Bút ký - Tản văn
Hà Nội, một thoáng cuối Xuân
09:46 | 15/06/2017

NGUYỄN KHẮC PHÊ
            Tản văn  

Hà Nội bây giờ, chẳng ai dám quả quyết là đã quan sát, tìm hiểu và có thể bình phẩm một cách đầy đủ. Đơn giản, chỉ vì Thủ đô hôm nay quá… mênh mông.

Hà Nội, một thoáng cuối Xuân
Ảnh: internet

Tôi chợt nghĩ vậy, khi trò chuyện với cựu binh Tuấn Cương trong căn nhà của đứa cháu ở ngõ phố Khâm Thiên. Tuấn Cương quen nhiều văn nhân Hà thành, nhưng mới biết tôi, sau khi đọc Tự truyện “Số phận không định trước”. Vậy nên cậu ta nhắc một kỷ niệm trong thời đoạn “vào đời” gian nan của tôi và nói: “Bây giờ, nếu như bác có dịp trở lại Ba Thá, Tế Tiêu thì vui lắm! Khác trước nhiều lắm rồi!...” - Hà Đông là quê hương của Tuấn Cương, nên anh không giấu được vẻ thích thú và nói tiếp - “Em sẵn sàng chở bác đi…”.

Tôi thoáng chút ngạc nhiên nhưng rồi chợt nhớ vùng đất mà tôi đã góp sức xây hai chiếc cầu và “bỏ lại” một con mắt vì tai nạn bên dòng sông Đáy hiền hòa hơn nửa thế kỷ trước, nay đã thuộc về Hà Nội! Ôi chao! Một thời đã xa, hai công trường cầu ở vùng ngoại vi xa của thị xã Hà Đông xưa, nay đã là đất Thủ đô! Cũng đáng gọi là một cuộc “bể dâu”! Ờ không biết các dòng sông của nhiều miền đất nước đang bị “bức tử”, liệu những nương dâu xanh ngắt đôi bờ sông Đáy từng nuôi dưỡng bao “làng lụa Hà Đông” còn không?... Và bỗng nhớ đến Hà Minh Tuân - nhà văn Hà Nội, từng là chính ủy một trung đoàn của sư 312, tham gia chiến dịch Điện Biên, vừa được tôn vinh trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn rực rỡ cờ hoa tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế giữa khu Ba Đình - Hà Nội. Cũng đúng 60 năm trước, ông xuất bản tiểu thuyết đầu tay “Trong lòng Hà Nội” (1957), rồi tiếp liền là tiểu thuyết “Hai trận tuyến” (1960), được đông đảo bạn đọc hâm mộ. Nhưng đến tiểu thuyết “Vào đời” (1962), thì bầm dập, khốn khổ với bệnh công thức, ấu trĩ một thời. Tôi đã đọc “Vào đời” say sưa trong những đêm mưa rét trên công trường “vào đời” của mình bên dòng sông Đáy, để rồi “hoang mang” khi nó bị “đánh đập” tơi tả. Cho đến hôm nay, Hà Minh Tuân lại được tôn vinh, khi nhà văn đã theo bước… Thánh Gióng “bay lên trời” từ 25 năm trước, như một chiến binh làm xong phận sự với Tổ quốc, rũ sạch bụi trần, chẳng màng chi lợi lộc và khen thưởng! Dù vậy, đất nước đã Đổi Mới và hậu thế thì không thể quên ông…

Tôi rời ngõ nhỏ Khâm Thiên, từ căn nhà chật đến mức người này muốn dịch chuyển thì người nọ phải ngồi gọn xuống ghế mới có lối đi, đến khu chung cư Hòa Phát cao gần ba chục tầng, trên đường Hoàng Minh Giám, càng thấm sự “khác trước” của Hà Nội. Khu đất này, tròn 60 năm trước, còn là cánh đồng, mỗi khi tôi trở về trường muộn, sau một ngày xuống phố thăm bà con, hết giờ tàu điện chạy, phải cuốc bộ, không khỏi lo âu với cảnh hoang vắng, chỉ có tiếng ếch nhái vọng trong bóng đêm âm u. Càng ngạc nhiên khi biết căn hộ thênh thang mà đứa cháu mua cho bố mẹ về đây “dưỡng già” có giá đến 7 tỷ đồng! Mua bằng đồng tiền “sạch” - tiền lương tích lũy nhờ… “làm thuê” cho công ty nước ngoài! Và công viên quanh chung cư cũng “sạch bong”, không một cọng rác, một lá rụng, dù cây xanh tỏa bóng mát khắp các lối đi… Bỗng chợt nhớ khu tập thể Kim Liên “ngày xưa” với hành lang hẹp nồng mùi bếp than tổ ong, với căn hộ của triết gia Trần Đức Thảo có lần phát hỏa vì cháy bếp dầu mà nhà văn Phùng Quán đã tả trong một bài ký…

Quả là một thời đã xa! Chẳng nên níu giữ những điều cũ kỹ, lạc hậu với thời đại. Vậy nhưng cứ thoáng một mối lo mà không ít người đã bày tỏ: Liệu rồi đây Thủ đô sẽ là một phiên bản của Hồng Kông, Thượng Hải? Liệu còn chi là “Hà Nội” không?... Một vấn đề không dễ trả lời, không chỉ với Hà Nội - sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn vốn cổ, gìn giữ những dấu tích xưa, “nơi lặng hồn núi sông ngàn năm”1(*)

Cũng may là tôi đã dành được buổi sáng, trước khi rời Hà Nội, đi dạo ra hồ Hoàn Kiếm. Ai cũng biết đây là vùng “Đất Thiêng” không chỉ của Hà Nội. Với tôi, “Bờ Hồ” - “ngày xưa” chỉ nói gọn thế thôi - là nơi hơn 60 năm trước, tôi đặt bước chân đầu tiên trên con đường kiếm sống gian nan, rồi ngày ngày bám theo những đoàn tàu điện gõ chuông lenh keng tỏa về các phố Hàng Đào, Quan Thánh, Cửa Nam, Hàng Bài, Chợ Mơ… với túi sách báo nặng trĩu đôi vai gầy. “Báo ơ… sách mới đây…”; như sợ làm tan vỡ mất kỷ niệm xưa vừa sống lại, tôi khẽ ngồi xuống chiếc ghế mới bên hồ, khép hờ mi mắt chốc lát. Thực chứ không phải mơ. Chú bé bán sách báo dạo ngày ấy đã trở thành nhà văn. Có lẽ do tầm mắt vừa choáng ngợp trước những nhà cao tầng vây quanh Hà Nội, trong buổi sáng cuối xuân, khi làn sương đêm chưa kịp tan, hồ Hoàn Kiếm như bé hơn “ngày xưa”. Thật may là bao “âm mưu” xây các công trình “đồ sộ” như tòa nhà “Hàm cá mập” đã bị chặn lại. Tháp Rùa, được sương mù như tấm khăn mỏng manh choàng quanh, càng tôn vẻ cổ kính. Quanh hồ, dưới lớp lớp những mái xanh cây cổ thụ, thành nơi cho dân Hà thành thư dãn, tập thể dục mỗi sáng. Đặc biệt, rất đông người nước ngoài, đủ mọi quốc tịch. Hèn chi quầy báo bên phố Tràng Tiền chỉ bán sách báo ngoại văn…

Có thể xây dựng hàng loạt khu nhà cao tầng hoành tráng như tôi đã thấy trên vùng Cầu Giấy, nhưng không gian quanh hồ Hoàn Kiếm thì ngàn năm chỉ có một mà thôi. Và duy nhất nơi đây, khách thập phương đã đến Hà Nội đều muốn tìm về. Còn hồ Hoàn Kiếm, còn Tháp Rùa cổ kính, còn “Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu”… như lời một bài hát quen thuộc khi đất nước vừa im tiếng đạn bom…

N.K.P  
(TCSH340/06-2017)

.............................................
1(*) Lời ca khúc nổi tiếng “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi.  




 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Thư cuối năm (31/03/2023)
Các bài đã đăng
Mưa An Cựu (19/12/2016)
Ký ức Minh Hải (17/11/2016)
Chuyện làng (14/10/2016)