Bút ký - Tản văn
Mưa An Cựu
09:54 | 19/12/2016

NGUYÊN HƯƠNG
            Tùy bút

Ta đã từng dựa vào những đêm mưa như một chút ân huệ cuối cùng của đời sống. Nơi đó có dấu chân của những kẻ đi hoang đốt cuộc đời mình trong bóng tối và cũng có thể là nơi những tên trộm lấy đi một vài thứ không thuộc về mình. Rồi một ngày kia dấu chân tan vào mưa, như suối tan ra giữa muôn trùng đá sỏi.

Mưa An Cựu
Sông An cựu ngày xưa (đoạn này có tên là Phủ Cam) - Ảnh: internet

Trong những cuộc rong chơi đểnh đoảng của tuổi trẻ, tôi đã nhiều lần một mình đi dưới cơn mưa. Với những kẻ lãng mạn phù phiếm, mưa giống như một thứ thuốc phiện thừa sức nhấn chìm mọi cảm xúc thượng thặng đến độ cháy túi. Đời người ta, nếu không có cơ hội để “đánh cho hết vốn” vào một canh bạc thì chí ít cũng nên một lần được “chìm dưới cơn mưa”. Chìm xuống, để thấy mình mềm mại và mỏng tang trong nước, để mọi buồn vui ái ố được chan hòa cùng nhau. Chìm xuống, để sớm mai về hong tóc úa, sẽ nhớ mãi không quên giây phút được thiên nhiên ưu ái chạm vào.

Đêm đó, có cơn giông tạt ngang An Cựu, gió giật và mưa tầm tã. Giữa cơn mưa xối xả vần vũ trên những nóc nhà đã say ngủ, tôi chợt nghe văng vẳng bên tai làn hơi sầu nữ không chút tì vết thời cuộc nhưng đã nhuốm hơi hướm tủi thân nghiệp mệnh xướng ca. Tiếng hát Thanh Thúy vang lên ở đâu đó, có thể từ chiếc đài casette của một kẻ lãng mạn ưa chịu những điều hoài cổ, khiến tôi không thể bình tĩnh bước đi những bước tiếp theo. Thúy hát Nửa đêm ngoài phố, lênh đênh và cheo leo, như thể mai mốt sẽ là những ngày sau cuối của đời sống riêng nàng. Tôi bỗng nhận ra có những khoảnh khắc trong đời, người ta không thở nữa, chỉ mải mê nghe ngóng một giai âm điêu luyện, lòng rộn theo tiếng nhạc khí phát ra từ dàn máy mà tưởng như sống lại cả một địa đàng.

Và thế là kẻ Bắc Kỳ tôi tự cho mình một đêm trắng lang thang giữa cố đô xa lạ, ngơ ngác lêu bêu một góc hẻm tối tăm chỉ bởi vô tình bắt gặp một câu hát, một mùi hương, hay một bụi nguyệt quế nhà ai len lén nở đêm. Những bước chân đơn độc đó đôi khi dẫn tôi dừng lại trước cổng một ngôi nhà, lập lòe ánh đèn trái nhót trên bàn thờ, nơi chân nhang đã nguội, và một bình cúc gỗ đang phập phồng hơi thở vô hình rất sâu. Cũng như những kẻ si tình khác, tôi đã từng ôm Huế thật sâu để hít thở căng lồng ngực hòng ép trọn làn hương ngọc lan lúc nửa đêm chờ sáng mà thấy thơm phưng phức những bình minh đục ngầu ảo ảnh, lẫn trong văng vẳng tiếng chuông lễ chùa buổi sớm.

An Cựu về sáng vẫn mưa không ngớt, bởi Huế mùa ni là mùa mưa. Ở Huế, An Cựu là một con sông nhỏ, chi lưu của sông Hương và đổ về đầm Hà Trung. Và bởi vì là sông nhỏ nên An Cựu có đầy đủ “tính cách” của một “người” biết thân biết phận: lưu lạc ngoại ô và sống đời riêng mình. Con sông ấy đã chứng kiến nhiều sự đổi thay của triều Nguyễn và hẳn nhiên, cả tiếng nấc của hiền nhân Bến Ngự trong đêm bão thị thành. Mưa An Cựu như là hiện thân của nỗi buồn tháng Mười Một, sau cuối và gần như mất dấu. Nó gợi nhớ những ký ức đã vang bóng một thời, với những lệ pha lê, những đèn khuya, những đêm vàng rêu phủ. Ngồi dưới một tán lều bạt bên Phan Đình Phùng nhìn ra sông, vẳng nghe bên tai lời của nước, của rêu, và bóng dáng những con người đã hằn in dấu vết nơi này.

Giữa trưa, phố vắng như tờ giấy tùy thân, tôi lê bước chân đi dọc bờ An Cựu. Cung An Định hiện ra. Nơi này đã quá xa xưa, u tịch và lặng lẽ, bảo người ta rằng có những điều thực sự được lãng quên trong thinh lặng. Vả chăng còn điều gì đau xót và kiều mị đọng lại thì chắc chắn đó là giọt nước mắt đêm thâu của những người phụ nữ chốn hoàng tuyền. Tôi chạm tay vào cánh cửa, tưởng như chỉ cần đẩy mạnh một chút thôi là có thể được thấy gương mặt u buồn phía sau tấm rèm nhung của những đóa hải đường một thời thức ngủ. Bỗng thấy nhân gian này yên ắng quá. Thể như không còn sự hiện hữu của con người, chỉ có tiếng nước mưa chảy từng dòng qua từng khe gỗ cũ, thì thầm, buốt nhói can tràng. Mùi mưa quện với mùi rêu mùi gỗ khiến trong cùng lúc tôi muốn được gửi một lời hỏi thăm đến những chủ nhân của cố cung này “Liệu mai sau mùa xuân còn đến?”.

Một dạng cảm xúc ngưng đọng đến tột độ mà bé giờ tôi chưa từng trải qua. Tôi muốn tan vào mưa, để thấm tháp nỗi buồn lộng lẫy và óng ánh này. Nỗi buồn của một kẻ rong chơi, cứ hoài mãi những ký ức tàn dư già cỗi của dân tộc. Nhưng dẫu cho sống sâu hay sống cạn, tôi vẫn muốn thành thực với lòng mình về dòng cảm xúc mà bản thân đang nắm giữ, để như thế, tôi được sống trọn một kiếp lang thang, thương vay tiếc mướn những điều đã cũ. Mà có chi cũ lắm, bởi dưới cơn mưa này, mọi thứ đều trồi mình xanh lên.

Ở miền ẩn dật sau cùng, nơi những tiếng ồn thị phi không còn nghe thấy được, sau tất cả những cú giáng của thời cuộc và số phận, cụ Phan Bội Châu được trả về đây, thanh thản và bằng an với những sự thật của riêng ông, nằm sâu dưới tấm tượng đồng đen nghìn năm vĩnh viễn. Bến Ngự bây chừ chỉ còn là những mảnh vỡ huyền thoại, đan chéo so le hiện tại và quá khứ trong khung cửi của mưa. Nhưng mà mảnh vỡ ấy vẫn ngấm ngầm thôi thúc ý nghĩ người ta, nhất là những kẻ hoài cổ, rằng ông già ấy vẫn quanh quẩn đâu đây, hàng ngày neo thuyền câu cá trong nỗi đau bất lực mất nước. Cụ Phan Bội Châu chưa bao giờ quen nết Đào Nguyên lạc lối mà quên nỗi bận bịu con người, chỉ khi người ấy mãi mãi nằm dưới một lớp đất nâu sau 73 năm nghiệm sinh trên cõi đời này. Đó là giấc ngủ dịu dàng của cụ Phan vào mùa đông năm Canh Thìn 1940.

Mưa vẫn rơi như thiếu phụ khóc vọng phu trên bến vắng. Trôi trên sông, hạt mưa tỏa ra những đường vân mảnh khảnh. Tôi đứng trên cầu Phủ Cam suốt buổi chiều chỉ để nhớ duy nhất một khuôn mặt. Khuôn mặt ấy tưởng như rất thân quen nhưng lắm khi lại hoàn toàn văng ra khỏi hệ trật tự của đời này. Người trai bé bỏng ấy đã lớn lên bên dòng sông này, tuổi đôi mươi vừa hé những nỗi buồn chúm chím mà câu hát như đã “ăn cắp” tâm trạng người ta. Người đã gắn bó với Huế bằng một nỗi buồn tươi tắn, nguyên vẹn và chưa từng mảy may bội phản. Người hiện về trong suy nghĩ của tôi với mái tóc thưa thớt bồng bềnh, tay hạc vịn thành cầu như thể một sự chịu thương chịu khó, đôi mắt ngà ngà mơ màng vì khói thuốc mà đâu biết tất cả những điều đó là đề tựa cho một cuộc chia ly. Lá phượng nhỏ và giọt mưa cũng nhỏ, quấn quyện đến nỗi bất giác ta nghĩ không biết mưa đến từ đâu, hay là đã đến từ tiền kiếp.

“Chiều này còn mưa
sao em không lại
nhỡ mai trong cơn đau vùi
làm sao có nhau
hằn lên nỗi đau
bước chân em xin về mau”


Trong mưa có gió. Nhẹ thôi nhưng sao cứ khiến người ta run rẩy. Dòng sông này rõ ràng chẳng hề là một nhan sắc nổi bật của thiên nhiên xứ Huế nhưng tôi cứ có cảm giác nó thừa độ tin cậy để cất giấu những thân kiếp mong manh. Mà sự mong manh ấy, chính là phần hồn của Huế.

Những vệt mỏng cuối ngày nhòe dần trong mưa. Chạng vạng xứ này làm khổ người ta ghê lắm, buồn bã, chông chênh, ai hoài. Mưa bất chợt ào ạt, cuốn phăng mọi thứ trang phục rối rắm của phố phường và để hiện ra một khuôn diện bé nhỏ, kiệt cùng vật chất và khánh tận niềm vui. Đó là những vệt khói ám muội lẫn trong mùi mưa, xống áo xộc xệch của người nữ già phì phèo điếu thuốc, tới hơi thở đàn bà, khỏa lấp cả những giọt mồ hôi nhễ nhại của chủ tiệm hớt tóc đầu ngõ, cuốc xe cuối ngày nhặt nhạnh lối mưu sinh bên vỉa hè phố thị. Cứ thế, phố nhỏ hai bên sông như những người đàn bà nửa đời cam chịu, tiếc nuối thanh xuân và trong lòng đầy ắp những khát khao kín đáo.

Tôi ngửa mặt lên trời để ngũ giác được lịm đi trong nước. Như một kẻ đi bụi trên sa mạc bị khát cháy lâu ngày, bỗng liệng chân qua đây và được tái sinh bằng một mạch nguồn trong veo mát lạnh. Mắt tôi như đẫm trong một khe suối nhỏ, tai tôi nghe thấy tiếng cựa mình của hạt mưa va đập vào nhau, mũi tôi ngửi thấy mùi của cây khô đang tróc vỏ, lưỡi tôi cảm nhận vị ngọt của mùa và tay tôi muốn đưa ra để đón lấy làn nước trong khiết mà những kẻ bụi đời nơi cuối nẻo cuồng phong vẫn thường túng thiếu. Bỗng chốc tôi thấy mình như thuộc về nơi đây từ kiếp nào, bên dòng sông nhỏ và những gương mặt đã nhòe đi cùng cát bụi thời gian.

Thời gian và không gian như ngừng lại, chỉ còn lại tiếng kêu rỉ rả của côn trùng ăn sương. Rồi như ý nghĩ muốn chìm sâu hơn nữa dưới cơn mưa này, tôi nhận ra, mưa An Cựu chính là một ví dụ đẹp về nỗi cô đơn của Huế.

N.H
(TCSH334/12-2016)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ký ức Minh Hải (17/11/2016)
Chuyện làng (14/10/2016)