Bút ký - Tản văn
Cát trắng
17:00 | 22/06/2009
PHƯƠNG HÀ                     (truyện ký)Cho anh em trong phân đội trở về các vị trí giấu quân xong thì trời cũng vừa sáng. Đang giăng võng để ngủ lấy sức sau một đêm trinh sát, tôi chợt nhớ phải đến thăm Hoà vì Hoà sắp đến ngày sinh nở. Chúng tôi đang ở ngay làng của mình nhưng làng không còn nhà, dân bị giặc lùa đi hết, muốn tìm nhau thì phải tìm đến những căn hầm.

Vừa đi tôi vừa lắng nghe tiếng động. Lẫn trong tiếng sóng biển ì ầm quen thuộc có tiếng máy bay trực thăng. Đang chú ý đến năm chấm đen xuất hiện ở phía Tây thì bỗng ầm ầm, ào ào một đoàn trực thăng khác bay là là mặt cát, ập đến từ hướng mặt trời mọc. Nghi binh kiểu này tức là địch sẽ đổ quân. Tôi phóng đại qua những hố pháo, cố chạy đến hầm của Hoà, những không kịp nữa rồi. Một tràng trọng liên sáu nòng ồ ồ, tôi như vấp hòn đá chặn đường, té nhào xuống. Co người cố chạy tiếp nhưng chân phải không nhấc lên được. Bị vào xương rồi. Không còn hy vọng để ẩn nấp, tôi lật ngửa người, quạt lại lũ trực thăng bằng khẩu AK báng xếp. Tiếng tiểu liên của tôi chìm trong tiếng rốc-két, tiếng trọng liên của máy bay Mỹ giờ đây không chỉ nhằm vào tôi mà rải ra khắp làng. Chúng đang dọn bãi đổ quân. Tôi trườn đến một bụi tre chỉ còn gốc, hy vọng dựa vào nó mà đánh địch lâu lâu. Bỗng Hoà xuất hiện, trắng toát trong chiếc dù ngụy trang. Không nói không rằng, Hoà lấy băng buộc chặt chỗ máu ra nhiều cho tôi rồi giúp tôi trườn về hầm bí mật, cách một quãng ngắn, giữa những bụi cây. Bầy trực thăng vẫn quần đảo, bắn phá, cát mù mịt che khuất chúng tôi. Hoà xuống hầm trước, cái bụng khó khăn lắm mới lọt qua được cửa. Đến lượt tôi, thật gay go. Cái chân bị thương ngay đơ, tôi sợ nhất là bị choáng. Hoà phải dướn người lên cửa hầm, dùng vai đỡ chân cho tôi tụt xuống. Bầy trực thăng chở quân đã đổ gần lắm, không gian sôi lên trong tiếng động cơ, cát đảo xoáy vòng. Cuối cùng Hoà cũng đậy được nắp hầm, đậy bớt cái âm thanh hỗn loạn phía trên.

Hoà châm một cây nến rồi giúp tôi cởi quân phục. Nắn nắn chỗ bị đạn, Hoà bảo:

- Cậu bị gãy xương cẳng chân rồi. Phải cố định lại mà ở đây thì không tìm đâu ra nẹp.

- Băng tạm rồi chờ giặc rút, quá lắm là chiều tối nay chúng cũng rút - Tôi nói như để động viên mình mà cũng làm cho bạn yên tâm.

- Không được. Những mảnh xương sẽ đâm vào động mạch.

Dưới ánh nến, khuôn mặt Hoà bỗng tái nhợt, ở đuôi mắt trái lõm một lúm đồng tiến. Giọng Hoà lạc đi:

- Cậu nằm dài ra... Thế... Mình lấy khẩu carbin làm nẹp tạm.

Hoà quấn băng cho tôi mà tay run lẩy bẩy.

- Hoà sao thế? - Không nén được, tôi nhổm đầu dậy, hỏi.

- Mình đau bụng quá. Có lẽ...

Dắt múi cuộn băng xong, Hoà ngồi vật ngửa ra, thở hổn hển, mồ hồi nhỏ giọt trên trán; cái lúm đồng tiền ở đuôi mắt trái lõm sâu thêm. Tay Hoà hết ôm bụng lại chống xuống nền hầm, lún sâu dưới lớp cát mịn. Tôi chợt hiểu ra cái giờ phút nghiêm trọng đối với chúng tôi đã đến: Hoà sắp sinh.

Lúng túng không biết làm gì để giúp bạn, tôi quên mất vết thương của mình lúc này đang rát bỏng, cố đỡ cho Hoà nằm gối đầu vào cái chân còn lành lặn của mình. Tóc Hoà bết mồ hôi, dính đầy cát. Hoà vật vã trong những cơn co thắt dữ dội nhưng cố bảo tôi moi cái thùng đạn đại liên đựng những thứ đã chuẩn bị cho đứa bé chào đời, rồi ra hiệu cho tôi quay mặt chỗ khác. Hoà thờ ì ạch hồi lâu nữa thì cả căn hầm tràn ngập tiếng khóc oa oa. Trên tay tôi một thằng cu con đỏ hỏn, trơn nhẫy, ra sức chòi đạp và càng khóc to như để khẳng định một con người nữa đã ra đời. Hoà chỉ cho tôi cắt rốn thằng bé và làm những công việc "bà mụ" hoàn toàn xa lạ đối với một chàng trai chưa vợ như tôi. Vậy mà trong hoàn cảnh này tôi làm mọi việc đều chu toàn và có vẻ "mát tay" nữa.

Có lẽ thằng bé gào to quá làm cây nến tắt. Chúng tôi giật mình thấy lỗ thông hơi như một vệt sáng đèn pin chiếu xéo xuống hầm, có thể làm cho địch nghe thấy tiếng khóc của thằng bé. Hoà vội xé một tờ giấy trong sổ tay quấn lại làm chiếc loa rồi úp ngược vào miệng con. Bây giờ thì tha hồ cho nó gào. Tiếng khóc sẽ được lòng đất mẹ đón đi. Loay hoay với vết thương của tôi và việc sinh nở của Hoà, chúng tôi không biết thời gian đã trôi qua bao lâu. Trên mặt đất vẫn lao xao tiếng lính Mỹ và những bước chân nặng trịch. Lâu lâu, tiếng trực thăng lại rộ lên, tiếng rít của ổ cánh quạt dội xuống hầm nghe rờn rợn. Trực thăng lên xuống nhiều như thế, có khả năng Mỹ sẽ chốt lại.

Thằng bé không khóc nữa. Nó ngủ ngon lành trên tấm đắp của mẹ nó. Khuôn mặt Hoà xanh xao nhưng rạng rỡ niềm hạnh phúc. Còn tôi phải đối phó với cái chân đau của mình, lúc nào cũng nhói lên như có ai lấy kềm mà bấm vào đùi.

Mệt mỏi và đau đớn quá mức, tôi không dậy nổi để châm cây nến khác. Nhưng như thế mà lại hay, bởi tôi theo dõi được thời gian qua lỗ thông hơi. Trời tối đã lâu mà tiếng động bên trên vẫn không dứt. Chắc chắn là tụi Mỹ đã đóng chốt lại. Chờ thật khuya, tôi bàn với Hoà:

- Ráng đỡ cái chân cho mình, mình đội nắp hầm quan sát tình hình xem sao.

- Không được, cậu không được nhúc nhích cái chân ấy, để mình - Hoà cương quyết.

Đứng ở nắp hầm một chốc, Hoà tụt xuống, thì thào:

- Nó nằm la liệt cả. Hai ba thằng duỗi chân cách nắp hầm vài mét. Mấy thằng gác hút thuốc, che lửa trong mũ sắt - Hoà thở dài - Chờ vậy.

Ngày thứ hai, chúng tôi chờ giặc rút trong sự thấp thỏm. Gần tối, cùng nhau nhai nắm gạo rang ngào sữa, Hoà bảo:

- Cậu đặt tên cho bé đi. Phải chi anh ấy không hy sinh...

Tôi bàng hoàng sực tỉnh. Hai hôm nay tôi quên mất người chồng của Hoà, cũng là bạn chiến đấu của tôi.

Năm 1964, từ miền Bắc tập kết về trong một đơn vị chủ lực, tôi gặp lại Hoà giữa đêm trăng mùa gặt ngay trên con đường làng chúng tôi. Lính trinh sát hễ gặp du kích là thân thiết ngay, nhất là mấy o du kích mập tròn, mắt lá răm, nhìn con trai với cái nhìn táo tợn, ướt át. Một o du kích vồ lấy khẩu AK trên tay tôi, vừa trầm trồ vừa ngượng ngùng bắt tôi chỉ cách sử dụng. Dưới ánh trăng, đuôi mắt của o du kích đang cười ấy lõm một lúm đồng tiền! Tôi nhận ra Hoà - bạn tôi từ cái thuở chơi trò cưới vợ, gả chồng cho những con chuồn chuồn. Vết sẹo ở đuôi mắt trái lõm thành lúm đồng tiền là do tôi xô Hoà để tránh mũi tên từ chiếc cung của thằng bạn thẳng vào mặt, Hoà ngã nghiêng, đuôi mắt bị một que nhọn đâm vào.

Hoà là cô gái vui tính, hôm nay liếc anh du kích nọ, ngày mai cười tình với anh chủ lực kia.  Có lẽ vì thế mà cậu xã đội trưởng một hôm chung hầm bí mật với Hoà, tưởng Hoà dễ dãi đã quả quyết ôm Hoà mà hôn. Hoà cứ để mặc cho bạn âu yếm. Nhưng khi bạn tiến thêm bước nữa thì Hoà lặng lẽ đảy bạn vào ngách hầm - cái ngách dùng để chống lựu đạn khi bị địch xom trúng hầm - dùng bao cát chẹn cửa ngách rồi tỳ lưng vào đó cho hết buổi giặc càn. Xã đội trưởng, trong một buổi họp cứ lấm lét nhìn Hoà, sợ Hoà đưa ra phê bình. Nhưng Hoà đã quên chuyện đó rồi. Trong cảnh nay sống mai chết, không bao giờ Hoà đem chuyện kín đáo, có khi thiêng liêng nữa, kiểu như chuyện anh xã đội trưởng với mình ra phê bình trước tập thể.

Khi đã 23 tuổi, Hoà kết hôn với một cán bộ trinh sát đơn vị tôi. Những ngày Tết Mậu Thân, Hoà dẫn đường cho quân chủ lực đánh vào thành phố và cũng xốn xang nhận ra đứa con nhỏ nhoi đang quẫy đạp trong lòng. Hoà nới dần thắt lưng đạn quanh người cho con lớn dần lên... Và cho đến hôm nay, Hoà giao trọng trách cho tôi đặt tên con, làm sao tôi không xao xuyến được! Biết bao tên hay để đặt cho bé nhưng nghĩ đến hoàn cảnh ra đời của nó, tôi đề nghị:

- Tên là Cu Hầm, được không?

Hoà cười:

- Hơi kỳ... Nhưng mà hay đấy, để kỷ niệm. Ở vùng mình biết bao đứa trẻ sinh ra trong các loại hầm.

Chờ cho cơn xúc động của Hoà qua đi, lần này tôi quyết để mình lên quan sát. Trăng rằm soi rõ những ụ súng máy, những lô cốt bằng bao cát, những xe tăng chôn nửa chìm nửa nổi. Sau một ngày chịu cái nắng nhiệt đới giữa cát bỏng, bọn Mỹ nằm la liệt trên những tấm bạt. Cái mùi Mỹ hăng hắc làm vẩn đục không gian êm ả của đêm trăng. Là lính trinh sát, tôi có thể vượt qua căn cứ này nhưng làm sao đưa được mẹ con Hoà ra? Cố chịu đau, tôi đứng ở cửa hầm thật lâu, ghi nhớ hết mọi vị trí của địch, nghĩ cách lọt ra đưa anh em vào tập kích để cứu mẹ con Hoà. Nhưng càng quan sát, càng thấy cái phân đội nhỏ bé của tôi không thể chọc thủng tuyến bố phòng của tiểu đoàn Mỹ mà vào đến hầm được. Xin lực lượng của trên lại càng không, vì tôi biết cấp trên đang có kế hoạch cho một chiến dịch lớn, không thể bộc lộ lực lượng lúc này.

Ngày thứ ba, địch tăng cường đóng chốt. Chiếc máy bay L19 lượn vòng, oang oang kêu gọi Việt Cộng đầu hàng. Chúng kêu đúng tên Hoà và vạch ra cảnh khốn cùng phải sinh nở trong lòng đất. Chúng hứa hẹn sẽ đưa Hoà vào bệnh viện và nuôi nấng đứa bé tử tế. Hoà nghe hết rồi cười mỉm. Số lương khô dự trữ đã hết. Không có cái ăn, Hoà cạn dần sữa. Cu Hầm đói, nhăn nheo trông thật tội. Chân tôi đã bị nhiễm trùng nặng, khó chịu nhất là cái mùi toả ra từ vết thương trong căn hầm thiếu dưỡng khí. Những lúc sốt cao, tôi mê sảng la hét, Hoà phải lấy tay bịt mồm tôi lại.

Đến ngày thứ sáu, Hoà nói:

- Phải ra thôi, ở mãi thế này chết cả ba.

- Bằng cách nào?

- Cậu thì hoàn toàn không lết nổi nữa rồi. Mình có cách này, xem được không...

Hoà moi cái thùng đạn đại liên chôn sâu dưới góc hầm lên, lấy ra bộ áo quần dài trắng, có thêu những bông hoa nhỏ màu tím Huế, thơm mùi băng phiến, hỏi tôi:

- Có nhớ bộ áo quần này mình mặc lúc nào không?

- Lúc còn là nữ sinh Đồng Khánh.

- Lúc nào nữa?

Tôi nhớ có lần bọn lính dù đổ quân thình lình xuống vùng tranh chấp, cần phải đánh chúng ngay mà chúng tôi không trinh sát được. Hoà xung phong đi "hợp pháp" nắm tình hình địch bằng cách mặc bộ đồ dài trắng này, đài các như một tiểu thư về thăm quê. Hoà ghi nhớ hết mọi vị trí của địch, về đến nơi là vẽ ra giấy; cứ thế, chúng tôi lên phương án chiến đấu. Tôi không biết Hoà cất giấu bộ áo quần kỷ niệm thời nữ sinh của mình lúc nào, bây giờ Hoà lấy ra, tôi vừa ngạc nhiên vừa cảm động. Hiểu ý định của Hoà nên tôi càng băn khoăn, lo lắng. Lần trinh sát trước là giữa ban ngày, lần vượt phòng tuyến này phức tạp hơn nhiều, mà Hoà lại mang theo con. Tính tới tính lui, cũng chẳng có cách nào khác. Tôi tin vào sự từng trải trong chiến đấu và vốn tiếng Anh của Hoà.

Thấy tôi im lặng lâu quá, Hoà âu yếm vuốt tay tôi:

- Bạn đồng ý nhé. Chúng mình sẽ có cách vào đưa bạn ra.

Nhìn thân hình Hoà gầy rộc như con én biển sau mùa làm tổ, nuôi con, tôi không dám nói gì nữa, sợ mình sẽ oà khóc. Tôi vẽ bản đồ chi tiết căn cứ dã chiến của Mỹ và trao đổi với Hoà cách lọt qua nó. Hoà chải tóc, thay quần áo và giấu hai quả lựu đạn vào người. Hôn vào má tôi thay cho lời từ biệt, Hoà đội nắp hầm lên. Cu Hầm được bó gọn trong tấm dù trắng. Hình như nó biết điều hệ trọng nên không cựa quậy. Còn chút sức lực nào, tôi đem ra hết, đứng lên trong miệng hầm bí mật.

Trăng sáng đến mức mặt cát phản chiếu lại át hẳn những vì sao. Đã có những đêm trăng như thế này, tôi và Hoà cùng nhau băng qua những trảng cát kéo dài mấy cây số để ra vùng biển giải phóng đón chủ lực vào đánh giặc ở vùng sâu. Cát trắng mênh mông lại di động liên tục nên dù quen đường vẫn bị lạc. Chúng tôi thường nghiêng vành tai đón gió để nhận ra hướng đi và bao giờ cái vành tai của Hoà cũng nhận hướng chính xác hơn tôi...

Bây giờ thì Hoà ôm con vào ngực như ôm chiếc cặp học trò, lững thững đi  qua trước mặt bọn Mỹ. Cái bóng con gái thon thả, vạt áo dài trắng muốt bay bay trong gió dưới ánh trăng lồng lộng tự nhiên xuất hiện giữa cứ điểm tua tủa đại liên bốn nòng và tháp pháo xe tăng làm bọn lính gác cứ há hốc mồm mà nhìn. Tôi trông thấy có thằng đưa tay làm dấu thánh giá, có thằng đứng chống nạnh mà lắp bắp điều gì đó, chỉ nghe rõ một tiếng "play girl" (gái làng chơi). Qua một tốp lính Mỹ khác, Hòa nói gì đó với chúng rồi xoay hướng đi ra biển - nơi những cồn cát không có tí cỏ, ngời ánh trăng. Tôi mừng thầm. Hoà đã chọn đúng hướng bởi vì phòng tuyến của Mỹ nơi ấy mỏng hơn và chắc là chúng ít chú ý hơn. Tôi rê khẩu AK chếch theo hướng đi của Hoà, nghe mạch máu giật liên hồi dưới nách. Hoà qua được hai tốp lính gác nữa, rồi lẫn vào bóng một chiếc xe tăng. Từ xa, tôi chỉ thấy lù lù nòng pháo của xe và cái hình khối đen ngòm của nó. Căng mắt ra để tìm Hoà nhưng mãi không thấy đâu. Có lẽ bộ áo quần dài trắng của Hoà đã làm Hoà lẫn được vào cát trắng, trăng trong. Một tốp lính tuần đi qua. Bóng Hoà lại xuất hiện. Tôi hiểu ra vừa rồi, Hoà đã khôn khéo tránh chúng. Nhưng một tốp lính tuần đang đi ngược lại tốp vừa rồi. Bóng Hoà hơi nghiêng như muốn tìm một chỗ tránh. Quanh Hoà không có vật che khuất nào ngoài cái lô cốt bằng bao cát mà trên đó, một thằng Mỹ ôm súng ngủ gật. Tốp lính xì xồ cái gì đó rồi nằm tản ra. Trong chớp mắt, đạn lửa dày đặc đan xéo quanh người Hoà. Hoà loạng choạng như bị một cơn gió xoáy thường xuất hiện đột ngột ở vùng cát ven biển Trị - Thiên, rồi chững lại, vung tay. Một chớp lửa loé lên kèm theo tiếng nổ không âm vang lắm vì lựu đạn rơi vào đệm cát. Nhằm vào bọn lính tuần, tôi xiết cò hết nửa băng đạn. Súng địch rộ lên khắp mọi phía. Xe tăng rú máy ầm ĩ. Tiếng bọn chỉ huy quát tháo loạn xạ. Lẫn trong các âm thanh hỗn độn đó, tiếng Cu Hầm khóc ngằn ngặt. Hoà vẫn ôm chặt con vào ngực, cố chống lại sự lảo đảo. Trong ánh chớp nhằng nhịt của các loại đạn, tôi lại thấy Hoà vung tay, nhằm vào một tốp lính Mỹ đang lao tới mà liệng lựu đạn. Tôi còn kịp thấy tà áo dài của Hoà bay lộng lên lần nữa và trong lúc tôi gục xuống trên miệng hầm vì bị một vết đạn vào bả vai, hình như tai tôi còn đọng lại cái tiếng phần phật của tà áo dài đó...

Chưa lành vết thương tôi đã móc nối cơ sở nội tuyến để tìm tung tích Cu Hầm. May mắn cho tôi là một cơ sở có người bà con làm phiên dịch cho đơn vị Mỹ đã giết Hoà nhặt được Cu Hầm trên đồi cát và gửi vào cô nhi viện. Một người đàn bà đơn độc, phúc hậu ở Huế xin cu Hầm từ cô nhi viện về nuôi. Cơ sở của tôi đã tìm được địa chỉ người đàn bà ấy nhưng chị đã bế Cu Hầm vào Sài Gòn...

Ba mươi lăm năm qua, tôi cố tìm Cu Hầm nhưng vẫn chưa lần ra đầu mối. Khi đọc câu chuyện này, quý bạn nào biết cu Hầm ở đâu, xin chỉ dùm.

P.H

(178/12-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ba lần gặp Bác (19/06/2009)
Lửa tháng năm (29/05/2009)
Một thuở Paris (21/05/2009)
Xuân sơn kỳ bí (12/05/2009)