Bút ký - Tản văn
Làm giàu trên bãi cát khô
17:03 | 30/05/2008
Có một lão ngư kiêm lão nông suốt mấy chục năm trời vắt mồ hôi thành muối, tưới mồ hôi thành sông hồ mà mảnh vườn nhà vẫn cằn khô, chiếc thuyền nhà vẫn không tanh mùi cá biển. Quang cảnh vườn nhà cứ một mùa xanh lại ba mùa rụng lá, khô cành. Vợ chồng con cái chỉ thấy mắt chẳng thấy mồm. Xung quanh hàng xóm cũng chung hoàn cảnh.
Làm giàu trên bãi cát khô

Nhìn rộng xa xung quanh các xã huyện xa gần, thấy đổi đời nhanh quá, đổi giọng càng nhanh hơn. Lại nghe ở các tỉnh xa, xưa vốn chẳng giàu, nay bỗng dưng xe máy nhà lầu vùn vụt hiện. Như phép thần tiên.
Bèn giỏng tai nghe, chăm mắt nhìn, căng óc suy nghĩ. Chợt biết nhiều kẻ vụt giàu vì làm ăn phi pháp, từ kẻ thất cơ thành ông tỉ phú, thoắt đó lại biến thành tội phạm. Lại có người thừa cơ phép nước chưa toàn; nống ra làm ăn chụp giựt, bán đó buôn đây, giàu nhanh như nước nổi. Hết thời đổi mới ban đầu bung ra vô tổ chức, đến thời đổi mới có căn cơ, những kẻ kia ngồi chơi xơi quả đắng. Giàu như vậy có sướng gì đâu!
Nghĩ mãi rồi cũng đâm phẫn chí đâm liều. Thử xem mảnh vườn đất cát vì sao trồng cây cây chết, đào giếng giếng khô. Cũng coi như tự phá vườn thành ao, coi thử trời cao có mắt?
Thời may mưa lớn, ngập cả ao vườn. Lụt biển dâng cao, nước tràn qua ao đầy ắp mặn ngọt. Lão cũng chẳng buồn ngó tới ngó lui. Cứ thử coi trời làm chi cho biết.
Ba tháng sau, đứa cháu nhỏ ra vườn trèo lên bức tường cát nghịch chơi, bỗng trượt chân rơi tõm xuống ao. Nghe tiếng thét gào, ông lão vội nhào ra cứu cháu. Ao đã cạn hơn trước, nước chỉ chừng ngang thắt lưng. Bồng cháu trên tay, cháu thì khóc, ông thì cười. Vì ông bỗng thấy dưới lòng ao những con cá con tôm bơi lượn. Cá chẳng có nhiều, chỉ thấy toàn tôm to như ngón chân cái ồn ào búng nhảy, khoe râu. Toàn một dòng tôm sú. “Lạ thật! Tôm ở đâu ra? Mình chẳng nuôi mà vẫn lớn?”. Hỏi tới hỏi lui, mới hay bà lão nghe ai bảo “có nước có cá” bèn đi bắt mấy con tôm đâu đó thả vào. Lại lấy thức ăn thừa ném bừa xuống ao. Coi như cầm bằng cái ao là cái hố rác. Cái bà lão quả là khôn!
Bắt hết tôm rồi, ông lão phát huy thắng lợi, tự mình chọn giống tôm, chọn thức ăn không gây uế tạp nước hồ. Ngày ngày siêng năng coi sóc. Mùa sau, tôm trúng lớn. Tiếng lành lập tức vang xa. Người trên huyện, trên tỉnh, cán bộ khuyến nông, cán bộ thuỷ sản tới tấp về thăm. Các nhà báo nghe tin cũng vội vàng tới khảo sát viết bài biểu dương “người tốt việc tốt”, tay không dựng nổi cơ đồ. Hứng chí ông lão chọn khu đất cát phía trên cao, làm thêm một cái hồ nữa. Lần này, thất bại ê chề. Nước dẫn vào, cát lại dẫn ra, vì lẽ hồ ở cao hơn mực nước biển. Vắt óc nghĩ mấy ngày, làm liều mua hàng chục tấm bạt đem về may, lấy keo dán kín các mép rồi trải xuống lòng hồ, cũng như ta lót tấm ni-lông lành trong chậu rách để đựng nước. Khắc phục được khâu giữ nước, đến khâu tôm chết vì bệnh thì quá gay go. Lúc này, ông lão đã hơi chán chường, toan bỏ cuộc. Vừa may, cậu con trai là kỹ sư thuỷ sản tốt nghiệp loại giỏi, trở về tiếp sức cùng cha. Thế là mọi sự xuôi chèo mát mái. Nghề nuôi tôm trên cát, hay đúng ra là vét cát xây thành hồ nuôi tôm bằng chính nước biển cộng với nước ngọt ra đời. Gia đình ông lão giàu lên rất nhanh từ bốn bức tường cát của cái hồ. Do vậy, người ta gọi là “tường cát làm nên giàu”: TƯỜNG CÁT PHÁT PHÚ.
Chẳng mấy chốc, từ cái tỉnh Ninh Thuận nhỏ bé, nghề nuôi tôm trên cát nhanh chóng phổ biến đến các tỉnh Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và nhiều nơi khác. Nhưng liệu có phải là kiểu làm kinh tế phong trào một thời như kiểu nuôi cá trê phi, nuôi ốc bươu vàng chăng? Xã hội ta vốn có truyền thống khơi dậy phong trào, rồi sau đó...
Thực ra, đã hàng chục năm dân ta quen với nghề nuôi tôm nước lợ, nuôi tôm càng xanh, thậm chí có nơi còn mạnh dạn nuôi tôm sú nước ngọt. Thành công do người, thất bại do trời. Thật thế! Chỉ cần một trận lụt tràn bờ, bao nhiêu công lao trôi sạch cả. Hôm nay là triệu phú, tỉ phú, ngày mai có thể phải bán cả gia sản trở thành khố rách áo ôm. Dân nuôi tôm ở đầm phá, hồ ao sợ lụt hơn cả dân trồng lúa. Vốn lớn thì có thể lãi nhiều nhưng vốn lớn thì cũng có thể lỗ nặng. Cái sự bấp bênh như thuyền nhỏ trước sóng to này là vấn nạn của nghề nuôi tôm, từ lâu chưa giải quyết được. Đó là chưa kể việc nuôi tôm ở đầm phá, ao hồ tự nhiên hoặc ao hồ đất có nhiều khó khăn: Không chủ động được tỉ lệ nước mặn trên nước ngọt. Không tự chủ chống ô nhiễm nước trong ao hồ hoặc đầm phá. Khó ngăn được sự mất mát tự nhiên do cạnh tranh sinh tồn của các loài thuỷ sản. Không chủ động ngăn ngừa và kiểm soát được dịch bệnh. Lại nữa, khó khống chế số lượng thức ăn vừa đủ do sự khuếch tán tự nhiên theo dòng nước trên đầm phá.
Nghề nuôi tôm trên cát có 6 thuận lợi lớn. Không sợ lụt vì hồ được chọn xây ở vị trí cao trên mức đỉnh lũ ở địa phương. Chủ động được nguồn nước biển nguyên chất, sạch và có nhiều loài thủy sinh như phù du có thể bổ sung thức ăn cho tôm. Khống chế tỉ lệ nước mặn trên nước ngọt theo ý mình, phù hợp môi trường sống của tôm (nhất là tôm sú). Nguồn nước ngọt được lấy từ mạch nước ngầm, được xử lý trước khi xả vào hồ, nên rất trong sạch. Chủ động được việc ngăn ngừa dịch bệnh và loại trừ các loài thủy sinh có hại. Lượng thức ăn được cung cấp đủ theo nhu cầu sinh trưởng của tôm thịt đã được khảo sát kỹ. Ôn định nhiệt độ và chống được ô nhiễm nước ao hồ...
Đó là những ưu điểm vượt trội của nghề nuôi tôm trên cát đúng ra là nuôi tôm bằng hồ trên đồi cát mà anh Lê Thành Châu, một trong bốn đồng chủ hồ nuôi tôm thịt đầu tiên ở xã Quảng Ngạn, đã nói một cách đầy tự tin với tôi.
Một buổi tối, tôi lội bộ dọc bãi cát ven biển thôn Tân Mỹ A đến thăm hồ. Với giọng nói tự tin và đầy hào hứng, anh Trần Thanh Tuấn một đồng chủ hồ đã kể cho tôi nghe về quá trình học nghề, bàn bạc góp vốn, lập dự án xin đất và bắt tay xây dựng hồ. Tất cả chỉ sau 2 tháng, hai hồ nuôi tôm thịt mỗi hồ rộng 2500m2 đã ra đời. Tổng chi phí xây dựng hồ và máy bơm nước ngọt, nước biển, máy sục oxi, hệ thống lọc rác bẩn và các phụ kiện khác lên tới 130 triệu đồng. Đó là còn nhờ lợi thế xây hồ đầu tiên, tự do chọn vị trí, tránh phải thương thuyết với đồng bào trong làng xã về việc phải nhổ cây dương của họ (vì không phải nhổ cây nào) và đền bù mặt bằng... Các hộ sau này muốn xây hồ tôm đã gặp phải rắc rối, tạm gọi là “vụ kiện cây dương liễu”, làm hao tổn tâm trí và thì giờ; chưa kể chuyện mất tình hàng xóm do kiện tụng. Chưa nói đến chuyện có kẻ giật dây gây rối nữa.
Dù là ban đêm không trăng, anh Tuấn cũng rất nhiệt tình rọi đèn pin cho tôi xem. Hồ hình chữ nhật, bốn thành hồ xây cao hơn hai mét, tà luy dương chừng ba mươi độ theo độ dốc tự nhiên. Lòng hồ nom giống như một cái âu. Đáy và thành phủ kín bằng các tấm bạt dày may khít, có dán keo chống rò rỉ ở đường may. Mỗi tấm bạt rộng 100m2, mua ở Thái Lan qua các đại lý ở Huế và Đà Nẵng. Phần đáy phủ dày cát để tạo môi trường gần tự nhiên cho tôm sống, cũng là để giằng các tấm bạt. Trên thành hồ được chèn bởi các bao cát lớn như bao xi măng lên mép bạt, chắc nình nịch. Như vậy, nếu có bão lớn cũng khó làm bật tung bạt, ngoại trừ các cơn lốc xoáy cực mạnh chưa xảy ra. Hồ nằm cao hơn mực nước biển chừng ba mét, tức cao hơn mức lụt biển trung bình độ một mét. Cứ hy vọng rằng trời phù hộ người có tâm, sẽ chưa vội gây ra các cơn bão, lụt lớn trong vòng vài chục năm nữa, kịp cho dân làm giàu...
Cũng bằng giọng nói rành mạch quả quyết, anh Châu hẹn tôi ba tháng sau - khi thu hoạch lứa tôm đầu tiên - sẽ đãi tôi một chầu tôm tươi nhậu với rượu Lai Hà.
Tôi cười, ngâm:          
Rượu quê ta, tôm của hồ ta
Muốn nhậu bao nhiêu chẳng đặng mà
Gió biển, trăng trời pha với rượu
Vị tôm càng ngọt giọng ngâm nga
Tôm nuôi trên cát tôi chưa được ăn, nhưng tôm sống trên phá Tam Giang có vị ngọt lừ, phá rượu kinh khủng. Những con tôm tươi ròng, to cỡ ngón tay cái, nhảy tanh tách trong xô nước rồi bị nhảy luôn vào nồi nước sôi. Ngọt chi lạ! Ngọt thấu máu!
Nhưng dù tôm ngọt đến mấy cũng chớ dại coi thường rượu Lai Hà. Đó là thứ nước tiên được chiết ra từ gạo làng Phong Lai, chưng với thứ “thuỷ niệu” tiết ra từ lòng cát trong vắt vắt. Vị đất thấm trong hương rượu làm cho rượu Lai Hà có một hương vị đặc biệt, nhấp một ngụm nhỏ đã mềm môi tê lưỡi. Say từ từ và không nhức đầu. Say rồi, người cứ như đang bay trên mây, nhìn cảnh vật và người xung quanh ngả nghiêng múa lượn như lên đồng, vui đáo để. Nhưng chớ nên chơi đến ngụm thứ n+1 sẽ hết vui. Lại thêm cái không khí, cái phong vị đầm phá mênh mông với gió biển mặn mà và mát rười rượi, với cái chống chếnh chông chênh của chiếc thuyền tròng trành theo sóng vỗ khiến lòng kẻ say ta muốn hát khúc Hồ Trường của Dương Bá Trạc!
Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang - ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta - cạn một hồ trường
Ôi! Chỉ cần nhìn thấy con tôm đầm phá Tam Giang với rượu Lai Hà đã nghe rừng rực trong người.
Tiếc là phải đợi đến mùa thu hoạch lứa tôm đầu mới có thể biết được vị tôm nuôi trên cát ngọt lịm cỡ nào!
Sẽ ngọt ngào và trân quí vị con tôm nuôi trên cát hơn nếu biết dược cái sự nhọc nhằn kỳ công của nghề nuôi tôm thịt. Học kỹ thuật pha nước theo tỉ lệ mặn trên ngọt bằng 20 phần nghìn đã đành, vẫn cần có kỹ sư thuỷ sản lành nghề làm chuyên gia cố vẫn, trả lương theo phần trăm sản lượng thu hoạch. Không đợi thời công nghiệp hoá thành công, chất xám lúc này đã được người sản xuất coi trọng. Hằng ngày, phải lo đo nước, do độ pH, sục ôxy, vét rác rưởi, ngăn chặn hiểm họa dịch bệnh và những sinh vật sống trong nước coi tôm là mồi ngon bất ngờ lọt vào hồ. Việc này, người chủ hồ phải lo, không thuê ai được. Suốt ngày đêm thay nhau canh gác, túc trực, mưa nắng chẳng nề. Từ khi thả con tôm xuống hồ, nhỏ như que tăm; sau ba tháng mười ngày chăn nuôi bằng thức ăn Thái Lan sản xuất, con tôm đủ nặng để xuất. .. hồ. Khi đó, mỗi ký tôm chừng 35-40 con. Tỉ lệ thất thoát theo các nơi cho biết cỡ chừng 20 phần trăm. Sau ba vụ, tiền lãi đủ thu hồi vốn. Ây là kinh nghiệm các nơi. Thì cứ tin vào điều mình hiểu, mình học, sức mình làm và tin cả vào điều may mắn nữa. Không có lòng tin, không có nụ cười.
Ây là cái sự nhọc nhằn kỳ công của nghề nuôi tôm thịt trên cát. Nghề nuôi tôm giống trên cát còn chóng mặt hơn.
Từ cái trứng tôm nở ra “con nâu” (*), nhỏ li ti mắt thường khó nhìn thấy. Sau ít ngày nuôi chư, trải qua vài vòng biến đổi với hai tên gọi khác nhau, con nâu hoá thành “con Pốt” to cỡ sợi tóc. Đó là lúc người chủ trại nuôi tôm giống cho xuất hồ. Các chủ hồ nuôi tôm giống đến mua. Giá cả và bảo hiểm chủ yếu thỏa thuận bằng miệng bởi đã làm ăn với nhau phải giữ chữ tín làm đầu. Người sản xuất kinh doanh Việt đã bắt đầu biết trọng chữ tín, bỏ cái lối buôn bán “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi” lạc hậu và đáng ghét kéo dài bao nhiêu lâu kể từ khi mở cửa thị trường. Trong mối quan hệ đặc biệt này, người dân ta vẫn chưa chú trọng đến vai trò giấy tờ hợp đồng. Tiến thêm một bước nữa, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, người dân ngoài lòng tin đơn thuần còn cần phải quen với lối làm ăn tuân thủ hợp đồng đã ký. Chữ Tín cộng chữ ký bằng chữ Thành. Muốn giúp dân làm giàu, Nhà nước phải nhanh chóng hoàn thiện các bộ luật, nhất là luật về quan hệ dân sự, luật kinh doanh, luật đất đai và các văn bản dưới luật, cải cách triệt để hệ thống hành chính để phát huy tác dụng của Tòa án dân sự, Tòa án kinh tế, Tòa án hành chính. Dân có thể kiện quan và quan có thể sẽ bị thua kiện nếu làm sai luật. Dân chủ - quyền làm chủ của dân - là vậy.
Miên man đôi chút về chính trị, bây giờ trở lại chuyện nuôi tôm giống trên cát. Anh Trần Chung quê ở Quảng Ngạn hợp tác với anh Phan Châu ở Tây Lộc - TP Huế, nguyên cán bộ thuỷ sản huyện Hương Điền trước đây và một người nữa xây hồ nuôi tôm giống rộng 4700m2. Mới sử dụng 100m2, đã thả được 5 vụ. Vụ đầu thả 60 vạn con, thu hoạch đủ 60 vạn con. Vụ sau thất thoát 40 phần trăm. Bù đi bù lại là huề. Ba vụ sau, tỉ lệ thất thoát giảm còn 20 phần trăm, chấp nhận được. Theo anh Chung nuôi tôm giống trên cát có nhiều lợi thế tương tự nuôi tôm thịt nhưng kỳ công hơn. Chỉ riêng chuyện cho tôm ăn 4 giờ một lần cũng đủ mệt nghỉ. Nuôi tốt thì sau 6 ngày, trọng lượng tôm từ 10 vạn con một ký tăng lên 8 vạn con một ký. Sau 10 ngày độ 6 vạn con. Khi đó, vừa kịp xuất hồ. Thức ăn thời gian đầu là thức ăn sản xuất trong nước, sau đó là thức ăn mua của Thái Lan; đắt hơn nhưng chất lượng hơn.
Có lẽ các nhà sản xuất thức ăn cho tôm, cho cá nuôi đã đến lúc phải mời chất xám vào cuộc sống rồi đấy. Lẽ nào trí tuệ Việt thua trí tuệ Thái Lan. Lẽ nào bao nhiêu tiến sĩ mà không chế tạo, không tìm ra được một công thức hoàn hảo sản xuất thức ăn bột cho tôm? Hay là lại đợi mấy ông nông dân giỏi ngang tiến sĩ như ông Lý Huỷnh ở Quảng Bình làm được rồi mới đến lượt các quan trí thức đứng ra lập hội đồng giám định phán xét cái mình không làm được, dân thất học làm được chăng? Tựa như chuyện các ngài tiến sĩ, kỹ sư ngành xây dựng đã từng phê phán chê bai phương pháp dời nhà bằng con lăn của ông Nguyễn Cẩm Lũy vậy đó. Nhưng dân vẫn tin ông hơn tin các vị tiến sĩ, kỹ sư giấy tờ công chức. Mong rằng điều này đừng xảy ra với chuyện dân phá Tam Giang tự sản xuất thức ăn nuôi tôm bằng chính sản vật địa phương. Hến được cào lên, đem luộc, phơi cho se, sau đó đem luộc cá các loại rồi hoà với cám, với bột bỏ vào máy nén đùn ra từng thỏi thức ăn bằng ngón tay. Tôm ăn thức ăn này, lớn nhanh lắm. Đó là lời khẳng định của anh Trần Chung đồng chủ hồ nuôi tôm giống đầu tiên ở Quảng Ngạn - Quảng Điền.
Ngoài ra, thiết nghĩ chúng ta cũng nên học tập cách nuôi giun đất công nghiệp làm thức ăn cho cá tôm như ở đồng bằng sông Cửu Long và TP.Hồ Chí Minh đang làm. Học cái khôn của người, túi khôn của mình càng lớn.

Tôi đứng trên mặt hồ lộng gió biển khơi mà lòng dậy lên một niềm tin mãnh liệt. Rằng dù khô như cát, nhưng khi người nông dân Việt Nam biết chuyên tâm hành động với trí tuệ, lòng tự tin pha chút mạo hiểm lãng mạn thì việc làm giàu từ những đồi cát khô có khó gì! Ây là điềm lành (cát tường) phát giàu sang cho dân. Vì thế, bút ký này còn có tên là TƯỜNG CÁT PHÁT PHÚ.
Trại sáng tác VHNT Quảng Điền 23 tháng 6-2001

PHẠM XUÂN PHỤNG
(nguồn: TCSH số 151 - 09 - 2001)

---------------------------------------------------------
(*) Từ trứng (egg) nở ra ấu trùng (Nauplius) qua 6 giai đoạn biến thái trở thành con Zoea (Zoa), qua giai đoạn sinh trưởng trở thành con Mi (Mysis) rồi đến con Pốt (Postlarvae). Sau con Pốt, tôm con rời sông ra biển, biến thành con tôm trưởng thành.

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng