vùng núi La Pán Tẩn mệnh danh trù phú này hễ chỗ nào có đất canh tác là cây anh túc được tự do mọc lên, chỉ duy anh túc, không ngô, không lúa. Thập niên 1980 - 1990, Mù Cang Chải được coi là một trong những lãnh địa ma túy lớn nhất miền Bắc và La Pán Tẩn dẫn đầu về diện tích trồng cây anh túc và số người nghiện bàn đèn. Lẽ rằng, đất La Pán Tẩn hội tụ nhiều yếu tố tự nhiên khiến loài anh túc sinh trưởng tốt, bội thu cho những chiếc túi tham đen tối. Một nhúm thuốc phiện sơ chế là có thể giúp người H’Mông ở đây mang về được gùi muối, gùi lúa, gùi ngô nhẹ nhàng, ít đổ mồ hôi như việc cày sâu cuốc bẫm. Không đâu xa, ngay chính Ngã Ba Kim nơi chúng tôi đang trú đêm là điểm giao thương, buôn bán nàng tiên nâu tấp nập ngược xuôi, qua biên giới, về đồng bằng. Anh túc chính là trang sức, là của cải, là thực phẩm, là tất cả những gì tạo nên cái thiết yếu của cuộc sống sơn cước. Vì lợi ích quá lớn nên nhà nhà trồng thuốc phiện, người người nghiện thuốc phiện. 100% dân La Pán Tẩn sống nhờ vào nàng anh túc ma quái này. Người đương thời từng ví khói thuốc phiện ở đây dày đặc như sương núi, không phân biệt đâu là sương đâu là khói của thứ hàng trắng chết người. Ngày ngày, chúng tỏa lên từ hàng trăm mái nhà gỗ cùng hàng trăm bộ bàn đèn, quấn quýt bao thế hệ La Pán Tẩn mờ mịt trong tăm tối. Nơi đây, công việc đồng áng là trồng anh túc, anh túc là trên hết, là tất cả, là cuộc sống. Đến độ người H’Mông nuôi trâu bò chỉ để giết thịt và uống rượu. Say khói thuốc, nạp rượu, La Pán Tẩn biến thành chốn hoan lạc sa đà của gần nghìn con người vốn dĩ là nòi giống của “người trồng mạ non”. Và dĩ nhiên hình ảnh của những ruộng bậc thang cuốn tận chân trời chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng xa xưa. Cảnh tượng ngày xưa gieo vào lòng người vệt buồn khắc khoải. Mưa rơi đều trên mái, suối reo ngoài xa êm đềm như những cung đàn xa vắng một trời sơn cước. Chúng tôi hồi hộp với La Pán Tẩn, biết đâu cấm địa bàn đèn vẫn còn những “căn cứ” nào khác chưa bị xóa bỏ, biết đâu một sự tình cờ trái ngang nào đó sẽ giết giấc mơ ruộng bậc thang thơ mộng của chúng tôi. Khi lệnh cấm thuốc phiện được ban hành, La Pán Tẩn bắt đầu bước vào một cuộc chiến quyết liệt và gian khổ chống lại thuốc phiện, những hủ lậu, những thói hư tật xấu cố thủ trên miền đất nhiều hứa hẹn này. Những tin tức mới nhất cho thấy, thuốc phiện đã bị xóa sổ, người nghiện được cai gần hết, có trường, có chữ, thôi đói, thôi dốt. 20 năm đã trôi qua, La Pán Tẩn khác đi nhiều, để màu lúa vàng óng ả làm ngã nắng ghé qua bản làng tươi thắm. Nơi đây cũng là một trong những địa danh đã được xếp hạng danh thắng quốc gia về ruộng bậc thang. Chẳng nhẽ… Đêm Ngã Ba Kim ru tôi trong giấc ngủ mưa, làm dịu đi những âu lo xưa cũ về một miền đất lạ.

*

Tảng sáng, chúng tôi rồ ga vượt La Pán Tẩn. Chỉ cách Ngã Ba Kim 3km nên đường đi cũng gần nhưng ôi thôi, dốc đèo lên cao ngút ngát khói mây. Gần 20 năm trôi qua, La Pán Tẩn nay đã thay da đổi thịt, ruộng lúa xanh tầng cao, lớp lớp vàng thi nhau chạy đến cuối trời. Thung lũng La Pán Tẩn rộng tới 200 ha ruộng bậc thang, xếp loại lớn nhất Mù Cang Chải. Ruộng bám trên sườn núi, ruộng chạy dọc triền suối, ruộng ngự trên đỉnh núi rồi mất hút trong sương mây. Ở La Pán Tẩn ngày mây kéo xuống thung lũng, trời gần lắm, ngửa mặt lên thấy mây giăng trên đầu. Mây phủ những bậc thang và thử tượng tưởng rằng đây là những bậc thang dẫn đến thiên đường, chỉ vài bậc thôi sẽ lẩn trong mây mà quên nỗi muộn phiền nơi nhân thế.

La Pán Tẩn có kiểu canh tác ruộng bậc thang xuất phát từ yếu tố núi đồi rất dốc. Những đất núi cao hiểm trở, dốc đồi thường rất khó canh tác, chưa kể đến yếu tố vật lý của chất đất, chắc chắn sẽ không thuận lợi bằng vùng đồng bằng. Hiếm đất bằng để canh tác buộc người H’Mông tìm cách khắc phục bằng cách chọn các sườn đồi, núi có đất màu và bạt thành từng cấp để tạo thành những vạt đất bằng trồng lúa. Ruộng bậc thang ra đời, là phương thức trồng lúa nước truyền thống ở vùng đồi núi. Từ các dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, đồng bào H’Mông san ủi đất sườn đồi, núi được thành các vạt đất có cùng độ dốc theo đường đồng mức, tiếp nối nhau từ trên xuống theo kiểu bậc thang. Mỗi ruộng bậc thang có bờ giữ nước và chắn đất khỏi xói mòn. Bờ giữ làm bằng đất, xếp bằng đá hộc hoặc trồng bằng cây cỏ. Ở La Pán Tẩn, người H’Mông làm ruộng bậc thang trồng lúa trên cả sườn núi cao dốc trên 250 và trên độ cao 1.500m, biến quả núi thành một cánh đồng ruộng bậc thang dựng lưng chừng trời. Với ruộng bậc thang, yếu tố sống còn của lúa chính là nước. Ngày xưa, để làm ruộng bậc thang, các tiền nhân H’Mông phải chọn được vùng đồi có nguồn nước mạch, hoặc gần nguồn nước mạch có thể đào rãnh dẫn hoặc qua những máng bằng gỗ, nứa. Những “bậc công trình sư” ruộng bậc thang nơi đây vẫn làm được điều đó, bằng những công cụ hết sức đơn giản như dùng cuốc, xẻng đào đắp nhích từng tí một hoặc là dùng máng tre nứa lấy nước từ những đỉnh núi cao hơn về tưới ruộng hoặc dẫn nước vòng quanh chân núi để về tới ruộng… Để dẫn nước về các ruộng bậc thang, người ta đào rãnh, tạo dòng chảy dẫn nước từ trên cao xuống thấp, từ bên này sang bên kia, từ ruộng trên xuống ruộng dưới. Các hệ thống rãnh dẫn nước này cũng có hệ thống các rãnh thoát nước khi mưa lũ nước lớn. Phía trên ruộng bậc thang, người ta đào giao thông hào để phòng trừ mưa lớn nước tràn từ đỉnh nương xuống ruộng làm gẫy lúa, trôi màu trên ruộng, đồng thời đây cũng là hàng rào ngăn cản súc vật vào ruộng phá hoại lúa.

Cấu phần quan trọng nhất của ruộng bậc thang chính là những thành ruộng, nơi phân định các thang ruộng, giữ nước và tạo hình cho vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển của ruộng bậc thang. Nhìn xa, thành ruộng thấp tè, như những đường chỉ nhỏ nổi bật lên giữa các gờ ruộng nhưng lại gần, thành ruộng cao thường từ 30 cm trở lên, cá biệt có nơi cao đến vài mét. Thành ruộng bậc thang thường dày hơn nhiều bờ ruộng ở đồng bằng để chống sụt lở, vỡ thành khi mùa nước đổ. Độ dốc càng lớn thì chiều cao giữa ruộng trên và ruộng dưới càng cao, bờ ruộng được làm một cách cẩn thận để có thể giữ nước trong ruộng được lâu dài. Mặt bằng của bờ ruộng thường vào khoảng 20 - 30cm, đủ lớn mọi người có thể đi qua mà không dẫm xuống ruộng lúa. Các ruộng bậc thang là sự ứng xử của người H’Mông với phương thức canh tác trên đất dốc. Tính cố kết, tương trợ của những cư dân làm ruộng bậc thang rất lớn. Chỉ cần một thành ruộng có vấn đề sẽ kéo theo sự sụp đổ của một hệ thống, chưa kể một lượng đất đá sẽ vùi lấp hết khu ruộng bên dưới, ảnh hưởng ruộng các gia đình khác. Người Mông luôn cẩn trọng đẽo gọt, gia cố các thành ruộng này một cách tỉ mỉ, vững chãi, tránh những thiệt hại không đáng có. Khi thả nước vào ruộng phải thả từ từ không sẽ làm vỡ bờ, đến độ trâu cày tránh đi gần bờ và những chỗ gần thành ruộng nên dùng cuốc, dùng xẻng để đảm bảo an toàn.

Người H’Mông ở La Pán Tẩn và cả Mù Cang Chải một năm chỉ làm một vụ lúa duy nhất và thi vị thay cái ăn của cả một năm trời lại được bắt đầu từ một nụ hoa. Khi cái lạnh vơi đi, những đóa hoa Tớ rảy nở hồng rực một khoảng rừng ấy là báo hiệu mùa đổ nước sắp bắt đầu. Người H’Mông gọi Tớ rảy là hoa đào Mông. Trong một bài hát H’Mông có nhắc đến 99 bông hoa Tớ rảy, có một bông hoa nở, vụ mùa vào sớ, đẹp cả lá gan. Mùa nước đổ, cả thung lũng như những toan tranh in hình trời mây trên ruộng nước. Rồi khi lúa gieo, màu xanh của mạ non nhuộm thắm cả khoảng núi đồi. Và hôm nay, ruộng bậc thang một rừng vàng óng mượt vươn lên tận trời đang trải thảm dưới chân chúng tôi.

Một điều thú vị mà chúng tôi biết được trong quá trình thâm nhập vào những bản làng người H’Mông ở Mù Cang Chải đó là di sản ruộng bậc thang vô cùng độc đáo đã/có lẽ được tạo nên từ “bản thiết kế” trên đá do người xưa cách đây vài thế kỷ tạo nên. Điều này tương tự như những bãi đá cổ ở Tả Văn (Sa Pa) chúng tôi từng được mục sở thị. Các bức vẽ ruộng bậc thang đã được tạc vào vách đá núi, là những trang sử thi đầu tiên bằng đá được lật mở, hé lộ khát vọng vô bờ bến của người xưa trên vùng đất đầy gió nắng giữa mây trời nơi đây... Theo các chuyên gia, chủ nhân của những hình khắc trên bãi đá cổ ở Mù Cang Chải chính là tộc người H’Mông, họ khắc vào thế kỷ XVI - XVII, cách nay khoảng 300 - 400 năm. Chúng tôi phỏng đoán lai lịch các tác giả trùng với thời điểm luồng di cư người H’Mông qua nước ta sau khi nhà Minh thực hiện các chính sách bạo tàn buộc họ phải bỏ bản quán ở Quý Châu, Vân Nam. Các “bản thiết kế” trong tâm thức người H’Mông rất thiêng liêng, dù những tảng đá nằm trên nương rẫy hay quanh các thôn bản, nhưng người dân không di dời, đập phá, làm biến dạng. Người H’Mông bao đời cho rằng những hình khắc là lời nhắn gửi thiêng liêng của cha ông tới thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ và duy trì khối di sản đồ sộ của những “người trồng mạ non” trên quần sơn cao ngất.

*

Ở La Pán Tẩn hay bất kỳ nơi đâu trong các bản người H’Mông, hình ảnh những người phụ nữ vừa địu con trên lưng vừa tỉ mỉ thêu những mũi kim lên những tấm thổ cẩm sặc sỡ sắc màu. Chúng tôi bắt chuyện với Xúa, một thiếu phụ lấy chồng ở tuổi đôi mươi, đang địu một em bé mười tháng tuổi. Xúa sinh năm 1995, lấy chồng rồi ôm việc nhà chồng, quanh năm suốt tháng ở trên rẻo cao. Xúa như những người phụ nữ Mông khác thường ít nói, thay bằng những nụ cười hiền, có phần rụt rè như những bông hoa rừng xấu hổ và đôi tay hiếm khi nào ngừng nghỉ. Ẩn sau đôi mắt trong bẳng của Xúa, một gợn buồn sâu kín sánh lên khi cô nhìn xuống những thảm bậc thang nhòa đi trong mưa bụi. Xúa nói tiếng Kinh nhỏ nhẹ, vốn từ ít nên có phần bập bẹ, thi thoảng cuốn thanh như tiếng chim lảnh lót trong rừng vắng. Xúa kể, từ những công việc nhỏ nhất như bếp núc, may vá, đến việc lên nương, vào rừng, phụ nữ ở đây đều phải lăn vào, phải thạo. Mùa nước đổ thì cởi xà cáp xuống đồng làm ruộng, bùn lem váy áo. Mùa cấy thì mặc sương mù giá rét, mặc nắng mặc mưa làm cho xong thì mới dừng tay mỏi như con ong cần mẫn hút lấy hết mật từ bông hoa thắm. Rảnh rang thì địu con đằng sau, đằng trước đường kim mũi chỉ, cứ thế Xúa đi hết qua đồi này dốc nọ. Hôm gặp chúng tôi, Xúa muốn đi theo làm hướng đạo vì hôm nay Xúa rảnh, rảnh nhưng phải địu con phải thêu thùa và lấy làm vui vì chỉ cho những lữ khách biết nơi đâu là đẹp nhất của La Pán Tẩn. Xúa bảo làm lụng vất vả nhưng chẳng bao giờ một lời than vãn với chồng. May mắn cho Xúa, chồng cô cũng lam lũ, ký thác cuộc mưu sinh nơi rừng, lặn lội từ sáng đến tối mịt mới về nhà. Xúa kể thêm, hầu hết nhà nào ở La Pán Tẩn đều có một cuộc sống khá giống nhau, mọi người bước ra cửa khi trời còn mờ sương, người lên nương, kẻ lên rừng tối mịt mới trở về, vợ chồng ngồi ăn cơm với nhau thì ít, sống với nhau trên ruộng đồng, nương lán thì nhiều. Dọc đường theo Xúa, từng tốp chị em H’Mông La Pán Tẩn chẳng ngại nặng nhọc gùi trên vai những bó lúa to gấp hai ba lần đôi vai bé nhỏ, mồ hôi nhễ nhại thấm ướt tấm áo chàm.

Đến nơi đẹp nhất để ngắm thung lũng, Xúa chỉ tay về những nơi thân thuộc, này đây trường học, này đây ủy ban xã, và dưới xa kia là mảnh ruộng bậc thang be bé của nhà cô. Một vài vệt nắng nhảy xổ xuống khoảng ô mây hẹp chiếu rực một vùng lúa chín. Tôi móc máy ảnh và chân đế từ trong ba lô ra “tác nghiệp” hơn một tiếng đồng hồ ghi lại hết khoảnh khắc tươi đẹp, của thiên đường La Pán Tẩn.

Tôi ngỏ ý muốn góp chút đỉnh để dùng bữa trưa tại nhà Xúa và cô đồng ý. Nhà Xúa dựng kiểu truyền thống của người H’Mông, nhà dựng trên nền đất, các cấu kiện toàn bằng gỗ. Nhà có sàn bằng gỗ, cột và khung bằng gỗ, tường lịa ván, mái lợp gỗ pơmu chẻ mỏng. Khi các gia đình người Mông dựng nhà đều làm lễ “Dựng thần cửa” với ý nghĩa bảo vệ con người và tài sản gia đình. Trong nhà bày biện bừa bộn, trần nhà toàn ngô, lúa mới gặt phơi ngoài sân, áo quần trẻ nhỏ nằm vương vãi góc nhà.

Xúa bảo đối với người H’Mông, bữa ăn sáng là bữa phụ, hai bữa chính là trưa và tối. Bữa sáng thường rất sớm từ lúc 5 giờ, còn bữa trưa muộn hơn đến 2 giờ chiều, riêng bữa tối là thời gian cả gia đình tụ họp đông đủ nên diễn ra muộn độ 8 giờ. Thức ăn chính là ngô. Ngô được xay thành bột, trộn nước cho đủ ẩm rồi nhào bột đồ chín lần đầu, đổ ra cho nguội, lại cho chút nước nhào đều và đồ tiếp lần nữa. Bột chín được đổ vào rá rồi dùng thìa xúc ăn với nước canh, rau, thịt và các thức ăn khác. Hoặc đơn giản nấu một nồi ngô to rồi bỏ thêm nếp, rau, măng và gia vị vào trộn đều thành nồi cháo ngô rất đượm. Cả nhà Xúa ngập ngô, đến độ màu vàng sậm giăng trên rui nhà, nằm đống ở gian giữa và quanh nhà đều có những dây ngô treo lủng lẳng. Những năm trở lại đây, cây Ngô được trồng vào trái mùa với vụ lúa, lạ thay ở La Pán Tẩn cho năng suất khá cao bù đắp phần nào nỗi gian khó của những vụ mùa thất bát. Tôi chợt nhớ đến lời một người bạn là dân phượt mỗi năm làm gần chục chuyến lang thang Tây Bắc đã nói về người H’Mông về những cái nhất của họ mà anh và nhiều người quen dùng chữ Mèo để gọi. Gạo Mèo, Rượu Mèo, Táo Mèo là ngon nhất; Cối xay Mèo bằng đá độc đáo bền nhất, Váy Mèo, áo Mèo sặc sỡ đẹp nhất; Múa Mèo, hát Mèo vào loại hay nhất; Dao Mèo tốt sắc nhát; người Mèo Đi bộ leo dốc giỏi nhất, dũng cảm và hiên ngang nhất. Và nay, tôi biết đến ruộng bậc thang của họ, kiệt tác giữa non cao rừng thẳm của những người trồng mạ non, những người ăn rừng, biến đồi núi thành thiên đường mơ mộng. Tôi biết đến những người thích sống trong sương mù, làm bạn với mây, lãng mạn và hào sảng nhất vùng sơn cước Tây Bắc.

Chúng tôi rời La Pán Tẩn lúc trời về chiều, mây xuống thấp, mưa rây qua thung lũng, ướt cả đường đi. Nhà dân tộc học người Pháp Philippe Papin từng nhận định về những vùng cao: “Với Việt Nam, những vùng cao là một thực tại mới mẻ, một ý niệm của thế kỉ XX mà họ vẫn chưa thấu rõ hết nội dung”. Tất cả đã hiện hữu nơi đây, những mới mẻ của một tộc người có căn tính bản lĩnh mà ở thế kỉ XXI, chúng tôi vẫn còn đứng đằng xa để dõi theo những kẻ mộng mơ mãi sống bềnh bồng bên những ruộng bậc thang đương mùa vàng trẩy hội.

bút ký của Lê Vũ Trường Giang

L.V.T.G  
(SH321/11-15)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Qua đò Tam Giang (14/10/2015)
Thím Lan (14/07/2015)
Đời tóc (10/07/2015)