NGUYỄN QUANG HÀ
Bút ký
Tưởng nhớ Phan Thế Phương và Nguyễn Như Tùng
Ngồi trên thuyền máy xuôi dòng băng băng về cửa Thuận, Phan Thế Phương khỏa tay xuống dòng sông Hương nói với tôi:
- Dòng nước thi ca của đất Thần kinh đây!
Nói tới sông Hương, người ta nghĩ ngay tới câu hò mái nhì réo rắt trên dòng sông không rộng này. Và biết bao lời thơ đã bật ra từ những tâm hồn thi sĩ. Có người cảm khái: "Sông như kiếm dựng giữa trời xanh". Có người thiết tha: "Có chở trăng về kịp tối nay". Có người đắm say: "Đây xứ mơ màng, đây xứ thơ".
Trời xanh nhường kia. Dòng sông nước trong veo nhìn thấy tận đáy này. Thành quách, lăng tẩm, điện đài ấy. Giai nhân thục nữ này, trai tài gái sắc cả nước đổ về, làm gì chẳng thành thơ. Dòng sông Hương nghiễm nhiên được chấp nhận là dòng thi ca trên văn đàn của một vùng đất rồi. Bàn sao cho xiết. Ấy là nhân chuyến đi trên sông nước đầy thi hứng mà ngẫu hứng nói với nhau thôi.
Còn công việc của chúng tôi là việc đời. Công việc hình như chẳng dính dáng gì tới thi ca cả.Thi ca xin trả cho các văn nghệ sĩ, còn chúng tôi chỉ xin dòng nước theo đúng nghĩa đen của nó cho nghề nuôi tôm. Đó là việc chúng tôi.
Hôm nay về Cồn Tè, nhân ngày giỗ Nguyễn Như Tùng, để thắp mấy nén hương cho anh.
Chúng tôi ngồi giữa cồn cát hoang sơ, bên ngôi mộ hoang sơ. Khói hương không bay lẩn quất, mà gió bay như đem mùi hương tới một phương trời nào.
Phan Thế Phương tâm sự:
- Anh Nguyễn Như Tùng người Thanh Chương, Nghệ An. Anh là cán bộ Viện nghiên cứu thủy sản, được biệt phái về giúp chúng tôi nghiên cứu về con tôm ở trên phá Tam Giang này. Có thể gọi anh là người đặt viên gạch đầu tiên cho nghề nuôi tôm ở đây.
"Người đặt viên gạch đầu tiên", nói thì đơn giản như thế đấy, nhưng hầu như lúc ấy Nguyễn Như Tùng lầm lụi làm một mình. Giữa cồn hoang dựng một mái nhà. Một mình lủi thủi giữa mùa nước lũ đi vớt tôm bột. Một mình nghiên cứu rồi đi đến kết luận: "Giống tôm sú đẻ ngoài khơi. Trứng dạt vào bờ. Khi nở, tôm nhỏ tìm đường vào phá sinh sống. Sáu tháng sau lại tìm đường ra biển và không bao giờ quay trở lại phá nữa". Rồi Nguyễn Như Tùng đào hồ đắp bờ, bắt đầu cuộc thí nghiệm nuôi tôm. Anh nuôi những lứa tôm sú đầu tiên. Đặt được tiền đề cho nghề nuôi tôm bây giờ.
Công việc của anh mới có vậy thôi đó, nhưng Nguyễn Như Tùng đã đánh đổi tiền đề ấy bằng cả cuộc đời mình. Anh bám "trại" thí nghiệm không rời một bước. Cơn bão dữ năm 1985 đã giật đổ nhà anh ở, phá nát bờ hồ anh đắp, và anh bị sóng vùi. Mấy ngày sau bà con Tam Giang mới tìm được xác anh trôi dạt trên bờ.
Phan Thế Phương thắp một thẻ hương cho Nguyễn Như Tùng, rồi nói tiếp với tôi:
- Khi nghe anh Tùng báo cáo nuôi được tôm sú, chúng tôi xúc động rơi nước mắt. Mừng lắm, vì sao, anh biết không. Chúng tôi ở ngành thủy sản, lo khai thác thủy sản, đồng thời phải lo nuôi dân thủy sản của mình. Phá Tam Giang rộng 22.000 héc ta. Nhưng chín vạn dân bám vào đó để sống. Hai vạn người nguồn sống chính dựa vào đầm phá. Họ sống lênh đênh, du thủy du thực nay đây mai đó. Bảy vạn người kia có làm vườn làm ruộng thêm. Song, như ở Vinh Hưng, bảy ngàn dân, có được 214 héc-ta ruộng. Bình quân ba người một sào đất. Năng suất hai tấn lúa một héc-ta, lấy gì mà sống?
Anh Phương nói tiếp:
- Năng suất đánh bắt hải sản trên Tam Giang, 1500 tấn tôm các loại, 1000 tấn cá, 500 tấn rong câu. Tính bình quân cho chín vạn dân, đâu phải gì là đáng kể. Trong tình hình tôm đang là một mặt hàng ăn khách ở nước ngoài, nếu ta chủ động nuôi được, để tôi thử tính anh nghe. Một héc-ta lúa, thường một năm một vụ thóc, cứ cho là hai vụ đi, một năm thu 4 tấn lúa, trị giá 6 triệu đồng. Nếu một héc-ta hồ nuôi tôm, một năm hai vụ, một tấn rưỡi tôm, tôm loại bốn là 30 ngàn một cân, cũng thu được 45 triệu đồng. Hiệu quả gấp bảy lần. Phá Tam Giang của chúng ta rộng 22.000 héc-ta, anh coi, chỉ cần nuôi được một vạn héc-ta, đã giàu lắm rồi.
Là giám đốc Sở Thủy Sản, nhìn rõ thành quả ấy, anh Phương cười đôn hậu. Nụ cười dễ mến, dễ tin. Chính vì vậy, gặp anh Phương lần nào trên đầm phá, là thấy anh mặc áo cộc, quần soóc lội khắp vùng nuôi tôm để tìm một phương thức hợp lý nhất có thể nhanh chóng phát huy được tác dụng nuôi tôm hồ.
Phan Thế Phương rất chân thành:
- Anh Nguyễn Như Tùng đã mở hướng ra như thế, chúng tôi cùng bà con Tam Giang biết ơn anh rất nhiều. Những gì chúng tôi đã làm được và sẽ làm được là có phần công lao của anh ấy. Có hướng rồi, không đi, tội lại thuộc về mình.
Mùa tôm 1991, tôi theo anh Phương, anh Hiền, anh Việt về Quảng Công. Anh Hiền phó giám đốc Sở, họp trực tiếp với các chủ hộ nuôi tôm. Cuộc họp được bàn bạc rất kỹ về các khâu trong quy trình nuôi tôm, gồm: hồ nuôi, giống, thức ăn, kỹ thuật, chăm sóc, và tiêu thụ. Sở sẽ liên kết với từng hộ một, về từng khâu, những khâu nào dân không đảm nhiệm nổi, thì Sở chịu trách nhiệm gánh vác.
Nhờ có sự đôn đốc, giúp đỡ và liên kết này, năm 1991, Quảng Công thu một mùa tôm thắng lợi rực rỡ. Có thể kể ra đây mấy trường hợp điển hình. Anh Phạm Hóa thả 1 vạn 4 tôm giống trong ba sào rưỡi, thu ba trăm cân, lãi 7 triệu đồng. Anh Phạm Trung thả ba vạn tôm giống trong tám sào hồ, thu năm tạ tôm, lãi mười hai triệu đồng. Đặc biệt là anh Nguyễn Việt, người đầu tiên của tỉnh nuôi tôm vụ trái thành công. Thả 3 vạn, thu 5 tạ tôm, lãi mười triệu đồng.
Điều khẳng định đã được khẳng định. Những điều cần bàn thêm lại thuộc một phạm trù riêng, cần có những hội nghị chuyên đề.
Tôi có về thăm khu hồ tôm ở bến đò Ca Cút. Cái tên bến đò Ca Cút có cái tích riêng của nó. Chuyện kể rằng, đây vốn là một bến đò rất hoang vắng. Người đi kẻ lại lưa thưa. Có một đêm kia, người mẹ trẻ đem con ra bến đò, định qua phá tìm thầy chữa thuốc cho con đang bệnh. Đêm vắng. Gió lạnh, trời mưa. Gọi mãi không có đò. Đêm ấy người con chết. Mẹ ôm xác con khóc, chết hóa thành con chim Ca Cút. Tiếng chim khắc khoải trong đêm, ấy là tiếng người mẹ gọi đò trên bến vắng.
Bến đò Ca Cút nay không vắng nữa. Hồ nuôi tôm kề hồ nuôi tôm. Không lúc nào vắng tiếng cười. Tôi đặt chiếc vó nhỏ xuống hồ, vất nắm cá vụn vào. Mươi phút sau kéo lên, tôm búng lao xao, xóa hẳn mặt hồ yên lặng.
Vừa phát động được phong trào nuôi tôm, do hoàn cảnh và công việc, gia đình Phan Thế Phương phải chuyển vào Nam. Anh thu xếp cho vợ con đi chu toàn. Còn riêng anh, anh bàn bạc cùng gia đình, mọi người đều phải chấp nhận tâm huyết anh, ở lại Tam Giang cùng con tôm đầm phá. Giữa đoàn tụ thời bình, sau bao năm chiến tranh, giờ lại "chia niêu", xa cách dặm ngàn, thật không phải dễ. Rảnh tay, Phan Thế Phương lại lao vào công việc ngày đêm.
Phá Tam Giang trong đêm như ngày hội đèn. Thuyền câu nào cũng cho đèn mình sáng rực nhất để cá bị bóng đèn, say mồi. Thuyền chúng tôi đi như lạc trong thành phố ánh sáng ấy. Nhưng phải ngày mặt mới thấy hết cảnh hoành tráng tĩnh lặng của một Phá Tam Giang cổ xưa. Vẫn những nò sáo dọc ngang trên mặt nước, vẫn những vạt lưới giăng đón cá dày, vẫn cọc cắm thẳng hàng chia nhau luồng cá mặt nước. Dù Tam Giang hầu như vắng hẳn thuyền buồm, thay vào đó những thuyền máy. Nhưng cách đánh bắt chưa khác được bao nhiêu. Nhất là đối với những gia đình neo vốn. Vẫn một cái nơm nhỏ úp cá ẩn mình dưới dấu những bàn chân. Vẫn buộc cây rưới thành từng bó, đặt trong rọ tre, thả xuống nước, đợi tôm vào nương thân trong ấy rồi kéo lên... Dân du thủy thực còn vất vả hơn nhiều. Một chiếc thuyền con lênh đênh mặt sóng, nay đây, mai đó, tập hợp với nhau sống thành một làng thủy điện - làng mặt nước. Song muốn tập hợp lại dân làng, phải cắm nêu, treo cờ phướn cả hàng tháng trời mới mong tề tựu đủ. Trẻ con bơi lội giỏi, nhưng thiếu học là sự thường. Có bữa hôm, chạy bữa mai không có gì lạ. Phải thấu hiểu tận cùng nỗi phiêu bạt của người ngư dân trên Tam Giang mới thấy ý niệm kế hoạch nuôi trồng có giá trị như thế nào khi người dân được định cư.
Tôi thực sự quý mến Phan Thế Phương khi anh quyết định ở lại với Tam Giang bằng tấm lòng ấy.
Có thể nói trong giai đoạn này Phan Thế Phương đã cùng với tập thể Sở Thủy sản làm được hai việc lớn. Một là thổi bùng lên được phong trào nuôi tôm ở Quảng Công. Ngọn lửa ấy đã được nhen lên ở Hưng Phong và Hải Dương. Bên cạnh việc đắp đập, đào hồ, ngư dân còn tận dụng mặt nước bằng cách nuôi tôm lồng. Một thế mạnh của Phá Tam Giang là đáy phá tương đối bằng phẳng. Độ sâu trung bình một mét rưỡi. Tỷ lệ hai mươi phần nghìn độ mặn nước biển đối với một đầm nước lợ là một ưu thế tuyệt vời cho con tôm. Không những vậy, phá Tam Giang vẫn ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều lên xuống. Cho nên các hồ nuôi tôm trên Tam Giang hầu như được thay nước đều đặn hàng ngày, bảo đảm hàm lượng muối của nước, và bảo đảm cả sự trong sạch môi trường.
Càng có nhiều hồ nuôi tôm càng cần nhiều con giống. Phan Thế Phương cho xây dựng trạm tôm giống ở Thuận An. Đó là việc lớn thứ hai của anh. Lâu nay tất cả các hồ tôm của Tam Giang đều phải vào Quy Nhơn, Đà Nẵng mua giống. Tại sao họ làm được, mình không làm được? Không thể không có câu hỏi ấy đối với một tấm lòng tự trọng.
Muốn cho tôm đẻ nhân tạo, phải hiểu được đời sống con tôm trong tự nhiên. Tôm đẻ ở vùng biển sâu hai chục sải nước. Không khó. Một ưu điểm của con tôm hình như thiên nhiên giành ưu đãi con người. Đó là việc tôm phối giống. Khác hẳn mùa phối giống của cá, con cá cái đi trước đẻ trứng, con cá đực đi sau, tưới tinh. Tôm hoàn toàn không phải thế. Ở con tôm cái có một "kho" chứa tinh, con tôm đực trao túi tinh cho tôm cái. Tôm cái cất vào cái hốc kho ấy. Với cái kho dự trữ này, con tôm cái dùng suốt thời thanh xuân của mình. Mỗi năm hai mùa phát dục, hai lân đẻ trứng, việc phối giống tự nhiên này, chỉ một mình con tôm cái tự làm cho nó, khi cần.
Như vậy muốn cho tôm đẻ nhân tạo, chỉ cần con tôm cái đã có kho tinh là đủ.
Muốn cho tôm cái mau đẻ, trại giống Thuận An cắt một mắt của con tôm cái đi. Mắt tôm nhìn, dùng năng lượng bản thân nó rất nhiều. Khi cắt một mắt, năng lượng ấy dùng vào việc phát dục. Các nhà chuyên môn nhìn màu sắc hai đường vân đặc biệt ở lưng con tôm cái, có thể tính được ngày đẻ của nó. Mỗi lứa tôm cái đẻ có tới vài triệu trứng, song hiệu quả nở chỉ đạt hai ba chục vạn con là cùng. Như vậy đã rất tuyệt rồi. Cho tôm cái đẻ lứa thứ ba thì thôi. Vì sau đó, trứng yếu dần đi. Con cái bị loại. Nhiệm vụ của nó coi như đã hoàn thành xuất sắc. Tuy nhiên một con tôm cái đạt tiêu chuẩn đẻ có khi rất đắt, tới hai ba trăm ngàn đồng một con.
Quá trình vận chuyển từ trứng tôm thành con tôm mỏng tang như sợi tóc mất mười ba ngày. Trong mười ba ngày ấy, ấu trùng tôm lột xác tới mười hai lần trong mười hai ngày. Hầu như mỗi ngày ấu trùng ăn một loại thức ăn riêng biệt. Hiện tại thức ăn này trại tôm Thuận An đang phải mua của nước ngoài, đóng hộp gửi qua.
Tôm mới nở được gọi bằng biệt danh P15. Tôm con P15 được chuyển qua hồ nuôi chăm sóc đặc biệt trong một tháng mới thực sự xuất chuồng cho các hồ nuôi tôm thịt.
Trại tôm Thuận An đặt ngay trên bờ biển, chỉ cách mép nước chừng một trăm năm mươi mét, lấy thẳng nước biển thực hiện quy trình tôm đẻ. Sở Thủy sản trực tiếp chỉ đạo trại tôm giống này.
Phan Thế Phương ước mơ:
- Bao giờ phá Tam Giang nuôi được một nghìn héc-ta tôm thì lúc ấy dù có nghỉ hưu tôi mới mãn nguyện, để những kế hoạch lớn lao sau đó anh em mình làm tiếp - Phan Thế Phương nháy mắt với tôi - Nếu thực hiện được một vạn héc-ta tôm nuôi ở Tam Giang này, anh coi, tất cả sẽ thay đổi nhường nào.
Nụ cười đôn hậu của anh lại nở sáng ngời.
Song ước mơ của riêng anh đã bị đứt gánh giữa đường. Cuối năm 1991, trong chuyến đi họp chuyên đề về con tôm ở Nam Bộ, cầm trong tay những quyết định mới mẻ, Phan Thế Phương vội hối hả trở về để triển khai ngay những ý đồ mới. Tai nạn ô tô đã cướp anh ngay trên đường Thuận Hải. Tôi chỉ được gặp lại anh khi anh đã nằm trong chiếc quan tài chở từ trong đó ra Huế.
Anh đương chức giám đốc Sở, tỉnh ủy viên, nên đám tang anh rất to - ô tô lớn nhỏ đậu trước Sở Thủy sản lũ lượt. Người đến viếng com-lê, cra-vát, áo dài. Tỉnh ủy chủ trì đám tang. Có loa giới thiệu từng đoàn đại biểu. Duy có "một đoàn đại biểu" làm tôi rất cảm động. Đoàn chỉ có một người. Anh chừng năm mốt năm hai tuổi, đạp tới sở bằng chiếc xe đạp cà-tàng, quần vải, áo bộ đội cũ. Từng nét mặt đều buồn thiu.
Người đón tiếp hỏi:
- Anh ở đoàn nào?
Đáp:
- Tôi chỉ có một mình. Tôi đến đây chỉ xin lạy ông Phương mấy lạy.
Quả nhiên, ngoài tấm lòng, người khách chẳng có gì điếu phúng. Lạy xong, rưng rưng nước mắt, anh lặng lẽ gật đầu chào người chủ lễ, dắt xe ra, đi thẳng. Nhận ra người nuôi tôm ngoài Tam Giang, tôi nói thầm với anh Phương: "Phan Thế Phương ơi, nhân dân đến với anh đấy!"
Có niềm vinh quang nào hơn thế?
Anh Phương mất đi, Anh Hiền lên thay anh, tiếp tục chủ trì công việc nuôi tôm này. Phú Lộc, Phú Vang đua nhau ngược phá lên tận Quảng Công để nhận ra thế mạnh của đầm phá mình.
Từ khi Nguyễn Như Tùng nuôi con tôm đầu tiên cho đến nay, thật không ít đắng cay. Ngay cả khi đầu qua đuôi lọt tưởng nhịp nhàng rồi, vẫn thất bại. Quảng Điền, ba vạn rưỡi tôm giống chết vì khi vừa thả tôm, gặp trời quá lạnh. Nước phá nông, nên lạnh, đâu được ấm như ngoài biển khơi mùa tôm nở. Hồ nuôi tôm thịt ở Cồn Sơn tôm chết hàng loạt, vì nước nóng quá, tôm không chịu nổi, cứ tưởng có bọn phá hoại nào. Hồ tôm Viễn Trình do thay nước không đều, nước bẩn, bị ô nhiễm, tôm chết nổi hàng loạt. Gần đây nhất, hồ nuôi tôm của ông Hải ở Phú Lộc, thả mười ba vạn con, lúc tát, chỉ còn một nghìn ba trăm con. Có người nói do giống tôm yếu quá. Nhưng khi cùng bắt một ngàn ba trăm con tôm kia, trong hồ của ông Hải còn có hai chục con cá rô, và hai con tràu. Phải chăng do dọn tạp không sạch, đó là nguyên nhân của vụ thất thu này.
Trái hẳn lại, hồ nuôi tôm giống của anh Quang ở Vĩnh Hưng, cùng một lứa thả tôm P15 như của ông Hải, anh thả mười hai vạn rưỡi, đúng một tháng sau, lãi ngay bảy triệu đồng.
Tôi hỏi Quang:
- Anh có kinh nghiệm chăm sóc gì?
Quang đáp:
- Tuần đầu, chúng tôi cho tôm ăn huyết heo và trứng gà. Hai thứ hòa vào nước đổ xuống quanh hồ. Thúc một tuần, tôm lớn hẳn lên.
Đến thăm nhà Quang, đúng lúc vợ con anh vừa dọn bữa cơm chiều. Cơm đang còn độn khoai. Bữa ăn phải nói là sơ sài. Tôi biết cả nhà, kể cả đứa trẻ nhỏ nhất cũng đang nhịn miệng dốc sức cho việc nuôi tôm.
- Anh nghĩ gì về việc nuôi tôm? Tôi hỏi.
Quang rất tự tin:
- Xã chúng tôi nghèo đất đai, nhưng giàu mặt nước. Lâu nay bỏ hoang phí, giờ hiểu được thế mạnh của mặt nước rồi thì phải khai thác nó. Tính lãi, không có gì mau lớn bằng con tôm đâu anh. Tôm P15, 6800 con mới được một cân. Nuôi bốn tháng sau, không kể loại một, loạt hai làm gì, loại ba từ hai chục đến ba chục con một cân. Trong vòng bốn tháng, một con tôm lớn gấp ba trăm lần. Và lại một vòng quay bốn tháng là vừa.
Phải đi quanh quê Quang một vòng mới càng hiểu quyết tâm nuôi tôm của anh. Một vùng cát trắng phau. Cắm cây sắn xuống cũng phải tưới mới sống, ở đây có câu ngạn ngữ "cây mọc trên bờ vai" là thế. Người chăm chỉ mỗi đêm phải gánh tới ba trăm gánh nước giữ cho vườn có màu xanh. Vì vậy, không đâu quý giọt nước ăn bằng đất này. Riêng quê Quang, đã hoạch định, làm tới 600 giống UNICEP mới thỏa mãn nước dùng cho dân hàng ngày.
Tôi chợt nhớ một câu ca dao rất đặc chủng của đất đai và đầm phá Tam Giang: "Thuyền tôi đậu phá Tam Giang. Buông câu bắt cá lên làng đổi khoai". Quang nghĩ chuyện đổi đời là phải lắm.
Quang đang hướng cho dân xuống khai thác tiềm năng phá Tam Giang. Anh bảo:
- Nếu nuôi được 300 héc-ta tôm, dân chúng tôi sẽ đổi đời.
Tôi hỏi:
- Đến bao giờ làm được chừng ấy?
Quang ngập ngừng, tính chưa ra. Anh Diện, bí thư xã Phú Đa đã cho tôi biết thêm sự lúng túng của các anh trong việc loay hoay tìm cái chìa khóa của Tam Giang như thế nào:
- Sức lao động của chúng tôi thừa. Nhưng chúng tôi không có vốn. Một mái nhà tranh không đủ sức tin cậy là tài sản thế chấp để ngân hàng cho vay. Ngân hàng có cho vay đấy nhưng thật chưa đáng kể gì. Ông Hai có vào Nam vay vài chỉ của bà con để góp vốn. Anh Hải bán cả nhà cửa lo cho hồ tôm. Riêng năm nay xã đã nhận 50 đơn xin diện tích mặt nước nuôi tôm. Song tất cả đang hết sức lúng túng, lấy đâu ra vốn đầu tư ban đầu.
Mâu thuẫn giữa tiềm năng và khai thác, tiềm năng đang là một hiện tại của phá Tam Giang. Không còn phải là lúc con cáo không với tới quả nho đành ngậm ngùi phủ định "quả nho xanh" để quay đi nữa rồi.
- Chúng tôi đang tìm cách liên doanh để gỡ thế bí này. Không dám hứa gì trước, nhưng có nhiều hi vọng - anh Hiền giám đốc Sở Thủy sản tâm tình - Không phải phá Tam Giang chỉ có con tôm thôi đâu anh. Phải nghĩ ngay tới việc nuôi cá và nuôi cua nữa. Và tôm cũng không phải chỉ có tôm sú. Con tôm bạc đang ăn khách. Tôm bạc cho đẻ dễ, nuôi một lứa chỉ cần hai tháng là xuất được. Làm thức ăn tổng hợp và nuôi tôm bằng lồng không đáy đang là một đề tài thật tích cực của Tam Giang.
Phá Tam Giang, một con phá được nước của ba dòng sông lớn đổ vào: Sông Bồ, sông Hương, sông Truồi, tạo nên một vùng đất lợ lý tưởng. Đến Thừa Thiên năm 92, nói đến làm ăn kinh tế ở đây, khách thường nhắc đến phá Tam Giang. Những người ở xa lâu nay chỉ biết một Tam Giang dữ dằn: "Yêu em anh cũng muốn vô, sợ Truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang". Cách đây bảy năm, còn biết một Tam Giang nghiệt ngã, trận bão năm 1985, sóng lừng vùi chết 300 người trong một đêm, có gia đình 24 người, chết 21. Bây giờ Tam Giang đang trong tầm tay của một cơ ngơi mới. Nếu nuôi được một vạn héc-ta tôm trên phá, thì đó là một cuộc đổi đời. Song hiện tại đang bộn bề ngổn ngang. Thất bại đã thành kinh nghiệm. Ước mơ đã thành mục đích. Mỗi phấn đấu bây giờ đều là một tiêu chí được ghi nhận. Cuộc đổi mới có ý nghĩa nhất trên Tam Giang bây giờ là cướp thời gian.
Cướp thời gian trước mắt của các hộ tôm bây giờ là thúc tôm thịt mau lớn, đạt tiêu chuẩn xuất hồ trước tiểu mãn.
Hôm nay tôi trở về Cồn Tè mùa thu tôm thứ ba. Những người nuôi tôm quây quần quanh mộ Nguyễn Như Tùng, thắp hương cho anh. Từ ngày hành nghề nuôi tôm ở Cồn Tè, đó là một tục lệ mới. Ngày thả tôm, thắp hương. Ngày thu hoạch tôm, thắp hương. Cái mới hơn của năm nay là trong lời khấn, dân nuôi tôm nhắc tới tên cả hai người: Nguyễn Như Tùng và Phan Thế Phương, cầu xin các anh phù hộ nghề nuôi tôm ở Tam Giang ngày càng phát đạt.
Trong không khí trang nghiêm, nhìn những cặp mắt đều rưng rưng nước mắt kia, sao mà chan chứa tình đời, sâu nặng. Phải chăng đó cũng chính là một tứ thơ mới đã được cất lên, làm lóng lánh thêm cho dòng nước của thi ca vốn đã rất lãng mạn này?
N.Q.H
(TCSH50/07&8-1992)