Bút ký - Tản văn
Buổi hạnh ngộ được tiếp kiến Cụ Cố vấn Phạm Văn Đồng
15:31 | 03/07/2009
THÁI VŨ        Ghi chépNhững năm đầu kháng chiến chống Pháp, từ Quảng Nam- Đà Nẵng vào Bình Thuận lên Tây Nguyên được chia ra làm 3 Quân khu thuộc Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, cụ Cố vấn Phạm Văn Đồng là đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ. Qua năm 1947, 3 Quân khu (QK 5, 6 và Tây Nguyên) hợp nhất thành Liên khu (LK) 5.
Buổi hạnh ngộ được tiếp kiến Cụ Cố vấn Phạm Văn Đồng
Nguyên Cố vấn Phạm Văn Đồng trò chuyện cùng nhà văn Thái Vũ (Ảnh: vietnamnet)

Những năm đầu kháng chiến đó, trình độ của cán bộ chuyên ngành trong và ngoài quân đội còn hạn chế, chưa nói là còn thấp, đa số dưới trình độ văn hoá phổ thông nên cụ Cố vấn Phạm Văn Đồng đã có sáng kiến thành lập Trường Trung học Bình dân (THBD) miền Nam (1947) và Trường T.H.B.D. Quân sự, cụ Cố vấn là Hiệu trưởng danh dự.

Tôi đang chiến đấu theo đơn vị thì được Bộ Tư lệnh LK5 rút về Phòng Chính trị phụ trách văn hoá. Khi trường T.H.B.D. Quân sự được thành lập, tôi được chuyển qua dạy từ hè 1948 đến hè 1950, khi cả hai trường đều giải tán.

Ngày 14-9 năm 1997, hai trường tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm (1947- 1997) tại Hà Nội, trong khuôn viên Thư viện Quân đội đường Lý Nam Đế. Lễ kỷ niệm được vinh dự đón tiếp 2 vị khách quý: - Cụ Cố Vấn Phạm Văn Đồng, nguyên Thủ tướng Chính phủ là Hiệu trưởng danh dự trường và cụ Cố vấn Võ Chí Công, nguyên Chủ tịch nước, là học viên lớp cao tuổi trường T.H.B.D. Quân sự, tức đồng chí Võ Toàn, chính uỷ Mặt trận Quảng Nam- Đà Nẵng.

Cụ Cố vấn Phạm Văn Đồng chỉ họp sáng 14-9-1997, nhưng cụ Cố vấn Võ Chí Công, nhân danh học viên trường T.H.B.D. Quân sự, tình nghĩa một thời ở chiến trường LK5 (cũ) đã chiêu đãi thêm một buổi họp mặt trên du thuyền Hồ Tây.

Tôi ra Hà Nội họp nhân ngày lễ truyền thống đó, tiện dịp, tôi ở lại Hà Nội mấy ngày.Thật không ngờ, khi tôi chuẩn bị về TP. Hồ Chí Minh thì có tin báo là cụ Cố vấn Phạm Văn Đồng sẽ gặp tôi tại Chủ tịch phủ vào ngày 24-9-1007. May quá, mấy anh bạn cùng khoá Đại học 1956 chúng tôi cũng đang họp vui chung nhân ngày tôi ra Hà Nội.

Buổi hẹn cụ thể là chiều ngày 24 tháng 9 đó, lúc 15 giờ có người đón. Đây cũng là thời gian Quốc hội khoá X đang họp kỳ I, chúng tôi nghĩ là cụ Cố vấn đang rất bận nên có bàn nhau là sẽ xin “phỏng vấn” cụ mấy vấn đề về văn học truyền thống và tiểu thuyết lịch sử, chắc cũng chỉ được 15- 20 phút. Cũng may là khi ra Hà Nội, tôi có ghé Huế, nên mang theo hai cuốn mới in năm 1995 và 1996 là Biến Động- Giặc Chày Vôi và Thành Thái- Người điên đầu thế kỷ. (dự tính sẽ gởi lên kính tặng Cụ). Lại còn máy ảnh nữa! Chả lẽ cuộc gặp quý hiếm này không có tấm ảnh làm kỷ niệm, nói suông thì ai tin.

Tôi nhắn hỏi cháu Nguyễn Phương Hồng, phiên dịch tiếng Nhật ở Trung tâm Báo chí Bộ Ngoại giao, số 1 đường Khúc Hạo, “giúp” cho một máy ảnh. Phương Hồng đưa cho tôi một máy ảnh “cực mới” chụp cả lúc trời xấu. Tôi nghĩ phân vân không biết có được phép mang máy ảnh vào Chủ tịch phủ không. Gọi điện thoại hỏi anh Năng, anh cho biết “thoải mái” mang theo... bỏ vào túi xách, vào phía cổng trái, nhìn ra Hồ Tây, ngoài vườn Bách Thảo.

15 giờ kém 15 phút tôi đến trước cổng đã được dặn, có hai sĩ quan chủng cảnh vệ đón và hỏi ngay tên tôi. Cứ thế, mỗi đoạn từ cổng vào, chỗ rẽ và đến nhà nghỉ của cụ Cố vấn, cứ hai người mỗi đoạn đón sẵn và hướng dẫn. Đến nơi, trước dinh thự chỉ có một cô gái, bậc tam cấp dẫn lên nơi nghỉ của cụ Cố vấn trải thảm đỏ, lên lầu 1 thì anh Nguyễn Tiến Năng đã đón, ôm tôi và dẫn vào phòng Cụ. Tôi trao máy ảnh cho anh Năng, anh bảo giữ lấy túi sách (trong đó có tác phẩm của tôi).

Phòng họp khá rộng, một cái bàn dài, có ghế hai bên, đi vào là một tủ sách. Phòng đơn giản, thoáng, không có bức tượng hay tranh ảnh nào. Có một khung cửa ăn thông với phòng nghỉ của Cụ. Cụ đã ngồi trên một ghế bành đan mây màu vàng sáng có đệm đồng màu. Sát cạnh là một ghế mây màu cánh gián, cũng đan mây. Ghế này gần một cái bàn nhỏ, Cụ chỉ tôi ngồi vào đó, đưa tay nắm lấy tay tôi. Gần Cụ trong gang tấc, tôi mới thấy rõ tóc Cụ bạc trắng, nước da hồng hào. Cụ đeo kính mát, hơi sẫm phía trên. Tôi sực nhớ đến câu Cụ viết năm 1962, nhân kỷ niệm 520 năm ngày Ức Trai Nguyễn Trãi mất, khi cụ đang là Thủ tướng chính phủ: “Nguyễn Trãi không phải là một ông tiên. Nguyễn Trãi là người chân đạp đất Việt Nam, đầu đội trời Việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ, suốt đời tận tuỵ cho một lý tưởng cao quý. Nguyễn Trãi là một khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc”. (báo Nhân dân ngày 19-9-1962, tôi ghi sau này).

Nhớ thoáng đến câu nói đó, tôi trộm nghĩ chính Cụ cố vấn Phạm Văn Đồng cũng là một tiên ông trong thời đại Hồ Chí Minh, khi Bác Hồ là bậc Thánh của thời đại.

Ngồi bên cạnh Cụ, tay ghế mây của Cụ sát với tay ghế mây của tôi, Cụ thật dễ gần gũi và thân tình như cha con, nên không nén được lòng xúc động, khi tôi thưa: “Cháu kính chúc chú sức khoẻ...), hết sức tự nhiên... (cũng xin nói rõ vì thâm tâm tôi vẫn nghĩ là thân sinh tôi sinh năm Đinh Hợi 1887, cụ Cố vấn sinh năm 1906, thân sinh tôi hơn cụ gần 20 tuổi).

Thoảng chốc ấy, anh Nguyễn Tiến Năng đã loay hoay với cái máy ảnh của Phương Hồng, tuy không biết cách bấm nút Flash, nên anh vẫn chụp bình thường. Tôi cũng đang lúng túng định đặt câu hỏi xin ý kiến Cụ thì không ngờ Cụ đã “phỏng vấn” tôi: “Sau tác phẩm Ba Đình, anh viết thêm được mấy cuốn nữa?”.

Như gỡ được mối của một đầu dây, tôi thưa: “Con viết được thêm mấy cuốn nữa, cũng chỉ trong định hướng viết tiểu thuyết lịch sử về dân tộc ta chấm ngoại xâm... Cụ lại hỏi: “Cũng là tiểu thuyết lịch sử về chống ngoại xâm?”- “Thưa, trong thư chú có khuyên là ”cố gắng theo chí hướng của mình”, con xin cám ơn chú”. Cụ ngồi xích lại gần tôi đặt nhẹ bàn tay trái của Cụ lên bàn tay phải của tôi đang trên tay ghế màu cánh gián: “Vậy là có cố gắng...”

Mà không hiểu sao tôi quên vai trò “phỏng vấn” của “nhà văn” gặp vị lãnh đạo tôn kính của đất nước, thưa luôn: “Thưa chú, theo thời gian lịch sử khởi đầu của các vua Hùng thì cuốn Ba Đình đầu tay của con là... con viết ngược. Nhưng đó là cuốn chống ngoại xâm của hai thành phần kinh tế (tôi không nói chế độ), một nước phong kiến lạc hậu về nông nghiệp và một nước là đế quốc tư bản chủ nghĩa đang tìm thị trường các nước nhỏ làm thuộc địa...”. Ghi lại như trên chỉ là “ngắn gọn”, nhưng lúc ấy tôi thấy rõ là Cụ Cố vấn đang chăm chú lắng nghe, Cụ đổi tư thế ngồi gần tôi hơn, hai bàn tay cũng vậy, lúc nắm lấy nhau, lúc buông thả- “Về Ba Đình thì đã rõ, các cuốn khác thì sao?”. Cụ hỏi, tôi “đang say” thưa luôn: “Thời cuối đời các vua Hùng đến Thục An Dương là thời đầu tiên kể từ lúc thành lập nước Văn Lang khi thì chống nhà Tần, chúng chiếm vùng đất Luy Lâu với làng Dâu ta giết tướng giữ thành Đồ Thư đến Triệu Đà đánh thành Loa, đời Hán Vũ Đế, vì cái chuyện tình Mỵ Châu và Trọng Thuỷ, ta mất cảnh giác...”. Cụ Cố vấn cười nhẹ, gật đầu. Chính qua nụ cười độ lượng của Cụ Cố vấn, tôi cũng thoáng nghĩ đến một lần Cụ lên đền Hùng dự giỗ Tổ ngày 10 tháng ba hàng năm, Cụ nói chuyện có gợi ý về “truyền thuyết dân gian” qua lịch sử được “lý tưởng hoá với sức tưởng tượng của nhân dân đã tạo nên một thiên tình sử truyền đời...” (ý này lúc đó chỉ thoáng nhanh, nay viết lại, xin ghi cho rõ- T.V.).

Như vậy, bước đầu coi như tôi đã trình bày với cụ về cuốn “Tình sử Mỵ Châu” in năm 1988. Tôi cũng trình bày là tại sao Thục An Dương Vương khi mất thành Loa, không chạy lên núi rừng Phú Thọ có đền thờ các vua Hùng mà vượt vào tận vùng Rú Cấm nay thuộc Nghệ An, lại có đền thờ An Dương Vương ở đó... Thoáng trong ý nghĩ tôi định trình bày thêm vùng đất mà Nghệ Tĩnh xưa gọi là Ngàn Hống- Rào Rum, nhưng thấy Cụ chuyển tư thế ngồi tôi nhìn nhanh đồng hồ đã 15g30’, thấy thời gian như thế đã quá nhiều so với sức khoẻ của cụ, tôi thưa: “Cuốn Ba Đình, được NXB Quân đội “đỡ đầu”, NXB Thanh Hoá in lại là tập tác phẩm đầu tay của con. Ngay sau đó con chuẩn bị viết một cuốn về Huế thì ta giải phóng toàn miền Nam, thống nhất đất nước”. Dáng Cụ rất vui, Cụ gật gật mái tóc bạc: “Viết về Huế?”. Có lẽ cụ bỗng nhớ lại những năm từ tuổi niên thiếu đến tuổi thanh niên đã học và sống ở Huế khi thân sinh Cụ đang làm quan tại triều từ thời Thành Thái đến thời Duy Tân rồi Khải Định nên Cụ tỏ ý lắng nghe xem tôi viết Huế chuyện gì. Anh Nguyễn Tiến Năng thấy thái độ thân tình cởi mở của Cụ như vậy, đang đứng góc bàn xa tiến lại gần, khi tôi vừa lấy từ túi xách ra cuốn Biến Động- Giặc Chày vôi và cuốn Thành Thái- Người điên đầu thế kỷ. Tôi trình Cụ cuốn Biến Động trước, Cụ nhìn vào bìa sách thì anh Nguyễn Tiến Năng vừa chụp xong một “pô” ảnh (ảnh thứ 15), tôi thầm cám ơn anh Năng rồi thưa với Cụ: “Dạ, đây là cuốn viết về Giặc Chày vôi đánh vào Đại Nội của anh em Đoàn Trưng chống lại triều Tự Đức cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ lục tỉnh nhường cho giặc Pháp... Thưa Chú, đây cũng là thái độ chống cả “Triều lẫn Tây” của các nho sĩ yêu nước”. Tôi vừa nói vừa đưa cuốn Biến Động trình Cụ, dáng Cụ quan tâm, người hơi cúi nhìn vào sách. Tôi xúc động hai tay dâng lên Cụ. Cụ cầm sách quan sát tôi liền nói sơ qua nội dung tác phẩm, Cụ gật đầu tỏ ý là rất biết chuyện đó. Trình bày “chớp nhoáng” vì ngại thời gian không cho phép ngồi lâu khi Cụ đã cao tuổi mà đồng hồ thì đã chỉ con số 15g45, tôi trình Cụ luôn cuốn Thành Thái. Cụ đang cầm cuốn Biến Động trên tay mắt lại hướng vào cuốn Thành Thái. Giọng Cụ nhẹ nhàng: “Ông vua đó tốt...”. Chao ôi, thật hạnh phúc cho tôi biết bao vì chính nội dung tác phẩm tôi cũng nêu cái “tốt” vì ý chí “duy tân đơn thân độc mã” của nhà vua. Cụ Cố vấn đã bảo vệ cho luận điểm của tôi, khi tôi đánh giá về 3 ông vua triều Nguyễn yêu nước “khi nước đã mất về thực dân đế quốc Pháp” (theo tôi- vua Thành Thái là người yêu nước chân chính nhất, thuỷ chung với tổ quốc với dân nước, dám hy sinh thân mình, không vì một cái ngai vàng bù nhìn, trống rỗng).

Thế là tôi như được Cụ hà thêm sức sống, nên tôi mạnh dạn trình bày mấy chi tiết về vua Thành Thái mà tôi rất tâm đắc khi viết tác phẩm đó: “Thưa chú, trong tác phẩm này con mong thể hiện được thực chất con người vua Thành Thái, không chỉ với ý chí chống chính phủ bảo hộ của bọn Pháp mà cả cách ứng xử với nhân quần, nói thẳng ra là với những “bề tôi vô danh” do chính nhà vua đang “trị vì thiên hạ” tuy với vai trò là một “ông vua bù nhìn”. Lần nữa bàn tay của Cụ Cố vấn lại đặt nhẹ lên bàn tay tôi, tỏ ý là cụ muốn nghe rõ điều tôi trình bày trong tác phẩm, nay trực tiếp với cụ: “Thưa, con muốn nói đến trường hợp cụ Sào Nam Phan Bội Châu khi đi thi Hương ở trường Nghệ, cụ Phan bị cái án “hoài hiệp văn tự nhập trường, chung thân bất đắc ứng thí”. Thưa, đó là luật của triều đình ngăn cấm trong việc thi cử, nhất là thời kỳ thi Hương. Luật đó là đúng, cụ Phan muốn cứu nước, sau khi bị cái án đó, làm sao có thể “nhân danh chân Khoa bảng” để cổ suý phong trào yêu nước, cứu nước được. Với cái án đó nếu không có bài phú “Bái thạch vi huynh” Lạy đá làm anh- như tích con chim Tinh Vệ lấy đá lấp được bể Đông thì dù có yêu nước thời đó làm sao có thể có lối thoát? Nhưng lối thoát lại chính từ bài phú đó, khi Cụ Khiếu Năng Tịnh, Tế tửu Trường Quốc Tử giám và Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền phát hiện tâu lên vua Thành Thái xin được xoá án cho kẻ sĩ xứ Nghệ. Và vua Thành Thái khi Cụ Khiếu Năng Tịnh tâu lên lại đóng vai trò ông già Hoàng Thạch ban sách vàng cho Trương Lương, vì chỉ có nhà vua mới có thể xoá cái án đó. Chính vì vậy, Cụ Phan Sào Nam mới được thi Hương năm Canh Tý (1900) ở trường Nghệ, lạ thay Chánh Chủ khảo lại chính cụ Khiếu Năng Tịnh và Phó là cụ Mai Khắc Đôn, hai nho sĩ yêu nước. Hơn thế nữa, bảng vàng niêm yết lại được ghi riêng, treo cho thiên hạ biết người đỗ Giải nguyên khoa đó chính là Phan Bội Châu. Thưa như thế công đầu mở đường, tháo khoá cho cụ Phan Sào Nam hẳn phải là vua Thành Thái.

Viết thì dài dòng... văn tự, nhưng lúc ấy tôi đang say nói một mạch, khi thấy Cụ Cố vấn chăm chú nghe.

Khi tôi ngừng nói thì Cụ Cố vấn lật lật mấy trang sách, tôi thưa luôn: “Lại còn câu chuyện cô Tư Hồng, sau cơn bão năm Thìn (1904), định đưa gạo đầu cơ vào Huế bán cho dân đói bị lụt khắp mấy tỉnh miền Trung phía Bắc nữa. Nhưng vì sao cô Tư Hồng buôn bán gian lận lại chuyển thành gạo phát chẩn cứu đói năm 1904 rồi lại còn được vua Thành Thái cho được tiếp kiến và ban sắc phong “Ngũ phẩm nghi nhân” với bốn chữ khắc trên tấm biển là “Lạc quyên nghĩa phụ”. Nếu vua Thành Thái không là “đầu trò” như chuyện phá án cho cụ Sào Nam Phan Bội Châu, thì thử hỏi ai có thể làm việc đó? Vậy mà đám nho sĩ có người mỉa mai, chế nhạo cô “làm đĩ có tàn có tán”, khi làm hộ câu đối để cô ăn khao còn “kê” nhẹ cô nữa...(chi tiết đoạn này khá vui, vì Cụ Cố vấn cười nhẹ).

Quả thật, tôi không thể hiểu nổi làm sao lúc ấy tôi lại có thể trình bày lên Cụ Cố vấn hai mẩu chuyện mà bấy lâu nay một số các nhà viết sách coi nhẹ hai mẩu chuyện... đáng giá đó. Lúc ấy, Cụ ngồi lặng yên khá lâu rồi nhẹ nhàng nói: ”Viết thế là tốt, chuyện một thời đã qua, dù là lịch sử, viết cho người đời hiểu là quý...”.

Đối với tôi sau bức thiếp Cụ gởi cho tôi năm 1976 rồi bức thư ngắn cuối năm 1982, đến nay với buổi được gặp Cụ hơn một tiếng đồng hồ tại Phủ Chủ tịch ngày 24-9-1997, hạnh phúc cuộc đời tôi không thể hơn. Đồng hồ tay đã chỉ 16g10 tôi đứng dậy cúi chào, xin phép Cụ ra về. Cụ đứng lên bên tôi, cầm tay tôi, Cụ hỏi: “Vợ con ra sao?”. Tôi ngẩn ra thoảng chốc, không ngờ Cụ thấu đáo đối với một công dân bình thường như thế, lòng xúc động tôi buột miệng: “Thưa Chú, cháu đi tu!” cụ ngạc nhiên hỏi ngay: “Sao lại đi tu? Đi tu thì ai săn sóc?”. Nước mắt bỗng ngấn lên mi, tôi thưa: “Thưa Chú, đã đi tu thì còn có ai săn sóc!”. Cụ đưa tay qua vai ôm lấy tôi và tôi cũng ôm nhẹ qua vai Cụ... Anh Nguyễn Tiến Năng lúc ấy hẳn cũng cảm động về tấm lòng của Cụ đối với tôi.

Thứ tư, 14-9-2003
T.V
(179-180/01&02-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cát trắng (22/06/2009)
Ba lần gặp Bác (19/06/2009)
Lửa tháng năm (29/05/2009)
Một thuở Paris (21/05/2009)