Bút ký - Tản văn
Chiều đi trong Nghĩa trang Điện Biên
10:09 | 04/08/2009
NGUYỄN QUANG HÀ                         Bút kýNắng chiều vàng trải dài trên những hàng bia trắng như mơ, như kỳ ảo. Đi trong nghĩa trang tôi có cảm giác mình như đang ngỡ ngàng, có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ khi hàng hàng những bia trắng dài kia không có một nét mực ghi tên. Đó là những tấm bia vô danh.
Chiều đi trong Nghĩa trang Điện Biên
Nghĩa trang Điện Biên Phủ - Ảnh: photo.vn

Tôi cũng đã là người lính, nên hiểu được phần nào về những tấm bia vô danh ấy. Lính chúng ta không có thẻ bài, cái lắc đeo trên tay, trên cổ bằng sắt ghi tên họ mình, nên những bộ xương khi cải táng không biết là của ai. Lẽ ra khi chôn cất phải có bia. Nhưng chiến tranh lấy đâu ra bia. Nếu có, thì đó là những tấm bia khắc vội bằng mũi dao găm lên mảnh thùng đạn bằng kẽm hay bằng gỗ. Mưa gió và thời gian có đủ cách để làm mất nó đi. Lại nữa, đã không có bia, chỉ có người chôn biết mộ bạn mình. Song trong chiến tranh, mình chôn đồng đội ngày hôm nay, thì đồng đội khác ngày mai lại chôn mình. Ấy là chưa kể mộ vừa chôn xong, bom dội xuống, đất bị đào lên, xương văng mỗi chỗ một nơi. Đành vùi xuống. Nào còn biết xương đó của ai. Có thể gọi đó là lý lịch của những ngôi mộ vô danh vậy.

“Người hy sinh không một mảnh tin cho vợ con
Không một hàng tên trên bia mộ chí
Không gửi cho mai sau một kỷ vật của mình
Chỉ làm nên hai chữ: Điện Biên
Ấy là tấm huân chương gắn lên ngực Tổ quốc”

Tổng số liệt sĩ hy sinh trên đất Điện Biên trong xuân hè 1954 là 2800 người. Điện Biên có hai nghĩa trang. Nghĩa trang đồi Độc Lập và nghĩa trang Điện Biên tôi đang đứng đây. Trong nghĩa trang Điện Biên có 800 mộ, thì đã có tới 640 ngôi mộ vô danh. Vì thế trong nắng vàng, bia trắng toát một màu. Những hàng bia trắng xếp hàng ngang, hàng dọc thẳng hàng. Tưởng như các anh đã hy sinh rồi vẫn đứng trong đội ngũ.

Trong nghĩa trang, tôi thơ thẩn tìm xem có ngôi mộ một vị tướng nào hy sinh trong trận Điện Biên không? Không có. Chỉ toàn mộ lính. Cả mộ có tên và không có tên. Ý nghĩ ấy chợt đến và tôi bâng khuâng nghĩ về những người chiến sĩ trên đất Điện Biên ngày ấy. Đã đành tôi nghĩ về những bàn chân băng qua cầu Mường Thanh, những bàn chân đạp lên hầm Đờ Cát phất cao ngọn cờ quyết chiến quyết thắng.

Để có phút huy hoàng ấy, phải kể tới những phút gian lao đầu tiên. Cái gian lao mà mười năm kháng chiến, chỉ có Điện Biên mới có là kéo pháo vào, kéo pháo ra, rồi lại kéo vào trận địa.

Những vũ khí nhẹ, trước đây chúng ta chỉ khiêng. Chia nhỏ từng phần ra, vác. Nòng súng nặng nhất thì khiêng vào trận địa.

Các vị tướng lãnh đưa ra câu hỏi: “Núi cao vực sâu này, xe kéo không thể đi được, làm sao đưa được pháo vào trận địa”.

“Kéo pháo!” Đấy là ý kiến của những người lính. Thế rồi, chính các anh làm thật. Tai tôi âm vang khúc ca hò kéo pháo ngày nào.

“Hò dô ta nào
Kéo pháo ta vượt qua đèo
Hò dô ta nào
Kéo pháo ta vượt qua núi
Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi
Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù”

Hàng trăm người bám vào sợi dây thừng. Từng nhịp hô “hai, ba này”, từng người nín thở, dốc sức vào hai bàn tay kéo. Pháo nhích lên từng li, từng tấc. Chiến sĩ cầm đòn gỗ, chèn theo bánh pháo nhích lên cho nó khỏi tụt xuống.

Dùng tay kéo pháo lên cao đã là một việc cực nhọc. Không ai tính tới phương án bất ngờ khi pháo đứt dây. Cả khối thép hàng trăm tấn, đang độ dốc, bánh pháo lại tròn. Nó lăn, sẽ xuống vực và khẩu pháo tan tành. Không có một vị tướng nào tiên đoán được tình huống đó để có phương án ứng xử.

Làm thế nào bây giờ?

Trả lời được câu hỏi ấy lại là người lính. Thiên tài của người lính là ở chỗ đó. Người giải đáp được câu hỏi cực kỳ khó khăn này là Tô Vĩnh Diện. Anh đã lao toàn thân mình vào vết bánh pháo sẽ lăn, làm đòn kê. Và khẩu pháo đang lăn, bỗng dừng lại, như sức hãm của một nghìn người kéo dây.

“Có những phút làm nên lịch sử”. Tô Vĩnh Diện đã gắn ngôi sao đỏ sáng chói vào lịch sử pháo binh Việt Nam. Sự sáng tạo vô song ấy thuộc về người lính.

Ý kiến quyết tâm kéo pháo ấy là của các anh. Người kéo pháo là các anh. Lấy thân chèn pháo cũng là các anh. Chiến sĩ của chúng ta là vậy.

Nghe nói, phương án tác chiến lúc đầu là “đánh nhanh, thắng nhanh”, giải quyết cứ điểm Điện Biên trong 2 ngày 3 đêm. Nghĩa là trận đánh phải cùng lúc xông lên cả biển người. Người hoài nghi phương án ấy, cũng chính là người lính. Ý kiến thành dư luận. Các vị tướng nghe dư luận, vội vàng xuống xác minh. Nghe ý kiến chiến sĩ. Nghe xong, các vị tướng thay đổi phương án cũ thành phương án mới: “Đánh chắc, thắng chắc”.

Nằm kề bên mộ Tô Vĩnh Diện là mộ Phan Đình Giót. Tôi tự hỏi mình: Trận đánh mở màn vào căn cứ đêm 13/3/1954, hỏa lực địch chặn ngay đường tiến công của quân ta. Địch lại đang trong thế thắng. Khẩu hiệu của lũ thực dân là: một tấn đạn diệt được một cộng sản là thắng lợi. Chúng sẽ từ trong hầm cố thủ bắn ra không tiếc đạn. Nếu lúc đó, không có Phan Đình Giót lao lên, anh bị thương, tụt lại mấy bước, lại lao lên, lấy cả thân mình lấp lỗ châu mai. Hàng ngàn viên đạn găm vào thân hình anh. Ngăn hẳn hỏa lực lại. Nhân đà ấy, đồng đội của anh ào lên. Ừ, nếu lúc đó không có Phan Đình Giót, không hiểu trận Him Lam sẽ ra sao nhỉ? Không trả lời được câu hỏi, lòng cứ ngỡ ngàng.

Nói đến ba chữ Điện Biên Phủ là người ta nghĩ và hình dung ngay ra nghĩa đen của hai chữ “đánh lấn”. Từ những chân núi bao quanh lòng chảo Điện Biên, bộ đội ta dùng xẻng, từng nhát từng nhát một, đào hào chọc thẳng vào trung tâm Mường Thanh. Kỳ công ấy phải là người lính mới làm được. Đào suốt ngày suốt đêm. Chỉ cần nhìn chiếc xẻng ngày ấy các anh đào đang đặt trong bảo tàng Điện Biên, nó mòn vẹt đến tận cuống cuốc, tưởng không thể nào mòn hơn được nữa, đã thấy hết công lao của các anh. Chưa hết, phải nói các anh đào trong tầm mưa đạn. Đạn bắn xối xả từ các lỗ châu mai ập tới. Làm thế nào để ngăn chặn luồng đạn quyết liệt kia? Lại là người lính trả lời được câu hỏi ấy. Thật đơn giản. Càng đơn giản lại càng sáng tạo: các anh đã lấy rơm, bện thành những con cúi. Con cúi dài ấy quấn lại thành lá chắn. Các anh đặt lá chắn lên phía trước con hào đang đào. Đào đến đâu, đẩy lá chắn con cúi lên phía trước đến đấy. Bao nhiêu đạn quân thù găm vào đó, đến nỗi mấy người khiêng một lá chắn không nổi.

Những ai trong các anh trong trận đánh lấn này đã hy sinh nằm trong nghĩa trang trên những hàng bia vô danh kia. Mỗi ngôi mộ kia là một chiến công. Tôi cứ nghĩ, giá viết được từng tấm gương hy sinh của từng chiến sĩ nằm trong mộ có tên và không có tên kia, chỉ riêng những trang viết ấy đã là một cuốn sách hào hùng, đã là một cuốn sách trác tuyệt.

Tôi nói điều đó không ngoa đâu, ngay như ngôi mộ đối diện với ngôi mộ Phan Đình Giót này là ngôi mộ Bế Văn Đàn. Nhiều khi người ta quên tên anh mà gọi cái địa danh anh vụt lớn lên, trở thành người anh hùng, đó là anh hùng Mường Pồn. Trận Mường Pồn cũng là trận mà hỏa lực địch áp đảo quân ta. Địa thế của ta bằng phẳng, không có chỗ đặt càng súng máy để đối mặt với hỏa lực địch. Tình thế trứng treo đầu đằng ấy, người quyết định cho trận đánh không phải là người chỉ huy, mà thắng bại lúc này trông vào Bế Văn Đàn. Không phải anh không biết anh sẽ là tấm bia đỡ đạn, song Bế Văn Đàn không nề hà, anh nhảy tới, cầm hai chân càng súng trung liên đặt lên hai vai mình, và bảo với đồng đội: “Anh hãy bắn đi”. Đồng đội run tay: “Chết mất Bế Văn Đàn ạ!”. Bế Văn Đàn đáp: “Hy sinh chỉ mình tôi, nhưng chúng  ta sẽ  chiến thắng”. Bất ngờ bão táp trên đầu Đàn, áp lực không ngờ, chặn đứng đường xung phong của địch. Bế Văn Đàn đã huy phong cho Mường Pồn thành mảnh đất anh hùng.

Người chiến sĩ chúng ta là thế.

Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót cũng thân thể như chúng ta, cũng có vợ con, anh em như chúng ta, nếu không lấy thân chèn pháo, nếu không lấy thân lấp lỗ châu mai, làm giá súng, các anh đâu có chết. Nhưng các anh đã nhận lấy cái chết cho mình để đồng đội lập nên chiến công.

Mỗi tấm gương hy sinh ấy của chiến sĩ Điện Biên chẳng xứng là một sự tích anh hùng sao.

Những ngôi mộ có tên và vô danh kia đều có chung một cái chết là dâng hiến máu xương mình cho tương lai đất nước. Tôi chợt nghĩ: Nếu ai phụ xương máu ấy sẽ gọi là gì nhỉ? Liệu có còn góp mặt với đất nước quê hương mình?

Nghĩa trang Điện Biên đứng ngay bên đồi A1, ngay trước bảo tàng Điện Biên là nhân chứng sống cho một thời Điện Biên anh hùng.

Nhìn những hàng bia trắng kia, tôi chợt nhớ tới hình tượng cây tốt trong bàn cờ người. Cây tốt - Người lính trong bàn cờ chỉ tiến về phía trước, từng bước một, không bao giờ lùi. Và khi quân tốt đã nhập cung, thì đó là chiến thắng. Có khác gì người lính đứng trên đỉnh nóc hầm Đờ - cát -tri phất tung bay cờ quyết chiến quyết thắng.

Người lính Việt xưa nay là thế. Trong kháng chiến chống quân Nguyên, người lính khắc lên bờ vai mình hai chữ “Sát Thát” - quyết giết giặc Nguyên. Hai chữ ấy là quyết chí. Lỡ khi sa vào tay giặc, thì giống như Trần Bình Trọng. Giặc dụ dỗ đầu hàng sẽ phong vương. Trần Bình Trọng trả lời: “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Ông sẵn sàng nhận cho mình lưỡi gươm nghĩa khí chứ nhất định không chịu đầu hàng, nhất định không chịu phản lại Tổ quốc.

Người lính trong thời đại Hồ Chí Minh, không khắc lời nguyền lên cánh tay, nhưng đặt lời nguyền trong tim: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trải suốt 30 năm chiến tranh, họ đã thủy chung với lời thề ấy. Câu thơ chí khí của Thanh Thảo bật ra từ nghĩa khí ấy:

“Lũ thanh niên chúng tôi bùng ngọn lửa chính mình
Không dựa dẫm những hào quang có sẵn”

Chiều Điện Biên vàng ong, đâu đây như có mùi thơm của mật ong. Tình cờ bên tượng đài giữa nghĩa trang,  tôi  thấy  một  đôi  trai gái đang ngồi tình tự, hoàn toàn không có dụng ý, không có đạo diễn. Tôi sực nhớ câu thơ của Tố Hữu:

“Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng”


Phải đôi trai gái này là trái cam vàng, là đóa mơ trắng của câu thơ.

Tôi đã chụp bức hình của họ, xin được ăn theo bài viết này, để làm bài kết trong nghĩa trang, kết cho mạch tư duy của tôi về người lính. Vâng, đúng thế: “Máu anh chị đổ ra không uổng, sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam”. Các anh chị đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” là vậy.

Điện Biên Phủ 9/3/2004
N.Q.H
(183/05-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Miền cỏ thơm (07/07/2009)
Cát trắng (22/06/2009)
Ba lần gặp Bác (19/06/2009)