Bút ký - Tản văn
Còn cây nảy chồi
14:17 | 04/01/2021

ĐÔNG HÀ  

Tôi vẫn nhớ, chưa bao giờ quên, bài ca dao Mười quả trứng. Bài ca dao được hát lên từ phiên chợ Kẻ Diên nghèo, một vùng quê Bình Trị Thiên khắc nghiệt.

Còn cây nảy chồi
Giữa dòng nước lũ (2020). Ảnh Hồ Ngọc Anh Tuấn

Tháng giêng, tháng hai, tháng ba,
tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn
Đi vay đi dạm được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái về nuôi
Hắn đẻ ra mười trứng.
Một trứng: ung
Hai trứng: ung
Ba trứng: ung
Bốn trứng: ung
Năm trứng: ung
Sáu trứng: ung
Bảy trứng: ung.
Còn ba trứng nở ra ba con
Con diều tha
Con quạ bắt
Con mặt cắt xơi.
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi này cây!


Những ngày tháng mưa bão lũ lụt này, mỗi nhịp tim thở, mỗi suy nghĩ bật ra, mỗi hành động được thực hiện, tôi luôn nương theo âm nhịp bài ca dao này như một sự chở che tâm cảm.

Đất miền Trung hẹp, cái eo miền Trung lại bé. Đứng dưới động cát ngó lên mắt đã chạm đỉnh núi trước mặt. Sự khắc nghiệt của địa hình tạo nên những vẻ đẹp thần sầu cho non nước. Đi dọc từ Nam ra Bắc, tôi gặp nhiều vẻ non xanh thủy tú gấm vóc giang sơn, nhưng để thấy một nét trữ tình của dòng sông nép mình uốn lượn bên sự hùng vĩ sừng sững uy nghi của núi, thì chưa nơi nào có được như ở miền Trung này. Ngay cả chân núi, cũng được sự vỗ về dịu dàng của biển. Nên miền Trung có nhiều bãi cát tuyệt vời, vừa đẹp hiền như cô gái ngây thơ, vừa lả lơi như kỳ nữ kén khách, vừa thẳng thớm ngay ngắn như thiếu phụ trải đời, lại uốn một nếp cong đài các kín kẽ chẳng cần đấng bậc nào ghé qua. Bạn đi đi, một đường quân sự trải dài từ bờ biển ngay chân đèo Hải Vân, nơi vịnh Lăng Cô nổi tiếng thế giới, mà một mình một ngựa nhẩn nha đi theo chiều dọc từng ki lô mét đường biển, ra chạm thẳng đến bãi Đá Nhảy - Lý Hòa nơi chân đèo Ngang một chiều mây bãng lãng, tôi đồ rằng, bạn chỉ cần ngao du đến đó, cũng đã ngấm một phần cái bước đi một bước dừng của cụ Cao Bá Quát xưa, bạn hiểu nỗi niềm bâng khuâng bà Huyện đa mang khi qua đất khách, bạn thấm niềm riêng của Dương Văn An đã tiếc cái khí trời hơi đất mà nhuận sắc tập sách Ô Châu cận lục cho đời sau biết tốt xấu xưa nay.

Đi như là sống, với đất đai, với con người, với từng phong tục tập quán, để yêu thương hơn quê mình trải dọc trên cung đường uốn lượn chữ S thân thương.

Nhưng giờ này, khi chút điện vừa lên, tôi ngồi đây nhìn ra trước mặt mênh mông nước trắng. Đọc những tin nhắn hiện lên tới tấp trên màn hình, chỗ nào cũng nước và nước, tin nào cũng vùi lấp và đau thương, cuộc gọi nào cũng nghẹn ngào nước mắt, hối thúc nào cũng sinh mạng là trên hết. Khắp nơi trong dãy đất miền Trung này, giờ là nước mưa, nước lũ và nước mắt, giờ là đau đớn buồn thương của mất mát.

Một cuộc dốc sức dốc lực đang diễn ra. Từ chính quyền tới từng người dân, cơ quan đoàn thể đến từng cụm nhóm. Ai có gì góp đó. Ai có công góp công, có của góp của, có yêu thương góp yêu thương. Ai còn bị nước lũ giam cầm thì góp theo những thông tin có được. Tất cả, chỉ với một mục tiêu tối thượng, sinh mạng là trên hết.

Không chiến tranh nhưng vẫn điêu tàn. Tôi đã thấy những bạt ngàn nóc nhà ngập mái, tôi đã thấy những mênh mông khoai sắn lúa ngô chìm sâu, tôi đã thấy những ruộng nương bờ bãi biến mất. Quê tôi đó. Giờ này, bạn không còn nhẩn nha được nữa đâu, nhưng nếu đi trên một chiếc trực thăng cứu hộ nào đấy, bạn thấy gì ngoài những thứ đó? Mẹ Thiên Nhiên bao dung giờ nổi giận. Mẹ Thiên Nhiên hiền hòa giờ hết còn dung thứ. Mẹ Thiên Nhiên thức dậy với cơn thịnh nộ chưa từng, về một nỗi giận dữ gì đó, mà người đời chưa dám gọi tên.

Tôi vẫn ngồi yên. Giờ này biết làm gì hơn là ngồi yên ngóng nghe những xót xa truyền về. Vì tôi cũng đang bị giam cầm bởi xung quanh nước là nước, cũng những hạt cơm nguội chia nhau cầm chừng, cũng những hạt mắm muối mạ chưng cất từ mùa dịch trước cất lại. Và trái tim tôi, mỗi nhịp đập lại vang lên giai âm của bài ca Mười quả trứng.

Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn tháng nạn.

Dân gian muôn đời lớn lên từ văn minh lúa nước, con người nương nhờ vào thiên nhiên. Nên ngày tháng cũng ưu hòa như bài ca của đất, thành thử, tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai trồng đậu tháng ba trồng cà… Bài hát ấy mỗi trẻ con lớn lên từ nông thôn xưa đều nghe đều nhớ, bởi cái âm vang của tiếng hát đầu xóm dưới thôn, bởi cái ấm nồng tí tách bếp lửa rét ngọt đầu xuân, bởi tiếng rổn rảng xóm làng thăm nhau ngày đầu năm tươi mới, bởi cái thuận hòa của đất trời muôn thuở việc nhà nông. Nhưng sao trong bài ca này, hai tháng cuối của câu nghe chừng ngắt phựt đứt lại, chững sững người ca? Tháng khốn, tháng nạn! Ui chao, vậy là, những ngày tháng trước đó có được thảnh thơi nông nhàn, có được vui ca múa hát nữa đâu! Có gì đó bất thường, nghẽn lại khiến nhịp câu ca kéo dài rồi đứng phắt. Đến mức, hai chữ khốn nạn cũng ngắt đôi ra, kéo ra, cho nối dài thời gian mới chịu!

Dân quê cơ cực đến cái chữ thốt lên cũng dài thêm cơ cực không dừng được.

Rồi họ làm sao? Họ ngồi yên trong cái cơ cực khốn nạn ấy ư? Thưa không! Hạt thóc muốn sinh sôi hạt thóc phải cựa mình bật mầm lớn dậy, thành đòng, thành lúa, thành hạt gạo nuôi cái cùng con. Nên bài ca mới đi theo nhịp dài chăm chúi làm ăn toan lo nghèo khó.

Đi vay đi dạm được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái về nuôi
Hắn đẻ ra mười trứng.


Hình ảnh con gà xuất hiện trong văn học từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Tôi nhớ câu chuyện cổ xứ tây phương, kể về cô chủ bé nhỏ mất bố mẹ, gia đình chỉ còn mỗi con gà. Khi cô bé khóc, con gà an ủi cô chủ hãy vui lên, gà đẻ thật nhiều trứng cho cô chủ mang ra chợ bán, lấy tiền mua được con lợn, lại đẻ con, mang ra chợ bán, lấy tiền mua được con cừu, xén lông mang ra chợ bán, lấy tiền mua được con bò, vắt sữa mang ra chợ bán… và cô chủ bé nhỏ ấy đã có một trang trại. Ôi con gà của niềm tin và hy vọng. Nên khi người nông dân xứ mình đi vay đi dạm, cũng phải khó khăn lắm, cũng đi lui đi tới lắm, cũng năn nỉ ỉ ôi khi tách đôi chữ vay/ dạm ra làm hai như thế, và đi mua con gà. Tôi mừng cho họ một, tôi thương dân xứ mình mười. Đã bao giờ dám nghĩ đến thứ gì ngon lành ấm áp cho mình của ngày hôm nay đâu. Cái gì tốt, thức gì ngon cũng cất để dành, ấp ủ cho ngày mai. Ngày mai nghe thật gần nhưng đôi khi ngày mai ấy chẳng bao giờ đến.

Như những ngày này, có biết bao nhiêu người ngày mai chẳng bao giờ còn đến. Con số thống kê chưa chính thức, giờ này, về chết: 121 người; mất tích: 38 người, về vật: 52.933 nhà bị ngập; 24.734 nhà bị hư hỏng, sập đổ; 924 ha lúa, 106.616 ha hoa màu, 461.627 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. (Nguồn: VTC 18/10/2020). Những con số lạnh lùng nhói đau. Nước vẫn ngập lút nóc nhà, người vẫn gồng mình cầu cứu, chính quyền vẫn tăng cường cứu trợ. Mẹ Thiên Nhiên vẫn cuồng nộ buông xuống miền Trung từng cơn nước giận dữ kinh hoàng. Bản tin trên truyền hình vẫn phát lên nhiều tin tức đau lòng. Những tin nhắn người thân gửi cho nhau vẫn bàng hoàng, xót ruột. Thiệt hại về người và của vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày.

Nhưng, bằng cách này hay cách khác, ngày mai không đến với người này, vẫn đến với người kia. Như người nông dân nghèo khó từ buổi chợ phiên Kẻ Diên kia, ơ kìa, con gà đẻ ra mười trứng! Mười niềm hạnh phúc, mười mầm yêu thương, tròn trịa, hiền lành và non thơ ngơ ngác. Nhưng mười quả trứng ấy sẽ nở ra mười con gà, mười đàn lợn, mười đàn cừu, mười đàn bò… chắt chiu mà sẽ ấm no đền đáp. Tôi lại nhớ bài thơ Đò Lèn của nhà thơ Nguyễn Duy. Bài thơ thật buồn thương với niềm xót xa trìu mến của đứa cháu/ nhà thơ dành cho bà của mình. Bài thơ là những ký ức tuổi dại bên váy bà ấm êm. Tôi vẫn nhớ không phai câu thơ chẵng chịu: “Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất/ Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền/ Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết/ Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”. Lúc tất cả mọi thứ biến mất, từ hữu hình đến vô hình, từ thực thể đến tâm linh, mọi thứ trắng tay, người bà lại vẫn kẽo kẹt gánh xưa trên vai. Chao ôi, lại hình ảnh quả trứng. Sao bà không bán gì dễ dàng hơn? Phải chăng từ vô thức, hình ảnh quả trứng lại trở về, trong cuộc đời cơ cực nhưng không thôi nuôi niềm hy vọng.

Vậy rồi, người nông dân ấy có được hưởng thành quả của mình không? Người dân gian đã bày ra một kết quả chi mà gian nan.

Hắn đẻ ra mười trứng.
Một trứng: ung
Hai trứng: ung
Ba trứng: ung
Bốn trứng: ung
Năm trứng: ung
Sáu trứng: ung
Bảy trứng: ung.


Người dân gian đếm từng quả trứng với giọng ngắt đứt đoạn. Sao họ không kêu lên một con số “bảy” cho dễ xác định thiệt hại của mình? Không, họ đếm từng con số, cũng là từng chút một hy vọng. Hy vọng bao giờ cũng sẽ được tiếp nối tiếp nối để người mong chờ giữ được sợi tia sáng dẫu mong manh. Nhịp thơ 2/1 của câu thơ ngắn lại được ngắt làm đôi của dấu hai chấm càng làm hơi thở người nông dân gắt lại. Đó cũng là cách nói của người miền Trung. Đơn giản, ngắn ngủi không mỹ miều uyển ngữ. Bởi cái sự sống cơ cực khốn cùng, đôi khi đẩy người ta vào kiệt lộ. Nên câu thơ cũng ngắn như nỗi niềm hy vọng của người ta.

Trước mắt tôi, những dòng tin, những hình ảnh lại hiện lên trong cơn lũ lụt tàn phá. Những con trâu con nghé, những đàn heo đàn gà, những vườn rau xác xơ, những bao lúa mọc mầm lên mộng… Đất cưu mang, nước dung dưỡng. Giờ đây bùn chất phủ, nước cuốn phăng. Những khuôn mặt khắc khổ như rễ cây gằn lại từng đường nước mắt hằn trên gương mặt. Làn da đã bóng sạn, đôi mắt đã thất thần, đôi tay khô khốc. Con người đối mặt với thiên tai đâu dễ gì nắm được phần thắng. Chỉ mong một chút nương tay sự giận sự, mà náu nhờ qua được cái phẫn nộ cuồng điên của phong ba bão táp đang quật về trên cánh đồng, nương bãi, vườn tược, cửa nhà. Bảy trứng ung! Một kết quả thảm thương cho niềm hy vọng khôn nguôi trên cánh đồng sự sống. Giọng thơ thất thần, buồn bã, thê lương.

Nhưng không! Sự sống vẫn còn tiếp tục, bài ca dao như tiếng hát ru của người Bình Trị Thiên vẫn còn dấy lên niềm hy vọng.

Còn ba trứng nở ra ba con.

Câu thơ thật thà như một lời reo của người nông dân chân chất, hiền hậu. Đó cũng là một kết quả tất yếu. Ba trứng: ba con! Vậy thôi, vậy thì có gì mà thơ, có gì mà hát lên, có gì mà reo vui đến thế? Bởi đó là sự sống sẽ tiếp diễn. Nên người dân gian đã bỏ qua cấu tứ thi từ, để đưa vào bài thơ những câu “nói lối” mộc mạc, giản dị rất đời thường. Nhưng tất cả đâu dễ dàng đến thế. Ba con gà của niềm hy vọng đó, đã quyện nhau cuốn đi mất trong những câu thơ tiếp theo:

Còn ba trứng nở ra ba con.
Con: diều tha
Con: quạ bắt
Con: mặt cắt xơi.


Hết! Từ ngữ người dân gian đặt ra thật kinh khủng. Họ đã dùng từ quấn riết kéo róng lấy nhau. Chữ “tha” như bắt vận với chữ “quạ” lại kéo tiếp chữ “bắt” xuống chữ “mặt cắt” thật nhanh như cuốn lấy nhau. Với cách gieo vần này, khi ba câu ca cất lên, tôi tưởng như có gì đó, có ai đó, có chuyện nào đó… cứ quấn riết kéo nhanh và trượt trôi đi thành quả nhỏ nhoi của người nông dân tội nghiệp. “diều tha”, “quạ bắt”, “mặt cắt xơi”, thiết tưởng, như một đạo quân ba cánh tiền trung hậu ra sức tung hoành lấn lướt và cuối cùng xóa hết những niềm tin, sự sống của con người.

Trong những ngày này, người dân miền Trung đang đối mặt với điều gì đây? Bão qua, lũ lụt lại, và bây giờ đang đối mặt với cơn bão số 8, cơn bão số 9 và những cơn bão nữa hình thành từ khơi xa. Nhưng mất mát đau thương về người, những thiệt hại khủng khiếp về của, những di chứng của thiên tai chưa được khắc phục trong đời sống, những bàng hoàng thảng thốt chưa phai trên mỗi gương mặt người dân. Phải đó là diều tha, quạ bắt, mặt cắt xơi không? Câu ca ra đời cách đây mấy trăm năm nơi góc chợ Kẻ Diên quê mùa nào đó, sao bây giờ như tiếng nói hộ của hàng triệu người dân miền Trung thắt thẻo trước tai ương!

Ca dao, là tiếng hát của con dân nước Việt. Những câu ca thường mềm như dải lụa uốn lượn dòng bờ biển Đông. Lúc thác ghềnh nỉ non, lúc hiền từ êm dịu. Nên người dân gian lựa hai câu lục bát làm nên cấu tứ cho bài thơ cũng là một cách tạo sự nhịp nhàng cho người hát, người diễn ngâm. Vậy mà sao trong bài ca Mười quả trứng tôi đọc suốt bao nhiêu năm, nhịp thơ vẫn cứ ngắt đi từng quãng. Những câu thơ không đủ dài, không đủ mượt, không đủ ngân nga. Chỉ là những câu nói lối đơn sơ chân chất đến ngủng ngẳng khó nghe. Nhưng biết làm sao được, đứng trước con đường cùng, đến Cao Bá Quát cũng phải thốt lên đau khổ “Khách tử lệ giao lạc” khi đi ngang vùng cát mênh mông “nhất bộ nhất hồi khứ” kia mà.

Thế rồi, từ những câu thơ trúc trắc ngắt quãng đó, người đọc bất ngờ biết mấy, khi kết thúc bài thơ, lại là cặp câu lục bát dịu dàng mềm mại buông ra:

Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây!


Sao những câu thơ về niềm tin, về hy vọng trong mười quả trứng ở trên nó trúc trắc ngắc ngứ, thì hai câu kết lại hiền hậu và nhẹ nhàng đến thế. Hai câu thơ như một lời nhắc, như một niềm tin, như một cái nhìn vào ngày sau tươi sáng. “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Nghe thật vui khi chỉ một tín hiệu sống còn, thì sự sống sẽ còn.

Không hiểu sao, suốt bao nhiêu năm đến trường cùng sách vở, bao giờ trong tâm khảm tôi cũng vang lên những câu ca này. Cho dù sách giáo khoa có đưa vào chương trình chính khóa hay không, tôi vẫn thường đọc lên cùng bao lớp học trò, như một cách chuyện trò, như một lời nhắc nhủ, như một sự động viên nỗi khó khăn ở trong mỗi cá nhân con người về cách biết vượt qua. Những ngày này, lũ lụt vừa qua, bão giông đang tới, nhưng những đoàn xe đưa người đến với người, tay chìa níu lấy tay, nước mắt người này thấm qua vai người khác… con dân Việt trong hoạn nạn đã chia sẻ cùng nhau những ấm lạnh ngọt bùi.

Huế, mùa lụt tháng 10/2020
Đ.H
(TCSH381/11-2020)  



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Miền Trung (11/09/2020)
Chùm tản văn (18/02/2020)