Bút ký - Tản văn
Mùa Hy vọng
14:39 | 28/01/2022


LÊ QUỐC HÁN

Mùa Hy vọng
Sương giữa mùa Xuân - Ảnh của NSNA Lê Minh

1. Điệp khúc thời gian

Từ xưa đến nay, không biết bao nhiêu cách ví von về sự ngắn ngủi của thời gian: Thời gian như vó câu qua cửa sổ, như nước chảy qua cầu, như cánh chim vút ngang bầu trời, như tia chớp lóe lên trong đêm mưa gió: Thời gian ngọn gió vèo qua/ Bao triều vua cũng chỉ là hư không (Dương Kỳ Anh); Ðã nghe sợi tóc bạc trên tay mình (Nguyễn Duy); Thấy thời gian chạy vù qua mái đầu (Trương Nam Hương).

Dùng trí óc đơn thuần suy xét, thời gian là một khái niệm triết học không màu sắc, mùi vị và tồn tại ngoài ý muốn của con người. Dùng tâm hồn suy xét, thời gian là một vật thể hữu hình, có màu sắc hương vị riêng phụ thuộc vào người đang chiêm ngưỡng, đang nếm trải nó. Chả thế trong bài thơ Màu thời gian, thi sĩ Đoàn Phú Tứ viết: Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát. Bởi lúc đó thi sĩ nhìn thời gian dưới con mắt của người đang yêu, tình yêu đơn phương: Duyên trăm năm dứt đoạn/ Tình một thuở còn vương. Tùy tâm trạng mỗi người cảm nhận màu sắc và hương vị khác nhau. Hãy lấy Mùa xuân, thời gian đẹp nhất trong năm làm thí dụ. Trong tâm trạng rạo rực tình yêu, ông vua thơ tình Xuân Diệu nhìn thấy mùa xuân trong một màu hồng rực rỡ, ngập tràn hạnh phúc nóng bỏng: Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi. Chàng thi sĩ chân quê Nguyễn Bính đa tình với tâm hồn hồn nhiên, trong trẻo lại nhìn mùa xuân qua lá nõn nhành non ai tráng bạc và thấy mùa xuân là cả một màu xanh. Và trở lên, thi sĩ tượng trưng Đoàn Phú Tứ thấy màu mùa xuân tím ngát, trong khi thi sĩ siêu thực Hàn Mặc Tử lại nhìn thấy mùa xuân trong một gam màu kỳ lạ khác: Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng…

Thời gian được đánh dấu bằng bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, mỗi mùa có những đặc trưng riêng. Nếu mùa Xuân khởi đầu của một năm, mùa tái sinh của vạn vật và vũ trụ: chồi non nhú mơn mởn, trăm hoa đua nở, chim hót líu lo thì mùa Hè là mùa thu hoạch. Dưới cái nắng chói chang, lúa đã chín vàng gọi nhà nông ra đồng gặt hái: Lúa đã chín rồi/ ngày ngày nóng bức/ hẹn đến ngày mai/ ta đi ta gặt/ Tình ta cũng chín rồi/ tim ta cũng nóng bức/ mong em em yêu ơi/ em là người đến gặt (Petofi). Tùy theo hoàn cảnh và tâm trạng người ta đợi chờ xuân đến cũng khác nhau. Với chàng Xuân Diệu, sự đợi chờ vội vàng náo nức. Chàng thấy: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần, chàng muốn ôm: Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn. Đối với chàng: Tình không tuổi và xuân không ngày tháng. Trong khi Chế Lan Viên - thi sĩ cùng thời với chàng Xuân hờ hững với xuân sang: Tôi có chờ đâu có đợi đâu/ Đem chi xuân đến gợi thêm sầu. Chế chờ đợi mùa Thu mơ mộng u sầu như chính tâm trạng Chế: Ai ơi trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho ta những lá vàng/ Với những hoa thơm muôn cánh rã/ Về đây đem chắn nẻo xuân sang. Tuy nhiên, ai cũng thấy mỗi giây mỗi phút trôi qua cướp đi một phần của cuộc sống, của đời người. Thi sĩ Văn Cao nhận ra Thời gian qua kẻ tay/ Làm khô những chiếc lá. Xuân Diệu chua chát thốt lên: Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất, bởi: Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn/ Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại. Và theo quy luật của tự nhiên, Bác Hồ đã viết: Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng mùa xuân.

2. Mùa hoa

Xuân về, hoa đào rực nở xua đi cái giá rét miền Bắc. Khi mới lên bảy, đọc truyện tranh “sự tích hoa đào” nói rằng xưa hoa vốn nhiều cánh và sắc trắng. Một chinh phụ thêu khăn gửi chinh phu đang trấn ngoài Ải Bắc sợ chồng cảm lạnh cắn ngón tay lấy máu thêu những bông hoa lên, từ đó hoa nhuốm màu hồng đỏ và có hình năm cánh như năm ngón tay chụm lại. Chẳng biết bao nhiêu phần trăm sự thật trong câu chuyện này, chỉ biết rằng nó đã đi cùng tôi suốt sáu mươi mùa xuân qua.

Không biết quê hương gốc gác hoa đào ở đâu, nhưng chắc chắn nó đã xuất hiện trên đất nước ta từ lâu lắm rồi. Gần bảy trăm năm trước, Nguyễn Trãi (1380 - 1442) viết rất hay về loài hoa này: Một đóa đào hoa khéo tốt tươi/ Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười/ Đông phong hẳn có tình hay nữa/ Kín tiễn mùi hương dễ động người (Đào hoa). Một niềm tâm sự kín đáo u hoài. Trong tuyệt tác Truyện Kiều, có một câu thơ thường được nhắc đến: Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. Có thể Nguyễn Du (1765 - 1820) dịch từ câu thơ của Thôi Hộ đời Đường đào hoa y cựu tiếu đông phong, nhưng câu thơ của người Việt hóa đến mức không còn một dấu vết của đường thi; nó lột tả hết tâm trạng ngổn ngang của chàng Kim khi trở lại Vườn Thúy sau ba năm xa cách trước cảnh: trước sau nào thấy bóng người!

Hình dáng như hoa đào nhưng hoa mai vàng rực như sắc nắng phương Nam. Đây là loài hoa được nhắc đến nhiều trong thơ ca cổ điển Việt Nam. Gần một nghìn năm trước, thiền sư Mãn Giác Lý Trường (1052 - 1090) nhắc đến loài hoa này trong bài kệ “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người): Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai). “Cành mai này vượt khỏi không gian và thời gian. Nó vượt khỏi mọi định thể của con người, siêu vượt cả sự sống và lẽ chết. Đó là chân lý luân hồi đạo giới nhà Phật nhưng cũng là hy vọng của cõi nhân sinh và cũng chính là bản ngã đầy tính lạc quan của tác giả. Tính lạc quan này tạo sức sống cho bài thơ qua bao thế kỷ!” (Hà Quảng). Hoa mai tượng trưng cho khí tiết thanh cao của người quân tử. Bởi vậy, nhà thơ Cao Bá Quát - một nhà nho ngang tàng, khí phách một đời chưa biết cúi đầu trước mọi cường quyền cũng phải thừa nhận: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Một đời chỉ cúi trước hoa mai). Trong thi ca Việt Nam hiện đại, bài thơ Thướng sơn của Bác Hồ nói đến hoa mai được nhiều người yêu thích: Lục nguyệt nhị thập tứ/ Thướng đáo thử sơn lai/ Cử đầu hồng nhật tận/ Đối ngạn nhất chi mai. Nhà thơ Tố Hữu dịch: Hai mươi tư tháng sáu/ Lên ngọn núi này chơi/ Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối một nhành mai.

Còn hoa ban màu trắng như những đám mây bay bồng bềnh trên những dãy núi cao trùng điệp Tây Bắc. Rồi hoa mơ, hoa mận nở trắng Việt Bắc tạo nên bức tranh thổ cẩm rực rỡ muôn màu suốt một dải Bắc Nam.

Những ai có tuổi thơ gắn với vùng quê, hẳn rất nhớ hoa xoan (còn gọi là hoa sầu đông) với màu tím thủy chung tượng trưng cho tình yêu đôi lứa. Lại còn hoa chanh, hoa bưởi nở tím vườn nhà. Có một thời thơ viết hoa xoan, hoa chanh, hoa bưởi nhiều lắm, nhưng có lẽ người viết nhiều nhất hay nhất là thi sĩ chân quê Nguyễn Bính. Bài thơ nào ông viết về hoa xoan, hoa chanh, hoa bưởi cũng đầy ắp kỷ niệm với những mối tình trong sáng thủy chung, sao trên đầu tôi chỉ văng vẳng câu thơ Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời của nữ thi sĩ Anh Thơ? Có phải nông thôn đã đô thị hóa nên cây xoan phải nhường chỗ cho những hàng rào xi măng tương xứng với những ngôi nhà tầng, những biệt thự cao vút, hay lòng người đã khác xưa? Nhưng rồi tháng ba đến, hoa gạo thắp lửa báo một mùa hè với cái nắng chói chang, và thắp lên một niềm hy vọng mới.

3. Xuân về nhớ bạn

Những ngày cuối năm, đứng một mình trên tầng thượng phóng tầm mắt ra xa. Nhìn những cành xoan nẩy lộc đâm chồi, những nụ đào rực rỡ thắp lửa, không khỏi bồi hồi thương nhớ cố hương. Lần theo thang gác xuống phòng khách, bất chợt gặp cành mai vàng khoe sắc nắng vàng tươi, lòng bâng khuâng nhớ bạn bè cùng trang lứa. Và câu thơ của thi sĩ Thế Lữ lại hiện ra lung linh: Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy/ Cùng ngắm xuân về trên khóm mai.

Nhớ nhất các bạn thời thơ ấu. Với những tình cảm trong sáng hồn nhiên, đã cùng nhau lớn lên như măng mọc thẳng; cùng nhau chơi đùa, cùng nhau chăn trâu cắt cỏ rồi cùng nhau lên đường đánh giặc giữ nước. Giờ người còn kẻ mất, để lòng suốt đời khắc khoải khôn nguôi. Nhớ sao bạn cùng lớp cùng trường, đặc biệt các bạn xa nhà trọ học. Đã từng chia nhau củ khoai hạt gạo, từng chung một ngọn đèn một trang sách, từng thương nhau và đôi lứa phải lòng nhau, để lại một vết thương lòng khá sâu: mối tình đầu. Phần lớn thành danh trong sự nghiệp và hạnh phúc trong tình yêu; nhưng không ít bạn tài hoa mệnh bạc, bị các bệnh nan y cướp đi sinh mệnh khi tuổi đời rất trẻ: Bạn xưa người ngay thẳng/ Sóng dạt tận mù khơi/ Đứa tài hoa phận mỏng/ Ngọn cỏ xanh rợn trời. Nhớ sao các bạn đồng nghiệp thời thanh xuân với nhựa sống dồi dào và bao mơ ước cao vời. Ta đã thầm yêu trộm nhớ đôi người, và biết đâu có cô phải lòng ta. Tiếc rằng ngày ấy đang nuôi một hoài vọng, một khát khao: Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì vi núi sông (Nguyễn Công Trứ) nên không thể ghé bến hạnh phúc. Không biết bây giờ các bạn theo chồng theo con sống ở phương nào? Nhớ cả các bạn chưa từng gặp mặt, chỉ hiểu nhau, mến mộ nhau, yêu quý nhau qua mỗi bài toán, qua từng câu thơ. Vẫn biết: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, nhưng giá một lần mắt trong mắt, tay trong tay quý biết bao. Nhưng rồi: Tôi chỉ là người ước mơ thôi/ Là người mơ ước hão. Than ôi (Thế Lữ). Các bạn ơi! Giờ này các bạn ở đâu?

Một năm lăn lộn giữa cuộc đời, vì bát cơm manh áo, vì công danh sự nghiệp, vì khát vọng đam mê, bị dòng sông thời gian cuốn trôi về phía trước, mấy khi có giây phút thảnh thơi quay lại nhìn quá khứ. Giờ đây, trong phút giao thừa không khỏi nao lòng nhớ về các bạn với bao kỷ niệm ngọt ngào êm ái. Xin thắp một nén tâm nhang tưởng nhớ những người bạn đã đi vào cõi vĩnh hằng để báo rằng các bạn luôn ở trong trái tim tôi. Và cả bạn nữa, dù ở phương trời nào trên Tổ quốc thân yêu hay phiêu bạt xứ người, xin hãy cùng nhau giao cảm qua những câu thơ thấm đẫm tình người của nữ thi sĩ Đinh Thị Thu Vân trong giờ phút thiêng liêng này: Rồi sẽ có một ngày, sau tháng ngày dâu bể/ Chúng mình cùng ngoái lại để tìm nhau/ Ta nói yêu thương khi mắt đã đổi màu/ Bàn tay héo cầm lên cho ấm mãi.

4. Mùa hy vọng

Mùa Xuân khởi đầu một năm mới. Nắng ấm dần xua tan cái rét từ phương Bắc tràn xuống. Hạt mầm tý tách tách vỏ. Chồi non mở ra. Nụ hoa xòe cánh. Trên cành chim hót líu lo. Trên trời xanh những đàn chim tránh rét bay về. Con người như trẻ lại, phơi phới nét xuân sang. Một năm trôi qua với bao nhiêu khó khăn vất vả con người phải trải qua: Thiên tai dồn dập. Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế. Năm cũ đang qua, năm mới đang tới. Ta sửa sang bàn thờ gia tiên, dâng lên mâm ngũ quả tưởng nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ, không quên cặp bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho trời tròn đất vuông nhắc nhở mình con Lạc cháu Rồng. Bàn thờ Tổ quốc trang trí lại trang trọng hơn để tỏ lòng biết ơn những người anh hùng dựng nước, giữ nước đã dâng trọn đời mình cho non sông đất nước để mọi người có một cuộc sống thanh bình hôm nay.

Chúc mọi người rũ bỏ mọi ưu phiền để đón nhận một năm mới đầy ắp ánh sáng hy vọng.

L.Q.H  
(TCSH396/02-2022)



 

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Thư cuối năm (31/03/2023)
Các bài đã đăng
Nhớ mùa (06/01/2022)
Khi mùa thu sang (28/09/2021)
Cơn mưa Tân Mỹ (06/07/2021)
Cỏ xót xa tôi (21/05/2021)